GS LÊ THÀNH TRỊ
HIỆN TƯỢNG LUẬN VỀ HIỆN SINH
TRUNG TÂM HỌC LIỆU
BỘ VĂN HÓA GIÁO DỤC VÀ THANH NIÊN
1974
--- o0o ---
Kính dâng
linh hồn thân phụ
NHẬN ĐỊNH
MỤC LỤC Lời nói đầu Mục lục 1. Ý nghĩa tổng quát của triết lý hiện sinh 2. Kierkegaard và vinh nhục của Tín ngưỡng 3. Nietzsche một nỗi buồn của “Bất tử” hay là Ông Hoàng bất mãn của Siêu nhân 4. Karl Jaspers với bóng dáng của Siêu vượt 5. Jaspers và Đường về Lịch sử 6. Jean Paul Sartre hay là từ tiếng sét đêm trường đến giấc mơ Đại Đồng cho nhân loại 7. Dưới mắt Sartre Tự do, Tha nhân và Thượng đế Sartre và vấn đề Thượng đế 8. Martin Heidegger một cố gắng hòa hợp Tín ngưỡng và Triết lý Triết lý hiện sinh hay triết lý Hữu Khởi điểm và phương pháp Những luận đề chính yếu Người là hữu tại thể Người là vật bị bỏ rơi Người là hiện hữu hiểu biết Hiện hữu suy luận bằng ngôn ngữ Ưu tư 9. Những hậu đề hiện sinh Tiên quyết của bản thể người Hữu vị tử Trở về với hiện sinh đích thực 10. Diễn tiến tư tưởng của Heidegger Nhân bản trong học thuyết Heidegger Quan điểm tiêu cực Thế nào là chân lý Tiến về Hữu Con đường của kinh hoàng Con đường của triết sử Ý nghĩa Hữu Chân trời Heidegger |
Do Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hoá xuất bản vào cuối năm 1969, Hiện Tượng Luận về Hiện Sinh đáng lẽ phải kịp thời tái bản cách đây chừng ba năm hầu sớm tiếp tục đáp ứng đòi hỏi thịnh tình của quý độc giả.
Lực bất tòng tâm, xin quý vị lượng thứ. Lần tái bản này, do Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên (Trung Tâm Học Liệu) hoan hỉ đảm trách. Chúng tôi kính xin Quý Bộ và Quý Trung Tâm nhận nơi đây lòng tri ân sâu xa của chúng tôi.
Chúng tôi cũng xin cảm ơn một số độc giả đã hạ cố gởi đến cho chúng tôi nhiều chỉ giáo và nhận xét quý báu liên hệ đến nội dung và trình bày cuốn Biên khào này. Chúng tôi mong có dịp đề cao những nhận xét hoặc chỉ giáo ấy.
Chúng tôi không sửa chữa hoặc thêm bớt gì trong nguyên văn đã xuất bản lần thứ nhất, ngoại trừ một số lỗi lầm ấn công.
Riêng đối với Sinh viên Đại học Văn Khoa, cuốn biên khảo này luôn luôn sẽ là những tài liệu cần thiết và hữu ích.
Saigon, ngày 01 – 5 – 1974
Tác giả
Lời nói đầu
Không có địch thì người lính chiến biết lấy gì mà tự lượng khả-năng và giá-trị của mình? Cho nên đời người, trong ý-nghĩa hiện-sinh của nó, là cả một tân thảm-kịch, bi-ai, đời người là một chiến-trường trong đó, thù địch không ai khác hơn là chính mình và đồng-loại của mình, những thù địch ấy không thể triệt-tiêu đựơc, mà chỉ có thể thuyết-phục, chiêu-hồi, cải-tạo và đem họ về với mình về với chính nghĩa, chỉ có con đường ấy và sách-lược ấy người mới có may mắn gặp lại tự-tình đích thực của mình. Con đường ấy là con đường “cải-cách hiện-sinh” của “người ta”.
Không riêng gì ở Việt-Nam mà hầu như khắp nơi trên thế-giới, hai chữ Hiện-sinh thường được hiểu như là một lối sống kỳ-dị, đam-mê, buông trôi, thác loạn, bất chấp dư-luận và đạo-đức. Một cách tổng-quát, bất luận nam hay nữ mà trong cách phục sức, đứng ngồi, trò truyện, đi lại và trao đổi tâm tình với nhau, tỏ ra tự-do phóng-túng, đều bị liệt vào loại hiện-sinh. Có người còn cho rằng hiện-sinh đang giựt gân kích-động-nhạc, đang điều-động tứ quái, đang nuôi-dưỡng Hip-py và Bi-tơn. Và dưới những bộ mặt ấy hiện-sinh đang bị đạo-đức và Truyền-thống dân-tộc ngó nhìn với những cặp mắt nghi-ngờ, khinh-miệt…
Ấy, người ta thường nhìn Hiện-sinh là như vậy. Nhưng nếu Hiện-sinh chỉ có thế thôi, thì dư-luận quả đã không mấy bất công đối với những tên tuổi đã trực-tiếp hay gián-tiếp khai-sinh ra phong-trào hiện-sinh, mà chúng tôi cũng đã không mấy được khuyến-khích cố-gắng để có thể gởi đến quý liệt vị cuốn lược-khảo này.
Thực vậy Hiện-sinh trước hết là một triết-lý. Triết-lý của những cá-nhân lỗi lạc ở thế-kỉ hai mươi đã từng suy-tư từ trong cuộc sống bản-thân cũng như của đồng loại, và đã biến triết-lý ấy thành một môn học, thành triết-học hiện đang chiếm một địa vị đáng kể trong lịch sử suy-tư nhân-loại.
Viết cuốn sách này, chúng tôi không có hoài vọng nào khác hơn là giúp một số người muốn tìm hiểu ý-nghĩa đích thực của triết-thuyết hiện-sinh. Triết-lý hiện-sinh có gì khác hơn những nếp sống hàng ngày đang phơi bày trước mắt chúng ta, hoặc những tâm-tình, tư-tưởng, uỷ-mị, ướt-át, bi-quan, phóng-túng, nhiều ít mô tả trong các ấn-phẩm Việt-Nam gần đây? Hiện-sinh như là triết-học có phải là một hệ-thống suy-tư toàn diện và nghiêm chỉnh chặt-chẽ khả-dĩ đáng cho ta lưu-ý và nghiên-cứu như những công trình văn hoá của nhân-loại không? Hiện-sinh có phải là một triết-lý có tính cách khoa học, mathesis universalis, khả-dĩ làm nòng cốt cho mọi suy-tư con người trong tương-lai, và giải-thích được giòng lịch-sử nhân-loại đã qua không? Độc giả có thể phán xét những giòng chữ sắp đọc đã có những tác dụng nào trong việc làm sáng tỏ những vấn-đề trên đây.
Dầu sao chúng tôi cũng muốn hy-vọng rằng từ ý-thức về các sắc thái đa tạp của triết thuyết hiện sinh, con người sẽ thấy rõ hơn thế nào là người đời và thế nào là đời người, với tất cả những kích thước khả-thể của mình, của nhân-loại, trong tương-quan sáng tạo với Thiên nhiên, và để nhờ đó con người sẽ bớt trừu-tượng hơn, bớt ảo tưởng hơn, bớt kiêu-căng, hung hăn hơn, hầu cùng với tha-nhân chung lưng đấu cật tái-tạo và kiện toàn một cuộc sống cộng-động cụ-thể hơn, khoan dung và cởi mở hơn, công-lý và thanh-bình hơn. Phải chăng trí nhân tác triết là như vậy?
Chỉ tiếc rằng tài-năng của người biên soạn đã không tương-ứng với hoài vọng trên. Thực vậy, ngồi đọc lại bản thảo trước khi đưa tới nhà in, chúng tôi không khỏi ái ngại cho việc làm của mình, khi thấy mình đã vô tình hay hữu ý bỏ qua nhiều điều khá quan yếu, đáng lẽ cần được đề-cập tới, dầu là một cách đại-cương, cũng như khi thấy mình chưa diễn-tả đúng mức mong muốn những gì mình đã viết ra. Vả lại mình là người phàm, các triết-gia là những nhân tài xuất chúng. Quod Jupiter, non bovi. Họ có thẩm quyền nói những gì mình không được nói hoặc không nói được. Thành ra nhiều lần chúng tôi tự hỏi không biết đã diễn tả đúng mức tư-tưởng và chủ trương của các triết-gia hiện-sinh chưa.
Trong cuốn này chúng tôi đã trình-bày Kierkegaard, Nietzsche, Jaspers, Sartre và Heidegger. Trong một cuốn khác chúng tôi sẽ đề cập tới Gabriel Marcel, Merleau Ponty, Albert Camus và Simone de Beauvoir, mặc dầu cũng như lần này, chỉ là một cách đại cương.
Chúng tôi chân thành cảm tạ thư-viện Goethe Institute thuộc toà Đại-sứ Liên bang Tây Đức đã cho phép chúng tôi sử-dụng một số tài-liệu, cảm ơn Phủ Quốc-Vụ-Khanh Đặc-Trách Văn-Hoá, trong chủ-trương dung-hợp và phổ-biến văn-hoá ngoại-quốc, đã chấp thuận in và xuất bản cuốn sách này, và chúng tôi quý mến lòng tốt của nhiều người bạn đồng nghiệp thuộc các viện Đại-học Việt-Nam đặc biệt Saigon và Đà-lạt, đã khuyến khích tôi trong việc biên soạn.
Mùa Hạ 1969
L.T.T
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Mục lục
1. Ý nghĩa tổng quát của triết lý hiện sinh
Từ kinh nghiệm đến triết lý
Bất lực của khoa học chủ nghĩa
Khủng hoảng triết lý
Hai ngã đường của thuyết hiện sinh
Phương pháp của triết lý hiện sinh
Hữu thể luận
2. Kierkegaard và vinh nhục của Tín ngưỡng
Cha ăn mặn con khát nước
Mối tình dang dở
Chống thuyết Hegel
Tội và tín ngưỡng
Ba giai từng
3. Nietzsche một nỗi buồn của “Bất tử” hay là Ông Hoàng bất mãn của Siêu nhân
Quan điểm siêu hình của Nietzsche
Một tân giá trị
Bình luận
4. Karl Jaspers với bóng dáng của Siêu vượt
Những suy niệm tiên khởi
Những đề tài chính yếu
Sự bất liên tục của kiến thức
Tìm triết lý trong hiện sinh
Tự do là gì
Thời gian và vĩnh cửu
Tham thông
Hoàn cảnh biên cương
Số mã và đọc số mã
Quy pháp ban ngày và đam mê ban đêm
Hữu Siêu việt
Triết tín
Vấn đề chân lý
Đại học và triết lý
Quan điểm chính trị
5. Jaspers và Đường về Lịch sử
Duy nhất của lịch sử
Thế kỷ 20 và thời trục
Vai trò của khối người
Sự tan biến giá trị cổ truyền
Vào thế giới triết gia
Triết gia là ai
Cần tìm đến triết gia
Thành thực của triết gia
Những ai là triết gia
Nhìn về tương lai
6. Jean Paul Sartre hay là từ tiếng sét đêm trường đến giấc mơ Đại Đồng cho nhân loại
Người con hoang đàng
Tính tình và nhân cách
Văn nghiệp của Sartre
Trên con tàu hư vô
Ý thức là khởi điểm
Thổi hư vô vào vũ trụ
Ý thức tiền phản tỉnh
Ý thức và phủ quyết
Hữu và hư vô
Ý thức là tự hủy
Tính chất của ý thức
Đồng sàng dị mộng
Kiện tính và siêu hướng
Nhị phân căn bản
Tự ngã và vị ngã
Tự ngã là gì
Vị ngã của người
Tương quan giữa tự ngã và vị ngã
Tự ngã hư vô vị ngã
Tự ngã ý thức vị ngã
Tự ngã thời tính vị ngã
Một vài nhận định
7. Dưới mắt Sartre Tự do, Tha nhân và Thượng đế
Người đi trong Tự do
Điều kiện của tự do
Nền tảng của tự do
Tự do và chọn lựa cụ thể
Một vài nhận định
Người đi trên băng tuyết
Tính chất của hữu vị tha nhân
Tương quan giữa ngã và tha nhân
Bình luận
Sartre và vấn đề Thượng đế
Mâu thuẫn của ý niệm Thượng đế
Thượng đế hoặc tự do
Nếu Thượng đế hiện hữu thì người là hư vô
Nhận định
Thay vì kết luận
8. Martin Heidegger một cố gắng hòa hợp Tín ngưỡng và Triết lý
Triết lý hiện sinh hay triết lý Hữu
Khởi điểm và phương pháp
Khởi điểm
Phá hủy triết sử
Hiện tượng luận
Những luận đề chính yếu
Người là hữu tại thể
Người là vật bị bỏ rơi
Kinh hoàng
Người là hiện hữu hiểu biết
Kiến thức khoa học
Phát biểu
Nhận thức hướng về tương lai
Hiện hữu suy luận bằng ngôn ngữ
Ngôn ngữ cụ thể
Nghe và ngôn ngữ
Lợi của lời nói
Hại của ngôn ngữ
Ưu tư
9. Những hậu đề hiện sinh
Tiên quyết của bản thể người
Hữu vị tử
Trở về với hiện sinh đích thực
10. Diễn tiến tư tưởng của Heidegger
Nhân bản trong học thuyết Heidegger
Quan điểm tiêu cực
Thế nào là chân lý
Tiến về Hữu
Con đường của kinh hoàng
Con đường của triết sử
Ý nghĩa Hữu
Chân trời Heidegger
1. Ý NGHĨA TỔNG QUÁT CỦA TRIẾT LÝ HIỆN SINH
Từ kinh nghiệm đến triết lý
Tư trào hiện sinh khởi sắc từ kinh nghiệm sống mãnh liệt của những thế hệ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Khoa học và kỹ thuật không ngừng cải tiến, hứa hẹn. Kinh tế phát triển. Tài chánh gia tăng theo nhịp điệu khám phá vàng bạc và các nguồn lợi ở thuộc địa. Riêng Đức quốc, sau trận giặc 1870, nhờ Bismark, đã trở nên một cường quốc số một ở Âu Châu về kinh tế và kỹ thuật. Nhưng đồng thời người ta thấy tình trạng bất an ngày càng gia tăng. Âu Châu chờ đợi một sự trả thù của người Đức. Đệ nhất thế chiến quả nhiên xảy đến và kết thúc. Hòa ước Versailles không biện hộ cho bên nào cả: dân tộc của Bismark vẫn cho là mình có lý, đồng minh cũng không quên dành lẽ phải về phía những kẻ sống bên này sông Rhin. Hòa ước Versailles là một tờ giấy vô nghĩa kết thúc bốn năm máu chảy thịt rơi của hàng triệu con người hy sinh cho tử thần và không cho một chính nghĩa nào cả. Nhưng điều làm cho chiến sĩ đau lòng hơn cả là trong hoàn cảnh chiến tranh như đệ nhất thế chiến, con người cơ hồ thấy mình biến thành con số vô danh hay những tấm thẻ vô hồn trong guồng máy chiến tranh. Thú tính hoặc cơ tính đã thay thế cho nhân tính. Kinh nghiệm đau buồn ấy G. Marcel đã ghi vội lại bằng những nét đậm sau đây:
“Tôi thấy mình bắt buộc phải chú ý đến những kẻ bị mất tích, và liên tục thấy rõ trong trí óc một trong những cảnh tượng ghê sợ nhất, đau thương nhất cho tâm trí, đó là sự xáo trộn mà mình đành phải đóng vai kẻ bàng quang, uất hận… Nhưng chưa hết. Tôi không thể nghi ngờ được nữa rằng việc tìm kiếm người mất tích đã khiến tôi suy nghĩ đến những điều kiện của mọi công cuộc điều tra, thẩm vấn, và từ đó một cách gián tiếp khiến tôi phân vân tự hỏi không biết có cách nào khác hơn là cứ theo thứ tự in sẵn mà hỏi và trả lời”[1].
Nói chung cơ cấu xã hội bị lung lay đến tận gốc rễ. Luật pháp, chính trị, chỉ là những trò múa rối, lừa đảo. Thậm chí luân lý, tôn giáo cơ hồ như không còn được kiêng nể. Xã hội bày ra quá nhiều thảm cảnh bi thương. Người ta mất hết tin tưởng. Như chiếc thuyền không lái, xã hội phó mặc cho những áp lực vô danh đưa đẩy, không định hướng. Người ta nghi ngờ hết mọi giá trị. Cuộc đời vì thế là một chán nản, buồn nôn, phi lý. Sau thế chiến, thanh niên không còn muốn nghĩ đến những gì nghiêm chỉnh, và đa số tìm thú vui buông trôi trụy lạc, bù lại những kìm hãm khe khắt, bó buộc vô nghĩa của những tháng ngày loạn ly.
Tại sao lại có tình trạng ấy? Đâu là nguyên nhân? Dĩ nhiên rằng chiến tranh gây ra tình trạng ấy. Nhưng tại sao lại chiến tranh? Tại sao chiến tranh gia tăng và mở rộng theo nhịp tiến phát của khoa học kỹ thuật? Tại sao, thay vì hoàn thiện hơn lên như thế kỷ ánh sáng và thế kỷ của ý thức hệ đã khẳng định, nhân loại càng ngày càng rơi vào hỗn loạn của chủ nghĩa bi quan hoài nghi?
Đó là những câu hỏi được đặt ra trong hoàn cảnh chiến tranh đầu thế kỷ 20. Sau đây là ý kiến của các triết gia hiện sinh:
Bất lực của khoa học chủ nghĩa
Song song với phát triển của khoa học nhất là ở thế kỷ 19, một tư trào xuất hiện, chủ trương rằng khoa học là vạn năng, giải đáp tất cả vấn đề nhân sinh, và không có gì huyền nhiệm trong vũ trụ. Dưới ánh sáng dẫn đạo của khoa học và kỹ thuật, nhất định con người sẽ được thỏa mãn về mọi phương diện, tinh thần cũng như vật chất. Lý trí khoa học là chiếc đũa thần khai mở kiến thức cho người và nhờ khả năng bất tận của nó, sẽ đem dần nhân loại đến hạnh phúc. Đó là khoa học duy lý chủ nghĩa, có thể nói rằng bắt đầu khởi sắc với Condorcet (trong cuốn Esquisse d’un tableau historique de l’esprit humain, 1794). Tư trào ấy đã gây được một niềm tin tưởng trong dân gian: người ta ngưỡng mộ khoa học và nhìn nhận đó là thần cứu tinh của nhân loại. Auguste Comte tưởng như muốn chấm dứt lịch sử nhân loại ở giai đoạn này của đế quốc khoa học.
Nhưng lịch sử đã chứng minh ngược lại. Chiến tranh 1870, thế chiến 1914 và, giữa hai cuộc chiến tranh đó, nhiều cuộc tranh chấp nóng, lạnh khác giữa các quốc gia hoặc giai tầng xã hội, cộng với những suy đồi tinh thần khác, cho thấy rằng sự phát triển xã hội không đồng nhịp, nhiều khi còn ngược chiều, với sự tiến tới của khoa học. Những biện pháp của lý trí không đem lại sự cải thiện nhân sinh. Nói khác đi lý trí khoa học không đồng điệu với lý trí nhân loại. Có một dị biệt giữa thiên nhiên và con người. Sự lạc quan trong phạm vi nhiên học không thể mở rộng cho phạm vi nhân học. Người không thể giản lược thành lý trí, kém hơn nữa, lý trí thực nghiệm.
Người ta có thể chấp nhận và chứng minh khoa học giải phóng con người. Nhưng đó là một giải phóng riêng phần, giới hạn. Tham vọng của duy lý thực nghiệm chủ nghĩa là hệ thức hóa con người toàn diện, và do đó đã thất bại. Mặt khác, lý trí không hẳn cố định như thế kỷ 18, 19 tin tưởng. Lý trí ấy đã đúc ra một chân lý cứng nhắc, thiên kiến và hẹp hòi, không linh động ứng đáp với sự thay đổi của thời cuộc.
Sự nứt rạn của lý trí khoa học cũng không mấy chờ đợi để gieo nghi ngờ trên quyền binh của nó. Những năm cuối thế kỷ 19, khoa học rơi dần vào một cuộc khủng hoảng còn kéo dài mãi đến ngày nay. Khủng hoảng nền tảng. Thuyết Quan-ta của Planck, thuyết Tương đối của Einstein, thuyết Bất-xác của Heisenberg… tất cả đều nói lên sự phi lý của lý trí thực nghiệm. Không thể loại bỏ sự hiện diện của con người khỏi mọi công trình nghiên cứu khoa học. Chủ quan tính là một yếu tố cấu tạo nên sự kiện khách quan khoa học.
Lý trí khoa học bị lịch sử tố cáo nhược điểm, bị những người đại diện tên tuổi của nó miệt thị và sửa sai. Lý do chính yếu là vì lý trí ấy đã nhìn con người như một hiện tượng vật lý không hơn không kém, nghĩa là đã không thấy vai trò của con người trong việc thẩm định mọi giá trị. Phải trở về với con người và lý tính của chủ thể nhận thức khoa học.
Khủng hoảng triết lý
Như thế nghĩa là sự hiểu biết khoa học không phải là ưu tiên luân lý đối với mọi kiến thức khác. Khoa học không phải là thủy và chung của nhận thức. Trái lại, kiến thức khoa học vốn đã dựa trên những tiền kiến đúc sẵn của người. Những tiền kiến ấy bản chất như thế nào?
Trong toàn bộ, triết học từ Platon đến Hegel vốn dựa vào uy quyền của lý trí, lấy lý trí làm tiêu chuẩn duy nhất trong việc tìm hiểu và giải thích vũ trụ, nhân sinh. Đối tượng của Triết học là khả tri. Đối tượng ấy là thực tại khách quan. Thực tại khách quan là thực tại lý tính, khách quan và lý tính là hai từ ngữ liên giao. Những gì không có lý tính (Platon, Aristoteles) không phải là đối tượng triết học. Vũ trụ, Thượng đế, Linh hồn, v.v… là những thực tại khách quan vì có lý tính.
Tư tưởng nhân loại trong vấn đề lý trí, từ sau Descartes chia làm hai ngả. Một tiến về hướng khoa học thực nghiệm, và lý tính sẽ đồng nhất với lý tính khoa học. Con đường rẽ thứ hai đưa đến việc Hegel tuyệt đối hóa lý trí trong cố gắng quy tất cả về lý tính. Vũ trụ, theo nguyên tắc, là khả tri và khả lý. Quan điểm thứ hai này gặp duy lý khoa học ở điểm cả hai đều tôn thờ lý trí như thần độc nhất, nhưng khác nhau ở chỗ lý của Hegel thuộc thứ hạng thuần lý, và lý của khoa học thuộc thứ hạng thực nghiệm hay toán học.
Lý tính khoa học thất bại như đã nói. Lý tính duy tâm cũng không thành công. Thực vậy, thực tại không thiết yếu là khách quan. Thực tại còn là chủ quan, hiểu theo nghĩa của chủ thể nhận thức và các hoạt động của chủ thể ấy. Nói rộng ra, người là một thực thể từ chối mọi cố gắng vật hóa bản chất của mình. Vì người không phải là một đồ vật hay một hiện tượng vật lý đồng hạng với các sự vật khác. Người là chủ thể của lý tính khoa học cũng như triết học. Lý tính dưới mọi hình thức nhằm ngoại vật chứ không vật hóa được chủ thể của mình. Trong mọi động tác nhận thức, toàn thể người được quan niệm như là thực sự hiện diện.
Lý trí chỉ là một động tác hay một thái độ nhận thức. Lý trí tự nó chỉ là một “khả năng” thuần túy. Không chất liệu, lý trí muôn đời trống rỗng, nghèo nàn. Đó là nói theo lý thuyết. Trong thực tế, người được cấu tạo bằng kinh nghiệm tiền-luân lý, kinh nghiệm sống. Do đó, không làm gì có bàu trăng (Tabula rasa) của nội tâm như Locke nói, hay biểu ngữ ấy phải được hiểu theo nghĩa thuần túy luân lý của nó. Và, cũng do đó, có một ưu tiên hiện sinh của kinh nghiệm sống. Hoài nghi của Descartes không những chỉ có tính cách phương pháp mà hơn nữa chỉ là giả tạo. Hoài nghi là việc của tư tưởng, nhưng trước tư tưởng, con người Descartes đã sống bao nhiêu kinh nghiệm về sự hiện hữu của mình. Có một tiền-giả định của hoài nghi Descartes. Công việc của triết gia là phải tìm đến ngọn nguồn, cho nên phải khai thác, phân tách, liên hệ hiện sinh trước khi bàn đến liên hệ suy luận, vì suy luận không thể có trên hư vô, mà chỉ có thể có trên những sự kiện. Những sự kiện tiền luân lý là gì? Đó là cảm giác, cảm xúc, v.v… tất cả những gì thuộc đời sống tình cảm. Mặt khác, cảm giác hoặc tình cảm, cũng là những động tác nhận thức, nhiều khi còn thâm thúy, hữu hiệu và đích thực hơn nhận thức lý trí, và lý trí không làm sao hiểu được. Nhưng nói đến cuộc sống cảm giác hay tình cảm, không thể không nói đến vai trò và ý nghĩa của thân thể. Thân thể hiện diện và là nền tảng của mọi nhận thức. Người ta không thể vật hóa một thân thể sống động của một chủ thể hoạt động trong thân thể ấy. Đó là vấn đề tự thân, một trong những mục quan trọng của triết lý hiện sinh. Người trước hết là thân thể.
Triết lý cổ điển như bị ngoại giới thôi miên, cứ tưởng rằng giá trị luân lý nằm ngay trong ngoại vật và định hướng cho mọi phán đoán. Không, mọi đánh giá phải được quy chiếu vào người và lấy người làm khởi điểm. Một cách tổng quát, người là trọng tâm của triết lý vì hai lý do:
1. Người là nguồn gốc của mọi thẩm giá, và là giá trị cao cả nhất trong vạn vật.
2. Người đóng vai trò quyết định trong mọi nhận thức.
Tuy nhiên, đó chưa phải là quan niệm đặc hữu của thuyết hiện sinh về người. Quan niệm ấy đã gặp thấy nơi nhiều triết gia duy nghiệm hoặc duy lý. Thực vậy, cái phân biệt thuyết hiện sinh chính là quan niệm cho rằng danh từ hiện sinh chỉ áp dụng cho người. Chỉ có người và không một vật nào khác gọi được là hiện sinh.
Hai ngã đường của thuyết hiện sinh
Để cố định ý tưởng, có thể định nghĩa hiện sinh vừa là kinh nghiệm sống cụ thể của người do chính người tạo trong thời gian, vừa là kết quả của kinh nghiệm sáng tạo ấy. Hiện sinh là một kiếp sống của một người (hay của giống người) có ý thức về nguyên ủy, nền tảng và ý nghĩa của kiếp sống ấy, và tự động chấp thuận thể hiện kiếp sống ấy theo ý mình. Nói vắn lại, hiện sinh là một động tác tự khẳng định của hữu ngã cá nhân trong vũ trụ. Như vậy hiện sinh là một lập trường hay thái độ sống của kẻ sinh ra để làm người hoặc muốn làm người, lập trường ấy không có nền tảng hay giải thích nào khác hơn là chính sự tự khẳng định bản ngã mình. Và thuyết hiện sinh gồm tất cả những học thuyết mà triết lý nhằm phân tách và mô tả hiện sinh cụ thể hiểu theo nghĩa ấy.
Tại sao gọi đời là một kiếp sống? Tư ngữ kiếp ở đây không đồng nghĩa với danh từ kiếp theo nghĩa luân hồi. Một cách chung, “kiếp” nói lên một quãng sinh sống trong thời gian. Nhưng chữ “kiếp” ngụ ý rằng đối với người sự sinh ra dưới ánh sáng mặt trời, là một sự bất đắc dĩ. Hiện sinh là một sa ngã, một bỏ rơi. Cho nên hiện sinh là một đau khổ từ khởi thủy. Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra… Phát sinh trong hoàn cảnh chiến tranh, triết lý hiện sinh khởi sắc bằng một nhận định yếm thế, tương tự như quan điểm sinh, bệnh, lão, tử trong Phật học.
Từ nhận định căn bản ấy, hai định hướng được vạch ra. Một định hướng đưa đến kết luận rằng đời người là vô nghĩa, phi lý, buồn nôn. Đó là nhận định của J. P. Sartre và các người theo ông. Lịch sử triết học gọi thuyết hiện sinh này là hiện sinh vô thần. Định hướng thứ hai gọi là hiện sinh hữu thần, do G. Marcel chủ xướng. Vô nghĩa và phi lý là dấu hiệu của những gì siêu vượt tuy không đạt đến bằng lý trí một cách trực tiếp, nhưng có thể thực nghiệm hay suy diễn (Jaspers). Do đó, đời nếu đáng sống, thì không phải là do ý muốn không cội rễ của tự do (Simone de Beauvoir, Sartre) mà do ý chí muốn trả lời cho tiếng gọi của một giá trị trác-việt (Marcel).
Phương pháp của triết lý hiện sinh
Cả hai đều khai thác hàm súc hiện sinh theo chiều hướng của mình. Trong sự khai thác ấy, hiện tượng luận được sử dụng một cách ganh tị. Thân phận làm người được phân tách mổ xẻ, quay lật đủ chiều và về mọi phương diện. Một trong những ý hướng của hiện tượng luận là trở về với chính sự vật. Muốn tìm hiểu và lột trần hiện sinh, người ta phải quay lưng lại với phương pháp biểu tượng. Quan niệm này là của duy lý: Sự vật chỉ được nhìn đến qua hình dung của nó. Thậm chí, sự vật đã thành thụ tạo của trí tuệ. Trong cả hai trường hợp, khách và chủ vẫn cách biệt: ngoại vật hoặc bị phủ nhận, hoặc bị xuyên tạc, biến hình qua suy luận hình thức của người nhận thức. Người đã bị suy niệm hình dung làm lu mờ, sai lệch hoặc cắt đứt với hoàn cảnh cụ thể, do đó người không được xuất hiện dưới bộ mặt đầy đủ của nó.
Người là ai? Muốn trả lời, trước hết ta phải cho vào ngoặc tất cả những quan niệm trừu tượng, nhân tạo, duy lý, trên ba bình diện liên hệ đến người: lịch sử, khoa học và triết lý. Đâu đâu và suốt hàng bao thế kỷ - nhất là từ sau Descartes - người và những gì của người, do người, những gì định nghĩa người trên ba bình diện ấy, đã đến với nhân loại, như những bộ xương lột da, như những bóng ma, hình nộm, không sao nhận được là con người cụ thể bằng xương, bằng thịt của địa phương, của thời cuộc. Hiện sinh đã bị lý tưởng hóa, hoặc giản lược thành những ý niệm trừu tượng toán học, những bộ phận lý hóa sinh để rồi cuối cùng phá giá kinh khủng như ta thấy ngày nay trong các chế độ bàn giấy võ đoán, độc tài, tàn bạo. Hãy trở về với con người cụ thể, lịch sử của nó, để biết nó là gì, là ai, là con người với tất cả tâm tư cố hữu, cá biệt của nó. Hãy trở về với bản ngã để thấy rằng người không phải là đồ vật, trái lại, người là trọng tâm xuất phát mọi thẩm giá đối với ngoại giới, là đầu tiên và căn bản trên đó mọi xây dựng lý trí sẽ được hình thành.
Người không thể chỉ là lý trí, và bị lý trí giản lược. Phải chăng triết lý hiện sinh khi kêu gọi trở về tình trạng đầu tiên của con người cảm giác, tri giác và tình cảm, đã phủ nhận suy niệm triết lý và cổ vũ một chủ nghĩa phi lý tính? Cần phải trả lời ngay rằng lời kêu gọi ấy không có nghĩa là giao phó kinh nghiệm và triết lý cho tình cảm và phi lý. Hiện tượng luận được triết gia hiện sinh áp dụng để tìm cho kỳ được lý trí hoạt động trong công tác của người và trong sự vật (liên hệ đến người), bằng cách đưa người trở về tình trạng nguyên ủy của người. Tình trạng ấy lý trí sẽ phải chấp nhận mà không thực sự nghi ngờ hoặc đặt thành vấn đề, vì là một tình trạng khai sinh ra mọi vấn đề và không thể bị một vấn đề nào phủ nhận, vượt qua được.
Ta đừng ngộ nhận rằng trở về tình trạng nguyên ủy có nghĩa là lôi ra hiển nhiên cái gì cổ sơ nhất nơi người, theo nghĩa nhân chủng học, nhân loại học hoặc tâm lý học khai triển cá nhân hay chủng loại. Mô tả hiện tượng luận không quan tâm đến ý nghĩa trở về ấy. Trở về là trở về với tình trạng sống, được coi như là tất yếu đi trước và chống đỡ cho mọi kinh nghiệm. Nói khác đi, bất cứ một kinh nghiệm nào hiện tại đều bắt nguồn ở những cái lý hiện sinh có trước ý nghĩa một tư tưởng, một hành động nào của người: ý nghĩa ấy diễn tả dưới bất cứ biểu tượng nào, đều đã được như vậy là nhờ có những tiền ngụ (présuppositions) có thực, không chối cãi hay hủy diệt đi được. Từ tiền ngụ này đến tiền ngụ khác, người ta tiến dần đến tận cùng cội rễ của mọi kinh nghiệm nhân loại. Tận cùng cội rễ ấy là toàn bộ vị trí và luận đề làm nên cái lý hiện sinh mà duy lý cổ điển không ngờ tới hoặc không đặt ra. Chính những vị trí và luận đề ấy định nghĩa cho hành động nhân loại, chứ không phải chỉ có một mình lý trí suy luận về sau.
Vị trí và luận đề cội rễ ấy dĩ nhiên do suy niệm mà đạt được. Nhưng đó là những thực tại hiện sinh khách vật, những tự khẳng định của bản ngã nhân loại, vì thế không phải là điều kiện luận lý của khả thể trong phương pháp hồi khứ cổ điển. Phương pháp hồi khứ được Descartes thánh hóa trong tiến trình tìm kiếm Cogito của ông. Như mọi người đã biết, Cogito Descartes nói lên nội dung được suy tư và từ đó kết luận đến chủ thể suy tư, nhưng chủ thể này chỉ là điều kiện luân lý do suy tư đòi hỏi, thế thôi. Nói khác đi, Descartes đã đặt định sự bất khả thể luận lý của một khẳng định ngược lại. Suy tư tức là phải có kẻ suy tư. Nhưng Descartes đã ly khai chủ thể nhận thức với sự vật được nhận thức, nói đúng hơn, đã thay thế sự vật bằng hình dung luân lý của nó. Husserl không muốn theo Descartes và đi sâu vào con đường ấy, Cogito của Descartes gắn liền với cái được Cogitatum. Husserl gặp Descartes ở chỗ cả hai cùng tìm một nền tảng khoa học cho triết lý. Husserl muốn cho vào ngoặc (một hình thức phương pháp hoài nghi của Descartes) tất cả những “thành kiến” của kiến thức đương thời để thanh thoát và vô tư vươn lên một ý niệm gì khả dĩ làm nền tảng thâm đế cho công trình xây dựng triết lý về sau. Đó là ý nguyện của một triết học như là khoa học nghiêm xác. Nhưng ông sớm thấy rằng Cogitatum, điều được suy tư, của ý thức suy tư không thể là một ý niệm trừu tượng luân lý. Một bế tắc của Descartes cần phải tránh. Nói ý thức tức là nói đến vật ý thức. Ý thức là ý thức về một cái gì nguyên không là ý thức nhưng hiện đang được ý thức trông thấy. Nói ý thức về hay nói sự hướng về của trí tuệ cũng là một ý nghĩa. Sự hướng về ấy của trí tuệ, Husserl gọi là ý hướng của trí tuệ. Nói khác đi trí tuệ hoạt động được là nhờ có ý hướng tính của mình. Tuy nhiên đều khám phá quan trọng của Husserl là ở chỗ chủ thể và khách vật không còn ly khai cách biệt, mà cả hai đã làm thành một trong động tác ý hướng hay nhận thức. Người ta có thể ghi nhận rằng về điểm ấy Husserl chỉ khác Aristoteles và St. Thomas về phương diện từ ngữ học. Nhưng đó là một việc khác. Từ đó Husserl nhận định rằng ý hướng tính tự nó là hồn nhiên, tiền lý luận, tiền phản tính. Ý hướng tính có thể gặp trong cảm giác, tri giác, v.v… Do đó, trở về với sự vật tức là trở về với những tiền ý ngụ trong ý hướng tính hay trong ý thức nguyên ủy của con người, nói theo kiểu hiện sinh, là tìm đến những tự khẳng định bản ngã trước mọi suy luận duy lý. Dĩ nhiên đừng lầm tưởng rằng cái thực (le réel), đối tượng của ý hướng, cũng đồng nghĩa với cái thực thường nghiệm như ta quen hiểu. Lý do rất dễ hiểu, như đã nói, là những kinh nghiệm này đã bị hoen ố bởi thành kiến, và cần phải cho vào ngoặc.
Nhờ sự trở về được thực hiện theo phương pháp hiện tượng luận, các nhà hiện sinh đã đi đến những nhận định siêu hình quan trọng. Tôi là ai? Người là gì? Người không còn là một “sinh vật có lý trí” theo nghĩa cổ điển. Người cũng không phải là một ý niệm hình dung như trong học thuyết duy lý của Descartes. Người cũng không phải là do những liên hệ luân lý làm nên theo thuyết siêu nghiệm duy tâm. Người không phải là một thành phần hay một lúc khai triển Logos của Hegel. Người, trái với tất cả những ý niệm ấy, là một cá nhân tự khẳng định trên mặt đất này với tất cả những đặc hữu chủ quan từ chối mọi cố gắng duy lý hóa.
Người chính là kiếp sống khai triển theo mọi chiều hướng trước gió bốn phương của hoàn cảnh. Người là một hiện sinh, theo nghĩa triết học của phong trào, và chỉ có người mới gọi là hiện sinh. Người hiện sinh là gì? Là người tự tạo. Người, theo định nghĩa, không phải là một ý niệm đúc sẵn và cụ thể hóa trong thời gian. Người chỉ có thể được xác định qua việc làm của nó. Không làm gì có một nhân tính hiểu theo nghĩa cổ điển duy lý. Theo Sartre thì mẫu số chung trong quan niệm về người của triết lý hiện sinh là: tính cách chủ thể của người. Tự người làm cho mình thành người.
Sartre gọi sự tự khẳng định ấy là chọn lựa căn bản của một tự do bất đắc dĩ. Người sinh ra và bị trầm luân trong kiếp tự do, không có tính cách nào khác. Heidegger gọi thân phận làm người là một ruồng bỏ. G. Marcel quan niệm người là kẻ lữ hành, homo viator, nghĩa là người được hình thành trong quãng đường phải đi.
Đó là một vài ý niệm sơ khởi về người, về con người hiên sinh tự mình tạo ý nghĩa người cho mình. Có những điểm dị biệt căn bản giữa con người hiện sinh vô thần và con người hiện sinh hữu thần.
Hữu thể luận
Giờ đây chúng ta nhấn mạnh rằng, do những nhận định trên đây về người, triết gia hiện sinh đi đến kết luận: hiện hữu có trước bản thể. Chúng tôi nói hiện hữu thay vì hiện sinh, vì đó là một quan điểm triết học của họ áp dụng chung cho vạn vật. Phân tích đến cùng, phái vô thần phủ nhận mọi ý niệm tiên thiên đi trước vật hóa của ý niệm ấy. Do đó không làm gì có những ý niệm vĩnh cửu về người hay vật “trong” Thượng đế, nghĩa là không làm gì có Thượng đế.
Từ mô tả hiện tượng luận, triết gia hiện sinh đi đến hữu thể luận. G. Marcel gọi hữu thể luận này là một hữu thể luận cụ thể. Theo Sartre và hệ phái của ông thì hiện hữu (chung cho vạn vật) là một ngẫu nhiên triệt để. Thế nào là ngẫu nhiên triệt để? Là một xuất hiện đã có hay sẽ có, mà không một giải thích nào khả dĩ chứng minh nguyên ủy triết học của nó. Sự bất khả giải thích là do bản chất ngẫu nhiên của sự vật. Ngay cả sự ngẫu nhiên cũng vậy. Ngẫu nhiên là ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên hữu thể luận. Tính cách thứ hai của sự vật là hạn giới tính. Bất cứ một vật nào đều bị giới hạn trong thời và không gian, một giới hạn tính bất khả giản lược. Ta đừng giải thích sự giản lược ấy quy chiếu theo một vô hạn nào cả. Nói giới hạn cũng là có ý nói cụ thể tính hiện tại của sự vật.
Trong khi Sartre tiến đến lập trường Mác Xít và Heidegger theo hướng Hữu thể, thì Marcel tiến lên với Hữu huyền nhiệm, và Jaspers nhìn về Siêu vượt. Cả bốn cùng đi từ một hữu thể luận cụ thể để rồi mỗi người nhìn đến một phương hướng. Nhưng đó là trên bình diện vũ trụ nói chung.
Riêng đối với người, thì mặc dầu các triết gia hiện sinh, như đã nói, đồng ý rằng người tự kiến tạo trong thời gian và bằng hoạt động của mình, nhưng họ cũng khác nhau theo ba phương hướng vừa nói.
Bởi vì Sartre là người được coi là đại diện số một cho chủ nghĩa hiện sinh (nên nhớ rằng đó là quan điểm của độc giả nhiều hơn là của Sartre, và hiện nay không một ai muốn mang danh hiệu triết gia hiện sinh) và chịu ảnh hưởng của Heidegger nhiều nhất, nên những ý kiến sau đây đặc biệt áp dụng cho Sartre và Heidegger.
Người là một hiện hữu giữa các hiện hữu, người không biết một vị sáng tạo nào cả. Người sinh ra là một ngẫu nhiên tuyệt đối. Nhưng người hữu thủy hữu chung. Người là một sinh vật bị giới hạn. Tuy nhiên người khác vạn vật ở tại chỗ người là một tự do. Tự do chọn lựa. Người không lệ thuộc ai cả mà chỉ lệ thuộc mình. Nếu cần định nghĩa người thì nói rằng đầu tiên người không là gì cả (phủ nhận nhân tính), về sau có thành cái gì là do sự lựa chọn của tự do. Tự do là hữu, là bản thể của hiện hữu nhân loại, của cá nhân. Hiện hữu của người được tạo tác bởi tự do cho nên gọi là hiện sinh. Hiện sinh, do đó, là một lịch sử. Đừng lầm tưởng ý nghĩa lịch sử ở đây. Lịch sử tính không có nghĩa phụ thuộc như trong triết học cổ điển. Trái lại, lịch sử tính do sử tính, sử tính là bản chất cụ thể có đặc hữu tạo tác nên người. Sử tính ấy liên hệ đến ý hướng của tự do, của dự phóng. Heidegger gọi là thời gian tính của hữu, với ý nghĩa sáng tạo hơn là trôi chảy hay triền miên trong học thuyết Héraclite hay Bergson. Ta có thể nói rằng đối với người, theo Heidegger và Sartre, không có thời gian tính thì không có tự do và ngược lại.
Cơ cấu thời gian tính đã được Husserl mô tả trong phân tách ba chiều của nó: lưu trú, chú ý và dự liệu. Heidegger đem áp dụng vào ý niệm hữu, còn Sartre và các triết gia khác, cho tự do của người. Tuy nhiên đang khi Heidegger lúng túng cố gắng tìm nền tảng cho hữu, thì Sartre không ngần ngại tuyên xưng sự phi lý cội rễ của chính tự do. Sartre, kể ra, trước sau không mâu thuẫn với mình ở điểm ấy. Khi đã thừa nhận ngẫu nhiên triệt để của vạn vật và phủ nhận mọi ý niệm về nguồn sáng tạo, ông phải thừa nhận ngay cả sự ngẫu nhiên không kém phi lý của tự do.
Thành ra, có một tiền định của tự do: Tôi bị tuyên án phải sống tự do. Tôi không muốn tự do. Tự do có trước mọi ý muốn. Người ta có thể tự hỏi phải chăng nơi Sartre, tự do và ngẫu nhiên là một, và tự do thuộc thứ hạng nào, phổ biến hay đặc thù, nếu tự do có trước mọi ý muốn cá nhân? Hơn nữa, sự lựa chọn, mà có lần ông đồng nhất với thể tính căn bản của tự do, phải chăng là một hệ luận thiết yếu của tự do? Về sau Sartre chấp nhận chủ nghĩa Mác xít, liệu quan điểm tự do của ông có phù hợp với định luật sắt thép của chủ nghĩa này không, cả về phương diện khoa học lẫn nhân sinh xã hội? Chúng ta sẽ có dịp trở lại vấn đề này.
Ngay bây giờ cần ghi chú rằng sự thống nhất tự do với phi lý của ngẫu nhiên không ngăn cấm Sartre thấy được trong mỗi người một cái gì chung cho mọi người, cái gì ấy ông gọi là nhân tính. Mỗi hành động của cá nhân liên hệ đến người khác. Người ta thấy ngay rằng ý niệm liên hệ đòi một ý niệm đi trước về tương quan giữa nhiều cá tận. Phải chăng ý niệm không nói ra ấy, là một ý niệm nào đó về mẫu số chung của mọi người, của nhân tính?
Thực vậy, Sartre nói đến trách nhiệm và liên đới trách nhiệm. Người có trách nhiệm vì có tự do, và ngược lại, Tự do, tuy căn bản là phi lý, nhưng phải được thể hiện và bảo đảm bằng hành động. Hành động xây dựng. Không thể có tự do suy niệm. Để khỏi dài dòng trong phần đại cương này, ta nói rằng Sartre sẽ không ra khỏi vòng lẩn quẩn khi ông muốn lấy trách nhiệm biện chính cho tự do trên bình diện người với người. Trừ phi ông chấp nhận nhân tính hoặc phủ nhận ngẫu nhiên tính của tự do.
Hiện sinh không thể là hiện hữu được quan niệm hóa, không thể là một ý niệm trừu tượng. Hiện sinh là một kinh nghiệm sống, một ý thức sống. Từ đó, triết gia hiện sinh lần tới quan điểm hiện sinh có trước bản thể và bản thể học nếu đó chính là khoa học về hiện sinh. Léon Brunschvicg nói ý niệm là đối cước của thực hữu. Nhưng theo triết gia hiện sinh, hiện sinh làm cho ý niệm trở thành khả tri. Không có hiện sinh, mọi ý niệm đều không thể có. Ngược lại ý niệm làm cho hiện sinh trở thành vô nghĩa, nghĩa là bất khả tri trong thực chất tạo thành của hiện sinh. Hiện sinh tự nó là dày đặc, ánh sáng lý trí không bao giờ chọc thủng thành trong suốt. Quan điểm ấy, như ta đã biết được biện chính bởi sự bất lực của duy lý triết học cũng như khoa học – trong mọi phạm vi thiên nhiên và nhân sự.
Kể ra, thì không phải mãi đến thế kỷ 20 người ta mới đề cao phần tình cảm của người hay mới thấy bất lực của lý trí. Từ trước Aristoteles, Héraclite đã nói đến trực giác vào lòng người và bản chất vũ trụ. Chính Aristoteles cũng không quên khía cạnh mờ đục của cảm giác. Nhưng nhất là Plotin và Thánh Augustin. Plotin và trường phái của ông là hiện thân đầu tiên của thần bí chủ nghĩa mà ý nghĩa là dấn toàn thân vào chiêm ngưỡng những gì vượt khỏi lý trí suy luận. Thánh Augustin cho thấy vai trò của thân thể trong nhận thức và trong giá trị. Sau nhiều thế kỷ lu mờ trước tư trào Aristoteles nhất là trong suốt thời trung cổ, những quan điểm ấy có dịp sống lại thời phục hưng vào thế kỷ 17, đặc biệt nhất ở Pascal. Có người quả quyết rằng Pascal là ông tổ của triết lý hiện sinh. Hai câu nói bất hủ của ông: “Chân lý bên này rặng Pyrénées là ngộ nhận bên kia” và “Con tim có những lý lẽ mà chính lý trí không thể đạt được”, có thể kể như là tóm lược tất cả ý kiến của ông về vai trò chủ quan tình cảm của người trước vũ trụ. Thêm vào đó là trường duy nghiệm của Đảo Anh Quốc, bắt từ Bacon, Hobbes và kiện toàn bởi John Locke, Berkeley và nhất là Hume. Locke đề cao giác quan tính như là nguồn gốc của mọi ý niệm hóa. Berkeley đi xa hơn, nhấn mạnh rằng cái có là cái được tri giác và cái có là tri giác. Cả hai khẳng định nhuốm màu sắc chủ quan, nhấn mạnh đến ý nghĩa của chủ thể trong nhận thức luận và bản thể luận. David Hume còn đi xa hơn khi ông loại bỏ mọi ý niệm siêu hình ra khỏi nhận thức. Tất cả là do kinh nghiệm bản thân, nghĩa là do tập quán. Lý trí bất lực trong việc định giải vũ trụ. Tinh thần duy nghiệm vẫn tiếp tục tác động trong mọi lĩnh vực, qua trung gian của những nhà lý thuyết như Bentham, Stuart Mill, W. James, John Dewey…
Trở về với lục địa người ta không thể bỏ qua Kant, ở thế kỷ 18. Quan điểm của ông về tầm hạn của lý trí, về ý nghĩa kinh nghiệm, đã đánh dấu và quyết định chuyển hướng của nền tư tưởng Âu Châu, nhất là trong triết học. Ảnh hưởng nhiều trên lập trường thuyết hiện sinh[2].
Với những ảnh hưởng xa gần, trực tiếp hoặc gián tiếp ấy, hiện sinh xuất hiện với những đặc trưng ta đã trình bày và có thể thâu tóm vào năm điểm sau đây:
1. Chống lại mọi hình thức chủ lý xem suy lý lý học như là con đường độc đạo duy nhất dẫn đến chân lý toàn diện.
2. Chống lại mọi quan điểm nhìn con người như một đồ vật nghiên cứu và sử dụng, và từ đó phản đối mọi hình thức độc tài xã hội và chính trị.
3. Dành ưu tiên cho chân lý chủ thể đối với chân lý khách vật, và theo lý tưởng đó, tái lập địa vị của tiếng nói tình cảm và tư thân trong việc thẩm định ngoại giới.
4. Nhìn nhận và khai thác triệt để lưỡng tính nội tại của con người, lưỡng tính của tự do chọn lựa, của mâu thuẫn trong quyết định, của căng thẳng giữa thiện ác, giữa hữu hạn và vô hạn, giữa cố gắng và buông trôi, giữa quá khứ và tương lai, và nhất là lưỡng tính giữa thú tính và nhân tính: người không là con vật mà cũng chẳng phải như Thượng đế.
5. Cái phân biệt triết lý hiện sinh chính là dấn thân hăng say đương đầu với thử thách của cuộc sống với một ý thức thấm thía về những phiêu lưu, những thất bại, những chân tướng cao độ, do thiện chí giải quyết vấn đề nhân sinh sẽ đặt ra một cách cần thiết và cấp thời.
6. Sau hết, triết thiết hiện sinh chính là hiện tượng luận áp dụng cho việc tìm hiểu con người trong mọi khả thể của nó. Nói cách khác, năm đặc điểm của chương trình hiện sinh trên đây đã được nghiên cứu và diễn tả một cách hiện tượng luận. Vì thế mà chúng tôi đã đặt cho công trình biên khảo của chúng tôi cái tên: Hiện tượng luận về hiện sinh.
(xem tiếp kỳ 2)
Nguồn: Lê Thành Trị. Hiện tượng luận về hiện sinh. Trung tâm học liệu – Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, 1974. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.
[1] G. Marcel, Regard en arrière, Paris, Plon, 1947, P. 312.
[2] Ngoài ra một số tư tưởng hiện sinh còn được tiên báo trong các học thuyết như của J. G. Fichte, F. G. J. Schelling hay Hegel và K. Marx trẻ (xem A. B. Fallico, The Quest for Authentic Existence, Stockton, California: College of the Pacific Publication in Philosophy, 1958).
Ý KIẾN BẠN ĐỌC