V. BIỆN CHỨNG PHÁP LÀ GÌ ? ĐỊNH NGHĨA VÀ TÁC DỤNG CỦA NÓ
Trở về trên chúng ta đã sơ lược trình bày cỗi rễ lịch sử của biện chứng pháp duy vật của Mác. Trong khi sơ lược trình bày cỗi rễ lịch sử đó, chúng ta đã nhiều lần nói rằng biện chứng pháp là phương pháp nghiên cứu của chủ nghĩa Mác-Lê. Trở về trên chúng ta đã trình bày tính chất duy vật của biện chứng phápmác-xít; và chúng ta đã vừa chứng tỏ mối liên quan, vừa chứng tỏ sự phân biệt giữa biện chứng pháp mác-xít và biện chứng pháp Hê-gen. Bây giờ ta cần đi sâu vào định nghĩa và tác dụng tổng quát của biện chứng pháp. 1. Biện chứng pháp là khoa học của những quy luật tổng quát của sự vận động: (Angen) Trong tiếng Việt Nam của chúng ta, cái chữ “biện chứng pháp “ có thể làm cho người đời hiểu lầm, cũng như có người đã hiểu lầm chữ “khủng hoảng”,”khủng hoảng” không phải là khiếp sợ, thì biện chứng pháp không phải là phương pháp biện luận, không phải là cách cãi nhau, không phải là cách bào chữa. Không phải hễ ai miệng lưỡi như nước thì người ấy già biện chứng pháp ; tuỳ trường hợp, miệng lưỡi như nước thì rất có thể chỉ là ngụy biện thôi, không nhứt thiết là biện chứng đâu. Tuy nhiên, ý nghĩa cũ kỹ của chữ biện chứng trong thời cổ Hy-lạp đã bắt nguồn ở sự tranh biện. Stalin giải thích rằng: “Trong thời đại thượng cổ, người ta hiểu chữ biện chứng pháp theo nghĩa là nghệ thuật đạt đến chân lý bằng cách tìm những mâu thuẫn ở trong cách suy luận của đối phương và bằng cách vượt qua những mâu thuẫn ấy. Vài nhà triết học cổ đại nghĩ rằng sự tìm ra mâu thuẫn trong tư tưởng và sự xung đột giữa những ý kiến trái nhau, là cách hay nhất để phát hiện ra chân lý. Cái cách tư tưởng biện chứng ấy đã được mở rộng ra trong lĩnh vực các hiện tượng tự nhiên trở thành những phương pháp để nhận thức tự nhiên, cứ theo phương pháp này thì các hiện tượng tự nhiên đều luôn luôn biến đổi và sự phát triển của tự nhiên là kết quả của sự phát triển của những mâu thuẫn trong tự nhiên, là kết quả của tác động qua lại giữa những hiện tượng trái nhau trong tự nhiên “. Vậy biện chứng pháp ngày nay không phải là cái thuật tranh luận tầm thường như người ta thường hay hiểu lầm. Có thể tranh luận lưu loát mà siêu hình, ngụy biện; đó chỉ là già mồm thôi. Biện chứng pháp cũng không phải đơn thuần là một phép chứng minh mà thôi. Biện chứng pháp không phải chỉ để cắt nghĩa những việc đã xảy ra mà thôi như có nhiều người thường hiểu; sau đây chúng ta càng đi tới, càng có dịp chỉ rõ rằng biện chứng pháp trước hết là một khí cụ để phát kiến; lẽ tất nhiên rằng nếu ta hiểu biện chứng pháp thì ta chứng minh càng rõ, càng xác, biện luận càng rành mạch, hấp dẫn; nhưng nếu ta chỉ biết đem một việc này hay một việc khác đã sẵn có để chứng minh một tư tưởng nào của chủ nghĩa Mác-Lê, thì như thế chưa ắt là ta đã hiểu thấu được ý nghĩ thâm thuý của biện chứng pháp. Trong quyển “Chống Đuy-Rin”, Angen định nghĩa biện chứng pháp như sau đây: “Biện chứng pháp là khoa học nghiên cứu những quy luật tổng quát của sự vận động của tự nhiên xã hội và tư tưởng” Ta chú ý đến hai điểm trong câu định nghĩa này: một, nó là một khoa học; hai, đối tượng của khoa học ấy. Nói rằng biện chứng pháp là một khoa học chớ không phải nói rằng nó là một thuật, một kiểu cách nông cạn nào; biện chứng pháp là một khoa học cao cấp chính vì nó nghiên cứu tất cả các khoa học khác, tất cả các sự nhận thức khác để tìm ra quy luật tổng quát của vũ trụ (tự nhiên; xã hội và tư tưởng). Mỗi khoa học nghiên cứu một bộ phận của vũ trụ, tìm quy luật của vũ trụ trong bộ phận ấy, và cần phải nói rằng, có tìm được quy luật khách quan, tất yếu và phổ biến thì một môn nghiên cứu mới thực là khoa học. Vật liệu nghiên cứu của biện chứng pháp chính là những phát kiến chính xác, những quy luật riêng của tất cả các khoa học khác; do đó rút ra những quy luật tổng quát, quy luật chỉ đạo, quy luật chung cho tất cả các khoa học, chung cho cả vũ trụ: - Quy luật vạn vật tương quan. - Quy luật vạn vật biến chuyển. - Quy luật chất lượng phổ biến. - Quy luật mâu thuẫn thống nhất. Những quy luật tổng quát này không những chỉ đạo cho khoa học tự nhiên mà cho cả khoa học xã hội và khoa học tư tưởng. Biện chứng pháp không tìm các quy luật cá biệt riêng cho mỗi bộ phận của vũ trụ. Song hàng trăm hàng nghìn các quy luật cá biệt đều dựng trên số ít quy luật tổng quát, chứng minh quy luật tổng quát, và nhà khoa học ứng dụng quy luật tổng quát (tức biện chứng pháp ) để soi sáng mọi sự nghiên cứu trước khi tìm kết quả cũng như sau khi được kết quả. 2. Biện chứng pháp là phương pháp nghiên cứu của các khoa học, phương pháp suy luận và hành động của mọi người tiến bộ Biện chứng pháp nhờ sự nghiên cứu chính xác của các khoa học mà dựng lên. Mác, Angen, Lênin, Stalin tìm ra quy luật tổng quát tìm ra sự vận động ở trong vũ trụ bằng cách tổng kết các khoa học. Chính vì lẽ ấy mà biện chứng pháp duy vật cũng là phương pháp luận chung của các khoa học, phương pháp chung để mỗi nhà khoa học tự nhiên hay xã hội nghiên cứu bộ phận mà mình phụ trách tìm tòi. Gọi là quy luật chung tổng quát, bởi vì nó bao trùm tất cả các quy luật riêng (trong lý, hóa, vạn vật, sử, kinh tế, chính trị… ) gọi là phương pháp chung, tổng quát, bởi vì mỗi khoa học riêng đều có phương pháp riêng của nó tùy đối tượng, điều kiện nghiên cứu. Nhưng vô luận khoa học nào, đối tượng nào, điều kiện nào mỗi khoa học nào đều phải theo những nguyên lý chung mới tìm được kết quả chính xác, nguyên lý đó chính là quy luật biện chứng pháp. Luận về cuộc khủng hoảng của vật lý học hồi đầu thế kỷ 20, Lênin đã nói rằng, sở dĩ các nhà khoa học gặp bế tắc, không thoát nổi bế tắc “là vì họ dốt biện chứng pháp một cách tuyệt vọng”. Ong Vavilôp luận về “Lênin và vật lý học” có kết luận rằng “Sớm hay chày, các nhà vật lý học tây phương cũng phải học biện chứng pháp “. Vị chủ tịch quá cố của viện hàn lâm khoa học Xô-viết thường căn dặn rằng “Một phương pháp sai trả thù một cách rất tai hại, nó làm cho khoa học đình đốn”. Phương pháp sai là phương pháp siêu hình, cơ giới, phi biện chứng. Thiếu gì những tỉ dụ trong đó, lý luận khoa học thì đúng mà kết luận khoa học lại sai. Lemaitre, Eddington xuyên tạc thuyết tương đối để tuyên bố rằng vũ trụ hữu hạn, Compton, Stremberg, lợi dụng lượng tử học để chứng minh rằng có linh hồn bất diệt, có thượng đế linh thiêng, Zellner, Goo và ngay cả Riemann đều toan biến tướng môn hình học phi Euclide để dắt con người ta đến mê tín. Đó là chưa kể đến những môn phái khoa học tuy dựa vào thí nghiệm mà căn cứ trên lý luận khoa học sai, cho nên kết luận khoa học nhất định không thể nào chính xác được; (lý luận của học phái Copenhague ngày nay về cơ học lượng tử); họ đi đến bất khả tri luận bảo rằng khoa học “không thể biết” cái này, “không thể biết” cái kia; họ đi đến chủ quan duy tâm luận khi họ chỉ thừa nhận là tồn tại những cái gì mà họ quan sát đo lường được. Căn nguyên của những sai lầm ấy, nếu hữu ý, là phản ảnh một cuộc giai cấp đấu tranh trong đó nhà bác học dù tài ba mấy vẫn là người của thời đại và của giai cấp họ; nếu vô tình, là sự thiếu học biện chứng, thiếu một phương pháp tổng quát của khoa học. Sở dĩ có quy luật tổng quát và phương pháp tổng quát được, mà hai vẫn là một, vì vũ trụ thống nhất. Sở dĩ biện chứng pháp vừa là quy luật tổng quát của vũ trụ, vừa là phương pháp tổng quát của các khoa học bởi vì phương pháp nghiên cứu không thể mâu thuẫn với quy luật khách quan, quy luật của tư tưởng không thể trái với quy luật của tự nhiên mà khối óc chỉ là một sản phẩm cao quý. Thống nhất của vũ trụ, thống nhất của các khoa học, thống nhất của quy luật và thống nhất của tư tưởng, là thế . Cho những ai còn nghĩ rằng biện chứng pháp chỉ là một phương pháp để chứng minh, một thuật biện luận, chúng ta xin trích một đoạn của Angen viết trong quyển “Chống Duyring”: “Biện chứng pháp là một phương pháp nghiên cứu để tìm ra được những kết quả mới, để đi từ cái biết rồi đến cái chưa biết; nó cũng như mà lại rất cao hơn luận lý hình thức và toán học sơ cấp, nó vượt qua giới hạn hẹp hòi của luận lý hình thức, nó chứa đựng mầm sống của một quan niệm về vũ trụ đúng đắn hơn”. Thế là rõ. Biện chứng pháp là một khí cụ để phát kiến. Nhưng Angen có dặn dò chúng ta rằng học thuộc lý luận âm nhạc, âm thanh,… chưa phải là đã biết đàn, càng chưa phải sáng tác được bản nhạc hay. Cũng như thế, thuộc lòng quy luật biện chứng và phạm trù biện chứng, chưa phải là thấm nhuần phương pháp biện chứng, càng chưa phải là đã có phát kiến mới chờ sẵn trước mắt và bên tay mình. Còn phải có thực hành, đấu tranh, suy luận, trong đó mỗi người chúng ta tập ứng dụng biện chứng pháp ; càng thấm nhuần biện chứng pháp, thì gột rửa được sạch những phương pháp siêu hình cơ giới núp trong tâm trí ta, lẻn vào thịt máu ta qua di tích văn hóa cũ. Chúng ta sẽ chỉ rằng quy luật và phạm trù biện chứng chẳng những giúp phương pháp cho ta nghiên cứu, mà còn dẫn dắt ta trong hành động, trong suy luận hằng ngày. Chỉ bằng cách hành động thực tế ( nghiên cứu cá nhân, nhất là tập thể tranh đấu xây dựng, tự phê bình, phê bình… ) chúng ta mới thấm nhuần biện chứng pháp. Chính vì tất cả những lẽ đã kể trên mà Lê-nin, trong bài “luận về biện chứng pháp" phụ lục trong quyển “Duy vật luận và kinh nghiệm phê phán luận”, có câu định nghĩa biện chứng pháp như sau: “Trong căn bản biện chứng pháp là lý luận về nhận thức của Hê-gen và của Mác”. Lý luận về nhận thức đây không chỉ gồm có những quy luật căn bản, nó gồm luôn những phạm trù biện chứng (như chân lý và phi lý, cụ thể và trừu tượng, ngẫu nhiên và tất yếu, hiện tượng và bản chất,v.v…); nó dính liền với vũ trụ quan duy vật mà chúng ta đã trình bày trong một quyển khác; nó có mặt bất kỳ ở đâu có khoa học thật sự, bất kỳ ở đâu có hành động tiến bộ, mặc dầu ở đó người ta hoặc không biết biện chứng pháp, hoặc khinh thường biện chứng pháp nữa.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC