Triết học xã hội

Tương lai nhân loại

TƯƠNG LAI NHÂN LOẠI

BERTRAND RUSSELL (1872-1970)

 


Bertrand Russell. “Tương lai nhân loại”, trong Thế giới ngày nay và tương lai nhân loại, Nguyễn Hiến Lê dịch Nxb. Văn Hóa, Hà Nội, 1996.



 

MỤC LỤC

  1. Triết lý là cái gì vậy?
  2. Tôn giáo
  3. Chiến tranh và chủ nghĩa hòa bình
  4. Xã hội chủ nghĩa và tư bản
  5. Luân lý “ta bu”
  6. Quyền hành
  7. Thế nào là hạnh phúc?
  8. Chủ nghĩa quốc gia
  9. Nhiệm vụ của cá nhân
  10. Cuồng tín và bao dung
  11. Bom H
  12. Tương lai nhân loại

Thưa Huân tước Russell, trong những cuộc đàm thoại nầy chúng ta đã bàn đến nhiều vấn đề. Cụ có rút ra được một cảm tưởng tổng quát nào không về tương lai, nhân loại có thể hi vọng và lo ngại những cái gì?

BERTRAND RUSSELL: Ông hỏi tôi một câu rất khó trả lời. Tôi lờ mờ thấy những cái có thể xảy ra: có cái rất bi thảm, có cái làm cho tôi vững tâm. Nhưng tôi nghĩ chúng mình ở đây nên dữ liệu những cái bi thảm nhất…

Vâng, chúng ta bắt đầu xét những cái bi thảm trước nhất đã. Chúng ta phải dự liệu cái gì sẽ xảy ra nào?

B.R: Theo tôi, cứ chỉ thí dụ rằng nhân loại không tự hủy diệt mình trong cuộc đại chiến nữa, thì cái nguy cơ lớn nhất đe doạ chúng ta là sẽ bị “đội ngũ hóa” hết. Do hậu quả của các phát minh khoa học, hậu quả của các xu hướng quan liêu, thế giới sẽ bị tổ chức chặt chẽ tới nỗi sống trên cõi đời này không còn thú vị gì nữa.

Cụ có nghĩ rằng lối tổ chức hành chánh sẽ chiếm ưu thế chăng?

B.R: Rất có thể như vậy, nhất là khi nó kết hợp với sự hiệu năng của khoa học. Vì ngày nay các nhân viên hành chánh xen vào rất nhiều việc hơn thời xưa. Cái đó cũng có phần tốt nhưng phần xấu nhiều hơn.

Phần nào sẽ là phần xấu đây?

B.R: Tôi nghĩ trước hết đến điều này: ý kiến và tư tưởng cá nhân sẽ bị áp lực mạnh, bị nhồi nắn ngay từ lớp mẫu giáo. Có thể rằng những nhà chỉ huy giáo dục sẽ quyết định cá nhân phải suy tư theo chiều hướng nào, ước ao cái gì, lo lắng cái gì. Đúng như chính quyền muốn. Ông biết chứ, không phải chính quyền luôn luôn sáng suốt…

Cụ không tin rằng sẽ luôn luôn có một nhóm người cương cường độc lập như cụ đả đảo được lối giáo dục đó sao?

B.R: Không, tôi đã không tin vậy. Không. Những người như tôi đã được dạy dỗ theo lối cổ, trong một thế giới mà sự ngẫu nhiên còn giữ một vai trò quan trọng: mà thế giới sau này sẽ không như vậy. Trong cái vũ trụ của chúng tôi hồi xưa, còn có nhiều lối thoát, nhiều lệ ngoại; người ta hồi đó không nhồi mọi cá nhân vào chung một cái khuôn.

Cụ đã nói rằng ngày nào mà hành chánh nắm kết hết cả trong tay thì cá nhân không còn một đời sống riêng tư nào nữa. Xin cụ kể một trường hợp làm thí dụ.

B.R: Đây, chúng ta xét một khía cạnh của vấn đề, một khía cạnh cực kì quan trọng: khoa ưu sinh. Thí dụ một chính quyền nào đó bị cái khả năng khoa học đó ám ảnh: họ muốn có một giống người mà họ cho là tốt hơn chủng tộc chúng ta. Chỉ đứng riêng về khía cạnh khoa học thì nhất định là họ sẽ chỉ lựa và gây giống bằng một tỉ số đàn ông và vài ba chục phần trăm đàn bà, còn lại bao nhiêu thì phải làm cho tuyệt tử chủng hết, không sao truyền giống được nữa. Cái đó thật khả ố, nhưng tôi thấy có thể xảy ra được lắm.

Cụ tin thực  rằng những khả năng của khoa học ám ảnh còn người đến mức đó ư?

B.R: Sao lại không? Họ sẽ thực hiện cách đó nếu nó có thể giúp họ có ưu thế về võ bị. Hiển nhiên là nếu người ta muốn thì người ta có thể sản xuất một giống người như vậy. Trên chiến trường, giống người đó sẽ chiến đấu hăng hơn, đoàn kết hơn những chiến sĩ được sinh đẻ theo lối cầu may. Nhồi vào đầu óc con người những ý dưới đây là chuyện dễ dàng: địch đã có vũ khí nguyên tử; sự đào thải bằng khoa học trong sự sanh đẻ là điều cần thiết vì chắc chắn địch dùng phương pháp đó.

Nghe cụ nói mà tôi tưởng gần như sống trong truyện 1984 hoặc truyện Thế giới hoàn hảo nhất  nhưng cụ có thực sự nghĩ rằng cái đó có thể áp dụng được ở các quốc gia không cộng sản không? Chẳng hạn tôi cho rằng các quốc gia này đâu có chấp nhận được chủ nghĩa công thức như vậy…

B.R: Ở cá quốc gia đó, nguy cơ có lẽ kém các quốc gia cộng sản. Nhưng phương Tây quả thực đã bị sự đe dọa đó rồi.

Cụ cho rằng có những ý kiến công thức, bộ y phục, cái thói quen, các tư tưởng công thức… sao?

B.R: Ông thử xét các nghệ thuật phẩm thì biết. Trong khi đi du lịch, tôi đã nhận thấy, nhất là ở Mĩ, nhận thấy cả trăm lần chứ không phải là một lần, rằng người ta kính trọng nghệ thuật vô cùng, tôn kính các nghệ sĩ châu Âu, tặng họ không biết bao nhiêu Mĩ kim; nhưng tôi không hề thấy một em nhỏ Mĩ nào mà trí óc được đào tạo cho cao nhã để sau này thành một nghệ sĩ. Chính vì vậy mà người Mĩ ngưỡng mộ các nghệ sĩ châu Âu, chứ không ngưỡng mộ nghệ sĩ của họ.

Ở Nga, nghệ thuật có chịu thiệt hại nhiều không?

B.R: Tôi không biết, vì chưa qua bên đó xem nghệ thuật ra sao. Nhưng hình như cũng không khác gì Mĩ. Văn học Nga đã suy sút dữ dội, mặc dầu có cuốn Bác sĩ Jivago. Thời các Nga hoàng, văn học Nga đứng vào bậc nhất. Ngày nay họ đâu được như vậy.

Thế còn những vũ khúc của họ?

B.R: Vũ khúc Nga là di tích còn lại của thời các Nga hoàng. Năm 1920, tôi đã được coi vài điệu, tôi có cảm tưởng là ngắm những bông hoa cắm trong bình. Đẹp lắm, thích thú lắm, nhưng thiếu cái nhựa tươi của đất đai Nga. Tôi cho rằng ngày nay, vũ khúc của họ chỉ như ở trong một bảo tàng viện.

Cụ nghĩ rằng tất cả những cái đó sẽ gây một tình trạng khô cứng chung chứ không cống hiến được cái gì mới mẻ.

B.R: Phải, cái nguy là ở đó. Xã hội sau này sẽ là một xã hội Byxance thời xưa, tĩnh hết sinh khí, sống lây lất thế hệ này qua thế hệ khác, không thay đổi gì cả, cho tới khi thành chai ngạnh, cố định hoàn toàn, chán quá không ai chịu nổi, phải tảo trừ đi.

Loài người bị nhiều tật lắm. Theo tôi, một trong các tật là không làm được cái gì cho vừa đúng mức. Hễ làm cái gì là làm tới cực đoan. Cụ có tin rằng loài người sau nay sẽ có thể biết ôn hòa, có tiết độ được không?

B.R: Tôi mong vậy… Cái đó rất cần thiết mà xét cho cùng thì có thể được lắm. Chúng ta bàn với nhau đây chì là đoán chừng tương lai thôi, hơi bi quan đấy, không nên coi đó là những chân lí phải tin như tin Phúc âm. Tôi rất mong rằng những lối đoán chừng đó sẽ không xảy ra.

Vậy, bây giờ chúng ta xét tới khía cạnh vui tươi nào?

B.R: Trước hết chúng ta phải nhận định điều này: ngày nay người ta có thể ngăn cản được nhiều cái khổ mà thời trước tuyệt nhiên không sao ngăn cản nổi. Sở dĩ những cái khổ đó ngày nay còn tồn tại là tại trong tâm hồn con người có những thị dục xấu xa, thành thử không có đủ nghị lực để quyết định điều quan trọng này: tạo hạnh phúc cho người khác. Kĩ thuật ngày nay rất hiệu nghiệm, cái xấu xa là tâm lí con người, sự thâm hiểm, độc ác của thị dục con người. Phải nhận định điều đó. Rốt cuộc thì phải nhận rằng trên thế giới này mà cái gì cũng liên hệ mật thiết với nhau, con người không thể có hạnh phúc được nếu không biết thích ứng với hạnh phúc của người láng giềng dù mình có ghét họ đi nữa… Được như vậy thì thế giới có thể sung sướng hơn hết thảy các thời trước, hơn nhiều.

Nếu con người biết kiềm thúc thị dục của mình như vậy thì theo cụ, chúng ta phải diệt những cái xấu xa, tai hại nào?

B.R: Trước hết phải diệt chiến tranh. Rồi tới sự nghèo đói, khốn cùng. Thời xưa, đại đa số nhân loại phải chịu cảnh khốn cùng, không sao tránh khỏi ngày nay thì không. Nếu thế giới quyết tâm diệt cảnh khốn cùng thì chỉ trong bốn chục năm là xong. Ai cũng biết bệnh tật nay đã phải lùi bước rồi mà có thể phải lùi thêm nhiều nữa. Không có gì cản loài người hưởng sinh thú một cách trong sạch, giản dị, nhiều hơn và lâu hơn, tới mức tối đa có thể hưởng được.

Cụ nói đó là nói cái hạnh phúc thiết thực. Cụ còn thấy loài người có thể tạo được cái gì khác ước mong nữa không?

B.R: Giáo dục sẽ đóng vai trò quan trọng về phương diện đó. Phải cho mọi người được thấm nhuần ý này là toàn thể nhân loại chỉ là một gia đình cùng chung lợi hại với nhau; sự hợp tác quan trọng hơn là sự ganh đua; mà yêu người khác chẳng phải chỉ là một bổn phận luân lí, một lời dạy suông người ta được nghe ở giáo đường, nó có là chính sách sáng suốt nhất để tạo hạnh phúc cho chính mình.

Khoa học đã tặng cho nhân loại được nhiều lợi ích. Một trong những lợi ích đó là chẳng bao lâu nữa người ta có thể rút số giờ làm việc xuống còn khoảng mười giờ mỗi tuần. Như vậy số giờ rảnh sẽ dùng làm gì?

B.R: Những khi tôi vui vẻ thì tôi vẫn thích tưởng tượng cái thế giới nhàn nhã đó; nếu sau này nó có thực thì tôi nghĩ loài người sẽ sử dụng những giờ rảnh đó như những người phong lưu, có học thức thời xưa. Ơ thế kỉ XVII, hầu hết nhà quí phái nào cũng có văn hóa khá. Họ có nhiều thì giờ rảnh và biết khéo dùng nó – tôi nhận rằng nhiều khi họ cũng lắm lần đấy. Nhưng dù sao họ cũng đã tìm cách khuyến khích nghệ thuật, cất những ngôi nhà đẹp đẽ, tạo những khu vườn có hình mĩ thuật, và còn nhiều cái thích thú khác nữa. Có những lúc tôi vui vẻ tưởng tượng một thế giới ai cũng được nhàn nhã thú dó vì ai cũng đạt được một trình độ văn hóa khá cao rồi.

Thế còn cái thú mạo hiểm?

B.R: Các nhà cầm quyền phải lo về vấn đề đó cho dân, tạo cho dân những phương tiện mạo hiểm, có nguy một chút cũng không sao, đúng như ước vọng của thanh niên, mà chẳng cần phải phí thêm nhiều tiền bạc, thời giờ. Lên bắc cực, xuống nam cực, leo núi, hoặc tới khi nào có thể được thì du lịch trên thiên không. Sinh lực sẽ dồn vào những cuộc mạo hiểm đó, chứ như ngày nay, người ta dùng nó quá thường vào chiến tranh.

Cụ muốn để lại một thông điệp ra sao cho nhân loại ngày mai?

B.R: Nhờ tri thức của các ông, các ông có những khả năng mà trước kia nhân loại không có. Các ông có thể dùng những khả năng đó cho cái thiện cũng như cái ác. Các ông sẽ dùng nó cho cái thiện, nếu các ông nhận định được tình huynh đệ của mọi người, nếu các ông hiểu được rằng hết thay chúng ta có thể sung sướng chung với nhau hoặc khổ sở với nhau. Thời nay không còn là cái thời mà một thiểu số may mắn có thể sống bám trên sự khốn cùng của đại chúng nữa. Hết rồi. Đại chúng không chịu phục tòng nữa đâu. Các ông phải nhìn nhận, chấp nhận hạnh phúc của người láng giềng nếu các ông muốn mình cũng được hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng một sự giáo dục thông minh sẽ làm cho cá nhân hớn hở và thấy một cách tự nhiên rằng hạnh phúc chính mình. Đôi khi, nhìn về tương lai, tôi tưởng tượng một xã hội toàn những người tự do, khỏe mạnh, thông minh, không ai áp bức ai, và cũng không ai bị áp bức. Một thế giới toàn những người có ý thức, nhận định được rằng nên hưởng lợi chung với nhau hơn là kẻ nọ tranh giành với người kia; một thế giới mà mọi sự gắng sức đều hướng về một công trình tuyệt đẹp do trí tuệ và óc tưởng tượng của con người tạo nên. Nếu loài người muốn thì một thế giới như vậy có thể có được. Và nếu nó có, nếu một ngày nào đó nó có, thì sẽ là một thế giới vinh quang hơn, rực rỡ hơn, sung sướng hơn, nhiều hạnh phúc về sáng tạo, về cảm xúc hơn hết thảy, các thế giới đã có từ trước tới nay.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt