VẤN ĐỀ 5 VỀ ĐIỀU THIỆN NÓI CHUNG
Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.
MỤC 2 Phải chăng theo lý định điều thiện có trước hữu thể?
NGHI VẤN. Hình như theo lý định điều thiện có trước hữu 1. Trật tự của các danh xưng tùy thuộc vào trật tự của các vật được biểu thị bằng các danh xưng. Nhưng trong các danh xưng của Thiên Chúa, Dionysio đã đặt điều thiện trước hữu thể. Cho nên theo lý định điều thiện có trước hữu thể. 2. Theo lý định phàm chi bao trùm nhiều vật hơn thì có trước. Nhưng điều thiện thì bao trùm nhiều vật hơn hữu thể, như Dionysio nói: điều thiện bao trùm cả những vật hiện hữu và không hiện hữu, còn hữu thể chỉ bao trùm những vật hiện hữu. Cho nên theo lý định, điều thiện thì có trước hữu thể. 3. Theo lý định, phàm chi phổ quát hơn thì có trước. Nhưng hình như điều thiện thì phổ quát hơn hữu thể: vì cốt tính của điều thiện là đáng được ham muốn; thậm chí đối với một số người, chính phi hữu thể lại đáng ham muốn, như Tin Mừng thánh Mátthêu nói về Giuđa: “thà người đó đừng sinh ra thì hơn”. Cho nên điều thiện thì có trước hữu thể. 4. Chẳng những hiện hữu, lại cả sự sống, sự thông thái và những điều tương tự như thế cũng đáng ham muốn; vì thế hình như hiện hữu chỉ là điều đặc thù đáng ham muốn, và điều thiện mới là điều phổ quát đáng ham muốn. Cho nên theo lý định, điều thiện thì đơn thuần có trước hữu thể. NHƯNG. Sách Về Các Căn Nguyên nói: Điều trước tiên trong các vật thụ tạo là hữu thể. LUẬN GIẢI. Theo lý định, hữu thể thì có trước điều thiện. Quả thực, điều được biểu thị qua danh xưng là điều trí khôn quan niệm về sự vật và biểu lộ qua ngôn từ. Vì thế theo lý định, điều có trước là điều trí khôn quan niệm trước. Nhưng điều trí khôn quan niệm trước tiên là hữu thể: vì như đã chép trong sách Siêu hình, phàm chi càng ở trong hiện thể càng có thể được nhận biết. Cho nên hữu thể là đối tượng riêng của trí khôn, và vì thế là điều được hiểu biết trước tiên, cũng như thanh âm là điều được thính giác tiếp nhận trước tiên. Cho nên theo lý định, hữu thể có trước điều thiện. GIẢI ĐÁP. 1. Khi Dionysio bàn về những danh xưng của Thiên Chúa, thì phải hiểu những danh xưng ấy nói lên tương quan nhân quả; chính Dionysio giải thích: ta dùng những vật thụ tạo để gọi tên Thiên Chúa, như dùng những công hiệu để đặt tên cho căn nguyên. Mà cốt tính của điều thiện là đáng được ham muốn, nên điều thiện tác động như căn nguyên mục đích: mà tác động của mục đích là tác động thứ nhất, vì mọi tác nhân hoạt động đều hoạt động vì mục đích, và nhờ tác nhân mà chất liệu được phối hợp với mô thể, cho nên mục đích được gọi là căn nguyên của mọi căn nguyên. Vì thế, xét như căn nguyên điều thiện có trước hữu thể, như mục đích có trước mô thể: vì lẽ đó, trong các danh xưng ám chỉ hoạt động của Thiên Chúa, thì điều thiện được đặt trước hữu thể. Vả lại, vì không phân biệt chất thể với sự khuyết phạp, nhóm Platon chủ trương chất thể là phi hữu thể, cho nên theo họ nhiều vật thông dự điều thiện hơn là thông dự hữu thể. Vì chất thể đệ nhất thông dự điều thiện khi ham muốn nó (các vật chỉ ham muốn điều giống như mình), nhưng không thông dự hữu thể, vì chất thể đệ nhất được coi là phi hữu thể. Vì thế Dionysio nói: điều thiện thì bao trùm cả những vật không hiện hữu. 2. Như thế cũng đã giải đáp nghi vấn thứ hai. Hoặc phải nói rằng điều thiện bao trùm những vật hiện hữu và những vật không hiện hữu, nhưng không hiểu điều thiện như thuộc tính mà theo lối nhân quả. Vậy, không hiện hữu ở đây không hiểu về những vật tuyệt đối không có, mà hiểu về những hiện hữu trong tiềm thể chứ không hiện hữu trong hiện thể. Vì lẽ cốt tính của điều thiện là mục đích, nơi yên nghỉ mà chẳng những những vật ở trong hiện thể, lại cả những vật ở trong tiềm thể cũng hướng về. Trái lại, hữu thể chỉ mang đặc tính của căn nguyên mô thể, chẳng kỳ là mô thể nội tại hay là mô biểu: tác động của nó chỉ bao trùm những vật ở trong hiện thể. 3. Sự không hiện hữu không phải là điều nguyên nó đáng ham muốn, mà do ngẫu trừ: nghĩa là sự cất bỏ điều ác là việc đáng ham muốn, mà điều ác ấy chỉ được cất bỏ bởi không hiện hữu. Còn sự cất bỏ điều ác chỉ đáng ham muốn vì do điều ác ấy người ta thiếu thứ hiện hữu nào đó. Cho nên hiện hữu là điều nguyên nó đáng ham muốn, còn không hiện hữu chỉ đáng ham muốn do ngẫu trừ, nghĩa là vì con người ham muốn một dạng hiện hữu nào đó, mà họ không muốn thiếu. Và như thế do ngẫu trừ phi hữu thể được gọi là điều thiện. 4. Sự sống, kiến thức và những điều tương tự như thế được ham muốn xét như chúng ở trong hiện thể: thành thử trong mọi sự bao giờ cũng có dạng hiện hữu nào đó được ham muốn. Cho nên không chỉ đáng ham muốn nếu không phải là hữu thể: và nhiên hậu không chi là thiện hảo nếu không phải là hữu thể.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC