Nhập môn triết học

Tồn tại và tư tưởng. 1. Vật chất

VŨ TRỤ QUAN

 

PHẦN THỨ BA

 

TỒN TẠI VÀ TƯ TƯỞNG

1 2 3 4

 

TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)

 


Trần Văn Giàu. Vũ trụ quan. Đại học Sư phạm xuất bản, 1956.


 

Chúng ta biết rằng có ba điểm quan trọng nhất phân biệt hai môn phái triết học duy tâm và duy vật, mà chánh ba điểm ấy đã là đại thể của triết học rồi.

1. Có hay không có ngoại giới, tức là vấn đề tồn tại của thế giới khách quan.

2. Quan hệ giữa vật chất và tinh thần hay là giữa tồn tại và tư tưởng.

3. Biết được hay không biết được ngoại giới tức là vấn đề giá trị của nhận thức.

Chúng ta đã nghiên cứu và giải đáp xong vấn đề thứ nhất. Đại ý là:

1. Ngoại giới là một sự thật khách quan, không có lý do gì mà chối cãi, nghi ngờ được.

2. Ngoại giới ấy là vật chất trong bản chất của nó.

3. Thiên hình vạn trạng trong ngoại giới chỉ là hình trạng khác nhau của vật chất vận động.

4. Vật chất vận động theo quy luật khách quan, của tự nó.

5. Không có thiên ý, thượng đế, tinh thần nào can dự vào mà chỉ huy, huy động cho ngoại giới ấy cả.

Bây giờ ta lại bàn đến vấn đề kế đó là vật chất và quan hệ giữa vật chất và tinh thần. Đặc biệt chú ý đến những điều này là: trước kia, người ta học vấn đề vật chất riêng, vấn đề thời gian, không gian riêng; ở đây chúng ta lại nghiên cứu chung thời gian, không gian với vấn đề vật chất và sinh hoạt; trước kia người ta học vấn đề tâm thần riêng vấn đề vật chất, và vấn đề Thượng đế riêng vấn đề tâm thần; bây giờ ta để chung tâm thần với Thượng đế và nghiên cứu nó có quan hệ với vật chất; tựu trung không có 4, 5 vấn đề riêng rẽ: vật chất, sinh hoạt, thời gian, không gian, tâm thần và Thượng đế mà chỉ có một vấn đề bao quát tất cả vấn đề: quan hệ giữa vật chất và tâm thần, nghĩa là giữa tồn tại và tư tưởng.

I. VẬT CHẤT

1. Những lý thuyết về vật chất của duy vật luận

a. Xưa:

Vật chất là gì ? Thật ra đây là một vấn đề của khoa học hơn là một vấn đề của triết học. Nhà triết học chỉ trả lời theo những phát kiến của khoa học mà thôi. Lúc trước, hễ ai hỏi ông Diderot coi vật chất là gì thì ông bảo xin ngài tìm một môn đồ của nhà vật lý học Newton mà tìm câu trả lời. Giải quyết được vấn đề vật chất là gì ? là giải quyết được một cái thắc mắc quan trọng của vũ trụ quan.

Ngày xưa, những nhà khoa học và triết học chưa biết vật chất là gì. Cho nên, có nơi như Tàu thì lấy ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) và như bên Ấn, Hy lấy tứ hành (Kim, Thủy, Khí, Hỏa) làm căn nguyên, thành phần của vật chất, cho đó là đơn vị nhỏ nhất của vật chất, không còn có thể chia  phân ra được nữa.

Một số nhà triết học Hy lạp như Démocrite đã nghĩ rằng vật chất là thống nhất trong căn bản và đơn vị nhỏ nhất của vật chất là nguyên tử. Họ chưa biết nguyên tử là gì, nhưng cứ theo “nguyên tử luận” thô sơ và trực giác của họ thì: các nguyên tử đều giống nhau trong bản chất, chỉ khác nhau trong hình thức; các nguyên tử đều vận động trong khoảng trống không, các nguyên tử riêng rẽ hợp nhau bằng kiểu này hay kiểu khác sinh ra vật này hay vật khác. Theo họ có những nguyên tử rất tế nhuyễn, có những nguyên tử khá tế nhuyễn và những nguyên tử thô sơ; nguyên tử thô sơ kết hợp lại là những vật thô sơ như cây cỏ, đất đá…, khi tế nhuyễn hợp lại là những tiên, thánh; tiên thánh, người, thú, cây cỏ, đá, đất đều là vật chất, đều là nguyên tử, đều chung một bản chất cả.

Nguyên tử luận của Démocrite hay ở chỗ: tính chất thống nhất của các vật trên đời; vật, cây, người, thú, thánh đều là một thứ, khác nhau ở tế nhuyễn hay thô sơ, giống nhau ở bản chất; nói khác hơn, không có gì thần bí nữa, chánh thần cũng không còn thần bí nữa. Tôn giáo, duy tâm bị một vố đau điếng. Nguyên tử luận trực giác của Démocrite tựa như trực giác của Lebon về “ánh sáng vô hình”. Becquerel hiện thực hóa cái ý trực giác của Lebon cũng như Curie hiện thực hóa ý trực giác của Démocrite

b. Descartes: Về sau Descartes có một lý thuyết mới về vật chất.

Theo ông, vật chất là cái có bề dài, bề ngắn, bề sâu, nghĩa là chiếm một phần không gian.

Theo thờI của ông, lý thuyết của Descartes, là tiến bộ, vì ông đánh đổ tánh chất thần bí của những ý kiến công giáo, chánh thống từ hàng ngàn năm trong học thuật Âu châu và nhờ đó, khoa học đã đi tới một đoạn đường dài. Có người tiếc sao ông không tiếp tục ý kiến của Démocrite, Epicure. Song, nghĩ lại, duy vật của hai ông này, nguyên tử luận của nó là một thứ trực giác hơn là một lý thuyết căn cứ vào phát triển của khoa học. Mà khoa học thời Descartes, mới được mở mang trong phần cơ giới trước hết, cho nên Descartes chưa có thể nghĩ cái gì quá xa trình độ khoa học thời ông.

Lý thuyết của Descartes có hai khuyết điểm chính là: thứ nhất, xem vật chất như bất động; ông không thấy tính tự động của vật chất, cho nên, muốn cắt nghĩa vận động, hoặc ông chỉ biết đến vận động cơ giới, hoặc phải cầu viện tới Thượng đế thứ hai chỉ thấy một phần của vật chất là thứ vật chất có ba bề, cho nên về sau người duy tâm cho những năng lượng ánh sáng không phải vật chất, đối chọi vật chất với năng lượng và ánh sáng; thậm chí, khi thấy khoa học và tự nhiên biến đổi vật chất có ba bề thành năng lượng thì nhà duy tâm hô lên với nụ cười đắc thắng: vật chất hóa ra vô vật, vật chất tiêu tán thành năng lượng; duy vật luận bị thủ tiêu, bị “hủy thể” đi rồi!

Thật ra vật chất, ánh sáng, năng lượng chỉ là một thôi; Ta sẽ chỉ rõ. Ba bề chưa phải là đặc tính của tất cả các thứ vật chất.

c. Nay:

Đến ngày nay, khoa học đã tìm được đơn vị nguyên tử; đại để đã biết được nguyên tử là gì. Nguyên tử nào cũng gồm hai phần: giữa có một hạt nhân phức tạp, chung quanh hạt nhân đó có một vầng mù điện trong ấy có từng điểm tức là vầng mù kia đọng lại, tụ lại, gọi là điện tử. Số điện tử (số ấy tùy theo thứ vật) quây quần (tựa như trái đất quay xung quanh mặt trời) vừa quay vừa phát ra những tia điện khí. Bất cứ vật nào ở trên đời đều là vật chất, từ người tới thú, tới cây, tới nước, thì tất cả đều gồm những nguyên tử cả.

Mỗi ngày khoa học mỗi tiến; thì càng đi tới chúng ta càng biết rõ vật chất là gì. Ngày nay, chưa phải là lúc khoa học đã tìm xong chân lý hoàn toàn về vật chất đâu; song vật chất không còn bao trong tấm màn bí mật nữa.

+ Ý kiến của Marx-Engels: Theo ý kiến của Marx-Engels, Lénine-Staline thì vật chất dưới mắt nhà triết học, có những đặc tánh sau đây: thứ nhất là nó tồn tại khách quan, nghĩa là nó tự có, có ngoài ý ta, ngoài chí của bất cứ Thượng đế, lý trí nào. Thứ nhì, nó luôn luôn vận động, tự thân của nó, không cần phải có ý ai, tay ai xô đẩy nó. Thứ ba, đã nói vật chất và vận động là nói vật chất và vận động trong không gian và thời gian không thể có vật chất ngoài không gian, thời gian. Còn cấu tạo của vật như thế nào, đó là vấn đề khoa học, và người mác-xít trông cách giải đáp của khoa học mà giải đáp.

+ Những đơn vị vật chất có phải là thực tế chăng?

Cứ theo trình độ khoa học ngày nay thì, những điện tử, ly tử, trung hòa tử, dương tử, âm tử… là những đơn vị nhỏ nhất của vật chất.

Cái giòng “tử” này có thực tại hay chỉ là những “giấc mộng khoa học” như có người đã tự hỏi ?

Nếu chúng ta nghiên cứu những phân tử thường của không khí, chúng ta có thể tính toán một thứ bộ phận nhỏ, nhỏ cho đến đỗi 250 triệu lần đường kính của nó mới bằng một phân tây. Cứ nhân số đó làm 3 thì biết trong mỗi phân vuông có bao nhiêu phân tử không khí.

Song nhỏ mấy cũng là thực tế.

Mỗi phân tử gồm nhiều nguyên tử, nay một nguyên tử đã nhỏ như thế rồi, mà so sánh nó với một điện tử thì nó vẫn to hơn điện tử nhiều, vật nhỏ nhất mà khoa học tìm thấy. Độ 100.000 điện tử mới bằng bề kính của một nguyên tử khinh khí; độ 500 triệu điện tử mới đầy một nguyên tử khinh khí.

Với kiếng hiển vi nào cũng không trông thấy nổi điện tử. Nhưng khoa học vẫn nhận rõ ràng tánh chất thực tại của nó, không phải vì trực tiếp thấy nó, mà vì ta ghi được tác dụng của nó, ta trực tiếp trông thấy tác dụng của nó; cho nên cứ theo thí nghiệm của Millikan, ta tin có điện tử, như ta tin có người bạn ở đầu kia của dây điện thoại. Wilson nhờ một phòng mây mù mà chụp được ảnh của điện tử, lại tìm ra được cái âm tử mà ông Dirac đã đoán trước bằng lý thuyết khoa học.

Thế giới dựng trên nền tảng của những vật vô cùng nhỏ, nhưng rất thực tế, đo được, lấy ảnh được, dùng năng lực của nó được.

+ Ý kiến của Marx-Engels được hoàn toàn xác nhận

Những phát kiến của khoa học hoàn toàn xác nhận tư tưởng triết học của Marx và Engels.

Vật chất là khách quan; tất cả cái gì khách quan đều là vật chất. Không vì lẽ ta không thấy, chưa thấy một phân tử rất nhỏ hay một tinh tú rất xa, hay những hiện tượng chung quanh ta, mà ta cho nó là không có, là không phải vật chất.

Vật chất bao giờ cũng vận động, vận động tự thân, khỏi cần cái “bàn tay” thần bí để mà xoay chuyển. Một tảng đá im lìm, nhưng vận động, vận động một là bởi nó xoay chuyển theo sự xoay chuyển của trái đất, mặt trời, hai tại những biến đổi lý hóa trong đó nhất là cái gì cũng gồm những nguyên tử, dầu sinh vật dầu vô sinh vật, mà mỗi nguyên tử đều gồm một hạt nhân phức tạp, chung quanh nó quây quần những điện tử tựa như trái đất xoay chung quanh mặt trời. Bất động của vật chất là không thực tế; vận động của vật chất mới là thực tế.

Cả vũ trụ là vật chất, thực tại.

Ngay hồi Descartes, nhà triết học này đã nói rằng “cái trống không là đều không có, không thể nhận được” Có người tưởng đâu vũ trụ là một không gian trống, từ chỗ này, từng điểm nọ trong đó, có những điểm, những vầng vật chất. Kỳ thật cả vũ trụ là vật chất, thực tại, mà giữa những tinh tú, không khoảng không gian ấy, đâu đâu cũng có phóng xạ, điện năng tức là vật chất.

Vũ trụ không phải dựng trên một hệ thống, quan niệm như nhà duy tâm tưởng tượng. Vũ trụ dựng trên nền tảng của vật chất, gồm phân tử, nguyên tử và trùng trùng nguyên tử mà ngày nay khoa học đã biết đến càng lâu càng rõ ràng; biên cương nhận thức khoa học của con người, mở rộng mau như chớp trên hai đầu, vô cùng to và vô cùng nhỏ trong thế giới vật chất, thực tại, khách quan và biến chuyển

2. Những lý thuyết về vật chất của Duy tâm luận

Duy tâm luận tiêu diệt không nổi vật chất, không phủ nhận được ngoại giới, nên tìm cách biến cải bản tánh của ngoại giới và vật chất, tìm cách đưa thần bí vào chỗ không thể coi có thần linh nào. Họ bị truy nã mãi từ trận thế này lui về trận thế khác; họ bị thay hình đổi dạng, hết mưu này đến kế khác, nhưng thoát đâu khỏi thiên la địa võng của khoa học. Khi con người dùng được sức mạnh nguyên tử giết mỗi lần 10 vạn con người, thì thượng đế, thiên lôi đều thất nghiệp.

a. Theo học phái Stoiciens thì vũ trụ là một sanh vật, như một con người, mà linh hồn của sanh vật ấy tức là thượng đế. Thuyết này lù mù, thần bí, kém xa nguyên tử luận của  Démocrite. Không thể xem vũ trụ như một con người hay như một con chim, con cá được.

b. Theo Leinitz thì ba bề (của vật) hay vận động (của vật) đều là ảo mộng, bảo ảnh cả; vật chất là gì ? Chỉ là một “năng lực hoạt động” gọi tắt là hoạt lực. Đơn vị nhỏ nhất của vật, đã nói nhỏ nhất, thì không có bề nào cả, nó hóa ra vô hình, nó chỉ là hoạt lực, là tinh thần thôi; là linh hồn thôi, cái đó, Leibnitz đặt tên là nguyên nhất (monade).

Leibnitz cố ý thổi tan vật chất trong hoạt lực, trong tinh thần, như giọt dầu săng tan trong gió. Song thổi tan sao được ? không có vật chất làm nền  móng, làm sao có hoạt lực, không có ông làm gì có hoạt lực của ông. Cái nguyên nhất của ông nhỏ mấy cũng phải có bề, đo lường được thì hợp lại, mới thành vật chất có bề, có đo lường được. Một trăm, một ngàn, một triệu số không cũng là số không thôi; thì nguyên nhất làm sao là tuyệt đối vô hình, là tinh thần được ? Anh cứ chia một phân, một ly ra làm triệu lần một phân một triệu cũng chưa phải là số không được, nó vẫn là một số lượng, số lượng rất nhỏ, nhưng là số lượng và nhỏ mấy, chí như điện tử, người ta vẫn đo lường được. 

c. Với Bergson, nhà triết học tư bản trong thời tư bản trụy lạc, thì “không có sự vật, chỉ có những hành động”. (Tiến hóa sáng tạo); thực tại là gì ? Chỉ là một luồng sống, một sinh lực, một năng lực sáng tạo mà thôi. Với Bergson, “sống là vận động tới trước, vật là giật lùi lại”, nghĩa là vật chất với sống trái ngược nhau.

Như thế, Bergson đã chẳng giải thích coi vật chất là gì, mà một mặt, ông cố thủ tiêu sự vật, thủ tiêu thực tại vào sinh lực, vào hành động, một mặt ông xem vật chất như là một sợi riêng cột chân của hoạt lực, nghĩa là ông chưa hiểu được bản chất khách quan và vận động của vật chất, ông cố đem vào vật chất một thần bí che mặt, giấu tên.

Trong bài trước, chúng ta đã phê bình duy tâm luận về vấn đề tồn tại của ngoại giới, cho nên bây giờ ta khỏi phải bàn trở lại những tư tưởng mờ ám, mê muội của học phái ấy nữa.

3. Có nhị nguyên luận giữa vật chất và phát ảnh, vật chất và năng lực không ?

a. Thống nhất tánh của vật chất : Trước kia người ta nghĩ đâu những chất như: khí, nước… đã là những nguyên tố đơn giản nhất của vật chất, và nếu như thế thì vật chất không thống nhất, mà phức tạp trong bản chất của nó.

Bây giờ, khi tìm hiểu nguyên tử, tìm thấy bất cứ vật nào cũng gồm những nguyên tử, thì người ta mới có bằng chứng để nhận tánh thống nhất của vật chất. Các nguyên tử họp nhau (số nhiều, số ít tùy vật) để thành những phân tử rồi thành những vật thiên hình vạn trạng trên đời.

Phát kiến của khoa học chứng minh rõ rệt ý nhất nguyên luận của triết học duy vật cả vũ trụ đều dựng trên một nền tảng duy nhất là vật chất.

b. Thống nhất tánh của các năng lượng:

Trước kia người ta nghĩ đâu những năng lượng vận động (như cỏ, nhiệt, điện…) đều khác hẳn nhau, do những nguồi cỗi riêng rẽ sanh ra và thứ này không biến thành thứ kia được. Hay là những nhà duy tâm “cắt nghĩa” các vận động, các năng lượng bằng ý trời bằng sức thần.

Ngày nay khoa học đã cho chúng ta biết rằng các năng lượng dầu là nóng, dầu là điện, dầu là tiếng v.v… tất cả chung quy lại là những trạng thái khác nhau của một nguồn gốc là vận động của phân tử, của vật chất chớ không có căn nguyên nào thần bí cả.

c. Thống nhất tánh của vật chất và năng lượng.

Trước mắt nhà triết học còn có hai thứ dường như khác nhau là vật chất và năng lượng một bên, vật chất coi như là những điều đo lường được và bất động; một bên, năng lượng coi như là điều không đo lường được mà lưu động. Rồi người ta nói vật chất với năng lượng là hai điều khác hẳn nhau, người ta nói vật chất là điều không huyền bí: còn năng lượng là điều rất huyền bí: điện chạy trong dây, lạ không ? Điện là gì ? Sao lại chạy trong dây sắt được?

Khoa học gần đây đã giải quyết cái thắc mắc của mọi người: thứ nhứt, vật chất không phải là điều bất động, mà rất lưu động; ngay mỗi nguyên tử đã gồm những điện tử quây quần và phát điện chung quanh hạt nhân rồi. Thứ nhì, năng lượng không phải là điều không đo lường được: người ta đo được rõ ràng những điện lượng, nhiệt lượng và tất cả các năng lượng đã biết được; thứ ba: có thể đổi vật chất thành năng lượng, năng lượng thành vật chất.

Rốt cùng, vật chất với năng lượng cùng là một thôi; trước người ta nói vật chất có năng lượng bây giờ người ta có thể nói vật chất là năng lượng hay năng lực là vật chất cũng thế thôi. Không còn cái mâu thuẫn  nhị nguyên giữa vật chất và năng lực nữa. Luật bảo tồn vật chất, bảo tồn vận động cũng là luật bảo tồn năng lượng. Duy tâm luận mất đường sanh sống.

d. Thống nhất tánh của vật chất và bức xạ:

Lại còn một chỗ thắc mắc khác, là hỏi vậy vật chất với phát ảnh có phải là trái nhau không ? Theo cách giải đáp về vật chất và nguyên tử trên kia thì vật chất là gián đoạn, như những hột, hột điện tử, hột năng lượng. Còn theo những ý về quang học thì ánh sáng được phát ra một cách liên tục như những làn sóng.

Nếu gián đoạn và liên tục là điều tuyệt đối mâu thuẫn nhau thì bản chất của vật chất và bản chất của ánh sáng cũng trái ngược nhau.

Gần đây, nhà bác học Planck nghiên cứu ánh sáng của những vật cháy nóng phát ra, thấy rằng ánh sáng ấy không phải là liên tục như làn sóng mà gián đoạn, phát ra từng phân số. Có khi nào vật chất không phát sáng, mà thu hấp quang năng để đổi thành điện năng (như trong nghề chụp ảnh thường trông thấy) hay thành hóa năng, nhiệt năng, thì những biến đổi ấy cũng chứng minh rằng ánh sáng là gián đoạn, không phải liên tục. Theo Planck thì ánh sáng là những vật thể nhỏ lắm có năng lực phát sáng (ông gọi là lượng tử hay quang tử); lượng tử (quantum d’énergie) là phần nhỏ nhất của năng lượng mà vật chất có thể trao đổi với nhau được. Đó là quan niệm năng lượng gián đoạn(énergie discontinue). Còn quang tử (pheton) là hạt ánh sáng, đơn vị cấu tạo của ánh sáng: quan niệm gián đoạn về ánh sáng.

Ông Broglie thí nghiệm với vật chất giống cách ông Planck thí nghiệm với ánh sáng cho rằng có thể có những làn sóng vật chất cho những điện tử vật chất. Nhà bác học Langevin nghĩ rất chí lý rằng phải có sự thống nhất giữa hai mâu thuẫn: gián đoạn và liên tục; hai mâu thuẫn không tuyệt đối mâu thuẫn, mà trái lại, nó thống nhất với nhau (như âm dương, như tiêu cực tích cực).

Nói chung vật chất với ánh sáng không tuyệt đối mâu thuẫn nhau. Ánh sáng là vật chất, ánh sáng không còn là cái ơn của Thượng đế ban cho con người, và muôn loài như nhà tôn giáo thường mê muội tưởng.

Những phát kiến mới của khoa học đều chứng minh những ý tứ tài tình của Marx Engels: thế giới là vật chất; đặc tính của vật chất là khách quan, vận động, thống nhất.

4. Thượng đế bị thất nghiệp

Ngày nay “Nguyên tử” với năng lượng của nó chưa đúng là một hệ thống điện tử học (électro-magnétique) vô cùng phức tạp. Số tổng cộng của vật chất và năng lực không thêm, không bớt. Trong quan niệm mới về luật này, ông Mendelew, nhà bác học Xô-viết, chỉ cho chúng ta thấy rằng cái bộ lực lượng điện tử khi ấy có vẻ khác trước kia; có những luật vật lý liên kết các nguyên tử. Cứ theo những phát kiến mới của khoa học, thì nguyên tử gồm một cái nhân vật chất rất nhỏ ở chính giữa, xung quanh có một vầng mây điện tử. Tính chất của vầng mây điện tử này, sự phân phối và số chấm mà người ta trông thấy trong đó – nhưng điện ấy chính là năng lượng tụ hội lại mà chúng ta gọi là điện tử - những điều ấy quyết định bản tánh của một nguyên tử; nếu nguyên tử mất một phần vầng mây kia, nó sẽ biến đổi thành (ion) ly tử; ly tử là một đơn vị có điện lực dương (dương ly tử) hay âm (âm ly tử). Chính những điện tử ấy quyết đinh tánh chất của vũ trụ quanh chúng ta. Nó tạo ra một vũ trụ hoàn toàn theo quy luật của Mendelew; nó tạo ra tất cả những sự vật dưới đất và trên trời, tạo ra những vẻ đẹp và màu sắc của cả thế giới hữu sanh và vô sanh1

Những phát kiến mới của khoa học hoàn toàn chứng thật những ý tưởng của Marx-Engels-Lénine-Staline về vật chất; những nhà triết học này không hề bị giam mình trong một duy vật luận thô sơ, hay cơ giới, mà trái lại xem vật chất trong tánh hành động, biến hóa, khách quan của nó.

Những phát kiến mới của khoa học về vật chất đã vén được cái “màn bí mật” về bản tánh của vũ trụ; con người tìm biết càng ngày càng rõ những quy luật gọi là quy luật Mendelew, quy luật quyết định từ sự sinh ra tinh tú cho đến sinh hoạt, từ cách phân phối khoáng chất dưới đất, cho đến màu sắc hình dáng của mỗi vật. Như thế, Thượng đế và các tư tưởng thần bí đều hóa ra vô dụng, thất nghiệp.

Lẽ tất nhiên, khoa học về sau còn tiến ngàn, vạn lần hơn nay nữa chứ chưa phát tới mực nguyên tử, điện tử này là thôi; thì quan niệm của ta về vũ trụ, nhận thức của ta về vật chất lại càng ngày càng rõ rệt mãi, cứ theo tiến triển của khoa học mà đầy đủ thêm hoài.

5. Một thế giới thiên hà (Univers de galaxies)

Đứa trẻ con tưởng đâu cả vũ trụ xoay vần chung quanh nó. Tôn giáo dốt nát mê muội bắt buộc người ta tin rằng cả vũ trụ do Chúa dựng lên trong 6 ngày, mà trái đất vuông có bốn vị thiên thần nâng đỡ ở bốn gốc, trái đất vuông ấy lại là trung tâm của vũ trụ !

Một bên với Copernic, Kepler, Hans Lipperschey, Galilée về sau nữa Newton, Laplace, v.v… cho đến ngày nay, tầm con mắt của loài người mở rộng ra mãi mãi, mỗi lúc là mỗi có ngôi sao xa xăm được tìm thấy, cho đến đỗi người ta không còn tin biên cương của con mắt khoa học bằng triệu cây số mà bằng triệu năm ánh sáng, ánh sáng đi mau 300.000 cây số mỗi giây.

Một bên kia, ông bà Curie, vợ chồng Joliot, Becquerel, Bothe, Becker, Moseley… và cả một đoàn bác học dắt chúng ta đi về ngõ vô cùng nhỏ, nghiên cứu vật chất, tìm nguyên tử, điện tử, dùng năng lực nguyên tử…

Đi một bước trên hai hướng vô cùng to và vô cùng nhỏ, con người lần lượt có một quan niệm càng xác thực về cái vũ trụ vật chất mà chính mình là hột cát có uy quyền.

Cả cái vũ trụ thiên hà ta ở đây dựng trên nền tảng của nguyên tử. Nguyên tử kết hợp lại là phân tử. Phân tử kết hợp lại là vạn vật và trái đất này. Trái đất này và nhiều tinh tú là hệ thống mặt trời. Nhiều hệ thống mặt trời kết hợp lại là cả cái vũ trụ thiên hà…một vũ trụ thực tại, vật chất, xoay vần theo quy luật khách quan, một vũ trụ trong đó mặt trời chưa phải là trung tâm, trái đất càng không phải là trung tâm mà con người càng không phải là trung tâm hơn nữa, nhưng con người lại có sức tìm hiểu quy luật của vạn vật, của vũ trụ thiên hà này, hiểu đứng đắn hơn bất cứ ông thánh Moise nào kể chuyện “Tạo thiên lập địa” cho tín đồ tin nhảm.

 



1  Fersman, Khoa học tự nhiên Liên xô từ 25 năm nay.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Đỗ thị thảo nguyên - 09:37 14/10/2023
1 số nước đã xd thành công xhcn và
Tư bản chủ nghĩa trên tg
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt