Nhập môn triết học

Tồn tại và tư tưởng. 3. Sinh hoạt

VŨ TRỤ QUAN

 

PHẦN THỨ BA

 

TỒN TẠI VÀ TƯ TƯỞNG

1 2 3 4

 

TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)

 


Trần Văn Giàu. Vũ trụ quan. Đại học Sư phạm xuất bản, 1956.


 

III. SINH HOẠT

Trong vũ trụ vật chất này, có những vật chết và vật sống, hay, nói cho đúng hơn, có những vật chất không sinh hoạt gọi là vô sinh vật và những vật chất có sinh hoạt gọi là sinh vật. Vậy sinh hoạt là gì ? Cái gì sinh ra sinh hoạt ? Sinh hoạt có phải là một thuộc tính của vật chất hay là một mãnh lực huyền bí nào nhập vào vật chất chăng ?

Nếu trong thế giới vô sinh vật (như đất, nước, lửa, đá, tinh tú, không khí, năng lượng, cơ giới v.v…) nhà duy tâm dễ dàng bị nhà duy vật đánh lại, thì họ lại lui vào địa hạt sinh hoạt này để dùng phòng tuyến mới, cầu viện hoạt lực, thần lực để khai chiến với đối phương.

Và chính trong vấn đề này, duy vật luận cơ giới khó tranh thắng phụ với duy tâm luận; phải đến duy vật biện chứng mới giải thích được rõ ràng, dựa vào những phát kiến của khoa học tự nhiên, hóa học và sinh lý học.

1. Giải đáp của Duy tâm luận

a. Thời cổ, dân chúng có một cách giải đáp vấn đề sinh hoạt; họ là người triết học trước khi có chữ triết học, họ duy tâm trước khi có chữ duy tâm; họ tưởng tượng rằng cái gì cũng có linh hồn; cây lâu năm thành ma qủy, tu mãi hóa ra người; người sống nhờ có linh hồn: linh hồn là gốc của sinh hoạt. Quan niệm linh hồn của người thời cổ là một cái tin, cái ý mơ màng; họ chưa có ý thức gì rõ ràng cả.

Ông Aristote phân biệt ba thứ linh hồn:

+ Linh hồn thực vật (của cây cỏ)

+ Linh hồn cảm giác (của cầm thú)

+ Linh hồn động tác (của con người)

Kể ra thì Aristote chẳng hơn gì thường dân mê muội của thời cổ; nhà triết học Stahl về thời cận đại này cũng không kém lạc hậu hơn người ăn lông ở lỗ. Tất cả đều nghĩ rằng nguyên nhân của sinh hoạt là linh hồn: linh hồn làm cho cỏ mọc, hoa nở, trái chín; linh hồn làm cho trái tim đập, bao tử nghiền cơm rau, máy chạy, v.v… Ông Stahl nghĩ rằng linh hồn ấy rất tài; “nó có mục đích đem sữa tới vú cho em bú”, nó là “một nhà hóa học tài vì nó tiêu hóa các thức ăn, ngăn ngừa nhiều tật bệnh”. 

Ai có chút khoa học thì chắc hẳn không dám nhận những tin tưởng thô lỗ này.

Hồi thế kỷ 18, Helvétius nói: anh dân quê kia ngó vào chiếc đồng hồ, thấy kim chạy; anh ấy tưởng rằng cây kim đồng hồ có linh hồn mới chạy; anh ấy không kém ngu dại hơn nhà triết học duy tâm, nhà triết học duy tâm không khôn ngoan gì hơn anh dân quê ấy.

Lại có có một thứ triết học gọi là mục đích luận vô tri.

b. Theo những học giả Pháp của nhóm gọi là “phái Montpellier” này thì: “con người, cầm thú, thảo mộc sỡ dĩ là hữu cơ vì nó sống, chứ không phải nó sống thì nó là hữu cơ”.

Trái lại, nhưng nhà khoa học nói rằng con người, cầm thú, thảo mộc, đều sống bởi nó hữu cơ, chứ không phải nó hữu cơ bởi nó sống.

Nói một cách khác nhà khoa học xem cái tính hữu cơ là nguồn gốc của sự sống, còn nhà triết học duy tâm, quây lộn ngược đầu, xem sự sống là nguồn gốc của tính hữu cơ, họ là những chú hề đi bằng tay, đội nón bằng chân.

Những nhà triết học mục đích luận này, khác với những ông trên kia, không khờ khạo đi tìm cái trí khôn ở trong bao tử, trái đất, lá cây, họ chỉ dựa vào một lẽ trừu tượng mà họ gọi là hoạt lực; lẽ trừu tượng ấy, tựu trung cũng là một lẽ thần bí, thần bí vì họ cho nó là một lẽ có trước cơ thể, ở ngoài cơ thể, mà nhập vào cơ thể, quyết định cơ thể. Hệch như nơi Thượng đế tạo vạn vật, chân lý sinh vũ trụ, linh hồn là cột của thân thể v.v… duy bây giờ đứng trước khoa học, Thượng đế mất uy quyền nên phải trá hình thành hoạt lực.

Sinh vật học và sinh lý học phát triển lên theo nguyên tắc nguyên nhân luận thì những thuyết trên đây ít còn ai buồn nói đến hay là hết có ai can đảm công khai bênh vực cái mục đích luận hữu tri hay vô tri trên kia nữa.

c. Cho nên Kant, theo thái độ nhị nguyên luận của ông, một mặt tìm “mục đích nội tại”, trong cơ thể, mục đích vô tri, một mặt thỏa hợp mục đích nội tại ấy với nguyên nhân luận khoa học.

Đến nhà triết học Bergson thì hoạt lực luân chuyển vào một chiều siêu hình triệt để, Bergson muốn vượt qua cả cơ giới luận và mục đích luận, nhưng ông chỉ rơi vào một thứ duy tâm luận thôi, cho nên người ta gọi học thuyết của ông là “tân hoạt lực luận”.

“Tất cả đều xẩy ra như có một trào lưu trí giác rộng rãi đã thâm nhập vào vật chất. Trào lưu ấy lôi kéo vật chất thành ra cơ thể”.

Bergson cắt nghĩa rằng trong một số cơ thể, cái trí giác kia như ngu mê; trong một số cơ thể khác nó vừa tỉnh giấc, trong một số cơ thể khác nữa, nó hoàn toàn tỉnh giấc.

“Sinh hoạt là trí giác phóng suốt qua vật chất”

Nói một cách khác theo ý Bergson, trí giác là nguyên tắc động lực của vật chất, của các cơ thể, của các sự biến hóa trong tự nhiên.

Ông Bergson rõ ngớ ngẩn; trí giác ở đâu bên ngoài xâm nhập vào vật chất chứ không phải ở trong một vài thứ vật chất mà sinh ra? Ở trên mây, ở trong gió sẵn tự bao giờ chăng? Rồi tại sao trong vật này nó ngủ (thảo mộc) trong vật kia nó vừa tỉnh (cầm thú), trong vật khác nó tỉnh hẳn (người) ? Thế thì thảo mộc cũng có trí giác nữa à? Trí giác của người, của thú, của cây, cùng một loại với của người, khác nhau chỉ đây thức, đó ngủ, kia lừ đừ mà thôi sao ? 

Thật ra, Bergson không giải thích gì cả, mà chỉ bầy lại bằng một cách văn hoa hơn những ý tưởng vạn vật hữu linh hồn của người dã man hồi thượng cổ mà thôi. Bergson tiêu biểu cho tư bản trụy lạc, cho nên không lạ gì mà tư tưởng triết học của ông trụy lạc đến thế.

Sau khi Claude Bernard và các nhà khoa học đã đưa khoa học sinh vật và sinh lý lên một mực khá cao mà nhà triết học tư bản thì cố giật lùi nhân loại về mấy vạn năm trước thì vai trò phản động của triết gia tư bản đã rõ rệt lắm rồi.

Chính Claude Bernard trong quyển “Lời mở đầu cho y học thực nghiệm” đã phê bình mạnh các mầu hoạt lực luận; ông bảo rằng “hoạt lực luận tân hay cựu, chỉ tiêu biểu cho ngu dốt mà thôi; nói hoạt lực là nói tôi không biết nguyên nhân và điều kiện của hiện tượng về sinh vật”.

Ý kiến của Cl. Bernard rất xác đáng.

2. Giải đáp của duy vật luận

a. Duy vật luận cơ giới

Descartes là sư tổ của trường duy vật luận cơ giới.

Trước Descartes, từ Aristote về sau thì người ta nghĩ rằng linh hồn là nguyên lý của sinh hoạt. Ở đâu có sống là có linh hồn; người có hồn, thú có hồn, cây có hồn, vì tất cả đều sống; hồn là gì? là nguyên lý sinh sống. Trái lại, Descartes nói: không phải thế; linh hồn chỉ là nguyên lý của tư tưởng chứ không ẩn chứng gì với sinh hoạt cả. Nói một cách khác Descartes triệt hạ thứ linh hồn của thảo mộc, cầm thú và hạn chế tác dụng của linh hồn con người trong tư tưởng, trong tinh thần mà thôi; còn cơ thể sinh hoạt là tùy những nguyên nhân vật chất, tùy những quy luật cơ giới không có gì thần bí cả.

Có thể, theo Descartes, là những chiếc máy móc rất phức tạp, tinh xảo; ông cắt nghĩa sự hô hấp, lưu thông huyết mạch như là cắt nghĩa việc nước ra vào một ống bơm; sống là tại có hơi nóng trong mình; ngày giờ nào còn hơi nóng đó thì còn sống, hết nó đi là chết mất.

Tất nhiên, hồi thế kỷ 17, chưa có sinh vật học phát triển, chúng ta không thể đòi Descartes giải thích sự sinh hoạt một cách thỏa mãn hơn. Dẫu sao đi nữa, Descartes đã chống lại với thần học duy tâm mà tạo nền móng cho khoa học tự nhiên, đến ngày nay tư tưởng của Descartes chưa phải đã bị hoàn toàn bài bác, trái lại là khác.

b. Sinh vật học và chủ nghĩa Mác

Ý kiến của khoa học tự nhiên tiến bộ và những người Mác-xít có thể tóm tắt vào mấy điểm sau đây:

+ Vô sinh vật có trước sinh vật: nước, đất, đá, có trước, sau mới có cây, thú, người. Sinh vật là một tầng tổ chức của vật chất, cao hơn vô sinh vật; những nguyên tố căn bản trong sinh vật cũng là những nguyên tố căn bản ở trong vô sinh vật, khác chăng ở phương thức tụ họp, tổ chức và thành phần của nó. Cho nên trong sinh vật những biến đổi về lý hóa cũng đồng nguyên tắc chính với những biến đổi lý hóa ở trong vô sinh vật.

+  Sinh vật có nhiều tầng lớp, nhiều trình độ tổ chức: sống của đơn bào giản dị hơn là sống của đa bào; sống của thảo mộc giản dị hơn sống của cầm thú, sống của cầm thú giản dị hơn sống của con người; nhưng tất cả sự sống đơn giản và phức tạp ấy đều căn cứ vào cái sống của một đơn vị gốc là tế bào; những sinh vật đa bào thành hình bằng cách phát triển của một tế bào chia thành hai, cứ như thế mãi và cấu tạo ra những cơ thể phức tạp.

+ Sự sống chính là tác dụng, là tánh chất của một thứ vật chất gọi là nguyên sinh chất (protoplasme) do những chất loại an-bu-min (noãn bạch) hợp lại tức là chất lòng trắng trứng gà. Từ tác dụng lý hóa thường của vật vô sinh tới tác dụng lý hóa của an-bu-min, có một sự biến đổi về chất, do đó của sinh vật tuy là tự trong vô sinh vật mà ra, nhưng khác với vô sinh vật.

Sinh hoạt là phương thức tồn tại của những chất noãn bạch, và phương thức tồn tại ấy là những vật thể luôn luôn tự nó đổi mới những nguyên tố hóa học”.1

Nơi nào mà chúng ta gặp thấy sinh hoạt thì sinh hoạt ấy dính líu với vật chế a-bu-min-nô-i-ty. Và hễ nơi nào mà chúng ta gặp chất noãn bạch chưa tan thì nơi đó chúng ta luôn luôn thấy có sinh hoạt2

Tảng đá tan nát thành bụi, không phải là tảng đá nữa; kim khí bị phong sương trở thành rỉ. Trong vật chết (vô sinh) những cái gì là nguyên nhân của tiêu diệt, thì, trong chất đản bạch những cái ấy lại là điều kiện tồn tại chính…Sinh hoạt…là một sự trau dồi vật chất, một quá trình tự nó sinh ra”.

+ Như thế thì không có một thần quyền nào chứng giám, chỉ huy sự sống cả, chỉ có những quy luật khách quan của sự vật vô sinh và hữu sinh mà thôi. Khoa học tuần tự đã từng hộ phận làm ra được chất đản bạch. Và khoa học tiến lên nữa – ngày nay khoa học mới đi vài bước đầu tiên – thì nếu ai hỏi khoa học có thể tạo sinh hoạt không, khoa học trả lời rằng có thể được, lúc chúng ta đã thấu đáo tính chất, kết hợp, quy luật của nó.

+ Những cái gọi là cảm giác, linh tính (không riêng gì cho cầm thú mà ngay trong số thảo mộc cũng có) trong căn bản, là những tiêu biểu về sinh hoạt của những cơ thể mà sinh ra linh tính, cảm giác và sinh hoạt ấy; cũng không có mục đích của ai, không có ông Thượng đế nào xen vào dắt dẫn sự biến đổi của các giống loài. Và khoa học có thể tìm hiểu hết những quy luật biến đổi của sinh hoạt và cảm giác.

 



1 F.Engels, Chống Duhring, tr. 118.

2 F.Engels, Chống Duhring, tr. 114

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt