GS LÊ THÀNH TRỊ
HIỆN TƯỢNG LUẬN VỀ HIỆN SINH
TRUNG TÂM HỌC LIỆU
BỘ VĂN HÓA GIÁO DỤC VÀ THANH NIÊN
1974
--- o0o ---
4.
KARL JASPERS VỚI BÓNG DÁNG CỦA SIÊU VƯỢT
Karl Jaspers sinh ngày 23 tháng 2 năm 1883, tại Oldenbourg, gần bờ biển Bắc Hải. Cha ông thuộc một gia đình làm nghề buôn bán và cày cấy, nhưng đã trở nên luật gia, công chức và giám đốc ngân hàng. Tính tình thẳng thắn trung hậu. Mẹ cũng là con nhà nông ở Butjadingen, cần cù, can đảm, và đối với con cái rất chu đáo và thông cảm.
Hết trung học, cậu theo luật ba tam cá nguyệt, rồi bỏ sang học thuốc. Năm 1908, khảo hạch, và năm sau, làm y sĩ và giảng nghiệm viên tâm trắc thuộc Đại học Heidelberg. Năm 1913, trình luận án tiến sĩ và được bổ làm giáo sư diễn giảng về tâm lý tại Phân khoa văn học. Năm 1921, nhận lãnh ghế giáo sư triết lý ở Heidelberg. Năm 1928, từ chối lời mời làm giáo sư của Đại học Bonn. Năm 1937, bị chính phủ quốc xã thải hồi, để rồi được chính quyền chiếm đóng Mỹ cho phục chức năm 1945. Đến năm 1948, ông nhận lời mời của Đại học Báles (Thụy Sĩ) và giảng dạy ở đó đến mãn đời. Ông mất vào đầu xuân 1969.
Triết gia Karl Jaspers (1883-1969). Nguồn ảnh: http://www.nzz.ch |
Từ thiếu thời, Jaspers, đã tỏ ra độc lập, đến bướng bỉnh, “bất mãn với mình, với xã hội, với những xảo trá của đời sống xã hội”[1]. Nhưng lại thích “thiên nhiên, nghệ thuật, thơ, khoa học” và đi du lịch[2], ham ca kịch, cờ tướng, và khoa xem bói chỉ tay[3].
Vốn rất thông minh, Jaspers sớm cảm thấy học và hành, kiến thức và cuộc sống, là hai việc không giống nhau. Vấn đề trọng đại, là phải sống như thế nào? Ông học y khoa vì sở thích và cơ hội thì nhiều, mà vì lý tưởng thì ít. Nhưng cũng nhờ đi vào con đường chung đụng với bệnh lý, với đau khổ hồn xác của bệnh nhân, mà Jaspers đã khám phá ra chân trời sáng sủa của tâm lý học. Với sự khám phá ấy, và vì thiếu sức khỏe, ông đành bỏ nghề thầy thuốc mà đầu tiên ông dự định chuyên về tâm trắc.
Ông đang sống trong cố gắng, buồn tẻ, không tương lai thì năm 1907, khi ông được 24 tuổi, ông gặp Gertrude Mayer để ba năm sau làm lễ thành hôn với nàng. Gertrude là con một gia đình Do Thái đạo đức đến cư trú ở Brandebourg từ thế kỷ 17, tính tình rất điềm đạm, cởi mở, cử chỉ ôn tồn, quý phái. Vừa gặp nhau lần đầu ở nhà nàng, Jaspers đã cảm thấy “một hòa điệu huyền bí” mà ông không bao giờ ngờ trước. Lúc đó Gertrude còn là một nữ sinh ban tú tài triết lý, dành nhiều thì giờ cho La ngữ và Hy ngữ. Tư tưởng hai người rất khác nhau. Bà Jaspers sống trong thắc mắc của bất cứ một vấn đề trọng đại nào đặt ra cho triết lý. Không bao giờ bà thỏa mãn, và vì thế bà rất đau khổ trên bình diện tinh thần, mặc dầu không mấy khi tỏ ra bề ngoài. Với bà, Jaspers đã cảm thấy hạnh phúc, nhờ bà đời ông mới có nghĩa: “Tôi cảm thấy sâu xa tình yêu tràn đầy, tình yêu ấy đủ cho tất cả và làm cho mỗi ngày của tôi, cho đến hôm nay, có một ý nghĩa của tình yêu ấy”.
Trên bình diện tư tưởng và nghề nghiệp, sự gặp gỡ ấy đã định hướng cho Jaspers. Thực vậy, Jaspers đã hé thấy ý nghĩa triết lý của cuộc đời, nhờ sự có mặt của bà vợ, và cũng nhờ đó, ông thấy được đường đi của triết lý ông. Độc giả có thể so sánh quan điểm của Jaspers và Kierkegaard về ý nghĩa của người đàn bà đối với văn học nói chung.
Xuất thân là một y sĩ, ông không sớm được đào tạo trong triết sử như các triết gia hiện sinh khác. Nhưng bù lại, tâm trí ông được bồi đắp bằng những kinh nghiệm sống động của nghề nghiệp mà ta không thấy nơi nhiều đồng chí của ông[4].
Như đã sơ phác trong phần tổng luận, triết lý hiện sinh nói chung dựa trên những nhận định hiện tượng luận về ý nghĩa kiếp người được nhìn dưới hai góc cạnh chính yếu: hiện hữu của người trong vũ trụ và của người như là một hữu. Cần nhắc lại rằng những từ ngữ hiện hữu (existence) và hữu (étre) không đồng nghĩa trong triết học cổ điển và triết học hiện sinh, mặc dầu có những tương quan đặt ra cho các triết gia hiện sinh. Theo các triết gia này, quan điểm về những từ ngữ ấy vốn đã vấp phải những bế tắc không vượt nổi, và quan điểm hiện sinh thuyết chỉ là một sửa sai, hơn thế nữa, là một cải thiện của triết học cũ. Do đó, cũng như nhiều triết gia khác của phong trào, đặc biệt Heidegger, Karl Jaspers không phủ nhận triết sử, trái lại, xem triết sử như là những bước dò dẫm, nối tiếp trên đường chân lý, đường của hữu, và sứ mệnh của họ là đưa triết học về với triết sử, đúng hơn, về với nguyên ủy của triết sử, tức là cái mà họ gọi là hiện sinh.
Những suy niệm tiên khởi
Tiếp xúc với thế giới bệnh nhân, Karl Jaspers đã ghi lại nhiều khám phá độc đáo về nhân tính, tâm lý nhân loại, và ý nghĩa cuộc sống của người. Người ta thường quan niệm trước ông rằng bệnh nhân là những trường hợp ngoại lệ, những sai lệch của nhân sinh (vie humaine), do nghịch cảnh cơ thể hoặc ngoại giới gây ra. Jaspers không hoàn toàn đồng ý. Bệnh hoạn là một cái gì của kẻ làm người. Bệnh hoạn nói lên nhiều khía cạnh nhân tính. Nói khác đi, trong bệnh hoạn ẩn nấp những ý nghĩa không thể gán cho sự thiết sót hay hỗn loạn sinh vật lý mà thôi. Jaspers đã áp dụng mô tả hiện tượng luận vào sự phơi bày ý nghĩa trong một tác phẩm đầu tay, nhưng đã làm cho ông nổi tiếng trong tư tưởng giới, cuốn “Allgemeine Psychopathologie” xuất bản năm 1913[5]. Nhưng mô tả hiện tượng luận của ông không thuộc loại tĩnh mà thuộc loại động, nghĩa là ông không mô tả vì mô tả theo kiểu những tay vẽ bản đồ chuyên môn. Theo ông, đó là những mô tả theo sự điều khiển của đòi hỏi nhân quả theo nghĩa khoa học vật lý. Tâm lý người không thể giản lược vào một giải nghĩa khoa học thiên nhiên. Vì thế ông phân biệt tâm lý giải nghĩa với tâm lý lãnh hội[6]. Tâm lý lãnh hội là tâm lý khai diễn, ngược quá trình hình thành sự kiện tâm lý hầu khám phá ra những yếu tố góp phần tạo tác ra hiện trạng tâm linh. Có những kích thước chiều sâu mới thật là hệ trọng. Do đó, phương pháp của Jaspers không phải là nội quan như tâm lý cổ điển sử dụng. Bởi vì nội quan hàm ngụ ý niệm cho rằng giòng tâm linh là một đối tượng, và vì thế bị vật lý hóa như một sự vật. Nhưng tâm lý không phải là một sự vật Bergson đã từng chứng minh. Theo sau Bergson, Jaspers nhìn nhận trực giác mới là “quan năng” thích ứng và cân bằng cho sự lãnh hội tâm lý biến động và thâm đế. Ý thức không phải là cái gì tự cô lập hóa trong thái độ tự ngắm. Làm gì có một ý thức như vậy: một ý niệm về ý thức tự thị tuyệt đối dũ sạch liên hệ với ngoại giới là một mâu thuẫn ngay cả trong từ ngữ. Nhưng cũng không phải là một ý thức hiểu theo nghĩa đã được biểu lộ, cô đọng, vật hóa trong những ý nghĩa khách quan do chính ý thức kiến tạo ra. Ý thức, để dùng danh từ của Jaspers, là một Erscheinung, một xuất hiện. Xuất hiện là một động tác, một thái độ. Xuất hiện đòi hỏi động nhân, hình thức xuất hiện – và ý thức xuất hiện bằng những biểu hiện bản thân (expression de soi). Nhưng những biểu hiện ấy không bao giờ nói lên đầy đủ ý tưởng của ý thức. Ý thức tự nó vô cùng phong phú, mà hình thức tự biểu hiện thì hạn hữu. Jaspers còn nhấn mạnh rằng ý thức chỉ là ý thức khi sự xuất hiện (bằng biểu hiện) của nó được người khác thừa nhận. Cho nên ý thức tự hình thành trong liên hệ với “đối tượng” và với tha nhân.
Thuyết tâm trạng học của Jaspers là một đối kháng chống lại quan niệm cơ giới trong tâm lý học của thế kỷ 19. Do ảnh hưởng của thuyết bất khả tri của Kant, nhưng bằng cách chuyển hướng theo quan điểm của mình, Jaspers cho rằng nếu có cái gì không hề đạt tới, cái đó chính là tâm hồn, là lòng người. Tự nội mà Kant nói, theo Jaspers, chính là nội tâm với tất cả ý nghĩa khả thể của nó… Một điểm nữa khác với Kant là cái bất khả tri không phải là cái gì đứng đằng sau hiện tượng tâm lý, mà chính là nằm nội tại (immanent) trong mỗi biểu hiện tâm lý hay nói theo kiểu Husserl, chính là chân trời, viễn ảnh của những biểu hiện ấy.
Mặt khác, người ta ghi nhận rằng mặc dầu có khuynh hướng hiện tượng luận, tâm trắc học (psychiatrie) của Jaspers có nhiều tương đồng với chính tâm lý cơ giới mà ông muốn phi bác. Riêng đối với phân tâm học, Jaspers cũng được kể như là một trong những người gián tiếp khai lộ, nhất là trong lĩnh vực vô thức.
Vô thức là cái gì từ chối mọi giải thích nhân quả. Nhưng vô thức điều khiển sinh hoạt nhân loại. Quan niệm này được gần như hệ thống hóa trong học thuyết Freud. Từ ý niệm vô thức cộng với sự từ chối tính chất ngoại thường của tâm bệnh học, Jaspers dần dần đi đến một quan niệm về vũ trụ quan đã được phác họa trong tác phẩm thứ hai, nhan đề “Psychologie der Weltanschaungen” (1919).
Tại sao lại có những dị biệt về vũ trụ quan hay thế giới quan giữa các nền văn hóa? Về phương diện tâm lý cá nhân, người ta không thể tuyệt đối phân biệt lành mạnh với bệnh hoạn, cũng vậy, người ta không thể nói nền văn minh này lành mạnh hơn nền văn minh kia, hoặc văn hóa này chân thực hơn văn hóa kia[7]. Nếu ý thức là những tự biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng vẫn do một nguồn duy nhất là động lực tiềm tàng, bí nhiệm của giống người, và do đó, giữ được tính cách đồng nhất của mình, trên bình diện xã hội, văn hóa, vũ trụ quan là kết tinh những gặp gỡ quan điểm của những người chung sống trong một hoàn cảnh lịch sử hay một không gian địa lý đồng nhất. Những cái nhìn “thế sự” ấy bắt nguồn từ những miền vô thức do nhiều yếu tố cấu tạo ra, nhưng nói ngắn lại, do kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sống là việc của chủ thể tính không thể nhất loạt tổng luận thành những công thức trừu tượng. Thành ra, có một tương đối trong tư tưởng và văn hóa, nhưng tương đối tính không những không phủ nhận chân lý, mà còn chứng minh cho chân lý. Và chân lý theo định nghĩa là chủ quan tính.
Từ những nhận định ấy, Jaspers suy diễn ra sự duy nhất giữa cuộc sống và tư tưởng, giữa thái độ nhân loại đối với ngoại giới, tương tự như quan điểm tri hành hiệp nhất trong Nho học. Mọi hoạt động nhân loại, tư tưởng và hành động, đều là ngoại xuất (explicitation) của hiện hữu và hữu[8]. Ta có thể gặp được nhiều dị đồng giữa học thuyết này với những phân tích của Dilthey về các vũ trụ quan địa phương. Cả hai cũng kết luận rằng tư tưởng ấy nảy sinh từ những tiếp xúc cụ thể với ngoại giới, với những dị biệt cơ sắc của địa lý và truyền thống. Nhưng điểm độc đáo của Jaspers là ở quan niệm, theo đó tất cả mọi nền văn hóa là những dấu hiệu (signes) của những ý nghĩa trác việt vô hình mà cuộc sống sáng tạo ra trong khi tiếp xúc với ngoại giới. Tuy nhiên, Jaspers chưa đi xa hơn. Ông chỉ ghi nhận “sự kiện” và chưa muốn triết lý ở đây. Nghĩa là ông chưa muốn đặt vấn đề xem triết lý rút từ một vũ trụ quan nào đó có phải là đúng hay không. Sự phê phán hay quyết đoán ấy thuộc phạm vi triết học.
Karl Jaspers dẫn chúng ta qua hai giai đoạn quá trình tư tưởng của ông:
1. Con người xét theo tâm lý học trên bình diện cá nhân và trong lĩnh vực y khoa.
2. Con người từ bình diện tập thể và trong các lĩnh vực văn hóa.
Nhân tính và khả năng của nó được thể hiện qua những vận động thân thể, thái độ sống, được xem như là dấu hiệu. Nhận thức và kiến thức của người liên hệ đến những kinh nghiệm Jaspers đã khám phá trong tâm lý. Nhận thức khoa học hay triết lý không được phản bội những nền tảng nguyên sinh. Cuốn “Psychologie der Weltanschaungen” là một gạch nối giữa tâm lý và triết học.
Có thể phân biệt rằng, ngoài kinh nghiệm bản thân do y nghiệp đem lại, và những học hỏi qua sách vở về ý nghĩa ẩn nấp trong các nền văn hóa, còn một loại kinh nghiệm sống do thời cuộc tạo ra cho ông. Kinh nghiệm về con người trong không khí sôi động của kỹ thuật khoa học nhất là khoa học chiến tranh. Jaspers ghi lại những suy nghiệm ấy trong cuốn “Die Geistige Situation der Zeit” (1931). Những nhận định của ông về cá tính đặc thù của mỗi người, dường như ông thấy đã bị chiến cuộc (đệ nhất thế chiến) và văn minh cơ khí (phát triển mạnh nhất là sau chiến tranh) cải chính, phủ nhận. Đến độ độc hữu của người như tan biến trong trào lưu chuẩn mực hóa (standardisation) và duy thức hóa (formalisation) được áp dụng ở các tổ chức xí nghiệp vô danh, độc tài. Người trở thành nạn nhân sản phẩm của chính mình. Nói như Karl Marx, người bị tha hóa với sự vô ngã hóa nhân tính. Nhưng người không thấy rằng mọi hiện thực khoa học hay kỹ thuật chỉ là những trung gian, mặc dầu nói là vật tính (médiation objective). Nghĩa là tự nó, trung gian vật tính không có ý nghĩa gì, ý nghĩa của trung gian là do người tiếp xúc với vật mà có. Không lý nào lại hy sinh người cho trung gian của nó. Nhưng phải chăng sự bất lực của kỹ thuật trong việc tự giải thích và tệ hơn nữa, sự lạm dụng khoa học, là những dấu hiệu khả dĩ dẫn đến những viễn ảnh trác việt và hứa hẹn hơn?
Những đề tài chính yếu
Triết gia chúng ta không thôi tuyên xưng một thái độ đối kháng với mọi lập trường hệ thống trong tư tưởng. Vì óc hệ thống tỏ ra chật hẹp, cố chấp, khép kín, nhất là trong tham vọng “làm chủ” được chân lý toàn diện, cho rằng không một hệ thống nào khác có giá trị, hay chỉ giá trị tương đối. Do đó, khác với truyền thống của triết gia, Jaspers không nuôi ý định đi vào con đường một hệ thống triết lý nào của tiền nhân. Có lẽ sự khiêm tốn ấy, một phần do sự thiếu chuẩn bị đại học của riêng ông trong lĩnh vực. Nhưng mặt khác, hướng đi của ông, như đã nói, đã được điều khiển bởi những kinh nghiệm sống ta đã nói.
Những kinh nghiệm ấy khai sinh ra một thứ triết lý Jaspers đã trình bày trong mấy tác phẩm chính sau đây:
1. – Philosophie, gồm ba quyển (1932):
- Quyển I: Philosophische Weltorientierung.
Thám hiểm triết lý về vũ trụ
- Quyển II: Existenzerhellung
Soi sáng hiện sinh
- Quyển III: Metaphysik
2. – Vernunft und Existenz (1935), những diễn văn đọc tại đại học Groningen
3. – Nietzsche und das Christentum
4. – Von der Wahrheit (1947)[9].
5. – Vom Ursprung und Ziel der Geschichte (1949)
Như có thể dễ dàng thấy được, tất cả triết lý của Jaspers thu gọn vào cả bộ triết lý, các tác phẩm đến sau làm công việc khai triển tư tưởng của ông nói chung, và nhấn mạnh đến từng phương diện như lý trí, hiện sinh, chân lý. Có một thứ tự trong bộ triết lý từ vũ trụ nói chung ông rút gọn vào vấn đề hiện hữu và vươn lên với siêu hình. Như đã nói, ông muốn triết lý là công việc của kẻ thăm dò để giới thiệu. Điều quan trọng không phải là chân lý được khám phá, mà chính là thái độ cần có trong cố gắng khám phá. Thám hiểm từ con đường chọn lựa, hướng về chân lý chứ chưa phải là chân lý. Một ý nghĩa khác của Weltorientierung là: tìm “vũ trụ trong ý nghĩa khả thể của những sự vật trong vũ trụ”. Sự vật được coi như là dấu hiệu dẫn đường. Thứ tự của bộ triết lý còn nói đến sự liên hệ Jaspers cho là có tính chất thiết yếu và quyết định cho hướng đi của triết lý. Sự liên hệ của hiện sinh với vũ trụ một bên, và với siêu hình một bên. Ta có thể nói ngay là trong học thuyết Jaspers có hai kích thước siêu vượt, siêu vượt theo chiều ngang (của vũ trụ) và siêu vượt theo chiều sâu (Thượng Đế). Nhưng cả hai thứ siêu vượt ấy, chỉ còn là một ở tuyệt đối, được hướng tới bằng hiện sinh.
Sự bất liên tục của kiến thức
Kiến thức là trông thấy sự thực hay bản chất của thực tại. Giữa kiến thức và đối tượng được trông thấy, có một liên hệ thiết yếu, bắt buộc lý trí phải chấp nhận. Nói khác đi, có một liên hệ luân lý và có một liên hệ bản thể tương ứng, giữa chủ thể nhận thức và sự việc được nhận thức. Trong lịch sử triết lý, đại khái có hai lập trường tương phản: một của hoài nghi chủ nghĩa bắt đầu từ Gorgias nói rằng ta không biết gì, hoặc có biết gì cũng không nói ra được. Lập trường thứ hai nói kiến thức của ta đúng với thực tại. Để giải thích thế nào là đúng với thực tại, có nhiều triết thuyết được đề nghị. Riêng Kant không tin vào khả năng tuyệt đối của lý trí. Ông đặt ra vấn đề tam bội này: Tôi có thể biết gì? Tôi phải làm gì? Tôi có thể hy vọng gì? Ba thể cách tự thể hiện của người tương ứng với ba quan năng: Trí, Hành và Tâm. Tựu trung vấn đề duy nhất là, trong mọi động tác, tinh thần, tình cảm hay luân lý, làm thế nào để khỏi lệch đường chân lý.
Theo Karl Jaspers, nói tới kiến thức hay chân lý là nói tới ba phương diện nhận thức như Kant đã đặt ra. Nhưng trong khi Kant hoài nghi lý trí thuần túy và tín nhiệm lý trí thực hành, thì Karl Jaspers đặt giới hạn cho lý trí và hướng về hiện sinh, trong đó tâm linh và lý trí là những động cơ thúc đẩy và hướng dẫn, tích cực hoặc tiêu cực.
Như nhiều triết gia của trào lưu, Jaspers phân tích và ghi nhận trường đoản của kiến thức khoa học. Lĩnh vực của kiến thức này giới hạn ở thế giới vật lý, trữ hình. Nhưng một kiến thức khoa học, theo nguyên tắc, phải hội đủ hai điều kiện đồng liên: khách tính và tương quan với toàn thể sự vật. Đặc điểm thứ nhất, mặc dầu theo định nghĩa là cần thiết nhưng chỉ là một cần thiết luận lý và đã bị toán học và vật lý giảm giá và cải chính. Chúng ta không cần nhắc lại các quan điểm của những người đại diện chân thực của khoa học như H. Poincaré, Duhem, Max Planck, Heisenberg, Einstein… Nói vắn lại, cái mà khoa học gọi là khách tính, chỉ là một quyết định của nhà khoa học, mang nặng chủ quan tính, hay ít ra được thực hiện theo những định nghĩa hành động[10]. Nói khác đi, có một độc đoán trong mọi công trình khoa học, hay ít ra, chỉ có liên hệ thuộc thứ hạng ích dụng giữa lý thuyết và thực hành. Đó là chưa nói rằng nhiều khi, nhất là trong toán học ngày nay, người ta không còn mấy để ý đến ngoại giới vật lý.
Toàn thể tính, hơn tất cả, là điều kiện tối hậu bảo đảm cho chân lý từng phần. Một hiện tượng tương liên với tất cả vũ trụ. Không thấy được liên hệ của toàn bộ, thì mọi quyết đoán chỉ là mơ hồ, phỏng định. Cho đến nay, khoa học chỉ là những giả thuyết chống đối lẫn nhau. Điểm này đúng cho mỗi khoa học riêng biệt. Chưa có ngành nào thống nhất được mọi quan điểm khả thể. Và ngành nào cũng như đang mới khởi đầu, viễn ảnh còn tối tăm, bí nhiệm, bất ngờ. Còn nói chi đến sự liên hệ giữa các lĩnh vực nghiên cứu. Một cách rộng rãi, đối tượng kiến thức giải trừ vào bốn loại: vật chất, sự sống, ý thức cảm giác và trí tuệ khách quan. Nhưng từ vật chất đến sự sống, từ sự sống đến ý thức cảm giác, rồi từ ý thức cảm giác đến trí tuệ, mỗi lần đều có một gián đoạn. Người ta nói rằng sự sống không có nếu không có vật chất, ý thức cảm giác không có nếu không có sự sống, tri thức không có nếu không có ý thức cảm giác. Nhưng ngược lại không đúng, nghĩa là người ta không thể nói rằng vật chất tự nó một ngày kia sẽ phải sinh ra sự sống và bằng cách nào. Gần đây có những học thuyết như của Teilhard de Chardin chẳng hạn, nghĩ đến một sự tiến diễn nội tại của ý thức, bắt đầu từ vật chất. Nhưng đó chỉ là một hồi quan. Đã không có một chuyển qua luân lý nào giữa bốn lĩnh vực ấy, thì làm thế nào để nắm được toàn thể tính của kiến thức?
Đành rằng, theo nguyên tắc, khoa học có thể nắm được toàn bộ, mặc dầu trong thực tế điều đó chỉ là lý thuyết, và với điều kiện tự giới hạn ở lĩnh vực hiện tượng vật lý. Nhưng, như vừa nói, toàn bộ ấy cũng chỉ là từng phần cần được sát nhập vào một toàn bộ duy nhất rộng lớn hơn. Nói theo kiểu ngày nay là có một toàn thể hóa của toàn thể hóa (totalisation des totalisations).
Jaspers phân biệt, trong khuôn khổ nhận thức, ba hữu: hữu tôi biết - hữu tự ngã - hữu mà tôi là. Hữu tôi biết không phải là hữu tự ngã, mà cũng chẳng phải là hữu mà tôi là. Ba loại hữu ấy cần được nghiên cứu trong bốn lĩnh vực: vật chất, sự sống, trí tuệ và hiện sinh. Vậy thì làm thế nào để có một hệ thống triết lý về toàn bộ giữa những dị biệt bản chất của các hữu? Triết lý cổ điển đã căn cứ vào hữu nói tổng quát (l’être en général), nhưng hữu tổng quát là gì? Phải chăng rút ở hữu tôi biết, hay ở hữu tự ngã, hay hữu mà tôi là? Hay rút ở một ý niệm chung về cả ba? Hữu hiểu theo nghĩa cổ điển, là một ý niệm trừu tượng, trống rỗng, mơ hồ. Hữu của Hegel đạt đến tột độ của lý. Lý và hữu là một. Nhưng lý của Hegel là lý của mâu thuẫn, mâu thuẫn là bản tính của lý Hegel nghĩ rằng sự đối đãi biện chứng của mâu thuẫn sẽ đưa đến toàn thể hóa cần thiết nói ở trên. Nhưng Jaspers nói: “Biện chứng pháp cho phép sát nhập vào hệ thống tất cả những mệnh đề có vẻ trái ngược với hệ thống, nhưng chính sự mâu thuẫn, xét theo là mâu thuẫn, không bao giờ có thể sát nhập” (dịch theo J. Wahl). Không phải rằng vì đặt giới hạn cho khoa học mà Jaspers không tha thiết với hiển nhiên khoa học. Đại học Heidelberg dưới ảnh hưởng của Rickert đã từng tố cáo triết gia trẻ tuổi của chúng ta là thiếu tinh thần khoa học, là con người mơ mộng, viển vông. Sau này Jaspers cho ta biết: “Luôn luôn tôi nghĩ rằng hiển nhiên khoa học là cần thiết. Tôi không hề ngán khi phải đạt tới kiến thức, khi phải tìm hiểu nền tảng và các phương pháp của kiến thức. Tôi vẫn cảm thấy suốt đời sự đòi hỏi đó, mặc dầu, về sau, tôi đành phải, trong hầu hết địa hạt nghiên cứu, đọc toàn sách giáo khoa”[11]. Nhưng, theo ông, điều quan trọng không phải là kiến thức khoa học, mà chính là kiến thức phê bình và có ý kiến về khoa học, óc phê bình này đã sớm khiến ông thấy rõ tham vọng thực hiện một triết lý có khoa học tính, là điều không chấp nhận được. Triết gia không phải là nhà vật lý. Nếu hiểu khoa học là cái gì phổ biến, được mọi người thừa nhận theo nghĩa consensus omnium, thì triết lý không bao giờ là khoa học cả, nghĩa là không làm gì có triết lý như vậy. Jaspers không đồng ý với Rickert đã đành, mà ta có thể nói ông cũng không mấy thiện cảm với lập trường buổi đầu của Husserl trong cuốn “Triết lý như là khoa học chính xác”. Triết lý ông muốn vươn tới sẽ mang những đặc hữu khác, khả dĩ thỏa mãn những đòi hỏi chân lý mà khoa học không biết tới: “Nó phải thỏa mãn đòi hỏi chân lý chưa biết của khoa học nhờ dựa trên một trách nhiệm ngoài khoa học, và nhờ tạo được những điều không nằm trong tầm hạn của khoa học”[12]. Một triết lý bản chất khác với khoa học nhưng không đối lập với khoa học. Dưới sự chỉ dẫn của Max Weber, Jaspers phân biệt hai định đề (postulats) liên hệ đến tương quan giữa khoa học và triết lý. Định đề thứ nhất: “Kiến thức khoa học là một yếu tố căn bản của nghiên cứu triết lý. Để chính xác, khoa học không cần đến triết lý, nhưng rất cần và hữu ích cho chân lý triết học…”. Định đề thứ hai: “Có một tư tưởng mà giá trị không ép buộc và phổ biến trên bình diện khoa học và những thành quả tự chúng không vững dưới những hình thức của khả tri. Tư tưởng ấy mà ta gọi là tư tưởng triết lý cho phép ta đạt đến chính chúng ta: nó ảnh hưởng hoạt động nội tâm, nội tâm hoạt động với nó. Nó giải tỏa trong ta những nguồn mạch vốn làm cho khoa học có ý nghĩa”[13].
Tìm triết lý trong hiện sinh
Vậy triết lý của Jaspers theo hướng nào? Nền tảng và viễn tượng của triết lý là những gì? Như đã nói, Jaspers không muốn tự đặt mình dưới đế quốc của lý trí biện luận, theo vết chân người xưa. Triết lý đã thất bại, ít ra đã không thành công, dưới sự thống trị ấy. Bế tắc của lý trí gọi là khoa học, ở đây không kém.
Trong khoa học, con người của nhà bác học khác với nội dung kiến thức (mặc dầu ảnh hưởng đến nội dung ấy như Heisenberg đã chứng minh). Trái lại, triết gia không thể ly khai với suy niệm triết học được. Triết gia với triết lý là một. Điều đó đúng không phải theo nghĩa tâm lý, mà, trước hết và căn bản, phải chấp nhận trên bình diện hữu thể luận. Nếu muốn tham dự vào tư tưởng của triết gia, Jaspers viết, thì người ta phải cảm thông toàn thể con người triết gia, những kinh nghiệm căn bản của ông, vũ trụ của ông, những hoạt động của ông, tác phong hàng ngày của ông, và những lực lượng mà ông giải thích”.
Đồng quan điểm với Heidegger, Jaspers cho rằng hữu nói tổng quát phải được nghiên cứu từ hữu của chính chúng ta. Triết lý là việc của người, của chúng ta. Hữu là đối tượng của triết lý. Thì hữu trước tiên là việc của người, do người quan niệm, xét về cả hai đòi hỏi, phương pháp và bản thể luận (nếu có bản thể luận). Không làm gì có bản thể luận hiểu theo nghĩa cổ điển. Không có khoa học về bản thể, mà chỉ có soi sáng về cách thức của hữu. Cách thức của hữu là những phát hiện giới hạn tuyệt đối ở đây và bây giờ, nhưng vô hạn trong thời gian. Nói về cách thức của hữu nhân loại, tức là nói đến hiện sinh của người. Cần nhắc lại rằng Jaspers quan niệm hiện sinh là gạch nối giữa vũ trụ và siêu vượt, giữa hiện tượng và hữu tự ngã. Là gạch nối, hiện sinh bao gồm cả vật chất và siêu vượt. Khả thể của hiện sinh vì vậy vô cùng phong phú cả hai chiều, đi xuống và đi lên, đi ra hoặc đi vào. Jaspers đã định nghĩa triết học như sau:
“Triết lý của hiện sinh chính là tư tưởng khám phá được tất cả các lĩnh vực của kinh nghiệm, bằng cách vượt những lĩnh vực ấy, chính là tư tưởng, nhờ đó, con người tìm cách trở thành chính mình. Tư tưởng ấy không biết đối tượng, nhưng một người suy nghĩ theo cách đó, sẽ bất thần thấy rõ nơi mình, và thể hiện được, hữu thể sâu xa của mình. Nhờ sẵn sàng vượt kiến thức hữu thể luận (xét như là định hướng triết lý trong vũ trụ), tư tưởng ấy kêu gọi đến tự do của nó (như là làm sáng tỏ hiện sinh), và mở một khoảng trống cho động tác tuyệt đối, bằng cách nhắm tới siêu vượt (xét theo siêu hình)[14].
Với thực tại, người ta cũng không thấy được sự thiết yếu liên hệ giữa các ngành hoạt động như nghệ thuật, khoa học, tôn giáo, v.v…
Thực vậy, hữu chính chúng ta là, có tính cách đa diện. Trước hết là Dasein, cái có đó rồi, trước mắt chúng ta. Có đó là gì? Là thân thể, với tất cả những gì thuộc bản chất của nó. Là những gì đối tượng cho các khoa học thực nghiệm về người từ sinh vật học đến tâm lý học. Có đó là những vận động cơ thể, là những phản ứng đau khổ và khoái lạc tự nhiên của thân xác trước kích thích của ngoại giới. Là những tâm tình yêu thương, giận ghét… Là những hoạt động của trí tuệ, nói tóm lại, là tất cả những gì làm nên văn hóa hay văn minh nhân loại chúng ta nghiệm thấy được. Không phải Dasein của tôi là hiện sinh, nhưng người là hiện sinh khả thể trong Dasein, nghĩa là nhờ Dasein mới hiện sinh. Dasein có tính chất thực nghiệm, hiện sinh chỉ là tự do, Dasein khép kín, hiện sinh cởi mở[15].
Như vậy, thì ở mức độ này, Có đó hay hữu chúng ta vốn đã là phong phú, vô hạn định rồi. Thứ đến hữu chúng ta là ý thức nói tổng quát (conscience en genéral) như Descartes đã quan niệm, với tính cách phổ biến, trừu tượng và bất khả nghi luân lý của nó. Ý thức này là nguồn gốc “luận lý của nhận thức”, là “cái lý chia đồng đều cho mọi người”. Đó cũng là trí thông minh cổ điển “phân biệt” người với sinh vật khác. Các phân tích của Jaspers về thân thể mang nhiều điểm giống với quan điểm của Merleau Ponty[16] và ý thức tổng quát làm cho ta nghĩ tới ý hướng của Husserl. Một khuynh hướng thứ ba là trí tuệ theo nghĩa Hegel, nhằm tổng hợp hóa mọi kiến thức và dựa trên ý niệm. Nói khác đi, đó là ý nghĩa của toàn thể tính chi phối bởi ý niệm. Khuynh hướng này thể hiện đòi hỏi luân lý của toàn diện: theo nguyên tắc cái có là cái toàn diện và ngược lại. Tuyệt đối hóa Dasein đưa đến thuyết duy nghiệm giác quan thuần túy, của Holbach chẳng hạn. Tuyệt đối hóa ý thức tổng quát làm tan ra sương khói cá tính của mỗi người. Một Brentano hay một Husserl đã cố gắng lấp vực thẳm giữa duy nghiệm và duy lý. Nhưng Husserl cũng còn mắc kẹt ở cái thế Tôi siêu vượt, chưa nói lên được ý nghĩa căn bản hữu là tôi. Cần phải vượt và bổ túc cho Husserl. Ta sẽ thấy Heidegger và Max Scheler đã vượt Husserl như thế nào. Còn Jaspers thì muốn nhấn mạnh rằng ba cái tôi vừa nói chỉ là một thứ thượng từng kiến thiết (nếu ta được giải thích như vậy) mà nền tảng là hiện sinh của tôi (hiểu theo nghĩa chân thực của danh từ). Hơn nữa, hiện sinh như là nhựa sống xuyên qua, và, ít ra từ xa điều động mọi hoạt động của ba cái tôi trên kia. Không một cái tôi nào trong ta có thể đứng ra ngoài hiện sinh. Dĩ nhiên cả ba cái tôi ấy làm thành hiện sinh là tôi, nhưng hiện sinh của tôi không phải là tổng số của ba phương diện ấy, mà còn là một cái gì hơn thế và bản chất khác thế.
Phải nói rõ hơn về đặc điểm của hiện sinh theo nghĩa chân chính này.
Hiện sinh không phải là một khách vật. Bởi vì ý niệm khách vật gợi ý một cái gì cứng nhắc, hoàn thành (fini), cô đọng (fixe), khả dĩ định nghĩa và đạt tới được. Không là cái gì cả, mà là tất cả hiện sinh như thoáng hiện bằng và qua thân thể và hành động cụ thể của mỗi người. Do đó, hiện sinh từ chối mọi cố gắng vật lý hóa. Đọc Jaspers ta có cảm tưởng hiện sinh như là một lấy lại ý niệm cổ điển về linh hồn, động cơ của tất cả mọi quan năng và hành động của người. Từ Dasein đến hiện sinh không có biên giới. Người ta chỉ nối sự đứt đoạn ấy bằng một nhảy vọt. Đó là nghịch lý căn bản của hiện sinh. Một vấn đề được đặt ra: hiện sinh không định nghĩa được, vậy thì liệu có một triết lý về hiện sinh không, và ngôn ngữ còn có giá trị gì đối với triết lý ấy? Jaspers trả lời rằng kể ra thì không có triết lý hiện sinh nếu hiểu triết lý theo nghĩa duy lý, như là một hệ thống đúc sẵn hay sẽ thành hình. Nhưng có những cách thể mô tả tương ứng với cách thể xuất hiện của hiện sinh. Cách thể mô tả ấy, như ta đã nói, Jaspers gọi là soi sáng.
Theo ông, có ba con đường tiêu cực đưa đến soi sáng hiện sinh: vươn đến tột cùng của định nghĩa và hiện sinh sử dụng tiếng nói tâm lý, luân lý và siêu hình, tưởng tượng một tổng quát đặc biệt cho ý niệm hiện sinh. Những thái độ ấy tuy không thích ứng, nhưng có công dụng chuẩn bị và gợi lên ý niệm. Tuy nhiên, tổng quát đặc biệt ấy cũng chỉ là một dấu chỉ, mặc dầu khác với ý niệm khách hóa như ta thấy trong học thuyết Kant chẳng hạn[17].
Vậy, ngôn ngữ chỉ làm công vụ ghi lại những quan niệm thiết yếu thiếu sót, không cân bằng về hiện sinh. Nói khác đi, những quan niệm diễn tả bằng ngôn ngữ nhằm không phải giải nghĩa mà gợi ra, bên kia bức rèm ngôn ngữ và những ý niệm phổ biến, những khả dĩ cụ thể của hiện sinh mỗi cá nhân.
Hiện sinh là một nguyên tính (originalité) nằm tận đáy lòng vực thẳm phân cách Dasein và siêu vượt. Dasein như những con đom đóm sáng lên trong đêm tối của hiện sinh. Người ta có thể trông thấy những tia sáng yếu ớt của lý trí, nhưng những tia sáng ấy không nói lên được gì về đêm tối, ngoại trừ một cách mơ hồ, tổng quát. Đối với lý trí, hiện sinh chỉ là tối tăm, huyền bí. Do đó, những ý niệm minh và biệt của Descartes không áp dụng được cho hiện sinh, cũng như bất cứ một luận cứ duy lý nào đều bất lực trước hiện sinh. Mặt khác, nguyên tính của hiện sinh, nếu chỉ đạt tới bằng nhảy vọt, thì tự nó sẽ hùng hồn cải chính mọi tham vọng lý tính của Hegel. Nhảy vọt vượt ra ngoài mọi quy tắc luân lý, là một thái độ cách mạng. Đúng hơn, là trở về với nguyên quán của người vong bản. Là nguyên quán, hiện sinh tự mình là nguồn gốc của chính mình, nhưng đồng thời là một tặng hữu (don) đối với chúng ta. Đến đây là thấy Jaspers không minh thị, nếu không là lúng túng, trong quan niệm hiện sinh tự mình làm nguồn gốc cho mình. Thực vậy, ông đã từng phân biệt hiện hữu theo nghĩa cổ điển với hiện sinh. Hiện sinh là cái sẽ kiến tạo trong thời gian. Vậy ta có thể hỏi: trước khi tự thực hiện, đã có hiện sinh chưa hay chỉ là hiện hữu? Trong trường hợp là hiện hữu thì đặc tính như thế nào? Vả lại, khi nói rằng hiện sinh là một tặng hữu, Jaspers muốn nhấn mạnh đến khía cạnh thiết yếu của hiện sinh?
Xem tiếp kỳ 6: Karl Jaspers với bóng dáng của siêu vượt (tt)
Nguồn: Lê Thành Trị. Hiện tượng luận về hiện sinh. Trung tâm học liệu – Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, 1974. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.
[1] Karl Jaspers, Autogiographie philosophique, Aubier bản dịch ra Pháp-văn của Pierre Boudot, trang 12.
[2] Sdd, trang 12.
[3] Sdd, trang 19.
[4] Nên đọc Karl Jaspers, Autobiographie Philosophique bản dịch của Pierre Boudot, Aubier, 1963.
[5] Jaspers đã khởi-công viết cuốn này, năm 1911 do lời yêu cầu của ông Wilmann và nhà xuất bản Ferdinand Springer, và Japers đã đệ-trình tác-phẩm ấy như một luận án tiến-sĩ tâm-lý ở Heidelbourg.
[6] Jaspers chịu ảnh hưởng của Dilthey: “A la Psychologie des explications théoriques, Dilthey avait opposé une autie paychologie, descriptive et analytique. Je transposai oette conception en l’appelant paychologie compréhensive” K. J. AP, trang 35.
[7] Mười năm sau, Max Scheler cũng trình bày một quan điểm tương tự. Xem ý-niệm Hòa-bình và chủ -nghĩa Hòa-bình (Die Idée des Friedens und der Pazifismus, Berlin der Neu Geist, Verlag, 1931).
[8] Xem đoạn nói về siêu-vượt và hữu của siêu-vượt ở phần cuối.
[9] Xem Bibliographie khá đầy đủ cuối những trang này.
[10] Chúng ta đang giải thích Jaspers, danh từ này là của chúng tôi, nhưng chắc chắn không ra ngoài ý nghĩa của Jaspers.
[11] K. Jaspers, AP, trang 59.
[12] Karl Jaspers, AUtobiographie Philosophique, trang 60.
[13] Ibidem, trang 75.
[14] Ibidem, trang 79, Jaspers cho biết, đoạn trên đây được trình bày phân minh trong hậu-diện (postface) năm 1955 in lần thứ ba của tác phẩm (quyển I, trang XV-LV). “Tình trạng tinh thầnh thời đại chúng ta”.
[15] Nicht mein Dasein also ist Existenz aber, weil sie moglich ist, tut Schtitle zu ihrem Sein older von ihum hinweg ins Nichts durch Wahl und Entscheidung. Mein Dasein hat gegenuber anderen eine Umfangsverschiedenheit zwischen engemm und weitem Weltsein, Existenz aber ist von anderer Existenz wesensverschieden aus dem Grunde iherer Freiheit. Dasein ist schlechthin zeltlich Existenz ist in der Zeit mehr als Zeit. Mein Dasein ist endlich, sofern es nicht alles Dasein ist, und doch fur sich allein und nich alles ; denn sie ist nur, wenn sie bezogern ist auf andere Existenz und auf Transzendenz, vor der als dem schlechthin Anderen sie sich bewusst wird, nicht durch sich selbst allein zu sein; wahrend aber Dasein als relative Rundung eines Endlosen unendlich genanot werden kann, ist die Unendlichkeit der Existenz ohne Rundung als offene Moglich keit.
Ph. II, trang 2.
[16] Xem PH. II, trang 27-29.
[17] “Das spezifisch Allgemenine existenzerhellender signe deutlich zu machen, kontrastienren wir die zeitliche Erscheinung moglicher Existenz dem zeitlehen Dasein als allgemeingultiger Objektivifat, oder anders ausgedruckt. Existenzbergriffe den Kantischen Kategorien”.
Ph. II, trang 17.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC