Triết học tôn giáo

Vấn đề 2. Về sự thực hữu của Thiên Chúa. Mục 3

 

VẤN ĐỀ 2

VỀ SỰ THỰC HỮU CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.


 

MỤC 3

Thiên Chúa có thực hữu chăng?

 

NGHI VẤN. Hình như Thiên Chúa không thực hữu.

1. Trong hai điều tương phản, hễ một điều là vô cùng, thì điều kia bị triệt tiêu hoàn toàn. Nhưng với hạn từ Thiên Chúa, ta hiểu đích thị là điều thiện vô cùng. Nếu Thiên Chúa thực hữu thì không còn điều ác nào nữa. Nhưng trong thế gian thấy có điều ác. Cho nên Thiên Chúa không thực hữu.

2. Vả lại, những chi có thể được hoàn thành do một số ít nguyên nhân thì không cần đến nhiều nguyên nhân. Vậy giả dụ Thiên Chúa không thực hữu thì hình như tất cả các vật xuất hiện trên thế giới đều có thể do những nguyên nhân khác làm ra: vì những điều tự nhiên thì quy về nguyên nhân của chúng là thiên nhiên; còn những điều tự do thì cũng quy về nguyên nhân của chúng là lý trí hay là ý muốn nhân loại. Cho nên không cần phải công nhận Thiên Chúa thực hữu.

NHƯNG. Trong sách Xuất hành Thiên Chúa tự nói về mình: “Ta là Đấng Tự Hữu”.

LUẬN GIẢI. Có thể chứng minh Thiên Chúa thực hữu bằng năm con đường. Con đường thứ nhất và minh bạch nhất căn cứ trên sự chuyển biến. Một điều chắc chắn mà giác quan có thể nghiệm thấy, đó là trong vũ trụ này có những vật chuyển biến. Nhưng phàm chi được chuyển biến là được chuyển biến do vật khác. Không chi được chuyển biến nếu không ở trong tiềm thể đối với đích mà nó được chuyển biến tới. Trái lại, làm biến chuyển điều gì thì tác căn phải ở trong hiện thể. Làm biến chuyển chẳng qua là đưa điều nào từ tiềm thể đến hiện thể: như vật nóng trong hiện thể, chẳng hạn lửa, làm cho vật nóng trong tiềm thể trở thành nóng trong hiện thể, và như vậy là làm biến chuyển và biến đổi nó. Cũng một điều không thể vừa ở trong tiềm thể và hiện thể một trật và theo cũng một khía cạnh, nhưng theo những khía cạnh khác nhau: như một vật không thể vừa nóng trong hiện thể lại vừa nóng trong tiềm thể một trật, nhưng có thể lạnh trong tiềm thể. Cho nên theo cũng một khía cạnh và dưới cũng một cách thức, một vật, không thể vừa là vật khả biến vừa là biến căn một trật, hay là tự chuyển biến chính mình. Cho nên phàm chi được chuyển biến đều do vật khác làm chuyển biến. Nhưng nếu vật làm chuyển biến vật này cũng do vật khác biến chuyển nữa, thì vật đó phải do vật thứ ba, và cứ thế cứ thế... Nhưng ở đây không thể có diễn tiến đến vô tận: chẳng vậy không có biến căn đệ nhất, vì những biến căn đệ nhị chỉ làm biến chuyển vì được chuyển biến bởi biến căn đệ nhất, như cây gậy không lay động nếu không được bàn tay lay động. Cho nên phải đi đến biến căn đệ nhất, không bị chuyển biển bởi chi hết: và biến căn này được hiểu là Thiên Chúa.

Con đường thứ hai căn cứ trên nguyên nhân tác thành. Trong các vật hữu hình ta thấy có trật tự của các tác căn: nhưng không thấy và cũng không thể thấy có vật nào là tác cặn của chính mình; chẳng vậy vật ấy đã thực hữu trước khi thực hữu, đó là điều không thể có. Vậy chuỗi các tác căn không thể diễn tiến đến vô tận. Vì trong mọi tác căn móc nối với nhau, tác căn đệ nhất là nguyên nhân của tác căn trung cấp, và tác căn trung cấp là nguyên nhân của tác căn sau cùng, dù tác căn trung cấp là một hay nhiều cũng vậy. Mà đã hủy bỏ nguyên nhân thì công hiệu cũng bị hủy bỏ. Vì thế nếu không có tác căn đệ nhất thì cũng không có tác căn sau cùng và trung cấp. Nếu chuỗi các tác căn diễn tiến đến vô tận thì sẽ không có tác căn đệ nhất; và như vậy cũng không có công hiệu sau cùng, cũng không có những tác căn trung cấp. Điều đó hiển nhiên là sai. Cho nên phải công nhận có tác căn đệ nhất, tác căn này được gọi là Thiên Chúa.

Con đường thứ ba căn cứ trên vật khả hữu và tất hữu. Con đường đó như sau. Trong các vật, chúng ta thấy có những vật có thể có và có thể không có: vì có những vật được sinh ra và bị hư hoại, và như vậy là có thể có và có thể không có. Nhưng những vật như thế không thể luôn luôn có: vì vật có thể không có thì có lúc không có. Nếu tất cả đều là những vật có thể không có, thì hẳn là có lúc không có vật nào hết. Và nếu điều đó là đúng thì hiện nay cũng chẳng có gì cả: vì vật chưa thực hữu chỉ bắt đầu thực hữu nhờ vật đang thực hữu. Bởi vậy, nếu đã không có hữu thể nào, thì không thể có chi đã bắt đầu hiện hữu, và như vậy hiện nay cũng không có chi cả. Điều đó hiển nhiên là sai. Cho nên mọi vật không thể đều là khả hữu, mà trong các vật phải có vật tất hữu. Những vật tất hữu này có được tính tất yếu hoặc nhờ nguyên nhân ngoại lai hoặc không. Và vì trong các vật tất yếu, có tính tất yếu nhờ nguyên nhân ngoại lai, không thể diễn tiến đến vô tận, như đã chứng minh về các tác căn. Cho nên phải công nhận có chi đó tất yếu tự thân, không do nguyên nhân nào khác, trái lại còn là nguyên nhân phát sinh sự tất yếu nơi các vật khác. Điều tất hữu tự thân này được gọi là Thiên Chúa.

Con đường thứ bốn căn cứ trên những cấp bậc hoàn bị có nơi các vật. Trong các vật, ta thấy có mức độ hơn kém về điều thiện, điều thật, điều cao nhã, v.v.. Nhưng mức độ hơn kém được gán cho các vật khác nhau tùy theo chúng tiếp cận cách khác nhau với một vật tuyệt đỉnh, chẳng hạn vật nóng hơn hệ tại tiếp cận với vật cực nóng. Vì vậy, phải có điều gì chân thật, thiện hảo và cao nhã tuyệt đỉnh, và do đó có hữu thể tuyệt đỉnh. Vì, như nhà Hiền triết đã nói: phàm chi là chân lý tuyệt đỉnh cũng phải là hữu thể tuyệt đỉnh. Vậy điều nào là tuyệt đỉnh trong một giống loại thì cũng là nguyên nhân của mọi vật thuộc giống loại ấy: như lửa cực nóng là nguyên nhân của mọi nhiệt lượng nơi các vật nóng, đó là điều được nhà Hiền triết nói tới trong cùng một tác phẩm. Cho nên có một hữu thể là nguyên nhân của sự hiện hữu, sự thiện hảo và mọi sự hoàn bị của tất cả các hữu thể. Hữu thể đó, chúng tôi gọi là Thiên Chúa.

Con đường thứ năm căn cứ trên sự cai quản vạn vật. Chúng ta thấy có những vật vô tri, như những vật thể tự nhiên, hoạt động vì mục đích: điều đó được giãi bày bởi sự kiện là chúng luôn luôn, hoặc thường hoạt động cách nhất mực để đạt được điều tuyệt hảo; như thế hiển nhiên chúng đạt tới đích không phải do tình cờ nhưng do chủ ý. Nhưng những vật vô tri chỉ hướng tới đích vì được định hướng bởi người hiểu biết và sáng suốt, như mũi tên bởi xạ thủ. Cho nên có hữu thể sáng suốt nào đó hướng dẫn mọi vật tự nhiên tới đích: và chúng ta gọi hữu thể đó là Thiên Chúa.

GIẢI ĐÁP

1. Như thánh Augustino nói: Vì Thiên Chúa là Đấng tuyệt hảo, nên tuyệt đối không làm ngơ cho xảy ra điều ác nào trong các công trình của Người, trừ phi Người là Đấng thật toàn năng và nhân lành, đến độ từ điều ác có thể rút tỉa ra điều thiện. Cho nên đặc tính của sự thiện hảo vô cùng nơi Thiên Chúa là làm ngơ cho xảy ra những điều ác, để từ đó rút tỉa ra những điều thiện.

2. Do sự định hướng của tác nhân cao cấp mà thiên nhiên hoạt động vì mục đích nhất định, thế nên những điều do thiên nhiên thực hiện phải quy về Thiên Chúa, như nguyên nhân đệ nhất. Cũng như những điều được thể hiện cách suy tính phải quy về nguyên nhân nào cao hơn. Nguyên nhân này không thể là trí tuệ và ý muốn nhân loại; vì trí tuệ và ý muốn đó hay thay đổi và khiếm khuyết. Cho nên mọi thứ khả biến và bất tất phải quy về nguyên lý đệ nhất bất khả biến và tất yếu, như đã được trình bày.

 


MỤC 2
VẤN ĐỀ 3 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt