NHẬP MÔN LOGIC HỌC
SUY LUẬN TƯƠNG TỰ PHẠM ĐÌNH NGHIỆM
Phạm Đình Nghiệm. 2013. Nhập môn Logic học. Chương 11. “Suy luận tương tự”. Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, trang 147-149. Bài viết đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự đồng ý của tác giả.
I. ĐỊNH NGHĨA VÀ CẤU TRÚC Suy luận tương tự, hay còn gọi là loại suy, là một dạng suy luận được sử dụng rất phổ biến cả trong khoa học và trong đời sống. Đây là dạng suy luận, trong đó kết luận được rút ra nhờ sự giống nhau (tương tự) của các đối tượng. Suy luận tương tự có cấu trúc như sau : Đối tượng a có tính chất p1, p2, …, pn, q Đối tượng b có tính chất p1, p2, …, pn Vậy, đối tượng b cũng có tính chất q Ví dụ 1. Công ty nọ năm trước đã tuyển một cử nhân kinh tế tốt nghiệp loại khá khoa quản trị kinh doanh Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Sau một thời gian người này làm việc tại công ty người ta thấy anh ta làm việc tốt, sáng tạo và có tinh thần trách nhiệm cao. Năm nay lại có một cử nhân kinh tế cũng tốt nghiệp loại khá khoa quản trị kinh doanh Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đến xin việc làm tại công ty. Phòng nhân sự của công ty này cho rằng có thể nhận anh ta vào làm việc, vì anh ta giống với người năm trước mà họ đã tuyển, nên có lẽ cũng làm việc tốt như thế. Các đối tượng a và b trong cấu trúc trên đây được hiểu theo nghĩa rộng. Chúng có thể là những vật thể, quá trình, hiện tượng, các trừu tượng toán học, các lý thuyết, khái niệm,… chúng cũng có thể là các mối quan hệ, … II. TÍNH CHẤT CỦA SUY LUẬN TƯƠNG TỰ 1. Kết luận chứa thông tin mới so với các tiền đề Khác với suy luận diễn dịch, kết luận của suy luận tương tự có thể chứa thông tin vốn không có sẵn trong các tiền đề của nó. Trong cấu trúc trên đây chúng ta thấy rõ rằng các tiền đề không chứa thông tin về tính chất q của đối tượng b, thế nhưng kết luận lại chứa thông tin đó. Trong ví dụ 1, các tiền đề hoàn toàn không chứa thông tin về việc người xin việc hiện nay liệu có làm việc tốt hay không, nhưng kết luận lại khẳng định điều đó. 2. Kết luận không đảm bảo chắc chắn đúng khi các tiền đề đều đúng Vì kết luận của suy luận tương tự chứa thông tin mới hơn so với các tiền đề, nên nó không đảm bảo chắc chắn đúng ngay cả khi các tiền đề đều đúng, cho dù suy luận được thực hiện theo đúng cấu trúc. Suy luận trong ví dụ 1 có thể cho kết quả sai lầm, người đến xin việc năm nay không làm việc tốt như người mà công ty đã tuyển năm trước, mặc dù các tiền đề đều đúng và suy luận có cấu trúc chuẩn. 3. Tính thuyết phục cao Mặc dù kết luận của nó không phải lúc nào cũng đúng, nhưng suy luận tương tự có tính thuyết phục rất cao. Khi sử dụng diễn dịch để rút ra một kết luận nào đó thì nói chung chúng ta vẫn nằm trong khuôn khổ lý luận, vốn có tính trừu tượng cao, và vì thế khó nắm bắt, khó hiểu với nhiều người, hệ quả là tính thuyết phục bị hạn chế. Trong khi đó, suy luận tương tự dựa vào sự giống nhau giữa đối tượng đang được khảo sát với đối tượng khác, thường là đối tượng đã được biết rõ, biết rất cụ thể, nên dễ hiểu, dễ nắm bắt đối với nhiều người, và vì thế dễ thuyết phục họ. Ví dụ 2. Khi người ta thuyết trình cho những người dân một vùng biển nọ về cái lợi của việc nuôi tôm trên cát thì không mấy người nghe theo, mặc dù người ta đã lập luận rất chặt chẽ, tính toán chi li từng khoản tiền phải đầu tư và mức lợi nhận có được. Nhưng sau đó, khi cho những người dân nói trên tham quan mô hình nuôi tôm thành công trên cát của những người dân ở một địa phương khác, rồi lập luận : điều kiện của họ như chúng ta, họ làm ăn có lãi lớn, nên nếu làm, chúng ta cũng sẽ có lãi lớn, thì người dân nghe theo. Tính thuyết phục cao cũng chính là một trong các lý do làm nên sự phổ biến của suy luận tương tự. Thời Chiến Quốc ở Trung Quốc các nhà du thuyết rất hay dùng suy luận tương tự để thuyết phục vua chúa. 4. Tính gợi ý cao Suy luận tương tự có tính chất rất đáng quý là có tính gợi ý, gợi mở rất cao. Sự giống nhau giữa các đối tượng gợi cho người ta liên tưởng và đi đến những khám phá mới. Ví dụ 3. Các nhà vật lý thấy nguyên tử giống như giọt nước. Mà giọt nước nếu lớn quá thì không bền, bị vỡ. Từ đó họ cho rằng nguyên tử có nguyên tử lượng lớn cũng không bền. Và điều đó đã được khoa học kiểm chứng. III. MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO ĐỘ TIN CẬY CỦA SUY LUẬN TƯƠNG TỰ 1. Tăng thêm số lượng các tính chất giống nhau dùng làm cơ sở của kết luận Trong cấu trúc của suy luận tương tự trên đây, số n càng lớn thì suy luận càng đáng tin cậy. Ở ví dụ 1 trên kia, nếu ngoài những tính chất giống nhau của hai cử nhân kinh tế đã nêu họ còn giống nhau ở các mặt khác như sức khỏe, tính cách … thì kết luận họ có lẽ sẽ làm việc tốt như nhau đáng tin cậy hơn. 2. Đảm bảo mối liên hệ giữa những sự giống nhau dùng làm cơ sở của suy luận với tính chất được nói đến trong kết luận Suy luận trong ví dụ 1 có độ tin cậy tương đối cao, vì các tính chất như ngành nghề đã học, khoa, trường đã tốt nghiệp và hạng tốt nghiệp có liên hệ mật thiết với khả năng làm việc của một người. Nếu trong suy luận này thay vì sự giống nhau về hạng tốt nghiệp ta lại nói đến sự giống nhau về quê quán hay sở thích âm nhạc - những điều không liên quan mật thiết với khả năng làm việc - thì độ tin cậy sẽ giảm đi nhiều. Vì vậy, để suy luận tương tự có được kết luận đáng tin cậy thì nên dựa vào những sự giống nhau của các tính chất có quan hệ mật thiết với kết luận muốn rút ra. IV. VAI TRÒ CỦA SUY LUẬN TƯƠNG TỰ Mặc dù không đảm bảo kết luận chắc chắn đúng ngay cả khi các tiền đề đều đúng và suy luận tuân thủ đúng quy tắc logic, nhưng suy luận tương tự vẫn có một vai trò rất to lớn trong đời sống hàng ngày và trong khoa học. Loại suy luận này có rất nhiều ứng dụng. Trong đời sống và trong giảng dạy người ta thường dựa trên suy luận này để giải thích, giảng giải, thuyết phục người khác. Đối với khoa học, ứng dụng lớn nhất của suy luận tương tự là phương pháp mô hình hóa. Trong phương pháp này người ta không nghiên cứu trực tiếp đối tượng, mà nghiên cứu trên mô hình của nó. Mô hình của đối tượng có thể thuộc hai loại khác nhau là mô hình vật lý (thực thể) và mô hình tư tưởng (lý thuyết). Mô hình vật lý của đối tượng là một vật thể vật lý giống với đối tượng về phương diện mà nhà nghiên cứu quan tâm. Chẳng hạn các mô hình chuỗi xoắn kép ADN trong các phòng thí nghiệm di truyền học, hay mô hình hệ mặt trời trong các phòng học vật lý. Mô hình lý thuyết của đối tượng thông thường là những cấu trúc lý thuyết mô tả đối tượng. Ví dụ như một hệ thống các phương trình toán học diễn tả các tương quan giữa các yếu tố của nền kinh tế là một mô hình kinh tế. Vì mô hình giống với đối tượng về phương diện mà nhà nghiên cứu quan tâm, nên việc nghiên cứu trên mô hình giúp rút ra kết luận - dựa trên suy luận tương tự - cho đối tượng trên thực tế. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC