Thuật ngữ tổng quát

Vị từ, thuộc từ / Predicate

 

VỊ TỪ, THUỘC TỪ

(PREDICATE)

 

LOGIC HỌC, TRIẾT HỌC NGÔN NGỮ. [từ tiếng Latinh pare, ở đằng trước + dicere, nói, nghĩa đen là cái được nói ở đằng trước]  Một câu cơ bản biểu đạt mệnh đề rằng một đối tượng nào đó có một thuộc tính nhất định ("Con chó đang chạy" hoặc "Bông hoa này có màu đỏ") hoặc có mối quan hệ nhất định giữa hai hay nhiều đồ vật (“Con ngựa lớn hơn con cừu”). Các ngữ thức đại diện cho một đối tượng (ví dụ “con chó”, “bông hoa này” hoặc “con ngựa” và “cừu”) được gọi là chủ từ, và các ngữ thức đại diện cho một thuộc tính (ví dụ “đang chạy, ” “có màu đỏ”) hoặc quan hệ (ví dụ “lớn hơn”) là các vị từ hay thuộc từ. Vị từ là cái được nói đến của chủ từ trong câu. Vị từ có thể là một động từ, cụm tính từ hoặc cụm danh từ. Vị từ còn được gọi là ngữ thức làm vị ngữ hoặc hạn từ làm vị ngữ. Nếu một câu đã cho có một chủ từ thì vị từ của nó là vị ngữ một ngôi (one-place predicate); nếu có hai chủ từ thì vị từ của nó là vị từ hai ngôi, và cứ thế. Vị từ một ngôi được liên kết với các nội động từ, và vị từ hai ngôi được liên kết với các ngoại động từ hay các quan hệ. Ngoài ra còn có sự khác biệt giữa các vị từ logic (bậc một) và vị từ ngữ pháp (bậc hai). Vị từ logic hay vị từ bậc một áp dụng cho một số đối tượng, còn vị từ ngữ pháp hay vị từ bậc hai được quy cho vị từ bậc một. Theo sự phân biệt này, những từ như “tồn tại” là các vị từ ngữ pháp chứ không phải những vị từ logic.


“Chủ từ là hạn từ mà sự khẳng định hay phủ định sẽ nhằm vào nó. Vị từ là hạn từ được khẳng định hoặc phủ định của chủ từ." Keynes, Studies and Exercises in Formal Logic


 

Nguồn: Từ điển triết học phương Tây của Nicholas Bunin và Jiyuan Yu (Blackwell, 2004)

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt