Triết học tôn giáo

Vấn đề 3. Về sự đơn thuần của Thiên Chúa. Mục 5

 

VẤN ĐỀ 3

VỀ SỰ ĐƠN THUẦN CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.


 

MỤC 5

Thiên Chúa có thuộc về một giống nào chăng?

 

NGHI VẤN. Hình như Thiên Chúa thuộc về một giống nào

1. Bản thể là hữu thể tự lập hữu. Điều đó rất phù hợp với Thiên Chúa. Cho nên Thiên Chúa thuộc về giống bản thể.

2. Vật nào cũng được đo lường bởi vật khác thuộc cùng một giống, như các chiều dài được đo lường bởi đơn vị chiều dài, các số liệu bởi con số. Nhưng Thiên Chúa là mực thước của mọi bản thể, như nhà chú giải cuốn X Siêu hình nói. Cho nên Thiên Chúa thuộc về giống bản thể.

NHƯNG. Theo cách ta hiểu biết, giống thì có trước điều được gồm thâu trong giống. Nhưng không chỉ có trước Thiên Chúa, trong thực tế cũng như trong hiểu biết của ta. Cho nên Thiên Chúa không thuộc về giống nào hết.

LUẬN GIẢI. Một vật có thể gồm thâu trong một giống theo hai cách: Một là cách đơn thuần và sát nghĩa, như loại gồm trong giống. Hai là cách quy kết, như những khởi điểm và những khuyết phạp: chẳng hạn như những điểm và những đơn vị xét như khởi điểm thì quy về giống của chúng là lượng; tật mù và mọi khuyết phạp thì quy về giống của chúng là tập quán. Nhưng Thiên Chúa không gồm thâu trong giống theo bất kỳ cách nào.

Thiên Chúa cũng không thể là loại của giống nào cả, và ta có thể chứng minh ba cách. Một là, vì loại được cấu thành bởi giống và dị điểm loại biệt. Điều ta lấy như dị điểm để làm nên loại, thì tương quan với điều làm nên giống như hiện thể với tiềm thể [như khi định nghĩa con người], ý niệm “động vật” được trừu xuất bởi vật cụ thể có bản tính cảm giác, vì ta hiểu động vật là vật có bản tính cảm giác, còn ý niệm “có lý trí” thì trừu xuất bởi vật có bản tính lý trí, vì “có lý trí” là vật có lý tính: lý trí so sánh với cảm giác thì như hiện thể với tiềm thể. Về các vật khác cũng vậy. Vậy bởi vì nơi Thiên Chúa không hề có tiềm thể nào cả, cho nên tuyệt nhiên Thiên Chúa không thể là loại thuộc về giống nào.

Hai là, vì hiện hữu của Thiên Chúa thì đồng nhất với yếu tính của Người, như đã chứng minh (m.4), nếu Thiên Chúa gồm thâu trong giống nào, thì giống ấy phải là hữu thể: Bởi lẽ giống ám chỉ yếu tính của mỗi vật, vì là thuộc từ cốt yếu của nó. Nhưng nhà Hiền triết đã dạy, hữu thể không thể là giống của vật gì hết: vì hễ là giống thì có những dị điểm ở ngoài yếu tính của giống, mà không thể tìm thấy một dị điểm nào ở ngoài hữu thể, “phi hữu thể” không thể là dị điểm. Nên phải kết luận rằng, Thiên Chúa không thuộc về một giống nào.

Ba là, những chi thuộc về một giống thì đều có một cốt tính hay yếu tính như giống ấy, vì là thuộc từ cốt yếu của chúng. Nhưng khác nhau về hiện hữu: hiện hữu của người thì khác với hiện hữu của ngựa, của người này thì khác với của người kia. Như thế tất cả những chi thuộc cùng một giống thì nơi chúng hiện hữu phải khác với cốt tính, hay yếu tính. Nhưng nơi Thiên Chúa yếu tính và hiện hữu không khác nhau, như đã chứng minh (m.4). Cho nên hiển nhiên Thiên Chúa không phải là loại gồm thâu trong giống,

Do đó hiển nhiên là Thiên Chúa không có giống và những dị điểm; Người cũng không thể được định nghĩa; cũng không thể chứng minh gì về Người nếu không nhờ công hiệu: định nghĩa được hình thành bởi giống và dị điểm; còn trung hạn để chứng minh là định nghĩa.

Đàng khác, Thiên Chúa, xét như nguyên khởi, không thuộc về giống theo lối quy kết. Điều này cũng hiển nhiên, nếu chúng ta lưu ý rằng khởi điểm được quy kết vào một giống nào thì không vượt ra ngoài giống ấy; như điểm chỉ là khởi điểm của lượng liên tục, và đơn vị chỉ là khởi điểm của lượng gián đoạn. Nhưng Thiên Chúa là nguyên khởi của mọi hữu thể, như sẽ thấy sau. Cho nên, xét như nguyên khởi, Thiên Chúa không bị gồm thâu trong giống nào.

GIẢI ĐÁP

1. Hạn từ bản thể không chỉ có nghĩa là hữu thể tự lập hữu mà thôi: vì hữu thể xét như hữu thể, không thể là giống, như đã nói trên (lg), mà hạn từ ấy còn có nghĩa là yếu tính có sở năng hiện hữu nhất định, nghĩa là tự lập hữu; nhưng hiện hữu ấy không đồng nhất với chính yếu tính. Như vậy hiển nhiên Thiên Chúa không thuộc về giống bản thể.

2. Sở dĩ có nghi vấn ấy là vì người ta đã hiểu về mực thước tương hợp, và hiển nhiên là mực thước phải tương hợp với vật được đo lường. Nhưng Thiên Chúa không phải là mực thước tương hợp với bất cứ vật nào. Người được coi là mực thước của mọi vật, hiểu theo nghĩa vật nào càng gần Người thì càng hiện hữu ở cấp độ cao hơn.

 


MỤC 6
MỤC 4

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt