Thuật ngữ tổng quát

Chân lý / truth

 

CHÂN LÝ / TRUTH

 

LOGC HỌC, NHẬN THỨC LUẬN, TRIẾT HỌC NGÔN NGỮ.  Trong khi khoa học tìm cách xác định cái gì là đúng, triết học lại hỏi bản tính của chân lý là gì. Theo cách hiểu truyền thống, chân lý đối ngược với sai lầm. Nó được coi là một thuộc tính có một vật chứa, dù người ta cẫn còn tranh cãi xem vật chứa ấy là gì. Một số người gán chân lý cho các câu, người khác thì gán cho các mệnh đềphát biểuphán đoán hay phát ngôn. Do đó, người thì hỏi điều gì làm cho một mệnh đề trở nên đúng, người thì hỏi điều gì làm cho câu hay phát ngôn của câu trở nên đúng.

Thế thì chân lý cốt yếu là cái gì? Vì chân lý có quan hệ với các đặc điểm của thực tại, nên câu trả lời tự nhiên là nếu một niềm tin tương ứng với thực tại thì nó đúng, Lý thuyết tương ứng này là cách luận giải phổ biến nhất về chân lý. Tuy nhiên, lý thuyết này gặp nhiều khó khăn và việc cố gắng loại bỏ chúng đã dẫn đến nhiều lý thuyết thay thế về chân lý, gồm lý thuyết mạch lạc về chân lý và lý thuyết dụng hành về chân lý.

Nhiều triết gia đương đại thách thức giả định của truyền thống coi chân lý là thuộc tính của cái gì đó và cho rằng chân lý không có vật chứa cũng không mô tả mệnh đề. Lý thuyết giảm phát chân lý này có những phiên bản khác nhau. Nổi danh nhất là lý thuyết dư thừa về chân lý, nhưng có những phiên bản khác. Lý thuyết loại bỏ dẫn ngữ về chân lý  tuyên bố rằng "p đúng" nghĩa là tương tự như "p." Lý thuyết biểu hành về chân lý gợi ý rằng "p đúng" có nghĩa là thực hiện một hành vi nói về việc đồng ý hay lặp lại. Vì cũng giống như nói "như trên" ("ditto") sau khi ai đó nói rằng p, nó cũng được gọi là lý thuyết như trên về chân lý. Lý thuyết tối thiểu về chân lý cho rằng nói "đúng là p" là tương đương một cách tất yếu với nói "p". Lý thuyết ngữ nghĩa về chân lý cũng thuộc về nhóm này, mặc dù nó có xu hướng biện hộ cho ý niệm truyền thống về sự tương ứng. Ngày nay, một lý thuyết về chân lý có thể có các hướng đi khác nhau. Nó có thể là một lý thuyết về bản thân chân lý, một lý thuyết về nghĩa của từ "đúng" hay một lý thuyết về chức năng của vị từ chân lý. Một số lý thuyết có thể nghiên cứu giải quyết tất cả các phương diện nay.


"Chân lý là mối quan tâm của tất cả những ai trung thực: họ cố gắng chỉ tán thành những khẳng định, tuyên bố, lý thuyết, và v.v. nào đúng. Đây là chân lý trong ngoại diên. Các triết gia cũng quan tâm đến chân lý trong nội hàm - tức là khái niệm chân lý hay nghĩa của hạn từ 'chân lý'." Pitcher (ed.), Truth


 

Nguồn: Từ điển triết học phương Tây của Nicholas Bunin và Jiyuan Yu (Blackwell, 2004)

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt