VẤN ĐỀ 3 VỀ SỰ ĐƠN THUẦN CỦA THIÊN CHÚA
Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.
MỤC 4 Phải chăng nơi Thiên Chúa yếu tính đồng nhất với hiện hữu?
NGHI VẤN. Hình như nơi Thiên Chúa yếu tính không đồng nhất với hiện hữu. 1. Nếu có sự đồng nhất thì không có gì thêm vào hữu thể Thiên Chúa. Hữu thể không có chi thêm vào là hữu thể phổ quát áp dụng cho mọi vật: nhiên hậu Thiên Chúa là hữu thể phổ quát có thể áp dụng vào mọi vật. Nhưng đó là điều sai lầm, theo lời sách Khôn ngoan: “họ đã lấy danh hiệu không thể dùng chung mà đặt cho đá, cho gỗ”. Cho nên sự hiện hữu của Thiên Chúa không đồng nhất với Thiên Chúa tính. 2. Chúng ta có thể biết Thiên Chúa hiện hữu, như đã chứng minh (vđ.2, m.2). Nhưng chúng ta không thể biết điều Thiên Chúa Cho nên sự hiện hữu của Thiên Chúa không đồng nhất với điều Thiên Chúa là, tức yếu tính hay bản tính của Người. NHƯNG. Thánh Hilario nói: “Hiện hữu nơi Thiên Chúa không phải là phụ thể, mà là chân lý lập hữu”. Cho nên điều lập hữu nơi Thiên Chúa là chính hữu thể của Người. LUẬN GIẢI. Phải nói rằng, Thiên Chúa không những là yếu tính của mình, như đã chứng minh (m.3), mà còn là hiện hữu của mình. Điều đó có thể được chứng minh nhiều cách. Một là, phàm chỉ có nơi vật nào mà không phải là yếu tính của nó thì phải phát sinh hoặc do những nguyên lý của yếu tính, như những thuộc tính loại biệt, chẳng hạn việc “biết cười” đi theo con người và phát sinh bởi những nguyên lý cốt yếu của loại; hoặc bởi ngoại căn nào, như nhiệt lực trong nước là do lửa. Vậy nếu chính hiện hữu của một vật khác với yếu tính của nó, thì hoặc phát sinh bởi ngoại căn nào đó hoặc bởi những nguyên lý cốt yếu. Nhưng hiện hữu không thể phát sinh bởi nguyên những nguyên lý cốt yếu: vì nếu vật nào đã được phát sinh, thì không thể là nguyên nhân hiện hữu của chính mình. Cho nên nơi vật nào mà hiện hữu của nó khác với yếu tính thì nhất thiết hiện hữu của nó phải do ngoại căn. Nhưng điều đó không đúng với Thiên Chúa, vì chúng ta đã quyết Thiên Chúa là tác căn đệ nhất. Cho nên tuyệt nhiên nơi Thiên Chúa, hiện hữu không thể khác với yếu tính. Hai là, vì hiện hữu là hiện thể của yếu tính hay của bản tính: quả thực, thiện tính hay nhân tính chỉ thực hữu nếu chúng đang ở trong hiện thể. Cho nên, trong trường hợp hiện hữu khác với yếu tính thì tương quan giữa hiện hữu và yếu tính cũng giống như hiện thể với tiềm thể. Nhưng nơi Thiên Chúa không có chi là tiềm thể, như đã chứng minh (m.1), nhiên hậu nơi Người yếu tính không khác với hiện hữu. Cho nên yếu tính Thiên Chúa là hiện hữu của Người. Ba là, như phàm chi có lửa mà không phải là lửa thì bốc lửa bởi thông dự lửa, thì phàm chi có hiện hữu mà không phải là chính hiện hữu thì là hữu thể do thông dự. Nhưng Thiên Chúa là chính yếu tính của mình, như đã chứng minh (m.3). Vậy nếu Thiên Chúa không phải là chính hiện hữu của mình thì ắt Người là hữu thể do thông dự chứ không do yếu tính. Nhiên hậu Người sẽ không phải là hữu thể đệ nhất; mà chủ trương như thế là mâu thuẫn. Cho nên Thiên Chúa là hiện hữu của mình, chứ không chỉ là yếu tính của mình mà thôi. GIẢI ĐÁP. 1. Mệnh đề “phàm hữu thể mà không có chi thêm vào” có thể hiểu theo hai cách: Một là, hiểu về những vật tự bản tính tẩy chay mọi thêm thắt, như đặc tính của động vật vô linh tính phải là vật không có lý trí. Hai là khi bản tính của nó không đòi thêm thắt gì vào: như động vật nói chung thì không có lý trí, vì bản tính của nó không đòi phải có hay không có lý trí. Vậy theo nghĩa thứ nhất, hữu thể không có gì thêm thắt là hữu thể Thiên Chúa; còn theo nghĩa thứ hai, hữu thể không có gì thêm thắt là hữu thể nói chung. 2. Tiếng esse, có hai nghĩa: lúc thì hiểu như hiện thể của hữu thể [esse = có, hiện hữu]; lúc thì hiểu là gạch nối của mệnh đề [esse = là, thì], mà trí khôn khám phá khi nối kết thuộc từ với chủ từ. Theo nghĩa thứ nhất, chúng ta không thể biết cách thức hiện hữu của Thiên Chúa cũng như không biết yếu tính của Người; nhưng theo nghĩa thứ hai thì biết, vì chúng ta biết mệnh đề mà chúng ta kiến tạo về Thiên Chúa là đúng, như khi ta nói: “Thiên Chúa thì thực hữu”. Vì ta biết điều đó do những công hiệu của Thiên Chúa như đã chứng minh (vđ.2, m.2).
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC