Triết học tôn giáo

Vấn đề 7. Về sự vô hạn của Thiên Chúa. Mục 2

 

VẤN ĐỀ 7

VỀ SỰ VÔ HẠN CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999. | Xem: Bản dịch Tiếng Anh ; bản dịch tiếng Pháp.


 

 

MỤC 2

Ngoài Thiên Chúa, còn có chi vô hạn theo yếu tính chăng?

 

NGHI VẤN. Hình như ngoài Thiên Chúa, có thể có vật vô hạn theo yếu tính.

1. Năng lực của vật nào thì tương ứng với yếu tính của vật ấy. Vậy nếu yếu tính của Thiên Chúa là vô hạn, thì năng lực của Người cũng phải vô hạn. Cho nên có thể phát sinh công hiệu vô hạn, vì do công hiệu mà ta nhận biết lượng của năng lực. To de

2. Phàm chỉ có năng lực vô hạn thì cũng có yếu tính vô hạn. Mà trí tuệ con người có năng lực vô hạn, vì thâu nhận điều phổ quát là điều bao trùm vô số những điều riêng lẻ. Cho nên mọi bản thể thụ tạo có lý trí đều vô hạn.

3. Chất thể đệ nhất thì khác với Thiên Chúa, như đã chứng minh (vđ.3, m.8). Nhưng chất thể đệ nhất thì vô hạn. Cho nên ngoài Thiên Chúa có thể có cái vô hạn.

NHƯNG. Phàm chi là vô hạn thì không thể phát xuất do căn nguyên nào cả, như nhà Hiền triết đã nói. Vậy ngoài Thiên Chúa, tất cả mọi vật đều do Thiên Chúa như do căn nguyên đệ nhất. Chonên, ngoài Thiên Chúa không thể có chỉ vô hạn.

LUẬN GIẢI. Ngoài Thiên Chúa, có thể có cái vô hạn theo khía cạnh nào đó, nhưng vô hạn cách đơn thuần thì không. Nếu chúng ta bàn về sự vô hạn như điều thuộc về chất thể, thì hiển nhiên là mọi vật thực hữu đều có mô thể nào đó: và như thế, chất thể của nó bị giới hạn bởi mô thể. Lại chất thể, xét như bị chi phối bởi mô thể bản thể nào đó, vẫn còn ở trong tiểm thể đối với nhiều mô thể phụ thể; thành thử điều hữu hạn cách đơn thuần có thể là vô hạn theo khía cạnh nào đó: như khúc gỗ là hữu hạn theo mô thể của nó, nhưng là vô hạn theo khía cạnh nào đó, vì ở trong tiềm thể đối với vô số hình thù.

Nếu chúng ta bàn về vô hạn như điều thuộc về mô thể thì hiển nhiên những vật mà mô thể của chúng bị hạn định bởi chất thể, là hữu hạn cách đơn thuần, và tuyệt nhiên không phải là vô hạn. Nhưng nếu có những mô thể nào không được thâu nhận vào chất thể, mà tự lập hữu, như một số người nghĩ như thế về các thiên thần, thì những mô thể ấy là vô hạn theo khía cạnh nào đó, ấy là không bị giới hạn và bị thu hẹp bởi chất thể nào; tuy nhiên, dù là mô thể thụ tạo có hiện hữu lập hữu như thế, nhưng không phải là hiện hữu của mình, nên chính hiện hữu ấy là hiện hữu được lãnh nhận và được hạn định vào một bản tính nhất định. Vì thế không thể là vô hạn cách đơn thuần.

GIẢI ĐÁP

1. Chủ trương rằng yếu tính và hiện hữu của vật thụ tạo cũng là một thì mâu thuẫn với lý tính của nó, vì hữu thể tự lập hữu không phải là hữu thể thụ tạo: bởi đó, cho vật thụ tạo là vô hạn đơn thuần thì mâu thuẫn với lý tính của nó. Cũng như Thiên Chúa, dù có quyền năng vô hạn, không thể làm cho vật thụ tạo không phải là thụ tạo (bởi như vậy là hai điều mâu thuẫn cùng đúng một trật), cho nên Người cũng không thể tạo thành vật gì vô hạn cách đơn thuần.

2. Việc trí tuệ một cách nào đó phổ đạt đến vô hạn là do trí tuệ là mô thể không ở trong chất thể: hoặc hoàn toàn biệt lập như bản thể các thiên thần; hoặc ít là tài năng hiểu biết ở trong linh hồn phối hợp với thân thể mà không phải là hiện thể của cơ quan nào.

3. Chất thể đệ nhất không tự mình hiện hữu trong thiên nhiên, vì không phải là hữu thể ở trong hiện thể, mà chỉ là tiềm thể, cho nên không được tạo thành, mà đúng hơn là được đồng tạo thành. Tuy nhiên, dù như tiềm thể, chất thể đệ nhất cũng không vô hạn cách đơn thuần, mà theo khía cạnh nào đó: vì tiềm thể của nó chỉ phổ cập đến những mô thể tự nhiên.

 


MỤC 3
MỤC 1

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt