HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC
TOÁT YẾU VÀ CHÚ GIẢI DẪN NHẬP (§§90-110) --------o0o-------
CHÚ GIẢI DẪN NHẬP (§§90-110)
BÙI VĂN NAM SƠN
Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả.
3. §§90-93: SỰ XÁC TÍN CẢM TÍNH: CÁI BIẾT PHONG PHÚ NHẤT NHƯNG NGHÈO NÀN NHẤT ! Tiến trình nhận thức khởi đầu từ cái khởi đầu: sự xác tín cảm tính là hình thái đầu tiên của ý thức. Ngay lúc ý thức tưởng rằng mình đang nắm chắc trong tay chân lý đích thực về một cái gì “cụ thể”, “cá biệt”, phong phú nhất – tức “cái này”, “cái ở đây và bây giờ” – thì, qua quá trình tự kiểm tra, ý thức sẽ học được bài học kinh nghiệm đầu tiên và thấm thía rằng đó chỉ là cái gì “trừu tượng”, “phổ biến” và nghèo nàn nhất. “Trừu tượng” – theo Hegel – có nghĩa là trống rỗng, thiếu mọi đặc điểm của cái “cụ thể” quy định, còn “phổ biến” ở đây có nghĩa là chung chung, khái quát, còn thiếu mọi tính đặc thù và cá biệt. Trên con đường dài đầy vất vả để đi từ cái trừu tượng đến cái cụ thể, tức đi theo nguyên tắc cơ bản của khoa học, ý thức còn phải trải nghiệm nhiều bài học nữa, và đó chính là “khoa học về kinh nghiệm của ý thức”, hay nói cách khác, là bản thân môn “Hiện tượng học Tinh thần”. Vậy, “sự xác tín cảm tính” là gì ? Và “kinh nghiệm” đầu tiên này diễn ra như thế nào? 3.1. Thế nào là “xác tín cảm tính”? Câu hỏi quen thuộc nhất nhưng cũng đầy tính “triết lý” là: Thực tại là gì? hay đơn giản hơn: Cái gì là thực? Tôi trả lời: là cái gì chính mắt tôi thấy! Nếu bạn nhắc tôi: “đâu chỉ có mắt, ta có đến cả năm giác quan!”, tôi phải điều chỉnh lại và có chút tiến bộ. Nhưng nếu tôi lại chỉ tin vào ngũ quan thôi, chắc sẽ khó hiểu được những gì “cao xa” hơn: tình yêu, lý tưởng, tự do, công lý, bác ái... và vô số những điều khác nữa! Tuy nhiên, nhận thức bằng năm giác quan vẫn là khởi điểm tự nhiên, là cần thiết và không thể từ khước được. Đặt chân vào một gian hàng hội chợ, ta choáng ngợp trước vẻ rực rỡ muôn màu, bị tràn ngập bởi vô số hàng hóa đủ loại, thử hỏi còn có “cái biết” nào vừa phong phú vừa trực tiếp hơn thế nữa? Cách suy nghĩ ấy được Hegel gọi là “sự xác tín cảm tính”. 3.2. Sự thật của sự xác tín cảm tính Hegel không để ta chờ lâu khi lập tức vạch rõ hai đặc điểm của hình thái nhận thức này liên quan đến tính “trực tiếp” và “phong phú”: - Trong quan hệ với cái trực tiếp ấy, “chúng ta phải hành xử theo một phương cách cũng trực tiếp không kém, hay tiếp thu cái biết ấy như nó đang trình ra cho ta; do đó, không được biến đổi điều gì hết nơi nó, và giữ việc lãnh hội nó độc lập với việc thấu hiểu nó [bằng khái niệm]”. (§90). - ... “Sự xác tín cảm tính cũng xuất hiện ra như là nhận thức đúng thật nhất, bởi nó chưa gạt bỏ bất cứ điều gì ra khỏi đối tượng, trái lại có đối tượng trước mặt mình trong tất cả tính hoàn chỉnh trọn vẹn. Thế nhưng, trong thực tế, sự xác tín này tự cho thấy bản thân nó là sự thật trừu tượng nhất và nghèo nàn nhất. Nó chỉ nói được về cái nó biết điều sau đây: “đó là” và sự thật của nó chỉ chứa đựng đơn độc cái tồn tại của Sự việc. Trong sự xác tín này, ý thức – về phía mình – chỉ như là cái Tôi thuần túy; hay trong đó, cái Tôi chỉ như là Con người này thuần túy, và cũng thế, đối tượng chỉ như là Cái [vật] này thuần túy”... (§91). Đi sâu phân tích hai đặc điểm này, ta thấy (hay nói đúng hơn: ý thức đang có sự xác tín cảm tính sẽ tự thấy): - về tính “trực tiếp”: khi xác tín cảm tính, ta hành xử một cách thụ động, “tiếp thu”, nghĩa là cái biết đầu tiên của ta vận hành mà không cần có nỗ lực riêng, không cần vốn kiến thức hay kinh nghiệm nào trước đó. Đó là hình thức quan hệ trực tiếp nhất giữa tôi và đối tượng, không cần điều kiện tiên quyết của sự phản tư hay lý luận gì hết. Song tiếc thay, sự thật không phải như vậy! Sự xác tín cảm tính tưởng nhầm: ở đây không có gì là trực tiếp cả mà đã hàm chứa một mối quan hệ giữa một bên là người biết (Hegel gọi là “Cái Tôi này”) và bên kia là cái được biết (gọi là “Cái này” với tư cách là đối tượng). Thêm nữa, cả “cái Tôi” lẫn “đối tượng” đều không phải là “trực tiếp” mà là “được trung giới”. “Trung giới” [có cái trung gian làm môi giới (Vermittlung)] là thuật ngữ cực kỳ hệ trọng đối với Hegel như ta đã biết trong Lời Tựa. (Xem: chú thích 58). “Trung giới” ở đây trái nghĩa với “trực tiếp” và có nghĩa là: cái này cần có cái kia làm môi giới mới hình thành được: sự xác tín cảm tính sở dĩ có được là nhờ có đối tượng; đối tượng cần cái Tôi (nhiều cái Tôi xét cho cùng cũng là cái Tôi!) mới trở thành sự xác tín, tức cho “sự được biết đến” của nó. Bây giờ ta cần ôn lại hai khái niệm “công cụ” mà thiếu chúng ắt không thể hiểu được triết học Hegel: cái “tự-mình” (das An-sich) và cái “tồn tại-cho-cái-khác” (das Für-ein-anderes). Cái cây (sẽ được Hegel dùng làm ví dụ trong chương này) tự-mình là cái cây, không cần ai biết tới. Cái “tự-mình” này là không thể phủ nhận được, nhưng chẳng giúp ích gì cho nhận thức. Khi cái cây là “cho tôi”, tức “cho cái biết của tôi”, bấy giờ nó mới mang thêm tính quy định được Hegel gọi là “cái tồn tại-cho-cái-khác” [tức “cho tôi”]. Với nhận xét này, tính xác tín trực tiếp không đứng vững được nữa!. - về tính “phong phú”: “Nó [sự xác tín cảm tính] chỉ nói được về cái nó biết điều sau đây: ĐÓ LÀ” (§91). “Đó là” tức “sự tồn tại” suông của đối tượng, chưa có thêm chi tiết hay thông tin nào khác về đối tượng cả. “Tồn tại” mà không có thuộc tính thì không khác gì hư vô nên Hegel gọi đó là “tồn tại thuần túy”. Trong mối quan hệ phân tích ở trên chỉ có cái Tôi thuần túy đối diện với đối tượng hay với “Cái này” thuần túy. Biết về cái “tồn tại thuần túy” cũng đồng nghĩa với không biết gì cả! Ta lưu ý: trong truyền thống Siêu hình học tây phương, “tồn tại” là mục đích tối hậu mà triết học phải đạt tới thì với Hegel chỉ là bước khởi điểm. Còn chữ “thuần túy” vốn có ý nghĩa tích cực trong triết học Kant (= hoàn toàn độc lập với kinh nghiệm) thì ở cấp độ này, từ này có ý nghĩa khác hẳn, đồng nghĩa với chữ “đơn thuần”. “Tồn tại thuần túy” là “tồn tại đơn thuần”, một khởi điểm nghèo nàn nhất của nhận thức: ta bắt đầu nhận ra sự song hành giữa “Hiện tượng học Tinh thần” và “Khoa học Lô-gíc” khi Hegel cũng bắt đầu Khoa học Lô-gíc với khái niệm “tồn tại thuần túy = hư vô thuần túy”. 3.3. §94: Tiến trình “tự-vận động biện chứng” hay tiến trình “tự kiểm tra” của sự xác tín cảm tính. Hegel viết: “Nếu ta quan sát kỹ hơn, ta sẽ thấy nơi tồn tại thuần túy tạo nên cái bản chất của sự xác tín cảm tính này và được sự xác tín cho là sự thật của nó sẽ còn diễn ra nhiều trò khác nữa. Một sự xác tín cảm tính hiện thực thì không chỉ là tính trực tiếp thuần túy này mà còn là một trường hợp điển hình (Beispiel) của tính trực tiếp” [đang diễn trò]. (§92). - “Tính trực tiếp thuần túy” là cái “bản chất”, cái “tự-mình”, “cái đúng thật” của đối tượng; còn “trường hợp điển hình” chính là “cái tồn tại-cho-ý thức”, là “sự xác tín”, là “cái biết” mà ý thức đang có về đối tượng. Sự xác tín cảm tính cho rằng cái tự-mình (chân lý đúng thật) và cái tồn tại-cho-ý thức (sự xác tín) là đồng nhất với nhau. Bây giờ chính bản thân sự xác tín cảm tính phải tự kiểm tra xem có phải như thế không. Với tư cách là một hình thái của tri thức “đang xuất hiện ra”, nó không thể không tiến hành việc tự kiểm này được: “Chính bản thân sự xác tín cảm tính phải hỏi: Cái này là gì ?” (§95). Tiến trình tự kiểm tra này “sẽ còn diễn ra nhiều điều khác nữa” chính là tiến trình tự vận động biện chứng của mỗi hình thái ý thức: tự vận động tức là tự mình tiến hành và cũng tự mình mang lại kết quả của sự vận động để làm tiền đề cho tiến trình vận động mới nơi một hình thái cao hơn. Tất cả sự khó khăn để đọc và hiểu “Hiện tượng học Tinh thần” là ở chỗ: ý thức – với nhiều hình thái khác nhau – tuy vẫn làm việc với những “quy định tư duy”, tức có cái biết nhưng không bao giờ hiểu những gì mình khẳng định, những gì mình làm, hay nói cách khác, không bao giờ hiểu được “lô-gíc” của cái biết của mình một cách trực tiếp. Cái biết về cái biết của mình là kết quả của sự điều chỉnh (Korrektur) đối với những gì đã khẳng định, đã tưởng là thật. - Chính vì thế, Hegel bảo rằng: “Nhằm mục đích này [xét xem đối tượng có đúng như là sự xác tín đã nghĩ về nó như thế không], chúng ta [người quan sát, nhà hiện tượng học] không cần phải phản tư và suy nghĩ xem đối tượng có thể là gì trong tính đúng thật của nó, mà chỉ cần đơn thuần quan sát nó như nó đang được chứa đựng trong sự xác tín cảm tính” (§94). Vậy, ta hãy quan sát ba bước tự kiểm tra của sự xác tín cảm tính. 3.3.1. §§95-99: Bước kiểm tra thứ nhất: từ phía cái “tự-mình” của đối tượng Sự xác tín cảm tính cho rằng mình trực tiếp nắm bắt được cái tự-mình của đối tượng như cái gì cá biệt [“cái Này”]. Cái biết chính xác về cái cá biệt quả là lý tưởng và mục đích của nhận thức, nhưng tiếc thay thực tế chỉ nắm được cái “tồn tại thuần túy”. Tại sao? - như đã thấy, từ “tồn tại thuần túy” của đối tượng (vd: cái cây) nảy sinh ra hai “cái Này”: a) Cái Tôi này hay Cái Tôi thuần túy b) đối tượng này: cái cây Ta thấy: khi tôi bảo: “cái Này” thì bao giờ cũng bao hàm một cái gì có tính không gian và thời gian: một “Cái Ở đây” và một “Cái Bây giờ”. Như thế, cái “Này” có hai cái “tồn tại” nơi nó; nói cách khác, Cái Ở đây và Cái Bây giờ thực chất cũng là các cái “tồn tại” (thuần túy!) chứ không chỉ đơn giản là việc chỉ tay vào đồng hồ và chỉ ra ngoài vườn. Thật vậy, ta hình dung có hai cái lọ, một lọ dán nhãn: “Cái Bây giờ” và lọ kia: “Cái Ở đây”. Trong lọ trước, ta bỏ vào đó mọi thời điểm “bây giờ” có thể có: vd: buổi sáng, buổi tối, lúc 7 giờ, tháng giêng này, năm này... Trong lọ sau, ta bỏ vào đó mọi cái “ở đây” có tính xác định địa điểm: đây là cái cây, cái nhà, kia là con đường, chiếc xe... Tất cả những gì “là” và “không là” đều ở trong hai lọ, nhưng chẳng có gì bền vững vì thời gian và không gian không ngừng thay đổi. Cô gái mà Thôi Hộ mới gặp trong mùa đào năm trước, hôm nay tìm lại đã “bất tri hà xứ khứ!”. Mọi thời điểm và địa điểm cá biệt đều “tiêu biến” cả. Nhưng cái không tiêu biến, cái thường tại là “những cái Này”. “Cái Bây giờ”, với tư cách là tồn tại, vẫn còn nguyên trong khi đồng hồ không ngừng chỉ một thời điểm khác với thời điểm hiện tại. “Cái Ở đây” cũng thế: “Cái Ở đây không phải là một cái cây mà đúng hơn là một ngôi nhà. Nhưng bản thân Cái Ở đây thì không tiêu biến, nó vẫn tồn tại... và dửng dưng với việc là nhà, là cây” (§98). Ngay cả “Cái Tôi này” cũng có thể xem là một lọ thứ ba đựng mọi tên gọi, của tôi, của anh, của chị, của hắn... Các từ “Cái Này”, “Cái Bây giờ”, “Cái Ở đây” được Hegel gọi là cái phổ biến, đối lập lại với cái cá biệt mà sự xác tín cảm tính tưởng rằng mình nắm bắt được. Do đó, kết quả của bước kiểm tra thứ nhất là: chính cái phổ biến chứ không phải cái cá biệt hay các ấn tượng cá biệt mới là cái đúng thật của sự xác tín cảm tính!. Nói cách khác, trong sự kiểm tra này, khái niệm không tương ứng với đối tượng: thay vì cái tự-mình, cái này hay tính cá biệt (được “cho rằng”) thì thực ra là “không phải cái này” hay là tính phổ biến, tức cái đối lập với “chân lý” thứ nhất. Lý do: ta không thể nắm bắt cái luôn thay đổi; và chỉ có cái phổ biến hay đối tượng trong tính toàn bộ mới là nền tảng của những biểu hiện ra bên ngoài của nó. Mặt khác, những cái phổ biến tuân theo một lô-gíc khác với những gì chúng biểu hiện ra: không chỉ những đặc điểm của cái gì tồn tại là những cái phổ biến mà bản thân hình thức của nó cũng có tính phổ biến, đó là thực tại cụ thể đứng đàng sau những biểu hiện luôn thay đổi. Tính cá biệt chỉ là một mô-men (Moment) của tính phổ biến cụ thể, sống động. Tuy nhiên, kết quả tiêu cực (phủ định!) này tự nó chưa mang lại khả thể để tiến trình biện chứng tiến lên. Khả thể này chỉ nảy sinh khi “sự thật” thứ nhất thực sự bị bế tắc: “Chúng ta phát biểu về cái cảm tính như là về một cái phổ biến; điều ta nói là: “cái này” thì tức là nói: cái này phổ biến, hay là: nó tồn tại, tức là cái tồn tại nói chung. Thực ra, trong xác tín cảm tính, ta không hề [muốn] hình dung cái này phổ biến hay cái tồn tại nói chung, nhưng ta lại [phải] nói ra cái phổ biến, hay nói khác đi, ta tuyệt đối không nói ra được điều mà ta thực sự cho rằng ở trong sự xác tín cảm tính này. Như ta thấy, ngôn ngữ là cái đúng thật hơn; trong ngôn ngữ [khi nói ra], bản thân ta bác bỏ trực tiếp điều ta “cho rằng”; và bởi cái phổ biến là cái đúng thật của sự xác tín cảm tính, và ngôn ngữ chỉ diễn đạt cái đúng thật này thôi, thế thì rõ ràng: ta không bao giờ có thể nói ra được [bằng từ ngữ] về cái tồn tại cảm tính mà ta “cho rằng” (§97). Một ví dụ để minh họa phát hiện quan trọng này: ai cũng biết tôi nghĩ gì (“cho rằng”) khi tôi chỉ tay vào cái bàn [cá biệt] trong góc phòng. Nhưng khi tôi nói ra chữ “bàn” thì tôi đã đối xử với vật được chỉ ra này như cái phổ biến. Khái niệm “bàn” rõ ràng là phổ biến hơn nhiều so với cái được tôi chỉ ra. Tức là, ngôn ngữ không bao giờ diễn tả đúng được nội dung của sự xác tín cảm tính. “Cái Này”, “đó là” là các từ ngữ với tư cách là “thực tại thứ nhất” mà khái niệm của cái biết hiện tượng có được. Và chính sự phân biệt này giữa điều ta nói ra và điều ta “cho rằng” mới thúc đẩy tiến trình biện chứng chuyển sang bước đối lập. Khi sự xác tín cảm tính không thể nói ra “chân lý” của nó bằng từ ngữ một cách trực tiếp, nó bị “xua đuổi ra khỏi đối tượng” (§100), tức khẳng định thứ nhất là sai. Nó rời bỏ “thực tại” này để chuyển sang thực tại thứ hai, tức khẳng định cái đối lập với thực tại thứ nhất: cái tự mình cá biệt [ở đối tượng] không phải là cái “được nói ra” nữa mà là cái “được cho rằng” ở trong chủ thể. Sự xác tín cảm tính chuyển bình diện để kiểm tra lần thứ hai: nó vẫn bám giữ vào tính chân lý của mình [nắm bắt cái tự mình cá biệt], nhưng bây giờ ở trong chính mình chứ không ở nơi đối tượng nữa. Tiến trình vẫn chưa kết thúc, và đó là ý nghĩa của câu: “Sự xác tín cảm tính tuy đã bị xua đuổi ra khỏi đối tượng, nhưng qua đó vẫn chưa được vượt bỏ (aufgehoben) [phủ định của phủ định, chuyển sang “chân lý” mới] mà chỉ bị đẩy lùi vào trong cái Tôi” (nt) (phủ định đối với khẳng định thứ nhất). 3.3.2. §§100-102: Bước kiểm tra thứ hai: “cái tự mình cá biệt” ở nơi chủ thể = cái tồn tại-cho mình (das Für-sich Sein) Trong lần kiểm tra thứ nhất, cái biết đầu tiên là sự phát biểu ra, nhưng đối tượng trong sự phát biểu chứng tỏ là cái phổ biến, chứ không phải là cái cá biệt như đã xác tín. Vậy, để giữ vững “chân lý” của mình, sự xác tín cảm tính phải khẳng định cái đối lập với kết quả ấy: “Sự thật của sự xác tín là ở trong đối tượng nhưng như là ở trong đối tượng của tôi; đối tượng sở dĩ tồn tại, vì tôi biết về nó (...) Sức mạnh của sự thật của xác tín cảm tính bây giờ nằm ở trong cái Tôi, ở trong tính trực tiếp của cái thấy, cái nghe v.v.. của tôi, qua đó sự tiêu biến của cái Bây giờ và cái Ở đây riêng lẻ được ta “cho rằng” đã được chận đứng, bằng cách tôi giữ chặt chúng lại. Cái Bây giờ là ban ngày, vì tôi nhìn thấy nó; cái Ở đây là một cái cây, cũng vậy” (§101); nghĩa là, không ở trong việc phát biểu ra bằng ngôn từ. Thế nhưng, mặt đối lập này cũng sai nốt: “Tôi [con người] này nhìn thấy cái cây và khẳng định [cho rằng] cái cây là cái Ở đây, nhưng một cái Tôi khác lại nhìn thấy ngôi nhà và khẳng định [cho rằng] cái Ở đây không phải là một cái cây mà đúng ra là một ngôi nhà. Cả hai sự thật ấy đều có cùng một sự chứng thực, đó là tính trực tiếp của cái thấy và đều có sự vững chắc và sự đảm bảo của cả hai cái Tôi về cái biết của họ, tuy nhiên, sự thật này tiêu biến đi trong sự thật kia” (nt). Sự xác tín cảm tính trước đây chỉ là “tự-mình”, bây giờ trở thành “cho-mình”: Trước đây, sự xác tín đi vào sự kiểm tra bằng cách tự gác lại sự phản tư vốn là bản chất của hoạt động ý thức để hy vọng đến trực tiếp với đối tượng. Nay, nó đi vào sự kiểm tra vì nó thiết định chân lý ở trong cái Tôi (kiểu Descartes) và do đó, ở trong tiến trình vận động của sự phân biệt và hợp nhất các yếu tố của chân lý. Thông qua sự phản tư này - trong đó ý thức phân biệt chính mình với tư cách là sự xác tín với chân lý của mình -, ý thức trở thành một trong nhiều cái Tôi: cái Tôi nào cũng có sự xác tín và do đó, tất yếu phải đi vào sự so sánh với nhau. Nhưng sự so sánh thì không thể tiến hành một cách câm nín trong cái “cho rằng” khép kín trong đầu óc, mà lại chỉ có thể bằng cách nói ra. Lần này ý thức không trực tiếp nói ra đối tượng của mình như trước nữa, mà phải nói ra “ý kiến” của mình về đối tượng; và khi Tôi và một cái Tôi khác cùng làm như vậy, thì cái biết cá biệt bị tiêu biến đi trong đó. Nhưng, “cái trong đó không tiêu biến là cái Tôi với tư cách là cái phổ biến. Bởi lẽ trong dòng chảy kinh nghiệm, cái Tôi là “nhiều cái Tôi” có kinh nghiệm về nhiều nội dung khác nhau, nên cái Tôi không thể đồng nhất hóa với một nội dung cá biệt nào. Do đó, cái thấy của nó không phải là một cái thấy cái cây hay ngôi nhà này mà là một cái thấy đơn giản [nói chung] được trung giới qua sự phủ định của ngôi nhà và v.v.., và trong khi tồn tại như vậy, nó lúc nào cũng là đơn giản và dửng dưng với những gì kết hợp với nó như ngôi nhà, cái cây. Cái Tôi chỉ là một cái phổ biến, giống như Cái Bây giờ, Cái Ở đây hay Cái Này nói chung; rõ ràng ý tôi muốn “cho rằng” có một Cái Tôi cá biệt, nhưng cũng giống như tôi không thể nói ra được điều tôi “cho rằng” nơi Cái Bây giờ, Cái Ở đây, tôi cũng không thể nói ra được Cái Tôi [cá biệt] (...) Khi tôi nói: “Tôi, cái tôi cá biệt này, thì tôi lại nói chung: MỌI Cái Tôi; bất cứ ai cũng đều là cái được tôi nói: “Tôi”, “cái Tôi cá biệt này” (§102). Vậy là, khái niệm thứ hai mà sự xác tín cảm tính mang lại nhằm chứng minh sự trùng hợp giữa cái biết của nó với chân lý của nó lại là cái đối lập của chúng: Cái Tôi không phải là cái tự-mình cá biệt, mà là Cái Tôi phổ biến; hay nói đúng hơn, mỗi cái Tôi không phải là tính phổ biến không có tính cá biệt mà là sự thống nhất đơn giản giữa tính cá biệt và tính phổ biến. Kết quả của hai lần kiểm tra cho thấy: cái biết không tương ứng với chân lý mà chỉ tương ứng với cái đối lập của chân lý. Cái đối lập này thoạt đầu mang tính chất của một cái trực tiếp hay khẳng định với tư cách là cái “tồn tại-cho-ý thức”, rồi lại mang tính chất của một cái được trung giới [thông qua cái Tôi] hay phủ định với tư cách là cái “tồn tại-cho mình” của đối tượng. Bây giờ, nếu sự xác tín cảm tính vẫn còn muốn bám giữ chân lý đầu tiên, đơn giản của nó - tức cái tự-mình cá biệt của đối tượng -, nó chỉ còn cách khẳng định một cái gì đối lập lại với cả hai phương cách đã chứng tỏ là sai [không phải “chân lý”] nói trên. Cái ấy không còn là một mô-men (Moment) của mối quan hệ [đối tượng/chủ thể] nữa mà là bản thân mối quan hệ phủ định tính độc lập hay tính bản chất của cả hai yếu tố này: “Vậy, chỉ có bản thân toàn bộ sự xác tín cảm tính mới bám chặt vào nơi nó với tư cách là tính trực tiếp, và qua đó, loại trừ ra khỏi bản thân nó tất cả mọi sự đối lập vốn đã có chỗ ở bên trong các yếu tố trước đây” (§103). Sự xác tín cảm tính rời bỏ “thực tại thứ hai” của nó để chuyển sang “thực tại thứ ba”: sự phủ định của phủ định.
3.3.3. §§103-110: Bước kiểm tra thứ ba: tính cá biệt ở trong “sự tiếp xúc” trực tiếp, hay bằng cách [dùng tay] chỉ ra (zeigen) sự thật chứ không nói ra bằng ngôn từ một cách trực tiếp lẫn trung giới nữa: Cái biết lần thứ ba này – mà sự xác tín cảm tính hy vọng có sự trùng hợp giữa cái biết và chân lý – không để cho cái tự mình-cá biệt tiêu biến đi trong đối tượng lẫn trong cái Tôi: các yếu tố bị cô lập này bây giờ được xem là không-bản chất so với bản thân mối quan hệ giữa chúng. Mối quan hệ này sẽ là đúng, trong chừng mực các yếu tố này của nó đều là sai; và các yếu tố này đã chứng tỏ là sai, bởi chúng đều là những cái phổ biến chứ không phải cá biệt như đã khẳng định. Vậy, tính cá biệt chỉ có thể diễn ra trong sự tiếp xúc đơn thuần, do đó, là “mối quan hệ đồng nhất với chính nó” (nt), không thể bị tác động bởi một đối tượng khác (“nhà” chứ không phải “cây”, “ban ngày” chứ không phải “ban đêm”...) cũng như bởi một cái Tôi khác (thấy nhà chứ không thấy cây, thấy bây giờ là ban ngày chứ không phải ban đêm). Do đó, thực tại của sự tiếp xúc là cái gì khác hơn cái trước nay, tức là sự phủ định đối với việc phát biểu ra bằng ngôn từ một cách trực tiếp (lần 1) và qua trung giới (lần 2): đó là: chỉ ra sự thật: “Do vậy, ta phải bước vào trong cùng một thời điểm hay cùng một vị trí trong không gian để chỉ ra các điểm này, tức là ta để cho mình đồng nhất hóa hay biến thành kẻ giống hệt như cái Tôi cá biệt này, là kẻ đang có cái biết xác tín” (§105). Nhưng, mối quan hệ loại trừ các yếu tố của nó (loại trừ cái được quan hệ) thì chỉ là bản thân sự phủ định cái cảm tính trực tiếp: “cái Bây giờ - như nó được chỉ ra cho ta - là một cái Bây giờ đã qua [đã tồn tại] và cái sau này mới là sự thật của nó, chứ nó không có tính chân lý của sự tồn tại. Vậy, đúng thật rằng nó đã tồn tại. Nhưng cái gì đã tồn tại thì trong thực tế, không phải là cái bản chất [cái thực tồn]: nó không tồn tại, trong khi vấn đề ở đây [đối với sự xác tín cảm tính] lại là liên quan đến sự tồn tại” (§106). Cái Ở đây cũng thế: Việc “chỉ ra” không phải là cái biết trực tiếp mà là một tiến trình vận động từ Cái Ở đây được “cho rằng” thông qua nhiều Cái Ở đây để trở thành Cái Ở đây phổ biến” (nt). Vậy, thay vì cái cá biệt được “chỉ ra”, kết quả của lần kiểm tra thứ ba vẫn là cái phổ biến dành cho ý thức: chính trong sự vận động thông qua nhiều Cái Ở đây và sự “bảo lưu” chúng mới có trực quan về không gian, rồi trong sự vận động của bản thân Cái Bây giờ mới có trực quan về thời gian. Chúng đều là bản thân sự phản tư được trực quan. Tiến trình vận động của Cái Bây giờ [và Cái Ở đây] diễn ra như sau: a) Tôi chỉ ra Cái Bây giờ và xem nó là cái đúng thật: (khẳng định). Nhưng tôi chỉ nó ra như cái đã tồn tại hay như cái đã bị phủ định: tôi thủ tiêu chân lý thứ nhất. b) Bây giờ tôi khẳng định chân lý thứ hai rằng nó đã tồn tại, đã bị thủ tiêu: (phủ định). c) Nhưng cái đã tồn tại thì không tồn tại; tôi thủ tiêu cái tồn tại đã qua, tức thủ tiêu chân lý thứ hai, qua đó phủ định sự phủ định của Cái Bây giờ: (phủ định của phủ định), và như thế, quay trở lại với khẳng định đầu tiên rằng “Cái Bây giờ đang tồn tại” (nhưng trong hình thức đã thay đổi, vd: bây giờ là buổi trưa). Hegel gọi sự khẳng định được tái lập này là “sự phản tư vào trong chính nó” (Reflektion-in-sich): “Nhưng cái thứ nhất được phản tư vào trong chính nó ấy [phủ định của phủ định] không phải hoàn toàn chính xác giống như cái ban đầu, tức cái biết một cái trực tiếp mà cũng là một cái đã được phản tư vào trong chính mình hay là cái đơn giản vẫn mãi tồn tại như chính nó trong cái tồn tại khác của nó: một Cái Bây giờ là nhiều Cái Bây giờ một cách tuyệt đối và đó mới là Cái Bây giờ đúng thật”... (§107). Vậy là, lần thứ ba, cái tự mình-cá biệt vẫn chứng tỏ là cái phổ biến. Nhưng, cái phổ biến thứ ba này có hình thái riêng, vì khi sự xác tín cảm tính tự trực quan sự phản tư ở trong tiến trình vận động của Cái Bây giờ và Cái Ở đây, sự xác tín cảm tính “chính là lịch sử đơn giản của tiến trình vận động của nó hay của kinh nghiệm của nó và trong thực tế, không gì khác hơn chỉ là lịch sử này” (§109). Nói khác đi, - như thuật ngữ sau này Hegel sẽ dùng - , lịch sử ấy là sự xuất nhượng (Entäußerung) và sự đối tượng hóa (Vergegenständlichung). Bây giờ ta ôn lại “lịch sử” này để nhận rõ “cấu trúc” biện chứng của nó. 3.3.4. - Sự xác tín cảm tính khẳng định cái đúng thật như là cái tự-mình cá biệt. Cái Bây giờ và Cái Ở đây phải trùng hợp với thước đo (Maßstab) này: Khẳng định. - Nhưng, Cái Bây giờ và Cái Ở đây được nói ra không phải là cái tự mình cá biệt mà là cái tự-mình phổ biến. Vì thế, ý thức khẳng định Cái Bây giờ và Cái Ở đây được “cho rằng” ở trong chủ thể mới là cái trùng hợp với chân lý: Phủ định. - Nhưng, Cái Bây giờ và Ở đây được “cho rằng” (ở trong đầu óc của chủ thể) cũng không phải là cái tự-mình cá biệt mà là phổ biến; do đó, lần thứ ba, ý thức khẳng định Cái Bây giờ và Ở đây được chỉ ra (được tiếp xúc trực tiếp) hay là mối quan hệ loại trừ cả hai cái phổ biến trước đây mới là cái trùng hợp với chân lý: Phủ định của phủ định. - Nhưng, Cái Bây giờ và Ở đây được chỉ ra cho thấy cũng là cái tự-mình phổ biến, do đó, lại là cái Tự-mình phải được nói ra: Khẳng định được tái lập. Khẳng định được tái lập hay được khôi phục này khác với khẳng định trực tiếp đầu tiên ở chỗ: nó có hình thức của sự phản tư-vào trong chính mình, hay có các mô-men (Momente) đối lập trước nay như là đã được vượt bỏ, do đó là chính mình ở trong cái tồn tại-khác. Qua đó, ý thức tự đảo hóa (sich umkehren): thay vì nắm bắt cái tự-mình cá biệt đầu tiên, nó nắm bắt cái “tồn tại-cho-ý thức của cái Tự-mình” này, tức là cái đã trở thành phổ biến ba lần trong suốt lịch sử của nó, trong hình thức của sự phủ định đơn giản của cái thứ nhất, như là chân lý mới hay đối tượng mới của mình (xem lại: 2.3.2): cái tự-mình phổ biến: “Tôi tiếp thu cái phổ biến này đúng như là nó trong sự thật, và như thế, thay vì biết về một cái trực tiếp, tôi nắm lấy cái đúng thật, tức tôi tri giác [chữ “tri giác” – wahr-nehmen – trong tiếng Đức có nghĩa đen là “nắm lấy cái đúng thật”]. Tri giác sẽ là hình thái mới của Ý thức. Ta thấy: với sự khẳng định được tái lập, tính quy định đầu tiên của chân lý của ý thức đã bị tát cạn: đối tượng đầu tiên của nó là “vô-khái niệm” (begrifflos) (chưa được phản tư), còn khái niệm đầu tiên của nó (cái tự-mình cá biệt) là “vô-đối tượng” (gegenstandlos) (không tồn tại), nên trở thành sai, không đúng thật. Nó buộc phải chuyển sang hình thái mới. Tất nhiên, ngoài việc “nói ra” hay “chỉ ra”, nó còn một phương cách khác để “chứng minh” rằng điều nó “cho rằng” là có sự hiện hữu cá biệt, hay đối tượng là đối tượng cá biệt của tôi: đó là “tiêu thụ” đối tượng, nghĩa là có thể “tiêu trừ” (vertilgen) đối tượng về mặt “thực hành”. Nhưng muốn vậy, tôi phải là “sự ham muốn”, tức phải là một ý thức “hành động”. Ý thức hành động là Tự-ý thức, một hình thái còn xa, trong khi hiện nay nó chưa thể là gì khác hơn là ý thức tiếp thu hay ý thức “đơn thuần”. Do đó, nửa đùa nửa thật, Hegel cho rằng thú vật cũng không bị loại trừ ra khỏi sự “minh triết” này, đó là hãy vồ lấy và ăn sạch đối tượng một khi chúng “tuyệt vọng” trong việc “nhận thức” cái tự-mình cá biệt (§109). Chúng ta thì chưa đến nỗi “tuyệt vọng” vì còn nhiều hình thái mới của ý thức đang chờ đợi!.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC