VŨ TRỤ QUAN PHẦN THỨ NHẤT
ĐỐI TƯỢNG, TÍNH CHẤT VÀ TÁC DỤNG CỦA TRIẾT HỌC
TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)
Trần Văn Giàu. Vũ trụ quan. Đại học Sư phạm xuất bản, 1956.
III. TÁC DỤNG CỦA TRIẾT HỌC
1.Triết học duy vật biện chứng là kim chỉ nam cho khoa học tự nhiên Cứ theo ý những nhà triết học duy tâm thì khoa học nông cạn, không đủ giải nỗi băn khoăn của con người trước trời đất, sống chết. Họ căn cứ vào tư ý mà ra tuồng chỉ vẽ, hạn chế khoa học, lôi khoa học về một ý nghĩa thần bí “khoa học là phòng chờ của siêu hình học” (Leibniz). Voltaire công kích các nhà triết học duy tâm, và nói rằng từ xưa đến nay, so sánh với các hạng người khác, thì nhà triết học thuộc vào hạng người ít lợi ích nhất cho nhân loại. Voltaire chỉ phê bình những triết học nô thuộc cho thần bí. Vì đó một phần nào, mà nhiều nhà khoa học có ý khinh miệt triết học và bảo rằng họ không cần biết không cần nhận một triết học nào cũng nghiên cứu khoa học được. Ý này rất sai lầm, Lénine nói: “Khoa học tự nhiên tiến bộ mau lẹ và đương qua một thời kỳ biến đổi cách mạng sâu sắc về mọi lãnh vực, cho nên nó tuyệt nhiên không thể không dùng đến những suy diễn triết học”1 “Chúng ta phải biết rằng nếu không có một căn bản triết học vững vàng, không có khoa học tự nhiên, không có duy vật luận nào kháng cự được với sức xâm chiếm của những tư tưởng tư bản, với sự hồi sinh của quan niệm tư bản về vũ trụ. Muốn khai cuộc chiến đấu ấy; và muốn chiến đấu toàn thắng, nhà khoa học tự nhiên phải là một nhà duy vật tân thời, một người sáng suốt theo duy vật luận của Marx, nghĩa là phải duy vật biện chứng”2 Trước Lénine, Engels đã nghĩ: “Các nhà khoa học tưởng không cần đến triết học, thực ra là tư tưởng họ bị thống trị bởi những triết học tồi tệ lưu hành trên chợ ”. Những nhà bác học có tài như Gardane (khoa học viện Anh), Langevin, Curie (khoa học viện Pháp) đứng vào hàng ngũ của triết học duy vật biện chứng, là một điều có ý nghĩa đặc biệt. Ông Marcel Prenant là một nhà bác học chuyên môn về sinh vật học từ trẻ đến già, mà mãi khi đứng vào triết học Mác-xít, ông thấy mình bước vào một ngõ mới: ngõ hiểu rõ sinh vật học, ông viết: “Từ ngày tôi vào dạy ở Đại học Lao động, tôi mới hoàn toàn nhận định rõ sinh vật học là gì, và từ đó tôi mới có một thứ kiểu bao quát, mà tôi rất bằng lòng về phương diện khoa học”3 Nói một cách khác, thiếu triết học tiến bộ, nhà bác học tuy ở trong nghề mình đã lâu và đã giỏi như Prenant, có thể chưa thấu đáo môn học của mình. Triết học tiến bộ giúp nhà bác học hiểu thấu đáo môn học của chính mình Fersman, luận về khoa học tự nhiên ở Liên xô, đã nhận rõ điều này làm nguyên tắc cho sự nghiên cứu: “Chúng tôi thấm nhuần duy vật luận biện chứng là vũ trụ quan tiến bộ nhất, nó liên kết tất cả các lãnh vực của nhận thức, cũng là phương pháp nó cho ta nhận thức rất mực khoa học những quy luật của tự nhiên và xã hội.”1 Đã là nhà khoa học tiến bộ thì sớm muộn cũng nhận tay nâng đỡ của một triết học tiến bộ. 2. Các nhà triết học lâu nay chỉ giải thích vũ trụ; bây giờ triết học phải lo cải tạo vũ trụ2. Lâu nay triết học chỉ tự cho cái nhiệm vụ giải thích những thắc mắc của con người, của lòng người và trí người, nhà triết học bằng kiểu này hay lối khác chỉ lo giải thích coi vũ trụ là gì, như thế nào. Nói một cách khác, lâu nay triết học có tính chất hẹp hòi, bàng quan. Từ nay nhiệm vụ chính của nó là cải tạo vũ trụ theo lợi ích của loài người, triết học thành ra có tính chất rộng rãi, hành động, cách mạng. Vũ trụ quan Mác-xít là: vũ trụ thực tại, vật chất, có thể biết được. Nó đặt tin cậy vào năng lực của người, vào tư tưởng khoa học, chắc chắn rằng con người có sức giải quyết tất cả các vấn đề tự nhiên và xã hội có sức vén tất cả các màn bí mật, dùng được tất cả sức thiên nhiên vô cùng tận. Lâu nay, triết học chỉ cố tìm cho người những nguyên tắc luận lý mà không được áp dụng vào việc nghiên cứu lịch sử xã hội. Bây giờ triết học mới cũng là một phương pháp để xây dựng nền khoa học xã hội, khoa học chính trị, tìm hiểu được tiến hóa của xã hội để biến đổi xã hội theo đường tiến bộ. Xã hội tiến hóa không còn là việc ngẫu nhiên nữa mà theo những quy luật nghiêm khắc tất yếu, xác thực; biết nó mới chỉ đạo nổi những hiện tượng xã hội. Như thế là đề cao giá trị con người, đem con người từ địa vị nô dịch cho tự nhiên, xã hội, thành chủ nhân ông của xã hội, của tự nhiên: triết học duy vật biện chứng là nền tảng tư tưởng cho nhân bản chủ nghĩa thật. Duy vật lịch sử là chìa khóa của khoa học xã hội, mở cửa tương lai cho một nhân loại sung túc, yên toàn. Vì vậy, đảng tiến bộ của nhân dân phải thấm nhuần triết học tiến bộ mới chủ trương cho đúng đường lối khoa học mới dắt nhân dân đến chiến thắng được. 3. Tác dụng của triết học trong văn hóa Thường lệ, người ta tưởng đâu triết học nếu không phải là để thỏa thích tính hiếu kỳ của một số người ăn không ngồi rồi, đủ thì giờ để biện luận giông dài, thì chỉ có chút ít tác dụng trong khoa học tự nhiên xã hội về chính trị ngày nay. Câu nói ấy cũng có lý một phần nào, vì khi xưa, nhất là trong thời mấy ngàn năm phong kiến, nhà triết học bàn đến những chuyện siêu hình đâu đâu, xa thực tế, xa cuộc đời. Mãi về sau triết học với khoa học mới đi đôi trở lại. Rồi từ Karl Marx, triết học lại được áp dụng vào việc nghiên cứu lịch sử, xã hội, tranh đấu chính trị. Song đến ngày nay, vẫn còn nhiều người tưởng đâu tác dụng của triết học chỉ có thế thôi, còn trong văn hóa (ví dụ như văn chương, mỹ thuật, pháp lý, giáo dục chẳng hạn) chẳng cần gì đến triết học cả. Nghĩ như vậy rất lầm: triết học và văn hóa không xa lạ gì nhau, mà kể ra triết học đã là bộ phận của văn hóa: khi nhà nghệ sĩ tìm cái đẹp, vì là đẹp, không vì đời, khi nhà giáo hay sinh viên tưởng bênh vực nguyên lý vĩnh hằng của pháp lý La Mã chủ trương, khi nhà tiểu thuyết thu mình trong chủ nghĩa cá nhân… các bạn ấy vô tình hay cố ý đứng vào một lập trường triết học mặc dầu họ có thể khinh rẻ bất cứ thứ triết học nào, ngặt một điều là lập trường ấy chắc hẳn duy tâm sai lạc, không đạt đến chỗ phát triển tài năng của họ, không giúp cho họ mau thành người kỹ sư của tâm trí nhân dân, mà di hại cho tinh thần của mình và của nhân dân. Trong quyển L.Feurbach, Engels đã nhắc đến văn hóa Pháp hồi thế kỷ 18 và nói rằng mặc dầu trong thế kỷ này, về mặt quân sự, Pháp bị thua trận mãi, song “thế kỷ 18 là thế kỷ rất là Pháp”, vì lúc ấy văn hóa Pháp sáng lạng như bó đuốc ban đêm, sáng lạng bởi nó đứng trên nền móng triết học duy vật tiến bộ. Ngày nay, những thi sĩ như Aragon, họa sĩ như Picasso, đứng hẳn về phe triết học duy vật biện chứng, đều ấy có ý nghĩa thâm trầm mà mỗi nhà văn hóa không thể không suy nghĩ đến được. Tác dụng của triết học rộng rãi hơn, nhiều người tưởng tượng. Nó bao hàm tất cả các lãnh vực sinh hoạt của con người, trong xã hội mà văn hóa là một bộ phận khăng khít. 4. Triết học phải tự kiểm thảo trước thực tế Giá trị của một hệ thống triết học ở chỗ và chỉ ở chỗ nó giúp cho các thứ khoa học tự nhiên, xã hội được phát triển giúp cho con người tiến bộ được tiến bộ mau hơn, cải tạo được tự nhiên và xã hội theo lợi ích của con người. Muốn cho hệ thống tư tưởng của mình có giá trị nhà triết học phải đi tìm chân lý không phải trong khối óc mình, mà bằng khối óc mình, tìm chân lý trong tự nhiên và xã hội; nhà triết học không tự tiện xây một lâu đài quan niệm để dựng thực tại lên trên nền tảng mây gió ấy; mà trái lại, từ thực tại, do thực tại, xây một lâu đài quan niệm mỗi lúc một thêm xinh. Mấy hàng sau đây chứng tỏ rằng nhà triết học tiến bộ chưa hề phủ nhận tính cách quan trọng của lý thuyết, của tư tưởng, nhưng nhất quyết tư tưởng lý thuyết phải tự kiểm thảo dưới ánh sáng của thực hành, của kinh nghiệm thực tế: “Chúng tôi biết chắc rằng nếu chỉ có tư tưởng giản dị, không giải quyết được những vấn đề khoa học tự nhiên. Cố nhiên nhờ trưc giác thần tình mà ông Lebon đã chỉ cho ta biết có những ánh sáng không trông thấy mà về sau ông Beaquerel tìm được, và do đó mà phát sinh ra khoa học mới về quang xạ. Song môn khoa học ấy, với tất cả những quan niệm phức tạp mới về cấu tạo của vật chất, về năng lượng môn khoa học ấy không phải là sản phẩm của trực giác thần tình của Lebon, dầu trực giác này quả thật thần tình; muốn xây dựng môn khoa học này, phải hàng ngàn lần thí nghiệm, hàng ngàn lần làm tụ lại những muối quang chất, ông bà Curie mới đặt ra và giải quyết đúng vấn đề phiền phức ấy”.1 Nói khác hơn, nhà tư tưởng chân chính, dầu hiểu hay vì hiểu lý thuyết là quan trọng vô cùng, phải đặt thực tế lên trên hết. “Người ta thường so sánh vai trò tích cực quan hệ lẫn nhau giữa lý thuyết và thực hành như những vật vận động dính nhau bằng một dây lò xo. Khi hai xu hướng ấy hành động ăn nhịp với nhau, và chỉ khi ấy, mới có một lý thuyết uyên thâm để cho ta có sức dự đoán và thu được nhiều thực tế, và cả hai lý thuyết và thực hành cho chúng ta những tài liệu mới để đẩy mạnh khoa học tới những bước đường mới.”2 Nói khác hơn: lý thuyết và thực hành phải đi đôi, tư tưởng và thực tế không rời nhau, thì cả hai đều lợi. Rời xa nhau, cả hai đều hỏng. Mỗi lúc, nhà triết học hay nghiên cứu triết học cần kiểm thảo hệ thống tư tưởng theo ánh sáng của thực hành, của kinh nghiệm, của thực tại dầu nó không thuận ý mình, rồi uốn nắn hệ thống tư tưởng, sửa chữa nó, phát triển nó theo sự thật. Nhất thiết không được uốn nắn sự thật theo quan niệm có sẵn. Một triết học tụ hình trong giáo điều là một triết học chết, lỗi thời, hư hỏng. Lịch sử cận đại trong khoa học cũng như trong chính trị, văn hóa đã và đang chứng thật rằng chỉ có duy vật luận biện chứng pháp cung cấp được cho con người tiến bộ một khi giới nghiên cứu và hành động khả dĩ đưa nhân loại từ tối ra sáng, từ tất yếu đến tự do, từ thời tiền văn minh đến thời văn minh thực.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC