BIỆN CHỨNG PHÁP
CHƯƠNG THỨ HAI NHỮNG PHẠM TRÙ CỦA BIỆN CHỨNG PHÁP
TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)
Trần Văn Giàu. Biện chứng pháp. Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 1955.
III. CỤ THỂ VÀ TRỪU TƯỢNG
Thường ngày thì một trong những yêu cầu chính đáng của phương pháp khoa học là nghiên cứu sự vật, nhận xét hiện tượng, trình bày tư tưởng một cách cụ thể. Và thường thường, hễ nghiên cứu, nhận xét hay trình bày một cách trừu tượng, thì hoặc là mù mờ, hoặc là sai lầm. Đúng như thế. Song, trong 9/10 trường hợp, chúng ta hiểu không rõ, chúng ta hiểu sai thế nào là cụ thể, thế nào là trừu tượng, quan hệ giữa cụ thể và trừu tượng ra làm sao. Thực ra, cụ thể và trừu tượng không tuyệt đối mâu thuẫn với nhau và năng lực trừu tượng hóa là điều kiện thiết yếu để có nhận thức khoa học một cách cụ thể. Còn về mặt triết lý thì phương pháp siêu hình tách rời cụ thể với trừu tượng, xem hai điều ấy như là mâu thuẫn tuyệt đối với nhau, cái này ngoài cái kia. Pờ-la-tông (Platon) nghĩ rằng khái niệm (trừu tượng) có trước sự vật (cụ thể). Như thế cái cụ thể ở bên ngoài cái trừu tượng, có thể có trừu tượng mà không có cụ thể. A-rit-tốt bảo: ”Khoa học chỉ bao gồm cái gì tổng quát” (il n’y a de science que du général ); câu này căn bản thì không sai, nhưng chữ “chỉ” thì bó hẹp; nếu như thế thì cái cá biệt, cái cụ thể bị loại ra khỏi vòng khoa học. Khoa học mà không học cái cụ thể, cá biệt thì làm sao biết được cái tổng quát ? Kinh nghiệm luận không muốn đi xa hơn cảm giác (cụ thể) nó phủ nhận sự tồn tại khách quan của cái tổng quát, của khái niệm. Phủ nhận khái niệm thì còn gì là khoa học nữa ? Trái lại, duy lý luận lệch về trừu tượng, lý tính mà không tin vào cảm giác cụ thể; như thế cũng là đặt cái trừu tượng bên ngoài cái cụ thể, nhận thức sẽ không còn có căn bản, không lấy gì làm tiêu chuẩn nữa. Vấn đề tương quan giữa cụ thể và trừu tượng là một điểm quan trọng của nhận thức luận, chớ không phải chỉ là một sự tranh chấp về danh từ. 1. Cụ thể đê cấp và cụ thể cao cấp Khi tôi nói: anh Thành, 20 tuổi, học sinh dự bị Đại học; chị Dung, 19 tuổi, người làng Huy Toán; thì anh Thành, chị Dung là những người cụ thể; tôi nói một cách cụ thể, cụ thể ở đây nghĩa là có hình dạng nhất định, sờ đụng, trông thấy. Nhưng ngay trong hai câu trên đó, “học sinh” và “người làng” so với Thành, Dung đã là trừu tượng rồi. Khi tôi nói “học sinh”, “người làng” thì tôi muốn chỉ không những có anh Thành, chị Dung mà tất cả những anh chị nào cắp sách đi học, tất cả nam phụ lão ấu ở trong làng; như thế học sinh, người làng là trừu tượng. Song nó vẫn cụ thể, nghĩa là với những từ ngữ ấy, tôi chỉ tất cả, những ai đi dự lớp D.B.Đ.H tất cả những ai trong làng, chớ nào tôi nói rằng họ là ma là quỷ đâu ? Học sinh, người làng, vẫn là những sự thực hiển nhiên; cái loại cụ thể này là cụ thể cao cấp (theo danh từ của Đề-các) còn cái loại cụ thể kia là cụ thể đê cấp. Cũng như thế, khi tôi đi chợ mua tập giấy này ngòi bút nọ, quả cam kia, tôi có những vật cụ thể. Song khi tôi nói: tất cả những cái ấy đều là hàng hóa, thì hàng hóa là trừu tượng, nó bao gồm tất cả những món gì đem bán ngoài chợ. Mặc dầu thế “hàng hóa” vẫn là cụ thể, bởi vì ta làm ra hàng hóa, bán nó, dùng nó, nó không phải là sự tưởng tượng. Cần chú ý đến hai điều này: Thứ nhất, cụ thể cao cấp là cụ thể hơn cụ thể đê cấp. Thứ nhì, phải có năng lực trừu tượng hóa thì mới đi đến cụ thể cao cấp được. Thế nào gọi rằng cụ thể cao cấp là cụ thể hơn cụ thể đê cấp ? Trả lời như sau : biết sự vật một cách cụ thể, nghĩa là biết toàn bộ của nó, biết hình thức, nội dung, tính chất, những mâu thuẫn của nó, sự phát triển của nó. Sau khi Mác đã phân tích các món hàng hóa cụ thể, tìm được đặc tính của hàng hóa nói chung, biết được sự sản xuất hàng hóa dắt đi đến đâu thì chúng ta đã biết được toàn bộ các món hàng hóa, “hàng hóa” biểu hiện trước tâm trí ta với tất cả các tính chất của nó mà trước kia ta chưa biết được khi ta chỉ trông thấy một tập giấy, một ngòi bút, một quả cam nào. Tuy là trừu tượng nhưng lại cụ thể hơn là như vậy. Hay là: ta phát động nông dân đấu tranh ở làng A, rồi ở làng B, rồi suốt huyện Nông Cống rồi khắp tỉnh Thanh Hóa. Do vô số các cuộc phát động phát động cụ thể đó, ta có một quan niệm chung “phát động nông dân”, không phải cuộc A, B, C nào, nghĩa là : không cụ thể; một cuộc phát động ở làng nào; “phát động nông dân” là một khái niệm, là trừu tượng, song cái trừu tượng ấy lại rất là cụ thể, bởi vì nó bao gồm tất cả các ý nghĩa, tính chất, kinh nghiệm, kết quả căn bản của bất cứ một cuộc phát động nào. Cụ thể cao cấp cụ thể hơn cụ thể đê cấp là thế. 2. Nhờ có khả năng trừu tượng hóa mới đi đến cụ thể cao cấp được: Trừu tượng hóa là gì? Trừu tượng hóa có lợi ích gì? Vì lẽ gì mà con người có những khái niệm trừu tượng? Trừu tượng hóa có hai mặt, hai cách : Thứ nhất : ví dụ như trước mắt tôi có một chiếc xe đạp. Tôi nhờ trí não tách rời cái bánh xe ra khỏi toàn bộ cái xe. Rồi trong toàn bộ cái bánh xe, tôi chỉ giữ lấy trong trí tôi cái hình vòng tròn (một khái niệm về hình học) Đó là một quá trình trừu tượng hóa. Bằng trí não, tôi chỉ xem xét một phần của toàn bộ, tôi chỉ trông vào một mặt của các mặt. Lại ví dụ như trước mặt tôi, có một lớp học sinh. Tôi không kể là học sinh, tôi chỉ có cái số, số 25; số 25 của bất cứ loại gì, học sinh, bàn ghế, đèn, bút, vô luận. Bỏ rơi cái vật, chỉ lấy cái số vật mà thôi, đó cũng là quá trình trừu tượng hóa. Hay ví dụ như trong cái vành xe đạp, tôi chỉ nghiên cứu xem nước, gió làm rỉ kim khí lâu hay mau; do sự trừu tượng hóa đó mà tôi đã nghiên cứu nó về mặt hình học, hay là nghiên cứu lớp học về mặt số học. Lại có một cách trừu tượng hóa thứ hai. Trước mặt mỗi con người có cây cau, cây me, cây xoài, cây ổi cụ thể nào đó, con người trông thấy rất nhiều cây cụ thể. Rồi sau đó, nhờ dố, trí con người dẹp qua một bên các loại cau, me, xoài, ổi mà chỉ chú ý đến cái gì giống nhau giữa các loại ấy; cái giống nhau là cây, bất cứ cây gì, cây là một khái niệm: như người, đèn, học sinh, đàn ông, mưa, gió v.v… đều là khái niệm. Trừu tượng hóa là như thế. Trừu tượng hóa có lợi ích gì ? Ta có thể nói rằng : ví phỏng con người không có khả năng trừu tượng hóa thì không còn có tư tưởng, dẫu là tư tưởng thô sơ. Một câu rất tầm thường như “sông này sâu quá” là một tư tưởng; đã là tư tưởng thì tất phải dùng đến hai khái niệm trừu tượng: sông và sâu. Và nếu không có trừu tượng hóa thì làm gì có khoa học dầu là khoa học rất thấp như đếm từ 1 đến 10 trên hai bàn tay, đừng nói đến hình học, hóa học, cơ học v.v… Càng đi sâu vào phân tích, tổng hợp thì càng vận dụng năng lực trừu tượng hóa. Nhờ trừu tượng hóa như thế mà ta đi đến cụ thể cao cấp. Nếu chỉ lấy mắt ngó qua, lấy tay sờ đụng chiếc xe đạp thì có biết thật rõ chiếc xe đạp đâu ? Như nghiên cứu từng bộ phận của chiếc xe, biết chất kim khí, sức chở, chất cao su, tốc độ, sức nặng của nó mà, sau khi qua các quá trình trừu tượng hóa, ta ngó lại chiếc xe, ta biết nó rõ ràng, sâu sắc toàn bộ hơn, ta đạt được mức cụ thể cao hơn trước. Cũng như thế, Mác bắt đầu quyển tư bản luận với “hàng hóa”, nhờ trừu tượng hóa, xét tất cả các hiện tượng sâu sắc, các quy luật; rốt cùng Mác đã dạy cho ta biết tư bản chủ nghĩa là gì một cách cụ thể, cụ thể hơn là cái biết đã cụ thể của người thợ biết tư bản chỉ qua sự bóc lột hàng ngày. Cũng như thế, muốn biết nhiệm vụ cách mạng Việt Nam, ta phải bắt đầu nghiên cứu bằng cách phân ra từng mặt một để mà xét: mặt kinh tế, mặt chính trị, mặt giai cấp… Đó là một cách trừu tượng hóa. Rồi, sau đó, ta quay về một kết luận chung nói rằng cách mạng Việt Nam là cách mạng phản đế, và phản phong. Phản đế phản phong là một khái niệm trừu tượng; song nó rất là cụ thể, bởi vì nó bao gồm toàn bộ thực tế kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam. Có người tưởng rằng “vì trí não của ta không đủ sức nhớ tất cả sự vật cụ thể nên sau khi ngũ quan đã tiếp xúc với vô số sự vật cụ thể, ta chỉ còn trong trí não cái hình ảnh lờ mờ, trừu tượng của sự vật mà người ta gọi là khái niệm”. Không phải như thế. Ngược lại, trừu tượng hóa là một khả năng của trí tuệ đã phát triển, nó đi đôi với sự tiến bộ của tư tưởng, của ngôn ngữ, của kinh nghiệm lao động. Khái niệm trừu tượng không phải là kết quả của sự bất lực của trí tuệ đâu. Cầm thú không sản xuất, không ngôn ngữ thì không có khái niệm trừu tượng như ta được. Biết bằng cảm giác chưa gọi là biết chắc, biết đủ. Hê-gen nói :”cái thông thường, chưa chắc vì là nó thông thường, mà đã là cái được biết rồi” (Ce qui est familier n’est pas pour cela connu). Và Angen có nói về nguyên tử học : “Ở đây phải tư tưởng, người ta không trông thấy nguyên tử bằng kính hiển vi, mà bằng tư tưởng”. Tất nhiên không vì thế mà bảo rằng nguyên tử, phân tử đều không phải là cụ thể. (Ở đây xin mở một dấu ngoặc : ngày nay, từ 1947, nghĩa là 50 năm sau khi phát kiến ra điện tử, người ta chẳng những đã thấy được nguyên tử mà cũng thấy được điện tử). Angen cũng đã nói : “Khi ta đo khoảng cách của những vần Fresnel là ta tư tưởng vậy ”. Nói một cách khác không thể tách rời sự kiện và quan niệm, cảm giác và lý tính, cụ thể và trừu tượng. Trong bài “Luận về thực tiễn” Mao-Trạch-Đông đã chỉ rõ tiến triển của nhận thực từ giai đoạn cảm tính lên giai đoạn lý tính, từ kinh nghiệm đến lý luận, và do nhận thức bằng lý tính, nhận thức lý luận mà sự vật được nhận thức sâu sắc toàn bộ hơn, nghĩa là cụ thể hơn. Kinh nghiệm luận đúng ở chỗ nó nhận rằng nhận thức xuất phát từ cảm giác, từ kinh nghiệm cụ thể; nó sai ở chỗ nó ngừng cảm giác, ở kinh nghiệm (cụ thể thấp); nó tự hạn chế ở hiện tượng được tiếp xúc. Còn duy lý luận thì đúng ở chỗ nó tin vào ý tưởng (trừu tượng) nhưng lại sai ở chổ nó cắt đứt ý tưởng với sự vật cụ thể. Duy vật biện chứng, chứng minh rõ rệt sự liên quan giữa cụ thể và trừu tượng, giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính. Nó chứng minh rằng với lý tính, với trừu tượng hóa, trí tuệ của con người đi càng sâu vào sự vật cụ thể, hiểu vũ trụ càng rõ rệt hơn. “… Chúng ta không bao giờ biết hoàn toàn cái cụ thể; sự tổng cộng của vô số những khái niệm phổ biến, những quy luật, v.v… đó là cái cụ thể hoàn bị”1 3. Vậy ta phản đối thứ trừu tượng nào? Trừu tượng hóa là một điều kiện cho tư tưởng tiến bộ; hơn nữa, trừu tượng hóa là một phương pháp tư tưởng khoa học, nó đi liền với sự phân tích và tổng hợp. Không có gì đáng phàn nàn nó cả. Cụ thể đưa đến trừu tượng, trừu tượng đem về cụ thể cao hơn. Biện chứng pháp là thứ luận lý cụ thể và cao cấp. Tuy nhiên vẫn có một loại trừu tượng mà chúng ta phản đối, cực lực phản đối và cảnh giác tránh xa. Ví dụ có nhà luận lý dạy rằng :”con người ta tính ích kỷ”, hay là nói suông “nên lam phải, phải chừa quấy”, hoặc có nhà sử học Trần Trọng Kim bảo “người Việt Nam thích đánh bạc, chuộng văn, ghét võ”. Nói như thế là trừu tượng. Phải nói “người ta” nào ích kỷ ? Phải cho ai, quấy cho ai ? Nếu phải cho địa chủ gian ác (trả nhiều tô tức) thì quấy cho dàn cầy (đòi giảm tô, bỏ tô); tư bản mang theo bản chất tự tư tự lợi của nó, còn công nhân hy sinh tính mạng bảo vệ máy móc của quốc gia, luôn luôn tương trợ, vì tính chất công cộng, xã hội của nó; vậy sẽ là sai lầm to khi nói hàm hồ rằng “con người vốn ích kỷ”. Thời trước, đế quốc phong kiến bày ra cờ bạc để làm cho nhân dân trụy lạc, nghèo đói, cho chúng càng dễ bóc lột; ngày nay ở vùng tự do của ta khó tìm thấy một sòng bạc, dù là sòng nhỏ để “giải trí”; thì có thể nào nói đóng đinh rằng “Người Việt Nam vốn thích cờ bạc”? Dân ta không ủng hộ phong kiến suy dồi của bọn Tự-Đức nên lúc đó quân của Tự-Đức đánh đâu thua đó; còn bây giờ thì họ có quyền, có lợi, họ đánh giặc giỏi, đại tướng thực dân nào cũng thua; thế là họ chẳng những ham văn mà khi cần cũng thích võ; có thực dân Pháp, Mỹ làm chứng. Vậy thì nói người Việt Nam thích cờ bạc, ghét võ; ích kỷ… là sai lầm, là trừu tượng. Tách con người ra khỏi giai cấp, khỏi thời đại, khỏi chế độ xã hội là trừu tượng, là sai lầm, là phi biện chứng. Thứ trừu tượng ấy thì ta phản đối. Trừu tượng ở đây có nghĩa là tách rời một sự vật ra khỏi những điều kiện của nó; nếu tách rời sự vật ra khỏi điều kiện thì dù nói một cách rất “rõ rệt” như “người Việt Nam” “đánh tổ tôm” vẫn là trừu tượng. Ngược lại nhiều câu xem bề ngoài như trừu tượng, như nói rằng “Đảng, mặt trận, quân đội là ba món bửu bối để giải phóng dân tộc” thì lại rất là cụ thể vì nó hoàn toàn đúng thực tế. Vậy tư tưởng của chúng ta phải cụ thể; sự phân tích của chúng ta phải cụ thể; công tác của chúng ta phải cụ thể. Song, đừng đem cụ thể mà chống lại trừu tượng, hai loại phạm trù này là hai loại mâu thuẫn thống nhất, cái này nằm trong cái kia, cái này biến thành cái kia. Chỉ khi nào tách rời sự vật ra khỏi điều kiện, thì khi ấy ta rơi vào cái trừu tượng sai lầm, tai hại. 4. Khái niệm: sự quan trọng của nó, tính chất khách quan của nó Khái niệm là kết quả của năng lực trừu tượng hóa của tư tưởng. Khái khái niệm chỉ cho ta thấy rằng, có những loại, giống, điển hình. Nó là tổng số của nhiều chất lượng nào đó. Cho nên khái niệm là khí cụ về tư tưởng để cho ta phân loại, để cho ta khảo sát, để ta phát kiến. Giá phỏng không có khái niệm về giai cấp, về phong kiến, tư sản, tiểu tư sản, nông dân, công nhân thì làm sao khảo sát xã hội ngày nay được, làm sao phát hiện quy luật cách mạng Việt Nam được ? Lẽ tất nhiên là vạn vật biến chuyển, mau hay chậm, nhiều hay ít; song, các giống loài, các tầng lớp giai cấp trong thời gian nào đó là tương đối ổn định, nghĩa là tương đối ít biến chuyển. Khái niệm có cạn, có sâu, có hẹp, có rộng. Như số một thì cạn hơn căn số; đường ngay cạn hơn là tiệm cận, như con người hẹp hơn là loài có xương sống, hàng hóa hẹp hơn là giá trị, bần nông hẹp hơn nông dân… Những trình độ của khái niệm tức là những trình độ của sự trừu tượng, mà chính là trình độ của nhận thức. Khoa học đi sâu vào cụ thể vào toàn bộ sự vật, vào thực chất và chi tiết của sự vật. Về sự quan trọng của khái niệm, ý nghĩa và lợi ích của nó, Lênin nói: “Thành lập những khái niệm (trừu tượng) và vận dụng các khái niệm ấy đã hàm ý sự biểu hiện, sự tin chắc và sự nhận thức những quy luật khách quan và những mối tương quan giữa vạn vật; không thể phủ nhận khách quan tính của khái niệm, khách quan tính của cái tổng quát trong cai đặc biệt và trong cái cá thể (objectivité du général dans le particulier et le singulier). Như thế, Hê-gen nghiên cứu sâu hơn Kant và mọi người khác về cái phản ảnh của sự vận động của thế giới khách quan trong sự vận động của các khái niệm. Hình thái đơn giản của giá trị, đem một món hàng hóa này đổi lấy một món hàng hóa khác, nội việc lẽ loi ấy đã bao gồm trong một hình thái chưa tiến bộ, tất cả các mâu thuẫn căn bản của tư bản chủ nghĩa; thì cũng như thế, sự tổng quát đơn giản nhất, sự thành lập lần đầu tiên và đơn giản nhất của khái niệm (phán đoán, tạm đoạn luận) có ý nghĩa là con người nhận thức càng ngày càng sâu sắc mối tương quan khách quan giữa vạn vật. Chúng ta phải tìm ý nghĩa chân thực của luận lý Hê-gen ở chỗ này”1. Như thế khái niệm trừu tượng có tính chất khách quan. Chẳng những nó có tính chất khách quan; nó còn tiêu biểu một trình độ nhận thức của con người, nhận thức sự vật, nhận thức quy luật của sự vật. Trừu tượng dắt đến cụ thể cao đẳng là thế. 5. Kết luận về phương pháp a. Chân lý là cụ thể cao cấp; cảm giác chỉ là bước đầu của nhận thức, là nhận thức nông cạn, bề ngoài, phiến diện, là cụ thể đê cấp; chúng ta chưa hài lòng với nhận thức cảm giác mà phải đi sâu vào nhận thức lý tính, qua các giai đoạn trừu tượng hóa, phân tích, tổng hợp để nhận thức bản chất và toàn bộ của sự vật. Có những vật mà cảm giác không cho ta ngó thấy, sờ đụng nhưng vẫn có thật, cụ thể (lượng tử, điện tử); cũng như có những cái trừu tượng như phương trình, hóa tính mà rất cụ thể ở chỗ nó đúng thực tế. b. Trừu tượng hóa không phải là sự bất lực của trí nhớ, mà chính nó là một phương pháp khoa học để đi đến cụ thể cao cấp như giá trị, phương trình, hóa tính… c. Cụ thể cao cấp mấy vẫn là một chân lý tương đối. Trước đây người ta tưởng đâu nguyên tử là mực nhỏ nhất của vật chất thì sau lại biết rằng nguyên tử có nhiều điện tử; ngày nay có nhà khoa học bảo rằng lượng tử là mực cuối cùng. Bảo như thế chắc hẳn là sai. Nếu như lời của Lênin “Điện tử cũng vô cùng như nguyên tử” thì lượng tử vẫn là vô cùng. d. Biện chứng pháp giải quyết vấn đề liên hệ giữa cụ thể và trừu tượng là giải quyết vấn đề cảm tính và lý tính, vượt qua kinh nghiệm luận và duy lý luận. e. Cái trừu tượng cần phải tránh là cái gì phi biện chứng, là cái ý tách rời sự vật với hoàn cản với điều kiện chu vi.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC