GS LÊ THÀNH TRỊ
HIỆN TƯỢNG LUẬN VỀ HIỆN SINH
TRUNG TÂM HỌC LIỆU
BỘ VĂN HÓA GIÁO DỤC VÀ THANH NIÊN
1974
4.
KARL JASPERS VỚI BÓNG DÁNG CỦA SIÊU VƯỢT
MỤC LỤC Lời nói đầu Mục lục 1. Ý nghĩa tổng quát của triết lý hiện sinh Từ kinh nghiệm đến triết lý Bất lực của khoa học chủ nghĩa Khủng hoảng triết lý Hai ngã đường của thuyết hiện sinh Phương pháp của triết lý hiện sinh Hữu thể luận 2. Kierkegaard và vinh nhục của Tín ngưỡng Cha ăn mặn con khát nước Mối tình dang dở Tội và tín ngưỡng Ba giai từng 3. Nietzsche một nỗi buồn của “Bất tử” hay là Ông Hoàng bất mãn của Siêu nhân Quan điểm siêu hình của Nietzsche Một tân giá trị Bình luận 4. Karl Jaspers với bóng dáng của Siêu vượt Những suy niệm tiên khởi Những đề tài chính yếu Sự bất liên tục của kiến thức Tìm triết lý trong hiện sinh Thời gian và vĩnh cửu Tham thông Hoàn cảnh biên cương Số mã và đọc số mã Quy pháp ban ngày và đam mê ban đêm Triết tín Vấn đề chân lý Đại học và triết lý Quan điểm chính trị5. Jaspers và Đường về Lịch sử Duy nhất của lịch sử Thế kỷ 20 và thời trục Vai trò của khối người Sự tan biến giá trị cổ truyền Vào thế giới triết gia Triết gia là ai Cần tìm đến triết gia Thành thực của triết gia Những ai là triết gia Nhìn về tương lai 6. Jean Paul Sartre hay là từ tiếng sét đêm trường đến giấc mơ Đại Đồng cho nhân loại Người con hoang đàng Tính tình và nhân cách Văn nghiệp của Sartre Trên con tàu hư vô Ý thức là khởi điểm Thổi hư vô vào vũ trụ Ý thức tiền phản tỉnh Ý thức và phủ quyết Hữu và hư vô Ý thức là tự hủy Tính chất của ý thức Đồng sàng dị mộng Kiện tính và siêu hướng Nhị phân căn bản Tự ngã và vị ngã Tự ngã là gì Vị ngã của người Tương quan giữa tự ngã và vị ngã Tự ngã hư vô vị ngã Tự ngã ý thức vị ngã Tự ngã thời tính vị ngã Một vài nhận định 7. Dưới mắt Sartre Tự do, Tha nhân và Thượng đế Người đi trong Tự do Điều kiện của tự do Nền tảng của tự do Tự do và chọn lựa cụ thể Một vài nhận định Người đi trên băng tuyết Tính chất của hữu vị tha nhân Tương quan giữa ngã và tha nhân Bình luận Sartre và vấn đề Thượng đế Mâu thuẫn của ý niệm Thượng đế Thượng đế hoặc tự do Nếu Thượng đế hiện hữu thì người là hư vô Nhận định Thay vì kết luận 8. Martin Heidegger một cố gắng hòa hợp Tín ngưỡng và Triết lý Triết lý hiện sinh hay triết lý Hữu Khởi điểm và phương pháp Khởi điểm Phá hủy triết sử Hiện tượng luận Những luận đề chính yếu Người là hữu tại thể Người là vật bị bỏ rơi Kinh hoàng Người là hiện hữu hiểu biết Kiến thức khoa học Phát biểu Nhận thức hướng về tương lai Hiện hữu suy luận bằng ngôn ngữ Ngôn ngữ cụ thể Nghe và ngôn ngữ Lợi của lời nói Hại của ngôn ngữ Ưu tư 9. Những hậu đề hiện sinh Tiên quyết của bản thể người Hữu vị tử Trở về với hiện sinh đích thực 10. Diễn tiến tư tưởng của Heidegger Nhân bản trong học thuyết Heidegger Quan điểm tiêu cực Thế nào là chân lý Tiến về Hữu Con đường của kinh hoàng Con đường của triết sử Ý nghĩa Hữu Chân trời Heidegger |
Hữu Siêu việt
Jaspers công nhận rằng sự tranh chấp ngày đêm mặc dầu hướng nhân loại đến siêu vượt, nhưng đồng thời là một thất bại chua cay của hiện sinh. Sự tranh chấp ấy làm cho con người mòn mỏi, để cuối cùng tiêu tan với tử thần. Sự tiêu tan cuối cùng đó là một số mã quyết định nhất của siêu vượt. Điều này chúng ta đã giải thích khi chúng ta bàn đến ý nghĩa tham sinh úy tử. Người là một hiện sinh, là một hữu luôn luôn trong thế thất bại (l’être en échee). Nhưng có thất bại và càng thất bại thì mới hiểu được phần nào siêu vượt, vì thế triết lý đối với Jaspers có nghĩa là học tập chết chóc (Philosopher c’est apprendre à mourir), và nhật lệnh của Jaspers gửi cho nhân loại là: thí nghiệm hữu trong thất bại “Expérimenter l’être dans l’échee”.
Người ta có thể nói rằng triết học của Jaspers là một học thuyết về thất bại. Nhưng thất bại là trường dạy lạc quan và con đường đưa tới chân lý. Jaspers muốn cho độc giả không dừng lại trên bình diện thất bại, nhất là đừng đối lập thất bại với siêu vượt: “L’échee n’est pas un argument qu’on puisse opposer à la vérité fondée dans la transcendence”[1].
Mặt khác, như ta đã nói, nếu tất cả là số mã, kể cả người, kể cả triết gia, thì căn cứ vào đâu để nói rằng bên kia số mã hay trong số mã có siêu vượt? Jaspers thấy số mã trước hay thấy siêu vượt trước? Hay cái mà ông gọi là siêu vượt chỉ là một suy diễn trừu tượng, tưởng tượng hoặc dựa vào giáo điều của tín ngưỡng? Thực vậy, khi đọc ông, người ta liên tưởng đến tương quan giữa hiện tượng và vật tự nội trong triết lý Kant. Theo triết gia này, lý trí chỉ đối diện với hiện tượng của vật tự nội. Nói cách khác, ta chỉ biết hiện tượng của vật tự nội chứ không bao giờ biết được chính vật ấy.
Nhưng không biết vật tự nội, thì quan niệm, hoặc đặt tên cho nó, sẽ chỉ là tưởng tượng, phi nghĩa. Về sau, một số triết gia đồng nhất hiện tượng với vật tự nội. Như ta đã biết, Nietzsche là một. Nhưng hiện tượng là gì? Dầu quan niệm là gì đi nữa, hiện tượng chỉ có thể hoặc là chính vật ta biết, hoặc cách thể có của vật ta muốn biết. Trong trường hợp nào, vấn đề bản thể hay ít ra, vấn đề hữu phải được đặt lên thảm xanh?
Jaspers đã thực sự đặt vấn đề hữu, hơn nữa, hữu là trọng tâm triết lý. Nhưng người ta có quyền tự hỏi cái mà ông gọi là số mã phải chăng là những cách thể hữu của hữu? Chúng ta không còn nói đến hữu mà tôi là nữa. Vì hữu ấy là hiện sinh của tôi. Mà, Jaspers không ngừng nhấn mạnh nhiều lần, hiện sinh, tự nó đã là số mã, thì tức là không phải Siêu vượt, mặc dầu mang Siêu vượt. Hữu mà tôi là, không phải là hữu của siêu vượt.
Hữu của siêu vượt là gì? Tại sao hiện sinh của tôi được định hướng và quy chiếu về Siêu vượt, hơn nữa mang siêu vượt, mà lại không phải là hữu siêu vượt? Vì như đã nói, tôi là hiện sinh, tôi là số mã. Không có liên hệ khả lý nào giữa số mã và hữu của siêu vượt khiến lý trí có thể vươn lên với siêu vượt?
Jaspers đã dừng lại rất lâu trên bình diện hữu siêu vượt. Một cách tổng quát có thể quy lược quan niệm của ông về hai điểm chính yếu:
1. - Cái làm nên hữu siêu vượt
2. - Đặc hữu của hữu siêu vượt
Thực ra, đó là những cách nói. Bởi vì ngôn ngữ tự nó là số mã, thì sự mô tả của ta bao giờ cũng chỉ là những số mã. Nếu cần nói, thì Jaspers đã nói một cách tiêu cực. Hữu của siêu vượt không phải là Đại Toàn (le Grand Tout) của thuyết phiếm thần với những dị đồng giữa Brahma và atman trong Ấn Độ giáo hoặc với những phương diện tinh thần và trương độ trong học thuyết Spinoza. Hữu siêu vượt cũng không phải là Đại Toàn, Độc hữu của Parménide, hay hữu tự nội của Kant. Hữu của siêu vượt cũng không phải là Thượng Đế có bản ngã như Thiên Chúa giáo quan niệm và tôn thờ.
Hữu của siêu vượt không thể dùng ngôn ngữ hay bất cứ gì để diễn tả hay quan niệm được. Jaspers đã khai triển triệt để chữ Đạo trong Lão học: “Đạo khả Đạo phi thường Đạo, Danh khả Danh phi thường Danh”. Nhưng chắc chắn Thánh kinh cũng đã gợi ý cho ông. Thượng Đế trong Cựu ước đã trả lời cho Moise: “Ta là vị có” (Je suis celui qui est). Nhưng có như thế nào? Đó là vấn đề đối với lý trí suy niệm.
Jaspers đã cố gắng đặt một tên có vẻ tích cực cho hữu của siêu vượt. Ông nói, hữu của siêu vượt là Thượng Đế, nghĩa là bao trùm tuyệt đối (englobant absolu). Gọi như vậy vì hữu ấy gồm cả vũ trụ, cả tôi, cả chính siêu vượt. Nói kiểu khác, hữu của siêu vượt chính là vũ trụ, chính là tôi, chính là siêu vượt, là tất cả những cái đó. Chúng ta đã nói đến siêu vượt của vũ trụ, của hiện sinh. Hữu siêu vượt phải được “đo lường” trong viễn ảnh chân trời của những siêu vượt ấy. Tương tự như quan niệm Tam tài Thiên-Địa-Nhân trong Nho giáo. Nói tóm lại, gọi là bao trùm tuyệt đối, vì:
“Tất cả mỗi hữu là một hữu trong hữu”[2].
Đồng thời hữu của siêu vượt là một bất định tuyệt đối (indétermination absolute). Đặc hữu này không mâu thuẫn với ý niệm bao trùm tuyệt đối. Bởi vì nếu hữu của siêu vượt gồm mọi hữu và mọi toàn thể hữu, thì hữu không phải là những hữu ấy, cũng chẳng phải là tổng số co dãn của những hữu ấy. Người ta không thể chỉ trỏ hữu, đặt vị trí cho hữu, v.v… Vì tất cả những điều đó chỉ áp dụng cho sự vật, cho vũ trụ, đối tượng của khoa học, mà Hữu tuyệt đối là cái gì bất khả xác định nhất.
Nhờ hai đặc hữu căn bản trên, Hữu mới là cái gì vô tận trong bản chất của nó và đối với ta. Hữu là tuyệt đối của tha hữu. Nhận thức được định nghĩa như một cố gắng vươn đến với tha hữu. Nhưng không một tha hữu nào thỏa mãn được nhu cầu nhận thức của ta. Phải chăng vì có một tha hữu tuyệt đối là siêu vượt lôi kéo mọi trí tuệ như mặt trời là “nguyên nhân” hướng động của hoa quý? Đàng khác, Hữu, trong tư thế tuyệt đối của nó, là một yêu thương không tương đối, nghĩa là không biết đến đối tượng, cũng không biết tại sao lại yêu thương. Nói một cách khác, là tình yêu tuyệt đối, Hữu chỉ kêu mời tình yêu của các hữu, nhưng không ban phát tình yêu cho vật này hay vật kia. Một lần nữa, bởi vì mọi tình yêu sở dĩ có là vì có Hữu tuyệt đối, và hữu tuyệt đối không đạt tới một cá vật nào.
Jaspers không muốn áp dụng “phạm trù” yêu thương của nhân loại cho tình yêu của tuyệt đối siêu vượt. Ông chỉ muốn khẳng định rằng siêu vượt là một kết luận tất yếu của hiện sinh, của số mã. Không có siêu vượt, tạo sao lại có sự kiện số mã và nhu cầu vượt số mã? Mặt khác, Siêu vượt, vì tính chất Bao trùm và Bất định của nó, là một Độc hữu. Bởi vì, nếu không, thì sao gọi là Bao trùm được và còn gì là siêu vượt nữa. Siêu vượt không phải là một ý niệm suông. Siêu vượt là ý thức, là Tự-ý thức, là bản ngã, nhưng tất cả chỉ là một, ta chỉ biết có thế[3].
Ta đừng hiểu tình yêu của siêu vượt như là của một ngã vị, hoặc tệ hơn, của một nhân vị. Nói đến ngôi vị, là nói đến tương quan giữa cá nhân và cá nhân, là phân biệt ngã và tha. Ngôi vị là việc của hiện sinh. Siêu vượt không phải là hiện sinh, thì tại sao lại cứ nói đến Ngôi vị trong siêu vượt. Nói như vậy tức là giảm giá Siêu vượt[4].
Có một đồng nhất giữa Siêu vượt và Thượng Đế. Nhưng Thượng Đế không phải là ngôi vị như Thiên Chúa giáo thường hiểu. Không phải Jaspers không cảm thấy Thượng Đế của Cơ Đốc giáo. Nhưng theo ông, sự cảm thấy ấy là việc của cá nhân, có tính chất hiện sinh[5].
Nói vắn lại, Jaspers không phủ nhận, trái lại, chấp nhận tất cả những gì triết học cổ điển quan niệm về Thượng Đế. Nhưng, nếu người có thể nói đến Độc hữu, Vô tận, Hoàn thiện, v.v… của một Thượng Đế, thì đó chỉ là những số mã. Ngay như khi nói Thượng Đế hoặc Siêu vượt là một, là duy nhất, thì ý nghĩa một ấy cũng không được hiểu theo nghĩa số học. Vì rằng nếu hiểu theo nghĩa đó, thì Thượng Đế sẽ là một đơn vị đối lập với các đơn vị khác, một đơn vị ngoài vạn vật, không bao trùm vạn vật, không còn vô biên hoàn thiện nữa…[6]
Đừng hiểu rằng có một sự hơn kém, trước sau, hoặc nhân quả nào, giữa các hữu với nhau, và giữa các hữu và Hữu tuyệt đối. Hữu tuyệt đối không phải là nguồn mạch từ đó các hữu đặc thù phát sinh (émanation), cũng không phải là nguyên lý được thể hiện nơi các hữu. Nếu ta không lầm thì câu nói “mỗi hữu là một hữu trong Hữu” tương đương với câu “mỗi hữu là cách thể hữu của Hữu”, nhưng không phải chính Hữu”.
Nghĩa là thế nào? Jaspers không đồng nhất Hữu tuyệt đối của ông với Hữu tuyệt đối nào của lịch sử triết học hay của tín ngưỡng. Đồng thời, vì Hữu không phải là một quan niệm, và vì không một quan niệm nào đạt tới Hữu, diễn tả Hữu, nên ta có thể tóm lược rằng:
Hữu tuyệt đối tự mình là bất định (phương diện bản thể học).
Hữu tuyệt đối bất định và do đó bất khả tri (phương diện nhận thức).
Trước hết, trên bình diện nhận thức, người ta chỉ có thể nói tới bất định trong quy chiếu với một hữu định nào đó. Nhưng khi bất định đã trở nên tuyệt đối, thì mọi quy chiếu đều trở nên phi lý, vô nghĩa? Và do đó, chính “bất định tuyệt đối” cũng không còn lý do tồn tại, vì tuyệt đối vô nghĩa. Chúng ta bắt buộc rơi vào thuyết bất khả tri tuyệt đối. Đó là ý kiến của một số nhà phê bình học thuyết Jaspers.
Bất khả tri tuyệt đối, dưới khía cạnh nhận thức, đồng nghĩa với hư vô. Ở đây, chúng tôi sơ lược nhận xét của giáo sư Regis Jolivet về sự bất định của siêu vượt Jaspers:
1. Hữu siêu vượt tuyệt đối bất định chẳng những không suy tưởng được (điều Jaspers không ngừng nhấn mạnh), mà lại không thể có được, vì không thể có Hữu tuyệt đối bất định. Một Hữu như vậy có nghĩa là hư vô, tức là không có.
2. Khi một cái gì đã tuyệt đối bất định, thì làm sao lại có thể phân định ra từng thành phần, dầu quan niệm thành phần theo nghĩa nào cũng vậy, dầu là nghĩa số mã. Hơn nữa, liệu có thể có kinh nghiệm về cái tuyệt đối bất định được không? Liệu có thể gọi là hiện tượng số mã tuyệt đối bất định không? Jolivet nói đó là một độc thể tuyệt đối (monisme absolu).
3. Độc thể tuyệt đối ấy đồng nghĩa với Abgrund (nguyên lý) của Heidegger, nghĩa là với vực thẳm của hiện hữu. Vực thẳm là hư vô, sự vật từ hư vô xuất hiện chốc lát để rồi trở về hư vô.
4. Người là hữu trong Hữu tuyệt đối bất định. Khi đã bất định tuyệt đối, thì tại sao lại quyết định sự hướng chiều của ta, ý hướng của ta về phía siêu vượt được?
Đọc Jaspers cũng như đọc Heidegger, ta thấy vấn đề Hữu được soi sáng bởi sự hiện diện và qua trung gian của hữu mà ta là. Nói khác đi, người đóng vai trò xác định, dầu một cách thiếu thốn, xa vời, mơ hồ, thế nào là Hữu. Sự xác định ấy sở dĩ có là vì có Hữu. Nghĩa là, cuối cùng, Hữu hoạt động xác định trong ta. Nhưng một tuyệt đối bất định, theo định nghĩa, không có, thì làm sao “định” được?
Người ta nghi ngờ Jaspers đã diễn tả lập trường duy danh của ông dưới một hình thức độc đáo: hình thức số mã. Duy danh hay số mã phải chăng là một? Không thể đồng nhất thuyết duy danh với thuyết số mã. Bởi vì duy danh chỉ là tiếng kêu trống rỗng, hoặc có một ý nghĩa giả tạo, nhân vị, trong khi đó số mã vốn có ý nghĩa, và ý nghĩa ấy bắt nguồn ở sự cảm thông giữa người và vũ trụ, số mã đòi hỏi một Siêu vượt và hướng về Siêu vượt, khác với duy danh. Sự khó khăn Jaspers gặp phải trong học thuyết số mã là ở chỗ khi tất cả là số mã, kể cả người, thì cái gì cho phép nói rằng số mã hướng về Siêu vượt và Siêu vượt là lý do có của số mã?
Dầu sao, bất định, tuyệt đối, là những phạm trù, Kant đã chứng minh. Và vì thế Jaspers mới có quyền nói lý trí bất lực trước tuyệt đối bất định. Chúng tôi nghĩ rằng Hữu siêu vượt có thể hiểu là tuyệt đối bất định trên phương diện nhận thức. Nghĩa là Hữu của siêu vượt tự mình đã “định” như thế nào ta không thể tuyệt đối biết được, hoặc chỉ có thể biết qua số mã của nó.
Nếu hiểu như vậy thì có thể chấp nhận quan điểm nhận thức siêu hình của Jaspers. Thực vậy, ông tuyên xưng có Siêu vượt, nhưng đồng thời quả quyết rằng Siêu vượt không thể đạt tới, bằng lý luận. Có đạt tới phần nào là nhờ lòng tin triết lý.
Triết tín
Triết lý tin vào Siêu vượt, tin trong yên lặng, tin trong huyền nhiệm. Không phải Jaspers là người đầu tiên nói đến niềm tin triết lý. David Hume đã nhấn mạnh đến niềm tin (croyance) như là nền tảng mọi thái độ của lý trí. Bradley tiếp tục khai triển Hume trong viễn ảnh của thuyết Tân Kant. Gabriel Marcel đã đem “huyền nhiệm” vào triết học. Nhưng huyền nhiệm cũng như niềm tin triết lý không thuộc thứ hạng tín ngưỡng tôn giáo do Mặc khải lời Chúa hoặc do tiết lộ của các vị Giáo tổ… Tin của triết gia một đàng do ý thức về bất lực của lý trí trước ý nghĩa triết học, một đàng do ý chí muốn đạt tới chân lý. Theo nghĩa đó, vô thần cũng là do niềm tin ấy, nếu vô thần là một thái độ tri thức. Tin triết học, như vậy, chính là thực chất của luận lý triết học (logique philosophique). Luận lý này không dựa vào quan niệm suy lý theo kiểu Kant hay ý niệm duy nghiệm theo kiểu Hobbes. Nó là một thứ luận lý của hòa đồng trí thức (compréhension), của cảm thông. Cái lý ấy không có tính cách thiết yếu của lý trí khoa học. Luận lý triết học là như vậy: “Lý học triết lý có thể chứng tỏ tất cả điều ấy, mà không cần bắt buộc nhận thức của người khác phải chấp nhận lý học ấy. Trong lĩnh vực này, nó chỉ mở cửa những khả thể, những khả thể này có người cho là có ý nghĩa, kẻ khác lại cho là phi lý[7].
Lý triết học đồng nhất với triết lý. Lý ấy nằm ở tận nguồn gốc cuộc đời, cũng như dần dần thể hiện qua các công trình của lịch sử triết học. Jaspers, như đã nói, không hạ giá lịch sử triết học. Trái lại, ông nhìn ở đó, trong sự chống đối lẫn nhau của các triết thuyết, hình ảnh, hay đúng hơn, bản chất, của triết lý. Sở dĩ có sự xung khắc quan điểm, là vì triết lý không thể thâu tóm hoặc đóng khung thành hệ thống, vì triết lý là số mã của Siêu vượt, siêu lý trí.
“Lý học triết lý phải cho biết sự thiếu lý tính trong hiểu biết các vấn đề triết lý căn bản sẽ bằng cách nào đưa tới sự xuất hiện một tư tưởng không kể gì đến các nguyên tắc lý tính, mâu thuẫn, trùng luận, quanh quẩn, không phải vì sở thích tiêng tây mà đối lập với nguyên tắc, nhưng là vì muốn theo một trật tự khác mà phương pháp phải làm sáng tỏ”[8].
Lý triết học không có biên giới. Cũng như siêu vượt là chỗ tận cùng của mọi cố gắng triết học. Nhưng không phải cái gì cũng là triết lý, mặc dầu triết lý nằm trong mọi sự vật, mọi hành động nhân sinh, cần tìm đến lý triết học ở mọi nơi, mọi thời, để thấy được nền tảng của cuộc đời. Triết học là nền tảng và lãnh đạo cuộc đời là như vậy. Nhiệm vụ của triết gia là đạt tới tinh hoa của tư tưởng:
“Vấn đề không phải là biết tất cả, mà phải trình bày vắn tắt những đề luận thiết yếu của quan niệm sử học và cụ thể hóa những đề luận ấy bằng những tỉ dụ có ý nghĩa; cần phải đánh thức ý nghĩa của hiểu biết lịch sử, làm một đẳng cấp giữa cái cao cả và cái không cao cả, làm cho người ta biết những triết gia cao cả thực thì không có mấy, phải hướng đến những gì là yếu tính của các thời đại, của các vấn đề thực, của các lực hoạt động trong tư tưởng; phải diễn tả được những nguồn gốc tự lập cao cả ở Trung Quốc, Ấn Độ, Cận Đông và Âu Châu; phải nói rõ cái gì là lịch sử thật và cái gì là trừu tượng phổ biến của nó”[9].
Điều kiện để đạt tới tinh hoa của mọi nền triết lý là một sự cởi mở hào hiệp, là sự xóa bỏ mọi trở lực, xóa bỏ đoạn giao giữa các dân tộc và các nền văn hóa, là cổ võ một phong trào trao đổi và cảm thông[10].
Vấn đề chân lý
Trong ý tưởng giới thiệu một nền triết lý khả dĩ làm tiêu chuẩn nghiên cứu cho hậu sinh[11], sau những tác phẩm ta đã biết, Jaspers có dự định hoàn thành bộ “Luận lý triết học” ta vừa nhắc tới một vài ý niệm. Ông cho biết bộ sách dự định gồm bốn cuốn.
Cuốn thứ nhất nhằm soi sáng, dưới mọi phương diện, ý nghĩa của chân lý. Tìm hiểu nguồn gốc của mọi hệ thống tư tưởng và đem tất cả về một mối là Nhứt (l’Un), có tính cách bao trùm vạn vật.
Cuốn thứ hai nhằm liệt kê và mô tả các phạm trù, nhờ đó có tư tưởng.
Cuốn thứ ba nhằm nghiên cứu những phương pháp hoạt động của trí tuệ, từ nguyên lý của trí tuệ đến những giới hạn không xác định của nó. Phương pháp gồm có kỹ thuật tạo dựng hình thức và tiến trình của tư tưởng, kể cả những đặc thù của cá nhân.
Cuốn thứ tư đối tượng là thiết tạo một lý thuyết các khoa học.
Chương trình kể là vĩ đại. Đến nay, ta mới có cuốn thứ nhất, nhan đề là Bàn về chân lý (Von der wahrheit, Philosophische Logik I), in năm 1945, xuất bản lần thứ hai năm 1958.
Có chắc chắn về chân lý và về khả năng của người đạt tới chân lý, thì triết gia mới được biện chính trong hoạt động sưu tầm tra cứu của mình. Nhưng chân lý là gì? Chân lý không phải là hư vô. Chân lý trước hết là cái có, là Hữu. Do đó, đặt vấn đề chân lý, đồng thời là đặt vấn đề Hữu.
Ngay từ những trang đầu bàn về Những chân lý, Jaspers đã đưa ra sáu loại chân lý tương ứng với sáu loại hữu; chân lý của hữu đặc thù Dasein, chân lý của ý thức nói một cách tổng quát, chân lý của vũ trụ, chân lý của trí tuệ (l’esprit), chân lý của hiện sinh, chân lý của siêu vượt.
Sở dĩ có sự phân loại ấy, vì Jaspers đi từ quan điểm căn bản này, trái với lập trường cổ điển: chân lý có trước phán đoán. Phán đoán là việc của lý trí suy luận. Nhưng suy luận trên những tiền giả định, trên phản ứng tự phát của tự thân, của tâm tính, của hiện sinh. Những phản ứng này cũng là những thể thức biểu hiện chân lý. Bởi vì nếu chân lý là hữu và ngược lại, thì mỗi thể cách hữu là một thể cách của chân lý.
Trong sáu loại chân lý, bốn liên hệ đến hữu mà tôi là, và hai, chân lý của vũ trụ và chân lý của siêu vượt, là những chân lý của tha hữu liên hệ đến hữu của tôi.
Chân lý của Dasein là chân lý mà ta nghiên cứu vì ích dụng thực hành của nó. Theo nghĩa này, Jaspers đến gần William James. Chân lý đồng nghĩa với hạnh phúc, vật chất và tinh thần. Cái gì mang lại hạnh phúc thực nghiệm cho ta, cái đó là chân lý. Nhưng nguồn gốc của mọi hạnh phúc hiểu theo nghĩa đó, chính là Dasein. Dasein là một hoan hỉ. Hoan hỉ của kẻ sinh ra làm người. Hoan hỉ vì nhờ Dasein mà tôi trở thành một sinh vật có thể hưởng thụ được những hạnh phúc do chân lý ích dụng đem lại. Tuy nhiên, bên cạnh và sau cái vui mừng căn bản ấy, xuất hiện một tai họa, đó là tai họa thấy mình phải cố gắng, cố gắng không ngừng để đạt tới chân lý. Ta nhớ đến lời Thượng Đế phán với Adam: “Con làm lấy mà ăn”. Là một hữu đặc thù, nhưng vô giới hạn trong khuynh hướng và nhu cầu của nó, trong mọi kích thước của nó, nên Dasein tự nó là một hoan hỉ và một đau khổ: hoan hỉ vì luôn luôn hưởng thụ cái mới và được thỏa mãn, nhưng đau khổ vì thỏa mãn chỉ là riêng phần, thiếu sót, đòi hỏi những thỏa mãn mới.
Người ta tự hỏi những tâm tính đau khổ ấy phải chăng do hướng về siêu vượt gây nên, và phải chăng đã vượt khỏi những quan niệm đầu tiên của Jaspers, theo đó, Dasein chỉ là một cái gì có đó, thuần túy dự kiện sinh vật? Sự phân loại hữu của Dasein hoặc chân lý của Dasein, đã không có lý do nghiêm chỉnh, vì những phân tách hiện tượng luận của Jaspers về Dasein đã ăn lan sang lĩnh vực của các hữu khác? Jean Wahl gọi đó là tính chất mơ hồ (ambiguité) của Dasein. Sự mơ hồ ấy càng thấy rõ khi ta đọc những trang dành cho chân lý của ý thức hiểu theo nghĩa tổng quát. Có thể nói đây là chân lý cấp hai, Dasein thuộc chân lý cấp nhất. Chúng tôi nói chân lý cấp hai vì được trông thấy một cách trừu tượng, hình thức, theo kiểu Cogito của Descartes. Chân lý này có đặc hữu chứng minh và thuyết phục lý trí suy luận. Chân lý này là nguồn gốc, hay đúng hơn, là môi trường khả tri của những hệ thống triết lý duy lý, duy nghiệm và của khoa học, toán học, của bất cứ một học thuyết nào dựa vào suy luận duy lý. Jaspers công nhận khả năng của ý thức này, vì hơn tất cả, ý thức tự suy tư, tự khẳng định, điều mà ta trông thấy nơi các mức độ hữu khác. Nhờ sự tự khẳng định, mà chân lý nó khám phá ra bắt đầu bằng sự tự khẳng định ấy, là những chân lý tất yếu và phổ biến. Tuy nhiên, những đặc điểm ấy đồng thời là khuyết điểm của nó khi đối chiếu với các chân lý khác. Thực vậy, ý thức suy luận, với những ý niệm trừu tượng, xác định, giới hạn, phạm trù, luôn luôn bị ràng buộc bởi định luật mâu thuẫn, nên chỉ công hiệu trong việc phân tích, mổ xẻ, cắt xén, thực tại. Mà không thể khác được. Bởi vì ý thức, hiểu theo nghĩa tổng quát, là sản phẩm của những từng lớp chân lý nền tảng khác. Bởi vì nó là cái gì nổi lên trên và từ những từng lớp ấy, cách biệt với những chân lý ấy. Nhưng chính nhờ sự ly khai ấy mà ý thức đóng vai trò phân định chân lý.
Jaspers không khai triển ý nghĩa của vai trò ấy. Ông giới hạn ở nhận định rằng ý thức là một phi-trung-gian trung-gian (immédiation médiate) cho các chân lý khác. Phi-trung gian vì thực ra, ý thức là một thành phần của hữu mà tôi là, bắt nguồn ở các từng lớp hữu khác trong tôi. Không thể thực sự ly khai giữa các thành phần được. Nhưng là trung gian, về phương diện nhận chân. Không có nó, vấn đề chân lý không đặt ra. Cho nên, xét theo một nghĩa, chính nó là “người” khởi xướng và định nghĩa thế nào là chân lý.
Jaspers có thể nói rằng ý thức nói chung là điều kiện cần cho vấn đề chân lý, nhưng không đủ đưa ta đến chân lý. Mặt khác, ý thức ấy dường như được giao phó trách nhiệm đặt định điều kiện cho chân lý và đạt tới hữu đặc thù. Hữu mà-tôi-là còn mang sẵn hoài bão thống nhất trừu tượng và cụ thể, kết nối ý tưởng với thực tại, lý với tính, tinh thần với vật chất, làm thế nào để đem tất cả về một mối. Công việc trọng đại ấy thiên nhiên đã dành cho trí tuệ hiểu theo nghĩa Hegel. Thực ra, từ khi có triết lý, các nhà tư tưởng đã làm công việc phối hợp và thống nhất ấy. Phải chờ đến Hegel, người ta mới thấy được khả năng kinh khủng và huyền diệu của nó. Nhưng, theo Jaspers, cũng như các vị tiên phong Kierkegaard hoặc Nietzsche, v.v… giá trị hệ thống của Hegel chỉ là lý thuyết. Nói khác đi, hai nhược điểm của Hegel là: quy tất cả vào sự vận động có tính cách tổng hợp của trí tuệ dựa vào ý niệm nhưng trí tuệ không bao giờ làm xong sự tổng hợp ấy. Kết quả là ý thức đau khổ.
Tại sao lại đau khổ? Tại sao không bao giờ làm xong sự tổng hợp ấy? Bởi vì công trình của Hegel có tính cách giả tạo, nhân vị, phù phiếm. Bởi vì Hegel như bơi lội trong môi trường khả tri do ý thức tổng quát tạo ra. Tệ hơn nữa là ông đã tuyệt đối hóa môi trường ấy. Thành ra kỳ diệu một phương diện, học thuyết của ông đã phản bội thực tại, nhất là hiện sinh, căn bản của mọi thái độ trí thức. Vậy chân lý của trí tuệ đã không toàn diện như tham vọng. Chân lý của trí tuệ cũng riêng phần, cũng thiếu sót, cũng đứt đoạn, như chân lý của ý thức tổng quát.
Hegel trẻ đã trông thấy điều đó. Nhưng ông đã sớm say mê với các hệ thống để đi vào thế giới ý niệm. Jaspers muốn khai thác quan điểm đầu tiên của Hegel. Hiện sinh là tất cả, là nền tảng của mọi hoạt động cơ thể, Dasein, ý thức và trí tuệ. Như đã nói, là tất cả những cái đó, hiện sinh còn là một cái gì hơn thế nữa. Chân lý của hiện sinh trước hết là chân lý của từng cái đó, và là tất cả chân lý của những cái đó. Là nền tảng và nguồn gốc của các loại chân lý, hiện sinh là một độc thể chân lý, một khả hữu, một hữu mà tính chất là biến hóa. Nó không là gì cả, nhưng nó là tất cả. Chân lý của hiện sinh tự nó không đạt đến bằng con đường duy lý. Chỉ có thể bằng niềm tin. Tin là liều. Liều là nhảy. Heidegger nói: hiện sinh là ném tới phía trước (projekt) tức là một cái gì bản chất không bất động, nhưng hướng về tương lai, theo một tiến trình nào đó. Sự ném tới phía trước là tự do, có trước mọi suy tư lý luận. Trở về với nó, tức là ta đã tìm thấy nguyên quán của ý nghĩa làm người. Cùng một quan niệm tương tự, Jaspers cho rằng hiện sinh vượt khỏi, đúng hơn, nằm sâu dưới, mọi giai từng nhận thức. Qua những nẻo đường quanh co, vất vả, hy sinh, qua những biện pháp tự luyện, tĩnh tâm, người mới có hy vọng về đồng nhất với hiện sinh trong một trạng thái bất phân ngã vô ngã, mình với ta, hơn nữa, mình không còn ý thức mình, mình trở nên vô hình đối với chính mình, một trạng thái im lặng, triền miên vô thức… Đó là hiện sinh, đó là chân lý của hiện sinh.
Ta có cảm tưởng, qua những trình bày mô tả của Jaspers, chân lý đã được đồng nhất với bản thể. Một chân lý bản thể học “bất khả tri”. Nhưng phải chăng đó là giọng điệu của vật tự tại của Kant?
Nhiều nơi khác, Jaspers nói rằng chân lý hiện sinh là môi trường và là phương tiện của mọi chân lý, đặc biệt của chân lý do cảm thông tạo ra. Nhưng, như đã nói trước kia, khi hiện sinh là như vậy thì chân lý có tính cách hoàn toàn chủ thể, không một quyền binh nào, không một tiếng nói ngoại lai nào, làm trọng tài cho ý thức chân lý, cho chân lý. Chân lý là niềm tin, do niềm tin. Nói niềm tin thì bá nhân, bá tính, lấy gì đo lường? Bản chất của hiện sinh là tự do. Tự do là chọn lựa. Có nhiều khả thể chọn lựa. Nói khác đi, không có khả thể nào xét về phương diện hiện sinh. Một tuyệt đối hóa tương đối tính của chân lý. Nhưng như vậy, chân lý sẽ không còn nữa? Và vấn đề chân lý sẽ không đặt ra.
Jaspers không muốn chấp nhận kết luận thảm hại ấy. Để nói lên ý nghĩa của chân lý hiện sinh, ông đưa ra những luận cứ hiện sinh. Chẳng hạn Giorno Bruno đã chết cho chân lý mà ông đã tự đồng nhất. Đó là chân lý hiện sinh, không thể ly khai Bruno với chân lý ấy. Trái lại, chân lý của Galilée đã được ông này “quan niệm” là độc lập với con người của ông. Mặt trời quay hay không quay quanh địa cầu, đó là chân lý của khoa học, chân lý khách quan. Galilée không phải là chân lý ấy. Chân lý của mặt trời không phải là chân lý của hiện sinh. Ông Galilée đã không thể chết cho chân lý ấy.
Jaspers phân biệt hai thể cách thực hiện chân lý hoặc đạt tới chân lý. Có chân lý của ly khai. Có chân lý của hợp nhất. Cách thể thứ nhất là của phạm vi Dasein, của ý thức tổng quát, của trí tuệ tổng hợp. Trong ba phạm vi này, người nhận thức như tự mình tách khỏi căn bản hiện sinh cố hữu để dấn thân vào những xây dựng của tự thân, của trí tuệ. Đó là thái độ nhận thức của người bàng quang. Tuy có vẻ vô tư, khách quan nhưng một phần vô ngã, không hiện sinh. Bản ngã đã vô tình trở nên một đối tượng cứng nhắc, vật hóa, cô đọng, một đối tượng mổ xẻ của khoa học, hay phân tách của luận lý siêu hình. Nói là chân lý, vì, theo một nghĩa, nhờ tách rời khỏi chính mình, người nhận thức mới ý thức được mình là gì so với tha hữu. Quãng cách là điều kiện tối thiểu cho chân lý ly khai. Tuy nhiên, nhận thức là vượt quãng cách ấy. Chân lý là sự hòa đồng giữa chủ và khách. Jaspers nhận định rằng có sự hòa đồng giữa chủ từ và thuộc từ trong câu phán đoán, và hòa đồng giữa phán đoán mình với phán đoán của người. Nói hòa đồng là nói đến ý thức giữa chân và hư, thực và giả, đúng và sai. Trước khi hòa đồng, chúng ta chưa nắm được chân lý, chưa ở trên con đường chân lý. Từ đó, Jaspers quả quyết như một định đề cho nhận thức rằng chân lý chỉ có nơi nào có thể có sai lầm. Cũng như liên hệ giữa tất định và tự do, liên hệ chân hư, thực giả, có tính cách tương tạo và bổ túc lẫn nhau. Jaspers đã gặp ý kiến cho rằng chân lý bắt đầu bằng sai lầm. Tương tự như quan điểm của tập quán trong học thuyết Hume hay phương pháp Thử và Sai trong tâm lý học.
Nhưng bị lôi kéo bởi khuynh hướng tự nhiên ấy, người ta đã đi quá xa, làm đảo ngược mọi trật tự, đến nỗi lấy gốc làm ngọn, lấy ngọn làm gốc. Hiện sinh đã bị hy sinh cho kỹ thuật, cho hình thức. Con người với tất cả bản tính và nhân cách cô hữu bị xóa bỏ hoặc lu mờ trước hào nhoáng vô trách nhiệm của dư luận, của bộ máy tổ chức xã hội. Tuy nhiên, chính tình trạng đau thương ấy lại là cơ hội vô cùng quý báu giúp ta hồi tỉnh, nói một cách tổng quát chân lý của ly khai là môi trường trong đó hiện sinh mới bày tỏ ý nghĩa thiết yếu của nó.
Thấy được sự cần thiết trở về nguyên quán hiện sinh, người mới có cơ hội quyết định đồng nhất với hiện sinh bằng một thái độ hào hiệp. Ý chí là động cơ của sự tái hợp. “Ý chí là chân lý”. Một lần nữa ta thấy vọng âm của Thánh Augustine, của Kierkegaard, và của Descartes. Được hỏi, nếu phân minh là tiêu chuẩn của chân lý, thì tại sao lại có sự ngộ nhận, Descartes trả lời điều đó là do nhiệt tình hoặc lười biếng của ý chí. Về sau, nhiều người đã nói, như Descartes: Ý chí là chân lý. Nếu ý chí được hiểu là một nội lực hướng về chân lý, và chân lý được hiểu là một tinh thần chân lý hơn là chân lý này hay chân lý kia, thì ý chí cũng được gọi là chân lý. Nhưng đó là thứ chân lý bản thể, theo nghĩa “cus et verum convertuntur”. Hơn nữa, khi ta đã đồng nhất hoàn toàn với hiện sinh trong một trạng thái say mê không còn phân biệt gì nữa, không ý thức gì nữa, như đã nói, thì liệu sự hợp nhất ấy có gọi là chân lý không?
Để trả lời, ta có thể biện hộ cho Jaspers như sau:
Hiện sinh tự nó cũng chỉ là số mã, số mã cho nên hiện sinh phải được đọc theo hàm số của cái gì vượt lên trên số mã. Cái đó là siêu vượt. Hiện sinh, vì thế không phải là một nội tại thuần túy, bởi vì “nội tại thuần túy sụp đổ trong phi nghĩa tuyệt đối” (La pure immanence s’écroule dans l’absolu non-sens). Là nội tại, nhưng là một nội tại hướng ngoại và hướng thượng. Ta có thể quan niệm hiện sinh theo nghĩa chân lý của nó, như là một nội lực vô cùng phong phú làm nòng cốt cho Dasein, ý thức và trí tuệ. Chính vì thế mà Dasein thể hiện siêu vượt của nội tại theo mức độ của mình; cũng vậy, ý thức và trí tuệ. Có siêu vượt trong mỗi thể cách hữu ấy, vì là những thể cách của hữu mà tôi là, của hiện sinh của tôi. Hiện sinh là siêu vượt bao trùm các siêu vượt của ba mức độ ấy. Hiện sinh vừa là siêu vượt, vừa là số mã, lưỡng tính ấy có nghĩa gì? Phải chăng có một siêu vượt của số mã? Có và không. Đối với các siêu vượt của Dasein, ý thức và trí tuệ, hiện sinh là một siêu vượt bao trùm, nhưng đối với Hữu của siêu vượt, hiện sinh lại chỉ là số mã. Nhưng Hữu siêu vượt nằm trong hiện sinh, là lý do có của hiện sinh, cho nên khi ta trở về đồng nhất với hiện sinh, thì ta đạt tới chân lý. Chân lý ở đây không còn là chủ quan nữa; chân lý là chân lý tuyệt đối không còn được định nghĩa theo những phạm trù phù hợp hay ly khai.
Đến đây, ta thấy Jaspers đã thay đổi trọng tâm triết học của ông. Hiện sinh chỉ là một cái cớ để ta vươn lên với siêu vượt. Hiện sinh không phải là Siêu vượt (viết chữ hoa), mặc dầu hướng về Siêu vượt. Học thuyết của ông biến diễn từ hiện thực cảm giác qua duy tâm chủ thể (idéalisme subjectiviste) của hiện sinh để cuối cùng vươn tới hiện thực siêu hình của Siêu vượt. Chính Siêu vượt và Hữu của Siêu vượt là đích tối hậu của vạn vật, là Nhứt bao trùm toàn thể các Hữu.
Jaspers muốn tìm thấy trong Siêu vượt nền tảng và lý chứng cho quan niệm chân lý của ông. Nhưng còn rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đơn cử một vài trở lực điển hình hơn cả.
Trước hết là quan niệm về chân lý. Theo ông, chân lý gắn liền với phi-chân lý. Thực Hư xác định lẫn nhau. Nếu vậy thì tiêu chuẩn nào cho phép phân biệt Hư Thực, chân lý với không-chân lý? Ít ra phải nói rằng phi-chân lý đòi hỏi chân lý trước, ý niệm phi-chân không thể có nếu đã không có ý niệm chân.
Chân lý là một cái gì xuất hiện dưới ánh sáng của trí tuệ, và được trí tuệ trông thấy hoặc chân lý là lời nói mà trí tuệ nghe được. Người Hy Lạp đã sớm hiểu điều đó, cho nên họ dùng Idéé nguyên nghĩa là hình ảnh để chỉ ý niệm, và dùng logos nguyên nghĩa là lời nói để cùng chỉ ý niệm. Ý niệm là cái gì trí tuệ thấy. Thấy là nghe và ngược lại. Quan điểm về quãng cách là đúng. Thấy hay nghe chứng tỏ sự dị đồng giữa kẻ nói người nghe, giữa kẻ thấy và vật được thấy. Nhưng chân lý của ly khai theo như Jaspers quan niệm là kết quả của một sự tách đôi con người nhận thức, một tha hóa của nó, hoặc một nhị hóa nhân cách. Sự nhị hóa đó làm cho người ta nghĩ đến cái vị tự (le pour soi) trong triết học Sartre. Con người đã xa lìa chính mình, cho nên không còn trung chính, không còn là mình nữa. Chân lý của ly khai đến sau chân lý của phối hợp, không chân thực bằng nhưng lại là điều kiện để thấy được, và trở về với, chân lý của phối hợp. Nhưng nếu đã không thấy, không nghe, không có ý niệm nào đó dầu là thiếu sót như Kant đã nói, về thế nào là chân lý của phối hợp, thì căn cứ vào đâu để nói rằng chân lý ly khai là ngọn, và chân lý phối hợp là gốc. Muốn so sánh và sắp đặt liên hệ trên dưới nhất là trong lĩnh vực chân lý, thì cần đã phải có ý niệm về những cái mình so sánh.
Jaspers là một y sĩ. Mỗi chứng bệnh đều do căn nguyên của nó. Phải chăng ông đã đem kinh nghiệm nghề nghiệp áp dụng vào việc bắt mạch chân lý, nhất là chân lý Siêu vượt? Ông có thể trả lời: Hữu Siêu vượt là cái gì được gợi ra như một túc lý của mọi chân lý nghiệm thấy trong vũ trụ. Vậy thì ít ra ông phải bằng lòng với ý niệm: có một Hữu Siêu vượt, có một chân lý tuyệt đối, có một chân không (madhyamika), hoặc một ý thức tuyệt đối (yijuanavada[12]. Chứ không nên đi quá xa với những biểu thức như Bất định tuyệt đối. Bởi vì Bất định tuyệt đối không có nghĩa như chân không (chân không không phải là hư vô), mà là hư vô. Điều này ta đã nói đến trước đây, khi giải thích Siêu vượt.
Hữu của Siêu vượt là Tột đỉnh trong triết lý của Jaspers. Mọi cái nhìn của con người đều phải hướng và được hướng về Hữu ấy, nói rộng ra, người và vật đều do Hữu của Siêu vượt, và biểu lộ Hữu của Siêu vượt. Jaspers không đi ra ngoài thông lệ của triết lý. Ông muốn tạo một nền triết lý có tính cách hệ thống, mặc dầu ông luôn luôn phủ nhận triết lý là một hệ thống. Hệ thống tính của ông có thể thấy trên năm phương diện liên hệ với nhau:
1. Triết lý phải lấy hiện sinh làm khởi điểm và phân tách hiện sinh làm phương pháp. Quan điểm này dựa trên định đề có người mới có vũ trụ, hay đúng hơn, mới có nhận thức. Phải đánh giá người để nhờ đó tìm hiểu triết lý. Tương tự như quan điểm nhân tính của David Hume, hoặc bản ngã của Fichte hay Schelling, v.v… Theo Jaspers, đối tượng của triết học là hiện sinh của người, và hiện sinh ấy có thể tạo ra một toàn thể cho triết lý.
2. Sự móc nối, tương liên và quy chiếu lẫn nhau giữa số mã. Tất cả là số mã, và là số mã của một ý nghĩa duy nhất, đó là Hữu của Siêu vượt. Mỗi sự vật trong trời đất tự nó không có nghĩa gì ngoài sự quy chiếu với toàn bộ. Toàn bộ đây, dầu sao, cũng đồng nghĩa với ý niệm toàn thể trong bất cứ hệ thống triết lý nào.
3. Lịch sử tính của hiện sinh chứng tỏ người không bao giờ kiện toàn trong thời gian. Chân lý được biểu lộ bằng sử tính. Chân lý toàn diện ở tận chân trời xa thẳm, mù tịt. Người như con thuyền trên biển vô tận (mer de l’iufini). Bi thảm thay, con thuyền ấy phải đương đầu với phong ba, với gió bốn phương, với nghịch cảnh của thiên nhiên và của những người trên thuyền. Nhưng nghịch cảnh lại là điều kiện và là bản chất của kiếp người, của sự tiến tới bờ chân lý. Hegel gọi sự tiến dần của chân lý là sự diễn tiến theo định luật phủ quyết, định luật biện chứng. Nhưng Hegel trừu tượng quá, suy diễn quá. Chân lý của Hegel như một Công lý (axiome) sẽ được suy diễn trong thời gian. Jaspers, trái lại, tin rằng lịch sử và, do đó, chân lý sẽ được cấu tạo bởi nghịch cảnh hiện sinh, đặc biệt bởi sự tranh chấp sầu thảm giữa tư tưởng và cuộc sống. Một cuộc tranh chấp không ngừng trong huyết lệ, và cứu cánh không gì khác hơn là để không bao giờ đạt tới chân lý toàn diện cả. Một triết lý của thất bại! Một biện chứng đau thương thấm thía, hiện sinh.
4. Jean Wahl nhận định rằng triết học của Karl Jaspers là một cố gắng tổng quát hóa học thuyết của Kierkegaard. Ông này là một nạn nhân của tình cảm. Những xâu xé của ông, những nghịch lý của tâm hồn ông, ông âm thầm chấp nhận và quy về cho ý muốn của Thượng Đế, người cha Siêu vượt. Jaspers đã tổng quát hóa con người của Kierkegaard thành một chân lý của kiếp người bị kẹt vào hoàn cảnh biên cương, vào thế thất bại toàn diện. Nói chung, học thuyết của Kierkegaard nhuốm màu sắc tâm lý, tín ngưỡng tôn giáo. Jaspers muốn đưa lên mức độ của những suy tư triết lý. Con người, theo Jaspers, là con người của niềm tin triết lý. Niềm tin ấy lại đưa đến một Thượng Đế không “cha”, không “người” như Thượng Đế của Abraham. Dưới mắt Jaspers, là một Thượng Đế không tên, không tình, không lý, là không gì cả. Một Thượng Đế do thất bại của kiếp người đòi hỏi, do số mã thông báo, nhưng lại không bao giờ “thấy” trong thất bại, trong số mã. Tuyệt vọng là nguồn Hy vọng. Càng tuyệt vọng càng Hy vọng là như vậy.
5. Sau hết, dự định của bộ luận-lý triết học mà ông mới hoàn thành được cuốn đầu, cũng nói lên ý tưởng “hệ thống hóa” tư tưởng của ông. Điểm đặc biệt trong chương trình ấy, ta có thể đoán là: ông sẽ gạch một con đường biên cương giữa triết lý và khoa học. Như ông đã ngỏ ý nhiều lần, triết lý là triết lý, khoa học là khoa học. Phạm vi và tinh thần khác nhau. Cả hai, theo nguyên tắc, đều có tham vọng tiến về toàn diện từ những thành phần rời rạc, đều muốn bắt lấy Duy nhất trong Đặc thù.
Một điểm khác rất có thể được khai triển: tương quan giữa niềm tin triết lý và tín ngưỡng tôn giáo. Ông đã có lần tuyên bố là tư tưởng triết học ông bắt nguồn ở Giáo hội (Luther) hay ở thần học. Con đường dẫn ông đến Siêu vượt là con đường kinh nghiệm bản thân và nghề nghiệp, cố gắng của ông thực là vô tư, chân thành. Đó cũng là thái độ trí thức của Gabriel Marcel trước ngày trở lại đạo Công Giáo. Nhưng chính Jaspers đã không quên công nhận rằng trong triết lý có thần học. Người ta mong ông cổi thảo liên hệ ấy như thế nào một cách tường minh hơn.
Có được như vậy thì nền triết học của ông mới không phản bội kinh nghiệm sống mà tín ngưỡng là một thành phần. Có như vậy, thì ông mới biện hộ cho sự phân biệt tế nhị và “nguy hiểm” giữa hệ thống (système) theo nghĩa cổ điển và hệ thống tính (systèmatique) theo quan niệm của ông.
Nhưng đề cập đến liên hệ, tức là chạy đến với lý trí. Người ta có cảm tưởng rằng từ chối giao động giữa cái lý của kinh nghiệm và cái lý của lý trí, triết lý của Jaspers sẽ nghiêng về lý trí. Quan niệm triết lý là cái gì có lý (dĩ nhiên không hẳn theo nghĩa Hegel) đang hoạt động mạnh nơi Jaspers. Hình như ông muốn trở về với cái vui triết học của Kant khi ông viết: “Có lẽ tôi đã, khiêm tốn hơn, cảm thấy một cái gì hoan hỉ của Kant. Chúng ta là bao trùm, chúng ta luôn luôn chênh vênh trong thế bao trùm, cho nên cái lý thuyết về khả năng lý trí trong các cách thể của bao trùm, tôi đã không hoàn tất được”[13].
Đại học và Triết lý
Ngoài những lý do liên hệ đến vấn đề chân lý, sự lý trí hóa triết học của ông có lẽ do lòng tha thiết của ông với ý nghĩa và vai trò triết lý trong tổ chức Đại học. Thực vậy, Đại học là cái học sâu và rộng. Cũng như đối với chính trị ta sẽ nói, hầu như không một đại triết gia nào không đề cập đến nhiệm vụ của Đại học, hoặc ít ra có những phê phán tiêu cực về tổ chức này. Một phần có lẽ vì thường những triết gia ấy đồng thời là giáo sư Đại học, hoặc liên hệ đến Đại học. Heidegger đã từng đề cao Đại học[14], xem Đại học như là phải xây trên nguyên lý túc lý (université d’auiourd’hui repose sur le principe de raison).
Quan điểm của Jaspers có thể lược giản vào hai điểm:
1. - Đại học là nơi phát huy niềm tin triết lý.
2. - Đại học phải được độc lập trong tự do tinh thần.
Hai điểm ấy như chị với em, và đặt điều kiện cho nhau, chị ngã em nâng, và ngược lại. Thực ra, không phải ai cũng triết lý được. Với tính chất chuyên môn, thâm viễn, bao trùm và cao cả của nó, triết học dường như chỉ dành riêng cho một số người. Một trong những điều kiện là tinh thần đối thoại trên sự thông đạt và sáng tạo của trí khôn. Dĩ nhiên không phải sáng tạo theo nghĩa biện chứng, toán học, vì sẽ “cô độc và đơn độc thêu dệt như con nhện thêu màng nhện” (Jean Guitton). Chính Đại học là nơi được chọn lựa thích hợp nhất để tạo điều kiện và không khí trao đổi cùng sáng tạo. Mọi ngành học đều được tra cứu trong tinh thần vô tư, nhưng hăng say vì tin tưởng vào khám phá. Không bao quát và triệt để như Heidegger, Jaspers viết: “Về phương diện triết lý, Đại học là nơi kiến thức được đào sâu vô tận. Chính nơi đó các giả thuyết đa tạp của tư tưởng tiếp xúc với nhau và hiểu tin tưởng dị biệt của nhau, chính nơi đó các giả thuyết tra vấn lẫn nhau, trau đổi với nhau, và đặt thành vấn đề cho nhau. Cuộc đối thoại dựa vào một tin tưởng bao trùm mà không ai có quyền đòi làm của mình dưới một hình thức chính xác: tin tưởng vào cuộc điều tra của chân lý, nơi đây những ai nghiên cứu đứng đắn có thể gặp nhau. Tư tưởng của họ vẫn cởi mở và họ không thu gọn đằng sau giới hạn của mình. Họ không loại bỏ các cách nhìn khác, bởi vì làm như vậy là đặc tính của một tin tưởng bất chính. Đại học là nơi mà mọi nghiên cứu khoa học chuyên môn có cơ hội hoạt động. Cuộc đời tinh thần của Đại học, sự cao cả của nó cũng như sự sâu xa của nó, là do sự căng thẳng giữa thần học và triết lý mà ra”[15].
Nhưng sự giáo huấn không phải là một sự bắt ép, hoặc muốn chứng minh chân lý! L’enseignement est seulement une incitation, et il ne fournit pas la certitude! Cần hiểu rằng động từ fournit đây có nghĩa là ban phát, và người sinh viên chỉ đón nhận một cách thụ động, vô trách nhiệm. Thái độ đó không chấp nhận được.
Đại học đồng thời phải hướng sự độc lập trong tự do tinh thần. Jaspers nhắc lại những kinh nghiệm đau xót về thái độ của chính quyền Hitler đối với giới Đại học Đức quốc. Rất nhiều giáo sư đã là nạn nhân của chế độ quốc xã. Tự do tinh thần đã bị chà đạp. Chính trị đè nặng bàn tay thống trị lên cả mọi thái độ trí thức. Người ta đã nhân danh một chế độ để quên hết mọi tâm tình nhân đạo. Jaspers biện hộ cho lập trường đã được bày tỏ trong Hiến pháp Đức quốc 1803, theo đó, quyền giáo huấn chỉ có thể rút lại vì những nguyên nhân do tòa án phán định theo hình luật. Nghĩa là người ta không có quyền ngưng chức vì một vũ trụ quan, một sự kiện thiếu khôn khéo, và nhất là lại càng không được vì một tư tưởng chính trị. Bởi vì nếu hôm nay, người ta ngưng chức một giáo sư vì tư tưởng hòa bình (sic) hay vì kết án sự hủy bỏ Hiệp ước (cả đến Hiệp ước hòa bình thiên lệch ở Versailles), thì ngày mai người ta sẽ ngưng chức một vị khác vì tư tưởng vô thần, ngày kia một vị khác vì không tán thành một chế độ hiện hành…[16]. Có những điểm trong quan niệm về Đại học trên đây cần được thảo luận để làm sáng tỏ vấn đề. Nhưng, dầu sao, Jaspers đã nói lên được ý tưởng của tinh thần Đại học. Lý tưởng trên bình diện nghiên cứu, phối hợp mọi hoạt động khoa học, cũng như đối với chính quyền. Chúng ta đã nói gần đây Jaspers nghiêng về chân lý lý trí của triết học. Dĩ nhiên, không phải là lý trí biện luận. Nhưng là một chân lý mà lý trí có thể chấp nhận và biện hộ. Theo nghĩa này, Jaspers cố gắng dùng lý trí để thuyết phục lý trí về chân lý của niềm tin triết học. Nói khác đi, niềm tin triết học không phải mù quáng, mơ hồ, nhưng có thể lý trí hóa phần nào, vì chân lý lý trí nói trên liên hệ của nó với chân lý hiện sinh. Đại học có trách vụ làm sáng tỏ chân lý hiện sinh, và từ đó chân lý của Siêu vượt, bằng cách diễn tả những chân lý ấy dưới hình thức chân lý của ly khai, được chừng nào hay chừng ấy. Chân lý của ly khai càng có tính cách hệ thống, thì người ta càng có may mắn đến gần chân lý toàn diện và tuyệt đối của Siêu vượt.
Tự do trình bày quan điểm của mình và tôn trọng tự do của kẻ khác, đó là điều kiện đi đến một hệ thống đại học hợp lý.
Quan điểm Chính trị
Tuy nhiên, mặt khác, để hiểu rõ tư tưởng Jaspers, cần phải ghi lại đây quan niệm của ông về chính trị, mà ông cho là thành phần cấu tạo của triết lý. Platon, Aristoteles, Kant, v.v… đều đã không bỏ quên phương tiện hoạt động này của nhân loại. Platon còn đồng nhất triết gia với chính trị gia, cùng một nghĩa như Khổng Phu Tử hay Nguyễn Công Trứ của chúng ta. Jaspers không phải là một chính trị gia. Có chăng ông mơ ước làm một vị Tổng Trưởng Giáo dục, nhưng ông đã không được thỏa mãn. Ông cho là tại người Hoa Kỳ không thành thực với ông. Chính trị mà ông đề cập tới chỉ là do kinh nghiệm của một người bàng quang về sự thất bại của nó. Mặt khác, dầu sao, ông công nhận chính trị là hành động hơn là lý thuyết, mặc dầu lý thuyết là thiết yếu.
Quan điểm chính trị của ông rất phức tạp. Đọc ông, ta có cảm tưởng ông phiêu lưu vào một lĩnh vực mà ông ít có kinh nghiệm và xác tín hơn cả. Uy quyền ông dựa vào là nhà xã hội học Max Weber. Ông này đã “dạy” cho ông thế nào là tinh thần quốc gia, và thái độ phải có của một công dân đối với sự chiếm đóng khả thể của Anh, Pháp. Tinh thần ấy không bị phản bội bởi sự chấp nhận một chiếm đóng của ngoại bang. Vì, theo Max Weber và Jaspers, thì sự độc lập và sự thống nhất của người Đức trước hết thuộc thứ hạng ngôn ngữ, tâm tình, văn hóa truyền thống. Nhưng dần dần Jaspers xa với tinh thần của “thầy” ở điểm này là ông muốn làm một người công dân thế giới: “… pour sentir croitre en moi le désir que l’on pút être citoyen du monde”.
Quan niệm này một phần vì kinh nghiệm chua xót về những khó khăn mà giòng máu Do Thái của vợ ông làm cho ông gặp phải dưới chế độ Đức quốc xã. Nhưng lý do tuyên xưng của quan niệm ấy là trách nhiệm của chính trị đối với nhân loại. Nói đến trách nhiệm là nói đến cá nhân, đến ý thức và suy tư thành thực của mỗi người. Ý thức và suy tư của cá nhân cần được lãnh đạo bởi triết gia, triết lý, và lịch sử triết lý là những bó đuốc soi sáng và hướng dẫn mọi hành động chính trị. “Từ đó, tôi tra vấn từng triết gia về tư tưởng và hành động chính trị của họ và tôi chiêm ngưỡng dấu vết oai hùng, vinh quang và phong phú của họ qua toàn thể lịch sử tinh thần triết lý”[17].
Do đó, không có định luật thiên nhiên hay lịch sử nào có thể tiền định vận chuyển của đời sống chính trị. Và cũng do đó, vai trò của đảng phái chính trị chỉ là thứ yếu, giai đoạn.
Chính trị đã là do sự quyết định của mỗi cá nhân, thì chính trị phải trở lại phục vụ tự do cá nhân. Tự do là trọng yếu. Trong cuốn “Tự do và sự Thống nhất” Đức quốc, lập trường của ông là: thống nhất địa lý và hành chính không quan trọng, nhất là khi sự đòi hỏi thống nhất có thể tạo cơ hội cho Nga sô vi phạm hơn nữa tự do của đồng bào ông ở Đông Đức, hoặc tệ hại hơn, gây chiến tranh toàn diện…
Cuốn sách đã gặp nhiều phản ứng thuận nghịch. Dĩ nhiên các nhà cầm quyền liên bang Tây Đức xem Jaspers như là một người quá lý tưởng, nếu không là không tưởng. Công bằng mà nói, thì chính trị là một vấn đề vô cùng phức tạp. Nó bao trùm mọi khía cạnh của cuộc đời, hay ít ra liên hệ đến mọi sinh hoạt quốc gia, tinh thần và vật chất. Chính trị không phải chỉ là tư tưởng triết lý, chỉ là luân lý hoặc tín ngưỡng. Chính trị còn là kinh tế, còn là sức mạnh, còn là tổ chức, còn là cán bộ, v.v… Chính trị vừa là một khoa học, một tâm lý, một luận lý, một nghệ thuật. Không một tiếng nói nào có toàn quyền đại diện cho chính trị. Đọc Jaspers người ta rất cảm phục ông đã có thiện chí đề cao tự do, nhưng đồng thời nhận định rằng ông đã đơn giản hóa vấn đề.
Mặt khác, tại sao ông phủ nhận luật thiên nhiên trong chính trị? Ít ra tự do cá nhân cũng phải theo một định luật “thiên nhiên” nào thì tự do mới quan niệm được và mới có tính chất kiến tạo và tổ chức. Luật thiên nhiên phải chăng đã được ghi sẵn trong khuynh hướng về Siêu vượt của chính tự do cá nhân? Có thừa nhận luật thiên nhiên ít ra theo nghĩa đó, thì sự ưu thời mẫn thế của triết gia mới hiểu được và mới khích lệ, thì chính trị mới đáng mơ tưởng như ông đã tuyên bố: “Tôi đã có cảm tưởng rằng chỉ khi nào tôi có một sự ưu tư chính trị sâu xa, thì tôi mới mong đạt tới một ý thức trọn vẹn về bản ngã và mới đi vào siêu hình được”[18].
Xem tiếp kỳ 8: Jaspers và đường về lịch sử
Nguồn: Lê Thành Trị. Hiện tượng luận về hiện sinh. Trung tâm học liệu – Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, 1974. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.
[1] Introduction à la Philosophie, Karl Jaspers, bản dịch của Jeanne Hersch, Plon, 1950, trang 150.
[2] Đối với Gabriel, Marcel, Hữu tuyệt-đối là Trí tuyệt-đối.
[3] Ph III, trang 120 : “Bewusstsein, Selbst-bewisstsein und Personlichkeit sind die Einheit, die wir sein konnen, die aber als Gegenstand nicht mehr logiseb adaquat zu denken ist”.
[4] PH. III, trang 120 : “Die Transzendenz tls Einheit kann uns nicht in einer ungenugenderen Einheit erscheinen, als die wir selbst sein konnen. Personfichkeit ist insofern das Minimum, das der Gotheit als Einheit zulimmen musste, Jedoch Personlichkeit ist nur mit anderer Personlichkeit Transzendenz, sondern grade das, wofur allein Transzendenz ist”.
[5] Ph. III, trang 121 : “So ist der eine Gott durch das existentiell Eine joweils mein Gott”.
[6] PH. III, trang 119 : “Die Gottheit ist nicht munterisch Eins denn dann gabe é sogleich als denkbare Moglichkeit nicht nur den einen Gott. Denn die numerische Eins hat das Viele sich gegenuber. Die Gottheit aber kann weder die Eine noch das Viele als das im Prinzip Zahlbare sein. Einheit als Zahl bleibt die imrer ausserliche, weil formale Einheit”.
[7] Autobiographie Philosophique, trang 165.
[8] Autobiographie Philosophique, trang 164.
[9] Autobiographie Philosophique, trang 189-190.
[10] Autobiographie Philosophique, trang 188.
[11] “Agé, le penseur, se sent moins que jamais achevé. Kant a dit : e’est préciément quand nous sommes arivés au point où nous pourrions grendre notre vrai cepart que nous devons nous retirer et remettre la chose aux débutants”.
(Autobiographie Philosophique, trang 215-216).
[12] Madhyyamika là phái Trung-Đạo, và Vijnanavada là phái duy-thức-luận trong Tân-đại-luận trong Tân-đại-thừa Ấn-độ.
[13] K. Jaspers, Autobiographe, Phil, trang 209.
[14] Heidegger, Le principe de Raison (Der Satz vom Grund), bản dịch của André Préau, NRF, Gallimard, 1962, từ trang 84 trở đi.
[15] Die Idee Universitat, Berlin, 1923 (Springer).
[16] K. Jaspers Autobigrap Phi, tang 106.
[17] “Depuis, j’interroge chaque philosophe sur sa pensée sa pensée et sur son action politique et je contemple leur trace grandiose, glorieuse et féconde à travers toute l’histoire de l’esprit philosophique” Autob. Phil, trang 153.
[18] “Jaspers’avais l’impression que, seul men souci politique profond me permettait d’accéder à une pleine conscience de moi et me faisait déboucher sur la métaphysique”. Autob. Phil, trang 153.
- Xem thêm La Culpabilité allemande, trad. par Jeane Hersch (Paris, Ed de Minuit, 1948).
Ý KIẾN BẠN ĐỌC