LÝ THUYẾT MÔ PHỎNG imitation theory
MỸ HỌC, SIÊU HÌNH HỌC, NHẬN THỨC LUẬN. Lý thuyết cổ xưa nhất về nghệ thuật, với tuyên bố cốt lõi rằng bản chất của nghệ thuật là mô phỏng hay thể hiện các sự vật trong thế giới thực. "Mô phỏng" là cách dịch chữ Hy Lạp mimesis (do đó lý thuyết này còn được gọi là "lý thuyết nghệ thuật mô phỏng"). Mimesis đôi khi được dịch là "biểu hiện" (do đó lý thuyết này còn được gọi là "lý thuyết biểu hiện của nghệ thuật"). Lý thuyết này bắt nguồn từ Plato và Aristotle và là lý thuyết nghệ thuật chiếm ưu thế cho đến khi phong trào Lãng mạn xuất hiện. Nó vẫn giữ mối quan tâm sâu sắc về mặt siêu hình học để biết sự vật như thế nào và lập luận rằng nghệ thuật có vai trò nhận thức. Tuy nhiên, đã có nhiều tranh luận về ý nghĩa chính xác của "mô phỏng" và "biểu hiện" cũng như các câu hỏi liên quan đến bản chất của sự biểu hiện. Một số người cho rằng mô phỏng là miêu tả hình thức hữu hình của tự nhiên, trong khi những người khác tin rằng bắt chước đòi hỏi phải có sự lý tưởng hóa. Phê bình cơ bản đối với lý thuyết mô phỏng là không phải mọi hình thức nghệ thuật đều là mô phỏng hay biểu hiện. Âm nhạc, chẳng hạn, về cơ bản không phải là biểu hiện. Hội họa trừu tượng đương đại cũng nằm ngoài phạm vi của lý thuyết này. Tuy nhiên, lý thuyết này vẫn có những người bảo vệ có năng lực. Một phiên bản có ảnh hưởng đã được Nelson Goodman phát triển, ông lập luận rằng biểu hiện có nghĩa là biểu thị. Theo quan điểm này, mối quan hệ giữa một tác phẩm nghệ thuật và vật mà nó biểu tượng tương tự như mối quan hệ giữa một sự mô tả và cái được mô tả. ------------------------------------- "Lý thuyết mô phỏng tập trung vào một thuộc tính quan hệ dễ thấy của các tác phẩm nghệ thuật, cụ thể là mối quan hệ của nghệ thuật với chủ đề." Dickie, Art and the Aesthetic ------------------------------------- Nguồn: Từ điển triết học phương Tây, (ĐHP dịch).
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC