ĐỆ NHẤT TRIẾT HỌC / FIRST PHILOSOPHY
PHƯƠNG PHÁP TRIẾT HỌC, TRIẾT HỌC TÔN GIÁO, SIÊU HÌNH HỌC, TRIẾT HỌC KHOA HỌC Ở Aristoteles, đệ nhất triết học là nghiên cứu về loại tồn tại tối cao (thể vận động không bị vận động hay Thượng đế) trong thần học hoặc nghiên cứu về tồn tại xét như là tồn tại trong hữu thể học. Thần học được gọi là đệ nhất triết học bởi đối tượng của nó ở vị thế cao hơn các thực thể vật lý, nghiên cứu về các thực thể này là đệ nhị triết học. Hữu thể học được gọi là đệ nhất triết học bởi nó nghiên cứu các nguyên lý và các quy luật mà mọi ngành khoa học khác lấy làm điều kiện tiên quyết và các đệ nhất nguyên nhân của toàn bộ thế giới của tồn tại. Từ nghĩa thứ hai này, người ta đi đến chỗ coi triết học là cơ sở của mọi khoa học. Đối với Francis Bacon, đệ nhất triết học là mẹ đẻ của mọi khoa học khác. Theo Descartes, đệ nhất triết học là khoa học về các nguyên tắc của nhận thức. Đối với Christian Wolff, đệ nhất triết học liên quan đến các nguyên tắc đầu tiên và các khái niệm của tư duy. Đối với Husserl, đệ nhất triết học là cơ sở lý thuyết và phương pháp luận của mọi bộ môn triết học khác. Các nhà phê phán bất đồng ý kiến với nhau về việc có đệ nhất triết học trong triết học hay không hay đệ nhất triết học đi trước khoa học hay không. "Mọi nỗ lực để tìm ra những cơ sở tối hậu, trong đó các ý đồ của đệ nhất triết học vẫn còn tiếp tục gây ảnh hưởng, đã bị phá sản." Habermas, The Theory of Communicative Action, vol. I.
Nguồn: Từ điển triết học phương Tây (ĐHP dịch)
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC