Triết học Hy Lạp

Socrate tự biện [phần 02]

 

SOCRATE TỰ BIỆN

xem: phần 01

PLATON (427-347 TCN)

 

 

Sau khi toà tuyên án có tội và mời ông tự định một hình phạt để thay thế bản án tử hình mà bên nguyên đề nghị, Socrate yêu cầu được phụng dưỡng tại công đường thành quốc.

 

Thưa quý công dân Athènes, lời tuyên án vừa rồi của quý vị không làm Socrate phẫn nộ bao nhiêu vì nhiều lý do, trong đó phải nói rằng nó không bất ngờ chút nào đối với kết cục tôi chờ đợi. Điều còn làm tôi ngạc nhiên hơn là sự chênh lệch giữa hai số phiếu; thú thật rằng tôi không ngờ mình bị kết án bởi một đa số yếu như thế, bởi vì nếu tôi tính đúng, chỉ cần có sự xê dịch của 30 phiếu là trắng án. Như vậy, tôi có thể tự hào đã thoát tay Mélètos, không những thế, hiển nhiên là nếu Anytos và Lycon đã không cùng đứng lên để buộc tội, thì y đã phải trả 1000 đrắc tiền phạt vì không hội đủ một phần năm tổng số phiếu[1].     

Dù sao, Mélètos đã khép Socrate vào tội chết. Tốt thôi! Về phần tôi, thưa quý công dân Athènes, tôi phải tự kết mình vào tội gì? Hiển nhiên phải là một tội tương xứng với điều tôi  đáng hưởng – song đấy là điều gì? Nhục hình nào, hình phạt nào tôi đáng nhận hưởng? Tôi, kẻ không ngừng tự đặt cho mình nguyên tắc suốt đời phải xem thường, thay vì háo hức  tìm kiếm như bao kẻ khác, hoặc của cải tư lợi, hoặc quyền chức chính trị hay phẩm hàm quân sự, hoặc bất cứ thứ danh vọng nào khác. Tôi, kẻ chưa bao giờ tham gia một âm mưu hay toan tính đảng phái nào vốn tràn ngập nền cộng hoà này, tự nghĩ mình quá lương thiện để có thể vong thân trong loại manh động ấy. Tôi, kẻ đã gác qua một bên ngay cả sinh kế khi tự thấy làm thứ công việc ấy mình chẳng hữu ích gì cho cả quý vị lẫn bản thân, mà chỉ giữ lại mối bận tâm duy nhất là mang đến cho mỗi cá nhân quý vị điều tôi xem là nghĩa vụ cao quý nhất: khuyến khích từng người khoan bận bịu về những gì chỉ tùy thuộc quý vị một cách ngẫu nhiên trước khi lo nghĩ đến phần tinh anh của mình, đến điều có thể giúp quý vị sống đời đạo hạnh và hiểu biết, khoan đôn đáo chuyện thành quốc trước khi lo nghĩ về thành quốc, và luôn luôn giữ nguyên tắc cùng trật tự ấy trong tất cả mọi lĩnh vực còn lại?

Thưa quý công dân Athènes, đấy là hành trạng của Socrate, và nó xứng đáng được hưởng gì, nếu quý vị thực là người công chính? Một phần thưởng, hơn thế nữa, một phần thưởng thích đáng với tôi[2]. Mà cái gì có thể tương xứng với một ân nhân nghèo túng của quý vị, cần có đủ rảnh rỗi để chỉ chăm lo đến việc khuyên nhủ quý vị một cách bổ ích thôi? Thưa quý đồng hương, đối với một người như vậy, chẳng có chi thích đáng hơn là được chiêu đãi tại công đường thành quốc[3]. Và chắc chắn là xứng đáng hơn bao lực sĩ đã thắng giải đua ngựa, hoặc đua xe hai ngựa hay bốn ngựa trong các kỳ thi điền kinh ở Olympie, bởi vì họ chỉ mang lại cho quý vị chút hạnh phúc hời hợt bên ngoài, trong khi tôi chỉ cho quý vị đâu là chân hạnh phúc, và họ có phương tiện sống trong khi tôi chẳng có chi cả. Vậy thì, nếu phải tuyên cáo điều tôi đáng nhận hưởng một cách hoàn toàn công chính, xin nói thẳng với tất cả mọi người: tôi xứng đáng được phụng dưỡng tại công đường thành quốc.

Nói như thế, có thể Socrate tôi sẽ bị buộc tội đã ngạo mạn thách thức quý vị, như khi bài bác chuyện van xin than khóc ban nãy. Nhưng không phải thế đâu, thưa quý đồng hương; đây mới là lý do thực sự. Tôi hoàn toàn tự biết mình chưa hề làm điều gì bất công với ai một cách cố ý, nhưng quý vị từ chối tin tôi, bởi vì chúng ta có quá ít thời giờ để bàn cãi. Nếu luật pháp thành quốc đòi hỏi phải xét xử loại tội phạm có cơ dẫn đến án tử hình ít ra trong vài ngày như ở nhiều nơi khác, hẳn tôi đã có thể đánh đổ những điều vu khống thâm căn cố đế trong tâm trí quý vị, thay vì đành chịu không thuyết phục nổi quý vị trong vài giờ như ở đây. Biết chắc rằng mình chưa bao giờ làm hại ai, có lý nào bây giờ Socrate tôi lại tự làm hại chính mình, không những thú nhận đáng bị trừng phạt, mà còn tự đề nghị cho mình cả hình phạt nữa. Nhưng có gì đáng sợ mới được cơ chứ! Bản án tử mà Mélètos đòi chụp lên đầu tôi chăng, khi tôi đã nói rằng chưa biết cái chết sẽ là điều lành hay dữ, phúc hay họa, hung hay kiết? Chẳng lẽ để tránh nó, bây giờ tôi lại đi chọn và bắt mình chịu đựng một hình phạt mà tôi biết chắc chắn là điều hung!

Gông cùm ư? Nhưng tại sao Socrate lại phải sống trong tù, làm tôi mọi cho mười một viên cai ngục[4] thay phiên nhau thị uy sai khiến? Chịu tiền phạt và ngồi tù cho đến khi trả hết nợ chăng? Thế thì cũng chẳng khác chi, vì tôi làm gì có tiền để trả. Đi đày ư? Có thể là quý vị chấp thuận đấy, nhưng phải thật là tham sinh úy tử đến độ đui mù tôi mới có thể nghĩ rằng người xứ khác có thể chịu đựng được dể dàng nếp sống và cách nói năng của mình, trong khi chúng đã trở thành sai quấy và ghê tởm đến độ ngay cả kẻ đồng hương như quý vị mà còn không chịu đựng nổi và nay tìm cách khai trừ. Socrate tôi đâu mù quáng đến mức ấy, thưa quý công dân Athènes. Mà quả thật, đấy sẽ là một cuộc đời chao ôi là đẹp đối với tôi, nếu phải rời bỏ quê hương vào tuổi này để lang thang hết thành nọ đến xứ kia và sống như kẻ phát vãng. Bởi vì tôi biết rằng, đi đến đâu, lớp trẻ cũng sẽ đến nghe tôi như ở đây; và nếu tôi xua đuổi thì chính họ sẽ nhờ người lớn tuổi hơn trục xuất tôi; còn nếu như tôi không xua đuổi, bố mẹ hay thân nhân họ rồi cũng sẽ mượn cớ bảo vệ họ để đòi trục xuất.

Đến đây, có người sẽ nói với tôi: Này Socrate, khi sang đất khách, bộ ông không ngồi yên một chỗ và câm miệng lại được sao? Nhưng đấy mới chính là điều tôi không thể nào làm cho phần đông quý vị hiểu được. Bởi vì nếu tôi lại trả lời rằng làm như thế là bất tuân lời Thần, và vì vậy tôi không thể nào ngậm miệng yên vị một chỗ, quý vị sẽ không tin mà còn tưởng tôi giễu cợt. Hơn nữa, nếu tôi còn nói thêm rằng bàn luận mỗi ngày về đức hạnh và những điều quý vị vẫn thường nghe tôi phát biểu là điều lợi ích và hạnh phúc nhất trong đời người, rằng phải tự xét mình và xét người bởi vì sống không xét nghiệm không đáng gọi là sống, thì quý vị lại càng không tin nữa. Tuy nhiên, nó là sự thật đấy, thưa quý đồng hương, dù chẳng dễ gì mà thuyết phục quý vị.    

Mặt khác, Socrate không có thói quen tự xử mình đáng nhận bất cứ tai vạ nào. Nếu giàu có, tôi sẵn sàng nộp món tiền phạt đến mức phải trả, bởi vì nó cũng chẳng hại gì[5]. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay... tôi không làm gì ra tiền, trừ phi quý vị chỉ phạt tôi đến mức có đủ sức trả; và vì tôi chỉ trả nổi cao lắm là 1 min, tôi đề nghị trả 1 min tiền phạt. Dù rằng Platon đứng kia, cùng với Criton, Critobule và Apollodore muốn tôi trả đến 30 min và sẵn sàng bảo đảm. Vì vậy, tôi tự kết án phải trả 30 min tiền phạt[6], và xin giới thiệu với quý vị những người bảo lãnh hoàn toàn có khả năng thanh toán.     

 

PHẦN BA

 

Sau khi lại bị kết án tử hình với một đa số cao hơn, Socrate phát biểu với những kẻ đã kết tội và những người bênh vực ông trong phiên xử.

 

Thưa quý công dân Athènes, chỉ vì thiếu kiên nhẫn, quý vị đã tạo cơ hội cho người đời bêu rếu nền cộng hoà; họ sẽ nói rằng quý vị đã giết Socrate, một người hiểu biết, bởi vì dù không đúng họ cũng sẽ nói tôi là người hiểu biết để sỉ nhục quý vị nặng nề hơn nữa. Chỉ cần chờ thêm ít lâu, cái chết của tôi tự khắc sẽ đến, bởi vì nhìn xem, tôi đã ở vào tuổi gần đất xa trời rồi. Tôi không chê tất cả mọi người ở đây như thế, mà chỉ riêng những kẻ đã khép tôi vào tội chết. Và cũng chỉ với họ thôi, tôi xin nói tiếp đôi điều sau đây.    

Có lẽ quý vị nghĩ rằng Socrate đã bị kết tội vì không tìm ra lời lẽ, thứ lời lẽ có đủ sức thuyết phục quý vị, nếu như tôi tin rằng bổn phận của mình là phải làm hết mọi cách, kể lể đủ chuyện hòng thoát chết. Không phải thế đâu, thưa quý đồng hương. Tôi không thiếu lời lẽ mà chỉ thiếu trâng tráo: tôi bị kết tội vì không chịu nói những điều tai quý vị đã quen nghe, vì không muốn than khóc và hạ mình làm những chuyện hèn hạ mắt quý vị đã quen thấy. Đối với tôi, nguy nan phải đương đầu không thể là lý do để làm điều bất xứng với một con người tự do, và ngay cả đến lúc này, tôi không hề hối tiếc đã tự bênh vực như vừa rồi; thà chết mà tự vệ như tôi đã làm còn hơn là sống sót nhờ một bài tự biện hèn hạ. Khi đứng trước toà cũng như lúc lâm trận, dù là tôi hay ai khác cũng không được phép dùng bất cứ phương tiện nào để thoát chết. Ai cũng biết rằng muốn cứu thân mình nơi trận địa chẳng có chi là khó, chỉ cần vất bỏ vũ khí và van xin kẻ đuổi theo tha mạng. Cũng thế, trước mọi hiểm nguy, một khi đã nhất quyết nói và làm bất cứ chuyện gì, người ta có thể tìm ra nghìn cách xoay xở hầu  tránh cái chết.      

Có điều, thưa quý công dân Athènes, tránh cái chết không phải là điều khó nhất, tránh cái ác còn khó hơn bội phần, bởi vì tội ác chạy nhanh hơn cả tử thần[7]. Vì vậy, người già cả nặng nề như Socrate mới bị đứa chậm chân bắt kịp, trong khi kẻ buộc tội tôi, nhẹ nhàng và khoẻ khoắn hơn, đã bị đứa nhanh chân là tội ác túm lấy. Giờ đây tôi sẽ ra đi, với án tử hình của toà án này; nhưng rồi họ cũng sẽ ra đi, đeo theo tội bất công và độc ác của toà án chân lý. Tôi giữ lấy hình phạt của tôi, họ giữ lấy tội trạng của họ. Có lẽ sự việc đã tiến triển đúng như nó phải xảy ra, và đối với tôi, không thể nào suôn sẻ hơn.

Như vậy, mọi việc đã an bài. Nhưng hỡi những kẻ kết tội Socrate, đây là điều tôi  báo trước với quý vị, bởi vì hiện tôi đang ở vào cảnh ngộ đọc được tương lai rõ nét nhất của người sắp lìa đời. Xin cảnh báo rằng, ngay sau khi giết tôi, quý vị sẽ phải chịu một hình phạt độc địa hơn cả cái án chết mà quý vị đã buộc vào tôi. Thật ra, quý vị chỉ giết tôi để tự giải thoát khỏi cái gánh nặng rất khó chịu là cứ phải xét nghiệm đời mình; nhưng rồi xem, tôi nói trước rằng những gì sắp xảy ra sẽ hoàn toàn trái ngược với điều quý vị hy vọng. Quý vị sẽ phải đương đầu với một số người khảo hạch đông đảo mà quý vị không ngờ rằng cho đến nay tôi vẫn cố cầm giữ, và càng trẻ họ càng hung hăng hơn, càng làm quý vị khó chịu hơn[8]. Thật là sai lầm nếu quý vị nghĩ rằng chỉ cần giết người là trốn thoát lời chê trách sống không xét nghiệm. Cách loại bỏ sự kiểm tra ấy vừa bất chính vừa bất khả thi, cách vừa chính đáng vừa dễ dàng là, thay vì tìm cách bịt miệng kẻ khác, hãy tự tu thân sửa tánh. Đấy là điều tôi thấy cần cảnh báo những ai đã kết tội tôi. Bây giờ tôi xin kiếu.   

Nhưng thưa những công dân Athènes đã bỏ phiếu xoá án tôi, Socrate sẵn sàng đàm luận tiếp với quý vị về chuyện xảy ra, trong khi người ta chưa đưa tôi đến nơi chờ chết vì còn bận bịu việc toà. Chúng ta hãy tĩnh tâm một lúc và dùng khoảng thời gian còn lại để cùng đàm luận. Tôi muốn kể quý vị nghe như với bạn hữu chuyện kỳ lạ đã xảy ra cho tôi hôm nay, và giải thích với quý bạn ý nghĩa của nó. Vâng, thưa quý thẩm phán (khi gọi như thế, tôi chỉ trả lại quý vị một danh nghĩa chính đáng), tôi vừa trải nghiệm điều khác thường sau. Cái tiếng nói quỷ thần suốt đời vẫn luôn luôn văng vẳng bên tai, không bỏ lỡ một dịp nào dù nhỏ đến đâu để can ngăn mỗi khi tôi có ý định làm điều gì sai trái, hôm nay lại giữ im lặng, trong khi tôi phải đương đầu với điều mà mọi người có thể và trên thực tế đều cho là nỗi bất hạnh lớn nhất như quý vị biết đấy. Nó không cản tôi khi ra khỏi nhà sáng nay, khi bước ra trước tòa, khi đang phát biểu hay sắp nói điều gì, dù vẫn có thói quen ngắt lời tôi giữa chừng trong mọi hoàn cảnh bình thường khác. Tại sao hôm nay nó lại không ngăn chận bất cứ hành động nào, lời lẽ nào của tôi? Để tôi giải thích với quý bạn: bởi vì điều xảy ra cho tôi hôm nay có vẻ như thật là điều lành, và hẳn là chúng ta đã sai lầm khi tưởng rằng cái chết là nỗi bất hạnh. Đối với tôi, bằng chứng hiển nhiên là nếu tôi lỡ làm điều chi sai trái, thì cái tiếng nói ấy đã lên tiếng cảnh báo.

Còn vài lý do khác để nghĩ rằng cái chết là điều lành. Nó chỉ có thể là một trong hai ngả sau: hoặc là sự hủy diệt tuyệt đối và tiêu tan hoàn toàn của ý thức, hoặc chỉ đơn giản là sự chuyển dời của linh hồn từ cõi này sang cõi khác như người ta nói[9]. Nếu cái chết là sự tước bỏ mọi cảm thức, một giấc ngủ không chiêm bao, thì nó sẽ là hạnh phúc tuyệt vời phải không quý bạn? Bởi vì, ai đó trong quý vị cứ chọn lấy một đêm dài đẫy giấc không bị mộng mị quấy rầy, và so sánh nó với tất cả những ngày, những đêm đã lấp đầy đời mình thử xem. Hãy suy nghĩ rồi tự hỏi xem, liệu trong đời mình đã có được bao nhiêu lúc sung sướng, êm ả hơn thứ đêm ấy. Tôi tin chắc rằng không chỉ người thường, mà ngay cả bậc Đại Đế[10] cũng chẳng tìm ra bao nhiêu đâu, có thể đếm được trên đầu ngón tay. Nếu cái chết là một giấc ngủ tương tự, tôi quả quyết nó không phải là điều bất hạnh, bởi vì cả chuỗi thời gian vô tận dường như chỉ thu lại còn một đêm trường.

Mặt khác, nếu cái chết là sự chuyển dời từ trú sở này sang một cõi khác, và nếu đúng thật như người ta nói, rằng đấy là nơi hẹn hò của bao người đã từng nghiệm trải cuộc sống trần gian, còn có thể tưởng tượng được hạnh ngộ nào lớn hơn, thưa quý thẩm phán? Bởi vì rốt cuộc, nếu đến cõi Hadès mà thoát khỏi tay những kẻ mệnh danh là quan toà ở đây để gặp các vị thẩm phán đích thực, những người được xem là luôn luôn thực thi công lý, như Minos, Rhadamanthe và Éaque[11] hay như Triptolème và các vị bán thần khác đã từng sống công chính suốt đời, thì cuộc hành trình này lại khốn khổ đến thế hay sao? Chúng ta phải trả cái giá nào để được đàm luận với Orphée, Musée, với Hésiode, Homère? Riêng tôi, nếu chết mà được như thế thật, tôi sẵn sàng chết nhiều lần, nhất là nếu được gặp Palamède, gặp Ajax con của Télamon[12], và tất cả những người thời xưa đã chết oan vì là nạn nhân của các bản án bất công! Trò chuyện với họ, rồi so sánh những gì đã xảy ra cho họ và cho bản thân mình, thú vị đấy chứ! Nhưng có lẽ thú vui lớn nhất của tôi, ở đấy cũng như ở đây, vẫn lại là dùng cả đời mình vào việc chất vấn và xem xét mọi nhân vật mà tôi gặp trên đường, để phân biệt ai là người hiểu biết, ai là người chỉ tưởng mình thông thái mà không thực hiểu biết. Phải trả cái giá nào, thưa quý thẩm phán, để có thể khảo sát Agamemnon, vị tướng đã thống lãnh cả một đội quân hùng hậu như thế để đánh thành Troie, hay Ulysse hay Sisyphe, và bao nhân vật nam nữ khác nữa, những người mà chỉ được sống bên cạnh, được chuyện trò với họ thôi để quan sát và tìm hiểu, cũng đã là một đại phúc không nói hết được? Ít ra ở đấy, không ai bị kết án tử hình vì loại hành động tương tự; bởi vì ngoài cả nghìn lợi thế đã đặt cuộc sống của họ cao hơn của chúng ta rất xa, cư dân nơi đây còn hưởng lộc bất tử, nếu đúng như người ta nói.

Vì vậy, thưa quý thẩm phán, cả quý bạn nữa cũng nên giữ hy vọng trước cái chết, và lấy chân lý này làm điều tâm niệm: không ác quả nào có thể xảy đến với người thiện, dù trong đời này hay sau khi chết, vì thần thánh không bao giờ bỏ rơi họ. Chuyện xảy ra cho tôi hôm nay không hề là ngẫu nhiên; đối với tôi, rõ ràng rằng chết vào lúc này và thoát khỏi mọi hệ lụy của cuộc sống là điều tốt lành nhất; chính vì thế mà cái tiếng nói quỷ thần kia hôm nay đã im lặng. Tôi không oán hận gì mấy kẻ đã buộc tội hay nhóm người đã kết án tôi, mặc dù ý đồ của họ là tìm cách hãm hại tôi chứ không phải mưu cầu điều lành, và như thế tôi hoàn toàn có lý do để trách móc họ. Tôi chỉ yêu cầu họ một điều. Khi các con tôi khôn lớn, nếu quý vị thấy chúng tìm kiếm của cải hay bất cứ thứ chi khác nhiều hơn là đức hạnh, hãy trừng phạt chúng bằng cách tra vấn chúng như tôi đã hành hạ quý vị, và nếu chúng vênh váo tưởng mình đã trở thành cái gì trong khi chúng chưa thực là gì cả, hãy làm chúng hổ thẹn vì sự vô tâm và ngạo mạn ấy, như tôi đã dằn vặt quý vị. Nếu quý vị làm được như thế, bố con chúng tôi xin thực lòng ca ngợi sự công chính của quý vị.

 Nhưng đã đến lúc chúng ta chia tay nhau, tôi bước vào nẻo chết, và quý vị trở lại đường sống. Bên nào rồi sẽ nhận lấy số phần lợi hơn? Đâu ai biết được, chỉ có thần thánh may ra.  

 PHẠM TRỌNG LUẬT dịch và chú thích


Nguồn : http://amvc.fr



[1] Nếu số thẩm phán là 500 người như thông lệ, bên nguyên được 280 phiếu và bên bị 220. Chỉ cần 30 phiếu đổi chỗ là mỗi bên được 250 phiếu, bất phân thắng bại và toà phải xử trắng án. Vì được hơn 1/3 tổng số phiếu, Socrate cho rằng ông đã thoát tay Mélétos là kẻ buộc tội duy nhất mà ông gọi đích danh ra đối chất. Mặt khác, nếu chia đều 280 số phiếu bên nguyên cho 3 người buộc tội, Mélétos chỉ mang lại chưa tới 1/5 tổng số phiếu, thua kiện và phải trả tiền phạt.

[2] Socrate sẽ đưa ra một phản đề nghị với hai vế, cái thứ nhất tương xứng với tư cách ân nhân thành quốc, cái thứ hai tương đương với khả năng chịu đựng của ông. Đoạn này nói về vế  thứ nhất: Socrate khẳng định ông xứng đáng được đối xử như thượng khách hay công dân gương mẫu của Athènes.

[3] Công đường nói đây không phải là dinh Tholos như thường bị nhầm lẫn. Dinh Tholos là nơi nghị viên Athènes sống chung trong thời gian hành sử quyền cai trị thành quốc. Công đường là nhà khách chung của Athènes, nơi chiêu đãi các thượng khách, những công dân danh giá hoặc xuất sắc trong mọi lãnh vực (thể thao, quân sự...).

[4] Số nhân viên được giao cho nhiệm vụ cai quản ngục thất, và hành quyết tử tội khi cần. Họ được chỉ định hàng năm và làm việc theo nguyên tắc luân phiên.

[5] Đối với Socrate, điều hung có hại duy nhất là những gì có thể gây tổn thương cho tâm hồn, tiền phạt do đó không thể gây thiệt hại gì cho ông.

[6] Vế thứ hai của phản đề nghị, tương đương với khả năng chịu đựng của Socrate. Về giá trị của 2 món tiền đề nghị: 1 min được xem là giá phải chăng để chuộc tù binh thời đó; 30 min tương đương với của hồi môn mà 1 công dân trung lưu có thể trả cho chị hoặc em.

[7]  Đây có lẽ là một thành ngữ rất phổ biến vào thời đó.

[8]  Socrate muốn cảnh báo rằng việc làm của ông sẽ ngày càng lan rộng, triệt để hơn, và do chính các thế hệ con cháu của những kẻ đã kết án ông đảm trách.

[9]  Quan điểm đầu rất phổ biến ở Hy Lạp thời đó, trong tác phẩm của Homère và có lẽ được đa số những kẻ xử ông chấp nhận. Quan niệm sau có thể xuất phát từ các nhóm thiểu số chủ trương một thứ tôn giáo huyền bí.

[10]  Ở đây, từ này chỉ hoàng đế xứ Perse mà sự giàu có và hạnh phúc giả định đã được chấp nhận rộng rãi trong dư luận bình dân.

[11] Cả 3 đều là con của thần Zeus, là vua nơi trần thế và được xem là những thẩm phán công chính dưới Hadès.

[12] Palamède, Ajax, Télamon đều là những anh hùng chết vì bị đối xử không công chính. Trái lại, Agamemnon, Ulysse và Sisyphe là những anh hùng có mặt bất công. Ulysse đã giấu vàng trong lều Palamède rồi vu oan là thông đồng với giặc, khiến Palamède bị ném đá chết. Agamemnon ban thưởng chiến bào và vũ khí của Achille cho Ulysse thay vì Ajax, khiến Ajax tự sát.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt