Triết học tôn giáo

Vấn đề 7. Về sự vô hạn của Thiên Chúa. Mục 3

 

VẤN ĐỀ 7

VỀ SỰ VÔ HẠN CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999. | Xem: Bản dịch Tiếng Anh ; bản dịch tiếng Pháp.


 

MỤC 3

Có thể có chi vô hạn về đại lượng chăng?

 

NGHI VẤN. Hình như có vật có thể vô hạn về đại lượng.

1. Trong toán học không có điều sai lầm, vì trừu xuất không phải nói dối, như nhà Hiền triết đã nói. Nhưng toán học dùng khái niệm vô hạn về đại lượng, vì trong những chứng minh của mình, nhà hình học nói: giả sử đường này là vô hạn. Cho nên không phải là không thể có điều vô hạn về đại lượng.

2. Điều không mâu thuẫn với lý tính của một vật thì có thể phù hợp với nó. Vậy tính vô hạn thì không mâu thuẫn với lý tính của đại lượng: nói đúng ra, hữu hạn và vô hạn đều là thể thức của lượng. Cho nên không phải là không thể có đại lượng vô hạn nào đó.

3. Đại lượng thì có thể phân chia đến vô hạn: vì thế lượng liên tục được định nghĩa là điều có thể phân chia đến vô tận, như nhà Hiền triết đã cho thấy. Nhưng những điều tương phản có thể gặp thấy nơi cùng một chủ thể. Vậy vì cộng thì tương phản với chia, và thêm tương phản với bớt, nên hình như đại lượng có thể tăng thêm đến vô tận. Cho nên có thể có đại lượng vô tận.

4. Sự chuyển động và thời gian có lượng và sự liên tục là do đại lượng mà sự chuyển động trải qua, như nhà Hiền triết đã nói. Nhưng thời gian và sự chuyển động vô hạn thì không nghịch với lý tính của chúng: vì bất cứ điểm bất khả phân nào được ghi nhận trong thời gian và trong sự chuyển động vòng tròn đều vừa là khởi điểm vừa là đích điểm. Cho nên đại lượng vô hạn không tương phản với lý tính nó.

NHƯNG. Vật thể nào cũng có bề mặt. Mà mọi vật thể có bề mặt đều hữu hạn: vì bề mặt là giới hạn của vật thể hữu hạn. Cho nên mọi vật thể đều hữu hạn. Cũng có thể nói như thế về diện tích và về dường. Cho nên không có chỉ là vô hạn về đại lượng.

LUẬN GIẢI. Vô tận về yếu tính thì khác với vô tận về đại lượng. Giả dụ có vật thể nào vô tận về đại lượng, như lửa và không khí, thì cũng không vì thế mà là vô tận về yếu tính, vì yếu tính của nó sẽ được hạn định vào một loại bởi mô thể, và vào một cá vật bởi chất thể. Vì thế, do những điều trên đây, nếu không thụ tạo nào có thể vô hạn về yếu tính, cũng cần tìm hiểu xem có vật thụ tạo nào vô hạn về đại lượng chăng.

Vậy nên biết rằng vật thể, là một đại lượng toàn vẹn, có thể hiểu hai cách: một là theo số học, là khi chỉ để ý đến lượng nơi vật thể; hay là như vật thể tự nhiên phức hợp bởi chất thể và mô thể. Và về vật thể tự nhiên thì hiển nhiên là chúng không thể thực sự vô hạn. Mọi vật thể tự nhiên đều có mô thể bản thể phân minh: mà phụ thể thì đi theo mô thể bản thể, cho nên đi theo mô thể phân minh phải có những phụ thể phân minh; mà lượng là một trong số những phụ thể ấy. Cho nên mọi vật thể tự nhiên đều có phân lượng phân minh, hơn kém. . Vì thế không thể có vật thể tự nhiên vô hạn được. Căn cứ vào chuyển động cũng thấy rõ như thế. Mọi vật thể tự nhiên đều có chuyển động tự nhiên nào đó. Nhưng vật thể vô hạn không thể có chuyển động tự nhiên nào hết: không chuyển động theo đường thẳng, vì tự nhiên không vật thể nào chuyển động như thế, đừng kể khi nó ở ngoài chỗ của nó, là điều không thể có đối với vật thể vô tận, vì hễ đã chiếm hữu mọi nơi thì bất cứ nơi nào cũng là nơi của nó. Cũng không thể là chuyển động vòng tròn, vì trong chuyển động vòng tròn thì một phần vật thể phải được chuyển đến nơi đã do phần khác chiếm cứ. Chuyện này không thể có nơi vật tròn ấy nếu giả định vật tròn ấy là vô hạn: vì hai đường kéo ra khỏi trung tâm, càng vươn xa trung tâm, thì càng cách xa nhau; nếu là vật thể vô hạn, thì các đường cách nhau vô hạn, và như vậy không bao giờ đường này có thể đi đến chỗ của đường kia.

Cũng phải nói về vật thể số học như vậy. Nếu chúng ta tưởng tượng một vật thể số học thực hữu, ta cũng phải tưởng tượng nó dưới mô thể nào đó: vì không chi ở trong hiện thể nếu không do mô thể. Vậy mô thể của lượng, xét như lượng, là hình thù; cho nên nó phải có hình thù nào đó. Và như vậy sẽ là hữu hạn, vì hình thù thì được vây bọc trong một hay nhiều giới hạn.

GIẢI ĐÁP

1. Nhà hình học không cần phải giả định đường vô hạn nào trong hiện thể; nhưng chỉ cần dùng một đường hữu hạn nào đó trong hiện thể, mà lượng của nó có thể được cắt theo mức độ cần thiết: vì thế mà ông gọi là đường vô hạn.

2. Mặc dầu vô hạn không tương phản với lý tính của đại lượng nói chung, nhưng tương phản với lý tính của bất cứ loại đại lượng nào: ví dụ tương phản với đại lượng ba hoặc hai thước khối, chẳng kỳ là tròn hay là tam giác v.v. Mà điều không thuộc về loại nào thì cũng không thể thuộc về giống. Cho nên không thể có đại lượng vô hạn, vì không có loại đại lượng nào vô hạn.

3. Cái vô hạn về lượng thì thuộc về chất thể, như đã nói. Vậy do sự phân chia cái toàn thể ta lại gần chất thể, vì thành phần của một toàn thể có lý tính của chất thể; còn do cộng gồm ta lại tiến gần đến cái toàn thể, là điều có lý tính của mô thể. Vì thế không thấy có cái vô hạn khi cộng đại lượng với đại lượng, mà chỉ có khi chia thôi.

4. Chuyển động và thời gian, xét như toàn thể, không có trong hiện thể một trật, mà chỉ có cách liên tiếp: cho nên có tiềm thể pha trộn với hiện thể. Nhưng đại lượng thì có trong hiện thể một trật. Vì thế, xét về mặt chất thể, cái vô hạn về lượng tương phản với toàn thể tính của đại lượng, nhưng không tương phản với toàn thể tính của thời gian và của chuyển động: ở trong tiềm thể là điều phù hợp với chất thể.

 


MỤC 4
MỤC 2

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt