Tạp chí Nam Phong, số 6, tháng 12-1917
ĐẸP LÀ GÌ?
Mấy nhời bàn về mĩ học
PHẠM QUỲNH
Ta thường nói cái này đẹp, cái kia xấu; đọc bài văn khen hay, nhìn bức tranh khen khéo, nghe đàn mà cảm động, xúc cảnh mà hưng hoài. Bấy nhiêu cái đều gợi ra trong tâm tình ta một cái cảm riêng, các nhà tâm lý học gọi là “mĩ tình” (émotion esthétique). Cái mĩ tình thường cho là riêng của từng người. Cùng một cái cảnh, cùng một bức tranh, cùng một bài văn, cùng một khúc đàn, có nhẽ người này cho là đẹp, người kia cho là xấu, người kia khen là hay mà người này chê là dở, đều là tùy sự sở thích, cái thói quen của mỗi người. Song, nếu như thế thì cái quan niệm về sự Đẹp há lại không có chuẩn đích ư? Đã hay rằng cái sở thích thì mỗi người một khác, tùy sự giáo dục, tùy cái tính chất riêng của mỗi người mà không thể ép cho giống nhau được. Nhưng làm sao có khi cùng một nền văn chương, cùng một bậc tranh vẽ, ai ai cũng đều khen là hay, ai ai cũng đều nhận là đẹp? Như trong văn chương nôm ta có truyện Kiều, dù là bọn nông phu dã phụ, dù là kẻ vô học, hạng thợ thuyền, dù là bực giai nhân tài tử, bác học danh sĩ, cũng đồng thanh công nhận là hay cả, mỗi người nhận ra một vẻ, nhưng ai cũng cho là hay. Cớ sao cái lòng sở thích của người ta vốn nó bất nhất như thế – cái cảm giác của anh thợ cầy với ông hay chữ quyết là không sao giống nhau được – mà có khi nó hòa hợp đến nỗi cùng khuynh hướng về một đường như vậy? Như thế thì cái mĩ tình tuy là một tình cảm riêng mà cũng có cái gốc chung; cái quan niệm về sự đẹp không phải là không có chuẩn đích. Bởi sao vậy? Là bởi cái đẹp đã lên đến trình độ cao thì tự nó có cái sức mạnh vô cùng, cảm người ta rất sâu mà điều hòa được mọi sự phản trái. Các bậc đế vương đời xưa dùng âm nhạc mà trị dân thực là thâm hiểu sức mạnh của mĩ tình vậy. Các nhà triết học ngày nay cũng có người xướng lên rằng nên lấy mĩ thuật làm giáo dục thì các xã hội mới được hưởng cái hạnh phúc hòa bình.
Xét như thế thì sự Đẹp không phải là không có phép tắc, không phải là chỉ thuộc về cái cảm giác riêng của từng người, mà thực là có quan hệ với xã hội vô cùng vậy.
Phát biểu cái phép tắc ấy, nghiên cứu sự quan hệ ấy, đó là mục đích của một khoa học riêng gọi là “thẩm mĩ học” (esthétique). Phàm các hiện tượng trong thế giới đều có thể học được cả; không những là các hiện tượng mắt ta trông thấy, tai ta nghe thấy, giác quan ta cảm được, đến những hiện tượng vô hình vô trạng ở chốn u u âm âm là cái tâm giới của ta cũng có thể nghiên cứu được. Như thế thì cái Đẹp là cái phong thú của người đời, là cái phong thú của cảnh vật phản chiếu vào trong lòng người, cái đẹp nó làm giá trị hoàn toàn cho đời người, há lại không có thể học được ư?
Vậy thẩm mĩ học là môn học riêng, nghiên cứu về sự đẹp, về tính chất, hình thức của sự đẹp.
Hoặc giả có người nói: Người không có tài thì chẳng mĩ học nào dạy cho có tài được. Đã không có tài thì dù theo phép tắc[1], theo quy củ của mĩ học, cũng không bao giờ làm thành những công trình tuyệt tác được. Nói rút lại thì làm ra đẹp, cảm sự đẹp, là một cái cao hứng tự nhiên, không thể đặt thành khoa mà dạy được. – Xin đáp rằng: Cái mục đích của mĩ học quả không phải là muốn dạy cho người ta có tài. Chỉ chủ một việc: là nhân cảm cái gì đẹp, muốn giải nhẽ xem sở dĩ làm sao mà nó đẹp; muốn nghiên cứu cái lý do của mọi sự phán đoán, mọi sự cảm giác về mĩ thuật. Sự nghiên cứu ấy không sợ làm giảm mất cái thú của cái đẹp đi. Không những nó không làm giảm mất, mà lại có phần tăng thêm lên nữa. Vì cái “mĩ tình” không phải là cứ mập mờ phảng phất mới gọi là mạnh; cái “mĩ tình”cũng như mọi cái tình cảm khác, càng biện giải được phân minh thì lại càng thâm thiết hơn lên. Phàm đã gọi là chân mĩ thì cái phong thú nó vô hạn, càng đến gần, càng biết kỹ, lại càng cảm mạnh. Bởi thế nên nghiên cứu mĩ học không phải là không có ích lợi về thực tế; mĩ học có thể làm cho người ta sành ra, mà gây nên cái lòng hiếu mĩ, cái tính phong nhã. Phàm cái gì đẹp, quan sát cho kỹ, tự hỏi xem bởi đâu mà nó đẹp, như thế thì dần dần mới biết được hết cái giá trị của nó, mà cái lòng yêu mến nó cũng nhân đấy mà tăng thêm lên vậy.
Cái chương trình của khoa mĩ học có thể chia ra làm ba phần như sau nay:
Một là bắt đầu tự trong tâm giời người ta mà cứu xét xem lúc người ta đứng trước cái cảnh đẹp, hoặc là cảnh thiên nhiên, hoặc là công nhân tạo, thì trong lòng cảm ra sao.
Hai là nhân đó tìm xem bởi những tính cách gì mà cái đẹp nó cảm ta như thế; tức là giải cái tính chất của sự đẹp.
Ba là xét riêng về cái công người ta chủ ý cấu tạo ra những nền “mĩ tác”, tức là giảng về mĩ thuật cùng các mĩ nghệ khác.
*
* *
Như ta đứng trước một cái cảnh chí thiên nhiên, hay một bức tranh vẽ đẹp, hoặc là đại để cái gì đã nhiều người công nhận cho là đẹp, thì cái cảm giác ta lúc bấy giờ thế nào?
Trước khi xét cái vấn đề ấy, phải biết rằng phàm sự đẹp bao giờ cũng phải cảm đến giác quan của người ta, hoặc là cảm ngay vào một quan trong ngũ quan, hoặc là cảm đến cái “nội quan” trong tâm giới, tức là cái sức tưởng tượng vậy.
Như thế thì sự đẹp không phải là thuộc về siêu hình[2]; phàm đã gọi là đẹp thì phải có thể cảm ngay vào người ta được. Song không phải là cảm đến ngũ quan đâu: như cái mùi thơm, cái vị ngon thì dù có thơm đến đâu ngon đến đâu cũng không gọi là sinh ra “mĩ tình” được. Trong ngũ quan chỉ có hai quan là cảm được, thâu được cái đẹp: tức là thị quan và thính quan, mắt trông với tai nghe.
Bởi đó nên từ xưa người ta đã chia các mĩ thuật ra làm hai hạng: một hạng chủ cảm cái thị quan thì là các thuật thuộc về hình sắc, gọi là “tô tạo thuật” (arts plastiques); một hạng chủ cái thính quan thì là các thuật thuộc về thanh âm, âm nhạc là đứng đầu hạng ấy. Các thuật thuộc về thanh âm xem ra có cái sức cảm người ta mạnh hơn cả.
Xét như thế thì sự đẹp không phải là một cái thuần lý tưởng; phàm sự gì vật gì đã gọi là đẹp thì phải có hình sắc để cảm con mắt người ta, phải có thanh âm để cảm cái tai người ta, nghĩa là phải thuộc về hình thể vậy. Sự đẹp cũng không thể lẫn với sự thực được; tuy trong cái đẹp phải có phần thực ở đấy thì mới đáng gọi là đẹp, song thực với đẹp vốn khác, không phải là giống nhau. Như cái chân lý vô hình, cái chân lý suông thì không sao sinh ra mĩ tình được. Cái chân lý phải diễn ra hình tưỡng hiển nhiên, phải có vẻ sinh hoạt, thì mới cảm người ta được, mới sinh ra mĩ tình được.
Nay xét đến cái vấn đề trên kia mà thử hỏi cái đẹp nó cảm ta ra làm sao. Ai cũng biết rằng trong tâm giới ta chia ra làm ba phần, gọi là bai cái “năng lực” của tinh thần: một là “ý” (volonté), hai là “trí” (intelligence), và ba là “tình” (sensibilité). Vậy ta xét lần lượt từng phần một, xem cái đẹp nó cảm vào mỗi phần thế nào.
Trước nhất xét về ý. Về phần ý thì cái cảm của sự đẹp rút lại có một cái đặc tính như sau này: là đối với sự vật gì đẹp thì cái ý ta nói xui ta muốn bắt chước lấy. Phần nhiều người thì cái ý bắt chước ấy chẳng qua cũng là một cái mạn hứng nhất thời mà thôi. Nhưng vào những người có tài thì nó thành một cái khuynh hướng rất mạnh mà đủ khiến nẩy ra cái tư cách sáng tạo mĩ thuật.
Thứ đến là trí. Trí chắc là phải có một phần to trong sự cảm giác cái đẹp. Đối với cái gì đẹp thì trong lòng ta sinh ra một cái cảm tình gọi là mĩ tình, sự đó đã cố nhiên rồi; nhưng ta vừa cảm mà ta lại vừa phán đoán nữa. Có người tin nhầm rằng phàm sự đẹp là trực tiếp ngay vào trong tâm tình người ta, làm cho say mê người đi, phần trí không có can thiệp gì đến. Thực không phải như thế. Phàm cái chân mĩ bao giờ cũng phải ứng hợp với phần trí thì mới gọi là hoàn toàn được. Nếu không thế, nếu chỉ cảm động đến phần tình thôi, thì gọi nó là cái “thú cảm”, chớ chưa được là mĩ tình, vì mĩ tình dù mạnh đến đâu cũng vẫn có cái vẻ bình tĩnh trang nghiêm hợp với nhẽ phải, tức là hợp với cái trí biện biệt của người ta.
Bởi thế nên phàm ta xét đoán về mĩ thuật, đã đoán định cái này là đẹp, cái kia là xấu, thì cho sự đoán định của mình là nhất định, là hợp nhẽ, không thể nhầm được. Như trông một cái phong cảnh đẹp thì tưởng cái đẹp ấy nó cảm mình cũng rõ ràng, phân minh, sác nhiên như làm bài tính vậy. Xem như thế thì biết phàm ý kiến người ta về mĩ thuật, ai cũng cho là một sự phán đoán theo nhẽ phải, không ai cho là sự ngẫu hứng, không có bằng cứ gì.
Thứ chi đến tình. Đã xét phần ý, phần trí rồi, nay đến phần tình, thì phải chịu rằng sự đẹp quan hệ với phần này nhiều hơn cả. Nên người ta thường nói đẹp thuộc về tình không phải là nói sai. Cái cảm giác về sự đẹp nó là một cái khuynh hướng đặc biệt, trong cái khuynh hướng ấy không có một chút lòng tư kỷ nào. Ta thấy cái đẹp ở đâu thì ta ngả lòng về đấy, không phải là vụ lấy sự ích lợi gì riêng cho mình. Ta yêu chuộng cái đẹp, chỉ là vì nó đẹp mà thôi, không phải vì nhẽ gì nữa. Nó đã đẹp thì ta không hề hỏi nó có thể dùng được việc gì. Vì trong cái đẹp tức là gồm một sự ích lợi cao thượng, sự ích lợi ấy là khiến được cho ta thỏa lòng mãn ý, được một sự vui thú hoàn toàn, không gì sánh tầy. Mà khi ta cảm cái đẹp ấy, thì ta thấy cái phẩm cách ta cao thêm lên, ta thấy như người ta có giá trị hơn trước vậy.
Thực như thế. Mĩ tình là một cái cảm tình rất cao thượng, trái hẳng với những sự khoái lạc duy kỷ, vốn nó có được hưởng cái đẹp muốn chia cho mọi người cùng được hưởng; càng lan rộng ra bao nhiêu thì hình như cái thú lại càng thêm lên bấy nhiêu vậy.
Không những là nó dễ ba cập ra ngoài, nó lại rất là bình tĩnh trang nghiêm, hình như càng mạnh bao nhiêu lại càng uy nghiêm bấy nhiêu. – Nói thế tất có người bẻ lại rằng: Như cảnh đẹp thiên nhiên thì không gì đẹp bằng cảnh bể nhớn đương buổi ba đào. Đứng ngắm cái cảnh ấy, cái cảm giác trong lòng có thể bình tĩnh trang nghiêm được ru? – Xin đáp rằng: Nếu là một cảm giác thuộc về mĩ học, nếu là một cái mĩ tình, thì tất phải là bình tĩnh trang nghiêm, nếu không bình tĩnh thì không gọi là mĩ tình được.
Như người thủy thủ đi bể, gặp cơn gió bảo, sống chế ở trong đám ba đào, thì cái cảnh giời bễ đánh nhau ấy là một cái cảnh dữ dội ghê gớm, không phải là cảnh đẹp. Đương khi người thủy thủ còn đánh vật với sóng ở giữa bể khơi, đương khi người vợ người mẹ đứng mong chồng mong con ở trên bãi bể, cầu nguyện cho thoát nạn, chắc không có người nào nhìn cái cảnh ấy mà sinh mĩ tình được. Nhưng người khách du lịch, đứng trên bờ chiếu ống dòm mà trông ra thì tất lấy cái cảnh phong ba ấy làm đẹp vô cùng, Chắc là trông thấy dữ dội thế cũng có cảm động, nhưng cái cảm động ấy không đủ là rối trí, mà khiến cho không nhận được cái đẹp, vì nếu đã rối trí thì thất sợ mà không thích nữa.
Ấy đại khái cái đẹp nó cảm vào trong tâm giới người ta đến như thế. Nó ảnh hưởng đến cả ba phần ý, trí, tình, mạnh nhất là về phần tình. Ta đã xét sự ảnh hưởng ấy ra làm sao; ta đã biết cái hiệu lực nó thế nào. Vậy ta có thể suy ngược đến nguyên nhân mà giải cái đẹp là cái gì, cùng cái gì làm thành ra nó.
Đó là cái đề mục để kỳ sau vậy.
PH. Q.
(Còn nữa)
PHỤ CHÚ – Chữ đẹp trong bài này là dùng nghĩa rất rộng, mà gồm cả cái ý hay ở trong nữa. Ta nhìn bức tranh khen đẹp, nghe bài văn khen hay, nhưng tiếng hay tiếng đẹp, đều là chỉ cái mĩ tình nó sinh ra trong lòng ta trong khi tai ta nghe mắt ta nhìn ấy. Như nhời tây thì đều nói là đẹp (beau) cả; ta cũng nên bắt chước mà cho chữ đẹp một cái nghĩa thực rộng để gồm được cả mọi sự cảm tình thuộc về mĩ học.
Nguồn: Tạp chí Nam Phong, số 6, tháng 12-1917, trang 375-8. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.
[1] Bản in ghi là “phép tặc” (sic), có lẽ in nhầm (triethoc.edu.vn).
[2] Trong bản in là “xiêu hình”, đã sửa (triethoc.edu.vn)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC