Chủ nghĩa Marx

Phạm trù là gì và để làm gì?

BIỆN CHỨNG PHÁP

 

CHƯƠNG THỨ HAI

NHỮNG PHẠM TRÙ CỦA BIỆN CHỨNG PHÁP

1 2 3 4

 

TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)

 


Trần Văn Giàu. Biện chứng pháp. Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 1955. 


 

Hai trào lưu triết học: siêu hình học với những phạm trù cố định của nó - biện chứng pháp (Aritốt và nhất là Hê-gen) với những phạm trù linh động, và sự chứng minh rằng những cái tương phản cố định là không thể đứng vững được; sự phân tích chỉ cho ta thấy rằng thái cực này nằm trong thái cực kia; đến lúc nào đó, thái cực này biến vào thái  cực kia. Cả luận lý chỉ phát triển từ những cái tương phản ấy và trong sự vận động tiến lên của các tương phản ấy” (ANGEN)

 

 

  • Chân lý và sai lầm, tương đối và tuyệt đối.
  • Ngẫu nhiên và tất yếu, tất yếu và tự do.
  • Cụ thể và trừu tượng
  • Tổng quát và cá biệt.
  • Trực tiếp và gián tiếp.
  • Hiện tượng và bản chất.
  • Hình thức và nội dung.
  • Khả năng và hiện thực.
  • Nguyên nhân và kết quả.
  • Đồng nhất và mâu thuẫn.
  • Quy nạp và suy diễn.
  • Phân tích và tổng hợp.

 

 

MỤC ĐÍCH VÀ TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG II

Mục đích: Nhận định ý nghĩa vận động và tương quan giữa những phạm trù mà bên ngoài thì hình như là cố định mâu thuẫn với nhau một cách tuyệt đối, kỳ thực là rất linh động và tương quan sâu sắc với nhau trong sụ vận động tiến lên giữa các mâu thuẫn. Những phạm trù này vừa là phương pháp của nhận thức và là những quy luật của sự nghiên cứu và của sự hành động.

Trọng tâm: Ngẫu nhiên, tất yếu, tự do; hiện tượng, bản chất. Điều cần được chú ý đến nhất là chứng minh rằng những thái cực không tuyệt đối mâu thuẫn nhau, mà “thái cực này nằm trong thái cực kia”, “cái này biến thành cái kia”.

 

I. PHẠM TRÙ LÀ GÌ VÀ ĐỂ LÀM GÌ?

 

Phạm trù, (tiếng Pháp: catégorie từ nguồn gốc Hy-lạp) có nghĩa là chứng minh, biểu thị, chỉ giải. 

Nói giản đơn, phạm trù là khái niệm mà môn khoa học nào cũng có, cũng phải quy định ra để dùng khái niệm đó, để quan sát sự vật mình nghiên cứu.

Như phạm trù của khoa học là: số lượng, nội dung…

Phạm trù của kinh tế học: thặng dư giá trị, hàng hóa…

Không có khái niệm đó thì không thể nào nghiên cứu các môn học đó được.

Nhưng, những khoa học chuyên môn chỉ nghiên cứu một phạm vi nhất định nào của thế giới hiện thực và do đó chỉ chế định những khái niệm thích dụng cho những phạm vi ấy.

Ví dụ: như thiên văn học nghiên cứu sự vận động của trời đất, cấu tạo và phát triển của vũ trụ, đã chế định những khái niệm về “hành tinh”, “ngân hà”…

Vật lý học nghiên cứu đặc tính chung và sự cấu tạo của vật chất, đã sáng lập ra khái niệm về nguyên tử, phân tử, về điện.

Nhưng không có một khoa học chuyên môn nào nghiên cứu các khái niệm về “vật chất”, “phát triển”, “chân lý”… Không nghiên cứu những khái niệm ấy, nhưng mỗi môn khoa học đều phải áp dụng những khái niệm rất chung ấy.

Những khái niệm chung, do triết học nghiên cứu và chế định ra là phạm trù của triết học. Phạm trù ta học đây là phạm trù trong triết học, phạm trù trong chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Về triết học, phạm trù là khái niệm luận lý (logique) cơ bản phản ảnh sự quan hệ luận hệ rất tổng quát và rất căn bản của các loại sự vật và các loại hiện tượng của ngoại giới.

Học biện chứng pháp mà không nói đến phạm trù của duy vật biện chứng pháp , thì sẽ là một điều thiếu sót lớn; nên chỉ cần nói về phạm trù của duy vật biện chứng. Và trong khi nghiên cứu từng phạm trù một, sẽ kết hợp đem lý luận duy tâm về phạm trù ấy mà phê phán.

Quá trình con người nhận thức tự nhiên và lịch sử không phải là một quá trình hiện thực phản ảnh vào đầu óc con người một cách giản đơn, máy móc. Quá trình nhận thức là quá trình phức tạp hình thành phạm trù, khái niệm, quy luật.

Phạm trù của duy vật biện chứng đối với nhận thức có tác dụng rất lớn. Lê-nin viết: “Trước mắt con người là cả một cái lưới của hiện tượng tự nhiên. Người còn theo bản năng, tức là người dã man chưa tách biệt mình ra với tự nhiên. Người tự giác tức là người đã tách biệt. Phạm trù là giai đoạn nhỏ, là những cái gút giúp cho ta nhận thức và nắm chắc lưới hiện tượng tự nhiên”.

Quy luật và nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lấy phạm trù làm căn cứ.

Phạm trù của duy vật biện chứng giúp chúng ta vạch rõ được tính chất thống nhất của khoa học, vạch rõ tính chất thống nhất của phương hướng và quy luật phát triển của nhận thức của chúng ta.

Nó làm cho ta thấy rõ sự liên hệ giữa các lĩnh vực hiểu biết, nó cho ta một nguyên tắc chung về phương pháp trong bất cứ quá trình nhận thức nào.

Nó làm cho chủ nghĩa duy vật biện chứng xâm nhập vào các khoa học, chỉ đạo phương hướng phát triển chung cho khoa học. 

Nó lại giúp cho người nghiên cứu từng môn khoa học, phân tích vấn đề cụ thể của ngành mình.

Giữa phạm trù và quy luật của duy vật biện chứng, về thực chất và về nguyên tắc thì không có gì khác nhau, không có gì trái nhau.

1. Chân lý và sai lầm, Chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối

Tư tưởng siêu hình đem đối chọi một cách tuyệt đối những phạm trù tương đối và tuyệt đối, chân lý và sai lầm. Theo họ, đã là tuyệt đối thì không phải tương đối, đã là tương đối thì không phải tuyệt đối, đã đúng thì không sai, đã sai thì không đúng. Chính vì không có một khái niệm chính xác về chân lý mà họ lầm lạc trong mọi sự nhận xét quan trọng. Lầm lạc của họ quy vào bốn điểm lớn:

a. Hoặc họ không biết chân lý là gì ?

b. Hoặc họ không thừa nhận có chân lý khách quan;

c. Hoặc họ nói rằng chân lý đã tìm ra – nhất là chân lý mà cá nhân họ đã tìm ra – đã là chân lý tuyệt đối rồi;

d. Hoặc họ thừa nhận rằngchỉ có chân lý tương đối mà thôi.

Chung quy các sai lầm đó là sai lầm về liên quan giữa tương đối và tuyệt đối.

2. Chân lý là sự phù hợp giữa tư tưởng với khách thể

Chân lý là gì ? Chủ nghĩa duy tâm bảo rằng chân lý là sự phù hợp giữa tư tưởng với tư tưởng; người duy tâm thường ngày hay nói “cái ấy là phải vì tôi cho nó là phải”. Trong 9 phần 10 trường hợp, người ta nhận định đúng sai bằng cách lấy quyền lợi riêng, sở thích hay thành kiến của mình làm tiêu chuẩn. Nếu như thế, chân lý sẽ có tính cách chủ quan, và hễ có một vạn người thì có một vạn chân lý khác nhau hay sao ?

Thật ra, chân lý là sự phù hợp giữa tư tưởng và khách thể. Nhận thức của ta có đúng với sụ thật bên ngoài ta thì đó mới là nhận thức đúng đắn, chính xác; và không có cái gì hơn là thực tiễn xã hội để làm tiêu chuẩn.

Khi ta nói quả cam tròn, quả đất tròn, mà đồng thời ta đi vòng quả đất, con kiến bò vòng quả cam, thì rõ ràng “quả đất tròn, quả cam tròn” là một chân lý. Và khi vạn ức con người gọt ăn quả cam, đi du lịch hay bán buôn ngang dọc khắp năm châu, họ nhận thấy trong thực tế rằng cam tròn, đất tròn, thì không còn ai có thể có quyền nói rằng không có chân lý khách quan được. Cũng như thế, năm 1947, đồng chí Trường Chinh viết “ta càng đánh càng mạnh, địch càng đánh càng suy”. Nay, mọi người đều trông thấy rằng đó là một chân lý, không phải vì nó phù hợp với ý muốn của ta, mà trước hết vì nó phù hợp với thực tế : 1947 Pháp tấn ta lùi; từ năm 1950 ta tấn Pháp lùi; và sở dĩ ý muốn của dân ta, dự đoán của lãnh tụ ta là đúng chân lý bởi vì nó căn cứ vào quy luật khách quan của lịch sử. Nhận thức là thu được chân lý, mà chân lý là khách quan, là sự phù hợp giữa tư tưởng và khách thể, trong đó khách thể là chính yếu.

3. Chân lý là một quá trình

Từ thấp đến cao, từ cạn đến sâu, từ cục bộ đến toàn diện. Cho nên các nhà triết học giáo điều chủ nghĩa sai lầm ở chỗ họ tưởng rằng họ đã đạt chân lý tuyệt đối rồi, hay thánh hiền đã tìm được chân lý tuyệt đối rồi, cứ thế mà theo, không cần, không nên bổ sung, sửa chữa gì nữa. Trái lại có người khác thấy rằng đời sau sửa chữa những chân lý mà đời trước hoàn toàn thừa nhận, rồi họ nghi ngờ sự tồn tại của chân lý khách quan, hoặc họ hoài nghi không tin tưởng gì cả hoặc họ nghĩ rằng con người chỉ đạt chân lý tương đối mà thôi. Rồi họ đâm ra hoài nghi giá trị của khoa học.

Tất cả những sai lầm trên đều xuất phát từ chỗ không hiểu liên quan giữa tương đối và tuyệt đối.

4. Liên quan giữa tương đối và tuyệt đối:

Họ đặt chân lý tương đối ở ngoài chân lý tuyệt đối và chân lý tuyệt đối ở ngoài chân lý tương đối. Biện chứng pháp giải quyết vấn đề như sau đây :

Chân lý của mỗi người, mỗi thời đại lượm được là chân lý tương đối. Bất cứ ai cũng không thể tự đắc rằng đã biết hết; bằng cớ là dầu ai tài giỏi xuất chúng, sau mình ắt có người giỏi hơn, hoặc có người tìm được những điều mà mình chưa nghĩ đến. Sớm hay muộn, mau hay chậm, người ta cứ đẩy sự nhận thức đi tới xa hơn mình. Bất cứ thời đại nào đều bị thời đại sau qua mặt, thời đại trước góp vốn nhận thức cho thời đại sau phát triển lên. Nhiều quy luật tự nhiên được chỉnh lý, bồi bổ: như quy luật Ma-ri-ốt được quy luật Rơ-nô bồi bổ; quy luật Kê-pơ-le và sau nó, quy luật Niu-tơn về thiên văn đều được bồi bổ mãi để làm tính về những sự vận động phức tạp; vũ trụ học của Anh-sơ-ten không bãi bỏ vũ trụ học của Niu-tơn mà tiến lên cao hơn nó, bao gồm nó; vũ trụ học Xô-viết hiện giờ lại tiến hơn vũ trụ học Anh-sơ-ten, phủ định nhiều đề cương trước, nhưng không hoàn toàn xóa bỏ Anh-sơ-ten, La-pơ-lát, Niu-tơn. Hay là: trên lĩnh vực xã hội, trong mỗi cuộc đấu tranh, như bãi công của thợ ở các nước tư bản, có rút kinh nghiệm, sau hơn trước mà hàng trăm năm nay vẫn còn rút kinh nghiệm để tiến bộ luôn. Học thuật du kích, ta đánh mỗi ngày một giỏi, song luôn luôn cứ phải tổng kết kinh nghiệm để mà đánh giỏi hơn; chưa lúc nào được nói rằng “đủ rồi”, “giỏi lắm rồi”, “đã đạt chân lý tuyệt đối”, “không cần phải học thêm nữa”.

Sự nhận thức là cả một quá trình; trong quá trình ấy vẫn có điều sai lẽ đúng; biện chứng pháp tin chắc rằng trong phạm vi nào đó và trong điều kiện nào đó thì sai và đúng tách biệt nhau rõ ràng; nhưng đồng thời chúng ta lại nói rằng: một lời nói đúng, một ý kiến đúng ở trong điều kiện này, có thể trở thành sai trong điều kiện khác; ví dụ như hồi thời Lê-Lợi “nước Việt Nam cần có một ông vua” đó là đúng; song thời dân chủ ngày nay, ai bảo “nước Việt Nam cần có một ông vua” thì thực là phi lý; không thể máy móc mà bảo “Tử viết” luôn mồm được.

Ngay trong cái đúng, có phần chưa thực đúng; không bao giờ ta khoanh tay tự mãn cả. Con người qua nhiều sai lầm để đi đến chân lý, qua vô số chân lý tương đối mà hướng về chân lý tuyệt đối khách quan.

Chân lý đạt được ở mỗi lúc có từng trình độ thấp cao hẹp rộng.

Khoa học tiến không ngừng. Cho nên ta nói rằng nhận thức của ta đạt được là tương đối. Song, đừng để rơi vào “tương đối chủ nghĩa” ; tương đối chủ nghĩa không thừa nhận có chân lý khách quan tuyệt đối. Thực ra, những chân lý tương đối mà ta nói trên kia đều có giá trị như chân lý khách quan; biện chứng pháp thừa nhận có chân lý khách quan, tuyệt đối. Nhưng chân lý khách quan tuyệt đối ấy chính là tổng số các chân lý tương đối đã thu lượm được trong quá trình nhận thức luôn tiến bộ của con người. Angen nói rằng: tư tưởng của mỗi người là có giới hạn; tư tưởng của cả loài người là vô giới hạn, tư tưởng của một thời đại không đủ bá quyền, nhưng tư tưởng suốt lịch sử vô cùng thì có bá quyền.

Mỗi chân lý tương đối mà khoa học phát kiến ra là một “hạt chân lý” (theo lời của Lê-nin) ; tất cả các hạt này trong quá khứ hiện tại và tương lai ấy là chân lý tuyệt đối. Cho nên, hoặc ta có thể biểu hiện cái tương quan giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối bằng đường tiệm cận, hoặc bằng đường sinusoide;  đường tiệm cận chỉ rằng ta càng đi đến gần chân lý khách quan tuyệt đối nhưng không bao giờ đạt đến mực cuối cùng, cũng như khoa học không bao giờ hết tiến. Con đường sinusoide lại cho ta thấy những “hạt chân lý” nơi mà làn sóng cắt đứt đường hoành, mỗi hạt chân lý là một bộ phận của chân lý tuyệt đối, ta nắm bộ phận của chân lý tuyệt đối bằng chân lý tương đối.

Chân lý tương đối có giới hạn, có trình độ của nó.

Chân lý tuyệt đối không phải là ảo vọng. Trong mỗi chân lý khoa học, vừa có tính chất tương đối, vừa có tính chất tuyệt đối, hai phương diện không tách rời nhau của một sự cố gắng chung của cả loài người có sức làm bá chủ của vũ trụ, có quyền tuyệt đối đối với chân lý một khi ta trông vào tính chất xã hội của khoa học, một khi ta trông vào lịch sử phát triển vô cùng của nhân loại.

Biện chứng pháp phủ định cả giáo điều chủ nghĩa và tương đối chủ nghĩa. Nó nhận có chân lý khách quan (trái với tương đối chủ nghĩa). Nó không cho phép khoa học tự mãn, dừng chân sung sướng với kết quả đã lượm được rồi (trái với giáo điều chủ nghĩa). Nóđặt lòng tin tưởng vào khoa học (trái với hoài nghi chủ nghĩa).

5. Biện chứng pháp vẫn phân biệt chân lý và sai lầm

Để ngừa sự hiểu lầm, chúng ta cần nói thêm rằng không phải biện chứng pháp xóa bỏ biên cương giữa đúng và sai, giữa chân lý và sai lầm đâu. Trong những điều kiện nào đó thì ranh giới giữa chân lý và phí lý rất là rõ rệt, biện chứng pháp không hề tự ý phủ nhận một sự thực khách quan, biện chứng pháp không hề lẫn lộn cái sai với đúng. Ví dụ, nói: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” là đúng, hoàn toàn đúng, mặc dầu phải có điều kiện nỗ lực chủ quan, còn ngược lại, nói: “Ta đánh với Tây như trứng chọi với đá, trứng vỡ đá còn” là hoàn toàn sai, mặc dầu rằng trong lúc đầu địch mạnh hơn ta, ta còn yếu hơn địch. Giữa đúng và sai, giữa chân lý và phi lý ở đây vẫn có ranh giới rõ rệt.

Lẫn lộn chân lý và phi lý cũng tai hại như không rõ liên quan giữ chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Trần Minh Ngọc - 12:01 24/12/2023
Tài liệu đọc rất bổ ích
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt