Triết học tôn giáo

Vấn đề 7. Về sự vô hạn của Thiên Chúa. Mục 4

 

VẤN ĐỀ 7

VỀ SỰ VÔ HẠN CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999. | Xem: Bản dịch Tiếng Anh ; bản dịch tiếng Pháp.


 

MỤC 4

Phải chăng các vật có thể phả đa vô hạn?

 

NGHI VẤN. Hình như các vật có thể thực sự phả đa vô hạn.

1. Không phải không thể đưa điều ở trong tiềm thể ra hiện thể. Vậy số là điều có thể được tăng thêm vô hạn. Cho nên không phải là không thể có sự phả đa vô hạn trong hiện thể.

2. Loại nào cũng có thể thực sự có cá vật nào đó. Vậy các loại hình thù thì vô hạn. Cho nên những hình thù có thể thực sự tăng đến vô hạn.

3. Những chi không tương phản nhau thì không cản trở nhau. Vậy giả sử có sự phả đa nào đó của các vật thì vẫn còn có thể phát sinh nhiều thứ khác không tương phản với những vật trước, nhưng đồng tồn với chúng, và cứ như thế đến vô tận. Cho nên các vật có thể phả đa đến vô hạn trong hiện thể.

NHƯNG. Sách Khôn ngoan viết: "Mọi sự đã được xếp đặt theo trọng lượng, số lượng và kích thước".

LUẬN GIẢI. Về vấn đề này có hai ý kiến: một số người như Avicenna và Algazel nói rằng, không thể thực sự có phả đa vô hạn tự thể, nhưng có thể có phả đa vô hạn do ngẫu trừ. Gọi là sự phả đa vô hạn tự thể, khi thứ phả đa ấy cần thiết để phát sinh ra công hiệu nào đó. Theo nghĩa này thì không thể có: vì như vậy thì sự phát sinh ra công hiệu sẽ lệ thuộc vào vô số những căn nguyên; và như thế sự phát sinh ấy sẽ không bao giờ hoàn thành, vì không thể trải qua vô số những điều trung gian. Gọi là phả đa vô hạn do ngẫu trừ khi thứ phả đa ấy không cần thiết để phát sinh công hiệu nào, nhưng trong thực tế lại thấy có. Điều đó có thể được sáng tỏ trong công việc của thợ thủ công, để thực hiện công việc ấy cần một thứ phả đa tự thể nào đó, ấy là nghệ thuật trong tâm hồn, bàn tay chuyển động và chiếc búa. Nếu những thứ đó phải bội tăng đến vô hạn thì công trình không bao giờ được hoàn thành: vì sẽ lệ thuộc vào những căn nguyên vô tận. Nhưng trong thực tế có thể có nhiều chiếc búa vì chiếc nọ bị gãy, phải lấy chiếc khác, đây là phả đa ngẫu trừ: vì ngẫu nhiên mà phải thao tác bằng nhiều chiếc búa, không có gì khác nhau giữa việc thao tác bằng một, hai, nhiều hay vô hạn chiếc búa, nếu thao tác trong thời gian vô hạn. Theo cách này, họ chủ trương có thể thực sự có phả đa vô hạn do ngẫu trừ.

Nhưng điều đó không thể có. Mọi phả đa phải thuộc về một loại phả đa nào đó, nhưng các loại phả đa thì tương ứng với các loại con số. Mà không loại con số nào lại vô hạn: vì mỗi con số là một phả đa được đo lường bởi đơn vị. Cho nên không thể có phả đa vô hạn trong hiện thể, chẳng kỳ là tự thể hay do ngẫu trừ. Vả lại, phả đa trong thiên nhiên là phả đa thụ tạo; và mọi thụ tạo thì lệ thuộc vào một chủ đích phân minh của Đấng tạo thành: không khi nào tác nhân hoạt động cách vu vơ. Cho nên mọi thụ tạo nhất thiết phải hàm chứa trong một con số nhất định. Vậy, không thể có phả đa vô hạn trong hiện thể, dù là do ngẫu trừ.

Nhưng có thể có phả đa vô hạn trong tiềm thể. Vì một đại lượng càng phân chia thì sự phả đa càng tăng thêm: vật nào càng được phân chia thì càng gia tăng về số. Vì thế, như trong sự phân chia đại lượng liên tục ta thấy có cái vô hạn trong tiềm thể, vì tiến gần đến chất thể, như đã nói trên (m. 3 gđ. 3), thì trong việc cộng những cái phả đa, ta cũng thấy có vô hạn trong tiềm thể.

GIẢI ĐÁP.

1. Mỗi vật ở trong tiềm thể được đưa sang hiện thể theo cách thức hiện hữu của nó: một ngàykhông được đưa ra hiện thể một trật, nhưng dần dần. Cũng vậy, cái vô hạn của sự phả đa không được đưa ra hiện thể để cùng tồn tại một trật, nhưng dần dần; vì mỗi phả đa có thể được tiếp nối bởi phả đa khác, và như vậy đến vô hạn.

2. Loại hình thù thì vô hạn do sự vô hạn về số: vì những loại hình thù là tam giác, tứ giác, v.v. Bởi thế cũng như phả đa vô hạn về số không được đưa ra hiện thể để cùng tồn tại một trật, thì phả đa của hình thù cũng vậy. 

3. Mặc dù đã giả định một số vật nào đó, ta vẫn có thể giả định nhiều vật khác mà không tương phản với những giả định trước; nhưng giả định một con số vô hạn các vật thì với bất cứ loại phả đa nào. Cho nên không thể có một phả đa vô hạn trong hiện thể.

 


VẤN ĐỀ 8
MỤC 3

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt