Thuyết Duy tâm Đức

Tri giác: III. Tiến trình hướng đến “tính phổ biến vô-điều kiện” và hướng đến “vương quốc của giác tính”

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

(A)

Ý THỨC

 

II

TRI GIÁC

HAY LÀ

SỰ VẬT VÀ SỰ LỪA DỐI [CỦA NÓ]

1 2 3 4

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. | Nguyên bản tiếng Đức


 

 

§ 123

[III. Tiến trình hướng đến “tính phổ biến vô-điều kiện” và hướng đến “vương quốc của giác tính”:]

          Thế là, ý thức tự mình cũng đi ra khỏi [rời bỏ] phương cách thứ hai trong thái độ hành xử khi tri giác, đó là việc nắm lấy sự vật như là cái đồng nhất đúng thật, còn xem mình là cái gì không tự-đồng nhất mà quay lại vào trong chính mình, ra khỏi sự đồng nhất. | Đối với ý thức, đối tượng bây giờ là toàn bộ tiến trình vận động này mà trước đây đã được chia đều ra giữa đối tượng và ý thức(226). Sự vật là một cái Một, được phản tư trong chính nó; nó là cho mình, nhưng cũng là cho một cái khác; tức là một cái khác tồn tại cho mình chính bởi vì nó tồn tại cho một cái khác. Theo đó, sự vật là tồn tại cho mình và cũng là cho một cái khác: một tồn tại có sự dị biệt nhị bội, nhưng cũng là một cái Một; tính Một mâu thuẫn với tính dị biệt này của nó. | Do đó, ý thức lại phải tự chịu trách nhiệm về việc đặt tính dị biệt vào trong cái Một và tách rời việc này ra khỏi sự vật. Cho nên, ý thức [ắt] phải nói rằng, sự vật, trong chừng mực nó tồn tại cho mình, thì không tồn tại cho một cái khác. Thế nhưng, sự tồn tại-như-là Một cũng thuộc về bản thân sự vật như ý thức đã có kinh nghiệm: sự vật là được phản tư vào trong chính nó một cách bản chất. Cái CŨNG – hay là sự phân biệt dửng dưng – tất nhiên cũng rơi vào [thuộc về] sự vật giống như sự tồn tại như là MỘT, nhưng vì cả hai là khác nhau nên không thể rơi vào trong cùng một sự vật mà là trong những sự vật khác nhau. | Cái mâu thuẫn hiện diện nơi bản chất khách quan xét như cái toàn bộ chia đều ra nơi hai đối tượng. Tự mình và cho mình, sự vật quả là ngang bằng với chính mình, nhưng sự thống nhất này với chính mình bị những sự vật khác quấy rối. | Theo cách [hiểu] như thế, sự thống nhất [nhất thể] của sự vật được duy trì, và đồng thời cái tồn-tại-khác [của nó] cũng được duy trì ở bên ngoài sự vật, cũng như ở bên ngoài ý thức(227).

 

§ 124

Bây giờ, dù đúng rằng bằng cách ấy, sự mâu thuẫn trong “bản chất khách quan” được chia ra nơi những sự vật khác nhau, thì cũng vì thế, sự phân biệt hay sự dị biệt (der Unterschied) không phải không đến với bản thân từng sự vật cá biệt, tách rời(228). Như thế, những sự vật khác nhau được thiết định như là tồn tại cho-mình; và sự xung đột rơi vào trong chúng một cách tương hỗ theo kiểu mỗi cái là chỉ khác (verschieden) với cái khác chứ không phải với chính mình. Thế nhưng, qua đó, bản thân mỗi cái được xác định như là một sự vật được phân biệt, và có sự dị biệt bản chất (wesentlichen Unterschied) với những cái khác nơi chính mình, song sự dị biệt này lại không đi đến mức trở thành sự đối lập trong bản thân sự vật, trái lại, sự vật này, về mặt cho-mình, là một tính quy định đơn giản tạo nên tính cách (Charakter) bản chất của sự vật, làm cho nó phân biệt với những sự vật khác. Trong thực tế, vì lẽ tính khác biệt (Verschiedenheit) là ở trong sự vật, nên tính khác biệt này tất yếu phải hiện diện trong sự vật như là một sự phân biệt hay dị biệt hiện thực (wirklicher Unterschied)tính chất cấu tạo (Beschaffenheit)(229) đa tạp. Nhưng bởi vì tính quy định tạo nên bản chất của sự vật, nhờ đó nó tự phân biệt với những sự vật khác và tồn tại cho-mình, nên tính chất cấu tạo đa tạp này là mặt không-bản chất. Do đó, sự vật tuy có trong tính nhất thể của nó cái “trong chừng mực” có tính lưỡng diện [hai mặt] nhưng không ngang bằng nhau về giá trị. Kết quả là: tình trạng đối lập này (Entgegengesetztsein) không phát triển thành một sự đối lập hiện thực ở bên trong bản thân sự vật, nhưng, trong chừng mực sự vật này – thông qua sự phân biệt hay dị biệt tuyệt đối (absoluter Unterschied) của nó – đi vào trong sự đối lập, nó [mới có thể] là đối lập đối với sự vật khác ở bên ngoài nó. Tất nhiên, tính đa tạp cũng tất yếu có mặt trong sự vật, không thể tước bỏ khỏi sự vật, nhưng nó là mặt không-bản chất của sự vật(230).

 

§ 125

Tính quy định này (Bestimmheit)(231) – tạo nên tính cách bản chất của sự vật và phân biệt sự vật với mọi sự vật khác – bây giờ được xác định [được định nghĩa] theo kiểu là: sự vật – thông qua tính quy định ấy – đối lập với những sự vật khác, nhưng cũng được giả định là tự-bảo tồn cho-mình (für sich) ở trong sự đối lập này. Thế nhưng, sự vật là sự vật, hay là một cái Một tồn tại cho mình chỉ trong chừng mực nó không ở trong mối quan hệ này với những cái khác; vì lẽ trong mối quan hệ này, đúng ra người ta thiết định sự nối kết [hay sự liên tục] (Zusammenhang) với sự vật khác; và sự nối kết với sự vật khác là sự chấm dứt của cái tồn tại cho-mình. Chính là thông qua tính cách tuyệt đối (absoluter Charakter) và sự đối lập của nó mà sự vật quan hệ bản thân nó với những cái khác, và một cách bản chất, chỉ là tiến trình quan hệ này mà thôi. | Nhưng quan hệ [với cái khác] là sự phủ định tính độc lập tự chủ (Selbstständigkeit) của mình, và do đó, thực ra sự vật tiêu vong chính là do thuộc tính bản chất của nó.

 

§ 126

Sự tất yếu của kinh nghiệm, qua đó ý thức nhận ra rằng sự vật bị tiêu vong chính bởi tính quy định (Bestimmheit) tạo nên bản chất và sự tồn tại cho-mình của nó có thể xem xét ngắn gọn theo Khái niệm đơn giản của sự tất yếu ấy như sau: Sự vật được thiết định như là tồn tại cho-mình, hay là, như sự phủ định tuyệt đối đối với mọi cái-tồn-tại-khác, vì thế là sự phủ định tuyệt đối chỉ tự-quan-hệ-với-chính-mình; nhưng [loại] phủ định như thế là sự thủ tiêu chính mình, hoặc nói cách khác, là tương đương với việc sự vật có bản chất của nó ở trong một cái khác(232).

§ 127

Trong thực tế, sự quy định (Bestimmung)(233) về đối tượng, – như đối tượng đã cho thấy – không chứa đựng điều gì khác. | Đối tượng phải có một thuộc tính bản chất tạo nên sự tồn tại-cho-mình đơn giản của nó; nhưng cùng với tính đơn giản này, đối tượng cũng phải có trong chính mình tính khác biệt (Verschiedenheit); tính khác biệt này tuy là cần thiết [tất yếu] (notwendig) nhưng không tạo nên tính quy định bản chất của nó. Đó là một sự phân biệt chỉ còn ở trong ngôn từ; cái không-bản chất lại được đồng thời giả định như là tất yếu ắt tự thủ tiêu chính nó. | Đó là điều mới vừa được gọi là sự phủ định chính mình.

 

§ 128

Với điều này, cái “trong chừng mực” cuối cùng – vốn đã tách rời cái tồn tại cho-mình và cái tồn tại cho-cái-khác – cũng sụp đổ theo(234). Đúng hơn, đối tượng, trong một và cùng một phương diện, là cái đối lập của chính nó; đối tượng là cho-mình, trong chừng mực nó tồn tại cho-cái khác, và tồn tại cho cái-khác, trong chừng mực là tồn tại cho-mình. Nó là cho-mình, được phản tư vào trong chính mình, là cái Một; nhưng cái tồn tại “cho-mình”, phản tư vào trong mình, cái tồn tại là Một này lại ở trong một sự thống nhất với cái đối lập của nó, [tức] với cái “tồn tại cho-cái khác”, và vì thế chỉ được thiết định như là một cái tồn tại-bị-vượt bỏ (aufgehoben); hay nói khác đi, cái tồn tại cho-mình này cũng không có tính bản chất giống hệt như cái đã được giả định rằng lẽ ra chỉ riêng nó là không-bản chất, đó là: mối quan hệ với cái khác.

 

§ 129

Qua quá trình này, đối tượng, – trong những tính quy định thuần túy của nó hay trong những tính quy định (Bestimmheiten) được giả định là tạo nên tính bản chất (Wesenheit)(235) của nó – cũng bị vượt bỏ giống như khi nó đã ở trong sự tồn tại cảm tính. Phát xuất từ cái tồn tại cảm tính, đối tượng đã trở thành một cái phổ biến; nhưng cái phổ biến này – vì nó có nguồn gốc từ cái cảm tính – nên cũng bị cái cảm tính điều kiện hoá một cách bản chất, và vì thế, nói chung không phải là tính phổ biến thực sự tự-ngang bằng với chính mình, mà là một tính phổ biến bị tác động bởi một sự đối lập (ein Gegensatz)(236). Vì thế, tính phổ biến này tự phân cắt thành những đối cực (die Extreme) giữa tính cá biệttính phổ biến, giữa cái Một của các thuộc tính và cái Cũng của các “vật chất [hay “chất liệu”] tự do”. Các tính quy định thuần túy này có vẻ như diễn đạt được bản thân tính bản chất, nhưng [thực ra] chúng chỉ đơn thuần là một cái tồn tại cho-mình bị tác động bởi cái tồn tại cho-cái-khác. | Nhưng vì lẽ cả hai đều tồn tại một cách bản chất ở trong một nhất thể duy nhất [như vừa nói trên kia] nên bây giờ ta có trước mắt tính phổ biến tuyệt đối vô-điều kiện, và chính ở đây, ý thức lần đầu tiên mới thực sự bước vào vương quốc của GIÁC TÍNH (Reich des VERSTANDES)(237).

 

§ 130

          Vậy, tính cá biệt cảm tính [“cái Này”] tuy đã tiêu biến đi trong tiến trình vận động biện chứng của sự xác tín trực tiếp [tức “sự xác tín cảm tính” ở Chương I] và trở thành tính phổ biến, nhưng chỉ là tính phổ biến cảm tính. Sự “cho rằng” [của tôi] đã tiêu biến, và tri giác nắm lấy đối tượng như nó tồn tại tự-mình, hay như là cái phổ biến nói chung; tính cá biệt, do đó, lộ diện (hervortritt) ra trong tri giác như là tính cá biệt đúng thật, như cái tồn tại tự-mình của cái Một, hay như sự tồn tại đã được phản tư vào trong chính nó. Thế nhưng, nó vẫn còn là một cái tồn tại cho-mình có điều kiện, bên cạnh nó còn tạo ra một cái tồn tại cho-mình khác, tức là tính phổ biến đối lập lại với tính cá biệt và bị cái cá biệt điều kiện hoá. | Nhưng hai cái đối cực mâu thuẫn nhau này không chỉ tồn tại bên cạnh nhau, mà là ở trong MỘT nhất thể duy nhất, hay, đồng nghĩa như thế, là tính cách chung (das Gemeinschaftliche) cho cả hai: cái “tồn tại cho-mình” bị tác động bởi cái đối lập nói chung, nghĩa là, nó đồng thời không phải là một cái “tồn tại cho-mình”. Sự ngụy biện(238) của [quá trình] tri giác tìm đường cứu vãn các yếu tố này ra khỏi sự mâu thuẫn của chúng, và tìm cách nắm bắt (ergreifen) cái đúng thật thông qua việc phân biệt giữa các “phương diện”, thông qua việc bám chặt (festhalten) lấy cái “CŨNG” và cái “TRONG CHỪNG MỰC”, và sau cùng, thông qua việc phân biệt “cái không-bản chất” với một “cái bản chất” đối lập với nó. Nhưng các thủ đoạn tìm tòi này – thay vì tránh xa sự nhầm lẫn trong tiến trình lãnh hội – thực ra đã tự chứng tỏ là trống rỗng, vô hiệu; và cái đúng thật – được giả định sẽ đạt được thông qua lô-gíc này của [tiến trình] tri giác – cho thấy là cái đối lập (das Gegenteil) [của chính nó] trong Một và trong cùng Một phương diện, và do đó, chỉ có một tính phổ biến không-được-phân-biệt và không-có-sự-quy-định làm [nội dung] bản chất của nó.

 

§ 131

          Những sự trừu tượng trống rỗng này về “tính cá biệt” và về “tính phổ biến” đối lập lại với tính cá biệt, cũng như về cái “bản chất” lại gắn liền với một cái không-bản chất, về “cái không-bản chất” lại đồng thời là tất yếu; đó là những quyền năng mà “trò chơi” tương tác của chúng chính là thứ giác tính tri giác, hay còn thường được gọi là “giác tính lành mạnh của con người” (gesunder Menschenverstand). | “Giác tính lành mạnh” này tự cho rằng mình là ý thức thực sự vững vàng, xác thực (gediegn real) nhưng tiến trình tri giác thực chất chỉ là trò chơi của các sự trừu tượng này; nói chung, nó bao giờ cũng là nghèo nàn nhất ở nơi mà nó “cho rằng” dường như là phong phú nhất. Trong khi nó quanh quẩn với những “thực thể” trống rỗng này, hết bị xô đẩy vào tay cái này lại bị xô đẩy vào tay cái khác; rồi, bằng sự ngụy biện, cố bám chặt lấy và khẳng quyết một “thực thể” để sau đó lại tới phiên bám giữ và khẳng quyết chính cái đối lập ngược lại, nó tự đặt mình chống lại chân lý mà lại “cho rằng” triết học chỉ làm việc với những “Vật tư tưởng” (Gedankendinge) [những ý niệm đơn thuần]. Trong thực tế, triết học quả là vẫn làm việc với chúng [những “vật-tư tưởng”] và thừa nhận chúng là những bản chất thuần túy, là những yếu tố và quyền lực tuyệt đối, nhưng đồng thời cũng nhận thức rõ về chúng trong tính quy định của chúng (in ihrer Bestimmheit), do đó, triết học làm chủ được chúng; trong khi đó, thứ giác tính tri giác nọ [hay “giác tính lành mạnh”] lại nắm lấy chúng như là cái đúng thật và bị chúng dẫn dắt từ sai lầm này đến sai lầm khác. Bản thân tri giác không đến được với ý thức rằng chính những tính bản chất đơn giản này đang hoạt động và chế ngự bên trong nó; nó lại tưởng rằng lúc nào cũng đang được làm việc với chất liệu có thực thể và với nội dung hoàn toàn vững chắc; giống như sự xác tín cảm tính đã không ý thức rằng bản chất của nó chỉ là sự trừu tượng trống rỗng của cái tồn tại thuần túy. | Nhưng trong thực tế, chính những yếu tố bản chất này làm cho thứ giác tính tri giác ấy phải chạy tới chạy lui thông qua tất cả những loại chất liệu và nội dung ấy; chúng là sức mạnh cố kết và làm chủ nội dung này [của tri giác]; chỉ có chúng mới tạo nên bản chất của những sự vật cảm tính cho ý thức; xác định các mối quan hệ của cái cảm tính này với ý thức; và tiến trình của tri giác lẫn của “cái đúng thật” của tri giác diễn ra không ở đâu khác hơn là ở bên trong chúng. Trình tự của quá trình này, một sự xác định luân phiên liên tục của cái đúng thật và của sự vượt bỏ sự xác định ấy đã thực sự tạo nên đời sống và hoạt động hàng ngày và bền bỉ của ý thức tri giác, của thứ ý thức tưởng rằng mình đang vận động ở trong chân lý. Ý thức cứ tiến lên trong tiến trình ấy một cách không ngừng nghỉ cho đến kết quả cuối cùng, là khi những yếu tố bản chất tối hậu hay những tính quy định này đều bị vượt bỏ như nhau; nhưng trong mỗi yếu tố riêng lẻ [cá biệt], ý thức tri giác chỉ đơn thuần ý thức về một tính quy định được cho như là cái đúng thật, và rồi lại quay sang cái đối lập. Nó không phải không nghi ngờ tính không-bản chất của chúng, và để cứu vãn chúng ra khỏi nguy cơ đang đe dọa, nó lại chuyển sang dùng lối ngụy biện: nay khẳng định là cái đúng thật chính cái mà bản thân nó mới trước đó đã khẳng định là không phải cái đúng thật. Điều mà bản tính tự nhiên của các “thực thể không thật” này thực sự muốn ép buộc giác tính [tri giác] này phải làm, đó là hãy kết hợp chung lại (zusammenbringen) và qua đó vượt bỏ các ý tưởng về “tính phổ biến” và “tính cá biệt”, về cái “Cũng” và cái “Một”, về “tính bản chất” mà lại tất yếu nối kết với một “tính không-bản chất”, và về một cái “không-bản chất” mà lại “tất yếu”. | Thế nhưng giác tính [tri giác], ngược lại, cứ ra sức tránh né việc làm này bằng cách bám chặt vào các chỗ dựa là sử dụng các cách nói “trong chừng mực”, “các phương diện khác nhau”, hoặc là tự nhận trách nhiệm về một ý tưởng để tách rời nó với những ý tưởng khác và duy trì nó như là ý tưởng đúng thật. Thế nhưng, chính bản tính tự nhiên của những cái trừu tượng [trống rỗng] này sẽ tự kết hợp lại với nhau đúng như chúng tồn tại tự-mình và cho-mình; còn “giác tính lành mạnh” [tri giác] mới thực là con mồi cho chúng, bị chúng đẩy vào vòng xoáy của riêng chúng. Khi “giác tính” [tri giác] muốn mang lại tính chân lý cho chúng bằng cách khi thì nhận sự không phải-sự thật của chúng về phía mình, khi thì gọi sự lừa dối [của chúng] chỉ là một vẻ bề ngoài của tính không đáng tin cậy [không chắc chắn] của những sự vật, tách rời cái bản chất ra khỏi một yếu tố tất yếu đối với chúng và xem là không-bản chất, rồi lấy cái trước làm cái đúng thật của chúng để chống lại cái sau: khi “giác tính” [tri giác] cứ làm như vậy, nó không đảm bảo tính chân lý cho những cái trừu tượng trống rỗng này, nhưng lại tự mang lại tính không phải-chân lý cho bản thân mình.

 



(226) Tính nhị nguyên giữa sự lãnh hội và sự phản tư bây giờ được tri giác ở trong sự vật.

(227) Ý thức tri giác có xu hướng loại bỏ cái tồn tại-khác ra khỏi ý thức lẫn khỏi sự vật cá biệt. Nhưng, Hegel sẽ cho thấy cái tồn tại-khác tất yếu chuyển hóa vào bên trong sự vật. Ở đây, Hegel muốn tránh mọi cách giải quyết theo kiểu duy tâm chủ quan.

(228) “Unterschied”“Verschiedenheit”: trong thuật ngữ của Hegel, cần phân biệt giữa hai chữ: “Unterschied” (đối lập với Identität/tính đồng nhất) được dịch vừa là sự phân biệt (Anh/Pháp: distinction), vừa là sự dị biệt (Anh/Pháp: difference) có tính “chủ động”, như là kết quả của một tiến trình tự-phân biệt, tự-dị biệt hóa. Còn “Verschiedenheit” (tạm dịch là “tính khác biệt”/Anh: diversity; Pháp: diversité) thì có nghĩa “bị động” hơn là Unterschied, nó không chứa đựng một tiến trình tự-phân biệt chủ động. Đặc điểm của “Verschiedenheit” là: những cái khác nhau (verschiedene Dinge) là dửng dưng (gleichgültig) đối với sự phân biệt hay sự dị biệt (Unterschied) giữa chúng với nhau !.

(229) “Beschaffenheit”: “tính chất cấu tạo”: mặt biến dịch và hời hợt bên ngoài đối lập với bản tính bất biến bên trong. Vd: những mặt “tự nhiên” (thân thể) và cảm năng (ngũ quan) của con người so với bản tính có tư duy của con người. Tất nhiên, có thể làm cho “tính chất cấu tạo” tương ứng với bản tính trong chừng mực nào đó.

(230) Ý thức muốn tránh sự đối lập ở bên trong sự vật,  nên phân biệt một bên là tính quy định bản chất của sự vật, là cái làm cho nó tách rời với những sự vật khác và bên khác là một tính chất cấu tạo đa tạp (mannigfaltige Beschaffenheit) không-bản chất, tuy vẫn cần thiết. Sự phân biệt này không đứng vững được: tính khác biệt (Verschiedenheit) cũng là tất yếu để sự vật được xác định và được phân biệt (unterschieden).

(231) “Bestimmheit”: “tính quy định”: còn hiểu là “tính quy định về chất”. Hegel tiếp thu quan niệm của Spinoza rằng “mọi khẳng định là phủ định”, theo đó một sự vật hay Khái niệm chỉ được xác định là nhờ vào sự đối lập của nó với những sự vật hay với những Khái niệm khác. Do đó, “tính quy định” luôn gắn liền với sự phủ định, nói lên bản tính của một cái gì để phân biệt với cái khác. (Xem: Khoa học lô-gíc: Phần I: Học thuyết về Tồn tại).

(232) Hoạt động của sự phủ định ở trong cái tồn tại-cho mình là sự tự-phủ định chính mình hay là sự quay trở lại với cái phổ biến.

(233) “Bestimmung” (“sự quy định”): thuật ngữ quan trọng của Hegel, thường hiểu tương đương với “Khái niệm” (Begriff) về/của sự vật. (Hegel thường phân biệt “tính quy định”/“Bestimmheit” và “sự quy định”/“Bestimmung”, chẳng hạn trong hai cách hiểu về chữ “thực sự” (reell): “một con người thực sự” là khác với pho tượng vì nó có “tính quy định” [về chất]/“Bestimmheit” của một con người (vd: có lý trí); đồng thời, cũng có nghĩa là “một con người thực sự” chỉ khi thực hiện trọn vẹn “sự quy định” hay “vận mệnh”/“Bestimmung” (hay “Khái niệm” về con người), đó là, khi thực sự suy nghĩ và hành động có lý trí). Xem: Khoa học Lô-gíc, P.I. (và chú thích 223 cho §120).

(234) Đó là cái đã tách rời sự thống nhất và tính đa tạp của sự vật. Những sự đối lập đa tạp (cái Cũng và cái Một; cái tồn tại-cho mình và tồn tại-cho cái khác; cái không-bản chất và cái bản chất) mà Ý thức cố tách ra khỏi sự vật thì thực ra là những gì tạo nên sự vật. Cái phổ biến – bị tác động bởi ý thức tri giác từ bên ngoài – là cái phổ biến có-điều kiện (bị ý thức điều kiện hóa) sẽ trở thành cái phổ biến vô-điều kiện vì nó sẽ là tiến trình vận động của cái đối lập tự tạo ra cái đối lập của chính mình.

(235) “Wesenheit” (“tính bản chất”): (Anh/Pháp: essentiality/essentialité): thuật ngữ của Hegel chỉ cái gì tạo nên bản chất của một sự vật. (Khi ở dạng “số nhiều”: “Wesenheiten”, thì tương đương với “các quy định phản tư”/ Reflexionsbestimmungen (“đồng nhất”, “dị biệt”, “mâu thuẫn”...), tức các quy định tạo nên bản chất của những sự vật và được tạo ra bởi sự phản tư hay tương thích với sự phản tư, được nghiên cứu trong Chương II của “Học thuyết về Bản chất”, phần 2 của Khoa học Lô-gíc. Xem: Khoa học Lô-gíc, Meiner, II, tr. 24-59.

(236) “Gegensatz” (“sự đối lập”) (Anh/Pháp: opposition) hình thành từ thế kỷ 15 để dịch chữ latinh “oppositio” (từ chữ “opponere”: đặt ngược lại). Thường được Hegel dùng đồng nghĩa với chữ “Entgegensetzung” (sự đối lập, từ chữ gốc: Setzen: thiết định). Ông cũng dùng chữ “Polarität” (sự đối lập phân cực) có nguồn gốc Hy Lạp, hình thành từ thế kỷ 18, và chữ Đức ròng: “Gegenteil” (cái đối lập, cái ngược lại) (xem §130). Chữ “sự đối lập” có nguồn gốc xa xưa trong triết học phương Tây. Người Hy Lạp thường xem thế giới được cấu tạo bởi những lực, chất hay bản thể đối lập (vd: nước-lửa; nóng-lạnh; ướt-khô...) (Anaximander, Pythagore, Heraklit). PlatonAristote xem sự biến dịch là sự chuyển hóa từ một cái đối lập sang cái đối lập khác, cũng như xem những sự vật trung gian như là sự pha trộn của những cái đối lập (vd: màu sắc là sự pha trộn khác nhau giữa trắng và đen).

Quan niệm cho rằng các sự đối lập sẽ kết hợp lại và được hợp nhất trong cái Vô-tận (Thượng đế) là của Nicolas Cusanus (vd minh họa của ông: đường kính của vòng tròn tăng lên thì độ cong của chu vi giảm đi; nên nếu đường kính tăng lên đến vô tận, nó sẽ thống nhất với đường thẳng!) và của G. Bruno. Goethephái lãng mạn xem thế giới là sự đối lập hay phân cực. Hamann đề ra nguyên tắc về sự thống nhất các sự đối lập chống lại các sự nhị phân của Kant và nguyên tắc này giữ vai trò trung tâm trong triết học Schelling.

Sự đối lập cũng là một đặc điểm của khái niệm và mệnh đề. Aristote phân biệt mệnh đề đối lập (vd: “mọi A là B” và “không A nào là B”) với mệnh đề mâu thuẫn (“Mọi A là B” và “một số A là không-B”). Với Hegel, sự đối lập (Ggensatz) bao hàm cả sự mâu thuẫn (vd: “là A” và “là không-A”) lẫn sự tương phản (“đen” và “trắng”). Quan niệm về sự đối lập có vai trò trung tâm trong tư tưởng Hegel và gồm các đặc điểm sau:

- Một sự vật chỉ có một cái đối lập: nếu “bắc” đối lập với “nam”, nó không thể đối lập với cái gì khác (đây là tư tưởng bắt nguồn từ Platon và Aristote: nếu “bén” vừa đối lập với “phẳng” và “cùn”, chữ “bén” hẳn có hai ý nghĩa (Aristote).

- Nếu hai sự vật đối lập nhau, chúng thiết yếu tác động lẫn nhau và không thể tách rời nhau: (Vd: hai cực của nam châm; cái xấu, cái ác là điều kiện tất yếu của cái thiện, do đó không thể loại trừ cái ác ra khỏi thế giới, thậm chí ra khỏi cá nhân con người).

- Đối với một số sự đối lập, không chỉ mỗi cái đối lập đòi hỏi có cái khác mà mỗi cái cũng là hay cũng trở thành cái khác.

- Một số cái đối lập không thể phân biệt với nhau từ bản thân chúng mà chỉ từ sự đối lập giữa chúng với nhau: (Vd: hai cực của nam châm không có sự dị biệt “tự thân”, vì thế Hegel không gọi chúng là “giống nhau”/“khác nhau” mà gọi là “cùng tên”/“khác tên” khi chúng hút hoặc đẩy nhau. (Xem: Chương III, §156 và tiếp).

- Các cái đối lập chuyển hóa sang nhau khi chúng đạt đến cực điểm: Vd: lý giải ví dụ trên đây của Nicolas Cusanus theo tính vô tận “tốt”, “đúng thật” (xem chú thích 270); sự chuyển hóa trong quan hệ Chủ-Nô (xem Chương IV, §178 và tiếp); chuyển hóa của các khái niệm đối lập như là động lực của phép biện chứng: vd: tồn tại thuần túy trở thành hư vô thuần túy và ngược lại. (Khoa học lô-gíc).

- Khác Schelling, Hegel không xem các cái đối lập là trở thành (hay bắt nguồn từ) một cái Tuyệt đối trung tính hay điểm bất phân biệt mà chuyển hóa sang cái khác ở cực điểm của chúng. Sự hợp nhất tối hậu của chúng ở trong “Ý niệm tuyệt đối” cũng không phải là sự trung tính trần trụi mà là một tính toàn thể cụ thể hay là Hệ thống, vượt bỏ sự đối lập nhưng không “thủ tiêu” nó. Tuy nhiên, nhìn chung, quan niệm của Hegel về sự đối lập có tính minh họa, miêu tả hơn là có hệ thống, vì ông không phân biệt thực rõ những loại hình khác nhau của sự đối lập lẫn những phương thức đối lập của chúng. (Xem thêm: chú thích 285 cho §160 về “sự mâu thuẫn” (der Widerspruch)).

(237) Đúc kết tiến trình và bước chuyển sang Giác tính: Cái phổ biến thoát thai từ tri giác cảm tính đã để tính đa tạp ở bên ngoài mình. Từ nay, nhất thể tự phản tư vào trong tính đa tạp, và tính đa tạp tự phản tư vào trong tính nhất thể. Các yếu tố không còn được đặt tách rời nhau mà chuyển hóa sang nhau. Bản chất khách quan sẽ là Lực (Chương III, §136) và hình thái ý thức nắm bắt yếu tố này ở trong yếu tố kia sẽ là Giác tính.

(238) “die Sophisterei” (“sự ngụy biện”): Lô-gíc của tri giác là lô-gíc ngụy biện (“trong chừng mực”, “cái Một”, “cái Cũng”...) hòng cứu vãn tính nhất thể cứng nhắc của sự vật.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt