Nhập môn triết học

Tồn tại và tư tưởng. 2. Thời gian, không gian

VŨ TRỤ QUAN

 

PHẦN THỨ BA

 

TỒN TẠI VÀ TƯ TƯỞNG

1 2 3 4

 

TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)

 


Trần Văn Giàu. Vũ trụ quan. Đại học Sư phạm xuất bản, 1956.


 

II. THỜI GIAN, KHÔNG GIAN

1. Những quan niệm duy tâm về thời gian, không gian

Trên tất cả các vấn đề triết học, hai môn phái duy tâm và duy vật có những ý kiến trái nhau. Nói chung, về thời gian và không gian, duy tâm luận nghĩ rằng, ngoài tâm trí ta, không có thời gian, không gian nào thực tại cả; nói một cách khác, theo ý họ thời gian không gian là những quan niệm chủ quan, những sáng chế hoặc của con người, hoặc của Thượng đế.

a. Leibnitz: không gian, thời gian là những quan niệm thuần túy, những mối quan hệ mà thôi:

Muốn có ý niệm về không gian, chỉ cần để ý tới những quan hệ về vị trí, và những quy tắc đổi thay, thay đổi của những quan hệ ấy, không nhất thiết phải tưởng tượng một thực tại tuyệt đối nào ngoài những vật mà ta đương xem xét vị trí của nó” 1

Còn thời gian là “trật tự của vật này kế tiếp vật kia”. Tuy nhiên, quan niệm ấy, quan hệ ấy “nhờ Thượng đế mà thật và đúng” (Nouveaux Essais) quan niệm không gian, thời gian thuộc về những chân lý vĩnh hằng của Thượng đế ban cho.

Nhà khoa học Leibnitz đi đâu thì đi chớ rốt cùng thì lúc nào cũng kéo ta về Thượng đế chúa tể muôn loài, sanh ra muôn vật. Thật ra, ông mâu thuẫn với ông. Mâu thuẫn, vì nếu thời gian và không gian đều là chủ quan, do tâm trí ta tạo ra thì nó không phải do Thượng đế tạo. Nếu do Thượng đế tạo thì không phải do tâm ta tạo. Một con làm sao là con của hai ông cha. Nếu không muốn có mâu thuẫn thì hoặc tâm trí của Leibnitz là Thượng đế, hoặc Thượng đế của Leibnitz chỉ là tâm trí của ông.

b. Kant:

Kant không nhờ đến Thượng đế, chỉ nhờ cái “lương tri” “trời cho” của ông. Leibnitz xem thời gian, không gian là những quan niệm trừu tượng; Còn theo Kant, thời gian và không gian là những hình thức của cảm giác, những trực giác trời cho, có sẵn trong trí ta trước khi có kinh nghiệm. Tại có sẵn những trực giác về thời gian, không gian đó, nên con người tròng sự vật vào không gian thời gian chủ quan ấy và nhờ đó mà hiểu được sự vật, gần như nhốt con ngựa vào cái chuồng, bắt con muỗi vào chiếc hộp mới xem xét rõ ràng hình thù, tánh chất của muỗi, của ngựa. Kant lấy những lý do sau đây để chứng minh rằng kinh nghiệm không đem được cho ta những quan niệm về không gian và thời gian:

+ Trước hết, quan niệm về không gian là hình thức tất yếu, điều kiện của kinh nghiệm bên ngoài; có quan niệm về không gian trước, sau mới có kinh nghiệm về sự vật; cho nên, đã là hình thức và điều kiện của kinh nghiệm thì kinh nghiệm không thể cho ta một quan niệm về không gian, thời gian được. 

+ Người ta có thể tưởng tượng có không gian mà không có vật, người ta không thể tưởng tượng rằng có vật mà không có không gian;

+ hông gian là vô cùng; kinh nghiệm cho ta biết chỉ cái hữu hạn thôi, thì hữu hạn không cho ta cái quan niệm về vô cùng được. (“Phê bình lý trí thuần túy”).

Về thời gian, cũng như vậy. Theo Kant quan niệm thời gian là sẵn có, trời cho, không do nơi kinh nghiệm nào mà nảy sinh ra được. Thời gian, không gian là quan niệm chủ quan mà sự vật phải hòa hợp với nó.

Người ta có thể hỏi Kant vậy chớ con người ăn lông ở lỗ, trẻ em và ngay ông Kant khi mới sanh đã có trực giác về thời gian, quan niệm về không gian như thế nào chưa, tới mấy ngày mấy tháng sau khi đẻ ra thì được nhận cái quan niệm trời cho ấy ? Hay là phải lớn lên, phải hoạt động, phải sống, phải nghiệm nghiệm trong không gian, thời gian khách quan - mới có quan niệm chủ quan về thời gian, không gian ấy.

c. Poincaré

Với ông này, không gian, thời gian đã chẳng phải của Thượng đế tạo nên, cũng không phải do mỗi người sẵn có trong trí, lại không do kinh nghiệm thực tế mà ra; nó chẳng qua là một sáng tạo của nhà toán học, tạo ra để tính toán cho dễ, cho tiện thôi. (“Giá trị của khoa học”).

Người ta có thể hỏi Poincaré vậy chớ tôi chỉ là nhà nông phu, anh chỉ là nhà thương mại, cả hai không phải là nhà toán học thì chúng tôi không có quan niệm về thời gian, không gian sao?

d. Durkheim: Theo  đôi nhà xã hội học tư bản như Durkheim, Blondel, thì không gian và thời gian chỉ là những điều cần thiết cho xã hội thôi. Vùng này qua vùng nọ, lễ này qua tết kia, ngày tốt, ngày xấu, nay nghỉ mai làm, đây khổ, kia vui, chánh cớ những điều đó thì thời gian và không gian mới có ý nghĩa.

Vậy theo nhóm xã hội học này, thời gian, không gian không có tính chất khách quan cũng không phải là chủ quan, mà có tánh cách cần thiết cho xã hội thôi. 

Người ta có thể hỏi Durkheim, Blondel vậy nếu không có con người, không có xã hội thì thời gian và không gian mất ý nghĩa đi sao ? Ở sa mạc, ngoài biển cả, trên không khí, không có xã hội thì ở đó không có thời gian, không gian à ?

e. Bergson: Ý kiến của Bergson rất phức tạp, có thể tóm tắt như sau đây: Thứ nhất: thời gian là sản phẩm của linh tánh, của trực giác, bản tánh của nó là phần phẩm chất, chỉ là phẩm chất thôi, công dụng của nó là đời sống tinh thần. Thứ nhì, trái với thời gian, không gian là sản phẩm của lý trí, nó là nền móng của số lượng nó thuộc về thế giới vật chất. Thứ ba: như vậy thì thời gian và không gian tương phản nhau. Thứ tư: có hai thứ thời gian; thời gian cụ thể, thời gian sống, thì lộn xộn, khi mau khi chậm (tùy tâm lý của ta “trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê” như Tản Đà); thời gian trừu tượng, toàn cuộc, thì thời gian này là khoa học, đồng đều, đo được, đoạn này kế đoạn kia. Thời gian sống thì hỗn độn “cài răng lược” phần này chung lẫn vào phần kia như thứ thời gian tâm lý.

2. Phê bình những quan điểm duy tâm về không gian và thời gian

Tất cả những quan điểm kể trên đều phạm vào những lỗi chánh sau đây:

a. Bergson, Kant, Leibnitz, Poincaré … đều chỉ trông thấy cái quan niệm của người (của nhà thông thái, triết học, khoa học hay dân chúng) về không gian và thời gian; họ không nhận thấy khách quan tánh của không gian và thời gian. Thời gian, không gian là những thật tại khách quan, nghĩa là không lựa có ý ta, không chờ phải có con người đã có không gian, thời gian rồi, và từ sau khi các nhà khoa học, triết học kia qua đời, thời gian vẫn trôi chảy, không gian vẫn bao la. Như thế thì bảo thời gian, không gian do trí ta tạo ra cho tiện việc, hay là để nghiên cứu, hiểu biết, là làm sao ?

b. Bảo Thượng đế tạo ra thời gian, không gian là điều càng khó hiểu, càng không thể hiểu. Nếu thời gian, không gian bị ai tạo ra thì nó có cái khởi thủy. Trí ta làm gì hiểu được một chỗ bắt đầu của thời gian, không gian. Vả chăng kiếng viễn vọng cứ mở rộng mãi không ngừng tầm khảo sát của nhà bác học. Nói khởi điểm là nói ngay bên kia cái khởi điểm ấy là gì ? Ví như ta viết con số: số 10; trước số 10 ta có thể thêm mãi vô cùng con số, có bao giờ dứt đâu; ở sau số 10, ta có thể thêm mãi có bao giờ dứt đâu. Và, hơn nữa, nếu hoặc trí tuệ, hoặc Thượng đế nào tạo ra thời gian và không gian, thì nó phải có ngoài và trước không gian, thời gian. Vật ngoài không gian, trước thời gian là vật “phong thần nhưng Đông phương Sóc, như Nguyên thủy chân tôn của nhà tiểu thuyết Tàu” 

c. Bảo có quan niệm mà không cần có kinh nghiệm và thực tại (như Kant) thì càng quái gở hơn nữa. Cậu bé Kant 1 tuổi làm gì có quan niệm không gian, thời gian như ông Kant viết triết học. Cậu bé Bergson 1 tháng đã trực giác được thời gian “tâm lý” và “thuần túy” chưa? Kant bảo kinh nghiệm chỉ thấy cái hữu hạn, làm sao sanh được quan niệm vô cùng; nhưng một mặt vô cùng của không gian, thời gian đã có sẵn trước ông, sau ông, đời đời, thì sanh ra cái quan niệm không gian và thời gian vô cùng trong trí, có gì lạ ? Hai là, chính cái sự thật hữu hạn của kinh nghiệm gây được cái quan niệm vô cùng trong trí não, giống như cái tánh cụ thể của sự vật sánh được ý trừu tượng trong tâm trí, việc ấy rất thường. Tôi sống trăm năm (hữu hạn) nên muốn sống đời đời (vô hạn), anh thấy mãi xe đạp xanh, trắng, xấu, đẹp (cụ thể), nên có quan niệm xe đạp nói chung (trừu tượng) có gì là lạ đâu ?

d. Thời gian, không gian đã chẳng phải là nhơn tạo của từng người, thì cũng không phải nhơn tạo của từng đờI, từng xã hội. Nào phải vì xã hội cần tính mùa, tính lễ, tính vùng mà sanh ra thời gian, không gian ; trái lại , có không gian, thời gian, mới có tính nay vui, mai buồn, đây tốt, kia xấu. Ví phỏng cái xã hội của Durkheim chìm xuống đáy biển vì một động đất nào, không gian, thời gian chưa phải vì đó mà mà chìm mất theo, và trước khi có loài người, lẽ nào không có sớm tối (thời gian), lẽ nào không có chân trời, góc bể (không gian).

e. “Bản tánh của thời gian chỉ là phẩm chất” (Bergson); hóa ra, nếu Bergson nói đúng thì sẽ có cái gì là chất mà không có lượng chăng ? Hay là có cái lượng gì mà không có chất chăng ? Đo được thời gian, thì thời gian là lượng lẫn chất rồi, và trong tự nhiên, cũng như trong xã hội lượng và chất đi đôi nhau mãi mãi. 

Riêng chỉ đời sống tinh thần mới cần đến thời gian. Cái thân xác của nhà triết học Bergson đã ở trong thời gian, nó trẻ rồi già. Riêng chỉ thế giới vật chất mới cần đến không gian. Cái tâm hồn của nhà triết học Bergson đã ở luẩn quẩn Paris, trong nước Pháp, ở Âu châu rồi kia mà.

Engels nói:

Tồn tại ngoài thời gian là một thứ vô lý to lớn cũng như tồn tại ngoài không gian1

g. Các nhà triết học duy tâm trên kia đều xem thời gian và không gian riêng biệt với sự vật, cũng như thường thường họ xem sự vật riêng biệt với thời gian và không gian. Họ tưởng đâu không gian, thời gian như là cái lòng sông còn sự vật như là nước chảy trong sông. Họ xem thời gian, không gian như cái hũ đựng lúa, đựng gạo. Đó là một quan niệm sai khoa học, sai thực tế. Làm sao có vật chất mà không có không gian, thời gian; làm sao có thời gian, không gian không vật chất ? Vẫn biết ta có thể dùng trí mà dẹp mất vật chất trong không gian và thời gian để có quan niệm không gian, thời gian thuần túy, nhưng đó là một điều ta trừu tượng hóa bằng tư tưởng chớ không có trong thực tế.

Engels nói:

Không gian, thời gian là những hình thức chánh của tồn tại2

Sông suối có thể khô cạn; thời gian, không gian không lúc nào không có vật chất. Nước có thể ở ngoài con sông, con suối, ở đồng ruộng, he mái, song vật chất không thể ở ngoài thời gian, không gian được.

3. Quan điểm của khoa học

Về vấn đề không gian và thời gian, bên trận tuyến duy vật cũng không hoàn toàn đồng ý nhau, và trước Marx, Engels, những nhà duy vật như Descartes, Locke vẫn chưa tìm được một quan niệm chánh xác, mặc dầu nhà duy vật nào cũng giống nhau ở chỗ công nhận khách quan tánh của thời gian và không gian.

Descartes nói:

Không gian phân biệt với vật chẳng qua là tại đôi khi chúng ta quan sát cái rộng hẹp, lớn nhỏ mà không suy nghĩ đến cái vật nhỏ hay lớn, hẹp hay rộng ấy3 Theo Descartes, bản tánh của vật chánh là phần không gian mà vật ấy chiếm; vật với không gian, hai cái ấy không phân biệt nhau, hay là không phải khác nhau. Vậy, không gian hẳn là một thực tại khách quan như muôn ngàn sự vật khác.

Ý này đúng.

Còn thời gian, theo Descartes là gì? là thuộc tánh của sự vật.

Ý này lại sai.

Theo nhà khoa học Newton, không gian thời gian là những thực tại tuyệt đối, nghĩa là nó tự có, không thiết phải có anh, có tôi, có vật, có việc xẩy ra, cũng đã có không gian và thời gian.

Không gian tuyệt đối, không quan hệ với ngoại vật, cứ theo bản tánh nó thì nó luôn luôn như thế, luôn luôn bất động”. “Thời gian tuyệt đối…trôi chảy đều đều..Vận động có mau hay chậm, thời gian vẫn đều đều, và nếu không có vận động gì, nó cũng thế thôi” (Newton, “Nguyên tắc toán học của triết học tự nhiên”).

Cái khuyết điểm chung của hai nhà triết học trên là xem không gian, thời gian như hai quan niệm hoàn toàn độc lập, riêng rẽ nhau. Khuyết điểm riêng của Newton là xem thời gian, không gian như là một cái khuôn khổ trống rỗng, giống như cái sân khấu cho đào, kép ra diễn.

Minkovski tiến lên một bước:

“Từ nay, quan niệm về không gian và thời gian tự nơi nó trở nên hoàn toàn tiêu ma như bóng, và khi nào liên hiệp hai quan niệm lại mới có thể tự cho là độc lập được”. Độc lập đây không phải là đối với trí não người ta, mà đối với sự vật. Theo ông, thời gian trở thành như là bề thứ 4 của vật, của một thế giới “thời - không gian”. 

Minkovski đã tiến hơn Newton song, ông nhập một hai thực tại không phải một mà chỉ liên lạc mật thiết, thời gian và không gian và hai thực tại lấy cái nầy dò cái kia được, người ta có thể tự hỏi coi xu hướng nhập một thời gian với không gian như thế có đúng không ? - Không hai thực tại đã đành liên hệ nhau nhưng không phải là một. Nhưng “thời - không gian” của ông vẫn còn là một cái bầu chứa sự vật và hiện tượng.

Đến nhà toán học Einstein, không gian hết phân tách ra ngoài sự vật, không gian không phải là sân khấu cho sự vật diễn tuồng nữa. Không gian là một thực tại, vật chất, là thống nhất với vật chất:

“Thời gian, không gian và năng lượng (vật chất với phát ánh) không phải là ba thực tại phân tách nhau. Chính là ba sự thật mà nhà vật lý học thấy luôn luôn kết hợp nhau, còn nhà triết học thì xem lầm như riêng rẽ nhau”.

Ý kiến này của Einstein rất gần với thực tế. Song Einstein sai ở chỗ cho rằng không gian tuy vô cùng mà không bất tận; ông cho rằng, nó xa mấy trăm triệu năm ánh sáng; cương giới tuy xa mà vẫn là cương giới; mà không gian không có cương giới nào, không thể có cương giới được.

4. Thảo luận tư tưởng của Einstein về không gian và thời gian

a. Dư luận chấn động

Cuộc “biến động” trong làng vật lý học do ông Einstein gây nên từ đầu thế kỷ thứ 20 này, là tư tưởng của ông về không gian và thời gian. Ông đánh đổ hay là toan đánh đổ “uy quyền bá chủ” của học thuyết Newton, bằng thuyết “tương đối luận” của ông.

Trước Einstein, có đôi nhà tiểu thuyết bày ra nhiều chuyện phong thần mà có màu khoa học. Văn sĩ H.G Wells vẽ ra một chiếc “máy khảo sát thời gian” nhờ chiếc máy tưởng tượng ấy mà con người có thể đi ngược hay đi xuôi trong thời gian, cũng như một chiếc ô-tô có thể đi tới hay đi lui trên đường cái. Nhà thiên văn Flammarion, trong quyển “Lumen”, cho linh hồn của nhân vật tiểu thuyết của mình một cái tài phi thường là đi mau hơn hoặc chậm hơn ánh sáng. Nếu đi mau hơn ánh sáng thì một việc xảy ra lâu lắm rồi, ví dụ như Mussolini bị treo cổ, quân Đức đại bại ở Moscow, trận La-ngà… bị “rượt” theo kịp, qua mặt, rồi cái linh hồn chu du mau hơn ánh sáng kia sẽ, đứng trước ánh sáng xa xăm, thấy diễn lại những trò đời rõ rệt đã diễn tự bao giờ rồi.

Thuyết “tương đối luận” của Einstein, không phải là một truyện phong thần. Nó căn cứ vào khoa học. Nó đã làm chấn động dư luận thế giới.

Nói về thời gian. Thời gian tương đối.

Chờ đợi, ngồi không; thời gian dài. Vui vẻ, chuyện trò, chờ bị xử tử hình, làm việc gấp rút; thời gian lại ngắn. Thời gian co dãn ấy, tương đối ấy không phải là thời gian tương đối của Einstein.

b. Không gian bốn bề

Một việc xảy ra: ở đâu ? - giết nhau trên sườn đồi thông này; do ba bề thì người ta biết rõ việc xảy ra ở chỗ nào trong không gian; nhưng chưa đủ. Muốn biết việc đó, còn phải hỏi: nó xảy ra lúc nào, sau khi đã đo ba bề kia, bắc, đông và đường dây chì thẳng lên. Vậy người ta đã xem thời gian như là bề thứ tư rồi vậy.

Laplace, Langrange đã có ý từ lâu rằng có thể dùng thời gian làm bề thứ tư của sự vật. Minkowski đã dùng bề thứ tư ấy trước Einstein khi ông ta thêm cái dấu – (trừ) vào trước những phương trình toán học. Thêm một dấu trừ như thế mà sanh những kết quả vô cùng lớn lao.

Theo Einstein, hai việc xảy ra cách nhau, không phải chỉ trong thời gian hay trong không gian, mà cách nhau trong thời - không gian. Einstein tìm ra một hằng số (constante) mới của những phương trình toán học của ông, mà ông gọi là “khoảng cách”, khoảng cách của việc trong thời - không gian thống nhất lại. Do đó, ông tạo ra một thứ hình học mới, và bày ra cái ý rất mới là vũ trụ vừa cong vòng và hữu hạn, vũ trụ của Einstein, khác với vũ trụ ngay thẳng và vô cùng của Newton; cũng do đó, Einstein bày ra thuyết mới về vạn vật hấp dẫn.

Chúng ta không nói đến luận vạn vật hấp dẫn của Einstein; chỉ bàn đến thời - không gian mà thôi.

c. Nhiều thứ quan niệm về không gian

Minkowski và Einstein cố lật ngã “quyền thống trị” của Newton; Newton cho rằng thời gian, không gian khác nhau, ngay thẳng đồng đều, tuyệt đối vô cùng.

Cũng như Lobachevski Riemann và Bolyai cố lật ngã quyền thống trị của Euclide trong hình học. Cứ theo Euclide, từ một điểm chỉ có thể vẽ một đường bình hành với một đường ngay có trước; đó là không gian ngay thẳng. Lobachewsky, Bolyai lại chỉ rằng từ một điểm, người ta có thể vẽ vô số đường bình hành với một đường ngay sẵn có; đó là không gian cong vòng, (hyperbolique). Riemann bày ra một thứ hình học, trong đó, từ một điểm, người ta không thể vẽ một đường nào bình hành với một đường ngay sẵn có; đó là không gian bầu dục (elliptique).

Theo Einstein, không gian do bề thứ tư mà cong vòng. Còn thời gian thì ngay thẳng. (Một nhà khoa học khác, ông Sitter nghĩ rằng thời gian cũng cong vòng như không gian của Einstein nữa).

Trong thế giới vòng cầu của Einstein, ánh sáng dường như đi ngay mà đi vòng cầu, hết một vòng, trở lại chỗ cũ; và hơn nữa, thế giới ấy sẽ là một thế giới hữu hạn chớ không phải vô cùng nữa.

d. Có lý hay không có lý ?

- Thứ nhất: nếu ánh sáng đi vòng, thật xa, xa lắm, rồi trở lại chỗ cũ thì, tuy tôi có thể thấy cái gáy của tôi, nhưng vì tôi sống chỉ “trăm năm trong cõi người ta”, nên ánh sáng của cái gáy chưa trở về kịp; mà, nếu Einstein đúng, nếu thế giớI cong, ánh sáng vòng, mà ví dụ như mức 100 triệu năm ánh sáng là đường kính của thế giới Einstein, thì tôi phải thấy những việc đã xảy ra trong thế giới ví dụ như hồi 300 triệu năm ánh sáng về trước. Mà cả tôi, lẫn anh, lẫn ông Einstein chẳng thấy cái lưng mình, lại chẳng thấy việc xảy ra hồi bao nhiêu triệu năm về trước, thì làm sao tin được rằng không gian cong vòng hay thời gian vòng cầu được ?

Một lý thuyết phải đúng thực tế mới đứng vững chứ không phải tại mình kéo nó từ một phương trình toán học nào, hay từ trí tưởng tượng của mình ra. Tương đối luận của Einstein còn là một giả thuyết.

- Thứ nhì: Thế giới của Einstein là hữu hạn, không gian có một mức, một cương giới, thật ra, nhưng có cương giới. Người ta sẽ tự hỏi từ cương giới ấy trở ra là gì, có gì? Einstein đụng đến một chỗ mà tương đối luận của ông tự mâu thuẫn với nó, tương đối trở thành tuyệt đối; thế giới hữu hạn của ông rộng mấy cũng trái với thực tế biện chứng.

- Thứ ba: Đã nói không gian cong vòng và thời gian ngay thẳng thì làm sao nhập một hai thực tế thành ra cái “Thời Không gian” ? Hai thực tế không rời nhau được trong thực tế vẫn là hai điều không như một của liên lạc gắn bó nhau thôi. Chúng ta đã nói: lấy không gian mà đo được thời gian, đã là bằng cớ rằng hai thực tế kia không phải là một.

- Thứ tư: Từ Newton đến Einstein nào đã có một cuộc “cách mạng” như người ta tưởng; Einstein chưa đánh đổ được Newton trong việc giải thích ánh sáng, hấp dẫn, sự xoay vần của trái đất quanh mặt trời, v.v…, cũng như Lobachewski chưa tiêu diệt nổi hình học của Euclide.

Thực tế đã chứng nhận thì lý thuyết mới có giá trị. Dù sao đi nữa, quan niệm của Einstein về không gian hữu hạn, và thời gian nhập vào một với không gian là điều khó nhận, không nhận được; song, lấy chung, tương đối luận của Einstein đã đem cho khoa học một khí cụ nhận thức mới, không phải đã hoàn hảo, mà có phần nào chống lại những phán đoán tuyệt đối trước kia. Khí cụ ấy còn hay mất sau này do những kết quả hay hay dở của nhà khoa học sẽ luận được với nó.

5. Ý kiến của triết học duy vật

Duy vật biện chứng pháp trình bày những ý kiến sau đây, phần lớn là phù hợp với ý kiến của các nhà duy vật khác, và tất nhiên là phù hợp với khoa học.

a. Chúng ta nhận rõ tánh chất khách quan, thực tại của thời gian, không gian. Chánh vì thời gian, không gian là những thực tại khách quan mà chúng ta mới có quan niệm trừu tượng về không gian và thời gian được.

Ông Duhring nói: thời gian chỉ là một quan niệm; thì Engels cãi lại rằng: “Không chỉ là một quan niệm. Thời gian chánh là thời gian thật sự mà ông Duhring không thể gạt bỏ dễ dàng như thế đâu”.

Duhring nói: nhờ có sự thay đổi mới có thời gian, thì Engels cãi lại: “Chánh vì thời gian là phân biệt, khác với sự thay đổi nên ta dùng được sự thay đổi mà đo thời gian”.

Vậy thời gian, không gian là những sự thật khách quan, không ai tạo nó ra cả. Sở dĩ ta có quan niệm trừu tượng về thời gian không gian là vì đã sẵn có không gian và thời gian ngoài ý của ta.

b. Không gian, thời gian là vô thủy, vô chung, không bắt đầu nơi nào, không chấm dứt nơi nào. Có như thế mới hiểu được những vật những việc lâm thời, có giới hạn.

c. Sự thật đã không có, mà người ta cũng không sao quan niệm được một vũ trụ có khởi điểm trong thời gian và có giới hạn trong không gian. Vũ trụ, thời gian, không gian, đều là vô chung, vô thủy.

d. Vật chất bao giờ cũng vận động: có vật chất là vật chất trong không gian, có vận động là vận động trong thời gian, không thể có vật chất vận động ngoài không gian và thời gian; cũng như không có thời gian, không gian nào không vật chất và cũng như không có cái gì trong không gian lại ở ngoài thời gian hay ở trong thời gian mà ngoài không gian; chính không gian, thời gian đã là những thực tại vật chất rồi.

Không gian và thời gian là hình thức chính của sự tồn tại của sự vật.

6. Quan trọng của vấn đề này:

Sở dĩ các nhà triết học hay khoa học tư bản muốn tự ý thủ tiêu khách quan tính của thời gian, không gian là vì: - nếu đã không có thời gian thật, nếu chỉ có thời gian nhân tạo thì nào sự biến đổi, luật biện chứng, nào luật khoa học sẽ không còn vững vàng dựng trên một nền tảng cụ thể nữa. Họ muốn giết thời gian như ông Berkeley muốn giết vật chất, Berkeley muốn giết vật chất để giết duy vật luận. Họ muốn thủ tiêu thời gian để thủ tiêu biện chứng pháp, để xem những quy luật của vũ trụ như là không tất yếu mà “ngộ nhiên”, mà “tự do”. Những cố gắng kia đều vô ích như Tần Thủy Hoàng muốn sống đời đời, sai người qua Đông Hải tìm thuốc “trường sinh bất lão”…Họ muốn tiêu diệt tính chất khách quan của không gian, chẳng qua là một cách muốn tiêu diệt nền móng, điều kiện căn bản của thực tại, của sự vật. Đã không có không gian chắc hẳn không còn vật chất; không còn vật chất làm sao còn duy vật được.

Dụng ý của triết học duy tâm rất rõ.

Song dụng ý của họ chẳng qua làm sao thoát ra khỏi dụng ý ở đâu ? (không gian) hồi nào ? (thời gian), ai dụng ý ? (thực tại).

Nói khác hơn, nếu đã nhận rõ tính chất khách quan của không gian, thời gian, nếu đã nhận thấy rằng sự vật hiện tượng đều ở trong không gian và thời gian thì phải nhận toàn bộ của duy vật luận biện chứng pháp, chống lại với tất cả các mẫu duy tâm, siêu hình. Nếu không gian là thực tại khách quan thì vật chất là thực tại khách quan. 

Nếu thời gian là thực tại, thì vật gì cũng phải biến đổi không ngừng, vật gì cũng có lịch sử của nó, không có vật gì, kể luôn cả lý trí, tinh thần, tư tưởng, thượng đế, mà vĩnh hằng tuyệt đối nữa. Thượng đế mà bị “giam” trong không gian thời gian thì Thượng đế hóa phàm tục rồi mất ngôi trời. Người khoa học, người chính trị bao giờ cũng xem xét hiện tượng trong “thời gian và không gian” không bao giờ nên tách hiện tượng ra khỏi hai điều kiện ấy cả, nếu muốn tránh sai lầm.

 



1  Thư gửi cho Clarke

1Engels, Chống Duhring.

Nguyên tắc của triết học.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt