Siêu hình học

Về mối quan tâm của lý tính nơi sự tự mâu thuẫn này của nó

PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY - MỤC LỤC

 

QUYỂN II

CÁC SUY LUẬN BIỆN CHỨNG

CHƯƠNG II

NGHỊCH LÝ (ANTINOMIE) CỦA LÝ TÍNH THUẦN TÚY

1 2 3 4 5 6 7 8 9 9.I 9.II 9.II 9.IV 10  

 

VỀ MỐI QUAN TÂM* CỦA LÝ TÍNH 

NƠI SỰ TỰ MÂU THUẪN NÀY CỦA NÓ

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, 2004, tr.795-807. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đa có sự đồng ý của dịch giả.


 

 

Như vậy là chúng ta đã có toàn bộ diễn biến của các Ý niệm vũ trụ học và chúng không hề cho thấy có một đối tượng nào tương ứng với chúng được mang lại trong bất kỳ một kinh nghiệm khả hữu nào; thậm chí chưa từng cho thấy lý tính đã suy tưởng chúng một cách nhất trí với những quy luật phổ biến của kinh nghiệm. | Tuy vậy, chúng không phải là những ảo tưởng tùy tiện của tư duy, trái lại, trong tiến trình liên tục để tổng hợp thường nghiệm, lý tính nhất thiết sớm muộn sẽ gặp gỡ chúng trong nỗ lực muốn thoát ra khỏi sự ràng buộc của mọi điều kiện thường nghiệm vốn bao giờ cũng chỉ là có điều kiện để thấu hiểu cái toàn thể vô-điều kiện. Bao nhiêu khẳng quyết biện chứng là bấy nhiêu nỗ lực nhằm giải quyết bốn vấn đề hết sức tự nhiên và không thể tránh né được của lý tính thuần túy. | Số lượng bốn vấn đề này là không hơn không kém, vì ngoài chúng ra, không còn có chuỗi giả thuyết tổng hợp nào nữa có thể giới hạn tổng hợp thường nghiệm một cách tiên nghiệm.

Những yêu cầu to tát của lý tính muốn mở rộng phạm vi chiếm lĩnh vượt ra ngoài mọi ranh giới của kinh nghiệm chỉ mới chỉ được chúng ta trình bày trong các công thức khô khan ở các trang trước, chứa đựng những nét chủ yếu về cơ sở các lập luận của lý tính. | Do tính chất đặc thù của triết học siêu nghiệm, các lập luận ấy đã bị tước bỏ hết các yếu tố thường nghiệm, dù [ta biết rằng] chúng chỉ có thể bộc lộ hết vẻ rực rỡ, phong phú khi được gắn liền với các nhận thức thường nghiệm. Thật thế, khi áp dụng các khẳng định của lý tính và tiếp tục mở rộng sự sử dụng lý tính để vượt lên khỏi lãnh vực của những kinh nghiệm, đưa lý tính dần dần vươn tới các Ý niệm cao cả này, triết học mới phô diễn hết giá trị và phẩm giá [cao viễn] của mình. | Nếu quả triết học có thể khẳng định được các cao vọng đó, triết học sẽ đẩy lùi giá trị của mọi ngành khoa học khác của nhân loại ra sau nó rất xa, vì nó hứa hẹn mang lại nền tảng cho mọi ước vọng lớn lao nhất hướng đến cứu cánh tối hậu, trong đó mọi nỗ lực của lý tính rút cục phải hợp nhất lại. Các câu hỏi [lớn]: vũ trụ phải chăng là “hữu thỉ hữu chung” trong không gian và thời gian; phải chăng có thể tồn tại ở đâu đó hay có lẽ ở ngay trong cái “Tôi tư duy” một bản thể đơn thuần, không thể phân chia và không thể bị hủy hoại hoặc ngược lại, mọi sự vật đều có thể phân chia và tồn tại tạm thời; phải chăng tôi là tự do trong các hành vi của tôi hoặc cũng chỉ như mọi hữu thể khác, chịu sự dẫn dắt của tự nhiên và số phận; và sau cùng, có chăng một nguyên nhân tối cao của vũ trụ, hay là, ngược lại, những sự vật của tự nhiên và trật tự của chúng chính là đối tượng cuối cùng mà chúng ta phải dừng lại trong tất cả các nghiên cứu của mình?

Đó là những câu hỏi mà để giải quyết được chúng, nhà toán học sẵn lòng đánh đổi toàn bộ môn khoa học của họ, vì lẽ môn học này không thể thỏa mãn họ trong những gì liên quan đến các mục đích cao nhất và cháy bỏng nhất của nhân loại. Ngay bản thân phẩm giá đích thực của Toán học (niềm tự hào này của lý tính con người) là dựa vào chỗ: nó là người chỉ đường cho lý tính để nhận ra giới tự nhiên - cả vĩ mô lẫn vi mô - trong trật tự và tính hợp quy luật của nó, cũng như nhận ra sự thống nhất kỳ diệu của những lực vận động trong lòng tự nhiên, vượt xa mọi sự chờ đợi ở một nền triết học xây dựng trên kinh nghiệm thông thường; và qua đó, bản thân nó mang lại cơ hội và sự cổ vũ cho việc sử dụng lý tính mở rộng ra ngoài mọi kinh nghiệm, đồng thời cung cấp cho môn khoa học nghiên cứu về điều ấy [triết học] những chất liệu [tri thức] chính xác nhất và hỗ trợ cho việc nghiên cứu - trong mức độ đặc tính [chuyên môn] của nó cho phép - bằng những trực quan tương ứng.

Nhưng thật không may cho sự tư biện (nhưng có lẽ lại may cho vận mệnh thực hành của con người) khi giữa lúc đang ôm ấp các kỳ vọng lớn lao nhất, lý tính thấy mình bị vướng vào một thế giằng co giữa các lập luận và phản lập luận khiến cho nó vừa - vì danh dự và sự an toàn - không thể rút lui, và không thể xem cuộc tranh chấp này một cách thản nhiên như xem một cuộc tập trận giả đơn thuần [vô thưởng vô phạt], vừa càng không thể đơn giản ra lệnh vãn hồi hòa bình, bởi lẽ đối tượng của cuộc tranh cãi này được nó hết sức quan tâm. | Do đó, lý tính không còn cách nào khác hơn là phản tư lại về nguồn gốc của sự không nhất trí (Veruneinigung) của lý tính với chính nó, [tự hỏi] phải chăng lỗi ở đây là do một sự ngộ nhận đơn thuần, và sau khi khảo sát được sự ngộ nhận ấy, cả hai phía có lẽ sẽ vứt bỏ các yêu sách cao ngạo của mình và thay vào đó, một sự chỉ huy yên ổn, lâu dài của lý tính đối với giác tính và giác quan có được sự bắt đầu.

Chúng ta tạm gác việc khảo sát cặn kẽ này lại một lát để trước hết cân nhắc xem: chúng ta thích đứng về phe nào nhất nếu buộc phải ủng hộ một phe? Vì trong trường hợp này, chúng ta không hỏi tới viên đá thử [tiêu chuẩn] lô-gíc về chân lý mà chỉ hỏi sự quan tâm của ta thôi, nên một sự nghiên cứu như thế tuy không giải quyết gì về phương diện có lý khi tranh cãi [sự đúng sai] của hai phe, nhưng có ích lợi là làm cho ta hiểu tại sao những người tham gia vào cuộc tranh cãi này lại thích đứng về phía này hơn là đứng về phía kia dù nguyên nhân không phải là do có một sự hiểu biết đặc biệt sâu sắc hơn về đối tượng tranh cãi; cũng như giải thích được các điều phụ khác, chẳng hạn như sự cuồng nhiệt của phe này và sự khẳng định lạnh lùng của phe kia, và tại sao họ nhiệt liệt hoan nghênh một phía và dành thái độ không khoan nhượng ngay từ đầu cho đối phương.

Tuy nhiên, có một điều có thể xác định quan điểm xem xét cho nhận định bước đầu này, và chỉ từ đó, một sự nghiên cứu cặn kẽ mới có thể hình thành được, đó là: hãy so sánh các nguyên tắc xuất phát của hai phía. Người ta nhận thấy rằng trong các khẳng định của phía Phản đề có một sự đồng dạng hoàn toàn về lề lối tư duy và một sự nhất quán trọn vẹn về châm ngôn (Maxime) [ứng xử], đó chính là nguyên tắc của thuyết DUY NGHIỆM THUẦN TÚY (REINER EMPIRISMUS), không những trong việc giải thích những hiện tượng của thế giới mà cả trong việc giải quyết các Ý niệm siêu nghiệm về bản thân vũ trụ. Ngược lại, các khẳng định của phía Chính đề, ngoài phương cách giải thích thường nghiệm bên trong chuỗi những hiện tượng còn đặt cơ sở trên các mệnh đề trí tuệ (intellektuelle) [khả niệm], nên trong chừng mực đó, châm ngôn của nó không đơn giản [như phía Phản đề]. Nhưng xuất phát từ đặc điểm phân biệt cơ bản của nó, tôi muốn gọi phía Chính đề là thuyết GIÁO ĐIỀU (DOGMATISM)[1] của lý tính thuần túy.

Về phía thuyết giáo điều, hay về phía Chính đề khi xác định các Ý niệm vũ trụ học, cho thấy:

1. Sự thể hiện một mối quan tâm [đến lợi ích] thực hành nào đó (praktisches Interesse) mà những ai có thiện tâm và hiểu được ưu điểm thực sự của nó, đều nhiệt tình chia xẻ. Thật thế, bảo rằng thế giới có một khởi đầu;- rằng bản ngã tư duy của tôi có bản tính tự nhiên là đơn thuần, cho nên bất hoại;- đồng thời trong những hành vi, ý chí là tự do, vượt lên trên sự cưỡng chế của tự nhiên;- và sau cùng, toàn bộ trật tự của vạn vật hình thành nên vũ trụ đều dựa vào một Hữu thể tối cao, nhờ đó vũ trụ có được tính nhất thể và sự nối kết hợp mục đích, - đó chính là những hòn đá tảng cho đạo đức và tôn giáo. Phía Phản đề đã tước đoạt hết các chỗ dựa vững chắc này của ta, hoặc ít ra cũng có vẻ muốn tước đoạt chúng.

2.    Phía Chính đề cũng thể hiện sự quan tâm đến mặt tư biện của lý tính. Bởi vì, nếu ta giả định và sử dụng các Ý niệm siêu nghiệm theo phương cách của Chính đề, ta có thể nắm được toàn bộ chuỗi những điều kiện một cách hoàn chỉnh và tiên nghiệm, từ đó thấu hiểu được sự hình thành của cái có điều kiện - như là kết quả được rút ra từ cái vô-điều kiện. | Đây là điều phía Phản đề không chịu làm, nên ít được hoan nghênh. | Vì, phía phản đề không thể giải đáp cho câu hỏi liên quan đến các điều kiện của sự tổng hợp thường nghiệm, ngoại trừ làm nảy sinh các câu hỏi mới liên tục đến vô tận. Theo cách đó, với một cái khởi đầu đã cho, ta phải tiến lên cái khởi đầu cao hơn; với từng bộ phận, ta phải đi tới bộ phận nhỏ hơn nữa; sự việc gì cũng có một sự việc trước đó làm nguyên nhân, và những điều kiện của sự tồn tại nói chung lại phải dựa vào những điều kiện còn cao hơn nữa, tóm lại không bao giờ có được điểm kết thúc vô điều kiện và chỗ dựa [tối hậu] nơi một Hữu thể tối cao, tự thân tồn tại.

3.    Phía Chính đề có thêm ưu thế về tính phổ thông, - yếu tố không phải nhỏ để giành được nhiều sự ủng hộ. Giác tính thông thường không mấy khó khăn để chấp nhận Ý niệm về sự khởi đầu vô điều kiện của mọi sự tổng hợp vì ta vốn quen đi tìm kết quả hơn là phải trở ngược lại để truy tìm nguyên nhân làm cơ sở cho nhận thức, cho nên, trong khái niệm về cái Đầu tiên tuyệt đối - tuy không suy xét về khả thể của nó -, lý trí con người tìm được một giải đáp và đồng thời một điểm vững chắc để làm đầu nối cho cả chuỗi suy luận, vì con người không thể yên tâm và vừa lòng khi thấy mình lúc nào cũng như bị bước hụt chân vào khoảng không trong nỗ lực không ngừng nghỉ để đi tìm nguyên nhân cho cái có điều kiện.

Về phía thuyết Duy nghiệm hay phía Phản đề, trong việc xác định các Ý niệm vũ trụ học, ta thấy:

1.    Không có mối quan tâm như thế về mặt thực hành từ các nguyên tắc thuần túy của lý tính như đã thấy trong đạo đức và tôn giáo. Ngược lại, thuyết duy nghiệm còn có vẻ muốn loại trừ mọi sức mạnh và ảnh hưởng của hai lãnh vực này. Nếu không có một Hữu thể tối cao nào tồn tại phân biệt với thế giới; nếu thế giới không có điểm khởi đầu, và do đó cũng không có đấng Sáng tạo -, nếu ý chí của ta không tự do, còn linh hồn thì cũng có thể bị phân chia và hủy hoại như mọi vật thể vật chất khác,- những ý niệm và nguyên tắc đạo đức sẽ mất hết giá trị và sẽ sụp đổ cùng với những Ý niệm siêu nghiệm làm chỗ dựa lý luận cho chúng.

2.    Nhưng bù lại, về mối quan tâm tư biện của lý tính, thuyết duy nghiệm có thể mang lại những thuận lợi rất hấp dẫn và hơn hẳn những gì phái giáo điều đã hứa hẹn. Giác tính - một khi được nhà duy nghiệm sử dụng - bao giờ cũng đứng vững trên mảnh đất nghiên cứu đích thực của mình, đó là lãnh vực gồm toàn những kinh nghiệm khả hữu. | Giác tính có thể phát hiện những quy luật của chúng, và nhờ những quy luật ấy mà có thể mở rộng nhận thức một cách an toàn, chắc chắn và vô giới hạn. Giác tính có thể và phải diễn tả đối tượng cho trực quan - không chỉ bản thân đối tượng mà cả trong những mối quan hệ của đối tượng-, hoặc nếu là trong những khái niệm, thì hình ảnh của chúng có thể được đưa ra - trong những trực quan được mang lại tương tự - một cách sáng sủa và phân minh.

Không chỉ thuyết duy nghiệm thấy không cần thiết phải rời bỏ chuỗi này của trật tự tự nhiên để bám theo các Ý niệm mà những đối tượng của chúng nó không hề biết, bởi những đối tượng này - như là những vật-tư tưởng (Gedank-endinge) - không bao giờ có thể được mang lại; trái lại, nó không bao giờ tự cho phép mình rời bỏ các công việc viện cớ là đã được làm xong, để bước sang lãnh vực của lý tính ý niệm hóa (idealisierende Vernunft) và đến với những khái niệm siêu việt, là nơi phía phản đề không còn cần thiết phải tiếp tục quan sát và khảo cứu phù hợp với những định luật tự nhiên nữa mà chỉ suy tưởng và bịa đặt (dichten), và là nơi nó có thể yên tâm sẽ không bị bác bỏ bởi những sự kiện có thật của tự nhiên, bởi nó không còn bị ràng buộc với những bằng cớ của tự nhiên mà có thể bỏ qua chúng, hoặc thậm chí đặt chúng bên dưới một thế giá [Ansehen] cao hơn, đó là thế giá của lý tính thuần túy.

Vì thế, nhà duy nghiệm sẽ:

[ - ] không bao giờ tự cho phép giả định một thời kỳ nào đó của tự nhiên là trạng thái tuyệt đối sơ thủy; hoặc xem là có một ranh giới nào đó như là chỗ tận cùng trong viễn tượng nghiên cứu của họ về phạm vi của Tự nhiên; hay là,

[ - ] không được vượt qua những đối tượng trong thế giới tự nhiên, là những gì họ có thể giải thích bằng sự quan sát và toán học cũng như có thể xác định một cách tổng hợp trong trực quan (cái quảng tính) để chuyển sang những đối tượng mà giác quan lẫn trí tưởng tượng đều không thể diễn tả được một cách cụ thể (in concreto) (cái đơn thuần/đơn tố);

[ - ] không chấp nhận việc người ta dựa vào một quan năng ngay ở bên trong tự nhiên mà có thể tác động độc lập với những định luật của tự nhiên (sự Tự do), hòng qua đó rút giảm bớt các công việc của giác tính là tìm hiểu sự ra đời của những hiện tượng theo sự hướng dẫn của những quy luật tất yếu;

 [ - ] và sau cùng, không thừa nhận việc người ta đi tìm một nguyên nhân ở bên ngoài tự nhiên (Hữu thể sơ thủy) bất kể để làm gì, bởi chúng ta không biết cái gì khác hơn là giới tự nhiên này, vì nó là cái duy nhất có thể cung cấp cho ta những đối tượng và truyền đạt cho ta những quy luật của nó.

Như vậy, nếu nhà triết gia duy nghiệm, với Phản đề của mình, không có mục đích nào khác ngoài việc đánh đổ những ảo tưởng và tham vọng quá đáng của một lý tính không nhìn ra thiên chức (Bestimmung) đích thực của mình, một lý tính huênh hoang về các tri kiến (Einsicht) và tri thức (Wissen) ở những nơi mà mọi tri kiến và tri thức thực sự dừng lại, và xem những gì chỉ có giá trị về phương diện mối quan tâm thực hành như là một sự khuyến khích [tăng tiến] mối quan tâm tư biện để - nếu thuận tiện - cắt đứt đường dây của các nghiên cứu vật lý và - với chiêu bài mở rộng nhận thức - nối đường dây ấy với các Ý niệm siêu nghiệm, mà qua đó, người ta chỉ thực sự biết chắc một điều rằng người ta không biết gì cả. | Nếu - tôi nhắc lại - nhà duy nghiệm tự biết hạn chế mình trong các mục đích ấy, nguyên tắc [ứng xử] của họ quả là một châm ngôn (Maxime) về tính vừa phải của những yêu sách, về sự khiêm tốn trong những khẳng định, đồng thời về sự mở rộng tối đa giác tính của ta đến mức độ có thể theo sự chỉ bảo của người thầy đích thực dành cho ta: đó là kinh nghiệm. Vì, trong trường hợp đó, các tiền đề tinh thần và lòng tin của ta trong lãnh vực thực hành cũng không vì thế mà bị tước mất đi, chỉ có điều người ta không còn để chúng xuất hiện với hư danh và vẻ hào nhoáng của một môn “khoa học”, hay “tri kiến của lý tính” nữa, vì tri thức tư biện [lý thuyết] thực sự thì không thể gặp gỡ đối tượng nào khác ngoài đối tượng trong kinh nghiệm, và nếu người ta vượt qua ranh giới ấy thì sự tổng hợp mà những tri thức mới mẻ, độc lập với kinh nghiệm thử tạo ra đều không có được cơ chất [chất liệu] nào của trực quan để sự tổng hợp ấy có thể được thực hiện.

Thế nhưng, nếu thuyết duy nghiệm - trong quan hệ với các Ý niệm - (như vẫn thường xảy ra) lại đi tới chỗ phủ nhận hết tất cả những gì vượt qua khỏi lãnh vực những nhận thức có thể trực quan được của nó, bản thân nó trở thành giáo điều, và lại rơi vào sai lầm của sự thiếu khiêm tốn;- sai lầm này còn đáng trách hơn vì qua đó gây ra những bất lợi và tổn thất không bù đắp được cho mối quan tâm [và lợi ích] thực hành của lý tính.

Đây chính là sự đối lập của học thuyết EPIKUR[2] chống lại học thuyết PLATON.

Triết gia trước (Epikur) khẳng định nhiều hơn những gì ông biết, và tuy gây bất lợi cho cái thực hành [Đạo đức], nhưng lại cổ vũ và khuyến khích tri thức, còn vị thứ hai [Platon] tuy đề ra được các nguyên tắc đúng đắn cho lãnh vực thực hành, nhưng qua đó, đối với tất cả những gì ta chỉ được quyền có một tri thức tư biện, thì mặt khác, lại cho phép lý tính gắn thêm vào đó các lối giải thích duy tâm về những hiện tượng tự nhiên, bỏ lỡ công cuộc nghiên cứu vật lý [về tự nhiên].

3. Sau cùng, về yếu tố (Moment) thứ ba có thể thấy được qua việc lựa chọn tạm thời giữa hai phe tranh cãi này, đó là: điều rất đáng ngạc nhiên là thuyết duy nghiệm hoàn toàn đi ngược lại mọi tính quần chúng [không được lòng người], dù người ta thường tin rằng, lý trí thông thường sẽ nồng nhiệt đón nhận phương án này khi nó hứa hẹn sẽ thỏa mãn lý trí không bằng gì khác hơn là bằng những nhận thức kinh nghiệm vì sự nối kết hợp lý tính của những nhận thức này; thay vì thuyết giáo điều siêu nghiệm buộc lý trí thông thường phải vươn lên đến những khái niệm vốn cũng vượt quá cả sự thức nhận và quan năng lý tính của những đầu óc lão luyện nhất trong việc tư duy. Thế nhưng, chính điều này lại là động cơ [cho việc lựa chọn] của nó. Vì trong trường hợp này, lý trí thông thường được ở trong một tình thế mà ngay cả bậc thông thái nhất cũng không thể rút ra được điều gì hơn nó. Nếu nó hiểu biết rất ít hoặc không hiểu gì cả thì cũng không có ai có thể tự khoe là biết nhiều hơn nó; và dù không thể phát ngôn một cách đúng bài bản học thuật (schulgerecht) như những người khác, nó lại tha hồ ngụy biện vô cùng tận hơn cả những người khác, bởi nó chỉ dạo chơi giữa toàn là những Ý niệm; tức về những điều mà người ta có thể hùng biện nhất vì không biết gì cả, thay vì đối với những nghiên cứu về tự nhiên, người ta phải hoàn toàn làm thinh [dựa cột mà nghe] và thú nhận sự không hiểu biết của mình. Như vậy, sự tiện nghi thoải mái và thói hư danh đã là động lực rất mạnh để chọn lựa các nguyên tắc này. Ngoài ra, trong khi một nhà triết học bao giờ cũng thấy hết sức khó khăn khi giả định một cái gì như là nguyên tắc mà bản thân chưa đủ sáng tỏ hay thậm chí khi đưa ra các khái niệm mà tính thực tại khách quan của chúng chưa thể được nhận rõ, thì lại là điều không gì thông dụng hơn đối với lý trí thông thường. Lý trí thông thường chỉ muốn có một cái gì đó để có thể vững tin bắt đầu. Nổi khó khăn trong việc thấu hiểu (begreifen) một tiền đề như vậy không hề làm nó băn khoăn, bởi vì - ngay cả không hiểu thế nào là “thấu hiểu” - nó không hề suy tư về tiền đề [như một giả thiết có thể được sử dụng như một nguyên tắc] và xem bất cứ cái gì đã quen thuộc qua sử dụng thường xuyên là cái “đã biết”. Và rút cục, nơi nó, mọi quan tâm tư biện, [lý luận] biến mất trước sự quan tâm [lợi ích] thực hành và nó tự cho rằng đã hiểu và nhận ra cái gì cần phải giả định và cần phải tin tưởng đủ để thúc đẩy các lo âu hay hy vọng của nó. Thế là, thuyết duy nghiệm bị cái lý tính siêu nghiệm-ý niệm hóa tước đoạt hết mọi tính quần chúng; và do đó, cho dù thuyết duy nghiệm có chứa đựng nhiều điều bất lợi đến mấy đối với các nguyên tắc thực hành tối cao đi nữa, thì cũng không có gì phải e ngại rằng thuyết duy nghiệm sẽ có ngày vượt qua được ranh giới của nhà trường để gây được trong lý trí thông thường ít nhiều uy tín đáng kể cũng như chút ít thiện cảm nơi quảng đại quần chúng.

Lý tính con người, - về mặt bản tính tự nhiên - là có tính kiến trúc (architektonisch), có nghĩa là, lý tính xem mọi nhận thức như là thuộc về một hệ thống khả hữu, do vậy, chỉ muốn thừa nhận những nguyên tắc nào ít ra không làm cho việc đưa một nhận thức dự kiến vào đứng chung với những nhận thức khác trong một hệ thống trở thành bất khả. Thế mà, các nguyên tắc của phía Phản đề lại thuộc vào loại các nguyên tắc làm cho việc hoàn tất tòa nhà tri thức hoàn toàn không thể thực hiện được. Theo các nguyên tắc ấy, bên ngoài một trạng thái [hay một thời kỳ] nào của vũ trụ bao giờ cũng còn có một trạng thái xưa cũ hơn; trong bất cứ bộ phận nào cũng còn có những bộ phận khác tiếp tục phân chia được; trước mỗi sự kiện luôn luôn có một sự kiện được sản sinh từ bên ngoài, và mọi cái tồn tại đều là có điều kiện và không thể thừa nhận một cái tồn tại đầu tiên, vô-điều kiện nào cả. Do phản đề không thừa nhận sự tồn tại của cái đầu tiên nào và cái khởi đầu nào để có thể dùng làm nền móng một cách tuyệt đối, cho nên - theo các tiền đề ấy - một tòa nhà tri thức hoàn chỉnh là điều hoàn toàn bất khả thi.

Vì lý do đó, mối quan tâm của lý tính về tính kiến trúc của tri thức - (tức luôn đòi hỏi một sự nhất thể - không phải thường nghiệm mà là tiên nghiệm và thuần lý -) kéo theo sự ủng hộ tự nhiên cho các khẳng định của phía Chính đề.

Còn nếu có ai đó có thể từ bỏ hết mọi mối quan tâm và chỉ xem xét nội dung của các khẳng định của hai phía chứ thản nhiên trước mọi hậu quả của chúng; và giả thiết rằng người ấy không biết cách nào khác để thoát khỏi sự tranh cãi hỗn loạn ngoài cách chạy theo ủng hộ phía này hay phía kia, loại người như vậy sẽ ở trong một tình trạng chao đảo liên tục. Hôm nay, họ tin rằng ý chí của con người là tự do, nhưng ngày mai, khi xét đến chuỗi nhân quả chặt chẽ của giới tự nhiên, họ lại thấy tự do chỉ là ảo tưởng và tất cả chỉ là Tự nhiên [tất yếu] thôi. Nhưng, một khi họ buộc phải hành động thì tất cả các luận cứ nói trên của lý tính tư biện tan biến ngay như giấc mộng và họ chỉ còn biết tuân theo lợi ích thực hành để lựa chọn nguyên tắc hành động.

Nhưng, đối với những ai có đầu óc suy tư và tìm tòi một cách nghiêm chỉnh, biết dành một khoảng thời gian nào đó trong đời chỉ cho việc kiểm tra lại chính lý tính của mình, họ lại cần bỏ hết mọi sự thiên vị, công khai đưa ra các nhận xét cho công luận đánh giá; tức là không chê trách cũng không ngăn cản, để cả hai phía chính đề và phản đề không sợ bị hăm dọa mà được tự do thoải mái bảo vệ quan điểm của mình trước một đoàn hội thẩm cũng đồng đẳng với cả hai phía (tức là cùng chia xẻ thân phận của con người yếu đuối [và dễ phạm sai lầm]).

 

 


* das Interesse: thuật ngữ thường dùng và rất quan trọng trong triết học Kant. Ngoài nghĩa chính là “mối quan tâm”, đôi khi còn được hiểu theo nghĩa tương tự như “mục đích”, “cứu cánh” (Zweck) và “lợi ích”. Xem thêm chú thích** cho BXXXII (Lời tựa II). (N.D).

[1] Thuyết giáo điều: (Dogmatismus): thuật ngữ thường dùng trong tác phẩm này (cùng với nó là: “phương pháp giáo điều”, “khoa học giáo điều”, “chứng minh giáo điều”…) chỉ chung thái độ xử dụng giác tính và lý tính mà không chịu phản tư, tự phê phán về điều kiện khả thể (siêu nghiệm) của bản thân năng lực nhận thức. Cả “thuyết duy tâm của Platon, “thuyết duy lý” (Rationalismus) (Kant không nhắc đến tên gọi này nhưng thường phê phán đích danh trường phái Leibniz - Wollf) lẫn thuyết duy nghiệm (Empirismus) đều có thể rơi vào “thuyết giáo điều” nếu không tiến hành phê phán lý tính. (Xem thêm B498…). (N.D).

[2] Hiện nay vẫn còn là câu hỏi [đáng ngờ], phải chăng chính bản thân EPIKUR (342-271 T.CN. N.D) đã từng nêu ra các nguyên tắc này như các khẳng định khách quan. Nếu các nguyên tắc này thực ra không gì khác hơn là các châm ngôn (Maximen) cho việc sử dụng lý tính tư biện [lý thuyết], ta phải thừa nhận EPIKUR là người có đầu óc triết học chân chính, hơn hẳn bất cứ nhà hiền triết cổ đại nào. Đó là cho rằng: khi giải thích những hiện tượng, ta phải tiến hành như thể (als ob) lãnh vực nghiên cứu không bị cắt đứt do một ranh giới hay một khởi đầu nào của vũ trụ; phải xem chất liệu của vũ trụ có các đặc tính như đã xuất hiện trong kinh nghiệm; không có sự sản sinh ra các sự kiện nào khác ngoài sự sản sinh được quy định bởi những định luật bất biến của tự nhiên, và sau cùng, không nhất thiết phải sử dụng một nguyên nhân nào [xa lạ] khác biệt với vũ trụ. | Đó đều là những nguyên tắc đến nay vẫn còn hoàn toàn đúng đắn dù ít được lưu ý tới. | Các nguyên tắc ấy không những giúp mở rộng triết học tư biện, [lý luận] mà còn giúp phát hiện các nguyên tắc đích thực của đạo đức mà không cần dựa vào nguồn hỗ trợ nào xa lạ. | Đồng thời, trong việc suy tưởng đơn thuần tư biện, người ta có quyền không để ý tới các khẳng định giáo điều, nhưng không thể vì vậy mà trách người ta là muốn phủ nhận chúng.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt