Triết học tôn giáo

Vấn đề 4. Về sự hoàn bị của Thiên Chúa. Mục 3

 

VẤN ĐỀ 4

VỀ SỰ HOÀN BỊ CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.


 

MỤC 3

Phải chăng có thể có vật thụ tạo nào

giống Thiên Chúa?

 

NGHI VẤN. Hình như không vật thụ tạo nào có thể giống Thiên Chúa.

1. Trong Thánh vịnh 95, 8 có nói: “Không một thần minh nào giống như Ngài, Lạy Chúa”. Mà trong các vật thụ tạo, thì cao trọng nhất là các “thần minh” do thông dự. Cho nên càng không thể nói là các vật thụ tạo khác giống như Thiên Chúa.

2. Sự giống nhau là một thứ so sánh. Nhưng không có sự so sánh, và càng không thể có sự giống nhau giữa các vật thuộc những giống khác nhau, cho nên chúng ta không nói vị ngọt thì giống như sắc trắng. Mà không một vật nào ở trong cùng một giống với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa không thuộc về giống nào cả, như đã chứng minh (vđ.3, m.5). Cho nên không vật thụ tạo nào giống Thiên Chúa.

3. Ta nói những vật tương hợp nhau về mô thể là những vật giống nhau. Nhưng không chỉtương hợp với Thiên Chúa về mô thể: chỉ nơi Thiên Chúa yếu tính mới đồng nhất với chính hiện hữu, chứ không phải nơi vật nào khác. Cho nên không có vật thụ tạo nào có thể giống Thiên Chúa.

4. Trong các vật giống nhau thì sự giống nhau có tính chất giao hỗ: vì phàm đã giống là giống với vật giống mình. Vậy nếu có vật thụ tạo nào giống Thiên Chúa thì Thiên Chúa cũng phải giống như vật thụ tạo nào đó. Điều đó tương phản với lời I-sai-a: “Các ngươi đem Thiên Chúa sánh với ai?

NHƯNG. Sách Sáng thế chép: Chúng ta hãy làm ra con người giống như ta, và thánh Gioan: “Khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người”.

LUẬN GIẢI. Sự giống nhau phát sinh do sự tương hợp hay là thông dự về mô thể, cho nên có nhiều thứ giống nhau tùy theo những cách thức tương hợp về mô thể. Có những vật giống nhau vì thông dự trong cũng một mô thể, theo cũng một lý tính và cũng một cách thức: những vật này không những giống nhau, lại còn giống hệt nhau, như hai vật đều trắng như nhau được gọi là giống nhất. Có hệt nhau về màu trắng, và đây là sự giống nhau hoàn t thể, theo những vật giống nhau vì hiệp thông trong cũng một mô cũng một lý tính, nhưng không theo cũng một cách thức, mà theo mức độ hơn kém: như vật trăng trắng được cho là giống vật trắng phau. Và đây là sự giống nhau cách khiếm khuyết. Thứ ba, ta nói những vật giống nhau khi thông dự trong cũng một mô thể, nhưng không theo cũng một lý tính, như thấy trong các tác căn dị nghĩa. Vì mọi tác nhân, theo tư cách là tác nhân, khi hoạt động đều phát sinh điều giống như mình; mà mọi tác nhân đều hoạt động theo mô thể của mình, tất nhiên nơi công hiệu phải có điều gì giống với mô thể của tác nhân. Vì thế, nếu tác nhân đồng loại với công hiệu, thì sự giống nhau giữa tác nhân và công hiệu sẽ là sự giống nhau về mô thể, theo cũng một lý tính loại định, như người sinh ra người. Nếu tác nhân không đồng loại với công hiệu, thì sự giống nhau sẽ không theo một lý tính loại định, chẳng hạn những vật được phát sinh do năng lực mặt trời, có phần giống với mặt trời, nhưng không phải như thông dự mô thể loại định của mặt trời, mà chỉ như thông dự yếu tố giống định.

Do đó, nếu thứ tác nhân nào không thuộc về một giống nào hết, thì công hiệu chỉ giống mô thể của thừa tác ấy cách xa xa: vì không thông dự mô thể của thừa tác theo cũng một lý tính loại định hoặc giống định, mà chỉ theo một thứ loại suy, như chính hiện hữu là điều chung của mọi vật. Và theo cách này tất cả những vật do Thiên Chúa tạo thành, vì là hữu thể, thì giống Thiên Chúa là nguyên lý đệ nhất và phổ quát của toàn thể hiện hữu.

GIẢI ĐÁP.

1. Như Dionysio đã nói, khi Thánh Kinh nói có điều không giống Thiên Chúa thì hoàn toàn không có nghĩa là không có chi giống Người. Cũng một vật vừa giống lại vừa khác Thiên Chúa: giống vì bắt chước theo mức độ có thể bắt chước Đấng không chỉ có thể hoàn toàn bắt chước được; khác vì thua kém hẳn căn nguyên của mình: không những theo cường độ hơn kém, như vật trắng ít và vật trắng nhiều; nhưng vì không tương hợp về loại và giống.

2. Không thể so sánh Thiên Chúa với các vật thụ tạo như so sánh những vật thuộc các giống khác nhau, nhưng phải coi như ở ngoài mọi giống, và là nguyên lý của các giống ấy.

3. Vật thụ tạo giống với Thiên Chúa không do sự thông hiệp về mô thể theo cũng một lý tính giống định và loại định, nhưng theo loại suy mà thôi: nghĩa là Thiên Chúa là hữu thể do yếu tính, còn các vật khác thì do thông dự.

4. Dù có thể chấp nhận rằng, vật thụ tạo có phần giống Thiên Chúa, nhưng tuyệt nhiên không thể chấp nhận rằng Thiên Chúa giống vật thụ tạo, vì như Dionysio nói: sự giống nhau chỉ hỗ tương giữa các vật thuộc cùng một lãnh vực, nhưng không phải giữa căn nguyên và công hiệu: vì chúng ta nói hình ảnh thì giống con người, chứ không ngược lại. Cũng vậy có thể nói vật thụ tạo giống Thiên Chúa, chứ không nói Thiên Chúa giống vật thụ tạo.

 


VẤN ĐỀ 5
MỤC 2

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt