Nhập môn triết học

Đối tượng, tính chất và tác dụng của triết học (2)

VŨ TRỤ QUAN

PHẦN THỨ NHẤT

 

ĐỐI TƯỢNG, TÍNH CHẤT 

VÀ TÁC DỤNG CỦA TRIẾT HỌC

1 2 3

 

TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)

 


Trần Văn Giàu. Vũ trụ quan. Đại học Sư phạm xuất bản, 1956.


 

 

II. TÍNH CHẤT CỦA TRIẾT HỌC

 

1. Tiến hoá với khoa học 

Trái với ý của Mallebranche và Bergson, triết học xoay mặt về hướng khoa học đi sát với khoa học, tiến bộ theo khoa học. Mỗi trình độ phát triển của khoa học là một trình độ phát triển của triết học. Nhà triết học nào xa khoa học nhất định bị người đời quên đi hay chỉ nhắc tới để công kích.

Thì ta thấy: khoa học ở những nước vùng đông Địa Trung Hải đã làm căn cứ cho triết học của phái Ionien phát đạt một thời. Trái lại hơn ngàn năm khoa học đình đốn của chế độ nông nô, phong kiến buộc triết học lệ thuộc vào thần bí trụy lạc. Mãi đến khi tự nhiên học, cơ giới học sùng hưng từ Bacon, Descartes cho đến thế kỷ 18 thì duy vật luận cơ giới thịnh hành. Rồi kế đó, nhân 3 phát kiến mới về tế bào, tiến hoá của giống loài và biến hóa năng lượng, duy vật luận biện chứng pháp được hoàn thành với Marx Engels.

Cũng như duy tâm luận đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, thì duy vật luận cũng thế. Mỗi lần mà trong khoa học tự nhiên có một sự phát kiến đặc biệt quan trọng, phải sửa đổi hình thức của duy vật luận…1

Những triết học nào phản khoa học, xa khoa học đều là những triết học hư hỏng, triết học của những hạng người sợ tiến bộ, muốn giật lùi nhân loại, xuyên tạc thực tế theo mục đích mê hoặc dân tâm.

Những triết học nào tự hình thành những giáo điều, không phát triển theo khoa học tự nhiên và xã hội thì lần lần mất giá trị đi, bị loại vào viện bảo tàng.

Khoa học cung cấp tài liệu cho triết học tổng kết lại, và triết học rọi phương hướng cho khoa học phát triển. Khoa học và triết học không tách rời nhau và từ Karl Marx, E.Engels, triết học và khoa học không thể rời nhau được nữa, chính đó là một công trình của hai nhà tư tưởng vĩ đại ấy.

Chẳng những triết học tiến bộ đi đôi với khoa học mà ngày nay, vì uy tín của khoa học rất mạnh các màu triết học phản tiến bộ cũng không dám bài bác khoa học, chúng nó dùng danh từ khoa học mà xuyên tạc khoa học đi, giải thích khoa học một cách lệch về duy tâm, thần bí.

Ví dụ như ông Bachelard nói về “tinh thần mới của khoa học” mà xem quan niệm như là căn bản của thực tế, ý kiến như mẹ đẻ của thực nghiệm… cho nên những ai nghiên cứu triết học phải coi chừng: không phải mỗi nhà triết học nào thảo luận dựa vào khoa học đều là những nhà triết học tiến bộ cả đâu.

2. Tính chất giai cấp và chính đảng của triết học

Về triết học, Marx và Engels, từ đầu chí cuối, thuộc về chính đảng của hai ông; hai ông biết tìm thấy những khuynh hướng sai của duy vật luận và những nhân nhượng  cho duy tâm luận, cho tín ngưỡng luận dưới những hình thức “tân thời nhất”. Cho nên hai ông chỉ nhận chân giá trị của Huxley khi Huxley cương quyết duy vật. Cho nên hai ông trách Feuerbach sao không áp dụng duy vật luận triệt để” 1.

Đừng tưởng triết học là một môn học bay bổng lên trên không, trên các giai cấp, các dân tộc, các thời đại của xã hội loài người. Nó là ý thức của người; mà người là người ở trong xã hội, thì, tất nhiên triết học mang con dấu nổi của thời đại xã hội và của các cuộc phân tranh trong xã hội. 

Khỏi phải nói, ai cũng dễ thấy Mallebranche, Leibnitz, Berkeley, Schelling…thay mặt cho tư tưởng phản động của phong kiến đang suy tàn; còn Descartes, Condillac, Diderot, Locke thay mặt cho tư tưởng tiến bộ của giai cấp tư bản lúc ấy đương phát triển. Nhị nguyên luận, bất khả tri luận của Kant tiêu biểu rõ rệt thái độ lừng chừng của giai cấp tư bản Đức lưỡng lự giữa cái ghét phong kiến thống trị và cái sợ vô sản cách mạng. Bergson, Sartre là những kiểu mẫu triết gia của tư bản suy tàn, đứng trước lỗ huyệt đương đào sâu thăm thẳm. W.James Dewey những nhà triết học gọi là “thực biện luận” là những ngòi bút của đồng đô-la đương thịnh, cho nên theo họ “hễ cái gì có kết quả thiết thực, lợi, thì cái ấy là chân lý”, chân lý của con bò vàng !

Trái lại, “duy vật biện chứng là triết học của giai cấp cần lao, của các dân tộc bị áp bức của chánh đảng cách mạng” (Staline)

Xã hội còn giai cấp này bóc lột giai cấp kia, dân tộc này áp chế dân tộc khác thì triết học tất phải (vô tình hay cố ý) có tính cách giai cấp, chánh đảng; nhà triết học không sao đứng ngoài xã hội được dù ông tự giam cầm ở hang đá, núi cao hay tháp ngà nào.

Triết học của hạng cần lao và dân tộc bị áp bức xu hướng thành triết học chung của nhân loại chẳng những vì họ là phần đông nhân loại mà cũng vì thiểu số bóc lột, áp bức kia phải có ngày bị tiêu tán, và triết học phản động của chúng cũng tiêu tán theo. 

Triết học duy vật biện chứng hợp với khoa học chính vì vô sản và dân tộc bị áp bức cần nhận thức chánh xác để làm cách mạng cho thành công. Các triết học đế quốc tư bản, phản khoa học vì họ sợ tiến hoá, sợ chân lý, muốn đi lùi, muốn xuyên tạc và lừa dối. Lénine bàn đến ảnh hưởng tư bản trong tư tưởng con nhà trí thức nói riêng, trong tư tưởng con người nói chung, nhắc lại lời của văn sĩ Dietzgen nói rằng “trong xã hội ngày nay, phần đông những giáo sư triết học thật ra chẳng qua chỉ là những nô tỳ có bằng cấp” của phản động, ông viết: 

Ta chỉ cần nhắc lại phần nhiều những luồng tư tưởng triết học tân thời thường sinh nở luôn ở những xứ Âu châu, bắt đầu từ những triết học chính đảng với việc tìm ra phóng xạ tánh để kết thúc với những triết học tự gọi là thuộc về tư tưởng Einstein, thì ta trông thấy dây liên hệ nối chặt quyền lợi giai cấp, địa vị, giai cấp tư bản với sức chúng nó ủng hộ tất cả các hình thức tôn giáo và nội dung ý thức của những luồng triết học đương lưu hành.1

Cứ xét cho kỹ, cho tới cặn cỗi xã hội, ta nhận rõ ý nghĩa giai cấp tiến bộ hay phản tiến bộ của một triết học. Không có triết học nào đứng trên cuộc xã hội phân tranh được, dù nhà triết học muốn “trung lập” đi nữa cũng chẳng được nào. Cũng trong bài đã vừa kể trên, Lénine nhắc đến giáo sư R.Wipper và quyển “Đạo Gia Tô ra đời” của ông ấy, Lénine nói:

Toan đứng cao hơn hai dinh trận duy vật luận và duy tâm luận, cao hơn “hai thái cực” là một thái độ thật quá lố lăng, phản động”.

3/ Tính chất chiến đấu của triết học

Người ta gọi “tinh thần La-Hy” của học thuật là “học để học, biết để biết” triết lý để triết lý. Thật ra từ thượng cổ, triết học đã là vũ khí trong tay của hạng người này hay hạng người nọ. Nếu duy vật luận của ông Epicure không nguy hại cho hạng chủ ông lúc ấy và về sau thì bọn chủ ông đi sàm báng Epicure làm gì. Nếu duy vật luận thượng cổ của Ấn độ là trung lập thì đảng cấp Bà-la-môn đốt mấy ngàn quyển sách ấy làm gì? Sao vua chúa của thời phong kiến không nhắc tới Démocrite, Héraclite mà tôn sùng Platon, Aristote? Sao Tàu phong kiến dạy Khổng giáo và thuyết “thiên mạng” mà không dạy “phi chiến, phi mạng” của Mạc-Tử?

Vì, như trên đã kể, triết học có tính chất giai cấp, chánh đảng.

Tính chất ấy nào phải tự ta mới bày đặt ra bây giờ. Nó đã có từ ngàn xưa kia. Ngày nay chúng ta, và trước ta thì có Marx, nhận thấy một điều đã sẵn có.

Đã có tính chất giai cấp, chánh đảng là có tính chất chiến đấu, chiến đấu cho tiến bộ hay cho bảo thủ, hay cho phản động, tùy mỗi triết học.

Các nhà triết học Pháp hồi thế kỷ thứ 18 làm gì? Họ chống với thần học, siêu hình học, chống phong kiến, chống quân quyền. Làm ra sách bách khoa, Diderot và bè bạn góp nhặt tất cả những nhận thức của con người lúc đó, mà đồng thời giúp cho tư tưởng cách mạng tiến tới, đánh lui sức ngu dân, áp bức dân của phong kiến. Hégel được xem như là bảo thủ nhà nước Phổ lỗ sĩ nên đứng vững ở Đại học Berlin; còn Feuerbach mạnh dạn chống phong kiến nên bị đuổi ra khỏi ngạch giáo sư. Marx Engels với triết học duy vật biện chứng, tranh đấu để giác ngộ giai cấp vô sản, nên hết bị xua ra khỏi nước Đức, lại bị đuổi khỏi nước Pháp, phải qua trú ngụ ở Anh.

Triết học là một lối tranh đấu giai cấp trên mặt tư tưởng; kế bên tranh đấu tư tưởng có tranh đấu chính trị và kinh tế. Vì thế, học triết học là để có một võ khí trong tay, là để chiến thắng kẻ thù của giai cấp hay là kẻ thù của dân tộc - chúng nó cũng dùng võ khí triết học mà đánh ta trong nhà trường, trong nhà tù, trong sách báo. Nhà triết học phải đứng quanh chiến lũy; không có không thể có nhà triết học ở “cung tần” hoặc bên này chiến lũy, hoặc bên kia chiến lũy.

Marx nói:

Triết học tìm thấy trong giai cấp vô sản, những vũ khí vật chất của nó thì giai cấp vô sản tìm thấy trong triết học những vũ khí trí thức của nó. Triết học là đầu não của sự giải phóng con người, giai cấp vô sản là trái tim của sự giải phóng ấy. Không thể thực hiện được triết học nếu không thủ tiêu giai cấp vô sản và không thể thủ tiêu giai cấp vô sản nếu không thực hiện triết học1

Vậy nhà triết học và nhà chiến sĩ không phải là hai người mà chỉ là một.

4. Tính chất quốc tế của triết học

Thường lệ người ta chú trọng nhất vào hai tính chất cá nhân và nhân loại của triết học.

Boutroux nói: “Giá trị, chân lý và phong phú của những hệ thống triết học, chính là thiên tài của nhà triết học”, Cuvillier thêm: “Trong bản tính của nó khoa học là vô lự và vô tư, thản nhiên và hờ hững, còn triết học xem xét mọi mặt về phương diện con người và quan hệ với con người”.

Thật như vậy chăng? - Không!

Vẫn hay mỗi nhà triết học đều in con dấu cá nhân trên công trình triết học của mình song điều chính của một triết học mà chúng ta cần chú ý không phải con dấu cá nhân đã cho nó một màu vị, mà chính là ý nghĩa xã hội của triết học ấy, và ảnh hưởng của nó. Nhân đó, vì đó, mỗi hệ thống triết học quan trọng ít hay nhiều, đều có ý nghĩa quốc tế. Bergson làm mờ ám trí thức khoa học của Pháp mà cũng ảnh hưởng đến trí thức Việt Nam trong một thời. Descartes kích thích khoa học Pháp và cả Âu châu hồi thế kỷ 17. Triết học duy vật biện chứng không phải là một sản phẩm của Đức, nhờ Đức mà là một sản phẩm quý giá của lao động thế giới; trái lại tư bản đến quốc ở xứ nào cũng đua nhau xuyên tạc triết học Mác-xít.

Cho nên ở đất Việt ta công kích duy tâm luận Tây Âu không phải là một việc thừa.

Ở hội nghị hòa bình ngày 18-4-1949, ông J.Curie nói giữa tràng pháo tay: “Chân lý đi từ nước này qua nước khác không cần giấy thông hành”. Đúng! mà tội thay cho đời, chẳng những chân lý vượt trùng dương không giấy thông hành? mà những tư tưởng mê hoặc, đen tối, cũng có cánh và nhiều cánh hơn để qua các biên cương mà không xin phép!

Vậy ta học hỏi, áp dụng duy vật luận biện chứng pháp Mác-xít không phải là “tin bụt ngoài đồng”.

Duy có một điều giai cấp vô sản và dân tộc bị áp bức toàn thế giới đồng quyền lợi, đồng ý chí nên đồng một triết học; triết học của họ vì thế mà có tính chất quốc tế rõ rệt hơn ai cả.

Còn tư bản phong kiến cần có nhiều cách khác nhau để nhồi sọ quần chúng, tạo ra vô số triết học, món này ế, còn món kia. Tính chất quốc tế của nó ít rõ rệt bằng, nhưng không phải là không có.

Bảo “khoa học là vô tư, vô lự, hờ hững và thản nhiên, còn triết học lại nhân đạo” như giáo sư Cuvillier thì hẳn là nhầm rồi : hai bên phân biệt nhau nào phải ở chỗ đó mà ở đối tượng: Khoa học nào cũng “tư lự” đến nhân sinh, toàn cục nhân sinh hay cục bộ nhân sinh. Khoa học mà vô tư, vô lự, hờ hững, thản nhiên, thật là kỳ dị ! Tinh thần nhân loại của khoa học, của nhà khoa học tiến bộ ít ra cũng so sánh được với “phương diện nhân loại” của nhà triết học. Mà chắc gì mỗi triết gia đều đứng về quan điểm nhân loại để khảo sát?

“Quan điểm con người” của triết học W.James là nhằm vào con người triệu phú, chỉ lấy công hiệu làm tiêu chuẩn cho chân lý; “quan điểm con người” của Leibnitz là con người vua chúa, đại giáo sĩ; quan điểm con người của Bergson là con người tư bản sợ cái khoa học và trí tuệ của nó đã nâng đỡ lúc nó còn tiến bộ. 

Chỉ có quan điểm con người của triết học duy vật biện chứng mới quả thật là nhân đạo, một vì nó tiêu biểu cho đa số loài người, cho lớp người đại diện cho tương lai, đại diện toàn thể nhân loại ngày mai, hai vì nó trả lại cho con người cái giá trị, cái năng lực mà nó phải có để từ nô lệ hóa ra tự do, từ tôi tớ thành ra chủ nhân ông. Duy vật luận chính là nhân bản chủ nghĩa, và chỉ có nhân bản duy vật thôi, không có và không thể có nhân bản duy tâm.



1 Engels, L. Feuerbach, ES, tr 17.

1 Lénine, Duy vật luận và kinh nghiệm phê phán luận.

1 Lénin, Ý nghĩa của duy vật luận chiến đấu.

1 Phê bình triết học về pháp lý của Hégel.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt