Chủ nghĩa hiện sinh

Hiện tượng luận về hiện sinh (kỳ 2)

 

GS LÊ THÀNH TR

HIN TƯỢNG LUN V HIN SINH

TRUNG TÂM HỌC LIỆU

BỘ VĂN HÓA GIÁO DỤC VÀ THANH NIÊN

1974

--- o0o ---

Kỳ 1

 

2.

KIERKEGAARD VÀ VINH NHỤC CỦA TÍN NGƯỠNG

 

HAI TRIẾT NHÂN TIÊN PHONG

MỤC LỤC

Lời nói đầu

Mục lục

1. Ý nghĩa tổng quát của triết lý hiện sinh

2. Kierkegaard và vinh nhục của Tín ngưỡng

Chống thuyết Hegel

3. Nietzsche một nỗi buồn của “Bất tử” hay là Ông Hoàng bất mãn của Siêu nhân

4. Karl Jaspers với bóng dáng của Siêu vượt

Tự do là gì

Hữu Siêu việt

5. Jaspers và Đường về Lịch sử

6. Jean Paul Sartre hay là từ tiếng sét đêm trường đến giấc mơ Đại Đồng cho nhân loại

7. Dưới mắt Sartre Tự do, Tha nhân và Thượng đế

Người đi trong Tự do

Người đi trên băng tuyết

Sartre và vấn đề Thượng đế

8. Martin Heidegger một cố gắng hòa hợp Tín ngưỡng và Triết lý

Triết lý hiện sinh hay triết lý Hữu

Khởi điểm và phương pháp

Những luận đề chính yếu

Người là hữu tại thể

Người là vật bị bỏ rơi

Người là hiện hữu hiểu biết

Hiện hữu suy luận bằng ngôn ngữ

Ưu tư

9. Những hậu đề hiện sinh

Tiên quyết của bản thể người

Hữu vị tử

Trở về với hiện sinh đích thực

10. Diễn tiến tư tưởng của Heidegger

Nhân bản trong học thuyết Heidegger

Quan điểm tiêu cực

Thế nào là chân lý

Tiến về Hữu

Con đường của kinh hoàng

Con đường của triết sử

Ý nghĩa Hữu

Chân trời Heidegger

Những ý kiến rời rạc xa xưa được giòng lịch sử thâu tóm và đúc kết thành hai con người tiên khởi cho phong trào hiện sinh: Kierkegaard và Nietzsche. Đọc triết lý hiện sinh về sau, người ta thấy hình ảnh của hai nhà tư tưởng này chập chờn, ẩn hiện qua từng trang có khi từng giòng, trong các tác phẩm chính yếu của tư trào. Vọng âm của họ nhiều khi mãnh liệt chen lấn với tiếng nói của những triết gia khác thuộc phong trào, đến nỗi nhiều lần người ta ngờ đó là những ý kiến độc đoán của những triết gia này. Hơn nữa, trong nhiều chi tiết, hai triết gia tiên phong đã vượt những người kế tiếp, mặc dầu phong trào được kể là những cố gắng tổng quát hóa tư tưởng của hai triết gia ấy.

Soren Kierkegaard (1813-1855)

Soren Kierkegaard là một nhà thần học hơn là một triết gia. Đọc ông, người ta dễ thấy tư tưởng của ông được quyết định bởi bốn thừa tố: giáo dục, tình cảm, triết sử và tín ngưỡng. Nét độc đáo, có tính cách phân biệt cho tư tưởng của ông, là ở chỗ ông khám phá đồng thời sự nghịch lý căn bản của những thừa tố ấy, và biện chứng hướng thượng của chúng. Nhưng vì những nghịch lý ấy do chính cá nhân ông sống và ý thức trong cuộc sống, cho nên chân lý ông tìm thấy trong những nghịch lý là chân lý chủ quan (chủ thể). Chân lý không có ở ngoài mà ở trong con người nhận thức. Và ông đã đi đến kết luận: Chủ thể tính là chân lý. Ngay từ đầu, trong Nhật ký của ông, mồng 1 tháng 4 năm 1835 ông đã ghi: vấn đề trọng đại cho ông là “tìm một chân lý, nhưng là một chân lý cho tôi, tìm một ý niệm tôi có thể sống và chết cho ý niệm ấy”. Đặc trưng của ý niệm ấy, vụn vặt, rải rác, sống động như cuộc đời, là kinh nghiệm thâu lượm dần dà theo nhịp điệu thời gian, và không bắt đầu bằng một giả thuyết hoặc một thành kiến nào cả. Nói khác đi, người ta sẽ không gặp được một hệ thống hóa hình thức nào của tư tưởng ông trong các tác phẩm ông viết ra. Hoặc có hệ thống, thì đó là một thứ hệ thống của một bức họa mà đề tài chính yếu là bản ngã, là cái tôi của ông, một cái tôi mâu thuẫn, phức tạp, vừa sống vừa chết, vừa tinh thần vừa vật chất, vừa trừu tượng vừa cụ thể, vừa là thực chất vừa là tượng trưng, không khác gì một hí họa hay một nét vẽ của Picasso, hoặc Van Goh.

Tìm hiểu ông phải trở về với cuộc sống cụ thể của ông, với những gì đã tạo ra căn bản nghịch lý trong tư tưởng ông. Chúng tôi sẽ có dịp nghiên cứu sâu rộng trong một khảo cứu khác. Ở đây chúng tôi chỉ có thể sơ phác một vài nét điển hình liên hệ đến bốn lĩnh vực đã nói.

Cha ăn mặn con khát nước

Soren Aabye Kierkegaard sinh ngày 5 tháng 5 năm 1813, ở Copenhague, trong một gia đình theo đạo Tin lành, thuộc phái Luther. Cha ông là Mikael Pedersen Kierkegaard, xuất thân từ một gã chăn cừu, có hai đời vợ. Người thứ nhất không có con và chết sớm. Người kế là một thôn nữ làm công trong nhà ông và đã có thai với ông trước khi ông cưới làm vợ. Với người đàn bà này, ông sinh hạ được ba trai bốn gái, Soren là em út trong gia đình. Con số bảy được gia đình xem như là một ý nghĩa quyết định.

Là rốt hết, nhưng Soren đã được cha chọn làm kẻ tam phúc nhất, nhờ đó ông sớm làm quen với tâm hồn và nguyện vọng cha hơn các anh chị khác. Người ta có thể nói rằng gia đình của Pedersen chỉ có hai tâm hồn, tương thân tương trợ, là lẽ sống của nhau, nhất là trong những năm về già của Pedersen. Muốn hiểu mối tương giao ấy và từ đó, chiều hướng giáo dục của gia đình đối với Soren, cần phải tái tạo không khí gia đình trong đó Soren sống trước năm 1830.

Lúc còn hàn vi, lúc mà cha ông còn phải ngày đêm vất vả với những đàn cừu trong sương tuyết miền bắc Đan mạch, sống một chặng đời tủi nhục, cô đơn giữa súc vật, một lần, vì quá bất mãn, cha ông đã leo lên đồi cao, chỉ tay lên trời, ngạo mạn nguyền rủa Thượng đế, trách cứ Thượng đế đã để cho mình phải nghèo nàn đói rách… Thời gian trôi chảy… Ít lâu sau, nhờ lòng tốt của một người cậu, ông di cư lên Copenhague, và ở đó, trở nên một thương gia giàu có, được mọi người kính nể. Sống trong hoàn cảnh mới, Pedersen không vì thế mà cảm thấy hạnh phúc hơn những ngày tối tăm xa xưa. Hơn nữa ông đã luôn luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng những may mắn hiện tại biết đâu chẳng phải là một hình phạt cái tội phạm thượng ngày xưa. Mặc cảm tội lỗi ấy không những không thuyên giảm với thời gian, mà còn càng ngày mãnh liệt hơn, khiến cho ông nhiều khi điên lên vì lo sợ cho số phận sau này. Con cái ông hầu hết chết trước tuổi 33, khiến ông lại càng chua xót và tin rằng vì tội ông mà các con ông phải chết sớm, như Đức Cơ Đốc đã vì tội nhân loại mà phải chết vào tuổi ấy. Mặt khác, sau khi sinh hạ được sáu đứa con, ông chờ đợi đứa thứ bảy với tất cả lo sợ: con số bảy là con số huyền nhiệm của Thánh kinh, con số tượng trưng cho không may mắn, cho hy sinh. Vì thế khi Soren chào đời, đối với ông là cả một “trời long đất lở”.

Như để đương đầu với số mệnh, ông không bao giờ quên tỏ thiện chí và thiện tâm nhất là trong việc giáo huấn con cái, Soren, người con rốt, con người của số bảy, lại càng là đối tượng săn sóc quyến luyến của ông. Đọc Kierkegaard sau này, người ta có thể tóm lược nền giáo dục gia đình của Soren vào ba yếu tố: mực thước, lý tính, trầm lặng. Cuộc đời thơ ấu của Kierkegaard như đóng khung trong những luật lệ tôn giáo và luân lý khắt khe, đanh thép, nhất cử nhất động dường như đã được vạch sẵn. Đức tính mà cha ông muốn cho ông tập luyện là đức vâng lời, và vâng lời vô điều kiện, nhất là đối với mệnh lệnh của Thánh kinh, của Tín ngưỡng. Sự vâng lời ấy đã đành là do tình yêu cao cả đối với Thượng đế, nhưng tình yêu ấy có tính chất luận lý và trừu tượng quá đối với tâm hồn non trẻ của Soren. Thêm vào đó, Soren không bao giờ có dịp làm quen với những đồ chơi thường dành cho thiếu nhi. Môi trường giáo dục đó đã sớm làm cho Kierkegaard tự cảm thấy cô đơn, thiếu nhựa sống, nhìn đời qua những phạm trù do người cha không ngừng mớm cho ông. Kết quả của cuộc sống tù ngục, thiếu tình cảm ấy, là làm cho ông thành người đa cảm, giàu tưởng tượng và thiên về suy tư. Về sau ông viết: “Một tù nhân chung thân, luôn luôn cô độc, thì rất giàu tưởng tượng…”, hoặc “tôi đã không bao giờ biết đến tự phát, vì thế trên bình diện đơn thuần con người, không bao giờ tôi đã sống, tôi đã khởi sự bằng suy tư… Thật sự tôi là suy tư từ đầu đến cuối cuộc đời tôi”.

Năm lên sáu, Soren được gởi vào trường trung học Borgerdydskole, nơi đây, suốt mấy năm trường, Soren với thân hình nhỏ bé, thấp lùn, với những nếp cảm nghĩ đầy tự ti, mâu thuẫn, đã là nạn nhân của những ngộ nhân, bất công, từ phía bạn bè cũng như từ phía giáo sư. Ông cảm thấy ông không được như kẻ khác: “Tôi đau khổ vì không giống như kẻ khác. Ồ, suốt thời niên thiếu của tôi, chớ gì tôi có thể hy sinh tất cả để được như kẻ khác”. Năm 1830, trong hồ sơ dự thi tú tài của thí sinh Soren, người ta đọc thấy lời phê bình sau đây của giáo sư hiệu trưởng, M. Nielsen: “Thông minh, cởi mở đối với tất cả những gì cần một chú ý đặc biệt, nhưng là một học sinh từ lâu vốn trẻ con, không nghiêm chỉnh. Thích tự do và độc lập, thiếu kiêng nể trong tác phong đôi khi khá dễ thương và thú vị, không dấn thân vào bất cứ cái gì (…) Nhẹ dạ, nên rất ít khi thành tựu trong ý định và không cương quyết theo đuổi mục tiêu đã chọn lựa. Tuy nhiên, từ hai ba năm nay, tình hình trở nên nghiêm chỉnh hơn và nếu, với thời gian, nhẹ dạ bớt dần, thì các khả năng tốt có cơ hội tự phát triển. Ở Đại học, thì chắc chắn sẽ trở nên một trong những người tài giỏi và về nhiều phương diện, sẽ giống như anh cả của mình”.

Lời tiên đoán của Nielsen không hoàn toàn đúng. Ngày 30.09.1830, Kierkegaard biên tên vào Đại học. Ông tỏ ra là một người xuất sắc nhưng độc đáo, độc đáo trong thắc mắc và bất mãn trí tuệ, đặc biệt đối với vấn đề tiền định. Đồng thời ông còn cảm thấy đến cao độ mình không được một ai khác thấu hiểu: “Bi ai nhất, Nhật ký ông ghi đầu năm 1834, là không ngờ đến việc không ai hiểu mình”. Tâm trạng ấy đã làm cho ông một thời gian đi tìm an ủi trong nhộn nhịp, say sưa chốn cao lầu tửu quán, trong nhạc điệu ồn ào, hoặc trong vuốt ve của các nữ chiêu đãi viên, trong mối tâm giao với tao nhân mặc khách… Nhưng rồi tất cả không làm cho ông vui lên được: nỗi buồn man mác nhiều khi đến kinh hoàng không sao thắng nổi. Phải chăng cuộc đời chỉ là tạm bợ vô nghĩa? Phải chăng lý tưởng là “chơi cho liễu chán hoa chê, cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời”, để nói như một thi hào Việt Nam?

Trong không khí bàng hoàng vô định và sặc mùi “xác thịt” đó, thì một ngày kia, năm 1835, cha ông dường như cảm thấy đã đến ngày tận số, gọi ông lại và tiết lộ cái tội phạm thượng xa xưa của mình… Cái ngày đó, đối với Kierkegaard là một ngày động đất và ông đã ghi vào Nhật ký về sau: “Đó là lúc xảy ra trận động đất, trận xáo trộn gớm ghê bất thần đặt ra cho tôi một định luật mới để giải thích mọi hiện tượng. Bấy giờ tôi ngờ rằng tuổi lớn của cha tôi là một sự chúc lành mà không là một chúc dữ, rằng những tài ba trí tuệ sáng chói của gia đình chúng tôi không phải là để đưa đến hủy diệt. Bấy giờ tôi mới cảm thấy im lặng của tử thần dâng lên quanh tôi khi cha tôi xuất hiện như một kẻ khốn nạn còn sống sót lại cho chúng tôi, như một thập ác trên mộ của những kỳ vọng thiết tha nhất của Ngài. Một lỗi lầm sẽ đè nặng lên toàn thể gia đình, một hình phạt của Thượng Đế bay lượn trên đó. Gia đình sẽ tan biến vì bị sức mạnh vô song của Thượng Đế hủy diệt, và xóa bỏ như một cố gắng hỏng hụt, và chỉ thỉnh thoảng tôi mới thấy đôi phần hả dạ khi nghĩ rằng cha tôi có bổn phận nặng nề làm yên lòng chúng tôi bằng những lời an ủi của tôn giáo, cho chúng tôi lương thực đi đường để can đảm rảo bước vào một thế giới tốt đẹp hơn, dầu có phải mất đi tất cả trong thế giới ấy, dầu có phải gánh chịu những đau khổ mà người Do Thái nguyền rủa cho thù địch của họ: sự xóa bỏ toàn diện kỷ niệm về chúng tôi, đến cả những vết tích nhỏ nhặt nhất, để chúng tôi tìm lại được chúng tôi[1].

Kierkegaard đã nói đúng. Từ ngày ông biết được bí mật của cha, ông đã nhìn đời dưới một khía cạnh mới. Tất cả những đau khổ thời niên thiếu của ông, tất cả những khuyết điểm thân thể và đạo đức của ông, phải chăng là cái nghiệp ông cha để lại cho ông? Phải chăng ông đã có kinh nghiệm bản thân về cái gọi là tiền định trong học thuyết của Luther? Phải chăng vấn đề tiền định mà có lần ông đã không được giáo sư Schleiermacher giải đáp thỏa mãn, cần được tìm hiểu trong liên hệ với tội lỗi? Dầu sao thì Kierkegaard đã nhận đền tội cho người cha. Ông muốn và phải muốn một lần nữa thể hiện trong lịch sử nhân loại, tấn bi kịch xa xưa giữa Isaac và Abraham. Không những ông phải làm vật hy sinh cho gia đình mà còn cho xã hội, cho quê hương ông. Trong Nhật ký ông viết rằng bất cứ thế hệ nào cũng sẽ có một hai người số phận bắt phải làm vật hy sinh cho kẻ khác.

Mối tình dang dở

Tháng 5 năm 1837, hơn một năm trước khi cha ông từ trần do một cơn bệnh bất thần, sinh viên Kierkegaard tình cờ bắt gặp nơi nhà P. Boerdam, bạn ông, một thiếu nữ 14 tuổi, xinh xắn, “nhí nhảnh và can đảm”, tên là Regina Olsen. Một cuộc gặp gỡ như trăm nghìn cuộc gặp gỡ khác. Nhưng sau những câu chuyện trao đổi thường lệ, Kierkegaard cảm thấy tâm thần xao động và mối tình bắt đầu nhen nhúm giữa hai tâm hồn. Nhưng rồi, Kierkegaard bẵng đi một dạo, để gần một năm sau mới mở lại những giao du thân mật với Regina. Nàng bằng lòng dứt tình với một giáo sư mà nàng đã thầm yêu, để công khai làm lễ hứa hôn với chàng Soren. Nhưng rồi, ngay ngày sau đó, Kierkegaard đã tỏ ra nghi ngờ, lạnh nhạt, đối với Regina. Một thay đổi vô cùng khó hiểu và kỳ dị. Mặc dầu nàng khuyên lơn, thuyết phục chàng tin tưởng vào sự trung thành của mình, nhưng cuối cùng Soren vẫn cự tuyệt. Sau khi đã đệ trình lên phân khoa luận án tiến sĩ “quan niệm châm biếm không ngừng gán cho Socrates, ông biên thơ đoạn tuyệt cho Regina. Nàng đau khổ vội vàng đến tìm gặp người yêu, để rồi thất vọng trở về. Ngày 11 tháng 10 năm 1841, thể theo lời yêu cầu của ông bố Regina, Soren trở lại nhà nàng một lần cuối cùng: “Tôi trở lại, ông viết trong nhật ký, và giải thích cho nàng. Nàng hỏi tôi: Anh không còn muốn lập gia đình nữa phải không? Tôi trả lời: có chứ, trong mười năm nữa, khi ngọn lửa thanh niên đã tắt và lúc đó cần có một thiếu nữ có máu nóng để bồi xuân cho tôi. Đó là một độc ác cần thiết. Nàng nói với tôi: anh tha cho em những gì em đã làm phiền cho anh. Tôi trả lời: chính anh phải xin lỗi em, mới đúng. Nàng nói: anh hãy hứa với em là luôn luôn sẽ nghĩ đến em. Tôi hứa. Nàng nói: hôn em đi, Tôi làm theo ý nàng, không một chút cảm động, lạy Chúa!

Nàng đưa ra một mảnh giấy nhỏ, trên đó có những giòng chữ viết về tôi, mà nàng thường đeo trên ngực; nàng lấy ra, im lặng xé nát mảnh giấy, đoạn nói với tôi: dầu sao anh đã lừa tôi một cách độc ác”.

Thế là vĩnh biệt. Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hỏi tại sao Kierkegaard lại tỏ ra tàn nhẫn và bất nhân đến thế? Động lực gì làm cho ông có thái độ đó đối với Regina Olsen? Có hai nguyên nhân. Trước hết, do những nhận định thuộc thứ hạng đạo đức mỹ cảm. Theo ông, thì ông đã sớm khám phá ra rằng giữa ông và vị hôn thê của ông, có những mâu thuẫn tính tình. Ông viết: “Chàng thì trầm tư, mà nàng thì không thể như thế được; chàng thì thích suy nghĩ, nàng thì trái lại; chàng là người đạo đức biện chứng; nàng lại trực tiếp mỹ cảm”. Với sự xung đột tính khí đó, Kierkegaard cảm thấy không thể nào xây hạnh phúc cho nhau bằng con đường hôn phối giữa hai tâm hồn. Ngày mồng 10 tháng 7 ông về quê thăm nhà. Dọc đường ông đã thoáng thấy viễn ảnh chung sống với Regina được mô tả như sau: “Tôi thấy trên con đường Aarbus một cảnh tượng kỳ khôi đến tột độ: hai con bò cái cột chung với nhau thon thon tiến bước; một con thì lồng lộn lên, đuôi nguất ngoáy vòng tròn, tuyệt diệu; con kia, trông có vẻ quê hơn, và dường như thất vọng trong việc đua đòi với con kia. Phải chăng đó là phối hợp của phần lớn các cuộc hôn nhân?”. Mặt khác, ông không muốn đời sống vợ chồng làm vơi cạn giòng mỹ cảm của ông, hoặc ngăn cản ông thực thi những đòi hỏi văn nghệ mà ông đã từng học được nơi thi sĩ Poul-Martin Moller, đồng thời là bạn tâm giao của ông. Ông không muốn bơi lội trên “thẳm vực 70.000 sái nước” của cuộc sống vợ chồng. Nhưng mặt khác, ông cũng không muốn nguồn cảm hứng ông tiêu tan vì dứt khoát với Regina, trái lại ông muốn cùng Regina sáng tạo ra những đứa con tinh thần bất tử. Xưa kia thánh Augustin đã nhờ đàn bà mà sản xuất ra những công trình văn học vĩ đại, để lại cho hậu thế, thì ông cũng muốn cho Regina sống mãi trong sự nghiệp văn chương của ông và trong lòng nhân loại. Yêu là không muốn cho người yêu chết, yêu là cùng người yêu sáng tạo ra bất tử trong tư tưởng và nghệ thuật. Ông đã quả quyết ý nghĩ ấy qua lời nói của một nhân vật trong cuốn “Bàn tiệc”: “Nhiều người đã trở thành một thiên tài nhờ một thiếu nữ, nhiều người đã trở thành thi sĩ nhờ một thiếu nữ; - nhưng không một ai trong đó đã trở nên thiên tài nhờ một thiếu nữ đã cưới, vì người vợ ấy chỉ có thể giúp chiếm một địa vị cố vấn Nhà nước; không một ai trở nên thi sĩ nhờ một thiếu nữ đã cưới, vì người vợ ấy chỉ có thể giúp làm cha; không một ai trở nên thánh nhân nhờ một thiếu nữ đã cưới, vì người vợ ấy không phải là tư hữu mong muốn. Những ai trở thành thiên tài, anh hùng và thi sĩ, đều nhờ một người thiếu nữ mà họ không cưới làm vợ”[2].

Kierkegaard vĩnh biệt Regina theo nghĩa ông không cưới nàng làm vợ. Nhưng ông vẫn đinh ninh rằng nếu phải lập gia đình thì Regina là vợ ông. Vì thế khi ông hay tin nàng trở lại với mối tình đầu, làm lễ cưới với giáo sư Frédéric Shlegel, ông liền cảm thấy như bị cướp dựt một báu vật nhất trên đời. Và để chứng tỏ với lòng mình, để chứng tỏ với Regina cũng như với mọi người, trước khi chết ông đã hoan hỉ làm chúc thư lối lại cho Regina tất cả những gì còn lại, như gia tài của ông, sau khi ông đã khuất. Gia tài ấy, thực ra, thuộc thứ hạng tinh thần hơn là vật chất, vì ông đã tiêu pha khánh kiệt tiền bạc, chỉ còn lại những gì ông viết ra. Bà Regina Schlegel từ chối không tiếp nhận gia sản ấy, nhưng vẫn vui lòng đứng lên thi hành chúc thư theo ý muốn của người quá cố.

Phân tích mối tình anh hùng trên đây, nhiều nhà tâm lý đã nhìn thấy đó những động cơ phân tâm học, thần kinh học. Chúng tôi nhắc đến một vài giải thích.

Trong cuốn Những chặng đường đời, Kierkegaard nói đến nhiều chuyện có tính cách tượng trưng. Chẳng hạn chuyện “Mộng của Salomon”. Một đêm tối trời, Salomon nghe có tiếng động bên phòng cha. Ông lén vào, thấy David nằm thượt, miệng thốt ra những lời thống hối bi ai, sợ quá, Salomon chạy vội về phòng mình nhưng rồi không làm sao ngủ lại được. Sau cùng Salomon thiếp đi, và thấy cha là một tội nhân bị Thượng Đế từ bỏ. Khi tỉnh dậy, Salomon cảm thấy sướng khoái lạ thường. Theo Fanny Lowtzki[3] thì sướng khoái thấy cha mình có tội, cũng là một tội. Và ông cho rằng tâm tình tội lỗi ấy bắt nguồn ở ước muốn vô thức được thay thế cha, hoặc như cha, thụ hưởng những khoái lạc trên thân mình người mẹ. Thực tế không cho phép người con thỏa mãn đòi hỏi sinh lý ấy. Từ mơ tưởng này đến mơ tưởng khác, người con đâm ra ghét cả cha lẫn mẹ mà không hay biết. Trường hợp Kierkegaard không bao giờ nói đến mẹ ông, phải được giải thích bằng sự đòi hỏi vô luân ấy. Và sở dĩ Kierkegaard không lấy được Regina, cũng chỉ vì Olsen là hình ảnh của người mẹ ông. Ông yêu mẹ ông, nhưng mẹ ông không yêu ông, ông yêu mẹ ông nhưng không thực hiện được tình yêu ấy. Cũng vậy ông yêu Regina, nhưng sẽ không bao giờ lấy Regina làm vợ. Kowtzki còn đi xa hơn khi nói rằng những khi bắt gặp cảnh âu yếm giữa cha mẹ ông, Kierkegaard đã mơ tưởng đến những ngày tháng mê ly trong lòng mẹ, muốn trở lại ngự trị trong bụng mẹ, muốn làm chủ nhân của mẹ. Nhưng không thể được. Cũng theo một ý nghĩa, ông muốn làm chủ thân xác Regina, nhưng nàng là hình ảnh tượng trưng cho mẹ, thành ra ông không dám, và tìm cách chối quanh…

Có nhà phê bình cho rằng Kierkegaard là nạn nhân của khổ dâm. Theo họ, thì vì thấy mình bị nghịch cảnh hất hủi, bị số phận giày vò, ông đâm ra bi quan và tự rút lui vào bóng tối âm u của bản ngã, cố tìm ở đấy những gì khả dĩ tự yên ủi, nói khác đi, ông cố tìm trong bệnh u sầu của ông những khoái lạc dâm dục. U sầu và cô độc đã trở nên người bạn đồng hành của Kierkegaard: “Tôi nói về nỗi buồn của tôi như người Anh nói về nhà của họ: nỗi buồn của tôi là is my castle… Tôi chỉ có một người bạn - ấy là vọng âm không làm cho tôi mất nỗi buồn ấy. Tôi chỉ có một tâm giao – đó là sự im lặng của đêm tối. Và tại sao là bạn tâm giao của tôi? Vì hắn không nói gì cả”.

Một nơi khác cũng trong cuốn “Hoặc có tội… hoặc không có tội”, ông viết: “U sầu là thực chất của tôi, đúng như vậy. Nhưng tôi đón chào mãnh lực ấy, mặc dầu trói buộc tôi, nhưng đã cho tôi một yên ủi. Có những con vật không có một khí giới nào chống lại với kẻ thù. Nhưng thiên nhiên đã cho chúng một mưu chước để tự cứu. Tôi cũng được thiên nhiên cho như vậy, làm cho tôi hùng mạnh trước bất cứ một đối phương nào. Mưu chước ấy là gì? Chính là cái tài dấu diếm nỗi u sầu của tôi… Bất cứ lúc nào trong ngày, tôi có thể cởi nỗi buồn ấy ra hoặc đúng hơn, mặc cái trò gạt gẫm vào, vì nỗi u buồn của tôi chờ tôi cho đến lúc tôi ở một mình”… “Sự lừa gạt chắc chắn nhất là của lương tri, của suy tư không đam mê và nhất là của một bộ mặt thật thà và của một bản tính cởi mở”.

Theo Eric Carstens[4], người khổ dâm là người không thấy mình bệnh hoạn, cái gì cũng tưởng là lành mạnh, tự lừa dối mình mà không biết rằng mình bị chính mình lừa dối. Người khổ dâm sống trong ảo tưởng mà cứ tưởng mình chân chính, phiêu lưu trong ngộ nhận, sai lầm mà cứ đinh ninh rằng mình đi trên con đường chân lý. Vì thế giọng điệu của hắn là của ngôn ngữ mặt nạ, mà ngôn ngữ mặt nạ là biểu thức của một giả tưởng. Ta thấy Kierkegaard tiên báo quan niệm ngụy tín sau này của Sartre. Cứ tưởng rằng những luận chứng đem ra để trấn an và thuyết phục Regina là đứng đắn, là hợp lý, rằng Regina không thể sống hạnh phúc với mình, rằng cuộc sống vợ chồng giữa nàng và ông sẽ làm cho ông không thực hiện được những lý tưởng văn nghệ hoặc đạo đức cao thượng, nhưng kỳ thực thì Kierkegaard đã nhìn Regina, nhìn cuộc đời, nhìn chính bản thân ông qua sắc màu của nhu cầu khổ dâm, nghĩa là dưới sự thúc bách của tự yêu bệnh hoạn. Trong “Có tội hoặc không có tội” người ta không thấy một hình ảnh sống động nào của Regina, trái lại người ta đã đọc được nhiều mô tả tâm trạng Kierkegaard trong suốt thời kỳ đính hôn.

Tâm tình khổ dâm không thiết yếu liên hệ đến trách nhiệm bản ngã, cá nhân. Đó là một sáng tạo của thiên nhiên. Trước mặt người thiên về khổ dâm, tất cả những gì trong vũ trụ và nơi người khác, là đau thương, bế tắc, sầu hận, nơi đó vẽ ra hình ảnh của chính bản thân mình. Trong trường hợp Kierkegaard, nhà tư tưởng của chúng ta đã từng tìm thú vui trong đau khổ của Regina, không thể chấm dứt nhu cầu ấy bằng một cuộc hôn nhân vĩnh viễn. Cũng vậy, việc Kierkegaard khóc thương cho số phận của người cha, cho gia đình mình, không phát xuất từ một mối tình phụ tử hiếu thảo nào cả. Khóc cha chính là khóc mình. Tâm tình khổ dâm đã bị kịch hóa, định lệ hóa, một trường hợp tội lỗi của người cha, để nhờ đó được nuôi dưỡng và tăng cường. Eric Carstens cho rằng nỗi u buồn của cha Kierkegaard chỉ là một cái cớ, hơn nữa là một tấm gương để Kierkegaard nhìn vào và thấy mình rõ hơn. Đó là ý nghĩa của câu: “Ngày xưa có một người cha và một người con. Một người con trai là như một tấm gương cha soi, và cha như là một tấm gương con soi để biết hậu lai của mình sẽ phải như thế nào…”[5]. Cha là hình ảnh tinh thần của con, nhưng hình ảnh bao giờ cũng không đích thực bằng thực tại, hình ảnh trong mọi phương diện sẽ không bằng đối tượng của nó. Chính vì thế mà trong cuốn Quan điểm cắt nghĩa công trình của tôi, khi nhấn mạnh rằng nói về tương quan tinh thần thì không ai hơn hoặc có thể hơn ai, ông ám chỉ sự thua kém thông minh của cha đối với ông. Cảm nghĩ này khiến cho J. P. Sartre về sau bắt chước khi ông nói trong cuốn Les Mots: nếu cha tôi còn sống thì tôi sẽ là người sinh ra cha tôi.

Gần đây Rudolf Friemann[6] lại muốn chứng minh rằng con người Kierkegaard là sản phẩm bất đắc dĩ của một sự phối hợp bất đắc dĩ giữa cha ông và mẹ ông. Sau khi đã chỉ tay chửi thề Thượng Đế, và để mua chuộc trọng tội ấy, cha ông cố gắng sống một cuộc sống nghiêm khắc, hiếu thắng nhất là đối với đàn con của ông. Nhưng sự cố gắng ấy không đem lại kết quả như ông mong muốn, nhất là khi ông nhận thấy ông vẫn không thắng nổi đòi hỏi dâm dục của ông. Trái lại mẹ ông là một người đàn bà không bao giờ quên nổi nguồn gốc quê mùa, tôi đòi của mình, vì thế bao giờ cũng tỏ ra đầy mặc cảm đối với cha ông. Cả hai người đã để lại trong giòng máu Kierkegaard một áp suất hỗn tạp, khi nghiêng về âm, khi đứng về phía dương. Cái gọi là siêu ngã trong phân tâm học vốn bắt nguồn ở sự hỗn tạp kỳ dị ấy. Cho nên người ta không lấy làm lạ tại sao Kierkegaard tuyên xưng một thiện cảm công khai với cha ông mà không một lời thương thay cho số phận mẹ ông. Người ta không lấy làm lạ vì thực ra ông đã muốn thay mẹ đóng vai một người đàn bà lý tưởng đối với cha, vì ông muốn xem cha như một nhân tình cùng giống. Friemann gọi đó là thứ đồng tính ái. Thứ tình bệnh hoạn này là nguyên do giải thích sự tan vỡ giữa Regina và Soren. Cha là một người đáng yêu nhất trên đời. Đó là yếu tố căn bản của Siêu ngã do cha ông đại diện. Khi đã yêu cha thì còn yêu ai khác được? Hình ảnh cha đè nặng lên toàn thể con người lý tưởng của Kierkegaard, khiến ông không thể lập gia đình với Regina, khiến ông trở nên một con người bất lực… Sự bất lực ấy đã sớm xuất hiện nơi con người Soren. Đó là dấu hiệu của bệnh tảo diên, bệnh ly khai với hoàn cảnh sống.

Friemann đã nhận định đúng khi ông nói Kierkegaard là một người con có nghĩa đối với cha. Thực vậy Kierkegaard đã không bao giờ quên công ơn sinh thành, luôn luôn nghĩ đến hình ảnh cha như một cái gì tốt đẹp nhất trên đời, và có sức an ủi ông. Đọc trong Nhật ký ta thấy những giòng như: “Tôi lấy làm hoan hỉ được nhớ đến cha tôi luôn”. Và nói theo nhân tính thì tôi chịu ơn cha tôi nhiều về hết mọi sự (…) và tôi đã và còn thương tiếc người đến nỗi không một ngày nào qua đi mà tôi không nhớ đến người sớm tối”.

 “Tôi nhớ người mỗi ngày từ cái ngày mồng 9 tháng 8 và tôi sẽ tưởng nhớ đến người cho đến khi đoàn tụ vĩnh phúc trên cõi trường sinh”. Đó là những lời chân thành, không thể nghi ngờ được. Những lời ấy và những lời tương tự, sẽ là những tiếng cải chính hùng hồn đối với những giải thích phân tâm học quá khích trên đây, kể cả giải thích của Friemann.

Chúng tôi nghĩ rằng liên hệ phu tử giữa ông và cha ông tuy mang nhiều ý nghĩa sâu xa, nhưng chưa phải là yếu tố quyết định nhất cho đường hướng và giá trị công trình sáng tác của ông. Động cơ quyết định nằm trong mối tình chắp nối với Regina. Đúng như Martin Buber đã nói: “Biến cố trung tâm cuộc đời Kierkegaard và tâm điểm kết tinh của tư tưởng ông là sự từ bỏ Regina Olsen, đại diện người đàn bà và vũ trụ”[7].

Để chứng tỏ luân lý ấy, trước hết chúng ta cần tìm hiểu một vài ý niệm của ông về một số vấn đề triết học.

Xem tiếp kỳ 3


Nguồn: Lê Thành Trị. Hiện tượng luận về hiện sinh. Trung tâm học liệu – Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, 1974. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.



[1] Trích dịch của Marguerite Grimault, La Mélancolie de Kierkegaard, Aubier Montaigne, Paris, 1965, trang 26-27.

[2] In Vino Veritas (Chân lý trong rượu) trong Những Chặng Đường Đời, dịch theo bản dịch của Par và Guignot, NRF, 1948, trang 54.

[3] “S. Kierkegaard. L’expérience Subjective de la Révélation Religieuse”. Revue Française de Psychanalyse, Paris 1936.

[4] Xem Marguerite Grimaul, La Mélancolie de Kierkegaard, trang 79-90.

[5] Xem đoạn “Thất vọng thầm lặng” trong “Hoặc có tội, hoặc không có tội”.

[6] Rudolf Friedmann, Kierkegaard. The analysis of the Psychological personnality (London, 1949); Docteur Marcel Eck, l’Homme et l’Angoisse, Librairie Arthème Fayard, Paris 1964.

[7] Buber, Martin, Between Man and Man, bản dịch của Ronald Gregor Smith, Boston, Beacon, Press 1955, trang 40.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

ĐỖ MINH ANH - 10:50 26/12/2014
Tôi là người hay theo dõi những hoạt động Triết Học trên trang này. Xin chân thành cảm tạ các bạn đã dày Tâm Trí xây dựng và truyền bá Triết Học suốt bao tháng ngày qua. Chúc các bạn một buổi sáng mùa Đông bên lâu đài Tri Thức mà các bạn đang Chiêm Ngưỡng và Tìm Hiểu
Triết học - 21:06 26/12/2014
Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn để xứng với tình cảm của các bạn dành cho triethoc.edu.vn
Cao Thị Hồng - 15:18 01/12/2015
Trang này rất hữu ích, tôi sẽ giới thiệu cho các em sinh viên đọc để mở rộng thêm tri thức. Chân thành cảm ơn BBT trang Web này.
hà thanh gú - 20:43 22/02/2016
xin cảm ! chân thành
tuyên bùi - 10:20 19/09/2016
Em cảm ơn ơn BBT trang Web này, vì nó giúp em rất nhiều. nhưng e thấy it nói tới G. Marcel qua.
tuyên bùi - 10:30 19/09/2016
bởi vì em đang cần tài liệu nguyên cứu về G. Marcel nên rất mong mọi người giới thiệu tài liệu. em cảm ơn.
Triết học - 15:51 21/09/2016
Tuyên Bùi có cần tài liệu tiếng Anh về G. Marcel không?
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt