HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC
LỜI TỰA
9. CHUYỂN HÓA (VERWANDLUNG) CÁI ĐƯỢC HÌNH DUNG BẰNG BIỂU TƯỢNG (DAS VORGESTELLTE) VÀ CÁI QUEN THUỘC [CÁI “ĐÃ BIẾT”] THÀNH TƯ TƯỞNG …
G. W. F. HEGEL (1770-1831) BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải
Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.
§ 30 Từ vị trí ta đang đứng hiện nay để tiếp thu sự vận động này, xét trong quan hệ với cái toàn bộ, điều ta không cần phải làm nữa, đó là tiến trình thủ tiêu và vượt bỏ (Aufheben) [giai đoạn của] sự hiện hữu [đơn thuần] (Dasein). | [Tiến trình này đã diễn ra]. | Điều còn phải làm và cần một sự cải tạo (Umbil-dung) cao hơn*, đó là [vượt bỏ] những hình thức được hình dung bằng biểu tượng (Vorstellung) và [được làm cho trở thành quá] quen thuộc (Bekanntschaft) [với tâm trí chúng ta]. Do tiến trình phủ định lần thứ nhất trước đây, sự hiện hữu – đã được thu hồi trở lại vào trong bản thể [của tâm trí] – thoạt đầu chỉ mới được chuyển dời vị trí vào trong môi trường (Element) của tự ngã (Selbst) [vào trong “tâm trí” của cái Tôi] một cách trực tiếp mà thôi. | Qua đó, sở hữu mà tự ngã có được vẫn còn mang cùng một đặc tính: đó là tính trực tiếp không được nhận thức bằng Khái niệm, tính dửng dưng bất động giống như bản thân sự hiện hữu đã có; nói cách khác, bằng cách này, sự hiện hữu chỉ đơn thuần được chuyển hóa sang [hình thức của] biểu tượng. Đồng thời, khi làm như thế, nó trở thành một cái gì “quen thuộc” với ta, một cái gì “đã được biết” (ein Bekanntes), tức cái gì mà tinh thần [tâm trí] đang hiện hữu* xem như đã giải quyết xong, không còn phải làm điều gì nữa và không cần tiếp tục quan tâm. Trong khi bản thân việc làm vừa nói – tức thanh toán gọn ghẽ sự hiện hữu [bằng cách chuyển hóa nó thành biểu tượng] – chỉ là tiến trình vận động của loại tinh thần [tâm trí] đặc thù*, không thấu hiểu được chính mình, thì ngược lại, Tri thức hướng đến việc bác bỏ loại biểu tượng đã được hình thành như thế, tức bác bỏ cái tình trạng “đã quen thuộc”, “đã được biết” này chính là hành động của Tự ngã phổ biến và là sự quan tâm [đích thực] của Tư duy83.
§ 31 Sở dĩ cái “quen thuộc” [cái “đã biết”] nói chung không được nhận thức (erkannt) [thực sự] chính là do nó quá “quen thuộc”. Đi vào trong diễn trình nhận thức mà cứ tiền-giả định một điều gì đấy là cái “đã quen thuộc” [“đã biết”] và tự vừa lòng với điều ấy, chính là cách tự lừa dối mình thông thường nhất cũng như lừa dối người khác. | Cái biết theo kiểu ấy – cái biết mà không biết việc biết diễn ra như thế nào – thì dù kể lể dài dòng, vẫn không tiến lên được một bước nào cả. Nào là “chủ thể”, “khách thể” v.v..; và nào là “Thượng đế”, “Tự nhiên”, “giác tính”, “cảm năng” v.v.., tất cả những điều ấy đều được thiết định như là cơ sở một cách thiếu phê phán như là những cái gì “đã quen thuộc” và có giá trị, tạo thành những điểm cố định, cứng đờ (feste Punkte) để xuất phát cũng như để quay trở lại. Tiến trình vận động [của cái biết] cứ lui tới giữa những điểm bất động và cứng đờ ấy, và do đó, chỉ lẩn quẩn trên bề mặt hời hợt. Trong trường hợp ấy, việc lãnh hội và kiểm tra [cái biết] chung quy cũng chỉ là để xem thử liệu những điều được người khác nói ra có tương ứng với biểu tượng [có sẵn] của mình hay không, liệu chúng có “quen thuộc” hay “có vẻ” giống như biểu tượng của mình hay không mà thôi.
§ 32 Việc phân tích (Analysieren) một biểu tượng – như vẫn thường được thực hiện – vốn không gì khác hơn là vượt bỏ (Aufheben) hình thức “đã quen thuộc” này đi của biểu tượng. Tháo rời (auseinanderlegen) một biểu tượng ra thành những thành tố căn nguyên (ursprüngliche Elemente) của nó có nghĩa là đi trở ngược lại đến với những mô-men (Momente) ít ra không [còn] mang hình thức của biểu tượng có sẵn đó mà là những yếu tố tạo nên sở hữu trực tiếp của Tự ngã. Tất nhiên, sự phân tích này chỉ dẫn đến những tư tưởng mà bản thân chúng cũng là những sự quy định quen thuộc, cố định và tĩnh tại. Nhưng, một yếu tố cơ bản [ở đây] chính là bản thân cái gì đã được tách rời, cái không [còn là] hiện thực ấy, bởi lẽ chỉ khi cái Cụ thể tự-tách rời (sich scheidet), [tự phân biệt] và tự trở thành cái không-hiện thực mới chính là cái Cụ thể tự-vận động. Hành động tách rời là sức mạnh và công việc của Giác tính (Verstand), của quyền lực kỳ diệu nhất, vĩ đại nhất trong mọi quyền lực, hay đúng hơn, của quyền lực tuyệt đối84. Cái vòng tròn tự khép kín và đứng im, và, với tư cách là Bản thể, giữ vững những yếu tố của nó, là tình trạng trực tiếp, nên không có gì là kỳ diệu cả. Thế nhưng, một cái “tùy thể”, xét như “tùy thể”, được tách rời khỏi cái toàn cảnh bao chứa nó, tức cái gì vốn bị cột chặt và chỉ là hiện thực trong mối liên kết với những cái khác mà lại có được sự hiện hữu riêng và sự tự do độc lập cho riêng mình, đó chính là quyền lực khổng lồ của cái Phủ định, là năng lực (Energie) của Tư duy, của cái Tôi thuần túy. Cái Chết – nếu ta muốn gọi tính không-hiện thực ấy như thế – là cái đáng sợ nhất; và việc giữ vững cái chết đòi hỏi một sức mạnh lớn hơn tất cả. Còn cái Đẹp yếu ớt, bất lực lại thù ghét Giác tính, bởi Giác tính buộc nó phải làm những gì nó không thể nào làm được. Nhưng, không phải sự sống vốn e sợ cái chết và cố giữ mình thoát khỏi sự hủy hoại, trái lại, sự sống chịu đựng được cái chết và tự bảo tồn chính mình ở bên trong cái chết mới thực là sự sống của Tinh thần. Tinh thần chỉ giành được chân lý của mình, khi nó tìm thấy chính mình ở ngay bên trong sự đổ vỡ giằng xé tuyệt đối (absolute Zerrissenheit). Tinh thần là quyền lực này, không phải với tư cách là cái Khẳng định phớt lờ cái Phủ định, giống như khi ta bảo điều gì đấy là không có, hay là sai và xem thế là đã giải quyết xong, rồi chuyển sang một điều khác; trái lại, Tinh thần là quyền lực này chỉ khi nó nhìn thẳng vào mặt cái Phủ định và “lưu trú” (verweilt) trong đó. Việc “lưu trú” này là sức mạnh thần diệu để đảo hóa (umkehren) cái Phủ định thành cái tồn tại. Quyền lực ấy chính là điều ta đã gọi trên đây là Chủ thể, tức là cái khi mang lại cho tính quy định (Bestimm-heit) sự hiện hữu (Dasein) ở bên trong môi trường của mình thì thủ tiêu tính trực tiếp trừu tượng đi, tức, thủ tiêu tính trực tiếp chỉ đơn thuần “có đó”; và nhờ thế, mới là Bản thể chân thực: sự tồn tại hay tính trực tiếp ấy không còn để sự trung giới ở bên ngoài mình, mà là bản thân sự trung giới này85. * “cần một sự cải tạo cao hơn”: Hegel thêm vào cho Ấn bản II. * “đang hiện hữu” (der daseiende Geist): Hegel thêm vào cho Ấn bản II. * Ấn bản I: “... [thanh toán] sự hiện hữu là sự trung giới trực tiếp, và khi làm như thế, chỉ đơn thuần là sự vận động của tinh thần đặc thù”... Đây là chỗ cuối cùng được Hegel tự tay sửa chữa khi chuẩn bị cho Ấn bản II, vì sau đó ông đột ngột qua đời (14.11.1831). 83 Trong “Triết học về Tinh thần”/“Philosophie des Geistes” năm 1805, Hegel đã nêu các cấp độ mà tư tưởng “hấp thu” đối tượng theo trình tự: trực quan, hồi ức, hình dung bằng biểu tượng và khái niệm. 84 “Sức mạnh và công việc của giác tính”: Mục đích của Hegel là vượt qua tư duy “giác tính trừu tượng, cứng nhắc”, nhưng không phải để đối lập nó một cách trừu tượng với một nguyên tắc nhận thức khác, mà thừa nhận giác tính trong “sức mạnh” và “chức năng” của nó, thậm chí là “sức mạnh kỳ diệu” như là “năng lượng” của tư duy “nhìn thẳng vào” cái phủ định, cái chết, xem chúng là mô-men (Moment) cơ bản của bản thân cái sống, cái khẳng định. 85 Ta cần hiểu quan niệm của Hegel về “việc phân tích” hay về “sức mạnh của sự phủ định”, của sự “phân ly”, “phân đôi” một cách đầy đủ, không chỉ như là của giác tính của chúng ta (của tư duy) mà còn của bản thân tồn tại (hay nói dúng hơn, của “giác tính của sự vật”). Đó là năng lực “phân chia” và mang lại một sự “hiện hữu” cho cái bị phân chia (“đảo hóa cái phủ định thành cái tồn tại”). Trước ông, tư tưởng Đức luôn được thôi thúc bởi kinh nghiệm về sự đối lập (Nicolas von Cues, Luther, Paracelus, Bӧhme…) nhưng chưa ai đẩy chức năng “sáng tạo sự sống” của những cái đối lập vào trung tâm suy niệm triết học như Hegel. Tiểu đoạn §32 này và rất nhiều đoạn văn khác trong các tác phẩm từ thời trẻ (“Trong cái toàn bộ sống động thì cái chết, sự đối lập, giác tính đều được thiết định một cách đồng thời, tức như cái đa tạp sống thực) (Nohl, 348) cho tới các tác phẩm về sau (Khoa học Lô-gíc, Mỹ học…) cho thấy quan niệm về sự “hòa giải” của ông không phải là sự “điều hòa đơn giản, trực tiếp”, mà là sự “hòa hợp chỉ ra đời từ sự đau đớn vô tận” (als Harmonie, welche erst aus dem unendlichen Schmerz… hervorgeht”). Việc “đảo hóa cái phủ định thành Tồn tại” chỉ có thể có được thông qua việc nhận thức và thừa nhận bản thân cái phủ định, như là sự “phủ định nhất định”, chứ không phải “tiêu tan vào cái hư vô trừu tượng” mà trở thành một “Khái niệm cao hơn, phong phú hợn” (Khoa học Lô-gíc, 3, 41). Câu cuối của tiểu đoạn gợi lại mối quan hệ với tư tưởng về “Chủ thể” và “sự trung giới” trước đây. Điều cơ bản là phân biệt giữa “tính trực tiếp trừu tượng” không nhìn thấy hoặc để sự đối lập ở bên ngoài với tính trực tiếp đã kinh qua sự đối lập, sự phủ định và đã tiếp thu cái tồn tại-khác vào trong chính mình. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC