Thuật ngữ tổng quát

Chủ nghĩa duy mỹ / Aestheticism

 

CHỦ NGHĨA DUY MỸ 

AESTHETICISM

 

 

MỸ HỌC. Lập trường cho rằng nghệ thuật chỉ nên được đánh giá theo các thuộc tính thẩm mỹ nội tại của nó, như cái đẹp, sự hài hòa, tính thống nhất, vẻ duyên dáng, hay tao nhã. Nó đề cao giá trị tối cao của nghệ thuật hơn mọi thứ khác. Một tác phẩm nghệ thuật chỉ đơn giản là một tác phẩm nghệ thuật và ta không nên coi nó là phương tiện cho những mục đích khác. Giá trị thẩm mỹ nội tại của nó là tối cao. Cái đẹp thuần túy không liên quan gì đến công dụng. Việc theo đuổi cái đẹp như vậy là nguồn hạnh phúc tối cao của con người và không nên bị ràng buộc bởi các cân nhắc đạo đức hay bất cứ điều gì khác. Ở dạng cực đoan của nó, chủ nghĩa duy mỹ cho rằng bất kỳ nghệ thuật nào có chức năng hoặc mục đích bên ngoài đều là xấu xí. Khẩu hiệu của chủ nghĩa duy mỹ là "nghệ thuật vị nghệ thuật" (tiếng Pháp, L'art pour l'art). Một nhà phê bình nghệ thuật không nên quan tâm đến nghệ thuật vì lợi ích của công dân, lòng yêu nước hoặc bất cứ điều gì khác. Chủ nghĩa duy mỹ có gốc rễ trong thuyết hình thức thẩm mỹ của Kant và phát triển mạnh vào thế kỷ 19, đầu tiên trong văn học Pháp, được đại diện bởi Flaubert, và sau đó trong văn học Anh, được đại diện bởi Walter Pater và Oscar Wilde. Chủ nghĩa duy mỹ phản đối sự can thiệp của xã hội vào sáng tạo nghệ thuật, vì đặc điểm của các tác phẩm nghệ thuật là chúng mang tính phiêu lưu luôn bị chỉ trích bởi các quan niệm dựa trên các tập quán và các phương thức tư duy và cảm nhận đã có sẵn. Nhưng câu hỏi đặt ra là một tác phẩm nghệ thuật có thể nào hoàn toàn tách ra khỏi môi trường và các hệ quả xã hội của nó không? Quan điểm đối lập, có thể được gọi là "chủ nghĩa công cụ", đề xuất rằng nghệ thuật nên phục vụ nhu cầu của con người và cộng đồng.

---------------------------------------------

“[Chủ nghĩa duy mỹ] là quan niệm cho rằng các đối tượng thẩm mỹ không phục tùng các phán đoán đạo đức, rằng các phạm trù thẩm mỹ có thể được, hay phải được, áp dụng cho chúng. Beardsley, Aesthetics

---------------------------------------------

Nguồn: Từ điển triết học phương Tây, (ĐHP dịch).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt