Triết học tôn giáo

Vấn đề 5. Về điều thiện nói chung. Mục 4

 

VẤN ĐỀ 5

VỀ ĐIỀU THIỆN NÓI CHUNG

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.


 

MỤC 4

Phải chăng điều thiện có lý tính 

của căn nguyên cứu cánh?

 

NGHI VẤN. Hình như điều thiện không có lý tính của căn nguyên cứu cánh, nhưng có lý tính của các căn nguyên khác thì đúng hơn.

1. Như Dionysio nói: điều thiện được ca tụng vì hoàn mỹ của nó. Nhưng sự mỹ muiều hàm súc căn nguyên mô thể. Cho nên điều thiện mang lý tính của căn nguyên mô thể.

2. Căn cứ vào những lời của Dionisio, thiện hảo thì thông ban chính mình, vì ông nói thiện hảo là điều làm cho mọi vật được hiện hữu và tồn tại. Nhưng việc thông ban hàm súc căn nguyên tác thành. Cho nên điều thiện mang lý tính của căn nguyên tác thành.

3. Thánh Augustin nói: Chúng ta hiện hữu vì Thiên Chúa là Đấng thiện hảo. Nhưng nhờ Thiên Chúa, như nhờ tác căn, mà chúng ta hiện hữu. Cho nên điều thiện mang lý tính của tác căn.

NHƯNG. Nhà Hiền triết nói: Điều mà nhờ nó một vật được hiện hữu chính là mục đích và điều thiện của mọi cái khác. Cho nên điều thiện có lý tính của căn nguyên cứu cánh.

LUẬN GIẢI. Vì điều thiện là điều mọi vật đều ham muốn, mà điều vạn vật đều ham muốn có lý tính của mục đích; nên hiển nhiên là điều thiện hàm súc lý tính của mục đích. Nhưng lý tính của điều thiện ngầm hiểu lý tính của tác căn và lý tính của mô thể. Vì chúng ta thấy điều trước tiên làm cho nguyên nhân tác động lại là điều đạt được sau cùng nơi công hiệu, như lửa đốt nóng trước khi truyền dẫn mô thể lửa sang, dù rằng nhiệt lực trong lửa thì dẫn xuất bởi mô thể bản thể của lửa. Cũng vậy khi tác động, thì trước tiên có điều thiện và mục đích huy động tác nhân; thứ đến hoạt động của tác nhân hướng tới mô thể; thư ba mô thể mới đến. Thành thử nơi công hiệu phải theo hướng ngược lại: trước hết phải có chính mô thể, nhờ đó mà vật thế nào thì hiện hữu như thế; thứ đến ta để ý đến năng lực hoạt động, là dấu hiệu của sự hoàn bị về hữu thể (vì vật nào phát sinh ra công hiệu giống như mình, thì đó là vật hoàn bị), như nhà Hiền triết đã nói; rồi đến lý tính của điều thiện, nhờ đó mà hữu thể được hoàn bị.

GIẢI ĐÁP

1. Nơi một chủ thể nhất định thì vẻ mỹ lệ và điều thiện cũng là một, vì được xây dựng trên cũng một thực tại, nghĩa là trên mô thể: vì thế điều thiện được coi là mỹ lệ. Nhưng theo lý định thì khác nhau, vì điều thiện liên hệ đến dục vọng: điều thiện là điều mọi vật đều ham muốn. Vì thế điều thiện có lý tính của mục đích: vì dục vọng là như năng lực vươn tới sự vật. Còn mỹ lệ thì liên hệ đến quan năng nhận thức: vì vật làm hài lòng người nhìn ngắm thì được gọi là đẹp. Cho nên vẻ mỹ lệ hệ lại sự cân đối phải có của các vật: vì giác quan thích thú khi nhìn các vật cân đối, như những vật giống như mình: vì giác quan cũng như mọi tài năng nhận thức khác là một thứ lý trí. Mọi nhận thức đều thể hiện bằng một thứ đồng hóa, mà sự giống nhau hệ tại mô thể, nên nói đúng ra vẻ mỹ lệ thuộc về căn nguyên mô thể.

2. Đặc tính của thiện hảo là thông ban chính mình, cũng như đặc tính của mục đích là thu hút.

3. Ai ai cũng có ý chí, nhưng chỉ ai có thiện chí mới được gọi là thiện nhân: vì nhờ ý muốn, chúng ta sử dụng mọi sự ta có. Cho nên ta không nói thiện nhân là người có trí tuệ tốt, mà chỉ nói về người có ý muốn tốt. Ý muốn thì nhằm vào mục đích như vào đối tượng riêng; và như vậy khi nói chúng ta hiện hữu vì Thiên Chúa là Đấng tốt lành, thì phải hiểu về căn nguyên cùng đích.

 


MỤC 5
MỤC 3

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt