Siêu hình học

Siêu hình học đi đến đâu? (II)


SIÊU-HÌNH-HỌC ĐI ĐẾN ĐÂU?

1 2
   

LÊ-TÔN-NGHIÊM

 

Tại sao lại có thể gọi Siêu hình học trên đây là một vũ trụ quan tĩnh?

Một cách tổng quát có thể trả lời ngay rằng: vì Siêu hình học ấy đã được thiết lập không những trên nền tảng vững chãi của Toán học, Đạo-đức học, và Nghệ thuật theo thị giác (như Whitehead nhận xét) mà còn được xây trên mấy ý niệm cốt yếu như Bản thể và Hữu thể có tính cách Duy thực ngây thơ. Vì thế Berdiaeff đã có lý khi gọi những Siêu hình học ấy ấy là kết quả của Triết học đối tượng (philosophie de l’object). Ông viết: “Tất cả nền Siêu hình học Duy nhiên với chủ trương về Bản thể và trật tự của Hữu thể đều là kết quả của nó (tức của Triết học về đối tượng)” (Toute la métaphysique naturaliste, avec sa doctrine de le substance, et de la hiérarchie de l’être, en résulte). (Cinq Méditations sur l’existence. Aubier, trad. Irène Vildé-Lot, 1936, trg. 53). Mounier cũng đồng ý như thế khi ông gọi tất cả các Triết lý học đi trước Triết học hiện sinh là “những Triết học Duy nhiên” (philosophies de la nature). Nhưng vũ trụ của đối tượng thiên nhiên là vũ trụ của “sự vật” (de la chose). Nên các Triết học ấy đều phải căn cứ trên những gì là “trường tồn” và “vững chãi” (Wahl) và coi chúng là những gì Tuyệt đối cho tư tưởng. Dĩ nhiên, vũ trụ quan ấy sẽ không tài nào thoát ly tính cách tĩnh-chỉ của sự vật.

Bây giờ ta thử khảo sát qua tính cách tĩnh chỉ của quan niệm Bản thể. Quan niệm này có thể nhìn theo ba khía cạnh khác nhau:

– Khía cạnh Luận lý văn-phạm: như trên đã nói, một trong những nguồn suối của khái niệm Bản thể là Luận lý học. Thực vậy, theo lối giảng nghĩa của J.Wahl thời Aristote và Leibniz là hai triết gia lớn đã chủ trương rằng: Khái niệm Bản thể đã xây trên nền tảng của Luận lý. Nghĩa là theo họ, mỗi khi muốn diễn tả một cái gì bất cứ, ta đều phải dùng tới những mệnh đề theo Văn phạm. Mà mệnh đề đơn giản nhất cũng gồm một chủ từ và một thuộc từ. Bất cứ câu nói nào cũng đều ngầm chứa và xuất hiện ra dưới hình thức ấy. Rồi nhờ ý niệm chủ từ ta mới có khái niệm về Bản thể. Ta nhớ, Bản thể đã được quan niệm như một khối gì vững chãi, nằm dưới làm nền tảng (sub-stare: sub-stance) cho những gì không vững. Chủ từ trong văn phạm và Luận lý cũng vậy phải là một cốt trụ (sub-jectum: sujet), một điểm tựa cho nhiều thuộc từ khác nhau thí dụ: Điện tử là một vi vật và Điện tử (cũng có thể) là một hiện tượng làn sóng. Đối với cả hai thuộc từ khác nhau: vi vật (corpuscule) và hiện tượng ba-động (phénomène ondulatoire), thời điện tử (électron) là một chủ từ chung, đứng vững ở cả hai trường hợp.

Dựa trên nền tảng ấy, Leibniz hầu như đã đi tới hậu quả cuối cùng của quan điểm nói trên tức là một chủ trương Luận lý cố định (déterminisme logique), vì ông đã quả quyết rằng: tất cả triết học của ông đều đã được xây trên quan niệm nền tảng sau đây: bất cứ một thuộc từ nào cũng đều dính liền với một chủ từ cả. Nói cách khác, theo Leibniz, tất cả mọi hiện tượng trong Vũ trụ đều phải được quan niệm như những thực tại đã được xếp đặt theo những định luật nhất định của Luận-lý: chủ-từ, thuộc từ. Nên không lạ gì mà Leibniz đã ảnh hưởng xuống khoa Luận-lý Toán học ngày nay. B.Russell cũng đã phải công nhận điểm này.

Nói tóm, giữa khái niệm Bản thể và Luận lý học có những tương quan chặt chẽ trong triết học Aristote và Leibniz.

– Nhưng hình như cả hai ông: Aristote và Leibniz đã có một quan niệm quá thiển cận về Vũ trụ. Lịch sử tư tưởng và khoa học ngày nay đang như mở một cuộc Cách mạng lớn lao để chống đối lại lập trường của hai ông: từ thế kỷ 16 trở đi Luận lý hình thức của Aristote đang chiến thắng, tư tưởng giới Âu Châu từ trước tới giờ đã bị hạ bệ. Tình trạng sa sút ấy lại ăn nhịp với đà tiến mau lẹ của Toán học và Vật lý học bắt đầu khởi nhóm từ thời Phục hưng trở đi. Nhờ vào những phương pháp riêng biệt, khoa học ngày nay đã đạt tới được những kết quả rõ rệt có khả năng hấp dân được những bộ óc lớn.

Do đó, ngoài chân lý của Luận lý, ta đã thấy xuất hiện những chân lý mới khác. Bacon là người tiên phong và sáng lập một nền Luận lý học mới. Nhan đề tác phẩm của ông là “Novum Organon” (đối lập quyển Organon về Luận lý học của Aristote) đã nói lên phần nào chủ đích của Bacon. Nên ông đã viết một câu bất hủ rằng: Trong phạm vi Vật lý học, chủ đích của nó là liên kết Thiên nhiên lại bằng những thí-nghiệm, chứ không phải là trói buộc một người chống đối bằng những chứng lý (luận lý). Nên ở đây nếu người ta lại chỉ câu nệ vào Tam đoạn luận thời người ta sẽ không nắm được chân lý trong tay, lý do là tính cách tế nhị của Luận lý không bao giờ có thể theo kịp được tính cách tế nhị của công cuộc thí-nghiệm Thiên-nhiên. (Si, en physique, où il s’agit de lier la nature pardes oeuvres, et non d’enlacer un adversaire par des arguments, on s’en tient au syllogisme, la vérité échappe des mains attendu que la subtilité du discours ne peut jamais égaler celle des opérations de la nature.) (Nov. Org. 1, 10.)

Tiếp sang thế kỷ 17, Descartes lại tìm ra những tiêu chuẩn khác cho tư tưởng trong Toán học.

Tuy luận lý học của Aristote có liên hệ với khoa học nhưng đó chỉ là một lãnh vực hạn hẹp của sinh vật học. Và như thế Luận lý học của ông chỉ thích hợp cho những công cuộc xếp loại các sinh vật. Nên thế kỷ 17, Vật lý Toán học mới thay thế lối xếp loại ấy bằng những tương quan: Đo (mesure) và Lượng (quantité). Nên Brunschvicg mới viết: “Tri thức (ở đây) là đo lường” (connaitre e’est mesurer). Họ dùng “khoa học Toán học” (science des mathemata) của Descartes để thay “khoa học luận lý” (science des logoi) của Aristote.

Tiếp sau đó lại đến những nhà Luận-lý Toán-học (Logisticiens) với B.Russell; những ông này theo cảm hứng của Leibniz đã muốn diễn tả những hạn từ, mệnh đề, tương quan bằng những tượng trưng đơn giản.

Hégéliens và Marxistes lại chủ trượng Luận lý học Biện chứng để thay Luận lý học hình thức. Đặc điểm của chủ trương này là phủ nhận nguyên tắc mâu thuẫn, vì nó là một nguyên tắc căn bản trong Luận lý học hình thức. Rồi họ chủ trương: thực tại là biến dịch, là mâu thuẫn. Vì vậy tư tưởng tức là Luận lý học phải tìm cách tự thích hợp với những mâu thuẫn của thực tại. Nghĩa là tư tưởng không còn có thể đi từ sự vật này sang sự vật khác, vì mỗi sự vật ở đây không còn được quan niệm như một Bản thể luôn luôn đồng nhất với chính mình, trái lại phải đi từ chính đề, sang phản đề và tổng đề. Như thế, tựu trung Hegel đã muốn dung hòa Luận lý học với diễn tiến của Lịch sử. Điểm ta cần ghi nhận ở đây: với Hegel, Luận lý học của Aristote và Leibniz đã chuyển sang một hướng mới.

Với mấy dữ kiện có tính cách lịch sử trên đây, ta cũng đã hé thấy những lầm tưởng của lối luận lý học chủ-từ – thuộc-từ rồi, vì những thực tại rất phong phú và phức tạp của vũ trụ không bao giờ có thể chịu giản lược vào một luận lý học cố định nào cả. Do đó hình như luận lý học cổ điển đã quan niệm chính mệnh đề luận lý văn phạm một cách thiển cận và ngây thơ:

– Lý do thứ nhất, không phải mọi mệnh đề văn phạm đều có thể giản lược vào hình thức chủ từ – thuộc từ được cả. Thí dụ khi nói: trời mưa; Huế nằm giữa Hà-nội và Sài-gòn … đều là những mệnh đề thiếu thuộc từ luận lý.

– Lý do thứ hai quyết liệt hơn: tính cách tĩnh chỉ của Luận-lý học Aristote và do đó cả khái niệm Bản thể của ông còn bắt nguồn cả một nguyên nhân sâu xa hơn nữa. Nguyên nhân đó chính là vì chúng đã được xây trên nhãn quan cảu công ý thưởng thức và của một khuynh hướng khoa học Duy thực còn ngây thơ của những thế kỷ trước. Hau nói theo kiểu của Bachelard, Luận lý học của Aristote là một Luận lý không có tính cách Biện chứng (non-dialectique) và cũng vì thế quan niệm Bản thể của ông cũng không có tính cách Biện chứng. Theo viễn tượng đó, Bản thể chỉ được quan niệm là một “sự vật” (chose, objet). Như thế, sự vật chỉ là một hiện tượng đã bị chặn đứng lại. (La chose n’est qu’un phénomène arrêté. Bachelard: La philosophie du Non, PUF. 1949, trg. 109). Là một hiện tượng đã bị chặn đứng, Bản thể mới đóng được vai trò một chủ từ cho luận lý học như trên đã nói. Một khái niệm bản thể, chủ từ như vật tất nhiên lại liên hệ với quan niệm về đối tượng trong Vật lý học (dưới đây sẽ nói rõ hơn mối liên lạc chặt chẽ giữa luận lý học của Aristote và Vật lý học của Newton như thế nào), nên F.Gonseth đã có lý khi nhận xét rằng: “Luận lý học tổng quát tựu trung sẽ là Vật lý học về đối tượng theo nghĩa tầm-thường” (la logique generale est finalement la physique de l’objetquelconque. Bachelard, sd. Trg. 106). Nhưng Vật lý học về một đối tượng theo nghĩa tầm thường đây lại chính là nền tảng cho luận lý học Aristote. Vì thế muốn hiểu rõ hơn nữa về quan niệm bản thể ấy còn cần phải khảo sát qua ý niệm đối tượng trong Vật lý học Duy thực. Nói chung, Vật lý học đó chỉ biết duy có một quan niệm đối tượng, Bachelard gọi là “đối tượng đơn tính” (objet mono-spécifié) để phân biệt với quan niệm Đối tượng trong vật lý phân tử gọi là “đối tượng đa tính” (objet bi-spécifié ou poly-spécifié). Nói một cách đơn giản, đối tượng đơn tính Ià một đối tượng đã được xác định theo vị trí hình học nhất định của Euclide (localisation géométrique euclidienne). Nhưng nếu quan niệm đối tượng như vậy là công ý thường thức và luận lý học cũ đã loại ra ngoài những viễn tượng của khoa học ngày nay, như Hình học không của Euclide, Vật lý học không của Newton, Hóa học không của Lavoisier. Vì khoa học ngày nay đang biểu đồng tình với nhau để chống đối lại những quan niệm bản thể, sự vật, đối tượng hay hiện tượng đã bị chặn đứng, như Bachelard nói: “khoa học ngày nay không còn gì thuộc tính cách sự vật nữa” (Elle est nullement chosiste, sd. Trg 109). Tức là nó không còn chú ý khảo sát những sự vật cứng nhắc, tĩnh chỉ, trái lại chỉ nhắm biết những hiện tượng lưu chảy tùy theo từng giai đoạn tiền triển của khoa học với những dụng cụ của phòng thí nghiệm càng ngày càng tinh vi thêm mãi.

Vậy để quan niệm Bản thể một cách thích hợp hơn với viễn tượng Vật lý vi phân, Bachelard còn nhấn mạnh thêm rằng: “Những khuôn khổ đơn giản quá cảu Lý trí (luận lý) không thể tồn tại trong trạng thái cứng cỏi (tĩnh đọng) của chúng được, nếu chúng ta muốn theo kịp được diễn tiến mới mẻ của khoa học. Vì theo toàn diện những nguyên tắc của nó, một lý trí thực thụ phải có thể Biện chứng hóa do những nghịch lý” (Les cadres les plus simples de l’entendement ne peuvent pas subsister dans leur inflexibilité, si l’on veut mesurer les destins nouveaux de la science. Dans tous ses principes, la raison orthodoxe peut être dialectisée par des paradoxes. Sd. 16).

Nên muốn quan niệm thực tại của chúng thời trí khôn cũng phải theo đà tiến của chính sự vật như Hegel quan niệm nghĩa là phải biết nhìn trong chính trạng thái hàm hồ của sự vật, vì sự vật không bao giờ thể hiện ra với con người khoa học vi phân một cách minh bạch, khúc chiết theo những chiếu gian và hình thái của hình học và toán học. (Xem thí dụ Điện tử của Niels Bohr). Nhờ vào cảm hứng của sự vật hàm hồ ấy, trí khôn phải luôn luôn báo động và cải thiện cho tư tưởng. Nói tóm, nhà khoa học cũng như nhà triết học hay luận lý học đều phải luôn luôn “Biện chứng hóa” tư tưởng của mình, vì biện chứng hóa tư tưởng chính là tăng thêm bảo đảm để giúp vào công việc thiết lập được những hiện tượng hoàn bị thích hợp với khoa học hơn. Nhờ đó mới hy vọng hoán cải được tất cả những khái niệm đã bị thoái hóa hay gyfm nghịp mình trong lối tư tưởng khoa học ngây thơ. Như thế, thay vì nhìn sự vật theo những tác vụ có tính cách hình học (fonctions de la localisation), tư tưởng sẽ phải nhìn chúng theo những tác vụ có tính cách khích động (fonctions dynamiques). Chính đó là câu kết luận của Bachelard và quan niệm Bản thể có tính cách khoa học. Ông viết: “Những tác vụ khích động song song với việc khảo sát những vi vật là những tác vụ liên hệ chặt chẽ với những tác vụ theo lối vị trí hóa. Nên luận lý có tính cách tổng quát không thể chủ trương mô tả một sự vật nào theo lối tĩnh chỉ được. Vì luận lý không thể là luận lý có tính cách tĩnh vật, trái lại nó phải dung nạp lại được những sự vật trong trào lưu của hiện tượng. Nhưng đến đây, một khi trở thành khoa học vật lý khích động đối với bất cứ đối vật nào rồi thời Luận lý lại phải theo dõi tất cả những chủ thuyết mới nào muốn khảo sát những đối tượng mới đã được khích động. Luận lý lại phải kết tinh thành nhiều hệ thông tương hợp với mỗi loại sự vật đã bị khích động. Vì đối tượng có thể tĩnh chỉ hóa được, đối tượng im lìm, sự vật nằm vên (như bản thể) chỉ là những khái niệm thuộc lãnh vực kiểm soát của luận lý Aristote. Ngày nay trước tư tưởng nhân loại còn xuất hiện nhiều đối tượng khác. Chúng không phải những gì có thể tĩnh chỉ hóa được; chúng cũng không thể có được một đặc tính nào và do đó có được một định nghĩa nào có tính cách khái niệm theo một thể nằm yên nào cả.”

Vậy hầu như phải cải tạo những giá trị Luận lý hiện hành. Nói tóm hễ có bao nhiêu loại đối tượng là phải xác định từng ấy lối luận lý học khác nhau. (C'est que des fonctions dynamiques corrélatives à l'étude des micro-objets se présentent en liaison inséparable avec les fonctions de la localisation. La logique généralisée ne peut donc plus apparaître comme une description statique de l'objet quelconque. La logique ne peut plus être chosiste ; elle doit réintégrer les choses dans le mouvement du phénomène. Mais alors en devenant une physique dynamique de l'objet quelconque, la logique est amenée à s'attacher à toutes les théories nouvelles qui étudient les nouveaux objets dynamisés. Elle doit cristalliser en autant de systèmes qu'il y a de types d'objets dynamisés. L'objet stabilisable, l'objet immobile, la chose au repos formaient le domaine de vérification de la logique aristotélicienne. Devant la pensée humaine se présentent maintenant d'autres objets qui, eux, ne sont pas stabilisables, qui n'auraient, au repos, aucune propriété et par conséquent aucune définition conceptuelle. Il faudra donc bien modifier en quelque manière le jeu des valeurs logiques, bref, il est nécessaire de déterminer autant de logiques qu'il y a de types d'objets quelconques. Sd. tr.111)

Nên ngày nay đã có nhiều cố gắng đồng tình chỉ chủ trương những luận lý đã tính như vậy và được mệnh danh là những lối luận lý không theo Aristote. Trường hợp của O.L.Reisier là một thí dụ cụ thể và thời danh. Ông này đã trình bầy quan điểm của ông trong một thiên báo rất lý thú và có tính cách khoa học, nhan đề là: “Non-Aristotelian Logic and the crisis in Science” (trong Scientia, 1937, t.111).

Theo chủ trương của Reiser, điều lý thú nhất là ở chô ông đã thiết lập chứng minh của ông trên sự liên hệ giữa luận lý học và thực nghiệm. Ông khởi đầu tự một chuỗi những mệnh đề có tính cách khoa học. Rồi ông đem xếp đặt chúng thành Hai cột đối lập nhau: một bên, những chính đề: bên kia, những phản đề. Mục đích của ông là nhằm chứng minh rằng: nguyên tắc đồng nhất, nền tảng cho Luận lý học của Aristote từ nay sẽ bị coi như một nguyên tắc bị phế bỏ. Lý do là vì khoa học ngày nay đã khám phá ra một số đối tượng với những đặc tính riêng biệt của chúng (objets bi-spécifiés). Những đối tượng ấy đã được thí nghiệm khoa học thực-nghiệm kiểm thảo. Nhưng theo viễn tượng của những khoa học đó thì nguyên tắc đồng nhất hầu như không còn đứng vững được nữa. Trong số các phản đề do Reiser thu đồn lại ta gặp một thí dụ sau đây:

Điện tử là một vi-vật (L’électron est un corpuscule).

Điện tử là một hiện tượng ba động (L’électron est un phénomèneondulatoire).

Nếu diễn tả theo lối đó và theo ý nghĩa chặt chẽ của khoa học thời hai câu định nghĩa trên có sức loại trừ nhau. Lý do là vì chúng cùng chung nhau một chủ từ (tức là Điện tử); nhưng mỗi bên lại có một thuộc từ khác nhau và mâu thuẫn nhau hoàn toàn, vì một đàng là vi vật, tức là giả thiết như đứng trong một thế tĩnh; một đàng là hiện tượng làn sóng lại không thể giả thiết là đứng trong một thế tĩnh. Tại sao có thể có sự mâu thuẫn như thế được?

Chính là vì Hai mệnh đề luận lý trên đã quá nhấn mạnh về Bản thể tính của Điện tử, như vậy mệnh đề luận lý thể hiện ra theo quan điểm Duy thực ngây thơ và thiển cận. Duy thực ngây thơ ở chỗ đã thiết định chủ từ trước khi tìm hiểu thuộc từ. Nhưng nếu đứng ở trong bình diện của khoa học nguyên tử vi phân, thời nhà khoa học cũng như triết học không được thiết định chủ từ một cách tiền nghiệm, trái lại công cuộc thí nghiệm phải lần hồi tiến theo từ thuộc từ này sang thuộc từ khác hay đúng hơn từ hiện tượng này sang hiện tượng khác để nhận mặt chúng, nghĩa là khoa học không thể coi cái này hay cái kia, hiện tượng này hay hiện tượng kia là chủ từ hay thuộc từ được. Nền khoa học chỉ có quyền nhận diện mỗi trạng thái của sự vật biến dịch như thế nào thôi.

Sau khi đã nhận định như vậy rồi, ta có thể lộn ngược những mệnh đề trên theo những lối diễn tả rất phức tạp của những luận lý học không có tính cách chủ từ thuộc từ như của Aristote và sau cùng ta sẽ có được những mệnh đề hay công thức không đến nỗi mâu thuân nhau như trên, vì không bao giờ ở đây có ý định đi đến chỗ muốn thiết định ra một chủ từ tuyệt đối. Nên ta sẽ có thể có được những công thức hơn kém sau đây:

– Trong một số trường hợp, tác vụ điện tử được kết tinh dưới hình thức một vi-vật. (Dans certains cas, la fonction électronique se résume sous une forme corpusculaire).

– Trong một số trường hợp khác, tác vụ điện tử lại biến thành một hình thức ba-động. (Dans certains cas, la fonction électronique s’étend sous une forme corpusculaire).

Nếu đem so sánh những câu nói dưới đây với hai mệnh đề luận lý trên ta sẽ nhận ra rõ rệt tính cách mâu thuẫn giữa luận lý học Duy thực và Luận lý có tính cách khoa học vi phân.

ĐIểm quan trọng thứ hai trong chủ trương của Reiser là giữa khoa học vật-lý của Newton và luận lý học của Aristote lại có một liên hệ mật thiết. Reiser viết: “những định lý và đặc điểm chính yếu của vật lý học Newton là một hậu quả thiết yếu của những định lý và đặc tính chính yếu của luận lý học Aristote”. Điểm này dẫn ta xuống khía cạnh thứ hai của bản thể tĩnh.

Khía cạnh khoa học vật lý: đã nói rằng có sự liên đới giữa luận lý học Aristote và vật lý học Newton tất nhiên cũng phải đồng thời công nhận tính cách đồng tính khái niệm giữa hai bên (homogeneite conceptuelle de la logique aristotélicienne et de physique newtonienne), nghĩa là cả hai môn học đó đều dựa trên nguyên tắc đồng nhất. Vậy nguyên tắc đồng nhất là gì? Thưa là một nguyên tắc thiết định tính cách trường cho một sự vật hay đúng hơn, tính cách trường tồn của một đặc tính hay nhiều đặc tính của một sự vật. Và trong Vật lý học, Newton cũng dùng y nguyên một nguyên tắc đó, nhưng ở đây ông chỉ đổi danh từ và gọi là “Định lý đồng tính” (postulat d’identité). Nên đồng tính đó là nền tảng cho Vật lý học tĩnh cũng nwh nó là nền tảng cho luận lý học tĩnh. Vật lý học ấy đã giả thiết đồng tính là một trạng thái tuyệt đối và trên trạng thái đó, nó sẽ thiết lập tất cả các thái độ quan sát, thí nghiệm, định lý và học thuyết khác. Định lý sự vật đồng tính ấy cũng giống hệt như trong Hình học của Euclide bao giờ cũng phải giả thiết định lý không gian ba chiều. Tiếp đó Reiser còn kể ra một chuỗi những mệnh đề đã được vật lý Newton dùng để thiết định những định luật chi phối sự vật. Những định lý ấy rất đơn giản và minh bạch đến nỗi chúng đã trở thành tập quán bền bỉ và hiển nhiên cho bao thế hệ khoa học gia. Hơn nữa, chúng còn tự phụ đã được công ý thường thức và khoa học cổ điển bảo đảm cho những kết quả thực nghiệm vững chãi và chắc chắn của chúng. Ta sẽ thấy tất cả những định luật dưới đây đều xây trên định lý đồng nhất cả. Chính chúng sẽ xác định bản tính đối tượng cho khoa học của Newton và với quan niệm về đối tượng đó ta cũng sẽ thấy vật lý học vi phân sẽ nêu ra quan niệm vi vật như thế nào để đối lập lại, như sau này sẽ bàn tới:

– “Cái gì có thì có” (ce qui est, est). Bất cứ ai đã học qua Luận lý học của Aristote cũng đều nhận ra đó là nguyên tắc đồng nhất của môn học đó. Thế thì ở đây trong vật lý học Newton cũng dùng nguyên một định lý như vậy. Và xa hơn nữa trong Lịch sử triết học Tây phương từ nguyên thủy. Parménide ông tổ Hữu thể học cũng đã chỉ nêu lên có một nguyên tắc như vậy làm nền tảng cho triết học của ông và bao nhiêu triết học đi sau ông. Nhờ nguyên tắc ấy mà phần đông truyền thống của Âu châu đã mở cả một mặt trận phản đối triết học của Héraclite. Mặt trận ấy đã được J.Wahl gọi là “cuộc trả thù lại chủ trương Biến dịch”.

– “Một đối vật có là có như nó có” (Un objet est ce qu’il est) nghĩa là về mọi phương diện, nó đồng tính với nó luôn mãi “(c’est-à-dire qu’il est identique à lui-même sous tous les rapports”.

Đây là trạng thái trường tồn của các đặc tính của sự vật chứ không phải tính cách trường tồn của hữu thể của nó.

– “Một đối vật có là có ở chỗ nào nó hiện hữu” (Un objet est où il est. – A thing is where it is). Định lý này đáng chú ý đặc biệt, vì trong đó có hai mệnh đề khác nhau: một đàng, mệnh đề “một đối vật có” thì có tính cách quyết đáp theo nghĩa hữu thể học của động tự: Hiện hữu; một đàng, mệnh đề “ở chỗ nào nó hiện hữu” là một mệnh đề có tính cách vị trí thời lại theo nghĩa của hình học. Như thế đồng tính ở phạm vi hữu thể học lại giả thiết cả đồng tính ở phạm vi hình học nữa.

– “Cùng một đối vật không thể hiện hữu trong hai vị trí khác nhau cùng một trật”. (Le même objet ne peut être dans deux endroits différents en même temps). Đó là một định lý nhằm khía cạnh hiện hữu ở một vị trí nhất định (existence localisée) hay đúng hơn, nhằm kinh nghiệm về vị trí trạng (expétience de localisée) tức là vị trí theo hình học.

– “Hai đối vật khác nhau không thể chiếm cùng một vị trí đồng thời với nhau”. (Deux objets différents ne peuvent pas occupet la même place en même temps). Định lý này chỉ thị rõ rệt một vật lý học về những đối vật đã được cá biệt hóa tức là đã được tách biệt nhau hoàn toàn và đã được xếp đặt trong những vị trí nhất định. Nên định lý này liên hệ mật thiết với một loại đối tượng được coi như một bản thể vững chải tuyệt đối, không có gì xuyên qua hay biến đổi được.

– “Muốn di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác, bất cứ sự vật nào đều phải vượt qua một không gian nằm làm trung gian”. (Pour passer d’une place à une autre, tout objet doit franchir l’espace interposé), nhưng trạng thái đó chỉ có thể thực hiện được sau một thời gian nào nhất định. Ở đây, thoạt tiên định lý ấy hình như tự nó đã sáng sủa, nhưng nhìn toàn diện vấn đề ta thấy nó liên hệ với một trực giác không gian có tính cách tĩnh của Euclide.

Đó là tóm tắt mấy định lý về một quan niệm nền tảng trong vật lý học Newton. Do đó ta thấy nguyên tắc đồng nhất của luận lý học Aristote ngầm chứa trong tất cả các định lý ấy. Như vậy đủ chứng minh rằng: Vật lý học của Newton và luận lý học của Aristote có những liên lạc chặt chẽ. Và cũng trong viễn tượng ấy, còn thấy cả hai khoa trên cũng liên lạc với hình học Euclide. Nói chung cả ba đều được xây trên nguyên tắc đồng nhất, hay trên hình thức biến thể cảu nó tức nguyên tắc mâu thuẫn. Mà nguyên tắc đồng nhất đã rõ rệt chỉ thị một quan niệm bản thể tĩnh.

Nhưng khoa học và hình học ngày nay không thể chấp nhận nhãn giới của quan niệm bản thể nói trên nữa. Nên Reiser mới đề nghị thêm rằng: “muốn đi đến một vật lý học không có tính cách Newton thời đòi buộc phải có một luận lý học không có tính cách Aristote”. Vậy trên đây ta đã minh chứng có thể có những luận lý học ngoài luận lý Aristote, thời ở đây ta cũng có thể công nhận rằng: có thể có những vật lý học ngoài vật lý của Newton.” (Bachelard: sd, trg. 105-122).

Nhưng để khỏi đi vào những tiểu tiết quá chuyên môn, chúng ta sẽ nhằm nêu ra một số nguyên tắc căn bản về quan niệm vi-vật trong vật lý hiện đại để giúp so sánh tính cách tĩnh về sự vật trong vật lý học Newton vừa nói trên đây với tính cách động của các vi vật hiện nay. Bachelard quan niệm những triết học căn cứ trên khái niệm bản thể và hữu thể tĩnh là những triết học duy sự vật (chosisme ou choquisme). Theo ông, “những triết học ấy không còn thích hợp để mô tả nỗi những hiện tượng của khoa học hiện đại nữa, vì chúng đẩy ta vào trạng thái muốn nô lệ những trực giác đầu tiên của ta về không gian và năng lực”. (Ainsi le chosisme et le choquisme nous apparaissent comme des philosophies fort peu appropriées pour une description des phénomènes de la science moderne. De telles philosophies nous livrent à l’esclavage de nos intuitions premières touchant l’espace et la force. Trong: L’activité rationaliste de la physique contemporaine. PUF 1951, trg 86).

Chính vì thế những Triết gia nào say sưa với những quan niệm ấy “vẫn chưa sao theo đuổi được tiến trình của Nguyên tử lực hiện đại” (On est mal préparé à suivre l’évolution de l’atomistique moderne, sd.) Trong muôn ngàn thí dụ của viễn tượng khoa học hiện đại, ta chỉ cần nêu ra một trường hợp đặc biệt, đó là quan niệm về Vi vật của Vật lý học mới. Quan niệm này sẽ đối lập hoàn toàn với quan niệm về “sự vật” ta đã nhận xét trên đây theo Vật lý học của Newton. Trong khi chạm trán với khoa học hiện đại, nhà triết học cổ điển thường bị những kiến thức cũ của mình ghì chặt họ lại, thí dụ theo những trực giác của công ý thường thức và của Duy thực ngây thơ, khi phải tưởng tượng một Vi vật thời nhà triết học thường quan niệm nó như một vật thể rất nhỏ, một nguyên tử không thể phân chia nổi nữa hay một yếu tố cuối cùng trong công cuộc phân tán vật chất. Như thế họ vốn còn đứng trong quan niệm nguyên tử của Démocrite. Nói tóm những đặc điểm đã nêu ra trên đây về sự vật của Newton luôn luôn còn ám ảnh họ. Vậy khoa học hiện đại quan niệm Vi vật khác quan niệm vật lý cổ điển như thế nào? Sau đây là những nhận xét tỉ mỉ của Bachelard:

Một Vi vật không phải một vật thể nhỏ xíu. (Le corpuscule n’est pas un petit corps), nghĩa là một Vi vật không phải một mảnh vụn làm thành phần cho một bản thể. Nó cũng không có những đặc tính bản thể chút nào cả. Thoạt khi nền Hóa học lý thuyết muốn xác định về nguyên tử, thời nó cũng đã phải loại ra rất nhiều những đặc tính mà kinh nghiệm thông thường vẫn còn muốn giữ lại. Thí dụ khi nói về một Điện tử (électron) thời không được nói rằng điện tử là một vi vật chứa đựng sức điện âm, vì quan niệm như vậy là đã phân tách điện tử ra hai nhịp khác nhau như Duy thực ngây thơ: một đàng, quan niệm sự hiện hữu của Vi vật; rồi một đàng mới quan niệm sự hiện hữu của những đặc tính mà Vi vật ấy mang theo. Hai bên như hoàn toàn tách biệt nhau: điện lực và vật chất mang điện lực. Nên trong vật lý nguyên tử cũng không thể nói: “chất đầy sức điện cho một sự vật nào” (charger un corps d’électricité). Vì đó là tiếng nói thông thường của Điện học cổ điển. Nhưng ở đây một Vi vật điện lực (un corpuscule électrique) không còn có nghĩa như ở trình độ của một sự vật nhỏ chứa điện lực nữa (un petit corps chargé d’électricité). Ở trình độ vi vật này, thuộc từ (đặc tính) và chủ từ (Bản thể) không còn thể tách biệt nhau được, trái lại theo Bachelard: Ta cần phải thực hiện một tổng hợp toàn diện giữa thuộc từ bản thể và hay nói đúng hơn, ta phải “hiện thực” được thuộc từ (…) Triết học về vi vật trong trường hợp vi vật điện tử ở đây cũng như trong nhiều trường hợp khác, mở cho ta viễn tượng một nền Hữu thể học rất xác đáng và khúc chiết. Và nền hữu thể học này sẽ có một giá trị giáo dục về triết học rất vĩ đại” (l nous fait (en effect) opérer la synthèse totale de l’attrubut et de la substance ou, pour miieux dire, nous devons “réaliser” purement et simplement l’attribut, (…). La philosophie du corpuscule, dans cette occasion du corpuscule électrique comme dans bien d’autres cas, nous apprend une ontologie bien défine, strictement défine. Et cette ontologie aurait une valeur d’enseignement philosophieque considérable. Sd. trg. 73).

– Vi vật không có những chiều gian tuyệt đối nhất định: (le corpuscule n’a pas de dimensions absolues assignables), trái lại người ta chỉ có thể gán cho nó một Độ lớn tùy theo cấp bậc (orbdre de grandeur). Nói khác đi, mỗi Vi vật chỉ mang một hệ số độ lớn nào đó, thí dụ: Điện tử có một độ lớn là 10-13 cm. Đó là tính cách cốt yếu của Vi-vật ấy, nghĩa là tựu trung Vi vật hay Vật chất chỉ là năng lực (Matière: Énergie).

Song song với trạng thái không có chiều gian tuyệt đối nhất định, Vi vật đồng thời cũng không có hình thức nhất định. (Corrélativement, si le corpuscule n’a pas de dimensions assignables, il n’y a pas de forme assisi le corpuscule n’a pas de dimensions assignables, il n’y a pas de forme assignables). Nói cách khác, Vi vật cũng không có Hình học, nghĩa là vị trí và hình thực của Hình học không thể áp dụng vào cơ cấu cảu những Vi vật ở đây nữa. Vì Vi vật đi đến trạng thái đơn giản quá, thời sẽ không còn cơ cấu nào cả, mà đã không còn cơ cấu tất nhiên cũng không còn tổ hợp (composition), mà đã không còn tổ hợp tất nhiên cũng không thể quan niệm bằng Hình học nữa. Nên đối lập với quan niệm Nguyên tử như lối các Triết gia theo Démocrite, Vi vật điện tử đơn giản của các Vật lý gia ngày nay cũng không thể gọi là xa hay gần với Hình học nào được cả.

– Một khi đã không thể xác định được một hình thức nào cho Vi vật, thời cũng không thể gán cho nó một vị trí nào nhất định cả. (puisqu’on ne peut attribuer une place très précise). Định lý này rõ rệt muốn diễn tả những nguyên tắc Bất định của Heisenberg, Vi vật không còn vị trí nào nhất định trong không gian cũng như trong thời gian.

– Trong rất nhiều trường hợp, Vật lý vi phân đã nêu ra nguyên tắc sau đây: Vi vật không còn cá tính nữa. (la perte d’individualité d’un corpuscule).

– Hơn nữa, sau cùng điểm này còn đối lập hoàn toàn với định tắc nền tảng của Nguyên tử học theo Démocrite, vì Vật lý vi phân ngày nay còn công nhận rằng: Vi vật có thể tự vô hóa (le corpuscule puisse s’annihiler). Thực vậy, theo quan niệm Nguyên tử xưa, Nguyên tử không thể bị tiêu diệt được vì cơ cấu bên trong của nó đã được quan niệm như không bao giờ bị thay đổi. Do đó, Nguyên tử xưa vẫn được coi là trường tồn tuyệt đối và hiện hữu theo bản tính. Ở đây, sau những đường vòng dài dòng ta lại gặp nhận xét chí lý của J.Wahl: Siêu hình học xưa chỉ chú tâm đi săn những cái gì trường tồn. Nên theo nguyên tắc, ta có thể nói: “Nguyên tử học (theo kiểu Démocrite) là một học thuyết về những sự vật “tiểu tốt” (L’atomisme était la doctrine, par excellence, des chosettes)”. Như thế chủ trương “Vi vật tự vô hóa” ngày nay chính là một chiến bại nặng nề cho phe Duy sự vật. (Xem Bachelard: sd. trg. 75-89).

Trân đây là tóm tắt những nét chính về quan niệm Vi vật của Vật lý nguyên tử.

Trên đây là tóm tắt những nét chính về quan niệm Vi vật của Vật lý học nguyên tử. Với quan-niệm đó càng ngày ta càng bước vào những tiểu tiết phức tạp hơn nữa của các vi vật tự nguyên tử (Vật lý vi phân) cho đến: électron, proton, posotron, neutron, … Khoa học Vật lý vi phân ngày nay đang hiện hình là một “Điện học vi phân” (micro-électricité), vì với những hệ thống máy điện phức tạp người ta có thể sản suất ra được những vi vật điện tử, rồi người ta khảo sát cơ cầu của chúng trong những môi trường điện tử. Nên những đặc tính điện tử của các vi vật từ đây hình như sẽ được coi là những yếu tô nền tảng dùng để giảng nghĩa bản tính của muôn vật. Nếu thế, mỗi khi càng đào sâu vào tiểu tiết của lịch sử khám phá vi vật, chúng ta càng phải bó buộc thay đổi rất nhiều về những quan niệm triết học đối với tính chất trực tiếp của mỗi sự vật khách quan.

Khía cạnh Siêu hình học: Hơn nữa quan niệm Bản thể cũng không thể nghiễm nhiên đứng vững với những viễn tượng của Triết học hiện đại, thí dụ: với Hegel, BergsonNietzsche, vì theo họ chỉ duy có một thực tại là thực tại liên tục (réalité continue), không bao giờ có thực tại tách biệt nhau theo kiểu “đơn từ” của Leibniz. Nên quan niệm bản thể tách biệt tức là mỗi sự vật có một bản thể riêng biệt từ vật này sang vật khác tất nhiên là một quan niệm què quặt. Trong Volonté de puissance, Nietzsche đã phác họa một số điểm về quan niệm bản thể. Theo ông, những khái niệm không gian trống rông và nguyên tử (bất phân) là những khái niệm vô dụng cả. Vì không có bản thể nào biệt lập nhau, trái lại, chỉ duy có những tương quan kết cấu nên bản thể mà thôi … Chủ từ hay chủ thể là một ảo-tưởng, vì trong hoàn vũ chỉ duy có những năng lực được xếp đặt đi lại tùy theo và những “Quanta” của đơn tử được biến chế càng ngày càng tinh vi mà thôi.

– Hay với Heidegger, quan niệm bản thể cũng không thể áp dụng đồng đều như nhau cho mọi loại sự vật khác nhau được, vì bản thể của hiện hữu con người (Dasein humain) không có gì tương tự với bản thể của cố-nhiên-vật (Vorhanden: étants-simplement-donnés) hay của “dụng-cụ-vật” (Zuhanden: étants-sous-la-main) cả.

– Hay với những chủ trương “Duy-hiện-tượng” (Pan-phénoménisme), quan-niệm bản thể cũng không thỏa mãn được họ. Hay với những chủ trương Đa nguyên (pluralisme) như Russell, cũng như với Nhất nguyên của Bradley quan niệm bản thể cũng không lý do để tồn tại.

Vì vậy theo những viễn tượng Luận lý học, Khoa học và Siêu hình học nói trên, khái niệm bản thể sau cùng có thể trở thành cảm thức bản thể (substance’sentie). Theo đó, cảm thức bản thể ấy có lẽ sẽ mở ra được những chân trời mới mẻ và phong phú hơn một bản thể theo khái niệm (substance pensée). Hay đúng hơn, theo Bachelard, một khi được “Biện chứng hóa” theo đà tiến của Vật lý vi phân rồi, Bản thể sẽ không còn là một sự vật cô-đọng, cứng nhắc, nằm ù lỳ ở một vị trí với những chiều gian và hình thức nhất định, tách rời với nhau như những “đơn tử” lạnh lùng của Leibniz; trái lại, khoa học sẽ càng ngày càng phân tích ra được những tương quan tế nhị giữa muôn vật (de relations de plus en plus subtiles. J.Wahl) và do đó ta sẽ có thể nhận thấy rõ rệt các Bản thể thông cảm lẫn với (communication des substances, J.Wahl, sd. trg. 69-72) bằng những làn sóng điện rất tinh vi mà hiện giờ các khoa học thực nghiệm và Tâm lý học cũng vẫn chưa xác định nổi. Nhưng có lẽ những chủ trương như: Vạn vật nhất thể, Huyền bí học, trạng thái Viễn cảm (télépathie), Cảm quang tuyến thuật (radiesthésie) v.v… đã hé nhìn thấy những nguyên tắc căn bản trong thực tế rồi.

– Bây giờ chúng ta đề cập tới ý niệm Hữu-thể. Ta biết theo triết học cổ điển, ý niệm Hữu thể là một ý niệm tổng quát và phổ biến nhất trong các ý niệm. Hơn nữa, chính vì tính cách tổng quát và phổ biến ấy mà ý niệm Hữu thể thường được coi là một ý niệm phong phú và hữu thực nhất. Nhưng nếu nhìn toàn diện lịch sử ý niệm hữu thể và nhìn sâu vào nội dung của những lời quyết đáp trên đây, thời ta có thể chối cãi và phủ nhận được những quyết đáp ấy:

– Lý do thứ nhất là ý niệm Hữu thể là một ý niệm khúc mắc, khó xác định nhất vì tính cách tổng quát và phổ biến cảu nó, như Heidegger đã phải công nhận: “Der Begriff des “Seins” ist vielmehr der dunkelste”. (Sein und Zeit, Tübingen, trg. 3). Điều đó hiển nhiên quá ta không cần dài dòng.

– Lý do thứ hai: ý niệm hữu thể là một ý niệm rất hàm-hồ; chính Aristote cũng đã gián tiếp công nhận điều đó. Thực vậy, ông đã phải phân tích những cách thức áp dụng ý niệm hữu thể ra làm nhiều lối khác nhau. Hơn nữa, ông còn vạch ra rõ ràng tính cách phức tạp cảu những áp dụng ấy. Nên theo ông, có nhiều loại hữu thể khác nhau và có lẽ không thể đem cùng một ý niệm hữu thể áp dụng cho tất cả mọi hữu thể và trong mọi phạm trù được. Quan niệm Loại suy (analogie) của ông giúp hiểu được tính cách hàm hồ này.

Trong triết học của Sartre, ta cũng gặp một số trở ngại trong việc xác định quan niệm hữu thể như vậy; Sartre phân tách Hữu thể làm hai loại khác nhau: Tự nội (l’En-soi) và Tha quy (le Pour-soi). Theo Sartre hai loại hữu thể ấy không những khác nhau àm còn đối lập ráo riết đến nỗi như không thể dùng cùng một danh từ hữu thể mà gọi cả hai được. Đứng trước hai quan niệm ấy, người ta phải chạm trán với một song luận nan giải: hoặc là hữu thể vừa là Tự nội vừa là Tha quy một trật. Nếu thế, ta sẽ không hiểu được hữu thể nào là hữu thể có thể bao hàm được cả hai, vì cả hai hình thức hữu thể ấy đều có những đặc tính đối lập nhau hoàn toàn; hoặc là phải nói: chỉ có Tự nội là hữu thể, còn Tha quy chỉ là hư vô. Nếu vậy quan niệm hữu thể lại bị hạn hẹp vào duy có những gì là đồng tính, tĩnh chỉ và không hoạt động gì cả, chỉ nằm ù lỳ ở đó như hữu thể Tự nội mà thôi.

Tất cả những lý do trên đã hé mở cho chúng ta nhìn thấy phần nào tính cách hàm hồ của ý niệm hữu thể. Đàng khác ngoài tính cách hàm hồ vừa nói trên, ý niệm hữu thể đã không được các triết gia đồng thanh công nhận. Trái lại, trong lịch-sử tư tưởng Âu-châu, ý niệm hữu thể còn bị phủ nhận một cách quyết-liệt: từ Protagoras trở đi cho tới Nietzsche và Bergson đã thấy biết bao triết gia không còn nhận ý niệm hữu thể là một ý niệm thực hữu nhất; hơn nữa, còn những học thuyết triết học muốn vượt hẳn lên trên bình diện hữu thể thí dụ với Platon, bên trên hữu thể (ousia) còn một cái gì khó diễn tả nổi. Theo ông, cái đó còn chứa chấp một khả năng hữu thể đầy đặn, viên mãn quá không thể diễn tả được. Nên theo một ý nghĩa nào đó, cái ấy còn gần gũi với vô thể hơn là hữu thể. Platon gọi nó là sự Thiện (le Bien). Tiếp đó, trong giả thuyết thứ nhất của đối thoại Parménide, Platon cũng chủ trương phủ nhận hữu thể như vậy. Xa hơn nữa trong viễn tượng đó, khuynh hướng Thần học tiêu cực và tư tưởng phi Luân lý ngày nay cảu các nhà Huyền niệm Ki-tô giáo (mystique chrétiens) và tư tưởng gia hiện đại cũng chủ trương vượt ra ngoài ý niệm hữu thể. Với họ, Thiên Chúa không còn là một Hữu thể mặc dầu là hữu thể tối cao. Trái lại, Thiên-Chúa là một Vô thể không tài nào xác định nỗi. (Đạo khả Đạo, Phi thường Đạo … Lão tử).

Lý do là vì hữu thể thường được quan niệm một cách tĩnh đọng theo quan điểm của Luận lý văn phạm như đã nói trên về quan niệm bản thể: với Parménide và Aristote, hữu thể đã được quan niệm là một chủ từ, vì thế về sau Học phái Mégariques mới đi đến chỗ bế tắc về luận lý, thí dụ theo họ chỉ có thể nói: con ngựa là con ngựa, trắng là trắng, chứ không thể nói: con ngựa có mầu trắng. Có thể mới hợp với chủ trương của Parménide: mọi hữu thể đều là chủ từ cả, không một cái nào là thuộc từ cho cái khác được. Rồi với Platon, hữu thể lại được quan niệm là thuộc từ mà thôi như bài trên đã nói. Về sau Kant lại quan niệm hữu thể chỉ là động từ (verbe). Nhưng cả ba lối quan niệm hữu thể nói trên đều có tính cách khái niệm cả. Trong thực tế, có lẽ không bao giờ một thực tại hoàn toàn dung hợp với một hình thức luận lý văn phặm nào của ta. Và không một sự vật nào có thể gọi được là một chủ từ hay thuộc từ và động từ như trong khái niệm. Merleau-Ponty cũng đã nhận định rõ điều ấy khi ông viết: “những yếu tính tách biệt nhau chỉ là những yếu tính di ngôn ngữ (Văn phạm và Luận lý) bày đặt ra. Vì tác vụ của ngôn ngữ là làm cho các yếu tinh hiện hữu trong một trạng thái tách biệt. Nhưng thực sự tình trạng tách biệt ấy chỉ là một tình trạng tách biệt vì bên ngoài ngôn ngữ thì các yếu tính ấy còn thiết yếu phải căn cứ trên sức sống tiền-luận –lý, tức là sống của ý thức linh-động.” Nên cùng với những dữ kiện của khoa học và tư tưởng hiện đại, nhà Siêu hình học ngày nay cũng phải cố gắng thoát ly khuynh hướng muốn đem áp dụng những hình thức và hạn từ tĩnh đọng của tư tưởng và của khái niệm vào những sự vật lưu chảy.

Nói tóm, ý niệm hữu thể có thể bị phủ nhận bằng hai lối khác nhau: một đàng, ta có thể phủ nhận hữu thể vì thấy các sự vật không có đủ trọng lượng nội tại (pas de consistance suffisante) của chúng. Lối phủ nhận này gọi là phủ nhận vì “khuyết điểm nơi chính sự vật” (khoa học); một đàng, ý niệm hữu thể còn có thể bị phủ nhận vì bên trên hay bên ngoài đó còn một cái gì siêu vượt hơn nó vô hạn (un surplus d’essence qui la dépasse infiniment) (Huyền-niệm). Lối phủ nhận này là lối phủ nhận vì “tính cách quá phong phú nơi chính sự vật” (J.Wahl: sd. trg. 126 tiếp)

Về điểm này, Russell đồng ý với Carnap, vì cả hai đều chủ trương rằng: trong Luận lý theo kiểu Duy kiện (Possitivisme logique), Hữu thể chỉ là hữu thể được quan niệm có thực trong các mệnh đề luận lý mà thôi. Còn ở ngoài sự vật (lưu chảy) hữu thể không thể quan niệm được theo lối trên đây. Vậy với nhưng dữ kiện vừa nói ta có thể đi đến kết luận rằng: nền Siêu hình hữu thể học trong khi hoàn toàn căn cứ trên luận lý và quan niệm sự vật tĩnh như thế đã minh nhiên đi tới một khuynh hướng duy nhiên có tính cách khách quan theo nhận xét của Berdiaeff và Mounier

TRI-THỨC-LUẬN

Đứng trước thái độ siêu hình học có tính cách khách quan trên đây, Descartes đã khai nguyên một cuộc Cách mạng mới. Và cuộc Cách mạng ấy đã được Kant và Duy niệm Đức tiếp tay trong một thời gian lâu. Đó là một biến cố quan trọng trong lịch-sử tư tưởng Âu-châu, vì nhờ đó, con người mới bắt đầu ý thức được về chính mình. Biến cố ấy thường được coi là một biến cố giải phóng cho tư tưởng Âu châu. Berdiaeff cũng đã nhận xét thêm rằng: “Duy niệm Đức đã đánh vào Triết học Hy Lạp (và Kinh viện) một lát búa thù tử. Với lát búa ấy Triết học cổ điển không bao giờ hy vọng ngốc đầu dậy được nữa” (L’idéalisme allemend a porté à l’objectvisme de la philosophie grecque (et scolastique) un coup dout il ne peut se relever, sd. trg. 42). Biến cố ấy đã được Berdiaeff gọi là “công cuộc khám phá ra chủ thể” (la découverte du sujet). Từ đây trở đi, Triết học sẽ công nhận “Lý trí” làm tiêu chuẩn tuyệt đối. Theo đó, muốn tư tưởng cho hợp lý thời tư tưởng phải được tổ chức thành những chuỗi khái niệm liên đới tiên thiên. Chương trình kiến thiết nền Triết học về chủ thể đã được Lachièze-Rey tóm tắt một cách khúc chiết như sau: “Siêu hình học về hữu thể phải được thiết lập trên quyền năng của Tôi suy tư” Kant gọi là “Ý-thức siêu nghiệm”; Hiện tượng luận gọi là “ý thức kiến thiết hay Ý-hướng”; nhờ những cái đó, Siêu hình học mới phác họa được một sơ đồ ghi những đặc tính và ý nghĩa của tất cả các đối tượng hay những sản chất của ý thức đó: nhất là, Siêu hình học xác định cơ cấu của vũ trụ cảm giác cũng nwh cách thái Hiện sinh; đồng thời nó còn thiết định một cách dứt khoát được những giới hạn của khoa học và cả giá trị hữu thể học của nó. Tiếp đó, khi phải chú ý tới chính “Tôi suy tư” trong chính bản tính chứ không phải trong những hậu quả của nó, Siêu hình học mới khảo sát cả ý thức nguyên thủy của nó, cả nội dung nội tại, cả những tương quan của những hoạt động tinh thần với thời gian và đời đời” (la métaphysique de l'être doit s'installer dans le Cogito comme puissance. A la lumière de ce que Kant appelle conscience transcendantale, et la phénoménologie conscience constituante ouintentionnelle, elle fait l’inventaire des caractères et des significations de tous les objets ou produits de cette conscience: elle détermine en particulier la structure du monde sensible et sa modalité existentielle’ elle fixe en même temps d’une manière descisive les limites de la science et sa portée ontologique. S’appliquant ensuite au Cogito lui-même, considéré dans sa nature et non plus dans ses effets, elle étudie la conscience originaire de soi, la reconnaissance intérieure, les rapports du fonctionne ment de l’activité spirituelle avec le temps et l’éternité. Xem Le Moi, le monde et Dieu Aubier, 1950, trg. 193).

Bản văn trên phác họa được cả một chương trình vĩ đại cho một giai đoạn lịch sử triết học dài dòng của Âu châu kể từ Descartes và Kant trở đi cho tới Brunschvicg. Theo chương trình đó, khởi điểm và tận điểm của tất cả mọi sự đều sẽ được xây trên quan niệm Chủ thể: “Tôi suy tư”, vì nó được quan niệm như một năng lực suy tư thuần túy. Tất cả những trạng thái tập trung hay phát triển của ý thức suy tư ấy sẽ là những gì kiến thiết nên tất cả những gì hiện hữu. Descartes chính là người đã khai triển ý nghĩa và nội dung của ý thức suy tư ấy đầu tiên. Ông thường hay luận lý rằng: chân lý không là gì khác ở ngoài tư tưởng của ta; trái lại, chân lý ở trong chính tư tưởng của ta. Vì chân lý không phải một cách thức của sự vật hiện hữu mà thiết yếu lại là một cái gì trong tư tưởng của ta. Chính chủ trương “Tôi suy tư” của ông cũng chứng minh rằng: Descartes đã đi từ Tri thức để tiến sang Hữu thể. Đàng khác theo ông Thiên Chúa thiết yếu cũng là tư tưởng. Ngài còn là tư tưởng hoàn toàn và vô tận. Nên theo nghĩa đó, hệ thống của Descartes hoàn toàn lệ thuộc vào tư tưởng: một đàng lệ thuộc tư tưởng của con người được coi nwh một khởi điểm cho tri thức một đàng lệ thuộc tư tưởng của Thiên-Chúa được coi như một khởi điểm cho hữu thể. Nhưng ta không được coi tư tưởng của Descartes ở đây là một Duy niệm theo nghĩa của Kant. Vì tuy đối với Descartes tự tri thức tiến sang hữu thể là một vận hành hợp lý, nhưng như thế không có nghĩa là tư tưởng sáng tạo nên hữu thể. Trái lại, chỉ có nghĩa là khi tư tưởng minh-bạch, và khúc chiết thời nó nhìn thấy sự vật hiện hữu như chúng hiện hữu. Nên Descartes chỉ chú trọng và muốn cho chúng ta chú trọng tới duy có những ý tưởng minh bạch và khúc chiết mà thôi: những ý tưởng minh bạch chính là những ý tưởng tách biệt với những ý tưởng hác và những ý tưởng khúc chiết chính là những ý tưởng không bao hàm một mảy mau gì u tối cả. Vì cũng có những ý tưởng minh bạch mà không khúc-chiết, thí dụ ý tưởng về đau đớn. Trái lại đặc tính của những ý tưởng minh bạch và khúc chiết phải là hiển nhiên. Những ý tưởng ấy là những ý tưởng phải được lĩnh hội trong một khoảnh khắc đồng đều. Vì thế trong tư tưởng của Descartes quan niệm khoảnh khắc mới giữ một vai trò quan trọng. Theo ông, trực giác khoảnh khắc là khởi điểm và mục đích cho mọi quá trình tư tưởng.

“Tôi suy tư” là một thí dụ rõ rệt nhất, vì trong câu ấy, ta nhận thấy trực giác khoảnh khắc ấy, nghĩa là trong cùng một khoảnh khắc, ta trực giác được cả tư-tưởng và trực giác được cả hữu thể (ergo sum) một trật đồng đều nhau.

Quan niệm “Tôi suy tư” và những quan niệm Toán học là những thí dụ đặc biệt về những ý tưởng minh bạch và khúc chiết, vì đối với Descartes chính chân lý “Tôi suy tư” mới cho phép ông quả quyết được rằng chỉ có những ý tưởng minh bạch và khúc chiết mới có thực vì Cogito là một ý-tưởng minh bạch và khúc chiết nhất. Đàng khác, với ông cũng như với Platon và sau này với Spinoza và Leibniz, chỉ duy có những chân lý Toán học mới mang lại sự xác thực cho tư-tưởng. Đó là một quyết đáp cốt yếu của mọi hình thức Duy lý. Nói tóm, Descartes đã theo sát chương trình Tri thức luận mà Lachièze-Rey đã tóm lược trên đây, nghĩa là ông đã quả quyết công nhận quyền ưu tiên của “chủ tri” bằng quan niệm “Tôi suy tư” của ông. Ta có thể đúc kết những lập luận dài dòng của ông vào mấy dòng sâu đây: khi hoài nghi, không những tôi phủ nhận giá trị của những giác quan mà lắm khi một cách lâm thời tôi còn phải phủ nhận cả những chân lý xác thực của Toán học nữa, vì “tà thần” có thể đánh lừa tôi. Nhưng có một điều chính xác tuyệt đối không thể phủ nhận hay chối cãi nổi tức là sự kiện “Tôi suy tư” vì tất cả các đối tượng tư tưởng (cogitata) đều phải giả thiết một tác động hay một chủ thể tư tưởng. Chủ thể đó chính là “Tôi suy tư”. Như thế Cogito được coi là một quyền năng thiết lập nên hữu thể; kết quả là từ tri thức mới tiến sang hữu thể được và chủ tri vượt trên Triết học đối tượng khách tri.

Nhưng Kant mới chính là người quả quyết minh bạch nhất về vai trò quan trọng của chủ thể trong quá trình tri thức. Theo đó Kant đối lập Descartes bằng hai điểm sau đây:

– Một cách nào đó chủ tri của Descartes vẫn còn giữ tính cách thụ động trong công cuộc tri thức. Tuy với Descartes, chính tác động của ý-chí mới quả quyết được rằng: một đối tượng của phán đoán là đích thực nhưng dầu sao lý trí cũng đã bắt đầu quan-niệm những chân lý một cách thụ động và bằng trực giác, nghĩa là: cả khởi điểm của mọi khoa học, cả những đơn vật (natures simples), rồi cả những tương quan hiển nhiên làm nền tảng cho tri thức đều được lãnh hội do một trực giác thụ động như trong triết học của Platon. Trái lại với Kant, lý trí (Verstand: entendement) lại đóng vai trò hoạt động trong quá trình tri thức, vì nó sử dụng những chất liệu do kinh-nghiệm giác quan đem lại để cấu tạo nên những tri-thức có trật tự và khách quan. Công việc cấu tạo ấy là do hoạt-động riêng tư của lý-trí, chứ không phải thụ động như của Descartes. Theo mẫu của Copernic chủ trương Mặt trời là trung tâm cho hoàn vũ chứ không phải Trái đất, Kant cũng đề-nghị một cuộc Cách-mạng tương tự trong phạm vi tri thức luận, nghĩa là thay vì quan-niệm tri thức phải xoay quanh Đối-tượng khách quan, thời Kant đã bắt nó phải xoay quanh chủ tri hoạt-động. Nhờ những phạm trù, những nguyên tắc tiên nghiệm làm khuôn khổ sẵn có của nó, lý trí mới tìm cách liên kết những gì tản mát, khác biệt nhau trong kinh-nghiệm cảm giác, nghĩa là chủ tri dùng những phạm trù sẵn có trong tư-tưởng lý-trí để chắp nối tất cả những dữ kiện của giác quan lại với nhau. Hoạt động ấy Kant gọi là Hoạt động tổng hợp của lý trí (action synthétique de l’esprit). Chính nhờ ở hoạt-động ấy mà cái “Tôi suy tư mới đi kèm theo được mọi biểu niệm cảu tôi” và cũng do đó tôi mới lĩnh hội được chính tôi như một Bản vị duy nhất và đồng tính với nó luôn mãi. Nên nếu không có tác động tư-tưởng riêng tư của tôi, trái lại chỉ có thể có những cảm giác liên tiếp nhau mà không liên đới với nhau chi cả. Chúng chỉ thoát chốc xuất hiện rồi thoát chốc lại biến mất. Nếu thế “chính bản ngã của tôi cũng sẽ tản mát và rời rạc (aussi divers et aussi bigarré) y như những biểu niệm mà tôi có”.

– Với Descartes, chủ thể hãy còn là một Bản thể, một sự vật tư-tưởng (Res cogitans: chose pensante). Trái lại, với Kant chủ thể không còn được quan-niệm như một sự vật nữa mặc dầu như một sự vật có tính cách tinh-thần như tư-tưởng. Ngược lại, chủ thể ấy lại có tính cách hoàn-toàn “hình thức” (formel) nghĩa là nó chỉ là một tác động liên kết những chất liệu của tri thức lại với nhau và sau đó đem lại cho chúng một thứ tự và một hình thức. Hơn nữa, chủ tri ở đây cũng không là đối tượng cho một trực giác như với Descartes nữa, nghĩa là cái “Tôi suy tư” chính là trực giác mà biết được nó. Với Kant thì không thế, chủ tri phải luôn luôn đi song song với kinh-nghiệm cảm giác, vì những đối tượng tri thức phải trình diện trược mặt nó và do nó mà hiện hữu.

Nhưng dầu sao tựu trung Descartes và Kant cũng vẫn được coi là hai đại diện lớn nhất cho công cuộc khám phá ra chủ thể và phong trào Duy lý nói chung, tuy mỗi ông đã khai triển chủ thể đó theo hai khía cạnh khác nhau của lý trí: một đàng qua trực giác “Tôi suy tư”; một đàng qua những phân tích về những điều kiện tiên-nghiệm đối với mọi tri thức có thể có được và qua những phân tích siêu-nghiệm, cả hai ông đã cố gắng thiết định được những cơ cấu trường cửu đời đời cho lý trí của con người. Chính ở trung tâm này đã hun đúc nên nhiều hình thức khác nhau cho chủ trương Duy lý gồm cả Duy niệm và Duy trí (idéalisme et intellectualisme). Ở đây ta không thể đi sâu vào từng tiểu tiết của những chủ trương đó. Nhưng chúng ta có thể nhận định khuynh hướng tổng quát của chúng như sau:

– Khuynh hướng Duy lý nói chung là một trong những khuynh hướng căn bản trong tư-tưởng Tây-phương. Tuy với Descartes và Kant khuynh hướng ấy đã xuất hiện một cách rõ rệt với những bộ mặt thực của nó, nhưng thực sự khuynh hướng ấy đã bắt đầy chớm nở trong chính nền Triết học của Hi-lạp. Nguồn gốc danh từ và quan niệm về “Logos” (Lý tính) là một chứng minh rõ rệt (Xem J.Wahl: sd. trg 386 tiếp). Đàng khác những điểm nói trên kia về Luận lý học của Aristote còn là một biện chứng cũng khá rõ rệt.

Trong viễn tượng ấy con người triết gia tưởng tượng rằng mình có quyền và có nhiệm vụ phải thiết định một lần cho xong những guôn thước và định luật cho cả những lối tư-tưởng và hoạt-động. Họ như những con người của đời đời, vượt ra ngoài không gian và thời gian, nên họ như bị bùa mê thôi miên họ do những lý luận trừu tượng của họ. Rồi tự xưng là mình có khả năng nắm toàn quyền định đoạt về chân lý. Tự hoàn cảnh sống riêng tư và ý nghĩ cá biệt của họ, họ muốn nêu lên thành những chân lý và giá trị phổ biến cho mọi người. Theo mệnh-lệnh của họ là những mệnh-lệnh căn cứ trên lý trí, bao nhiêu hoạt-động thực tiễn của mọi người đều phải phục tòng những chỉ thị lý thuyết và nguyên tắc của họ, vì họ đã tự mệnh danh là những con người nắm được bí quyết để ra luật cho toàn nhân loại. Những đề-nghị hay đúng hơn những tiêu thức có tính cách Thần thoại về “Đế vương triết gia” (philosophes-rois) chính alf những hình ảnh cụ thể nói lên thâm ý của những triết gia có khuynh hướng Duy lý. Họ ước ao trở thành một trung gian cho lý trí tuyệt đối và đồng thời lợi dụng được cả chủ quyền chính-trị để giải thoát cho nhân loại: nên không những Platon đã có chủ định lớn lao muốn phác họa được những cơ cấu khả tri có thể làm nền tảng cho một “đế quốc” do các triết gia cai trị mà cả đến những nhà tư-tưởng Trung cổ cũng đã nghĩ tới việc dùng học thuyết Augustinisme để áp dụng vào chính-trị (Augustinisme polotique). Tinh thần ấy còn tiếp tục trong Tratatus theologico-politicus của Spinoza và với Kant trong Traité de paix perpétuelle … Ảo mộng chủ quyền chính trị như trên chỉ là một hình thức biến thể của ảo mộng chủ quyền về lý thuyết, vì ảo mộng này còn thầm kín và sâu xa hơn nhiều. Thực vậy, khi bắt đầu triết lý nhiều nhà tư-tưởng thường thường tỏ ra rất khiêm tốn, nhưng cuối cùng họ lại rất kiêu hãnh vì tưởng rằng mình đã nắm được trong tay tất cả những chìa khóa để mở bất cứ vấn đề khúc mắc nào. Thí dụ Descartes lúc còn thiếu niên đã bắt tay vào công việc suy tư một cách rất khiêm tốn, như cảm thấy mình sẽ không đủ khả năng để đạt tới đích. Lúc đó ông viết cho Beeckman bạn ông rằng: (ngày 26.III.1619) “Đây là một công việc bao la và không thể một mình ai làm nổi. Nhưng là một công việc đáng mơ ước rất nhiều …” (Adam-Tannery, t.X.trg 157). Nhưng sau 25 năm cũng chính Descartes đã tuyên bố một cách quyết đáp đầy kiêu hãnh rằng: trình độ tối cao của triết học là hệ tại ở việc “tìm kiếm ra những nguyên nhân đầu tiên và những nguyên lý đích thật nhờ đó có thể rút ra được những chứng lý cho tất cả những gì ta có thể biết được; cho nên những người nào hoạt động theo lý tưởng đó mới xứng đáng được gọi là những triết gia. Nhưng cứ theo chỗ tôi biết từ trước tới giờ hình như không một ai đã thành công trong dự định đó cả …” (Oeuvres complètes, collect. Pléiade, trg. 422). Tiếp theo bức thơ gởi cho dịch gải cuốn Principes ấy, Descartes còn ca tụng những thời đại hậu lai sẽ phải biết ơn những triết gia nào đã khám phá được chân lý chung kết ấy như thế nào.

Chính Kant cũng đã có một thái độ tương tự trong một ghi chú năm 1765 như vậy. Ông viết: “Tôi chỉ rõi theo lốt chân cảu một người tìm hiểu …” (Annotations aux observations sur le sentiment du beau et du sublime, trưng trong Delbos: La philosophie pratique de Kant, Paris 1905, trg. 116). Nhưng sau cùng Kant lại tự coi mình là một triết gia thực thụ duy nhất. Ông nói: “Còn về nhà triết học, người ta không thể quan niệm họ là một người thợ, cộng tác vào việc thiết lập các khoa học (…), trái lại, chính ra phải quan nniemej họ là một người chủ trương đạt tới tri thức toàn diện (…); và không thể dùng danh từ Triết gia ở số nhiều được, trái lại, chỉ có thể dùng ở số đơn mà thôi (…) vì gọi là những Triết gia tức là chỉ thị một số đông những thực ra chỉ có thể duy có một Triết gia mà thôi.” (Kant: Anthropologie, trad. fr. trg. 260). Nên theo Kant như vậy chỉ có thể có một Triết gia duy nhất. Triết gia ấy lại chính là ông vậy. Trong bài Nhập đề cho cuốn Prolégomènes à toute métaphysique future, Kant đã quả quyết thế; lời đó là một tiếng vang lại lời tuyên bố của Descartes trong bài Tựa cuốn Préfaces đã nói trên.

Đó cũng là lập trường của Hegel sau này như Jaspers đã nhận xét trong Triết học nhập môn rằng: “Hegel là một Triết gia đầu tiên đã thâm hiểu toàn diện lịch sử theo mọi phương thức của nó bằng một hoạt-động triết lý rất có ý thức. Vì lý do đó, tác phẩm về triết sử của ông vẫn còn bảo tồn được giá trị riêng biệt của nó cho tới ngày nay. Nhưng tiến trình triết sử mà ông diễn tả, căn cứ trên những nguyên tắc riêng của ông đã là một sử quan nguy hiểm, mưu sát, mặc dầu trong khi đó ông đã thao diễn một quan niệm thâm thúy. Tất cả những triết học có trước, theo sơ đồ của Hegel, có một lúc hiện thân ra như được chiếu sáng do một cái máy “phóng chiếu” (projecteur) rất mạnh; nhưng sau cùng, phải nhận ra rằng: Hegel đã cắt mất trái tim của các triết học đó và ông đã chôn vùi di hài chúng như những thây ma trong nghĩa địa bao la của lĩnh sử” (Bd. VN. trg. 178-179).

Chính ảo mộng bá chủ đã dẫn nhiều nhà tư tưởng đến chỗ muốn xây dựng nên những Hệ thống vĩ đại mà Hegel là một tượng trưng sáng lạn nhất: chính ông cũng đã xác định khía cạnh tư tưởng ấy một cách đanh thép và quan niệm đó là một đặc tính cốt yếu cho tất cả những công việc suy tư nào đáng giá. Ông viết: “Đến ngày nay người ta mới hiểu rằng: đem lại cho triết học một khởi điểm là một công việc rất khó khăn”. Tiếp đó ông mới tìm cách phân biệt ra hai loại khởi điểm khác nhau: một đàng khởi điểm là một hình thức phụ thuộc theo kiểu mở bài trong một để luận; một đàng, khởi điểm là một nguyên-tắc mới gặp được giá trị cho vấn đề nghĩa là giá trị mà ta nhằm đối với chân lý, vì chân lý là Lý tính tuyệt đối cho tất cả mọi sự”. (Xem Science de la logique, Aubier, trg. 55). Như thế theo Hegel có nghĩa là một Triết học muốn vươn tới chân lý toàn diện không thể chỉ dừng chân lại hay thỏa mãn được với mấy chân lý đặc thù và còn đang đứng trong trạng thái dò dầm mà thôi. Nhưng thời kỳ dò dẫm đó phải được vượt qua và biến thái thành một chân lý ở trình độ tuyệt đối. Nếu chưa đạt tới trình độ tuyệt đối ấy thiết yếu tư tưởng chưa được hoàn bị. Vì thế bó buộc tư tưởng ấy phải được Hệ thống hóa. Ông viết: “Một Triết học không căn cứ trên một Hệ thống thời không thể trở thành một khoa học được, trái lại đó chỉ là một “hình thức”, một cách thái cảm thức cá nhân và ngẫu nhiên xét theo nội dung. Vậ một tri thức chỉ hợp lý khi nó là một giai đoạn trong một toàn khối, còn ngoài ra chỉ là một giả thuyết hay một ý kiến chủ quan”. (Encyclopédie des sciences, XIV).

Với một lối tư tưởng rất minh mẫn Hegel đã hoạch định một chương trình Hệ thống vĩ đại xây trên lập trường đối lập với tất cả những gì là cá-tính, đặc thù và cụ thể, với mục đích nhằm đạt tới Tinh-thần tuyệt đối. Vì theo tinh thần ấy chân lý không được tản mát, không đứng trong một viễn tượng hẹp hòi, trái lại nó cần phải vươn tơi những gì là phổ biến, tổng quát và tuyệt đối. Nên chân-lý phải xuất hiện như một khối nặng vĩ đại theo toàn cụ của nó: những lối trình bày, những chứng minh liên tiếp theo một đà tiến chậm rãi chỉ là những yếu tố phụ thuộc. Ở đây, câu nói thứ nhất với câu nói cuối cùng phải là một, vì chân lý bao hàm lẫn nhau như Hegel nói: “Triết học phải kết cấu thành một vòng tròn”.

Như thế không lạ gì mà các nhà Siêu hình học trong phạm vi tri thức luận thường có khuynh hướng muốn biến chế tất cả mọi sự họ sờ mó tới thành tuyệt đối cả. Họ không khác gì ông vua Midas, mỗi khi đụng tay vào đồ vật gì tức nhiên chúng trở thành vàng trên bày tay ông. Bergson đã đại diện cho khuynh hướng đó khi ông viết: “Nếu có một phương diện nào để chiếm hữu thực tại một cách tuyệt đối thay vì hiểu biết nó một cách tương đối (…) thời Siêu hình học chính là phương diện đó.” (Xem et le mouvant. PUF. trg. 206). Tuyệt đối chính là lương thực hằng ngày cho nhà Siêu hình học, vì nếu không có nó, ra như Siêu hình học tự mâu-thuẫn ngay ở chính danh từ của nó. Đã từ một thế kỷ nay, Comte nhà sáng lập chủ nghĩa Duy kiện đã tiên đoán rằng: Siêu hình học đã đến ngày tàn tạ. Rồi Kant cũng đã đẩy nó vào một tình trạng mong manh, bấp bênh, nhưng tiến trình của triết học và hiện trạng của nó ngày nay hình như không cho là Comte và Kant có lý. Trái lại Siêu hình học vẫn sống. Lý do chính là vì truyền thống Duy lý Âu chấu đã cương quyết ngồi lỳ lại trong khuôn khổ tư tưởng có tính cách khái niệm đó, vì theo họ chính khuôn khổ khái niệm ấy mới là khuôn khổ thực sự của Siêu hình học. Nên Tuyệt đối chính là vị trí có tính cách hữu lý nhất của nhà Triết học từ Platon trở đi. Vì hầu như học thuyết triết học nào cũng phải bắt đầu từ việc đặt ra một thực tại nào siêu nghiệm vượt lên trên những gì biến thái của thời gian, không gian và thân phận con người. Thực tại siêu nghiệm ấy được coi là một Tuyệt đối đem lại ý nghĩa cho hoàn vũ. Những danh từ nền tảng siêu hình học thường được viết bằng chữ hoa (Đại tự): Hữu thể, Thiện thể, Chân thể, Lý niệm, Tự do … Có lẽ đó là ảnh hưởng của lối viết của người Đức, nhưng nơi các nhà Siêu hình học Âu châu, Đại tự không phải ở lối viết mà thôi, hơn nữa Đại tự ấy còn là “Đại ý” vì mỗi danh từ ấy đều được họ ghép cho một nội dung vĩ đại đến mức tuyệt đối. Có thể mới dùng làm nền tảng cho Hệ thống tư tưởng của họ được, thí dụ Spinoza định nghĩa Bản thể như sau: “Theo tôi Bản thể là một cái gì hiện hữu tự nội và được tự nó quan-niệm, nghĩa là một cái gì mà khái niệm của nó không cần tới khái niệm của một cái gì khác; với cái đó nó phải được cấu tạo nên” (Ethique, livre ler défin. 3).

Rồi Descartes cũng quả quyết: “khi ta quan niệm Bản thể, thời ta chỉ quan niệm một sự vật nào hiện hữu và sự hiện hữu của nó cần thiết để các cái khác hiện hữu” (Principes de la philosophie, t.I, 51). Theo đó triết-học được phát triển như một công cuộc giảng nghĩa quan niệm Bản thể là gì vì bản thể là tuyệt đối. Nhưng Descartes lại viết thêm ngay rằng: nhưng kỳ thực, chỉ duy có mình Thiên Chúa mới là thể (tức là Bản thể tuyệt đối) (…) mà thôi”. Vì vậy quan điểm của Thiên Chúa chính là viễn tượng cốt yếu trong tư tưởng Duy lý của Descartes. Quan điểm ấy sẽ còn tồn tại trong tư tưởng của Kant dưới hình thức intellectus archetypus và đàng sau những hệ thống theo Kant. Vì Tuyệt đối chính là quan điểm của Thiên Chúa nhìn con người và nhìn cả vụ trụ. Nhưng trong triết học cổ điển thì Thiên Chúa chính là nền tảng của lý trí, trái lại trong khuynh hướng Siêu hình học mới thì lý trí lại là nền tảng cho Thiên Chúa. Hegel là người đã đẩy lý trí lên tới Tuyệt đối; theo ông, Tinh thần hay Lý trí tuyệt đối là đỉnh cao nhất trong tiến trình của Ý tưởng, nên Siêu hình học xuất hieneh như một Luận lý học về Tuyệt đối. Ông viết: “Luận lý phải được quan niệm như một Hệ thống của Lý trí thuần túy, hay như một lãnh vực hoạt động của tư tưởng thuần túy. Lãnh vực ấy là lãnh vực của chân lý theo tính-cách nó hiện hữu tự nội và cho nó tức là không đeo mặt nạ và không có bức màn nào bao phủ. Vì vậy người ta có thể nói: nội dung ấy là một biểu niệm của chính Thiên Chúa, như thể Ngài hiện hữu trong yếu tính đời đời của Ngài, trước khi tạo dựng vũ trụ Thiên nhiên và lý trí hữu hạn của con người” (Science de la Logique, t.I, trg. 35) (Xem rải rác trong Traité de Métaphysique của Gusdorf, chương Critique de l’absolu).

Từng ấy dữ kiện trên đây thiết tưởng đã đủ giúp chúng ta nhận định ra đâu là hướng đi căn bản của Tri thức luận Âu châu. Dưới mọi hình-thức, Duy lý chỉ công nhận “chủ thể suy tư” làm tiêu chuẩn tuyệt đối. Như thế tri thức không còn là tri thức của con người trần gian cụ thể nữa, trái lại, nó đã trở thành tri thức trừu tượng, có những đặc tính như Thần minh như Thiên Chúa. Trong viễn tượng đó con người riêng tư với những hoàn cảnh sống đặc biệt của họ đã bị biến trở thành chủ thể thuần túy, ý thức siêu nghiệm, bản thể phi cá nhân, Tinh thần phổ biến … Hơn nữa thái độ tri thức luận ấy còn được phù trợ thêm do lòng tin tưởng hầu như tuyệt đối vào khoa học. Thực vậy thế kỷ 19 là một thế kur đầy lòng tin tưởng vào khoa học, vì kỹ thuật là bảo chứng đích đáng cho sự tin tưởng vô bờ bến đó. Nên người ta đã rất có lý khi tôn sùng khoa học và đặt hết hy vọng vào tương lai của khoa học để giải quyết những vấn đề văn minh vật chất. Họ tin rằng: một ngày rất gần đây nhà Khoa học sẽ có thể biết được mọi sự và giảng nghĩa được tất cả những bí mật của hoàn vũ và của loài người theo chương trình và những phương pháp Laplace đã vạch ra. Theo nhà Toán học và Thiên văn học trứ danh ấy, rồi đây một bộ óc bao la và hùng vĩ như hoàn vũ này sẽ có thể bao quát được toàn diện các khoa học thực nghiệm nhất là Vật lý học. Vì thế không lạ gì mà khoa học và những phương pháp của nó đã được coi như những tiêu chuẩn duy nhất cho mọi kiến thức khác kể cả Triết học, cũng như ở thời Trung cổ, Thần học đã được coi là kiểu mẫu kiến thức duy nhất vậy. Đó chính là ước vọng sâu thẳm của Comte lúc còn thanh niên; nên năm 1824 ông đã viết: “Tôi sẽ làm cho người ta cảm thấy rằng: trong công cuộc tiến hóa cảu loài người cũng có những định luật nhất định và cũng chính vì thế đối với một hòn đá rơi xuống cũng có những định luật như vậy”.

Rồi chính Laplace cũng đã lưu lại một câu nói thời danh chứng tỏ hùng hồn lòng tin tưởng không bờ bến ấy của ông nữa, ông viết: “Một lúc nào đó, một bộ óc con người nào có thể biết được tất cả những năng lực chi-phối Thiên nhiên và tình trạng tương đối của mỗi loại sinh vật thuộc thành phần của Thiên-nhiên và nếu bộ óc đó có đủ rộng rãi để phân tích được những dự kiện ấy thời nó sẽ có thể thu giồn vào cùng một công thức những vận hành của những hành tinh vĩ đại cũng như những vận hành của một nguyên tử nhỏ xíu, nhẹ nhàng như bông: như thế sẽ không còn một cái gì là bất xác nữa, đối với bộ óc đó; rồi cả tương lai, cũng như quá khứ, sẽ hiện diện dưới mắt của nó”.

Tuy trong câu nói trên đây Laplace còn tỏ vẻ dè dặt, nhưng tựu trung chủ định của ông cũng là một chủ định rất táo bạo không khác gì chủ định của các nhà Duy lý vừa nói trên, tức là lấy Khoa học làm tiêu chuẩn tuyệt đối cho mọi lối kiến thức khác. Khuynh hướng đó thường được mệnh danh là khuynh-hướng Duy khoa-học (Scientisme).

Thấy khoa học phát triển một cách vững chãi, xác đáng và chiến thắng như vậy nhà tư-tưởng và Siêu hình học cũng muốn rập mẫu tinh thần và phương-pháp của nó. Khuynh hướng đó không những đã xuất hiện ở thế kỷ 19 này và từ Descartes trở đi, nhưng kỳ thực nó đã ngấm ngầm chỉ phối truyền thống tư-tưởng Âu châu kể từ Pythagore, Socrate và Platon rồi. Cả đến Triết gia thời Phục hưng cũng đã công nhận rằng: con số và đồ hình là những lối diễn tả được trọng dụng nhất trong Thiên-nhiên, vì chúng thường được minh xác bằng những thực nghiệm của khoa học. Hơn nữa, theo Kant hoạt trường thực nghiệm của nhà khoa học là tiêu chuẩn cho mọi phạm vi tri thức đáng giá. Tinh thần triết lý rập mẫu khoa học như thế cũng thể hiện ra rõ rệt trong hai tác phẩm khá thời danh cảu Brunschvicg là Êtapes de la philosophie mathématique và Espérience humaine et causalité physique. Trong đó rõ rệt nhà Triết học tỏ ra bị Toán học mê hoặc (Mathesis universalis), vì theo ông, những triết học giá trị hay không là do trình độ chúng đã trưởng thành nhiều hay ít theo những quy luật của khoa học thực nghiệm. Hơn nữa ông còn nhấn mạnh rằng: nếu không muốn bị tiêu diệt hẳn, thời nhà Triết học còn phải dùng đến những phương pháp của khoa-học một lần thứ hai, nhờ đấy lý-trí mới đạt tới được trình độ cao nhất trong con đường tư-tưởng của mình. Cũng trong tinh-thần ấy, A.Rivaud một nhà viết Triết sử Âu-châu hiện nay đã không ngần ngại đặt lý tưởng Duy khoa học thành một nguyên tắc nền tảng cho Triết học. Ông viết: “Triết học phải hoàn toàn lệ thuộc những dữ kiện do khoa học mạng lại (…). Ngày nay muốn triết lý một cách hữu ích thời nhà triết học phải đồng thời là nhà Toán học, Vật lý học, Sinh ngữ học, Sử học …” (Xem Histoire de la philosophie, t.1. PUF, 1948, trang VII – VIII).

Trong Sens de la création, Berdiaeff đã nhận định tình trạng Triết học theo mẫu khoa học ấy một cách rất tinh vi, khúc triết như sau: “Ước vọng của Triết-học ngày nay là muốn trở thành Duy khoa học (scientiste) hay “theo kiểu mẫu của khoa học” (scientiforme)”. Trong số các chủ thuyết gia của Triết học chính thức, không một ai đã hoài nghi giá trị và tầm quan-trọng của khuynh hướng đó nghĩa là khuynh hướng muốn biến chế triết học thành một thể chế khoa hộc; và về điểm đó Duy kiện cũng như Siêu hình gia, Duy vật cũng như Duy niệm đều đồng ý với nhau cả. Kant và Hegel, A.Comte và Spencer, H.Cohen và Rickert, Bundt và Avenarius, tất cả đều muốn cho triết học trở thành một khoa học. Triết học luôn luôn mơ ước khoa học. Vì không dám là triết gia thuần túy, họ luôn luôn cố gắng bắt chước các nhà khoa học, rập mẫu của họ. Họ tin tưởng vào khoa học hơn vào triết học …

Nhưng “tính chất khoa học” đã làm mê hoặc ý thức triết học hiện đại như vậy không phải một hiện tượng mới lạ lắm đâu. Thực sự hiện tượng ấy chỉ là một hình thức mới để diễn tả một quan niệm Kinh viện xa xưa, nghĩa là xưa kia, mỗi triết gia cũng đã muốn là một nhà khoa học theo một lối thích hợp với thời đại của họ. Descartes và Leibniz cũng không kém tính cách thiên về khoa học hơn Cohen và Husserl (…). Hình học của Spinoza cũng đã là một cố gắng khoa học hóa triết học y như phương pháp Siêu nghiệm của Kant. Rồi cả triết học Kinh viện Trung cổ cũng đều bị tiêm nghiễm đầy tinh thần khư khư muốn biến triết học và cả thần học thành một môn học như khoa học. Tuy những quan niệm khoa học của Trung cổ khác biệt hẳn với những quan niệm khoa học hiện nay; nhưng dầu sai tinh thần Duy khoa học hiện nay cũng vẫn ngầm chứa một nguyên tắc Kinh viện. Vì Aristote là một triết gia đã bị lôi cuốn vào bầu khí của khoa học rõ rệt nhất trong số các triết gia Thượng cổ và tinh thần triết học của ông ngày nay vẫn chưa bị tiêu diệt. Rồi sau ông, St Thomas d’Aquin cũng đã là một triết gia “Duy khoa học” cũng y như H.Cohen, nhưng mỗi ông đã mang tính chất khoa học một kiểu khác nhau tùy theo thời đại và những tiêu chuẩn của thời đại họ” (Desclée de Brouwer, trg. 43-44).

Tinh thần Duy lý và Duy khoa học trên đây đã dẫn triết học vào những thái độ sùng tín quá chớn. Cả hai đã chung đúc nên một tâm trạng mê hoặc với những gì là tuyệt đối. Nhưng cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20 khoa học đã tiến triển về nhiều phương diện, như Hình học không theo Euclide, học thuyết về những toàn số, học thuyết Tương đối của Einstein với những Cơ học mới, nguyên tử và điện tử học … Nhiều lần, hình như chúng đã muốn lật đổ những nguyên tắc từ trước tới giờ vẫn được coi là tuyệt đối, bất khả di dịch, thí dụ ngay đến những nguyên tắc Toán học cũng đều bị hoài nghi ấy là chưa dám nói đến việc bị phủ nhận. Nên Bouligand và Desgranges mới viết nên một quyển sách với nhan đề kinh ngạc: tình trạng sa sút cảu những Tuyệt đối Toán học và Luận lý học. (Le déclin des absolus mathématico-logiques). Theo tinh thần đó Toán học ngày nay không còn chủ trương một lối Duy thực ngây thơ như những thế kỷ trước nữa. Thực vậy, trước kia ngôn ngữ Toán học vẫn được coi là tuyệt đối xác đáng, vì những phương trình của nó tự phụ rằng đã bao hàm được hết thực tại và nó có thể diễn tả được lời nói sáng tạo của một ông Thiên Chúa quan-niệm theo hình ảnh một nhà Hình học. Nhưng ngày nay càng ngày người ta càng nhận ra tính cách tương đối của những nề nếp Toán học cũ. Theo họ, những phương trình toán học không thể nói lên được hết mọi khía cạnh của thực tại. Dĩ nhiên công trình của các nhà Hình học đã tượng trưng cho một trong những thành công hòa hảo cho tri thức luận, nhưng không vì thế mà toán học lại được coi như những tổ vật linh thánh tuyệt đối. Trái lại, toán học cũng có thể trở thành một bùa mê ám ảnh và lừa bịp con người nếu nó muốn đặt quyền thống trị của nó ở bất cứ nơi nào và bất cứ bằng cách nào. Vì thế tri thức luận ngày nay đã vạch rõ ràng tính cách tương đối của toán học: thay vì quan niệm toán học có khả năng biểu thị một cái gì siêu thực như trước, người ta lại quan niệm nó như một mớ những hình thức và cơ cấu vô định, nhờ đó nhà bác học chuyên môn có thể dùng để đi vào lãnh vực này hay lãnh vực kia của những hiện tượng và họ có thể lựa chọn những công thức nào hợp với những công dụng cảu họ, theo nhận xét của Léon Brillouin: “những toán học thuần lý đều đã được thiết lập trên những trừu tượng, những mơ hồ không thực hiện được như: cái điểm tròn vô hình và không chiều gian, những đường thẳng không bề dầy, những bình diện và mặt phẳng mỏng manh vô cùng, không gian liên tục v.v… (…). Tính cách chặt chẽ hữu lý của những cơ cấu ảo tưởng đó thường hay dễ vỡ như thủy tinh. Nên nhà Vật lý học ngày nay không thể chấp nhận được những phương pháp bất thực ấy nữa. Tất cả khoa học nguyên tử hiện đại đều hoàn toàn chống đối với những Toán học thuần lý như thế”. (Xen Nouvelle Revue Francaise: Aout, 1957, trg. 316: Poésie mathématique et théorie physique).

Như thế, nếu nhà Toán say mê đi tìm tính cách tuyệt đối cho môn học của mình thì họ đã tỏ ra mù quáng trước thực tại. Vì trong lãnh vực Vật lý, lý thuyết Toán học không thể cống hiến cho nhà khoa học được bản-tính của sự vật, trái lại, chúng chỉ có thể giúp học tiến gần sát lại bên cạnh sự vật mà thôi. Nhịp tiến gần ấy rất hữu ích nhưng không vì thế mà nhà khoa học được mù quáng cho đó là hình ảnh thực thụ của sự vật. Vì vậy Leon Brillouin còn viết tiếp: “Một học thuyết Vật lý chỉ là một học đồ về một phần nhỏ của Vũ trụ ngoại tại. Nên ta không được coi nó quan hệ hơn giá trị thực sự của nó. Vì sớm hay muộn rồi ta cũng phải phủ bỏ những trừu tượng mơ mộng của Toán học thuần lý. Nên nhà Vật lý học lại phải luôn luôn theo sát với diễn tiến của thực tại mới được”. (sd. trg. 322 và cùng một huosng ý tưởng đó trong L.Rougier: Traité de la connaissance, 1955, passim).

Vì lý do ấy càng ngày các Triết gia càng phải chú ý khảo sát những tiến triển của tri thức luận. Đàng sau những khảo cứu ấy ta sẽ thấy những hình thức tri thức luận còn biến đổi rất nhiều và chúng sẽ là những chủ-trương chống đối mãnh liệt với những lối tri thức của Descartes và của Kant như đã nói trên. Lịch sử khoa học là một bằng chứng nói lên rõ rệt tiến triển ấy. Từ Claude Bernard với tác phẩm Introduction à l’étude de la médicine expérimentale, 1865 trở đi, nhiều nhà Vật lý học đã đi rất xa, như Mayer và Rankine. Cả hai ông này đã tỏ vẻ công phẫn với những phuong pháp khoa học chỉ muốn tìm cách “Giảng nghĩa” (sciences explicatives) sự vật chứ không cố gắng dùng thực nghiệm để tiến gần tới sự vật. Nhưng Mach còn là người đã đẩy đà tiến triển trên xa thêm hơn nữa, vì ông đã trình bầy một tri thức luận thực thụ theo tinh thần thực nghiệm. Theo ông, khoa học Vật lý ngày nay không con nhằm mục đích xác định những nguyên nhân hiện hữu tự nội (non des causes existant en soi) như lối khoa học “giảng nghĩa” nữa, trái lại, nó chỉ tìm hiểu những tương quan có tính cách tác vụ (relations fonctionnelles) mà thôi. Lý do là vì những tương quan tác vụ ấy mới liên kết được những hiện tượng lại với nhau để rồi nhờ đó có thể diễn tả thành những định luật. Nhà Hóa học Ostwald còn chủ trương nhìn và giải quyết các vấn đề Hóa học theo khuynh hướng của Năng lượng (Thermodynamique). Khuynh hướng này đã được Duhem tiếp tục. Ông này phê bình một cách mạch lạc những lối giảng nghĩa có tính cách thuần túy Cơ học vật lý. Đồng thời ông còn có công phân tích tỉ mỉ quan niệm thực nghiệm. Nhờ đó ông minh chứng được rằng: thực nghiệm trong khoa học Vật lý không phải một sự kiện mà nhà Vật lý chỉ có việc thụ động công nhận, trái lại, nó giả thiết cả một mớ những kiến thức lý thuyết của họ sẵn có nhưng còn tiềm tàng. Như vậy một lý thuyết trong Vật lý và Hóa học có thể thay đổi tùy lúc do trí khôn sáng nghĩ ra nó, nên lý thuyết không thể tự phụ “giảng nghĩa” được thực tại một cách đúng đắn, nếu không được thực nghiệm bằng những thí nghiệm cụ thể. Vì thế bất cứ lý thuyết nào trong khoa học chỉ là một phương tiện lâm thời phải được cải biến luôn mãi, có thể nó mới hy vọng nhìn nhận đúng được các hiện tượng. Với Poincaré cũng thế một lý thuyết vật lý xây trên những khái-niệm của Toán học mà thôi không thể giúp ta đạt tới chân lý bất dịch. Với ông những nguyên tắc nền tảng của Vật lý và Toán học không đúng mà cũng không sai. Chúng chỉ là những “ước định” (conventions) đã được các nhà khoa học quy định và công nhận với nhau vì chúng tiện dụng trong thực tế. Nhưng rồi tùy trường hợp và tiến triển của khoa học, họ vẫn có thể thay đổi được những ước định ấy luôn mãi, thí dụ thiết định những Hình học khác hẳn với Hình học của Euclide … Cũng gần vào cuối thời kỳ đó, những Hình học không theo Euclide đã xuất hiện đồng thời với Lý thuyết về Toàn số. Chúng bó buộc các Toán học gia và triết gia phải suy nghĩ về bản tính những định lý và do đó những phương pháp định lý mới mẻ xuất hiện. Bachelard còn đi xa hơn nữa trong con đường đối lập với tri thức luận theo kiểu Descartes. Tuy ông vẫn tự xưng là trung thành với tinh thần Duy lý, nhưng Duy lý của ông phải được hiểu theo một ý-nghĩa rộng rãi và biện chứng hơn, nghĩa là suy luận theo lý trí nhưng đồng thời phải đi theo những diễn tiến của khoa học. Vì vật ông mới trình bày lý trí trong hoạt động linh động của nó để tìm ra một phương pháp tới gần sự vật càng ngày càng sát hơn. Công cuộc tiến gần ấy được sáng sủa thêm mãi là nhờ ở những thất bại trong thực nghiệm và trong chính tiến triển của lý trí mỗi khi đi vào thực nghiệm. Ở đây tư tưởng hiện ra như luôn luôn được khích lệ do một lý trí mềm dẻo, luôn luôn tiến triển và muốn vươn lên tới những không gian bao la chứ không chịu đóng khung vào những phạm trù cũ rích như tinh thần tri thức luận của Descartes. Ngoài những thí dụ đã nói ở phần trên, ta còn thấy trong lãnh vực Hóa hộc Bachelard cũng đã nêu lên những nhận xét rất hữu ích cho tri thức luận. Ông nhận thấy trong khoa học này: “những khái niệm đầu tiên của nó không còn được coi là tuyệt đối nữa”. (usure de l’absolu des notions premières) (Xem Le matérialisme rationnel, PUF. 1953, trg. 125). Theo ông tình-trạng sa sút này đi đôi với tình trạng sa sút của những “Tuyệt đối trong Toán học” mà Bouligand đã nói tới. Nói cách khác, những ý niệm đầu tiên trong Hóa học như: vật chất (matière), đơn vật (élément), trọng lượng riêng (valence) đã bị trụt độ dần dần. Vì “người ta không bao giờ chắc tâm được rằng: những gì nền tảng sẽ còn đứng vững mãi được. Vì thái độ độc tín trong khoa học là một thái độ phải suy bại dần đi” (sd. trg. 123). Và ông còn nói thêm: “Nhà Triết học không biết rằng: những sách dậy Hóa học phải là những sách linh động” (sd. trg. 126). Do đó lập trường của Bachelard rất gần với lập trường cảu Gonseth. Ông này cũng rất chú ý đến tính cách biện chứng của hoạt động tri thức của khoa học. Nên tựu trung lập trường Toán học của ông sẽ thiên hẳn về chủ trương “Tùy cơ ứng biến” (idonéisme). Cho đến nay, hai khuynh hướng thiên về tinh thần khoa học mới đại diện lớn nhất cho tư tưởng giới Âu châu có thể nói là: khuynh hướng Duy lý có tính cách Biện chứng của Bachelard và khuynh hướng Tùy cơ của Gonseth. Như thế đủ rõ những tuyệt đối trong tri thức luận cũ đều đang bị phá hoại tự nền tảng. Vì thế tri-thức-luận trong triết học ngày nay cũng đang phải hướng về một tinh thần không có tính cách Descartes nữa. (Êpistémologie non-cartésienne. Bachelard: Nouvel Esprit scientifique. PUF. 1960, trg. 135-179).

Bức hoạt họa trên đây về tiến trình của các khoa học đã mô tả nên thái độ chống đối của các nhà khoa học không muốn chịu lệ thuộc quyền bá chủ của Toán học nữa. Thế thì nhà Siêu hình học phải có thái độ như thế nào? Có lẽ từ nay Siêu hình học không được chấp nhận thái độ làm con ở (ancilla) cho một ai cả, nghĩa là không được đặt hết hy vọng vào Toán học hay Khoa học nữa. Vì tuy rằng Toán học, Hình học và Khoa học đã giúp cho Siêu-hình học được một số những chỉ thị để hiểu được những cơ máy của trí-khôn con người, nhưng không vì thế mà nhà Siêu hình học được phép tin tưởng rằng những khoa học ấy sẽ giúp họ hiểu được hết ý nghĩa và nhất là giải quyết được một cách chung kết những vấn đề phức tạp, tế nhị liên quan đến thân phận con người. Nhà Siêu hình học nào tự thả mình trôi theo những ảo mộng ấy tức là đã phản bội với sứ mệnh của mình và với thực tại để rút lui vài những Tháp ngà kiên cố mà Nietzsche đã lưu ý tới. Trái lại, nhiệm vụ của nhà Siêu hình học là phải dung hòa được những kiến thức lý trí theo viễn tượng của con người cụ thể mà các Triết học hiện đại đang hô hào phải trở về. Nhưng nhiệm vụ ấy phải được tiếp tục và tiếp tục mãi mãi, vì thân phận con người không bao giờ có thể tổng hợp thành Hệ thống tri thức khách quan được. Muốn khách quan hóa mọi sự tức là không muốn thay đổi một mảy may gì ở trần gian và cuộc đời này. Khuynh hướng khách quan hóa đó là một ảo tưởng cảu các nhà Siêu hình học Hệ thống. Họ khát vọng những biến cố của cuộc sống con người trở thành một xác định theo kiểu mẫu của sự vật. Làm thế tức là muốn khư khư nằm bẹp trong vỏ sò cứng nhắc của ý niệm Vũ trụ theo Aristote. Nhưng đã từ bao thế kỷ Vũ trụ ấy đã trở thành một thế giới trống rỗng, vô hồn, bị phai mầu đi rất nhiều. Nên nhà Siêu hình học không được bắt chước một lối Hệ thống hóa nào, trái lại ở thời đại nào bất cứ như là tư tưởng phải hoạt động với những dữ liện của Vũ trụ quan hiện tại, chứ không nên nô lệ trở về những “Hầm xương” Tiền sử. Như vậy nhiệm vụ của Tinh thần thực thụ là phải luôn luôn minh mẫn, cố gắng,can đảm, đứng trước những đổi mới của kinh nghiệm hàng ngày. Nghĩa là bất cứ Tinh thần nào cũng phải ngầm chứa trong nội tâm sâu xa của mình một sức mạnh Biện chứng bất tận. Nên Bachelard đã phải căn dặn ta một cách chí lý rằng: “Trí khôn phải uốn mình hợp theo những điều kiện của kiến thức … Nhưng những thay đổi về lý luận đã mọc lên rất nhiều trong nhưng khoa học Hình học và Vật lý; tất cả chúng đều liên đới với nhau trong một quá trình biện chứng theo những nguyên tắc của lý trí và liên đới với nhau trong một Triết học tiêu cực (Philosophie du Non). Nên ta phải nhận lấy bài học do tình trạng kkhoa học ấy mang lại. Một lần nữa, lý trí phải phục tòng khoa học. Hình học, Vật lý học, Toán học là những khoa học. Vì vậy học thuyết cổ truyền chủ trương lý trí là tuyệt đối, là bất tiện cũng chỉ là một Triết học (trong muôn ngàn Triết học khác) mà thôi. Nhưng Triết học đó đã là một Triết học lỗi thời.” (La philosophie du Non, trg.144-145)

Để kết luận bài này, thiết tưởng không gì bằng đề nghị một nền Hữu thể họcTri thức luận mở rộng như đã nói ở phần mở đầu. Chính đó là con đường dẫn tới những viễn tượng Siêu hình àm ở trên phần đó ta đã gọi là “môn học giúp con người tìm lại được chính nguồn gốc của mình”, nhưng không phải chạy theo một vài hình thức lố bịch của Triết học Hiện sinh mà là để đi đến định hướng Siêu hình theo biểu hiệu của thân phận long đong, mong manh của Thévenaz đã đề nghị. Đó tức cũng là con đường dẫn con người trở về với chính mình (conversion intérieure: Meta-physica ở đây sẽ phải nhường chổ cho Meta-noia). Ý nghĩa Siêu hình học ấy cũng đã được Jaspers xác định phương hướng phải theo khi ông viết: Siêu hình học là một cố gắng để vượt lên trên bản tính cố nhiên và những biến cố xẩy đến trong kinh nghiệm thường ngày của ta, để nhờ đó ta lại gặp được chính nguồn suối sâu thẳm của ta.

Cố gắng đó là một công trình rất khó khăn và có lẽ sẽ đi đến thất bại; nhưng đó là một công trình rất thích thú đáng ham mê và cần thiết. Vì “con đường trở về chính mình là con đường ngắn ngủi nhất để giúp ta đi vòng quanh được cả Vũ trụ” (Le plus court chemin qui conduise à soi-même vous mène autour du monde. Keyserling: Journal …)

LÊ-TÔN-NGHIÊM

(Đại học, số 4, tháng 8-1962, tr. 591-625)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt