NGHĨA / MEANING
TRIẾT HỌC NGÔN NGỮ, LOGIC HỌC, TRIẾT HỌC TINH THẦN, NHẬN THỨC LUẬN, SIÊU HÌNH HỌC. Nhìn chung, những gì được biểu đạt, được nói, hay được quy chiếu đến trong biểu thức. Nghĩa đen là những gì ta có thể nói hay rút ra một cách trực tiếp từ chính những từ ngữ được dùng trong một biểu thức. Nếu hai hay nhiều biểu thức có cùng một nghĩa, chúng được cho là đồng nghĩa. Nghĩa được sử dụng theo cách tương tự như ý nghĩa, hàm nghĩa và nội hàm, đối lập với quy chiếu, biểu thị và ngoại diên. Việc xác địh cách thức nghĩa của một biểu thức được tạo ra liên quan đến việc xác định cách thức ngôn ngữ quan hệ với thực tại, mối quan hệ giữa nghĩa và các trạng thái tâm lý, và mối quan hệ giữa nghĩa với các ý niệm ngữ nghĩa học then chốt khác như chân lý và quy chiếu. Tất cả những điều này khiến cho khái niệm về nghĩa trở thành một khái niệm trung tâm và khó hiểu, không chỉ trong triết học ngôn ngữ, mà còn trong triết học tinh thần, nhận thức luận và siêu hình học. Các lý thuyết khác nhau về nghĩa đã được phát triển trong thế kỷ 20. Cuốn từ điển này có mục từ riêng cho từng lý thuyết có ảnh hưởng quan trọng. Các mục từ ấy gồm: lý thuyết hành vi về nghĩa, lý thuyết ý niệm hóa về nghĩa, lý thuyết hình ảnh về nghĩa, lý thuyết bức tranh về nghĩa, lý thuyết quy chiếu về nghĩa, lý thuyết điều kiện chân lý về nghĩa, lý thuyết sử dụng về nghĩa và lý thuyết xác minh luận về nghĩa. "Đối với một biểu thức quy chiếu đơn, việc nó có nghĩa hay không chỉ cần dựa trên khả năng có thể sử dụng nó để chỉ quy chiếu tới một vật, người, địa điểm nào đó trong những hoàn cảnh thích hợp." Strawson, An Introduction to Logic Theory
Nguồn: Từ điển triết học phương Tây của Nicholas Bunin và Jiyuan Yu (Blackwell, 2004) |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC