Triết học tôn giáo

Vấn đề 5. Về điều thiện nói chung. Mục 1

 

VẤN ĐỀ 5

VỀ ĐIỀU THIỆN NÓI CHUNG

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.


 
 

Tiếp đến bàn về điều thiện: và trước hết về điều thiện nói chung; rồi về điều thiện của Thiên Chúa (vđ. 6). Về vấn đề thứ nhất, phải tìm hiểu sáu điều.

1. Phải chăng điều thiện, theo thực định, đồng nhất với hữu thể?

2. Nếu như điều thiện và hữu thể chỉ khác nhau theo lý định, thì điều nào có trước theo lý định?

3. Nếu như hữu thể có trước thì phải chăng mọi hữu thể đều là điều thiện? nào?

4. Điều thiện, theo cốt tính, phải được qui vào loại căn nguyên nào?

5. Phải chăng lý tính của điều thiện hệ tại cách thức, loại và trật tự?

6. Phải chăng điều thiện được phân chia thành đoan chính, hữu ích và khoái lạc?

 

MỤC 1

Phải chăng điều thiện, theo thực định, khác với hữu thể?

 

NGHI VẤN. Hình như điều thiện, theo thực định, khác với hữu thể.

1. Boetio đã viết: “Tôi thấy trong thế giới các vật, một vật có xét như hiện hữu khác với có xét như điều thiện”. Cho nên theo thực định điều thiện và hữu thể thì khác nhau.

2. Không chi lại làm mô thể cho chính mình. Nhưng điều thiện được quan niệm như mô thể của hữu thể, như thấy trong tập chú giải sách Về Các Căn Nguyên. Cho nên theo thực định điều thiện thì khác với hữu thể.

3. Điều thiện thì có cấp độ, còn hữu thể thì không. Cho nên theo thực định, điều thiện và hữu thể thì khác nhau.

NHƯNG. Thánh Augustino viết trong sách Giáo lý Ki-tô giáo: Chúng ta hiện hữu chừng nào thì thiện hảo chừng ấy.

LUẬN GIẢI. Điều thiện và hữu thể đồng nhất với nhau theo thực định, nhưng khác nhau theo lý định. Đó là điều dễ hiểu. Cốt tính của điều thiện là điều đáng được ham muốn, vì thế nhà Hiền triết nói rằng: “điều thiện là điều mọi vật đều ham muốn”. Hiển nhiên là điều gì càng hoàn bị thì càng đáng được ham muốn: vì mọi vật đều ham muốn sự hoàn bị của mình. Nhưng phàm chi càng ở trong hiện thể thì càng hoàn bị: cho nên hiển nhiên là phàm chi càng là hữu thể thì càng thiện hảo: hiện hữu là hiện thể tính của mọi vật, như đã nói trên (vđ.3, m.4vđ. 4, m.1 gđ.3). Cho nên hiển nhiên là điều thiện và hữu thể thì đồng nhất theo thực định: nhưng điều thiện gợi lên khía cạnh đáng được ham muốn, còn hữu thể thì không.

GIẢI ĐÁP.

1. Điều thiện và hữu thể tuy đồng nhất với nhau theo thực định, nhưng khác nhau theo lý định, cho nên khi nói một vật là điều thiện đơn thuần hay hữu thể đơn thuần thì không theo cùng một cách thức. Vì hữu thể có nghĩa là ở trong hiện thể; mà theo đúng nghĩa hiện thể là xét trong tương quan với tiềm thể: như thế khi nói cách đơn thuần vật nào là hữu thể thì trước hết ta phân biệt vật ấy với vật chỉ có trong tiềm thể mà thôi. Nhưng đây là hữu thể bản thể của mỗi vật, cho nên do hữu thể bản thể mà mỗi vật được gọi là hữu thể đơn thuần. Nhưng do những điều phụ thêm mà một vật được gọi là hữu thể theo khía cạnh nào đó, như trắng bạch là hiện hữu theo khía cạnh nào đó, vì trắng bạch không đơn thuần cất trạng thái tiềm thể: nó phẩm định một vật đã thực sự ở trong hiện thể rồi. Nhưng điều thiện bao hàm khía cạnh hoàn bị, là điều đáng được ham muốn, nhiên hậu gợi lên ý niệm về sự hoàn bị tối hậu. Vì thế điều hoàn bị tối hậu là điều thiện đơn thuần. Còn phàm chỉ không có sự hoàn bị tối hậu mà lẽ ra phải có, thì dù có sự hoàn bị nào đấy, vì ở trong hiện thể, cũng không thể nói là hoàn bị đơn thuần, hoặc điều thiện đơn thuần, mà chỉ theo khía cạnh nào đó. Như thế, khi hữu thể xét theo hiện thể thứ nhất, tức hữu thể bản thể, thì ta gọi nó là hữu thể đơn thuần và thiện hảo theo khía cạnh nào đó, vì lẽ nó là hữu thể. Còn xét theo hiện thể tối hậu, ta gọi hữu thể là hiện thể theo khía cạnh nào đó, nhưng là thiện hảo đơn thuần. Như thế câu nói của Boetio: “Tôi thấy trong các thế giới các vật, một vật có xét như hiện hữu khác với có xét như điều thiện” phải hiểu về thiện hảo và về hữu thể đơn thuần: vì một vật là hữu thể đơn thuần theo hiện thể thứ nhất; và thiện hảo đơn thuần theo hiện thể tối hậu. Nhưng theo hiện thể thứ nhất thì là thiện hảo theo khía cạnh nào đó; và theo hiện thể tối hậu là hữu thể theo khía cạnh nào đó.

2. Quả thực, nếu hiểu về điều thiện đơn thuần, theo hiện thể tối hậu thì điều thiện làm mô thể cho hữu thể.

3. Cũng phải trả lời như vậy cho nghi vấn thứ ba, nghĩa là điều thiện xét như hiện thể phụ đính thì có cấp độ hơn kém, như kiến thức và nhân đức.

 


MỤC 2
VẤN ĐỀ 4

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt