VŨ TRỤ QUAN PHẦN THỨ NHẤT
ĐỐI TƯỢNG, TÍNH CHẤT VÀ TÁC DỤNG CỦA TRIẾT HỌC
TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)
Trần Văn Giàu. Vũ trụ quan. Đại học Sư phạm xuất bản, 1956.
I. ĐỐI TƯỢNG CỦA TRIẾT HỌC
Triết học là gì? Triết học nghiên cứu những vấn đề gì? Đó là hai câu hỏi đầu tiên mà chúng ta phải trả lời trước khi đi sâu vào triết học. Một điều cần biết: đối tượng của triết học ngày nay khác đối tượng của triết học hồi hai ngàn năm về trước; triết học, cũng như tất cả lịch sử chính trị, kinh tế, học thuật của người, luôn luôn biến đổi, biến đổi trong hình thức cũng như trong nội dung, theo thời đại. 1. Triết học trong thượng cổ Chữ triết học ngày xưa ở Hy-lạp (đại để cũng như ở Tàu, Ấn) nghĩa là “thương hiền”.”Thương” đây là yêu, chuộng, thích; “hiền”, chẳng những là tính tình mô phạm, mà cũng là biết hiểu sâu rộng. Triết học gồm tất cả những hiểu biết của con người thời ấy; nhà triết học là những ai thu tập được những hiểu biết ấy, họ là cố vấn của nhà đương cuộc lúc bấy giờ (ví dụ 7 ông hiền Hy-lạp). Cứ theo lời của Cicéron thì ông Pythagore đã nói: “Tất cả người ta đều nô lệ, nô lệ cho hư danh, nô lệ cho tiền tài. Duy chỉ có một số ít người không màng tiền tài và hư danh, chỉ chú ý nghiên cứu tự nhiên; những người ấy tự cho cái tên là “thương hiền” ”. Tuy nhiên chúng tôi không đồng ý với những học giả tư bản tây phương khi họ nói rằng triết học ngày xưa giữ được mỹ ý nghiên cứu để nghiên cứu biết để biết, học không vụ lợi. Vẫn hay triết gia Hy Lạp, cũng như nhiều triết gia bây giờ nghiên cứu triết học không phải trước hết vì lợi quyền riêng của họ, không vì hư danh; nhưng các ông nghiên cứu toán học, thiên văn, y học, là lợi ích ngay cho thủ công, mỹ thuật, thương mại lúc ấy rất thịnh hành ở miền đông Địa Trung Hải, mà chính những nhu cầu thiết thực về kinh tế xã hội kia như đã kích thích học thuật phát triển lên, và nhân đó, triết học lại sinh nở tiến bộ. Xưa cũng như nay, triết học không đứng xa lợi ích từng bộ phận hay lợi ích chung của xã hội. Nó không đứng riêng rẽ trên mây. Nó gần gụi với cuộc đời, trong cuộc đời, lợi hay hại cho đời, tùy ý của người truyền bá nó, tùy hạng người nghe theo nó. Cứ theo Cicéron thì chính Socrate đã tỏ ý quyết “đem triết học từ trên trời xuống dưới đất”. Nếu chúng ta không lầm, “đem triết học từ trên trời xuống dưới đất” nghĩa là nối liền suy luận của nhà tư tưởng với lợi ích thiết thực của xã hội, nhân quần. 2. Khoa học tách dần ra khỏi triết học Từ thượng cổ, những nhà triết học là những nhà bác học, những nhà khoa học; hồi đó, khoa học với triết học chưa phân biệt nhau rõ rệt. Thalès, Pythagore là những nhà toán học, lý học; Platon giỏi về hình học. Người ta kể lại rằng ông Platon viết câu này dán trước nhà của ông và đồ đệ: “Ai không phải là nhà hình học thì đừng vào đây”. Aristote biết tất cả các khoa học trong thời ấy; ông là một khối óc kiêm toàn như Khổng Tử, Démocrite, Epicure là những vị có tài về Y khoa… Hồi nọ, người ta gọi là khoa học là “những triết học”, tức là những môn học thuật của con người. Nhà triết học là những ai hiểu sâu, học rộng. Những hiểu biết của nhân loại cứ tăng lên mãi. Các môn khoa học thành lập, lần lượt tách ra khỏi triết học: ví dụ: Với Euclide (300 năm trước kỷ nguyên mới) toán học đã thành một khoa học riêng. Ngàn năm phong kiến là một thời khoa học đình đốn, văn hóa suy đồi, độc tài đen tối của vua chúa ngu muội và tôn giáo cố chấp: triết học nô thuộc cho thần học nghĩa là không còn có triết học gì đáng kể nữa. Rồi mãi về sau, đến thời kỳ gọi là Phục Hưng, nhân tư bản phát triển, mới chứng kiến những bước tiến bộ khá của khoa học thực nghiệm. R.Bacon khuyên bỏ cách học từ kinh mà quay về học trong “quyển sách tự nhiên vĩ đại”. Với Galillée thì lý học, với Lavoisier thì hóa học, với Claude Bernard thì sinh lý học … đều tuần tự thành khoa học tách ra khỏi triết học. Một phần vì hiểu biết nhiều và muốn đi sâu ở mỗi bộ phận thì phải có phân công, một phần nữa vì nhà khoa học muốn thoát ly khỏi thần học đã sai lầm lại cố chấp, độc tài, nên khoa học và triết học gặp phải lúc phân ly không nhiều cũng ít. Cứ như thế mãi… Cho đến gần sau đây, tâm lý học và xã hội học cũng muốn và đã thoát ly triết học nữa. Từ thế kỷ 18 trở đi, các ông như Voltaire, Diderot, Bayle toan giết chết siêu hình học. Voltaire nói “Quốc dân mệt mỏi với siêu hình học, bây giờ bắt thảo luận về lúa mì”. Auguste Comte bảo “Thời kỳ siêu hình của tư tưởng đã qua rồi”. Và Kant nói “Đối tượng của siêu hình học là không thể nhận thức được.” Cứ xem đó thì hình như địa bàn của triết học mỗi ngày một hẹp cho đến đổi không còn gì để nghiên cứu nữa, không còn đối tượng nữa. Nhà triết học dường như bị bơ vơ. Cho nên ông Goblot bảo: “Triết học đã sinh ra các khoa học, triết học nuôi các khoa học trong lòng nó, đến lúc khoa học tự nhiên được giải phóng. Chính nó chỉ còn một tí cặn thôi” và nói: “Một ngày kia triết học phải tự tiêu tán trong khoa học” Có như thế chăng? Triết học sắp chết chăng? Triết học không còn đối tượng để nghiên cứu, có như thế chăng? Đã lúc phải đưa linh cô triết học với bày tiên còn mang chữ “vạn vật”, “luận lý”, ôm sách và vác “thang tiến bộ” mà một thời nọ người ta đã chạm hình, sùng bái rồi chăng ? 3. Đối tượng của triết học ngày nay Tuy các khoa học lần lượt tách ra khỏi triết học, một mặt vì, trải qua một thời khá dài, triết học duy thần đồi bại cản trở việc phát triển của khoa học (hãy nhớ việc xử đốt Giordane Bruno và vụ Nhà thờ làm tội Galillée thì rõ), một mặt nữa vì tri thức của con người mỗi ngày một rộng cần có chuyên môn mới nghiên cứu sâu sắc được, một người không thể biết tất cả, nghiên cứu tất cả, nhưng nào phải vì thế mà triết học mất hết địa bàn. a. Mỗi môn khoa học nghiên cứu một phần của vũ trụ. Nhưng vũ trụ là một, là thống nhất. Muốn có một quan niệm chung về vũ trụ, muốn biết vũ trụ là gì cần có một môn học nào lo tổng kết những phát kiến của tất cả các ngành khoa học đã cho ta có một quan niệm chính xác về vũ trụ; môn học đó chính là triết học. Một đối tượng của triết học là hiểu vũ trụ. Hiểu vũ trụ theo cách này hay cách khác, giải thích vũ trụ theo cách này hay cách khác, gọi là vũ trụ quan. Như thế các khoa học đều cung cấp tài liệu cho triết học nhận xét chung về vũ trụ, sự nhận xét ấy lại có ích cho mỗi môn khoa học nhận thấy công trình nghiên cứu của mình là bộ phận khăng khít của một toàn thể và mình cần cộng tác với các môn khác để nương nhau mà đi tới chỗ càng ngày càng hiểu biết vũ trụ để giúp con người làm chủ được vũ trụ, khuất phục tự nhiên dưới lợi ích của mình. b. Đã nói khoa học, tức là nói nhận thức; khoa học có quy luật của nó, còn tư tưởng có những quy luật gì chăng, tùy theo những nguyên tắc nào thì nhận thức mới chính xác? Quy luật của “tư tưởng” giống hay khác với quy luật tự nhiên? Giá trị của nhận thức đến đâu? Con người có đạt tới chân lý không? Mà chân lý là gì? Con người có thể hay không có thể hiểu biết vũ trụ? Đó là vấn đề nhận thức luận, một đối tượng khác của triết học, có thể nói rằng đây mới là vấn đề chính mà triết học phải nghiên cứu, triết học phải tìm chẳng những quy luật chung của vũ trụ mà những quy luật của tư tưởng nữa. Engels nói: “Duy vật biện chứng không cần có một triết học đứng trên các khoa học khác. Trong triết học cũ, có cái gì còn lại và còn tồn tại riêng ấy là lý luận của tư tưởng và quy luật của nó, luận lý hình thức, và biện chứng pháp”1 Khi Engels nói “không cần có một triết học đứng trên các khoa học”, chớ nên hiểu rằng Engels bảo triết học đã tiêu tan mất rồi, mà, ông nghĩ rằng, môt thứ triết học nào đứng trên khoa học, xa khoa học là một thứ triết học vô dụng, chỉ cần có một thứ triết học căn cứ vào khoa học mật thiết quan hệ với khoa học, để cho ta một vũ trụ quan và cho khoa học một nhận thức luận (luận lý và biện chứng). Karl Marx định nghĩa biện chứng pháp là: “khoa học của quy luật vận động bao quát cả tự nhiên, xã hội và tư tưởng con người”. Biện chứng pháp là bộ phận quan trọng nhất của triết học. c.Tổng kết những phát kiến của khoa học, để có một quan niệm càng ngày càng chính xác về vũ trụ, môn triết học có nhiệm vụ và có khả năng cung cấp cho các khoa học một phương pháp chung để nghiên cứu, một khi mà triết học đã gần gũi và ăn nhịp với tiến bộ của khoa học. Nghiên cứu theo phương châm nào? Đứng về mặt ấy mà nói thì triết học là phương pháp luận chung của các khoa học: khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Ông A.E.Fersman, ở viện Khoa học Liên xô bàn đến 11 đặc sắc của khoa học Liên xô đã nhận là triết học tiến triển làm nền tảng phương pháp cho sự nghiên cứu khoa học mới. “Khoa học mới thấm nhuần duy vật luận biện chứng pháp, vũ trụ quan niệm tiến bộ nhất; triết học này liên kết tất cả các nhánh của trí thức, nó là phương pháp cho ta nhận thức một cách thật khoa học những quy luật của tự nhiên và của xã hội loài người”2 d. Một đối tượng khác của triết học là nghiên cứu và cung cấp cho chúng ta những quy tắc luận lý làm kim chỉ nam cho cư xử, hành động của ta trong xã hội. Đó là thuộc về nhân sinh quan.Lẽ cố nhiên, chúng ta không nhận có một hệ thống luận lý chung có chân giá trị hoàn toàn cho tất cả các thời đại, cho tất cả mọi giai tầng xã hội, vừa cho kẻ đi áp bức, vừa cho kẻ bị áp bức. Chúng ta không thể nhận những lẽ luận lý gọi là siêu việt của Kant; Aristote khen chế độ nô lệ là hợp lý; Khổng tử, Lão tử nghĩ rằng dân ngu thì dễ trị và được hạnh phúc. Luận lý ấy còn mãi không? Luận lý ấy có siêu việt, có chung cho mọi người chăng? Hẳn là không. Ngày nay trong hàng ngũ ái quốc, cách mạng, có thể nói: trước hết trong hàng ngũ ấy, hơn ở đâu cả, cần có những quy tắc luận lý, đạo đức cao siêu, vừa cao siêu vừa thiết thực. Cho nên ở trong khói lửa chiến tranh mà Hồ Chủ Tịch - một chính khách đại tài, một triết gia uyên bác – đã kêu gọi và nêu gương cần kiệm, liêm, chính, căn dặn và thực hành nhân, nghĩa, trí, dũng, trung với nước, hiếu với dân, với những ý nghĩa thâm trầm, mới mẻ hơn luân lý ngàn xưa của Nho giáo; cho nên ông X.Y.Z trong quyển “Sửa đổi lối làm việc” đã nêu cao tư cách và đạo đức cách mạng trong chương thứ 3, chương ấy lại là chương dài nhất, quan trọng nhất của tác phẩm, nó kết tinh phần lớn những tư tưởng về tâm học, luận lý học của tác giả; và, nếu ta thử so sánh cho kỹ quyển “Sửa đổi lối làm việc” với quyển “luận ngữ”, chúng ta sẽ thấy rõ triết học của X.Y.Z tuy không đặt ra thành chữ mà lộ ra trong ý tứ, trong phương pháp suy luận, trong luận lý học, ta có thể để ngang hàng hai tác phẩm cách nhau hơn hai ngàn năm của hai vĩ nhân. Ấy vậy, triết học, mặc dầu đã nhiều khoa học tách ra khỏi lòng nó, nó chưa chết mất đâu, nó còn đối tượng để nghiên cứu: vũ trụ quan, nhận thức luận, phương pháp luận và luận lý học. Chẳng những chưa chết, nó lại càng nhờ khoa học phát triển, xã hội tiến hóa mà càng ngày càng phong phú. Hà huống gì khoa học hẳn là chưa đủ để giải mê hàng chục, hàng trăm triệu dân chúng đã bị ru ngủ, mê bùa hàng bao thế kỷ. Để làm nhiệm vụ giác ngộ toàn dân ấy, dựa bên khoa học, nghệ thuật, cần phải có triết học, một thứ triết học chiến đấu. 4. Những ý kiến sai lầm về đối tượng của triết học a. “Nhà khoa học quan sát và mô tả các hiện tượng, nhà triết học giải thích và liên lạc các hiện tượng ấy chăng?“ Trong Bách khoa tự điển Pháp, chúng ta thấy câu tỉ dụ ấy sau chữ “triết học”; mà đó là một quan niệm sai lầm về đối tượng của cả triết học và khoa học. Sai lầm vì: chẳng những phận sự của nhà khoa học là quan sát và mô tả các hiện tượng mà lại còn giải thích và liên lạc các hiện tượng nữa; nhà thiên văn quan sát và mô tả nhật thực, đồng thời giải thích nó, muốn giải thích nó kỹ phải liên lạc nó với những hiện tượng khác chung quanh đó, trong thời giờ đó. Và nếu vậy, nếu khoa học vừa quan sát, mô tả, vừa giải thích liên lạc các hiện tượng thì triết học hết đối tượng rồi sao? - Chưa ! như chúng ta đã biết. Nhà khoa học rất có thể là một nhà triết học, những khi ông tư tưởng về triết học ông không xâm chiếm địa bàn của khoa học và khoa học không giành được tất cả địa bàn của triết học, tuy hai địa bàn mật thiết liên can nhau không cách bức nhau như bờ với nước, không chịu ranh giới nhau bằng một “Vạn lý tường thành”. b. “Triết học là khoa học của những nguyên nhân đầu tiên và múc đích cuối cùng” chăng? Từ Aristote đến Leibnitz, người duy tâm, siêu hình học nghĩ như thế. Quả những triết gia thần học lẩn quẩn trong vòng tìm nguyên nhân đầu tiên (tức là Thượng đế) hay là mục đích cuối cùng (cũng là Thượng đế); họ đi ngược với khoa học, họ khuất phục triết học dưới ách của thần học mê muội. Hay là như Bergson họ “xoay lưng lại khoa học” để trở về với linh tính mà tìm hiểu vũ trụ. Nói một cách khác họ sát nhập triết học vào siêu hình học. Tìm giải thích vũ trụ bằng Thượng đế là chẳng giải thích gì cả hay là thế một x nhỏ bằng một X to, là cắt nghĩ một cái chưa hiểu được bằng một cái không thể hiểu được, là muốn sánh duyên với chị Hằng ở cung trăng. Voltaire chế nhạo siêu hình học như là “quyển tiểu thuyết cho đàn bà” mà tác giả là “những ông lười suy nghĩ, lười nghiên cứu và tính toán”. c. Ý kiến của Anguste Comte Ông Auguste Comte tìm trong trí của ông cái “luật tam đoạn” (Loi des trois états), bảo rằng tư tưởng loài người phát triển theo ba giai đoạn: tôn giáo, siêu hình và khoa học tức là tích cực. Ông có công đánh đổ siêu hình học, bảo rằng siêu hình học không có đối tượng gì để nghiên cứu cho được, ông tin vào khoa học; ông nói triết học phải sát nhập vào khoa học mà tìm liên lạc giữa các khoa học, tìm phương pháp chung và phân loại các khoa học. Ý của A.Comte có phần đúng là triết học không có quyền xem rẻ khoa học không được trái ngược với khoa học như các nhà tư tưởng siêu hình nhưng ông sai ở chỗ: - Hạn chế mục nghiên cứu của khoa học một cách độc đoán. Không nhận rõ đối tượng về vũ trụ quan, nhận thức luận của triết học. Phương pháp luận của ông không hợp khoa học và ông phân loại một cách máy móc. - Rốt cuộc nhà triết học chống siêu hình trở thành nhà triết học siêu hình, ông dựng chủ nghĩa tích cực lên thành tôn giáo mà ông là giáo chủ. c. Ý kiến của Mallebranche, Bergson: Theo hai ông này thì triết học là sự “nhận xét bằng ánh sáng bên trong” trái với khoa học là sự nhận xét bằng tri giác, quan năng. Mellebranche viết: “Tinh thần phải xét đoán sự vật bằng ánh sáng bên trong, đúng theo những bằng cớ sai lầm và mờ ám của cảm giác và tưởng tượng; và nếu thế… thì những khoa học của con người đều đáng khinh bỉ ” (“Tìm chân lý”) Còn ông Bergson thì bảo rằng khoa học dùng tri giác mà biết, triết học dùng lương tri: “Muốn nhận thức chân lý phải xoay lưng trước khoa học” Nói như hai ông thì phạm vào hai chỗ sai lầm lớn: thứ nhất, không phân biệt đối tượng của khoa học với triết học mà, nếu, theo ý hai ông, khoa học với triết học phân biệt nhau không phải ở đối tượng mà ở phương pháp, một bên dùng lương trí mà nhận thức, một bên dùng trí tuệ mà nhận thức. Thứ nhì, nhận thức luận của hai ông là trái hẳn với nhận thức; khinh khoa học, xoay lưng trước khoa học tức là trở lại đời thái cổ, là đã mù lại cưỡi ngựa đui. Dầu khoa học, dầu triết học, cả hai đều phải dùng trí tuệ trong đó có trực giác phải dùng thí nghiệm, thực hành. Triết học và khoa học khác nhau ở đối tượng nghiên cứu trước hết, nào phải khác nhau lại đây dùng “ánh sáng bên trong tức lương trí” mà nghiên cứu, đó dùng “ánh sáng bên ngoài tức trí tuệ” mà nghiên cứu, tựa như hai chiếc thuyền chiếc thì dùng máy, chiếc thì dùng chèo mà đi tới đâu ! Triết học ngày nay không dung thứ được siêu hình học, mà cần phát triển với khoa học. d. “Triết học là đi sâu vào sự vật, khoa học đi phớt bên ngoài “ chăng? Những người triết học này, Mallebranche, Bergson ấn định cho triết học học một nhiệm vụ kỳ diệu là đi sâu, đi rộng hơn khoa học “khoa học là học những cái bao quát thì triết học học cái gì bao quát hơn nữa; khoa học học cái gì sâu sắc thì triết học học cái sâu sắc hơn”. Họ tự nhận cho họ một việc mà họ làm không được; họ chỉ làm trò cười cho khoa học mà chẳng thấy sự nghiên cứu của họ sâu rộng là bao, chỉ thấy mờ mịt hão huyền thôi, cho đến nỗi nhà khoa học phải kêu rêu là triết học (duy tâm) chuyên đóng vai xuyên tạc sự thật. Giáo sư Rey nghĩ: “Nếu khoa học đi sâu vào những bề ngoài thông thường thì triết học muốn đi rất sâu vào sự vật”1. Nghĩ như ông rất sai, sai tại hai điều: một là nếu ông nói đúng thì khoa học chỉ cần biết những bề ngoài sao? Thật ra thì khoa học và chỉ có khoa học mới đi sâu, thật sâu vào sự vật. Cái gì đã nghiên cứu năng lượng nguyên tử? có phải triết học đâu, mà chính là khoa học. Nghiên cứu nguyên tử là đi thật sâu vào sự vật chứ phải mô tả bề ngoài của sự vật thôi đâu? Hai là: nếu triết học muốn tự ý đi sâu hơn khoa học thì nó không khỏi bị khoa học chiếm mất địa bàn mà người đời vẫn tin thí nghiệm khoa học thực tế hơn là sự suy luận triết học trừu tượng của những nhà tư tưởng duy tâm. e. “Triết học chỉ nghiên cứu tình thần, triết học không cần nghĩ đến cái gì dưới nó” chăng? Nhà triết học và khoa học Pháp Léon Brunschwig khi trả lời cho ông Etienne Gilson (1928) bảo rằng triết học không cần bàn tới vấn đề căn nguyên của vật chất và sinh hoạt, vì vật chất, sinh hoạt là điều thấp hơn tinh thần; triết học chỉ nghiên cứu tinh thần thôi.2 Nếu như thế, nếu triết học khinh rẻ vật chất, sinh hoạt, chỉ biết có lý trí, tinh thần, thì triết học sẽ là một cái nhà cất ở trên mây tựa như người thợ vẽ xưa, vẽ bà Quan âm ngồi trên toà sen lưng chừng trên vầng mây trắng. Vẽ xong, tô màu tử tế rồi, tự mình ngắm nghía bức tranh, tắc lưỡi khen: “giống lắm, thực tế lắm, hay lắm ! Dân chúng bay cứ việc mua về mà thờ”. Nếu như thế thì “tồn tại chỉ còn là tồn tại của tinh thần” con người bị cắt đứt gốc rễ với vật chất, sinh hoạt xã hội và tự nhiên. Con người trở thành một vật siêu nhiên, vô căn, vô bản, như trên mây rơi xuống đất một buổi sáng nào. Lạ gì triết học của Brunschwig khô khan, nghèo nàn và trái mùa ? F.Engels sau khi chỉ trích Hégel, Hume, Kant, chỉ trích luôn những người xem sự phát triển của triết học như là sự phát triển độc lập của ý tưởng thuần túy: “Nhưng, dõi theo khoảng thời gian từ Descartes tới Hégel và từ Hobbes tới Feuerbach, những nhà triết học không phải bị đẩy tới bởi sức mạnh của ý tưởng thuần túy như họ tưởng tượng. Ngược lại. Thật ra, chính là tiến bộ lớn lao và càng ngày càng mạnh của khoa học tự nhiên và công nghệ đã đẩy họ đi tới”1 Nghiên cứu sự tiến triển của tư tưởng ngoài sự tiến triển của cuộc đời vật chất xã hội, khác nào muốn có bóng đẹp mà chẳng cần đến hình hay? Vật chất quả thật ở “dưới” tinh thần mà dưới như cái nền ở dưới cái nhà, như gốc cây ở dưới hoa quả; không nền, tức là không nhà; không cây, tức không hoa quả. “Dưới” không thể có ý nghĩa là “hèn hạ” như phái duy tâm tưởng tượng. Cái ở “dưới tinh thần” ấy chính là bản thân của nhà triết học, riêng gì của nhà duy vật ? Tóm lại thì nhiều nhà triết học hiểu đối tượng triết học một cách sai lầm hoặc quá tự phụ mà khinh rẻ khoa học, hoặc dẫm chân trên đất khoa học mà họ thiếu tài đứng vững: họ là những nhà triết học duy tâm, tư bản. Rốt cùng triết học là gì ? - là sự nghiên cứu những vấn đề bao quát như: quan niệm chung và vũ trụ, nhận thức luận, phương pháp luận và quy tắc luận lý.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC