Triết học tôn giáo

Vấn đề 3. Về sự đơn thuần của Thiên Chúa. Mục 1

 

 

VẤN ĐỀ 3

VỀ SỰ ĐƠN THUẦN CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.


 

Sau khi đã biết một vật thực hữu, để biết vật đó là chi, cần phải tìm hiểu xem vật đó hiện hữu như thế nào. Nhưng vì chúng ta không biết điều Thiên Chúa là, mà chỉ biết điều Thiên Chúa không là, do vậy chúng ta cũng không thể tìm hiểu Thiên Chúa hiện hữu như thế nào, mà chỉ có thể tìm hiểu Người không hiện hữu như thế nào. Cho nên trước hết phải tìm hiểu Người không hiện hữu như thế nào; thứ đến chúng ta nhận biết Người theo cách nào (vđ.12); sau hết, Người được mệnh danh như thế nào (vđ.13).

Nhưng có thể biết Thiên Chúa không là như thế nào bằng cách giải trừ khỏi Người những điều không phù hợp với Người, như sự phức hợp, sự chuyển biến và những điều tương tự như thế. Vì thế, trước hết chúng tôi bàn về sự đơn thuần của Người, qua đó giải trừ khỏi Người mọi thứ phức hợp. Mà vì những cái đơn thuần trong các vật thể thì khiếm khuyết và có thành phần, nên tiếp đến phải tìm hiểu sự toàn thiện của Thiên Chúa (vđ.4); thứ ba, về sự vô tận (vđ.7); thứ bốn về sự bất khả biến (vđ.9); thứ năm về sự đơn nhất của Người (vđ.11). Trong điểm thứ nhất phải bàn về tám mục:

1. Phải chăng Thiên Chúa là vật thể?

2. Phải chăng nơi Người có sự phức hợp của mô thể và chất thể? 

3. Phải chăng nơi Người có sự phức hợp của yếu tính hay bản tính và chủ thể?

4. Phải chăng nơi Người có sự phức hợp của yếu tính và hiện hữu? 

5. Phải chăng nơi Người có sự phức hợp của giống và dị điểm? 

6. Phải chăng nơi Người có sự phức hợp của chủ thể và phụ thể? 

7. Phải chăng Người là phức thể cách nào đó hay hoàn toàn đơn thuần?

8. Phải chăng Người có thể kết hợp với những vật khác?

 

MỤC 1

Phải chăng Thiên Chúa là vật thể?

 

NGHI VẤN. Hình như Thiên Chúa là vật thể.

1. Vật thể là thực tại có ba chiều. Mà ba chiều này được Thánh Kinh gán cho Thiên Chúa, như chép trong sách Gióp: “Đấng Toàn Năng cao hơn các tầng trời, liệu anh làm gì được, sâu thẳm hơn âm phủ, hỏi anh biết được gì, trải dài hơn cõi đất, rộng hơn cả biển sâu”. Cho nên Thiên Chúa là vật thể.

2. Phàm dạng thức của lượng. Mà hình như Thiên Chúa có hình dạng, như lời Thánh Kinh: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng". Vì hình ảnh là hình dạng, như thánh Tông đồ nói: “Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình dạng trung thực của bản thể Thiên Chúa”, nghĩa là hình ảnh. Cho nên Thiên Chúa là vật thể.

3. Phàm chi có phần thân thể là vật thể. Vậy Thánh Kinh gán cho Thiên Chúa những phần thân thể, vì sách Gióp nói: “Tay ngươi có mạnh như tay Thiên Chúa?”, và trong thánh vịnh: “Chúa để mắt nhìn người chính trực và lắng tai nghe tiếng họ kêu”; và “tay hữu Chúa ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao”. Cho nên Thiên Chúa là vật thể.

4. Vị thế chỉ phù hợp với vật thể. Nhưng những chi thuộc về vị thế thì Thánh Kinh lại gán cho Thiên Chúa: Ngôn sứ I-sai-a nói: “Tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao”; và “Đức Chúa đứng đó xét xử chư dân”. Cho nên Thiên Chúa là vật thể. . .

5. Không chỉ có thể là khởi điểm hay đích điểm của sự chuyển động nếu không phải là vật thể hay vật có yếu tố chất thể. Nhưng trong Thánh Kinh Thiên Chúa được gọi là đích điểm theo lời thánh vịnh: “hãy lại gần Chúa sẽ vui tươi hớn hở”; và là khởi điểm, vì có lời: “hết những ai lìa bỏ Ngài sẽ phải xấu hổ”. Cho nên Thiên Chúa là vật thể.

NHƯNG. Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa là thần linh”.

LUẬN GIẢI. Tuyệt nhiên Thiên Chúa không thể là vật thể, và ta có thể chứng minh điều đó ba cách: Một là, vì không vật thể nào chưa được chuyển biến lại làm biến chuyển vật khác, như thấy rõ khi nghiệm xét từng vật thể. Nhưng trên đây đã chứng minh rằng Thiên Chúa là biến căn đệ nhất bất khả biến. Vì thế hiển nhiên Thiên Chúa không phải là vật thể.

Hai là, hữu thể đệ nhất thì nhất thiết phải ở trong hiện thể và tuyệt nhiên không ở trong tiềm thể. Và mặc dầu nơi vật đã từ tiềm thể tiến sang hiện thể, thì tiềm thể có trước hiện thể về thời gian, nhưng xét cách tuyệt đối thì hiện thể có trước tiềm thể: vì vật ở trong tiềm thể chỉ nhờ hữu thể ở trong hiện thể mà tiến sang hiện thể. Trên kia đã chứng minh rằng Thiên Chúa là hữu thể đệ nhất. Nên tuyệt nhiên nơi Thiên Chúa không có chi ở trong tiềm thể. Mà mọi vật thể đều ở trong tiềm thể: vật thể liên tục, tự bản chất có thể được phân chia đến vô tận. Cho nên tuyệt nhiên Thiên Chúa không thể là vật thể...

Ba là, Thiên Chúa là hữu thể cao nhã nhất trong các hữu thể, như đã nói trên. Mà vật thể tuyệt nhiên không thể là hữu thể cao nhã nhất. Vật thể hoặc hữu sinh hay vô sinh. Hiển nhiên là vật hữu sinh thì cao nhã hơn vật thể vô sinh sống. Nhưng vật hữu sinh không sống vì là vật thể, chẳng vậy mọi vật thể đều sinh sống: cho nên phải sống bằng điều chỉ khác, như thân thể chúng ta sống nhờ linh hồn. Mà điều làm cho vật thể sống thì cao nhã hơn vật thể. Cho nên tuyệt nhiên Thiên Chúa không thể là vật thể.

GIẢI ĐÁP

1. Như đã nói trên, Thánh Kinh truyền đạt cho chúng ta những điều thiêng liêng và thần linh bằng hình ảnh của những vật thể. Cho nên khi gán cho Thiên Chúa ba chiều kích là Thánh Kinh có ý ám chỉ lượng quyền năng dưới hình ảnh của lượng vật thể; như vậy để nói về sự hiểu biết những điều sâu kín thì dùng chiều sâu; về sự trác tuyệt trên vạn vật thì dùng chiều chiều cao; còn về sự thực hữu lâu bền của Người thì dùng chiều dài. Hay như Dionysio nói: “nhờ sự sâu thẳm để chỉ bản tính khôn dò của Người; nhờ chiều dài để chỉ sức mạnh xông pha của Người, thấu suốt mọi vật; nhờ chiều rộng để chỉ sự siêu phổ cập của Người đến mọi vật, nghĩa là mọi vật đều được bao gồm dưới sự che chở của Người.

2. Dù Thánh Kinh có chép rằng, con người được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa, thì không phải về mặt thân thể, mà về điều làm cho con người trổi vượt trên thú vật, cho nên trong sách Sáng thế, sau khi đã nói: “Chúng ta hãy làm ra con người giống hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta”, thì thêm rằng “để quản trị cá biển”... Vì thế con người trổi vượt trên thú vật về lý trí và trí hiểu. Cho nên con người được giống hình ảnh Thiên Chúa theo lý trí và trí hiểu, là những gì phi vật thể.

3. Trong Thánh Kinh, các phần thân thể được gán cho Thiên Chúa, vì những hoạt động của chúng có phần giống như hoạt động thần linh. Như hoạt động của con mắt là trông nhìn, nên con mắt được gán cho Thiên Chúa để chỉ sức trông nhìn bằng trí hiểu của Người chứ không phải bằng giác quan. Về những phần khác cũng thế.

4. Cũng phải nói như vậy về những điều liên can đến vị thế, là những điều được gán cho Thiên Chúa do sự tương tự nào đó: như nói Thiên Chúa ngồi là chỉ sự bất khả biến và quyền hành của Người; Thiên Chúa đứng là chỉ sự dũng mãnh của Người để chiến thắng tất cả những chỉ chống đối Người.

5. Vì Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, nên không ai đến với Người bằng những bước chân, mà bằng những tâm tình, và cũng xa lìa Người như thế. Do đó việc đến gần và lìa xa, theo kiểu đổi chỗ, ám chỉ những tâm tình của con người.

 


MỤC 2

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt