NHẬP MÔN LOGIC HỌC
KHÁI QUÁT VỀ SUY LUẬN PHẠM ĐÌNH NGHIỆM
Phạm Đình Nghiệm. Nhập môn Logic học. Nxb. Đại học quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh, 2008, tr. 86-91. Bản đăng trên triethoc.edu.vn đã được tác giả cho phép.
Đến nay chúng ta đã nghiên cứu các hình thức biểu thị tư tưởng cơ bản như khái niệm và phán đoán. Ngoài những hình thức biểu thị tư tưởng, tư duy còn có các hình thức sản sinh ra tư tưởng mới từ các tư tưởng đã có, rút ra các tri thức mới từ tri thức đã biết. Hình thức đó gọi là suy luận. Suy luận có một vai trò vô cùng to lớn trong nhận thức và trong đời sống. Trong cả hai lĩnh vực này con người chỉ có được một cách trực tiếp (nhờ quan sát, làm thí nghiệm, trải nghiệm,… ) một lượng nhỏ thông tin mà thôi. Lượng thông tin đó hoàn toàn không đủ cho hoạt động của con người. Để có thể hoạt động hiệu quả, con người phải rút ra nhiều thông tin khác từ các thông tin đã có, tức là phải suy luận. Nghiên cứu suy luận là vấn đề trọng tâm của logic học. I. ĐỊNH NGHĨA VÀ CẤU TRÚC 1. Định nghĩa Suy luận (còn gọi là suy diễn logic) là hình thức của tư duy, trong đó từ một số tri thức đã có rút ra tri thức mới. 2. Cấu trúc Suy luận gồm có hai thành phần là tiền đề và kết luận. Tiền đề là những tri thức đã biết, hoặc được thừa nhận, làm cơ sở cho suy luận, còn kết luận là tri thức được rút ra. Tiền đề có thể được tạo thành từ nhiều tri thức, sự kiện khác nhau. Mỗi sự kiện hay tri thức trong phần tiền đề cũng được gọi là các tiền đề. Cũng tương tự như vậy, kết luận có thể bao gồm nhiều tư tưởng, tri thức khác nhau. Mỗi tri thức hay tư tưởng trong phần kết luận cũng được gọi là các kết luận. Trong suy luận thường có các từ chỉ thị tiền đề, cho biết phần nào đó của nó là phần tiền đề; hoặc là từ chỉ thị kết luận, cho biết phần nhất định nào đó của suy luận là kết luận. Các từ chỉ thị tiền đề trong tiếng Việt rất đa dạng. Một số từ trong đó là : vì, bởi, do, …. Các từ chỉ thị kết luận cũng rất đa dạng, một số từ thường gặp là : do đó, vậy, bởi vậy, vì vậy, từ đó, suy ra, … 3. Ví dụ
Phần in nghiêng trên đây là một suy luận. Phần từ đầu đến từ "vì vậy" là tri thức đã biết, đã được thừa nhận, hoặc được giả định, là phần tiền đề. Phần còn lại là phần kết luận, được rút ra từ phần tiền đề. Trong suy luận này từ "vì vậy" ngăn cách hai phần tiền đề và kết luận. Có thể coi hai câu trong phần tiền đề là hai tiền đề. Các phần "nước ta không thể quay lưng lại với tiến trình toàn cầu hoá", "phải biết khai thác những thuận lợi mà quá trình này đem lại" và "phải hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của nó (toàn cầu hoá)" là các kết luận của suy luận đang xét.
Đoạn văn trên đây là một suy luận, trong đó, từ những tiền đề là các ví dụ về sự phát triển trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Mỹ, các tác giả rút ra kết luận rằng mối quan hệ đó đang có tiến triển tích cực (và vì thế không nên phá hoại nó, hãy bỏ phiếu “Chống” cho nghị quyết HR 1587). Ở đây đoạn văn nhỏ cuối cùng là kết luận của suy luận, toàn bộ phần trên đó là các tiền đề, cụm từ “những ví dụ này minh họa cho” là phần chỉ thị cả tiền đề và kết luận của suy luận. II. SUY LUẬN HỢP LOGIC (ĐÚNG LOGIC) VÀ SUY LUẬN ĐÚNG Không phải suy luận nào cũng được chấp nhận. Chỉ có những suy luận thỏa mãn những yêu cầu nhất định mới được chấp nhận mà thôi. Những yêu cầu như vậy phụ thuộc vào các loại suy luận cụ thể và sẽ được nghiên cứu trong các chương tiếp theo của sách này. Ở đây chúng tôi chỉ nêu các khái niệm suy luận hợp logic (còn gọi là suy luận đúng về logic) và suy luận đúng mà thôi. Suy luận hợp logic (valid) là suy luận tuân thủ các quy tắc logic. Ngay cả khi suy luận có các tiền đề và kết luận sai thì nó vẫn hợp logic, nếu nó tuân thủ các quy tắc logic. Chẳng hạn, suy luận: Mọi loài chim đều biết bay, Đà điểu là loài chim, Vậy đà điểu biết bay ; có tiền đề đầu tiên sai, kết luận cũng sai, nhưng vì tuân thủ tất cả các quy tắc logic nên nó là suy luận hợp logic. Ngược lại, dù suy luận có tất cả các tiền đề và kết luận đều đúng, nhưng vi phạm các quy tắc logic thì suy luận đó không hợp logic. Chẳng hạn, suy luận: Trong thời đại toàn cầu hóa, các nước đang phát triển cần phải tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương để bảo vệ quyền lợi của mình, Việt Nam đang tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương, Như vậy Việt Nam là một nước đang phát triển ; có các tiền đề và kết luận đều đúng, nhưng không thỏa mãn các quy tắc logic, nên là suy luận không hợp logic. Suy luận hợp logic, tức là suy luận tuân thủ các quy tắc logic, chính là loại suy luận trong đó các tiền đề tạo thành cơ sở đầy đủ cho kết luận. Những suy luận không hợp logic là những suy luận mà tiền đề hoặc không liên quan đến kết luận (xét về mặt logic) ; hoặc có liên quan đến, nhưng chưa đủ cơ sở để rút ra kết luận; hoặc là tổng hợp của cả hai trường hợp đó. Suy luận “Mọi sự vật và hiện tượng xảy ra và tồn tại trong thế giới của chúng ta đều tuân theo những quy luật nhất định và tạo nên một sự hài hòa tuyệt diệu. Như vậy chắc chắn có Chúa Trời" rõ ràng có tiền đề đúng, tuy nhiên tiền đó chưa phải là cơ sở đầy đủ để có thể rút ra được kết luận. Vì thế đây là suy luận không hợp logic. Suy luận đúng (sound) là suy luận hợp logic và có các tiền đề và kết luận đều đúng. Suy luận về đà điểu trên đây là suy luận không đúng, vì nó có một tiền đề và kết luận sai. Khái niệm suy luận đúng có mức độ trừu tượng hóa thấp hơn khái niệm suy luận hợp lý. Nếu để xác định xem một suy luận là hợp logic hay không ta chỉ cần có tri thức logic thôi thì để xác định một suy luận có đúng hay không ngoài tri thức logic ra, ta cần phải có tri thức về lĩnh vực mà suy luận đó nói tới. Chẳng hạn, phải có tri thức vật lý nguyên tử và hạt nhân mới có thể xác định tính đúng sai của suy luận: “Tất cả các trường vật lý đều có hạt truyền tương tác. Trường hấp dẫn cũng là một trường vật lý. Như vậy trường hấp dẫn cũng có hạt truyền tương tác". Chính điều này làm cho khái niệm suy luận đúng có giới hạn ứng dụng hẹp hơn nhiều so với giới hạn ứng dụng của khái niệm suy luận hợp logic. Logic hình thức không quan tâm đến nội dung cụ thể của các hạn từ, khái niệm, phán đoán, … nên, đối với nó, khái niệm hợp logic (đúng logic) có vai trò quan trọng hơn khái niệm đúng của suy luận. Trong sách này chúng tôi dùng từ suy luận đúng để nói đến suy luận hợp logic, tức suy luận đúng logic. III. CÁC LOẠI SUY LUẬN 1. Phân loại căn cứ vào số lượng tiền đề Căn cứ vào số lượng tiền đề của suy luận, người ta chia chúng ra thành suy luận trực tiếp - suy luận có một tiền đề, và suy luận gián tiếp - suy luận có từ hai tiền đề trở lên.
Trong ví dụ 3, (a) là suy luận trực tiếp, còn (b) là suy luận có hai tiền đề, là suy luận gián tiếp. 2. Phân loại căn cứ vào việc sử dụng thông tin chứa trong cấu trúc chủ từ-thuộc từ của các phán đoán thuộc tính đơn. Suy luận trong đó không tính đến thông tin chứa trong cấu trúc chủ từ - thuộc từ có mặt trong các tiền đề được gọi là suy luận với tiền đề phức, hay là suy luận trong logic mệnh đề. Suy luận trong đó có tính đến loại thông tin nêu trên gọi là suy luận trong logic vị từ. Một dạng của loại suy luận này mà chúng ta sẽ xét đến gọi là tam đoạn luận đơn.
Ở ví dụ 4 này (a) là suy luận với tiền đề phức, còn (b) là một suy luận trong logic vị từ. 3. Phân loại theo độ tin cậy của kết luận Nếu suy luận đảm bảo từ các tiền đề đúng kết luận sẽ chắc chắn đúng thì loại suy luận đó là suy luận diễn dịch. Còn nếu các tiền đề đúng, nhưng suy luận không đảm bảo kết luận là chắc chắn đúng thì loại suy luận đó là suy luận quy nạp. Đây là cách hiểu hiện đại của các thuật ngữ suy luận diễn dịch và suy luận quy nạp. Còn trong logic truyền thống người ta cho rằng suy luận, trong đó từ tiền đề là tri thức khái quát rút ra kết luận là tri thức riêng lẻ, thì gọi là suy luận diễn dịch. Suy luận trong đó từ các tiền đề là các tri thức riêng lẻ ta khái quát hoá lên thành kết luận là tri thức chung, khái quát, thì gọi là suy luận quy nạp. Ngoài hai loại này còn có dạng suy luận thứ ba là tương tự, hay còn gọi là loại suy, là loại suy luận, trong đó từ tri thức về một đối tượng hay một mối quan hệ nào đó, dựa trên sự tương đồng của đối tượng hay quan hệ này với một đối tượng hay quan hệ khác nhận được tri thức về đối tượng hay quan hệ thứ hai này. Các tam đoạn luận đơn đã dẫn trên đây là các ví dụ suy luận diễn dịch. Nếu trong ví dụ 4(b) ta thấy có tiền đề là quy luật chung, khái quát “Mọi sinh viên hiện nay đều phải biết sử dụng thành thạo máy vi tính”, từ đó người ta rút ra kết luận là tri thức về một đối tượng sinh viên riêng lẻ “Minh phải biết sử dụng thành thạo máy vi tính” theo đúng như quan điểm truyền thống về diễn dịch, thì ở ví dụ 4(b) khó nói rằng tri thức trong các tiền đề khái quát hơn so với tri thức có trong kết luận, vì cũng đều nói về cùng một đối tượng (nước X). Rõ ràng là ở đây quan điểm hiện đại vềdiễn dịch hợp lý hơn. Sau đây là một suy luận quy nạp (theo cả hai quan điểm truyền thống và hiện đại”.
Trong ví dụ này ta thấy từ các trường hợp riêng Aristote, Descartes, Newton, Leibniz, Poincaré, Einstein, Bohr, Heizenberg nêu trong tiền đề, người ta đã khái quát hóa thành quy luật chung về tất cả các nhà khoa học tự nhiên vĩ đại trong kết luận. Ví dụ 6 sau đây là suy luận tương tự.
Trong ví dụ trên đây căn cứ vào sự giống nhau của giọt nước và nguyên tử mà từ sự phân rã của những giọt nước lớn người ta đi đến kết luận về sự phân rã của các nguyên tử có nguyên tử lượng lớn. Trong sách này chúng ta sử dụng quan niệm hiện đại về diễn dịch và quan niệm truyền thống về quy nạp và loại suy. Ta sẽ xét một số dạng suy luận diễn dịch và suy luận quy nạp, suy luận tương tự.
[1] Đây là bức thư có tiêu đề “Hãy cùng chúng tôi ủng hộ mối quan hệ đang tiến triển tích cực với VN” do hai nghị sĩ Mỹ Rob Simmons và Lane Evans gửi tới toàn thể thành viên hạ viện trước giờ bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ về Đạo luật nhân quyền VN 2003 (HR.1587) được Tuổi Trẻ Online giới thiệu (xem Tuổi Trẻ Online, Thứ Sáu, 16/07/2004, 08:29 (GMT+7)).
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC