BIỆN CHỨNG PHÁP
CHƯƠNG THỨ HAI NHỮNG PHẠM TRÙ CỦA BIỆN CHỨNG PHÁP
TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)
Trần Văn Giàu. Biện chứng pháp. Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 1955.
IV. CÁC CẶP PHẠM TRÙ
1. Tổng quát và cá thể Khi bàn đến sự liên quan giữa cụ thể và trừu tượng thì ta đã gặp phải sự liên quan giữa cá thể và tổng quát. Giải quyết vấn đề này là giải quyết một vấn đề lớn của nhận thức luận cổ kim. Trong bài “Luận về biện chứng pháp “ Lênin viết : “Khi ta bắt đầu bằng một câu đơn giản, thông thường như : lá của cây này xanh, Dân là một người, Mê là một con chó v.v… Thì trong đó, cũng như Angen đã chú ý một cách thiên tài, đã có biện chứng pháp rồi. Cái gì là cá thể thì cái đó là tổng quát”. Và Lênin nói tiếp : “Như thế, những mâu thuẫn (cá thể đối với tổng quát) là đồng nhất: chỉ có cá thể trong chừng mực nào mà cá thể dính liền với tổng quát. Sở dĩ có tổng quát là nó có qua cái cá thể. Bằng một cách nào đó, mỗi cá thể có tính chất tổng quát. Cái tổng quát chỉ bao gồm hầu hết các vật cá thể; Cái cá thể không hoàn toàn nằm trong cái tổng quát”. Khi ta nói loài chó, loài chim, loài người, là ta nói đến tổng quát (chung), còn khi ta nói cái tên này, người tên kia, là ta nói đến cá thể (riêng). Mỗi ngày, mỗi giờ luôn luôn tư tưởng của chúng ta giải quyết vấn đề tương quan giữa cá thể và tổng quát (tôi là người, nó là thú… ). Người ta định nghĩa cái cá thể bằng cái tổng quát (ông Sáu là người Việt Nam ở tỉnh… làm…) Vì ta không thể hiểu cái cá thể ngoài cái tổng quát được, cá thể là một bộ phận khăng khít của tổng quát, vì thế mà Lênin đã nói : Cái gì cá thể thì cái đó cũng là tổng quát. Nếu cá thể mà không dính liền với tổng quát thì nó không còn là cá thể nữa, mà thực tế trên đời chưa hề có một cá thể nào không nằm trong tổng quát của nó dù là con chó biết múa hay là thằng giặc ăn thịt người, hay bất kỳ một quái thai nào. Nói cá thể là tổng quát là muốn nói rằng mỗi cái cá thể có tính chất tổng quát bằng cách này hay bằng cách khác; ví dụ như tôi (cá thể) có xương sống như các loài có xương sống (tổng quát); tôi (cá thể) có hai chân như các loài có hai chân (tổng quát); hay ví dụ như, cách mạng Việt Nam là một trường hợp (cá thể) của cách mạng xã hội chủ nghĩa toàn thế giới (tổng quát) nó có tính chất giống cách mạng xã hội chủ nghĩa (giai cấp vô sản lãnh đạo, tịch thu các nhà băng, xưởng to của tư bản độc quyền, võ trang tranh đấu… ) Ấy thế, nhưng “cá thể không hoàn toàn vào trong tổng quát”; câu nói này của Lênin vừa đúng thực tế, vừa là một chỉ thị về phương pháp nghiên cứu, phương pháp hành động nữa. Cá thể không hoàn toàn vào trong tổng quát, nghĩa là phần lớn, phần căn bản, phần thực chất thì nó đã vào trong đó: con chó biết múa vẫn thuộc loài chó, thằng phản động uống máu đồng bào vẫn là thuộc loài người; song tổng quát chỉ gồm những gì chung (như loài người có vú, hai chân, có xương sống, biết lao động sản xuất…) Còn mỗi cá thể, mỗi trường hợp riêng có những đặc điểm của nó mà ta cần biết để cắt nghĩa tại sao con chó này biết múa, thằng phản quốc kia giết đồng bào; hễ càng rõ cái cá thể thì càng sáng cái tổng quát. Ứng dụng lời nói của Lê-nin thì trong khoa học tự nhiên cũng như trong khoa học xã hội: 1. Ta không được phép ngó chung mà thôi, mà còn phải đi cụ thể vào mỗi trường hợp, mỗi sự vật, nắm cái chung, biết cái riêng, do biết những cái điểm của cá thể mà có những kết luận thiết yếu và thực hành; ví dụ như chiến thuật hay cả một phần của chiến lược nữa ở một xứ này khác với ở một xứ khác. Nếu chỉ biết chung chung thì sẽ là máy móc, thì không đi đến đâu cả, không làm được việc gì cả, chỉ thất bại. Biết rõ từng việc, từng người, từng khía cạnh của mỗi vấn đề, để tùy theo đó mà hành động (ứng dụng hay cải biến). Nếu ngược lại thì rõ là máy móc, đại khái, siêu hình. 2. Ta không được phép tách rời cá thể ra khỏi tổng quát, tổng quát bao gồm hầu hết các cá thể. Cho nên dù cá thể có những đặc điểm riêng nào, nó cũng không thể không có những tính chất căn bản của tổng quát; dù đó là trường hợp riêng nào, nó cũng tùy những quy luật chung của tổng quát. Như thế mới đúng; nếu ngược lại thì rõ là cơ hội chủ nghĩa, vô nguyên tắc, siêu hình nữa. Hãy xem điều này thì rõ: cách mạng Việt Nam thuộc loại cách mạng ở xứ thuộc địa và bán thuộc địa cho nên ta theo đường lối Mao Trạch Đông và theo đường lối Mao Trạch Đông mà ta đã đạt nhiều thắng lợi lớn. Nhưng Hồ Chủ tịch biết rõ những đặc điểm của cách mạng Việt Nam, biết rằng ở Việt Nam có những cái gì khác với cách mạng Trung Quốc, khác với cách mạng ở Triều Tiên, Hồ Chủ tịch đề ra chiến lược và chiến thuật thích ứng, do đó chúng ta thực hiện đường lối Mao Trạch Đông, ứng dụng chủ nghĩa Mác-Lê một cách rất hiệu quả. Tương quan giữa cá thể và tổng quát là thế. Sự quan trọng của tương quan ấy về mặt phương pháp là thế. 2. Trực tiếp và gián tiếp Người ta thường gọi nhận thức “trực tiếp” là thứ nhận thức nào mà ta lượm được, khỏi cần phải qua một quá trình, khỏi qua môi giới nào. Trong tâm lý học, sự nhận thức trực tiếp đó được các nhà triết học cổ kim gọi “trực giác” “nhận thức cảm tính” “trực giác cảm tính” hay “trực giác tâm lý” (Bergson) hay “trực giác duy lý”… Ý nghĩa của chữ “trực giác” rất phức tạp tùy theo từng loại triết học duy tâm, thần bí. Cho nên Hê-gen so sánh cái “trực giác” với một đêm tối, trong bóng tối ấy “mèo nào cũng đen cả” : còn người mình thì nói rằng “trong đêm tối, nhà ngói như nhà lá”. Thực ra cảm giác là biết rằng chưa biết, nói cho rõ hơn, nó mới là bắt đầu của sự nhận thức; với cảm giác ta chỉ biết rằng có vật ấy, chưa biết vật ấy là gì. Phải đẩy sự nhận thức tới tầng lý tính càng lúc càng sâu xa. Nhận thức lý tính thường thường người ta gọi là nhận thức gián tiếp, cũng gọi là nhận thức luận lý, hay giai đoạn suy luận. Nói nhận thức gián tiếp bởi vì, ví dụ như trong một định đề của hình học, ta phải suy luận lâu dài, sau cùng mới tìm ra kết quả, hay ví dụ như trong xã hội học phải suy luận lâu dài mới đi đến chỗ nhận thức rằng :”Vì tư bản phát triển bất đồng nên cách mạng vô sản có thể thành công trong một xứ “ chớ tuyệt đối không thể nhờ cảm giác trực tiếp mà biết như thế được. Trong thực tế thì cái mà ta gọi là trực tiếp thì vẫn là gián tiếp; còn cái ta gọi là gián tiếp thì biến thành trực tiếp. Tại sao nói rằng cái “trực tiếp” vẫn là gián tiếp ? Bởi vì không có cái nhận thức cảm tính nào mà không có sự suy nghĩ xen vào và liên tưởng đến bao cảm giác và nhận thức trước. Ví dụ thấy hoa hồng thì đỏ, đẹp, thích; bao nhiêu cảm giác và tư tưởng xen lẫn nhau; ví dụ thấy máy bay thì bao nhiêu ý tưởng dồn tới: bom đạn, người chết, thù đế quốc, muốn chiến thắng… Vả chăng cảm giác có kinh nghiệm của cảm giác: lỗ tai của dân nghe tiếng là biết máy bay gì, săn giặc hay thả bom hay tiếp tế; một văn nghệ sĩ trông thấy một người thì có cảm giác phong phú hơn là một người thường cùng trông thấy. Trực tiếp là đơn giản, thực ra chỉ đơn giản bề ngoài thôi. Trực tiếp là cụ thể, thực ra chỉ là cụ thể phiến diện và đê cấp thôi. Vả chăng ta bắt đầu nhận thức nào phải từ số không đâu ? Trước ta đã có khối kinh nghiệm và nhận thức nhiều đời để lại, và nhận thức kinh nghiệm của vô số người xung quanh. Vì thế mà nói rằng, trong thực tế, cái gọi là trực tiếp, xét cho cùng, vẫn là gián tiếp ít hay nhiều. Gián tiếp lại biến thành trực tiếp: với người chưa học gì cả thì định đề hình học Ơ-cờ-lít chẳng hạn là nhận thức gián tiếp. Nhưng với kẻ học khá rồi, các định đề ấy trở thành trực tiếp, nó là những chân lý trực tiếp nằm trong trí ta một cách rất tự nhiên, như một chân lý sẵn có khỏi phải suy nghĩ gì về đó nữa. Đối với người ở rừng sâu núi cao, còn phải giải thích cho họ nhiều rằng đế quốc là áp bức, bóc lột, chiến tranh v.v… Đối với người ở vùng tác chiến thì hễ nói tới đế quốc, họ đã hiểu ngay rằng đế quốc tàn bạo như thế nào. Biện chứng pháp gọi thứ trực tiếp ấy là trực tiếp cao cấp. Lênin nói: “Chân lý đi đến chân lý qua sự phủ định của cái trực tiếp; do bản chất ấy của phương pháp, khoa học hiễn hiện ra tựa như một vòng tròn trong đó đoạn sau trở về đoạn đầu bằng cái gián tiếp”. Những cái gì mà vô số con người đã suy nghĩ, thảo luận, nhận thức một cách gián tiếp, trở thành nhận thức trực tiếp cho người sau. Khi ta học lý luận, phương pháp một cách sâu sắc lâu dài (gián tiếp) thì đến một lúc nào đó, đứng trước một số vấn đề, ta có cảm giác như cách giải quyết tự nhiên (trực tiếp) đến nỗi ta nhận thấy ngay chỗ hay, chỗ dở, chỗ đúng, chỗ sai, nếu cần suy luận là cốt để chứng minh cách giải quyết sẵn có hay chỉnh lý nó khi cần. Cố nhiên không thể không suy nghĩ cặn kẽ cân nhắc lợi, hại khi giải quyết một vấn đề quan trọng nhưng mà, ví dụ như trong một vấn đề chính trị, người quen lặn lội trong trường chính trị, sẽ tìm thấy ngay cách giải đáp, cũng như trong toán học, người giỏi toán tìm thấy mau cách giải đáp. Khi nào nhờ kinh nghiệm nhiều, nhờ được sự huấn luyện kỹ, nhờ được cải tạo tư tưởng triệt để thì con người có một tiềm thức chín chắn, một cảm giác sâu sắc, nhanh chóng, chính đó là một đặc điểm của các vị lãnh đạo, của chiến sĩ tiền phong. 3. Hiện tượng và thực chất. Phương pháp siêu hình đem hiện tượng và thực chất đối chọi với nhau một cách tuyệt đối. Theo họ hiện tượng đã chẳng biểu lộ thực chất mà còn che đậy thực chất; bởi vậy cho nên nảy sinh ra bất khả tri luận; bất khả tri luận nói rằng chúng ta chỉ có thể biết được thế giới hiện tượng mà thôi, mà trong thế giới hiện tượng thì chỉ có cái gì ta quan sát được thì mới có thể biết được (học phái Cô-păn-ha -Copenhague), chớ ta không thể biết được bản chất, thực chất của sự vật, (Hum, Kăng) cũng không thể biết một bộ phận của thế giới hiện tượng nữa (học phái Cô-păn-ha). Lẽ tất nhiên rằng bất khả tri luận không chỉ có một cỗi rễ về phương pháp, nó cũng có căn nguyên chính trị và xã hội như lập trường giai cấp, trình độ khoa học. Cũng vì tách rời hiện tượng và thực chất cho nên “Linh tính luận”, “Trực giác luận” của Béc-sôn bảo là bằng quan sát, bằng thí nghiệm, khoa học chỉ biết bề ngoài của sự vật, còn bằng linh tính, bằng trực giác nhà triết học như Béc-sôn có sức đi thẳng vào sự vật, biết bản chất, thực chất của sự vật. Nói như Béc-sôn là đối lập khoa học với triết học, cũng là đối lập bản chất với hiện tượng. Sự thật thì giữa hiện tượng và bản chất không có gì mâu thuẫn tuyệt đối với nhau, không phải cái này ở ngoài cái kia. Vì nhu cầu của đời sống hằng ngày mà chúng ta phải biết sự vật. Chúng ta bắt đầu biết sự vật bằng ngũ quan của chúng ta, bằng những bề ngoài, bằng những cái tướng mạo của sự vật lúc nó hiển hiện trước mắt ta, trước giác quan ta: da nhám của thân cây lim, mùi thơm của hoa hồng, màu xanh của lá lúa v.v… Đó là nhận thức trực tiếp bằng cảm giác. Nhưng chúng ta biết, chúng ta tin rằng không phải chỉ có thể thôi; lý trí muốn đi sâu vào sự vật hơn nữa, đi xa hơn các hiện tượng, đi vào bản chất của sự vật. Ta tự hỏi vậy thì hiện tượng che đậy thực chất hay tiêu biểu, phát lộ cái thực chất ấy. a. Hiện tượng không che đậy thực chất, nó biểu hiện thực chất: Màu sắc, hương vị, hình thái… mà ngũ quan tiếp xúc luôn, ta thường gọi là hiện tượng. Hiện tượng của cây dừa là thân cao và to, quả hơi tròn mà lớn… hiện tượng của đế quốc chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa là : thất nghiệp, phá sản, chiến tranh, các công ty độc quyền, phá sản, chiến tranh, các công ty độc quyền, chính phủ sụp đổ luôn… Còn bản chất là gì? Tìm nó ở đâu? Không thể tìm nó ở dưới các lớp hiện tượng: lột vỏ quả dừa, thấy gáo dừa, gáo dừa là hiện tượng; đập vỡ gáo dừa, gặp nước dừa ngọt, cùi béo; nước và cùi cũng là hiện tượng nữa. Nếu thực chất ở ngoài hiện tượng, hiện tượng ở ngoài thực chất, nếu cái này không nằm trong cái kia thì cứ truy kích mãi, ta không có thể nắm được bản chất; chúng ta sẽ giống như người chạy theo bóng mình để chụp lấy bóng ấy hay là giống như người rượt mặt trăng cày ở chân trời. Vậy thực chất ở đâu ? Có thực chất không? Thực chất không có gì là bí mật, chính là toàn bộ sự thực, toàn bộ sự vật, toàn bộ các hiện tượng của một sự vật. Một hiện tượng, một số ít hiện tượng chưa phải đa là thực chất của sự vật; cao, to, nhám chưa phải là thực chất của cây dừa; ô-tô, nhà lầu, nghèo đói, chưa đủ là thực chất của đế quốc chủ nghĩa; nhưng mỗi hiện tượng đều là bộ phận, dù nhỏ nhen, dù nông cạn của thực chất. Có những hiện tượng nông cạn như màu xanh của quả dừa, như bọt nước trôi trên mặt sông, như tính lỏng của nước, như “tự do” làm báo của tư bản chủ nghĩa; có những hiện tượng sâu sắc hơn như chất dầu của cùi dừa, như sức chảy của dòng nước, như chất Oxy và chất Hydro của nước, như lợi nhuận, thặng giá, mâu thuẫn và quy luật của chế độ tư bản. Song tất cả đều là bộ phận của toàn thể, của thực chất thâm thúy. Nói một cách khác hơn, hiện tượng hay ngoại diện là phản ảnh của thực chất, của sự thực cụ thể, hiện tượng ấy có thể nông cạn và tạm thời, lẻ tẻ và có khi thì dường như mâu thuẫn, nhưng nếu xét kỹ, tất cả đều là phản ảnh hoặc gần thực, hoặc vẹo vọ đi ít nhiều của thực chất. Và người ta chỉ đạt đến thực chất của sự vật qua các hiện tượng của nó. Trong hành động thực tiễn, trong bất cứ khoa học nào chúng ta luôn luôn cần dùng đến cái lý luận biện chứng về hiện tượng và bản chất; và chính Hê-gen tạo ra lý luận này, một lý luận vô cùng quan trọng mà Mác, Angen, Lê-nin, Stalin, đã hoan nghênh và áp dụng theo đường lối duy vật. Mác nói: “Tôi dễ dàng nhận với anh rằng có nhiều chi tiết vô lý trong triết học về tự nhiên của Hê-gen; nhưng triết học tự nhiên thực sự của Hê-gen nằm trong phần thứ hai của quyển “Luận lý học”, trong học thuyết về thực chất, cái hạt nhân thực sự của tất cả các học thuyết.”1 Lê-nin nói: “Đặc biệt hơn nữa, biện chứng pháp nghiên cứu sự tương phản giữa vật tự tại, bản chất, nền móng, tinh tuý với hiện tượng, vật cho ta; cho nên ở đây, chúng ta tìm thấy sự chuyển hóa, sự nối tiếp từ cái này sang cái kia. Chất hiện ra tượng, tượng cũng là chất (l’essence apparait, la phénomène est essentielle); tư tưởng con người đi sâu vô cùng từ hiện tượng vào thực chất, rồi từ chất nông cạn đến thực chất bực trên, và cứ như thế mãi, không bao giờ cùng”2. Lê- nin nói tiếp : “Thế giới hiện tượng và thế giới thực chất, mỗi cái là toàn thể của sự tồn tại; cái này là sự tồn tại được phản ánh còn cái kia là sự tồn tại trực tiếp; nhưng cái này tự tiếp tục trong cái kia của nó; căn bản thì mỗi cái chứa đựng trong nó một giai đoạn (moment) của cái kia. Ơ đây điều cốt yếu là thếgiới hiện tượng và thế giới tự tại là những giai đoạn, những trình độ của sự nhận thức của con người về tự nhiên giới”. Và Lê-nin lấy một tỉ dụ: “Tỉ dụ : Sự vận động của con sông, bọt nước bên trên, giòng nước sâu sắc ở dưới. Nhưng cả cái bọt nước cũng là biểu hiện của thực chất”. Lê-nin thường gọi hiện tượng là thực chất nông cạn so với thực chất sâu sắc. Không có mâu thuẫn tuyệt đối giữa thực chất và hiện tượng là thế. b. Sự sai lầm của tư tưởng siêu hình : Có nhiều loại phương pháp siêu hình về vấn đề này : có loại siêu hình nói rằng không bao giờ ta nắm được thực chất ; thực chất là bẩt khả tri, chúng ta chỉ biết được cái thế giới hiện tượng mà thôi. Đó là lý thuyết của Hum, của Kăng trong quyển “Duy vật luận” chúng ta đã bài bác rồi. Chúng ta thấy rằng sở dĩ Hum, Kăng sai lầm là vì, đứng về mặt phương pháp tư tưởng, họ hiểu sai những mối tương quan giữa hiện tượng và bản chất, họ tách rời hiện tượng và bản chất, họ xem bản chất như cái gì thần bí ẩn núp mãi bên trong các hiện tượng. Thực ra đời không có cái gì là không thể biết được, chỉ có cái chưa biết được mà thôi; mà biên cương của cái chưa biết ấy rút lui dần đi mãi trước sự tấn công liên tiếp của khoa học. Có loại siêu hình của kinh nghiệm luận, của duy danh luận. Những nhà tư tưởng này muốn ngừng bước ở cảm giác, ở kinh nghiệm của cảm giác; đối với họ những điển hình, khái niệm, thực chất, đều là trừu tượng, huyền ảo, không có thực. Nếu quả như thế thì không còn có nhận thức sâu sắc, không còn có khoa học, mà tai hại hơn cả là nhận thức nông cạn, lẻ tẻ, sai lầm. Hiện tượng chỉ là một phần, một mặt của toàn bộ sự vật. Như thế, so với thực chất thì hiện tượng hãy còn là trừu tượng, nghèo nàn, phiến diện. Tuy thế, hiện tượng vẫn là hiện tượng của toàn bộ sự vật, hiện tượng vẫn ở trong sự vật, mà toàn bộ các hiện tượng chính là sự vật, toàn bộ các sự biểu hiện ra ngoài chính là thực chất của sự vật. Cho nên Hê-gen nói :”Chất biến ra tượng, tượng cũng là chất” là thế. Một câu của Mác soi sáng vấn đề này: “Những xu hướng tổng quát và tất yếu của tư bản phải được phân biệt với hiện tượng ngoại diện của chúng nó. Rõ ràng rằng chúng ta chỉ có thể phân tích sự cạnh tranh là khi nào ta đã hiểu bản chất nội tại của tư bản, đúng như trong thiên văn, ta phải có biết sự vận động thật -cái cảm giác không cho ta biết được sự vật động thật này- thì ta mới có thể hiểu sự vận động bên ngoài (ngó thấy được sự vận động của những tinh tú)”.1 c. Ứng dụng học thuyết Hê-gen, Mác về hiện tượng và thực chất : Bên trên chúng ta đã nói đến ích lợi căn bản của học thuyết này cho khoa học, cho nhận thức nói chung. Ở đây chỉ thêm mấy điều thực tế. Đừng vội kết luận về thực chất khi mới trông thấy vài hiện tượng lẻ loi nông cạn, không căn bản. Ví dụ như nếu thấy Bờ-lê-ven ra lệnh cho quân đội Pháp để tang thống chế Stalin mà bảo rằng quân đội Pháp hiện nay là dân chủ, thân Nga, thì sai to. Nếu thấy chính phủ bù nhìn hô hào chống tham ô, cải cách điền địa, mà vội nói rằng chánh quyền của chúng “khác gì chánh quyền nhân dân” thì lầm to. Những hiện tượng ấy, trái lại, biểu hiện thực chất phản động của những chánh quyền lung lay vì phong trào đấu tranh của quần chúng. Có đi sâu vào các hiện tượng căn bản như ai nắm chính quyền, chính quyền đó bênh vực ai, đàn áp ai… mới biết được thực chất. Và khi đã biết được thực chất thì càng hiểu các hiện tượng mặc dầu đôi khi hiện tượng có vẻ như mâu thuẫn với bản chất; bản chất của chánh quyền thực dân phong kiến là phản động, nhưng nó có thể tổ chức vài cuộc bầu cử rất hẹp, nó có thể nói nhăng nhít đến cải cách ruộng đất… đó là “mượn màu son phấn đánh lừa con đen” để tạm thời phỉnh được một số người nào đó; nhưng luôn luôn, sơm hay chầy, bản chất, thực chất cũng phát lộ ra ở hiện tượng không sao dấu diếm được, phát lộ ngay trong các cuộc “bầu cử” và “cải cách” ấy: chúng không dám để toàn dân đầu phiếu, cấm báo chí, sát hại nông dân, lấy tiền dân mua một phần đất xấu xa của đại địa chủ rồi bán lại cho những tầng lớp khá giả nào đó. Một tỉ dụ khác về sự áp dụng học thuyết của Hê-gen, Mác: Đảng ta lấy tên là Lao động, và đảng ta nói đảng là đảng của nông dân, công nhân, lao động trí óc; đảng ta tập trung sức lực vào phát động nông dân; đa số đảng viên là nông dân; đảng hô hào hợp tác với tư sản dân tộc vv… Đó là những hiện tượng. Hiện tượng ấy không mâu thuẫn gì với cả thực chất của đảng, nó chứng tỏ tính chất quần chúng của đảng. Song nếu ta ngó vào các hiện tượng sâu hơn như hoạt động chính trị, cải tạo tư tưởng, kỷ luật sắt, dân chủ tập trung, chủ nghĩa Mác-Lê của Đảng, lấy tự phê bình và phê bình làm quy luật phát triển, thì ta thấy rằng thực chất của Đảng ta là Đảng công nhân. Ngược lại, xét về những tiêu chuẩn vừa kể qua, dù đảng lao động Anh, đảng xã hội Pháp có đa số công nhân đi nữa, thực chất của nó là tiểu tư sản theo đuôi tư bản, cải lương, phản động nữa. Hiểu mối tương quan giữa hiện tượng và thực chất thì mới tránh được nhiều sai lầm về nhận xét, mới nghiên cứu sâu sắc về khoa học. Hê-gen, Mác cho ta đủ ánh sánh về phương pháp để đi tới. Chất hiện bằng tượng, tượng lộ ra chất; hiện tượng không che dấu mà biểu lộ, biểu hiện thực chất. 4. Hình thức và nội dung Trong thực tế, hình thức nào cũng bao hàm nội dung và nội dung nào cũng có hình thức phát lộ của nó. Tuy nhiên, không phải đâu đâu và lúc nào hình thức và nội dung cũng tương ứng với nhau, cho nên có vấn đề tương quan giữa hình thức và nội dung. a. Hình thức và hình thức chủ nghĩa Tư tưởng của con người có năng lực trừu tượng hóa, tách rời tạm thời, tách rời trong ý tưởng, một bộ phận hay toàn thể nội dung ra khỏi hình thức; tách rời như thế để nghiên cứu hình thức. Nghiên cứu hình thức là một việc cần ích, bởi vì có nắm được hình thức tinh vi đúng đắn thì mới biểu hiện được đầy đủ nội dung phong phú. Văn phạm, ngữ pháp là một sự nghiên cứu hình thức. Có văn phạm, ngữ pháp thì viết nói mới có mạch lạc đúng đắn, biểu diễn tư tưởng một cách chính xác. Khi ta tạm thời không kể đến ý nghĩa của các chữ, của cái câu, mà chỉ để ý đến tương quan giữa các chữ, các câu, giữa các loại chữ loại câu, ấy là ta nghiên cứu văn phạm, ngữ pháp, để viết và nói cho đúng, ta chú trọng đến cái đúng hơn là cái thực (nhưng trong thực tế thì không thể tách biệt cái đúng và thực được). Hình thức là cần lắm; nói “tôi đi chợ mua gạo” không thể nói “mua đi tôi chợ gạo”.Gần đây, ngược lại với những kẽ chú trọng hình thức và miệt thị nội dung thì học sinh trường phổ thông chỉ muốn biết nội dung mà khinh thường hình thức. Ví dụ học Việt văn người ta không còn học văn chương nữa mà chỉ đơn thuần học tư tưởng trong câu văn mà thôi; cho nên học trò, hầu hết học trò viết không xuôi, viết sai văn phạm, lột không được tư tưởng của mình, mà thực ra nếu nói viết không rành không đúng thì đó là tư tưởng cũng không đúng, không rành. Ấy thế, nhưng nếu ta chỉ chú trọng vào hình thức gạt bỏ nội dung thì đụng phải sai lầm thường gọi là hình thức chủ nghĩa : có nhà văn viết những câu rất đúng văn phạm (hình thức) mà ý nghĩa (nội dung) rất buồn cười như câu : “Chiến xa chính quyền ngược dòng trên núi lửa” của một nhà văn hào người Pháp. Hay có những diễn giả nói trôi chảy, thanh tao, hùng hồn hàng giờ nghe khoái lỗ tai mà rốt cuộc không ai hiểu họ muốn nói gì cả. Hình thức quá độ dắt đến hình thức chủ nghĩa. Trong thực tiễn, hình thức chủ nghĩa hiện ra ở rất nhiều nơi: như trong văn chương, nhà văn nghệ chỉ biết chơi chữ, viết kêu, “múa rối” với danh từ, còn nhạc sĩ thì khi sáng tác chỉ còn biết đến sự tương quan, phối hợp giữa các âm thanh, “nghệ thuật vị nghệ thuật”, mà không còn chú ý vào nhiệm vụ dùng âm thanh để mô tả tình cảm hiện thực của con người; nhạc như thế không được dân hiểu, không giáo dục được dân, xu hướng tai hại này cũng có lúc chớm nở ngay ở Liên xô hồi sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, bị ảnh hưởng xa hay gần của văn nghệ đế quốc: Jđanốp đã kịch liệt công kích thứ hình thức chủ nghĩa ấy trong âm nhạc. Trong thời tư bản suy tàn này, nhiều họa sĩ tưởng rằng “chỉ lúc nào bức họa bắt đầu không còn nội dung nữa thì khi ấy nghệ thuật mới bắt đầu có” Hay là như trong thông tin hồi 1948 – 1949, vì không biết nội dung chính sách, không biết tuyên truyền cho ai, tuyên truyền những gì, ai tuyên truyền, cho nên ta đâm vào hình thức chủ nghĩa, làm khẩu hiệu cho to cho đẹp, để có khẩu hiệu đẹp và to, học cái hùng hồn mà diễn văn thì trống rỗng. Càng nghèo nàn nội dung bao nhiêu thì càng bị rơi vào hình thức chủ nghĩa bấy nhiêu. Hình thức chủ nghĩa, nó tiêu biểu sự nghèo nàn về tư tưởng của một giai cấp đang xuống, của một hạng người xa rời nhân dân, không lối thoát về mặt chính trị. Trái lại, một nội dung phong phú và tiến bộ bao giờ cũng tìm được một hình thức tươi đẹp, hùng tráng. b. Nội dung là chính, nội dung quyết định hình thức: Biện chứng pháp là luận lý của nội dung, luận lý cụ thể; nó nối lại sự tương quan giữa nội dung và hình thức. Nội dung quyết định hình thức, hình thức làm sáng tỏ nội dung. Nội dung của một tác phẩm, dù sách, dù nhạc, dù tranh ở thời buổi nào cũng có thể phong phú nếu tác giả đứng về phe của nhân dân, của người cần lao mà sáng tác; dân không bao giờ ngừng sản xuất và chiến đấu thì nguồn cảm hứng không bao giờ cạn; sự nghiệp cách mạng càng vĩ đại thì nội dung của sách, nhạc, tranh mô tả và ca ngợi sự nghiệp ấy cũng dồi dào, và giá trị của tác phẩm cũng lớn lao. Nội dung bao giờ cũng là điều kiện quyết định. Còn hình thức chủ nghĩa nói chú trọng vào hình thức, kỳ thật là nói thủ tiêu hình thức. Trong cuộc Đại hội lần thứ 12 của Đảng cộng sản Pháp, đồng chí Tô-rê (Thorez) nói: “Những bậc nghệ sĩ vĩ đại, sở dĩ vĩ đại là vì nội dung tác phẩm của họ. Luôn luôn họ tìm được hình thức xứng đáng với nội dung”. Lấy một vài ví dụ để chứng minh là nội dung quyết định hình thức. Angen nói rằng tùy theo sự phát triển lớn lao của khoa học, triết học duy vật luận phải thay đổi hình thức: duy vật luận thô sơ của thời cổ Hy-lạp, duy vật cơ giới của thế kỷ 18 và duy vật biện chứng từ Mác. Hình thức cơ giới của duy vật luận thay cho hình thức thô sơ tự phát, rồi hình thức biện chứng thay cho hình thức cơ giới. Ở đây chúng ta chú ý đến một điều là hình thức không chỉ là cái vỏ bề ngoài như cái chum đựng nước mà thôi, nó là cả một phương cách biểu hiện nội dung làm sao cho chính xác nhất, có tác dụng cảm hóa nhất. Một ví dụ đơn giản hơn về nội dung quyết định hình thức. Tuyên truyền của ta khác tuyên truyền của địch về nội dung: một bên là tuyên truyền cho tư bản chủ nghĩa, nhồi sọ dân, một bên là tuyên truyền cho xã hội chủ nghĩa, giác ngộ dân. Cho nên hình thức tuyên truyền có khác: chúng thì bịp láo: còn ta thì nói đúng sự thực dầu sự thực là khuyết điểm và sai lầm của ta. Chúng thì khua chuông gõ mõ bên ngoài, ta đi sâu vào các từng lớp đông đảo của nhân dân. Mỗi một nội dung có hình thức của nó, thích ứng với nó. Nội dung là chính yếu mà hình thức là thứ yếu. Chúng ta chú trọng nhất vào nội dung; nội dung phát triển thì hình thức phải tùy theo đó mà đổi thay tư bản chuyên chính dùng hình thức đại nghị của chánh quyền khi nó còn hơi khoẻ, và dùng hình thức phát xít khi nó đến lúc nguy vong. Vô sản chuyên chính có hình thức Xô-viết của chánh quyền. Nhân dân dân chủ chuyên chính không thể không mang theo hình thức ủy ban của nó. Không thể nào lập vô sản chuyên chính hay nhân dân chuyên chính dưới hình thức đại nghị tư sản được, hay tư sản chuyên chính mà dưới hình thức ủy ban nhân dân được. Khi có mâu thuẫn, thì hình thức phải đổi theo nội dung; ví dụ như hai cuộc chính biến cách mạng ở Lỗ và Tiệp sau chiến tranh (1946 và 1948) là cốt để thủ tiêu những di tích tư sản đại nghị trong những xứ mà nội dung dân chủ nhân dân đã rõ rệt. Sự thay đổi về hình thức chính quyền đó là điều kiện rất quan trọng để cho nội dung dân chủ nhân dân phát triển. Lấy một tỉ dụ khác ở Việt Nam. Nội dung dân chủ nhân dân của tư pháp sau cách mạng tháng 8 không thể dung hòa được với hình thức thực dân tư bản mà một số nhà luật học cố bám lấy cho đến 1950. Từ đấy tòa án nhân dân xuất hiện, tư pháp mới tiến mạnh, phục vụ được kháng chiến. Lại tìm một tỉ dụ trong tự nhiên giới: sinh họat của các giống loài do sự đấu tranh giữa hai mâu thuẫn di truyền và biến hóa; đến một mực nào của sự biến hóa tiệm tiến và tích tụ lại, thì hình thức của vật sống kia phải đổi, một giống khác có đặc sắc riêng được sinh ra: cỏ cây, cầm thú, đâu đâu cũng thấy như vậy. Nội dung quyết định hình thức. Mà hình thức lại làm sáng tỏ nội dung, làm cho nội dung được phổ biến. Tỉ dụ như nội dung văn hóa là xã hội chủ nghĩa, mà hình thức của nó là dân tộc: nói, viết, vẽ bằng tiếng mẹ đẻ, bằng màu sắc âm thanh của mỗi dân tộc thích thấy, ưa nghe, dễ cảm hóa. Không phải chỉ có thế, có hình thức dân tộc mới biểu diễn nổi tâm hồn dân tộc; những hình thức lai căng “đầu gà đít vịt” không tiêu biểu được gì hơn là cái mất gốc; nhờ biểu diễn nội dung nhân văn xã hội trong hình thức dân tộc mà một dân tộc dù nhỏ mấy, trẻ mấy, cũng cống hiến được cho nhân loại những cái gì quý báu mà các dân tộc khác không có được. Gần đây, Bộ Tuyên truyền trong Chính phủ ta đã khôi phục những hình thức dân tộc của văn nghệ để biểu diễn công nghiệp kháng chiến kiến quốc vĩ đại hiện nay. Có như thế, lòng tự hào dân tộc mới được kích thích, nội dung dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa mới mau thấm sâu vào tâm trí của nhân dân. Tuy nhiên, nói hình thức dân tộc không phải là toàn bộ các hình thức cũ, y nguyên, trọn vẹn: nội dung mới không khỏi cải biến ít nhiều những điệu múa, giọng hát, câu văn cho nó thiết tha hùng tráng, chân thật, khả dĩ biểu hiện được nội dung mới. Trong tự nhiên giới, cũng thấy có sự thống nhất giữa nội dung và hình thức, cũng thấy nội dung quyết định hình thức. Mỗi thí dụ ấy ở thế giới sinh vật là một thí dụ về sự thống nhất giữa nội dung và hình thức, giữa hoạt động sinh lý và cấu tạo cơ thể của sinh vật. Hình dáng của các chi loài cá, loài chim, của các xương trong bộ xương người, từ xương sọ đến xương sườn, xương sống, xương răng; của lá cây, lá chính thức hay lá biến thành cánh hoa, nhị hoa, thành dây quấn; tất cả đều phù hợp với nhiệm vụ chuyên trách. Không thể nói cơ năng tạo ra cơ quan hay cơ quan tạo ra cơ năng. Cơ thể của sinh vật là một. Sinh lý và giải phẫu không tách rời nhau. Cả hai được xây dựng đồng thời trong quá trình phát triển của sinh vật, do sự ảnh hưởng qua lại giữa nó với nhau và với hoàn cảnh bên ngoài. Tuy nhiên, nếu kể mối tương quan ảnh hưởng giữa nội dung sinh hoạt (gồm cả khoảng trong, khoảng ngoài) và cấu tạo hình thể, thì nội dung sinh hoạt giữ vai trò quyết định. Xem như hai ngành động vật và thực vật, sở dĩ tổ chức cơ thể khác nhau là vì nội dung sinh hoạt khác nhau. Sinh hoạt, căn bản, là dinh dưỡng, nghĩa là trao đổi vật chất với khoảng ngoài. Vậy mà nội dung sự dinh dưỡng của thực vật, không giống nội dung sự dinh dưỡng của động vật. Thực vật là những sinh vật tự sinh, tự chế tạo lấy chất hữu cơ có thể đồng hòa được, bằng cách dùng những nguồn năng lượng bên ngoài để biến đổi những khoáng chất cùng tìm thấy ở khoảng ngoài. Đó là cái đặc tính của sinh vật nguyên thủy, tổ tiên chung cho cả thực, động vật, mà chỉ riêng thực vật còn giữ được. Trong quá trình phát triển, thực vật đã tạo nên một bộ máy kỳ siêu hút được năng lượng của tia sáng mặt trời, một nguồn năng lượng vô tận nhưng rất khó hấp thụ. Còn khoáng chất làm thực phẩm thì đâu đâu cũng có, trong không khí, dưới đất. Cho nên, cách tổ chức có thể là định cư một chỗ và kiêm toàn bộ máy hấp thụ. Thực tế, thực vật đã đi theo hướng này. Xét một cây kiểu mẫu, ta thấy nguyên lý tổ chức là phát triển hoàn hảo hai bộ máy hấp thụ: bộ rễ hút khoáng chất trong đất và bộ lá hút CO2 trong không khí. Điều này cắt nghĩa tại sao thực vật và động vật cùng chung một nguồn gốc mà khác nhau về hình thù một cách kỳ lạ. Trái với thực vật, động vật đã bỏ cách dinh dưỡng của tổ tiên, không tự chế tạo lấy chất hữu cơ những khoáng chất thường, mà sử dụng ngay những chất hữu cơ do thực vật làm ra. Động vật là sinh vật dị sinh, có giống ăn cây ăn cỏ, có giống ăn thịt, nhưng rút lại cũng là ăn cây cỏ. Chất hữu cơ lấy ở thực vật, đó là cách dinh dưỡng của động vật. Chất hữu cơ chứa một lượng thế năng (énergie potentielle) rất lớn trong một thể tích nhỏ cho nên tiện lợi về phương diện dùng làm thực phẩm. Bộ máy hấp thụ vì vậy có thể đơn giản được. Nhưng các nguồn chất hữu cơ không phải vô hạn và đâu đâu cũng có như chất vô cơ, nên động vật phải kiện toàn bộ máy chuyển động và tiếp liền theo bộ máy cảm xúc. Cái kích thích tính và cảm ứng tính rải rác trong tế bào thực vật và chỉ thể hiện trong những hướng động (tropismes) của lá, thân, rễ cây, thì ở đây nó phát triển thành cảm giác và trí khôn mà cơ quan là một thần kinh hệ càng ngày càng tập trung. Vì vậy trong tổ chức một động vật, bộ máy giao tiếp chiếm địa vị ưu thắng, trên cả bộ máy hấp thụ. Tóm lại, sự khác nhau về hình thức giữa động vật và thực vật là kết quả của hai đường lối sinh dưỡng khác nhau, hai nội dung sinh hoạt khác nhau. c. Vài điều cần được chú ý khi nghiên cứu và hoạt động : - Phải đi sâu vào nghiên cứu nội dung, không được dừng chân thỏa mãn với hình thức, hình thức không tiêu biểu hết nội dung. Tỉ dụ ở dưới thời đại nô lệ, chánh quyền có lúc là đế chế, có lúc là dân chủ, có lúc là cộng hòa dân chủ; nhưng xét vào nội dung thì đều là chuyên chính của bọn chủ nô. Cũng như ngày nay: Phát xít của Hitle, quân chủ của Sước-sin, chế độ đại nghị ở Pháp, chế độ Tổng thống ở Mỹ, đều là tư bản chuyên chính. Tất nhiên mỗi hình thức đều có lý do chính trị và lịch sử của nó, những điều kiện đặc biệt ấy ta cần biết rõ, mà điều cần biết rõ nhất là nội dung; có nhận định rõ nội dung thì mới biết rõ bản chất. - Không nên để hình thức lừa gạt. Tỉ dụ bọn “đệ tứ” ở Sài gòn độ nọ, ầm ĩ lên rằng chúng nó chủ trương làm cách mạng vô sản, muốn lập vô sản chuyên chính; rằng chúng nó mới là cách mạng, còn“đệ tam” thì không cách mạng, cải lương. Thực ra chúng nó là tay sai đắc lực của thực dân để phá hoại cách mạng. Nếu không nhận rõ rằng hình thức “tả phái” cách mạng ấy chứa đựng một nội dung hữu, chẳng những hữu mà phản cách mạng nữa, thì sẽ là một điều sai lầm rất tai hại. Trong hoạt động hàng ngày, nội dung tư tưởng hữu thường ẩn núp trong hình thức ngôn ngữ “tả”, phải dè chừng luôn. Cũng quốc hội, cũng chính phủ, cũng bộ đội “quốc gia”, cũng hô hào cải cách “ruộng đất”, các hình thức đó của bù nhìn không dấu nổi nội dung nô lệ, thuộc địa của chính quyền đó. Chính vì hình thức có thể làm cho con người lầm lạc về nội dung cho nên bọn đế quốc, nhất là từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, có xu hướng biến cải về mặt hình thức chính sách thực dân cũ để đối phó với cách mạng dân tộc giải phóng. - Nội dung thường biến chuyển sớm hơn hình thức, cần phải sửa đổi hình thức cho nó tương ứng với nội dung và nếu muốn sửa chữa sâu sắc thì bắt đầu bằng sửa chữa nội dung. Tỉ dụ: vấn đề chính trong việc cải tạo một người, không phải là phê bình cách sống của người ấy, vấn đề chính là cải tạo tư tưởng cho hắn; tư tưởng hắn đổi thì tác phong sinh hoạt sẽ đổi đi làm cho tư tưởng càng dễ được cải tạo triệt để, bằng chỉ sửa hình thức bên ngoài thì như sơn lớp sơn mới; chẳng bao lâu sẽ tróc đi thôi, rồi thì ngựa quen đường cũ. Hay tỉ dụ như: Người ta đóng giầy theo chân, không bóp chân theo giầy, thì hình thức phải tuỳ theo nội dung mà sửa chữa: có sửa chữa bằng cách đập đổ, phá vỡ như cách mạng Nga phá vỡ đập đổ hình thức tư bản của tài sản, thay thế nó bằng hình thức xã hội của tài sản, hay là như Việt Nam làm cách mạng tháng 8, song cũng có sửa chữa bằng cách biến đổi, không cần bạo động, như thay thế hình thức cá nhân của tài sản nông thôn bằng hình thức công cộng nông trường ở Liên xô, như cải cách ruộng đất hiện nay ở Việt Nam. Ở đó cũng như ở đây, đến mức nào đó của sự phát triển của nội dung, sự thay đổi hình thức là điều kiện cần thiết cho nội dung phảt triển tự do. - Vấn đề “bình cũ rượu mới”. Nói đến bình cũ rượu mới là nói đến sự dùng hình thức biểu diễn cũ để trình bày nội dung tư tưởng mới. Ví dụ: dùng ca dao, chèo, tuồng, để truyền bá tư tưởng dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa. Rất cần; rất được; vì hình thức cũ quen thuộc với dân, được dân yêu chuộng, dễ thưởng thức, nội dung mới dễ thấm nhuần. Những hình thức vong bản khó được nhân dân thụ nhận, dễ bị chế diễu. Tuy thế, nội dung đã mới thì sớm hay chầy hình thức cũng phải biến chuyển đi thôi mới lột được hết ý nghĩa của nội dung. Những sự nghiệp vĩ đại như cách mạng tháng 8, 7 năm kháng Pháp không thể nào được diễn tả đầy đủ trong bất cứ số ca dao câu hò nào, mà đòi hỏi nhiều loại hùng ca vĩ đại; cần có những tập nhạc trường thiên mà riêng âm thanh đơn giản cổ không tài nào ghi nổi. Bộ đội đại thắng ở Hòa Bình, Sầm Nứa, đường số 4, Điện Biên Phủ vẫn có thể múa xòe với dân, nhưng múa ấy nào có tương xứng với chiến đấu oanh liệt đâu. Nhiệm vụ của nhà nghệ sĩ ở đây là xuất phát từ nét hình thức cũ của văn nghệ dân tộc, từ nội dung mới sáng chế hình thức mới, không vong bản mà vĩ đại. Rượu mới vẫn đòi bình mới. 5. Khả năng và hiện thực Trong hiện tại không phải có toàn bộ của tương lại, hiện tại chỉ chứa đựng những điều kiện nào đó, những mầm mống nào đó của tương lai. Để cho tương lai thành hình thì phải thêm vào sự phát triển ấy nhiều điều kiện khách quan hay chủ quan khác; ví bằng thiếu những điều kiện mới thì cái khả năng không biến thành hiện thực được. Một hạt lúa tốt có khả năng biến thành cây mạ, buội lúa và hàng ki-lô hạt lúa mới. Song phải có gieo nó xuống đất ướt, cắm cây mạ xuống bùn, giữ cây lúa con gái khỏi bị trâu ăn,v.v… Ví bằng hạt lúa rơi xuống gạch, gà ăn chuột gậm thì khả năng kia tiêu tan đi. Mỗi nguyên tử, và riêng một số loại nguyên tử, có khả năng thả ra nhiều năng lượng, nhưng cần phải có sức người để tổ chức sự thả năng lượng ấy ra, nhất là để dùng năng lượng ấy vào mục đích hòa bình. Khoa học hiện đại về nguyên tử có khả năng đem lại hạnh phúc vật chất cho mỗi người, nhưng muốn biến khả năng ấy thành ra hiện thực, còn phải đánh lui bọn hiếu chiến, tổ chức chế độ dân chủ mới. Hay là như các thầy thường nói, mỗi người học sinh đều có khả năng trở thành chiến sĩ thi đua: sống trong chế độ mới, phương pháp học tiến bộ, bè bạn phê bình giúp đỡ, thầy tận tụy, bài vở lành mạnh. Chính phủ và Đảng chăm sóc, v.v… Nhưng phải cố gắng bản thân, phải tự phê bình, phải tranh thủ thời gian v.v… thì người học sinh mới thành chiến sĩ. Nếu học sinh cứ ỷ lại, nếu thiếu cố gắng bản thân thì khả năng không phải tự nhiên mà biến thành hiện thực được. Có Liên xô, có Trung quốc, đế quốc thực dân suy sụp, ta lại có Đảng, Mặt trận, Quân đội, Chính quyền nhân dân, ấy là ta có khả năng thành công trong kháng chiến, trong sự xây dựng dân chủ nhân dân. Nhưng, bấy nhiêu đó chưa đủ để cho khả năng biến thành hiện thực. Còn phải làm, thợ biết kỹ thuật, dân cầy biết tăng năng xuất theo kế hoạch, người làm mậu dịch biết mua bán, đội viên có kỷ luật và tinh thần giết giặc, cán bộ giỏi tổ chức, các cấp lãnh đạo phải sáng suốt gương mẫu v.v… Phải biết làm, thì nhiên hậu kháng chiến mới thành công, dân chủ nhân dân mới được xây dựng thắng lợi. Học thuyết của Stalin về khả năng và hiện thực là cả một quy luật của thành công. Trong một bài diễn văn lịch sử về “nhiệm vụ của những người chỉ đạo kỹ nghệ” đồng chí Stalin phát hiện và phát triển quy luật hành động ấy. Theo đồng chí Stalin khả năng của Liên Xô là: - Xứ giàu có vô cùng - Có chánh quyền Xô-viết; - Được công nông ủng hộ; - Chế độ Xô viết khỏe mạnh; không bị khủng hoảng; - Có Đảng. Muốn biến khả năng ấy thành hiện thực, phải “biết làm” phải biết chỉ đạo sản xuất, phải nắm vững kỹ thuật, quyết tâm, đầy đủ tinh thần trách nhiệm, thực hiện chương trình vượt mức. Xã hội chủ nghĩa không tự nhiên đến, thôn quê không tự nhiên theo thành thị; cần phải đấu tranh, xây dựng kỹ nghệ, xây dựng nông trường… nếu “để mặc nó” thì khả năng sẽ tan rã đi. Học thuyết của Stalin về khả năng và hiện thực là một quy tắc mà người tiến bộ, người cách mạng hàng ngày phải tuân theo. 6. Nguyên nhân và kết quả Không có hiện tượng nào mà không có nguyên nhân. Không có nguyên nhân thì làm gì có kết quả. Nguyên nhân luận, trước đây và sau này, vẫn là một nguyên lý của khoa học. Song, quan niệm và nguyên nhân và kết quả thường bị hiểu một cách cơ giới siêu hình: “Kết quả nào cũng có một nguyên nhân”, “nhân nào sinh quả ấy”, nói như thế là đúng, nhưng có thể làm cho người ta hiểu lầm rằng nhân và quả tách rời nhau và do đó sự liên hệ giữa nhân và quả trở thành mờ ám; mờ ám vì, nếu nói như thế, người ta có thể tưởng lầm rằng cái nhân có năng lực huyền bí nào để sinh ra cái quả; bọn duy tâm còn có cơ hội để tiêm vào nguyên luận một ý nghĩa thần bí. Chính vì lẽ ấy mà nhiều nhà khoa học và triết học công kích quan niệm “nguyên nhân” cho đến đỗi phủ nhận quan niệm về nguyên nhân. Trong các lối công kích, có lối công kích siêu hình, cơ giới của các nhà triết học kinh nghiệm luận (Hum). Những nhà triết học kinh nghiệm luận bảo rằng không cần nói đến nguyên nhân nữa, chỉ nói việc này xẩy ra trước việc kia, việc kia xẩy ra sau việc này, mà cứ thường thấy như thế. Công-tơ (A.Comte) đi tới mực phủ nhận rằng ta có thể biết vì sao việc này lại xảy ra trước việc kia, chỉ cần nhận thấy thế thôi, chứ không thể biết gì hơn, cũng không cần biết gì hơn, không cần tìm hiểu. Thực ra, giữa hai hiện tượng A và B có mối liên hệ thực, nội tại của chúng nó với nhau, và cả mối liên hệ với người nghiên cứu liên hệ giữa chúng nó, liên hệ ấy không những ta cần nhận thấy mà cần hiểu nữa. Nguyên nhân là gì? Cả vũ trụ đều tương quan trong các bộ phận của nó: nói rộng ra thì nguyên nhân của một hiện tượng là tất cả các điều kiện của nó, tất cả sự tương quan giữa nó với điều kiện trong và ngoài. Song, nếu nói triền miên như thế thì còn có gì là nguyên nhân nữa chăng ? Vẫn có, bởi vì có những điều kiện gần và điều kiện xa, có những điều kiện đóng vai chính và những điều kiện đóng vai phụ. Có khâu phụ và khâu chính (theo danh từ của Stalin) trong một chuỗi quá trình. Trong những tương quan phức tạp, có cái căn bản, có cái không căn bản. Những cái gần gũi, căn bản, khâu chính ấy ta gọi là nguyên nhân, nó là những điều kiện quyết định hiện tượng mà ta nghiên cứu. Vậy quan niệm về nguyên nhân phải được đặt ra trong quan niệm thực tế về tương quan giữa vạn vật. Tỉ dụ: trong những nguyên nhân của kháng chiến thành công, có những điều kiện xa và cạn như chính sách quanh co của chính phủ Pa-ri, như bất tài của một số tướng tá Pháp, như mâu thuẫn giữa bọn Việt-gian, v.v… mà nhất là có những điều kiện rất căn bản như đoàn kết toàn dân, lãnh đạo sáng suốt của Đảng, anh dũng của quân dân, sức ủng hộ của các nước bạn và nhân dân thế giới. Hơn nữa, kết quả trở thành nguyên nhân, nguyên nhân của kết quả khác mà nó quyết định phần lớn. Nguyên nhân trở nên kết quả vì nó phải chịu phản ứng ngược lại của cái kết quả mà nó đã quyết định. Tất cả đều nằm trong sự vận động chung, sự tương quan lớn với tất cả tác động và phản ứng qua lại giữa các hiện tượng. Tỉ dụ: cải cách ruộng đất làm cho công thương phát triển; công thương phát triển làm cho nông thôn có nhiều nông cụ, phân bón, hàng hóa; nông thôn được giàu thêm thì công thương nghiệp có một thị trường vô tận. Nói tóm lại: - Nếu không có nguyên nhân và nguyên nhân luận thì không còn khoa học nữa. Quan niệm nguyên nhân không có gì là thần bí. Không tìm nguyên nhân của sấm sét thì bảo là “thiên lôi đánh”. Không tìm nguyên nhân của sự nghèo đói của bần nông, thì bảo đó là “số mạng tại trời”; thiên lôi, số mạng đều là láo cả. Khoa học tự nhiên và xã hội đã phá cái láo ấy, tìm nguyên nhân để hiểu hiện tượng. Nguyên nhân không phải chỉ đơn thuần là một sự nối tiếp nhau giữa các hiện tượng trong thời gian, mà nó là một mối liên hệ khách quan thực sự giữa các hiện tượng ấy: (thuyết lượng tử đã giải thích được nhiều mối liên hệ ấy giữa các sự vật, các hiện tượng tự nhiên ). - Phải đặt quan niệm nhân quả trong sự tương quan lớn rộng giữa vạn vật, trong đó quả thành nhân, nhân thành quả, chứ không phải là một chiều. - Tất cả các mối liên hệ không phải quan trọng như nhau, tính quyết định của mỗi việc hoặc có nhiều hay ít, hoặc có xa hay gần; ta chớ tự ý sắp xếp một cách chủ quan hay đặt tất cả ngang hàng, phải chú trọng nhất đến những cái gì quyết định. Tựa như, nếu ta muốn biết vì sao con sông phá bờ, bờ bên này bồi bờ bên kia, thì ta có thể gạt việc nghiên cứu bọt nước ra để chú trọng vào nghiên cứu chiều nước, sức nước. Hay, nếu ta muốn hiểu một cuộc cách mạng thì trước hết ta cần, nghiên cứu nguyên nhân kinh tế, giai cấp tương quan lực lượng các chính đảng; đó là chính; chứ tâm lý tính hư tính tốt của lãnh tụ đảng này, đảng viên đảng nọ, trời nắng trời mưa… là những điều phụ thuộc. - Và ở đây như trong vấn đề “tất yếu” vẫn chú ý tới những ngẫu nhiên, đinh ninh rằng ngẫu nhiên nào vẫn có nguyên nhân xa hay gần của nó. 7. Đồng nhất và mâu thuẫn. Chúng ta lại thường nghe các nhà học giả siêu hình, đề cao nguyên lý đồng nhất A = A . Nguyên lý đồng nhất hiểu theo lối siêu hình thì không thừa nhận sự mâu thuẫn, sự sai biệt, sự biến đổi. Song đồng thời có người tự xưng là hiểu biện chứng pháp lại không thừa nhận có sự đồng nhất, họ chỉ thấy mâu thuẫn mà thôi. Cả hai đều sai lạc. A = A, cây là cây. Nếu chỉ như thế thì không còn có ý nghĩa gì cả, không có lợi ích gì cả, nói để mà nói. Thông thường ít ra thì ta cũng nói: cây xanh xanh, quả non non, tức A = B. Hơn nữa, muôn vật, muôn việc đều đổi thay thay đổi, thì A=A’=A’’=A’’’ ; tôi trẻ, tôi lớn, tôi già, tôi chết. Vả chăng mỗi việc đều có hai; sớm tối, âm dương, đây đó, hít vào thở ra, sống chết. Mâu thuẫn là một sự thực tế, đâu cũng có, trong tự nhiên, cũng như trong xã hội. Vậy mâu thuẫn, sai biệt, là căn bản, là phổ biến. Song không phải vì thế mà bảo rằng không có đồng nhất. Đồng nhất là thế nào, quan niệm sự đồng nhất ra sao mới đúng: a. A = A; ở đầu bài tôi nói chữ đế quốc với ý nghĩa nào thì ở cuối bài tôi phải giữ ý nghĩa ấy. Bằng không, tư tưởng của ta sẽ không nhất trí, không ai hiểu được bài của tôi nữa. b. Đồng nhất cũng là thống nhất. Chính những mâu thuẫn trong một vật, hay một hiện tượng, cấu thành vật ấy, hiện tượng ấy. Trước khi nó mất đi thì các mâu thuẫn kia là thống nhất, là một, mặc dầu trái nhau: đồng thời có tế bào chết đi và tế bào sinh ra; song trong cái sống và cái chết ấy, cái đồng nhất chính là tôi, là cái xác mang những tế bào. Mâu thuẫn đến tột độ thì phá hủy cái đồng nhất đi. Song một sự đồng nhất mới lại nẩy sinh trên cơ sở mới với những mâu thuẫn mới: ví dụ như con trâu chết thành vô số sâu bọ, mỗi sâu bọ đều có mâu thuẫn nội tại; hay ví dụ như chế độ xã hội này thế chế độ xã hội kia, mỗi xã hội đều có mâu thuẫn của nó. c. Trước khi một chất này biến thành chất khác thì nó là nó, mặc dầu có sự biến về lượng, vì nước vẫn còn là nước cho đến 1000 thì nó mới đổi thành hơi; tôi vẫn là tôi, tôi không phải là con sâu được. Không có đồng nhất nào không mâu thuẫn. Trong đồng nhất phải tìm ra mâu thuẫn, tức là tìm ra sự vận động, sự phát triển. Theo lời của Lê-nin thì, đồng nhất là bước đầu, là cái đơn giản, cái trực tiếp, phải qua sự nhận thức gián tiếp, tìm rõ sự sai biệt, mâu thuẫn, tương phản, mới biết được thực chất (của vật), giải quyết mâu thuẫn để lập sự đồng nhất trên tầng cao hơn. Sự đồng nhất phải được đặt trong sự vận động thì mới là thực tế, không đình đốn, mà cụ thể; sự mâu thuẫn phải được giải quyết, thống nhất, thì mâu thuẫn mới là yếu tố đẩy tới trước, mới không phải chỉ có phá hoại. Lê-nin nói: “Bám vào cái đồng nhất bất động ấy mà chống với sự sai biệt, là biến đổi sự đồng nhất thành một thuộc tính phiến diện sai sự thật”. 8. Quy nạp và suy diễn. Ở đây chúng tôi không cốt trình bày toàn bộ phương pháp quy nạp và phương pháp suy diễn, chúng tôi chỉ muốn chúng minh rằng quy nạp và suy diễn không phải là hai phạm trù tương phản tuyệt đối. Quy nạp là một cách suy luận, một cách nghiên cứu trong đó đi từ việc riêng rẽ đến một kết luận chung, đến nguyên lý, đến quy luật. Theo triết học cổ điển thì : đối chọi với quy nạp, có suy diễn; suy diễn là đi từ cái tổng quát, cái nguyên lý trở về với cái cá biệt, với sự việc riêng rẽ. a. Quy nạp: đúng rằng quy nạp đi từ riêng đến chung. Ví dụ: ” Mercure, Venus, địa cầu … quay theo những quỹ đạo hình bầu dục; mà, Mercure, Vénus, địa cầu đều là những hành tinh; vậy tất cả những hành tinh đều theo quỷ đạo hình bầu dục”. Thế là bằng cách quy nạp, ta tìm lại được một quy luật thiên văn học, quy luật Kê-bờ-le (Képler). Triết học cũ phân biệt hai thứ quy nạp, thứ nghiêm khắc và thứ mở rộng; và nói rằng hễ nghiêm khắc thì vô bổ, hễ bổ ích thì không chắc. Triết học học cũ thì đòi hỏi rằng, nếu muốn có kết luận được hoàn toàn chính xác, thì sự quy nạp phải nghiêm khắc nghĩa là người quy nạp phải biết trước tất cả các sự việc riêng rẽ, tất cả các trường hợp cá biệt, rồi sau đó mới có quyền đi đến kết luận chung, và cái kết luận chung ấy mới thật là chính xác. Theo họ nếu chỉ cần biết rõ một số việc riêng rẽ, một số trường hợp cá biệt, rồi cứ có thể kết luận chung, rút ra nguyên lý, đề nghị quy luật, thì, họ cho rằng cách quy nạp này không đem lại lòng tin chắc và kết luận. Thế là triết học cũ, chẳng những đối chọi quy nạp với suy diễn, lại đối chọi quy nạp khắt khe (gọi là quy nạp A-ri-tốt) với quy nạp mở rộng (gọi là quy nạp Bê-cơn), và còn đối chọi sự nghiêm khắc với sự bổ ích (đã nghiêm khắc, chính xác thì vô bổ, đã bổ ích thì không nghiêm khắc, không chính xác). Sự đối chọi ấy, xét kỹ là sai lầm, là vô căn cứ, trái khoa học. Đòi hỏi rằng phải biết tất cả các trường hợp, cá biệt mới quy nạp được nghiêm khắc và chính xác, thì đòi nhiều quá, nhiều đến nỗi không thể theo được, xa và nếu thế sẽ không còn có quy nạp, sẽ không có một quy luật nào cả. Có đời nào mà người ta biết được tất các trường hợp ? Bằng cớ là có người ta tìm thấy thêm mãi những tinh tú; số nguyên tố của bảng Măng-đê-lép (Mendelew) cứ dài ra thêm. Vả chăng nếu bắt buộc phải biết tất cả các trường hợp cá biệt rồi sau mới quy nạp, thì quy nạp ấy sẽ gần như không ích lợi gì nữa cả. Sự thực là, trong vũ trụ, các hiện tượng xảy đều đều tự nhiên giới không đánh lừa chúng ta đâu; mặt trời không tùy tiện nay mọc bên đông mai mọc bên tây. Cho nên, hễ biết được một số trường hợp nào đó, trong những điều kiện nào đó, thì đã có thể quy nạp, tìm ra nguyên lý, quy luật, đặt kết luận chung rồi. Ví dụ; ta chưa biết tất cả các loại kim khí song thấy kim khí nào mà ta đã biết đều dẫn nhiệt mau nên ta kết luận rằng các kim khí đều dẫn nhiệt mau. Kết luận ấy rất đúng, mà cách quy nạp này không thể gọi là không nghiêm khắc và không chính xác được. Hay ví dụ như: ở Việt Nam có 5000 xã; trong một hay hai trăm xã, chúng ta thấy rằng những người phong kiến chống lại cách mạng, ta đã có thể quy nạp được rằng phong kiến phản cách mạng, và ta kết luận rằng phong kiến là đối tượng của cách mạng, không cần gì phải biết hết toàn bộ các người phong kiến, toàn bộ các xã. Phương pháp quy nạp rất quan trọng và rất thông dụng. Nhà bác học dùng nó, người thường dân dùng nó mà chưa hề biết đến cái chữ “quy nạp”. Đâu đâu, bất kỳ ở ngành hoạt động nào, chúng ta đều dùng phương pháp quy nạp để tìm ra nguyên lý, quy tắc, quy luật để hướng sự hành động của mình. Chúng ta tin rằng có thể từ một số việc, đi đến kết luận chính xác, nhưng chúng ta đinh ninh rằng đó vẫn là chân lý tương đối, cần phải được chỉnh lý, bồi bổ luôn luôn. Điều nên chú ý nhất là chớ hấp tấp từ vài việc lẻ tẻ mà vội kết luận chung, tất cả các kết luận cần được sự chứng minh về sau của thực tế. Trong bọn đầu sỏ của đế quốc ngày nay, có bọn cố sức đả phá giá trị của phương pháp quy nạp, cũng như nhiều kẻ cố sức phá nguyên lý quyết định luận khoa học. Như nhà triết học Ruýt-xen (Russell), cái “tuyệt đỉnh triết học ” của Anh, Mỹ, nói rằng tính chất đều đều, thường xuyên của các hiện tượng không nghĩa lý gì cả; hắn lấy tỉ dụ: bầy gà được bà chủ cho ăn mỗi sáng gà tưởng đó là quy luật; nào dè đâu một buổi sáng, bà chủ thịt chúng nó. Rồi Ruýt-xen bảo rằng ta tin vào quy luật tự nhiên và xã hội có khác nào bầy gà kia tin vào lòng tốt của bà chủ cho chúng ăn mỗi buổi sáng ! Rõ ràng là Ruýt-xen ngụy biện để cho người không tin vào khoa học, để cho bọn tư bản hy vọng rằng tuy các chế độ xã hội cũ đã đổ, chế độ tư bản ở Mỹ, Anh không bao giờ đổ được. Nhưng ở đây thì bọn Ruýt-xen và đế quốc Anh, Mỹ đã quy nạp theo kiểu quy nạp của bầy gà. Chúng đứng vững 300 năm nay, rồi chúng tưởng được vững đời đời, đến ngày ông chủ nhân vô sản thịt nó, nó sẽ hay rằng nó “quy nạp” láo. b. Suy diễn: nếu quy nạp là đi từ riêng lên chung, thì suy diễn là đi từ chung về riêng, là đi từ cái tổng quát, quy luật, nguyên lý, rút ra một kết quả riêng biệt nào đó. Ví dụ: các hành tinh thì quay theo quỹ đạo hình bầu dục, quả đất là hành tinh, thì quả đất quay theo quỹ đạo hình bầu dục. Hay là: các kim khí dẫn nhiệt mau, thủy ngân là kim khí, thì thủy ngân dẫn nhiệt mau. Thực tế hàng ngày chỉ rằng sự suy diễn không phải đơn giản như thế, không phải có ba câu trơ trọi như thế, không phải tam đoạn luận là hình thức duy nhất của sự suy diễn. Nhiều người công kích phương pháp suy diễn. Họ nói rằng sự suy diễn muốn chính xác, thì cái kết quả phải hoàn toàn nằm sẵn trong nguyên lý tổng quát rồi. Trái lại, nếu muốn cho suy diễn có bổ ích, có cái gì mới trong phần suy ra, thì phải vượt qua các yêu cầu nghiêm khắc, vượt qua tam đoạn luận, nhưng khi vượt qua như thế thì kết quả, theo họ, sẽ không chắc là chính xác nữa. Đem đối chọi sự nghiêm khắc, chính xác, với sự bổ ích (có điều mới) là sai lầm; sai lầm ở đây cũng tựa như ở trong quy nạp. Vì sao? Ngay trong tam đoạn luận cổ điển, sự suy diễn tuy nghiêm khắc nhưng không phải hoàn toàn vô bổ, không phải là không đem cái gì mới. Tỉ dụ “kim khí dẫn nhiệt mau, thủy ngân là kim khí, thủy ngân dẫn nhiệt mau”, cái mới, cái bổ ích ở chỗ mặc dầu thủy ngân là chất lỏng, ta để nó vào loại kim khí; loại nào vào loại ấy, bất kỳ hình thức của nó. Hơn nữa, sự suy diễn theo lối tam đoạn luận có ý nghĩa là ta tiên kiến, ta dự đoán:”các chế độ xã hội đều đổ, đều bị một chế độ mới thay nó. Chế độ Anh, Mỹ dù thế nào vẫn là một chế độ xã hội; nó sẽ đổ, sẽ bị một chế độ mới thay nó”. Đó là một dự đoán đúng, có ích, cần thiết. Vả chăng, ta có thể suy diễn theo tam đoạn luận mà bằng một lối khác:” nếu các kim khí đều dẫn nhiệt mau, nếu chất X này không dẫn nhiệt mau, thì chất X ấy không phải là kim khí”. Thế thì vẫn nghiêm khắc, chính xác, có ích vì tìm được cái mới. Dù chi đi nữa, tam đoạn luận vẫn là một khí cụ để phát hiện; nó có giá trị như quy nạp, nó thô sơ, có giới hạn, đó là lẽ tự nhiên, nhưng không thể qua nó mà đả phá phương pháp suy diễn được. Nội dung của tam đoạn luận là sự phân loại các sự vật (sự phân loại ấy rất cần) và tam đoạn luận, cũng như tất cả các lời suy diễn, nối liền cái tổng quát với cái cụ thể. Lênin nói: “Tất cả đều là tam đoạn luận: cái phổ biến nối liền với cái cá thể bằng cái đặc biệt (Tout est syllogisme; le général se relie au singulier par le particulier) nhưng lẽ tất nhiên không phải mỗi việc gì cũng chỉ gồm có ba câu”. Cần chú ý nhất đến những điều sau đây: không phải rằng mỗi cách suy diễn chỉ đều có ba câu, ba đoạn; sự sai hay đúng trong suy diễn, phần lớn là do chỗ sắp loại, là do đoạn giữa, đoạn nối liền cái tổng quát với cái cá biệt; nếu không đủ sáng suốt thì suy diễn hấp tấp vô trách nhiệm, sẽ đưa đến kết quả sai lầm. Mọi kết quả của suy diễn đều cần được thực tế chứng minh và bổ khuyết. Chúng ta đưa ra vài kiểu mẫu của sự suy diễn để noi theo. Lênin nói: trong thời đế quốc chủ nghĩa, tư bản phát triển càng bất đồng hơn trước, cho nên cách mạng có thể thành công trong một nước. Đó là một suy diễn. Rút một kết luận từ một quy luật, cũng đã suy diễn. Khi ta nói: vấn đề dân tộc, căn bản là vấn đề nông dân; cách mạng của chúng ta là cách mạng dân tộc; cho nên phải phát động nông dân thì mới giải phóng dân tộc được. Sự suy diễn muốn được chính xác thì một mặt nguyên lý phải chính xác, một mặt nữa thì kết luận phải hoàn toàn ăn khớp với nguyên lý, chứng minh nguyên lý. Nếu ngược lại là suy diễn sai, là ngụy biện. 9. Phân tích và tổng hợp. a. Phân tích: Cả vũ trụ là một toàn thể thống nhất, và mỗi vật cũng là một toàn thể thống nhất, trong đó các bộ phận đều liên can mật thiết với nhau. Ta muốn biết sự vật mà ta chỉ quan sát một cách tiêu cực thì, nhiều lắm là ta chỉ biết một số hiện tượng bề ngoài mà thôi, những hiện tượng ấy không tiêu biểu được bản chất của sự vật. Bởi vậy cho nên, bằng thực tế, hay bằng lý trí, ta đi sâu vào sự vật, ta phá sự vật ấy ra để biết từng bộ phận của nó; phá bằng thực tế như mổ xẻ một thể xác, đập một quả dừa; phá bằng lý trí như nghiên cứu tâm lý của một người, cấu tạo của một xã hội, điều kiện của một cách mạng v.v… Phân tích là thế, là tạm thời phá vỡ cái tính chất toàn bộ, thống nhất của sự vật, của hiện tượng, để đi sâu vào các bộ phận cấu thành sự vật ấy, hiện tượng ấy. Phân tích là đi từ phức tạp đến đơn giản, từ toàn bộ đến bộ phận, đến nguyên tố. Sự phân tích khoa học tiếp nối hành động hằng bữa của con người; ta ăn quả dừa, ta xem vì lẽ gì mà mùa này hoa quả hư hỏng; mỗi chúng ta đều có phân tích trước khi biết chữ phân tích. Angen nói :“đập một quả là phân tích nó”. Ngay trong cuộc vận động của tự nhiên giới, đã có quá trình phân tích: con trâu chết, thân thể nó tan ra, đó chẳng phải là phân tích một cách tự nhiên sao? Cần chú ý đến những điểm sau đây về sự phân tích. Không sợ rằng sự phân tích “giết chết” sự vật. Bởi vì sau sự phân tích ta cần tổng hợp, ta trả lại cái sống, cái toàn bộ của sự vật. Khi phân tích, ta chỉ làm cái việc mà tự nhiên giới vẫn làm. Nói rằng khi phân tích, ta đi từ phức tạp đến đơn giản, từ toàn bộ đến nguyên tố; điều ấy chỉ đúng có một bộ phận mà thôi; vì, chính những nguyên tố (ví dụ như nguyên tố của nước, xét ra vẫn là phức tạp, cho nên, một sự phân tích nào đó không bao giờ được xem như cùng tột rồi). Lênin đã nói rằng mỗi vi phân tử của tự nhiên cũng là vô cùng như cả tự nhiên. Cái mà ta thường thấy, thường biết, chưa chắc đã là cái đơn giản dễ hiểu. Ngược lại, nhờ phân tích mà ta tìm ra trong cái đơn giản bề ngoài, những hiện tượng phức tạp đã cấu thành nó, những giai đoạn, những điều kiện của sự vật, những mâu thuẫn của nó. Mỗi bộ phận, mỗi điều kiện, mỗi giai đoạn được phân tích ra, ta không được bóp méo, bẻ vẹo đi; mà ngược lại phải thực tế, cụ thể mới không đánh lạc sự hiểu biết của ta. Cho nên, mỗi môn khoa học có cách phân tích nó. Mỗi sự vật có đặc sắc của nó, biện chứng pháp không hề cung cấp cho ta một thứ thuốc vạn ứng để cho ta ít tốn hơi hao sức mà tìm mọi sự kết luận một cách dễ dàng; trái lại, biện chứng pháp đòi hỏi sự phân tích cụ thể mỗi sự vật, mỗi hiện tượng. Phân tích không phải là tách rời hẳn mỗi bộ phận, nếu tách rời từng bộ phận thì sẽ không hiểu được thực tế. Cho nên, suốt quá trình phân tích, ta phải liên kết các bộ phận của một sự vật, ta phải phân tích với tinh thần tổng hợp, nghĩa là phải luôn luôn trông chừng cái toàn bộ để tìm ra các bộ phận, tựa như ngó thấy cây mà phải đồng thời ngó thấy rừng. Người ta gọi là “phân tích giật lùi”, cái loại phân tích mà Ơ-cờ-lít (Euclide) và Đề-cát thường dùng xem vấn đề như đã được giải đáp rồi, rồi phá cái giải đáp đi để tìm lại coi bằng cách nào ta đi đến giải đáp. Kiểu mẫu của sự phân tích trong khoa học xã hội là cách của Mác phân tích tư bản chủ nghĩa tìm ra tế bào của xã hội tư bản, tìm các quy luật phát triển, các mâu thuẫn của tư bản chủ nghĩa và cả quy luật tiêu diệt tất yếu của chế độ ấy. Hay là phân tích của Lê-nin về năm tính chất của đế quốc chủ nghĩa. Hay nữa, của Stalin về điều kiện bên trong và bên ngoài cách mạng tháng mười. Trong những sự phân tích đó, toàn bộ được phơi bầy bằng từng bộ phận cụ thể các bộ phận liên hệ mật thiết với nhau, và rốt cùng sự phân tích đã đem lại cho mỗi độc giả một quan niệm càng cụ thể hơn, sâu sắc về toàn bộ cái hiện tượng đã được phân tích. Tinh thần tổng hợp trong các sự phân tích ấy rất rõ ràng. b. Tổng hợp: Tổng hợp là, bằng thực tế hay là bằng lý trí, ta đi ngược lại con đường mà ta đã đi trong khi ta làm phân tích. Tổng hợp là từ những bộ phận của sự vật, lập lại tính chất toàn bộ, thống nhất của sự vật ấy. Nó là một cách thử xem sự phân tích có chính xác hay không. Với sự tổng hợp, ta có thể tuyên bố rằng: trong đại thể ta biết được thực chất của sự vật. Theo Đề-cát, tổng hợp là đi từ những vật đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, để từ từ, từ chặng một, đi tới hiểu biết những vật phức tạp nhất. Người ta thường nói rằng tổng hợp là một cách trình bày kết quả của phân tích. Nói như thế chỉ đúng có một phần mà thôi. Bởi vì, tổng hợp vừa là trình bày gọn kết quả của phân tích, vừa là tinh thần của sự phân tích. Tổng hợp là tư tưởng chỉ đạo cho sự phân tích để cho khi phân tích, tuy các bộ phận được xem xét riêng ra mà vẫn liền nhau để giữ cái toàn thể trong lúc chia phân, giữ cái vận động trong khi tạm ngừng, giữ cái sống trong cái chết. Cho nên, rốt cùng lại không thể xem phân tích và tổng hợp là hai đường đi ngược nhau và kế tục nhau trong thời gian, phân tích và tổng hợp đi liền với nhau, bổ khuyết cho nhau. Vì bản chất của tự nhiên là tổng hợp cho nên phân tích mới có ý nghĩa, mới cần thiết và tổng hợp chỉ có ý nghĩa và cần thiết là bởi vì tự nhiên xu hướng đến sự tự phân tích trong quá trình vận động của nó. Không có phân tích thuần túy hay tổng hợp thuần túy. Tách ra và hợp lại là hai mặt thống nhất của tự nhiên giới, mà phân tích và tổng hợp trong khoa học chẳng qua là phản ảnh trong nhận thức mà thôi, nó tiêu biểu cái uy quyền của trí tuệ về sự nhận thức thực chất của vũ trụ. Sự phân tích hiện nay có khác với phân tích cổ điển ở tinh thần cụ thể, tinh thần tổng hợp của sự phân tích của chúng ta. Ta trông thấy từng cây mà cũng trông thấy cả rừng và thấy rừng gồm những cây hiệp lại. Lênin trích lục đoạn sau đây của Hê-gen về sự liên hệ mật thiết giữa phân tích và tổng hợp: “Phương pháp triết học đồng thời là phân tích và tổng hợp không phải vì nó để khít lại nhau hai cái phương pháp của sự nhận thức hữu hạn, hay là chỉ xen lẫn hai phương pháp ấy với nhau; mà trước hết là vì phương pháp triết học bao gồm và vượt qua hai phương pháp ấy, vì phương pháp triết học được ứng dụng vừa theo lối phân tích vừa theo lối tổng hợp trong mỗi khi nghiên cứu”. Kết luận Phạm trù biện chứng rất rộng, bao gồm tất cả các lĩnh vực tự nhiên, xã hội và tư tưởng. Trên đây là một số phạm trù căn bản. Chúng ta đã chứng minh lời nói của Angen rằng với những phạm trù cố định, siêu hình học không đứng vững được. Những thái cực trái nhau lại quàng nhau, cái này nằm trong cái kia, cái này biến vào cái kia. Đó là thực chất của sự vật; đó là phương pháp nghiên cứu của chúng ta, của khoa học, khi khoa học cần phải đi sâu vào cụ thể. Mà đó cũng là quy luật của tư tưởng và hành động khi chúng ta muốn đạt được kết quả tốt. Những phạm trù biện chứng dắt ta đi thẳng đến quy luật tổng quát của vũ trụ, quy luật biện chứng mà chúng ta trình bầy trong chương sau. --- o0o ---
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC