Triết học tôn giáo

Vấn đề 3. Về sự đơn thuần của Thiên Chúa. Mục 8

 

VẤN ĐỀ 3

VỀ SỰ ĐƠN THUẦN CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.


 

MỤC 8

Thiên Chúa có là thành tố của những vật khác chăng?

 

NGHI VẤN. Hình như Thiên Chúa là thành tố của những vật khác.

1. Dionysio nói: “Thiên Chúa tính, hữu thể trác tuyệt, là hữu thể của mọi hữu thể”. Nhưng hữu thể của mọi hữu thể thì là thành tố của mỗi hữu thể. Cho nên Thiên Chúa là thành tố của các vật khác.

2. Thiên Chúa là mô thể, vì thánh Augustino nói: Ngôi Lời (là Thiên Chúa) là mô thể không được mô thể hóa. Nhưng mô thể là thành phần của một phức thể. Cho nên Thiên Chúa là thành phần của phức thể nào đó.

3. Phàm những vật hiện hữu mà không khác nhau chi hết thì đồng nhất với nhau. Nhưng Thiên Chúa và chất thể đệ nhất đều hiện hữu và không khác nhau chi hết. Cho nên hoàn toàn đồng nhất. Nhưng chất thể đệ nhất là thành tố của các vật. Cho nên Thiên Chúa cũng vậy. Chứng minh tiểu tiền đề: Phàm chi khác nhau thì đều khác nhau vì những dị điểm, và do đó phải là những phức thể; mà Thiên Chúa với chất thể đệ nhất thì hoàn toàn đơn thuần. Cho nên không khác biệt nhau chi hết.

NHƯNG. Dionysio nói: “Ta không thể chạm đến Người (Thiên Chúa), Người cũng chẳng có gì chung với những thành phần của vật được pha trộn” — Đàng khác cũng thấy trong sách về các Căn nguyên, căn nguyên đệ nhất ngự trị trên vạn vật mà không hỗn hợp với chúng.

LUẬN GIẢI. Về vấn đề này có ba lạc thuyết. Theo thánh Augustino, có người cho rằng Thiên Chúa là hồn của thế giới, và phải liệt vào nhóm này những người chủ trương Thiên Chúa là hồn của tầng trời thứ nhất. Người khác cho rằng Thiên Chúa là yếu tố mô thể của mọi vật, và người ta cho rằng đây là ý kiến của nhóm Almario. Lạc thuyết thứ ba là của David de Dinando, chủ trương cách rất u mê rằng Thiên Chúa là chất thể đệ nhất. Quả nhiên tất cả những ý kiến trên đều sai lạc: Tuyệt nhiên Thiên Chúa không thể là thành tố của vật nào, không thể là nguyên lý mô thể, cũng không thể là nguyên lý chất thể.

Một là, vì trên đây (vđ.2) chúng tôi đã nói Thiên Chúa là tác căn đệ nhất. Nhưng tác căn không đồng nhất về số, mà chỉ đồng nhất về loại với mô thể của công hiệu; như người này sinh ra người khác. Thế mà, chất thể chẳng những không đồng nhất về số, lại cũng chẳng đồng nhất về loại với tác căn, vì chất thể ở trong tiềm thể, còn căn nguyên thì ở trong hiện thể.

Hai là, vì Thiên Chúa là tác căn đệ nhất, đặc tính của Người là tác căn tự thân đệ nhất. Nhưng phàm chi là thành phần của một phức thể thì không thể là tác căn tự thân đệ nhất, phức thể mới là tác căn ấy, như không phải tay hành động, mà là con người hành động bằng tay, cũng như lửa hâm nóng bằng nhiệt lực. Cho nên Thiên Chúa không thể là thành tố của phức thể nào cả.

Ba là, không thành phần nào của một phức thể lại là hữu thể thứ nhất tuyệt đối trong các hữu thể; kể cả mô thể và chất thể là yếu tố thứ nhất của phức thể cũng không. Vì chất thể thì ở trong tiềm thể; mà tiềm thể xét cách đơn thuần, thì có sau hiện thể, như đã nói trên (m.1). Còn mô thể trong phức thể là mô thể được thông dự; như vật có điều gì do thông dự phải hiện hữu sau vật có điều ấy do yếu tính, thì điều được thông dự cũng vậy, như lửa nơi những vật được bốc lửa thì có sau lửa do yếu tính. Nhưng chúng ta đã chứng minh Thiên Chúa là hữu hữu thể đệ nhất thuần túy.

GIẢI ĐÁP

1. Thiên Chúa tính là hữu thể của mọi vật, vì là căn nguyên tác thành và mô biểu của mọi vật, nhưng không phải là căn nguyên mô thể của chúng.

2. Ngôi Lời là mô biểu, chứ không phải là mô thể - thành phần của phức thể.

3. Những vật đơn thuần không phân biệt nhau do những dị điểm: đây là đặc tính của những phức thể. Như người và ngựa phân biệt nhau ở những dị điểm là có lý trí và không có lý trí; nhưng về phần mình các dị điểm ấy không còn được phân biệt bởi những dị điểm khác nữa. Bởi thế, nếu muốn hiểu theo sát nghĩa, thì nói đúng ra không phải là phân biệt nhau mà là khác biệt nhau. Vì theo nhà Hiền triết, khác biệt nhau là theo nghĩa tuyệt đối, còn phân biệt nhau là khác nhau về khía cạnh nào đó. Cho nên, nếu muốn nói cho sát nghĩa, thì giữa Thiên Chúa và chất thể đệ nhất không có sự phân biệt mà chỉ có sự khác biệt. Do đó không đồng nhất với nhau.

 


VẤN ĐỀ 4
MỤC 7

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt