Triết học xã hội

Chủ nghĩa quốc gia

CHỦ NGHĨA QUỐC GIA

BERTRAND RUSSELL trả lời phỏng vấn Woodrow Wyatt

 

MỤC LỤC

  1. Triết lý là cái gì vậy?
  2. Tôn giáo
  3. Chiến tranh và chủ nghĩa hòa bình
  4. Xã hội chủ nghĩa và tư bản
  5. Luân lý “ta bu”
  6. Quyền hành
  7. Thế nào là hạnh phúc?
  8. Chủ nghĩa quốc gia
  9. Nhiệm vụ của cá nhân
  10. Cuồng tín và bao dung
  11. Bom H
  12. Tương lai nhân loại

Thưa Huân tước Russell, chủ nghĩa quốc gia là một điều tốt hay xấu?

BERTRAND RUSSELL: Phải phân biệt khía cạnh văn hóa và khía cạnh chính trị. Về phương diện văn hóa thì thế giới hiện đại nhất luật, đơn điệu đến phát nản. Trong một khách sạn hạng sang, không có cái gì cho ta biết rằng mình đương ở lục địa nào nữa. Đâu đâu, lúc nào cũng cái điệu đó, chán quá chừng, thành thử đối với người giàu, đi du lịch không còn bỏ công nữa. Muốn biết cái xứ lạ, thì phải đi du lịch như người nghèo. Về phương diện đó, nên khen chủ nghĩa quốc gia vì nó bảo toàn được sự đa dạng về nghệ thuật, văn học, ngôn ngữ, vân vân… Nhưng về phương diện chính trị thì chủ nghĩa quốc gia chỉ có hại thôi. Không có một lí lẽ để bênh vực nó được cả.

Theo cụ thì một chỉnh thể quốc gia nhắm những mục đích chính nào?

B.R: Mục đích chính của nó là: cái mà Quốc gia này gọi là “quốc phòng” thì tất cả các quốc gia khác gọi là “xâm lăng”. Cũng là một hiện tượng đó mà mang hai tên khác nhau tùy người ta đứng về phía này hay về phía kia. Dĩ nhiên, quốc gia còn có những nhiệm vụ khác nữa như giáo dục thanh niên chẳng hạn. Nhưng khi dạy dỗ thanh niên thì người ta dùng mọi phương tiện để nhồi cho họ cái ý này: giết người ngoại quốc là một việc cao cả. Tôi có thể dẫn làm thí dụ những câu thơ này trong bản quốc thiều Anh:

Phá rối những mưu mô đê tiện của chúng

Phá hỏng những âm mưu của chúng

Và làm cho chúng nào hết đi

Chúng ta đã gào lên những câu đó trước mạt bất kì một người ngoại quốc nào.

Cũng như bài Rules, Britannia?

B.R: Phải, cũng vậy. Nhưng “Britannia” không còn ngự trị trên các ngọn sóng nữa. Thực rầu quá, vì nếu người ta hát “ Hiệp chủng quốc ngự trị, Hiệp chủng quốc ngự trị trên các ngọn sóng thì số “cước” nhiều quá, sái luật thơ rồi. Vì vậy mà chúng ta đã phải bỏ bài hát đó đi.

Khi cụ bảo chủ nghĩa quốc gia có hại là cụ nghĩ tới những điều đó chăng?

B.R: Tôi muốn nói rằng chủ nghĩa quốc gia nhồi vào óc người ta điều này: nước chúng ta rất đỗi vinh quang và luôn luôn có lý trong mọi việc, còn các nước khác – thì như văn hào Dicken đã cho một nhân vật, ông Podsnap, nói: “Các ngoại quốc có lối hành động riêng cảu họ, tôi ân hận mà phải nói vậy.” Theo tôi, như vậy hơi bất công với các nước ngoài. Có nhiều thí dụ kì cục về điều đó. Trong một cuốn bàn về chủ nghĩa quốc gia, tôi đã viết như vậy: “Dĩ nhiên, có một quốc gia có đủ những đức quan trọng mà mỗi quốc gia khác nhận là mình. Quốc gia đó là quốc gia của độc giả tôi.” Thế là tôi nhận được một bức thư của một người Ba Lan bảo tôi: “Tôi sung sướng thấy rằng ông đã nhận Ba Lan là nước hơn cả các người khác.”

Vâng. Cụ có thí dụ nào khác không?

B.R: Có. Một thiếu nữ nọ duyên dáng, người Equateur, dự một cuộc “hội họp Liên Hiệp Quốc”. Cô ta rất thích đi xe đạp, và xuống một cái dốc dựng đứng, cô ta không làm chủ được chiếc xe nữa. Có thể toi mạng được lắm. Ông bạn tôi là Gilbert Muray hỏi cô ta: “Khi chiếc xe đạp đổ dốc như cuồng, cô không sợ sao?”. Ông có biết cô ta trả lời ra sao không? Trả lời rằng: “Không. Tôi tự nhủ thầm: Nhớ nghen, nhớ rằng mình la người Equateur!

Hầu hết mọi người đều như cô ấy?

B.R: Phải, và nghe kể lại chuyện đó mọi người đều cười. Nhưng kể xong, tôi đã nói thêm rằng: “Các ông biết chứ, nếu tôi đã cho biết tên của một nước nào khác, thì chảng có ai cười đâu”

Vâng… Nhưng tại sao người ta phải tách biệt ra thành dân tộc này, quốc gia nọ?

B.R: Đó thuộc về phần cảm xúc của ta: chúng ta có tình thương, tình cảm hận, và chúng ta dùng cả hai tình cảm đó. Chúng ta yêu đồng bào cảu ta. Chúng ta ghét người ngoại quốc. – Dĩ nhiên, chỉ khi nào nghĩ tới người ngoại quốc thì chúng ta mới yêu đồng bào của ta. Hễ quên người ngoại quốc đi thì tình yêu cũng giảm.

Vậy thì phải làm sao bây giờ? Cụ muốn nói rằng tinh thần quốc gia tới một mức nào đó thì chấp nhận được và công bằng. Nhưng người ta có thể vượt cái mức đó lắm, làm sao biết được là đã vượt mức?

B.R: Tôi cũng không rõ có thể biết được hay không. Trong một khu vực đó, cái gì cũng mập mờ. Nhưng nếu loài người muốn tồn tại thì người ta nên nói, thế giới phải nói điều này: lục quân, hải quân, không quân phải là những lực lượng không riêng của từng quốc gia mà chung cho vạn quốc. Lúc đó có lườm nguýt một dân tộc khác thì cũng không có hại gì lơn nữa: một khi mình không còn có thể tận diệt họ được nữa…

Thôi chúng ta nói qua chuyện khác. Cụ có thể cảm tưởng rằng cụ làm được việc gì cho nước, chẳng hạn leo lên ngọn núi Everest hoàn thiện một khí cụ phóng lên không gian. Cảm tưởng đó có thể làm cho cụ hăng hái hơn là nếu cụ chỉ làm việc cho một cái gì mơ hồ, cho khắp cả nhân loại.

B.R: Chắc chắn là thiên hạ thích một sự kích thích hạn chế đó. Nhưng có cả ngàn cách giữ sự kích thích đó. Những thành công vào loại leo núi Everest, không phải chỉ là nhờ một quốc gia đâu, hầu hết luôn luôn là nhờ những cơ quan, những kẻ rất giàu có họp nhau lại – tôi nghĩ vậy – và ông có thể làm được những kì công vì những cơ quan, tổ chức đó cũng như vì nước ông.

Nếu cho rằng kích thích sự ganh đua là một việc tốt thì phải nhận rằng lí tưởng hơn cả là sự ganh đua giữa nước này và nước khác.

B.R: Tôi đồng ý về sự ganh đua, cạnh tranh, cái đó tôi không thấy có hại gì cả miễn là đừng tính tới chuyện giết nhau. Sự ganh đua giữa thị trấn này với thị trấn khác, cái đó tốt lắm! Tại thị trấn này người ta cất một thị sảnh đẹp, thì dân các thị trấn khác sẽ nghĩ: “Mình cũng phải có một thị sảnh cho đẹp.” Cái đó tối hảo rồi. Tôi nghe nói hai thị trấn Manchester và Liverpool không ưa nhau, nhưng họ đâu có lập những đạo quân riêng để gây chiến với nhau.

Có cả một xã hội đương sống đó nếu không theo châm ngôn nay: “Dù phải dù trái đó cũng là nước tôi”, thì làm sao cai trị xã hội đó đươc, nhất là khi làm nguy, khủng hoảng, tình hình khẩn trương?

B.R: Chúng ta bàn về lí tưởng nên ra sao. Tôi đã bảo rằng nên có một quân lực duy nhất cho vạn quốc thôi, chứ không nên để cho mỗi quốc gia có một quân lực riêng. Nếu được như vậy thì những tình cảm làm nguy như ông mới nói đó sẽ không xảy ra, sẽ không còn nước nào xâm lăng nước nào nữa, vậy chẳng cần tới quốc phòng nữa.

Nhưng hiện nay, còn những tình cảnh đó.

B.R: Phải, nó còn đấy. Cho nên mọi người phải nhớ kĩ điều này: Chống xâm lăng thì nên, mà xâm lăng thì bất công. Tôi thì tôi nghĩ rằng, khi quốc gia bị xâm lăng thì tự nhiên phải kháng chiến.

Cụ thử xét miền Trung Đông sau thế chiến. Tinh thần quốc gia Ả Rập đã tạo nên nhiều quốc gia. Nó làm cho những quần chúng Ả Rập tự tin, có một ý thức nào đó về sự an lạc, hạnh phúc. Như vậy là tốt hay xấu?

B.R: Chưa thể xét đoán được. Nếu tinh thần quốc gia đương lên đó làm cho người Ả Rập ý thức được phẩm cách của họ, mà họ nghĩ rằng họ có thể làm được những việc lớn lao, thì thật là rất tốt. Nhưng nếu họ có thêm lòng căm thù, căm thù những người không phải là Ả Rập, như những người Do Thái chẳng hạn, thì lại xấu.

Mỗi khi vì một lí do chính đáng mà tình quốc gia bừng bừng lên rồi, thì làm sao tranh được sự sa lầy vào những lí do bẩn thỉu?

B.R: Có cách giản dị là hợp nhất các chính quyền lại. Ông xét trường hợp Anh và Ecosse: họ đánh nhau trong hằng mấy thế kỉ! Ở mỗi bên biên giới người ta đều đồng tình cho rằng kẻ ở bên kia chỉ đáng cho mình căm thù. Rồi chỉ nhờ một biến cố về triều đại, mà hại chính quyền đã hợp nhất và từ đó hết căm thù.

Cụ muốn nói về sự hợp nhất dưới chung một vương quyền?

B.R: Phải

Do vô tâm

B.R: Phải

Cụ thấy tinh thần quốc gia và thành kiến về chủng tộc có liên quan gì với nhau không?

B.R: Hai cái đó đi với nhau, ít nhất là khi hai quốc gia lân bang thuộc về hai chủng tộc khác nhau. Thành kiến về chủng tộc có thể xen vào tinh thần quốc gia, làm cho nó mạnh lên. Hai cái đó tuy khác nhau mà có thể hòa lẫn với nhau lắm.

Cụ có nghĩ rằng thành kiến về chủng tộc trong năm chục năm gần đây đã tăng lên nhiều không?

B.R: Hình như vậy, nhưng tôi không lấy gì làm chắc. Tôi… tôi không biết rõ. Rudyard Kipling đã tận lực kích thích tinh thần đế quốc gia của người Anh. Chính ông ta nói tới những “giống người ti tiểu vô đạo vô pháp”. Trong tất cả các tác phẩm của ông, ý này nổi bật hẳn lên: kẻ nào không phải là da trắng – gần như có thể nói rằng: kẻ nào không phải là người Anh – thì là một kẻ thấp hèn. Ông thấy đấy, có mới mẻ gì lắm đâu.

Ai cũng biết rằng châu Mĩ và châu Âu điêu đứng vì những thành kiến về chủng tộc. Cụ có nghĩ rằng châu Á và châu Phi ít bị nạn đó không?

B.R: Ít hơn ư? Không đâu. Hai châu đó mới biết hiện tượng đó, cho nên lúc này có lẽ còn chịu khổ sở hữu nữa chứ. Theo tôi tinh thần quốc gia Á và Phi lúc này còn hung dữ hơn tinh thần quốc gia của người Âu nữa. Tinh thần đó thức tỉnh dậy là một nguy cơ rất lớn, không kể sự căng thẳng có thể gây ra chiến tranh giữa Đông và Tây, thì tinh thần quốc gia là nỗi nguy lớn nhất mà nhân loại phải đương đầu từ trước tới nay.

Khi một dân tộc bị ngược đãi thì bao giờ cũng có một kẻ nào đó cho rằng những người bị áp bức đó là đáng mến, đáng kính. Cụ có cho như vậy là hơi thái quá không?

B.R: Nhất định là thái quá. Tất nhiên rồi: khi một dân tộc, một giai cấp, hoặc một thứ gì đó, bị áp bức một cách bất công thì có những người chính trức, nhân ái, cố tìm ở dân tộc, giai cấp đó những tài đức quí nhất. Thế rồi tới khi những con người “đạo đức” đó được hưởng tự do thì lập tức họ nhiệt tâm, tận lực cóp ngay những cái tật của những kẻ đã áp bức họ.

Phải điều đó không sao tránh được không?

B.R: Không nhất định vậy. Chứng cứ là Ấn Độ. Tôi cho rằng Ấn Độ, từ khi được độc lập, đã đáng khen, tránh được thái độ thông thường của các dân tộc mới được giải phóng.

Cái chế độ quốc gia ngày nay cơ hồ độc hại hơn bao giờ nữa. Cụ có hiểu vì đâu không?

B.R: Sự giáo dục chịu trách nhiệm một phần. Sự giáo dục quả thực là tai hại. Đôi khi tôi nghĩ bụng rằng giá con người đừng biết đọc biết viết thì mọi sự sẽ tốt hơn nhiều. Đối với số đông, biết đọc biết viết là sẵn sàng đón sự tuyên truyền – mà đâu đâu việc tuyên truyền cũng do Quốc gia nắm chặt. Mà Quốc gia thì chỉ quan tâm tới điều này là khi người ta bảo ông “chém giết” thì ông phải sẵn sàng để chém giết liền.

Lúc nãy cụ nói rằng chủ nghĩa quốc gia là chủ nghĩa tai hại bậc nhất, hoặc gần như vậy. Vậy cụ có cho rằng nó tai hại hơn chủ nghĩa cộng sản không?

B.R: Theo tôi, trạng thái căng thẳng giữa Đông và Tây là nỗi nguy lớn nhất của thế giới chúng ta. Nhưng nếu sự căng thẳng đó mất đi thì chủ nghĩa quốc gia vẫn còn, và tôi cho rằng nó sẽ đe dọa nhân loại nghiêm trọng hơn là sự bành trướng ôn hòa của cộng sản nữa.

Có giải pháp nào cho vấn đề đó không? Bỏ ra ngoài trường hợp địa cầu bị người trên Hỏa tinh xâm chiếm.

B.R: Nếu những người trên Hỏa tinh xuống đây thì các quốc gia sẽ thấy một tinh thần quốc gia của khắp địa cầu chống lại với tinh thần quốc gia của các hành tinh khác. Chúng ta sẽ dạy trong các trường học rằng địa cầu của chúng ta luôn luôn cao quí hơn hỏa tinh khốn nạn của bọn xâm lăng đó, bọn mà chúng ta chẳng biết quái gì cả và vui vẻ, sẵn sàng cho rằng có đủ các tật xấu. Ông thấy như vậy sẽ giản dị lắm. Nhưng tôi ngại rằng chúng tra không thể mong có một giải pháp như vậy dân tộc nhắm những mục tiêu tích cực: sự an lạc của xứ mình và của các xứ khác. Phải từ bỏ những mục tiêu tiêu cực, sự xung đột, tranh giành nhau đi.

 


Nguồn: Bertrand Russell. Thế giới ngày nay và tương lai nhân loại, Nguyễn Hiến Lê dịch Nxb. Văn Hóa, Hà Nội, 1996, tr. 109-121. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.


 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt