VẤN ĐỀ 2 VỀ SỰ THỰC HỮU CỦA THIÊN CHÚA
Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.
MỤC 2 Phải chăng “Thiên Chúa hiện hữu” là điều có thể chứng minh?
NGHI VẤN. Hình như “Thiên Chúa hiện hữu” là điều không thể chứng minh. 1. Thiên Chúa thực hữu là một tín khoản. Nhưng những điều thuộc đức tin thì không thể chứng minh: chứng minh phát sinh trI thức, nhưng đức tin lại nhằm vào những điều ta không thấy, như thánh Tông đồ dạy. Cho nên “Thiên Chúa hiện hữu” là điều không thể chứng minh. 2. Trung hạn của một chứng minh là hạn từ cho biết chủ từ là chi. Nhưng chúng ta không thể khẳng định Thiên Chúa là Đấng nào, mà chỉ có thể phủ định những gì không phải là Thiên Chúa, như thánh Damasceno quả quyết. Cho nên chúng ta không thể chứng minh Thiên Chúa hiện hữu. 3. Nếu ta chứng minh Thiên Chúa hiện hữu thì chỉ có thể chứng minh bằng những công hiệu của Người. Nhưng những công hiệu của Thiên Chúa không cân xứng với Người. Thiên Chúa là Đấng vô hạn, còn những công hiệu thì hữu hạn: không có sự cân xứng giữa hữu hạn với vô hạn. Vậy vì không thể lấy công hiệu bất cân xứng để chứng minh nguyên nhân của nó, cho nên hình như không thể chứng minh Thiên Chúa hiện hữu. NHƯNG. Thánh Tông đồ nói: “Những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa... thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người”. Nhưng không thể nói được như thế nếu không thể chứng minh được “Thiên Chúa hiện hữu” qua những công trình của Người: Khi tìm hiểu về một vật thì trước tiên phải xác định xem có vật ấy chăng. LUẬN GIẢI. Có hai thứ chứng minh, một là bằng nguyên nhân, và gọi là chứng minh “vì sao”: đó là chứng minh bằng điều nguyên chúng có trước; hai là chứng minh bằng công hiệu, và gọi là chứng minh “bởi vì”: đó là chứng minh bằng những điều có trước trong lãnh vực nhận thức của chúng ta: như khi đối với chúng ta, một công hiệu hiển minh hơn nguyên nhân của nó thì ta nhờ công hiệu để nhận biết nguyên nhân. Như vậy, sự thực hữu của nguyên nhân có thể được chứng minh bởi bất cứ công hiệu nào (miễn là những công hiệu này hiển minh đối với chúng ta). Vì phi nguyên nhân bất thành hiệu quả, nên hễ có hiệu quả tất nhiên phải có nguyên nhân đã. Vậy vì “Thiên Chúa hiện hữu” là điều không tự hiển minh đối với chúng ta, nên có thể được chứng minh bởi những công hiệu hiển minh hơn đối với ta. GIẢI ĐÁP. 1. “Thiên Chúa hiện hữu” và những điều khác về Thiên Chúa mà lý trí tự nhiên có thể biết, như thánh Tông đồ nói, không phải là những tín khoản, nhưng là những khai đoạn đức tin, theo cách đó, đức tin hiểu ngậm kiến thức tự nhiên, như ân sủng hiểu ngậm tính tự nhiên, và sự hoàn thiện hiểu ngậm vật có thể được hoàn thiện. Nhưng không chỉ ngăn trở để ai đó vốn chưa biết cách chứng minh, chấp nhận như khả tín điều nguyên nó có thể được chứng minh và được nhận biết. 2. Khi lấy công hiệu để chứng minh nguyên nhân, nhất thiết phải dùng công hiệu thay cho định nghĩa của nguyên nhân để chứng minh sự thực hữu nguyên nhân: và điều này đặc biệt được áp dụng khi bàn về Thiên Chúa. Vì để chứng minh sự thực hữu của vật gì, cần phải lấy định nghĩa danh định, chứ không phải thực định, làm trung hạn: vì câu hỏi ‘vật ấy là gì đi sau câu hỏi có vật ấy chăng. Danh xưng của Thiên Chúa được các công hiệu đặt ra, như sẽ trình bày sau. Vì thế, khi chứng minh “Thiên Chúa hiện hữu” bằng công hiệu, chúng ta có thể lấy định nghĩa danh định của hạn từ Thiên Chúa làm trung hạn. 3. Mặc dầu nhờ công hiệu không cân xứng với nguyên nhân, chúng ta không thể biết hoàn bị về nguyên nhân; nhưng hiển nhiên là nhờ bất cứ công hiệu nào, chúng ta cũng có thể chứng minh là có nguyên nhân, như đã nói trên. Cho nên có thể nhờ những công hiệu mà chứng minh “Thiên Chúa hiện hữu”, mặc dầu nhờ những công hiệu ấy, không thể biết Thiên Chúa theo yếu tính của Người.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC