Thuyết Duy tâm Đức

Sự xác tín cảm tính, hay là "cái này" và "sự cho rằng" [tư kiến của tôi về "cái này"] (2)

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

(A)

Ý THỨC

 

I

SỰ XÁC TÍN CẢM TÍNH,

HAY LÀ “CÁI NÀY” VÀ “SỰ CHO RẰNG”

[TƯ KIẾN CỦA TÔI VỀ “CÁI NÀY”]

1 2 3 4

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. | Nguyên bản tiếng Đức


 

 

§ 93

[I. Bước kiểm tra thứ nhất: từ phía cái “tự-mình” của đối tượng:]*

          Không phải chỉ chúng ta [nhà hiện tượng học] tạo nên sự phân biệt này giữa cái bản chất [sự thật] và trường hợp điển hình, giữa tính trực tiếp và sự trung giới, trái lại, ta tìm thấy sự phân biệt ấy nơi bản thân sự xác tín cảm tính và ta phải tiếp thu nó trong bản thân hình thái như nó đang tồn tại [trong sự xác tín ấy] chứ không phải như ta vừa xác định nó. Trong sự xác tín này, một mô-men (Moment) được thiết định như là cái đang hiện hữu trực tiếp và đơn giản, hay như là cái bản chất, cái đó chính là đối tượng; còn yếu tố kia, như là cái không có tính bản chất và là cái được trung giới, là cái không tồn tại như là tự-mình mà thông qua trung gian một cái khác: đó là cái Tôi, tức một cái biết sở dĩ biết được đối tượng chỉ là vì đối tượng tồn tại, còn cái biết [cái Tôi] có thể tồn tại hoặc không tồn tại đều được. Nhưng đối tượng thì tồn tại; nó là cái đúng thật và là cái bản chất; nó tồn tại, bất kể nó có được biết hay là không; nó vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả khi nó không được biết tới, trong khi cái biết không tồn tại nếu không có sự tồn tại của đối tượng(185).

         

§ 94

          Vậy, [vấn đề là] phải xét xem liệu đối tượng, trong thực tế, ở trong bản thân sự xác tín cảm tính, có phải là cái bản chất đúng như là sự xác tín đã nghĩ về nó như thế không; liệu [ý nghĩa và] khái niệm về nó như là cái bản chất có tương ứng với phương cách mà nó đang có mặt trong sự xác tín ấy không. Nhằm mục đích này, chúng ta [người quan sát] không cần phải phản tư và suy nghĩ xem đối tượng có thể là gì trong tính đúng thật của nó, mà chỉ cần đơn thuần quan sát nó như nó đang ở trong sự xác tín cảm tính.

§ 95

          Vậy, chính bản thân sự xác tín cảm tính phải hỏi: “Cái này” là gì? Nếu ta nắm lấy “Cái này” này trong hình thái nhị bội (gedoppelt: nhân đôi) của sự tồn tại của nó, như là cái Bây giờcái Ở đây, thì phép biện chứng diễn ra nơi nó sẽ có hình thức dễ hiểu hơn là nơi bản thân “Cái này”. Đối với câu hỏi: bây giờ là gì?, ta trả lời ví dụ [bằng một trường hợp]: bây giờ là ban đêm. Để thẩm tra tính chân lý của sự xác tín cảm tính này, chỉ cần một thử nghiệm đơn giản là đủ. Ta hãy ghi lại sự thật này; một sự thật không thể mất đi do sự ghi lại, cũng không thế mất đi khi ta bảo lưu nó (aufbewahren). [Thế nhưng], bây giờ, buổi trưa này, ta nhìn lại cái sự thật đã được ghi lại kia, ta ắt buộc phải nói rằng, sự thật ấy đã ôi thiu rồi [đã lạc hậu](186).

 

§ 96

          Cái “bây giờ là ban đêm” được bảo lưu, tức là được đối xử đúng như điều nó tự tuyên bố, như một cái đang hiện hữu, thế nhưng thực ra nó tự chứng tỏ như là một cái không phải đang hiện hữu. Bản thân “cái Bây giờ” thì vẫn đứng vững, nhưng, như một “cái Bây giờ” không phải là ban đêm, cũng như nó vẫn đứng vững trước cái ban ngày là cái Bây giờ của nó, nhưng với tư cách một cái Bây giờ [nói chung] cũng không phải là cái ban ngày, nghĩa là: bản thân cái Bây giờ tồn tại như là một cái phủ định nói chung (ein Negatives überhaupt)(187). Vì thế, cái Bây giờ tự bảo tồn này không phải là một cái trực tiếp mà là một cái được trung giới, vì nó được xác định như một cái gì vẫn còn tồn tại và vẫn đứng vững thông qua sự kiện: cái khác, – đó là ban ngày và ban đêm – không hiện hữu. Bằng cách ấy, nó vẫn đơn giản như là nó trước đó, như là cái Bây giờ, và trong tính đơn giản này, nó dửng dưng trước những gì còn xảy ra nơi nó: ban đêm và ban ngày không phải là sự tồn tại của nó, mà nó cũng không phải là ban ngày và ban đêm; nó không hề bị cái-tồn tại-khác-này của nó tác động. Một cái đơn giản như thế, [tức] cái tồn tại thông qua sự trung giới của sự phủ định, không phải cái này cũng không phải cái kia; một cái không phải cái này và cũng dửng dưng với việc tồn tại như cái này hay cái kia, ta gọi đó là một cái phổ biến (ein Allgemeines); vậy, trong thực tế, cái phổ biến mới chính là cái đúng thật (das Wahre) của sự xác tín cảm tính(188).

 

§ 97

          Vậy là, chúng ta [trong cấp độ xác tín cảm tính] phát biểu về cái cảm tính như là về một cái phổ biến; điều ta nói là: cái này, thì tức là nói: cái này phổ biến, hay là: nó tồn tại, tức cái tồn tại nói chung. Thực ra, trong xác tín cảm tính, ta không hề [muốn] hình dung cái này phổ biến hay cái tồn tại nói chung, nhưng ta lại [phải] nói ra cái phổ biến, hay nói khác đi, ta tuyệt đối không nói ra được điều mà ta thực sự cho rằng (meinen) ở trong sự xác tín cảm tính này. Như ta thấy, ngôn ngữ là cái đúng thật hơn; trong ngôn ngữ [khi nói ra], bản thân ta bác bỏ trực tiếp điều ta “cho rằng”; và bởi cái phổ biến là cái đúng thật của sự xác tín cảm tính, và bởi ngôn ngữ chỉ diễn đạt cái đúng thật này thôi, thế thì rõ ràng: ta không bao giờ có thể nói ra được [bằng từ ngữ] về cái tồn tại cảm tính mà ta “cho rằng” [hay ta “muốn nói”](189).

 

§ 98

          Tình hình cũng giống hệt như thế đối với hình thức khác [hình thức thứ hai] của “cái này”, đó là, với cái Ở đây. Ở đây ví dụ là cái cây. Tôi ngoảnh mặt đi thì sự thật này đã biến mất và chuyển thành cái sự thật đối lập: cái Ở đây không phải là một cái cây mà đúng ra là một ngôi nhà. Bản thân “cái Ở đây” thì không biến mất, trái lại nó vẫn còn tiếp tục tồn tại trong sự biến mất của ngôi nhà, của cái cây và của v.v.., và dửng dưng với việc là nhà, là cây. Vậy, “Cái này” cũng lại tự cho thấy như là tính đơn giản được trung giới (vermittelte Einfachheit), hay nói cách khác, như là tính phổ biến (Allgemeinheit)(190).

 

§ 99

          Như vậy, khi sự xác tín cảm tính cho thấy nơi bản thân nó rằng cái phổ biến chính là sự thật của đối tượng của nó, thì chỉ còn có sự tồn tại thuần túy mới như là cái bản chất của nó, song không còn phải là cái tồn tại trực tiếp nữa mà là cái nơi đó [quá trình] phủ định và trung giới là cốt yếu. | Do đó, nó không phải là cái tồn tại [trực tiếp] được ta “cho rằng” [tưởng có thể đạt được trong sự xác tín cảm tính], mà là cái tồn tại với sự quy định rằng nó là sự trừu tượng hay là cái phổ biến thuần túy; và tư kiến riêng của ta (unsere Meinung) – vốn cho rằng cái đúng thật của sự xác tín cảm tính không phải là cái phổ biến – còn trơ lại đơn độc đối diện với cái Bây giờ và cái Ở đây trống rỗng hay dửng dưng này.



* Chú ý: từ §93 đến cuối sách, các tiểu mục (trong dấu [   ]) là của người dịch, căn cứ vào cách đặt tên các tiểu mục của bản Lasson, để người đọc dễ theo dõi. (N.D).

(185) Nếu đối với ta [“cho ta: nhà hiện tượng học phân tích kinh nghiệm đã qua], yếu tố này chỉ có được là thông qua yếu tố kia; thì, đối với bản thân sự xác tín cảm tính (còm chìm đắm trong kinh nghiệm trực tiếp, tức là “tự-mình”) thoạt đầu “cho rằng” chính đối tượng mới là cái bản chất, còn cái biết (chủ quan) là không-bản chất. Sau sự thất bại của lần kiểm tra này, nó lại quay sang khẳng định ngược lại: chính cái biết (chủ quan) là cái bản chất (§§100-102).

(186) Có một phép biện chứng nội tại nơi cái tồn tại cảm tính. Theo Hegel, chính thuyết Hoài nghi (Hy Lạp cổ đại) đã chuẩn bị cho tư duy siêu hình học khi phản bác những sự xác tín chắc nịch của ý thức cảm tính. Để hiểu phép biện chứng này, cần “nhập thân” vào nó một cách ngây thơ như bản thân kinh nghiệm đang diễn ra và đừng quên rằng ta chưa ở cấp độ của tri giác: §§111-131.

(187) “Cái phủ định” và “tính phủ định”: Xem: Chú giải dẫn nhập 3.4.3.

(188) Kết quả đầu tiên của sự kiểm tra lần thứ nhất: bước chuyển đột ngột từ cái cá biệt (như sự xác tín cảm tính đã tưởng, đã “cho rằng”) thành cái phổ biến. Cái bây giờ (cá biệt) thực ra là cái phổ biến, nhưng cái phổ biến này cũng trừu tượng không kém, đó là thời gian (một Khái niệm trừu tượng).

(189) Xem thêm: Hegel: “Bách khoa toàn thư các Khoa học triết học” §20: ta chỉ có thể nói ra cái phổ biến: cái này, cái bây giờ, cái tôi... Ngôn ngữ – sản phẩm của tư duy – chỉ diễn đạt cái phổ biến.

(190) Cái phổ biến này là không gian, có cùng tính biện chứng như thời gian ở trên. Cái ở đây trở thành không gian phổ biến. Vậy, cả thời gian lẫn không gian – như là các cái phổ biến – không còn là trực tiếp nữa mà có sự trung giới hay sự phủ định ở bên trong chúng.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt