Siêu hình học

Về sự nhất thiết buộc lý tính thuần túy phải tìm ra giải đáp cho các vấn đề siêu nghiệm của chính nó

PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY - MỤC LỤC

 

QUYỂN II

CÁC SUY LUẬN BIỆN CHỨNG

CHƯƠNG II

NGHỊCH LÝ (ANTINOMIE) CỦA LÝ TÍNH THUẦN TÚY

1 2 3 4 5 6 7 8 9 9.I 9.II 9.II 9.IV 10  

 

TIẾT 4

VỀ SỰ NHẤT THIẾT BUỘC LÝ TÍNH THUẦN TÚY PHẢI TÌM GIẢI ĐÁP

CHO CÁC VẤN ĐỀ SIÊU NGHIỆM CỦA CHÍNH NÓ

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, 2004, tr. 808-815. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đa có sự đồng ý của dịch giả.


 

 

Cho rằng có thể giải quyết mọi vấn đề và trả lời mọi câu hỏi là sự khoác lác và tự cao vô lối, chỉ tự làm mất uy tín và sự đáng tin cậy trước người khác. Tuy nhiên, vẫn có những môn khoa học mà bản tính tự nhiên của nó là: bất cứ câu hỏi nào nảy sinh từ ngay trong lãnh vực của chúng lại tuyệt đối phải nhận được câu trả lời từ những gì người ta đã biết, vì lẽ, câu trả lời cũng phải phát sinh từ cùng một nguồn gốc đã làm nảy sinh ra các câu hỏi, và hoàn toàn không được phép thoái thác viện cớ vào sự bất tri không thể tránh khỏi, trái lại có thể đòi hỏi phải được giải quyết theo quy luật thông thường. Ta phải có thể biết cái gì là đúng hay không đúng trong tất cả các trường hợp có thể có, vì chúng thuộc về trách nhiệm của ta, còn đối với những gì ta không thể biết, thì ta lại không có trách nhiệm. Thật thế, trong khi nghiên cứu về những hiện tượng của tự nhiên, có rất nhiều điều ta không biết chắc, có nhiều vấn đề vẫn còn chưa giải quyết được, vì những gì ta biết về tự nhiên chưa đủ trong mọi trường hợp đối với những gì ta phải giải thích. Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là:

“Phải chăng trong triết học siêu nghiệm cũng có một câu hỏi nào đó liên quan đến đối tượng của riêng lý tính thuần túy mà lý tính không thể giải đáp được [vì gặp phải những lý do như đối với những hiện tượng tự nhiên trên đây]? | Và phải chăng ta có lý khi không đưa ra lời giải đáp quyết định vì từ tất cả những gì ta có thể nhận thức được, điều ấy là còn hoàn toàn không chắc chắn, tức xếp chúng vào cùng loại với những vấn đề ta chỉ mới có khái niệm sơ bộ, tuy đủ để nêu thành câu hỏi nhưng hoàn toàn thiếu các phương tiện hay là thiếu cả quan năng để giải đáp?”

Tôi khẳng định rằng, trong mọi loại nhận thức tư biện, đặc điểm của triết học siêu nghiệm là: không có vấn đề nào liên quan đến đối tượng của lý tính thuần túy mà không thể được giải quyết bằng chính lý tính ấy của con người, do đó việc viện cớ vào sự bất tri không thể tránh khỏi của ta và vào sự sâu thẳm không thể thăm dò của bản thân vấn đề cũng không thể giải phóng ta ra khỏi trách nhiệm đưa ra câu trả lời thấu đáo và hoàn chỉnh. | Lý do là: chính khái niệm đã cho phép ta đủ sức đặt ra câu hỏi cũng phải cho ta khả năng trả lời câu hỏi ấy, bởi lẽ đối tượng không thể tìm gặp ở bên ngoài khái niệm (như trong trường hợp đúng-sai [của nhận thức về tự nhiên].

Trong triết học siêu nghiệm, chỉ có các vấn đề vũ trụ học là ta có thể có quyền đòi hỏi câu trả lời thỏa đáng liên quan đến đặc tính của đối tượng mà nhà triết học không được phép thoái thác viện cớ vào sự tối tăm bí hiểm không thể thâm nhập được [của đối tượng], và các vấn đề này chỉ có thể liên quan tới các Ý niệm vũ trụ học. Bởi vì, đối tượng của nó bắt buộc phải được mang lại một cách thường nghiệm và câu hỏi chỉ liên quan đến tính tương ứng của đối tượng với một Ý niệm nhất định. Nếu đối tượng quả thật là siêu nghiệm [siêu việt] và vì thế tự nó không thể biết được, chẳng hạn: nếu hỏi rằng liệu đối tượng - là cái gì đấy mà hiện tượng của nó (trong bản thân ta) là tư duy (Linh hồn) - bản thân có phải là một hữu thể đơn thuần hay không; hoặc hỏi rằng có thể có một nguyên nhân tuyệt đối tất yếu cho mọi sự vật hay không v.v.. - trong các trường hợp như thế ta phải đi tìm một đối tượng cho Ý niệm của ta và ta có thể thú nhận rằng ta không thể biết được đối tượng nào như vậy,- dù không phải vì thế mà cho rằng nó không thể có[1].

Trong khi đó, chỉ riêng các Ý niệm vũ trụ học là có đặc điểm: chúng có thể giả định tiên quyết đối tượng của chúng và sự tổng hợp thường nghiệm cần thiết cho khái niệm ấy như là đã được mang lại, và câu hỏi nảy sinh từ các Ý niệm ấy chỉ liên quan đến tiến trình của sự tổng hợp này, trong chừng mực sự tổng hợp chứa đựng cái toàn thể tuyệt đối, là cái, rút cục [như ta đã biết], không còn có tính thường nghiệm nữa và không thể được mang lại trong bất kỳ kinh nghiệm nào. Như vậy, vì vấn đề đặt ra ở đây chỉ quan hệ đến sự vật như là đối tượng của kinh nghiệm khả hữu chứ không phải là vật-tự thân [như hai trường hợp nói ở trên], cho nên câu trả lời cho câu hỏi vũ trụ học siêu việt không nằm ở đâu ngoài trong Ý niệm, vì nó không liên quan đến đối tượng tự thân nào cả; và trong quan hệ với kinh nghiệm khả hữu, không phải hỏi về một cái gì có thể được mang lại một cách cụ thể (in concreto) trong một kinh nghiệm nào đó, mà là hỏi về cái gì nằm ở trong Ý niệm mà sự tổng hợp thường nghiệm chỉ có thể tiệm cận: như vậy câu hỏi phải [và] chỉ có thể được giải quyết từ Ý niệm mà thôi, vì nó là một sản phẩm đơn thuần của lý tính, nên lý tính không thể thoái thác trách nhiệm và không thể đẩy nó vào cho một đối tượng không biết được.

Không có gì lạ thường cả,- như mới thoạt nhìn - khi một môn khoa học được đòi hỏi và chờ đợi phải đưa ra những giải đáp thỏa đáng cho các vấn đề có thể nảy sinh ra từ trong lãnh vực của chính nó, tức cho các vấn đề nội bộ (questiones domesticae), dù đến thời điểm nào đó, các giải đáp vẫn chưa thể tìm thấy. Ngoài triết học siêu nghiệm, còn có hai môn khoa học thuần túy của lý tính, môn thứ nhất có nội dung đơn thuần tư biện, và môn thứ hai với nội dung thực hành, đó là toán học thuần túy và đạo đức học thuần túy. Trong toán học, ai trong chúng ta chưa từng nghe: vì ta hoàn toàn và tất yếu không biết các điều kiện, cho nên không thể biết chắc đâu là quan hệ chính xác giữa đường kính của hình tròn khi đem chia với chu vi của hình tròn sẽ có đáp số bằng số hữu tỉ hay vô tỉ? Bằng số hữu tỉ, đáp số được tìm ra sẽ không chính xác, bằng số vô tỉ thì chưa tìm ra [lúc nào cũng chỉ gần đúng] và vì vậy, ít ra ta cũng biết chắc một điều là bài toán ấy không thể giải được và LAMBERT* cũng đã chứng minh như vậy. Còn đối với các nguyên tắc phổ biến của đạo đức học, không có gì ở đây là không chắc chắn cả, vì lẽ các mệnh đề đạo đức học hoặc là hoàn toàn vô nghĩa, vô hiệu hoặc đều chỉ phát sinh từ các khái niệm của lý tính chúng ta.

Ngược lại, trong khoa học tự nhiên có vô số những phỏng đoán không bao giờ có thể trở thành xác tín được, vì những hiện tượng của tự nhiên được mang lại như những đối tượng độc lập với các khái niệm của ta, do đó, chìa khóa để giải đáp các câu hỏi này không thể tìm bên trong ta và trong tư duy thuần túy của ta, trái lại, nó ở bên ngoài ta và chính vì thế trong nhiều trường hợp không thể phát hiện được, do vậy ta không thể chờ đợi một sự giải đáp hoàn toàn thỏa đáng. Tôi cũng không xem các vấn đề của phần Phân tích pháp siêu nghiệm về sự diễn dịch nhận thức thuần túy của ta là thuộc về các loại vấn đề nêu trên, vì hiện nay ta chỉ bàn đến sự xác tín của những phán đoán trong mối quan hệ với những đối tượng, chứ không phải trong quan hệ với nguồn gốc của các khái niệm của chúng ta.

Do đó, đối với các vấn đề nêu trên của lý tính, ta không thể từ bỏ trách nhiệm phải đưa ra giải đáp - ít nhất là giải đáp có tính phê phán -, chứ không được phiền trách các giới hạn chật chội của lý tính chúng ta và làm ra vẻ khiêm tốn rằng chúng nằm ngoài khả năng của bản thân lý tính nên ta không thể trả lời dứt khoát các câu hỏi:

[ - ] thế giới hữu thủy hữu chung hay vô thủy vô chung?

[ - ] thế giới vô tận và vô hạn, hay hữu tận, hữu hạn?

[ - ] thế giới gồm các đơn tố hay tất cả đều có thể phân chia đến vô tận?

[ - ] những hiện tượng có thể được sinh ra bởi nguyên nhân tự do hay vạn sự vạn vật đều tuyệt đối phục tùng những định luật và trật tự tự nhiên?

[ - ] và sau cùng, có thể tồn tại một Hữu thể tất yếu và hoàn toàn vô điều kiện hay mọi tồn tại đều có điều kiện và phụ thuộc vào sự vật bên ngoài, và tự chúng là bất tất?

 [Lý tính phải trả lời các câu hỏi này] vì tất cả chúng đều liên quan đến một đối tượng không tìm thấy ở đâu khác hơn là ở ngay trong các tư tưởng của ta; đó chính là cái toàn thể tuyệt đối vô-điều kiện của sự tổng hợp mọi hiện tượng. Nếu các khái niệm trong đầu óc ta không giúp ta nói được điều gì chắc chắn về các câu hỏi ấy, thì ta càng không thể đổ lỗi cho sự việc là quá bí hiểm, bởi lẽ sự việc như thế [các đối tượng] không hề được mang lại (vì chúng không có ở đâu cả, ngoại trừ trong ý niệm của đầu óc ta). | Vậy, ta phải đi tìm nguyên nhân [của sự bất lực và thất bại] ngay trong bản thân ý niệm của ta, chính nó đã tạo ra vấn đề không thể giải quyết được và làm cho ta cứ ngoan cố giả định rằng có một đối tượng hiện thực tương ứng trọn vẹn với ý niệm ấy.

Một sự lý giải minh bạch về tính biện chứng nằm ngay trong các khái niệm của ta sẽ giúp ta sớm đi tới sự xác tín hoàn toàn về việc phải đánh giá như thế nào về một câu hỏi như vậy.

Nếu các bạn cứ viện cớ vào sự thiếu xác tín đối với các vấn đề nói trên, người ta sẽ đưa ra một câu hỏi ngược lại buộc các bạn phải trả lời rõ ràng: “Từ đâu các bạn lại sinh ra các ý niệm ấy để rồi phải vất vả, khó khăn lo giải quyết chúng? Các bạn muốn tìm sự giải thích cho một số hiện tượng, nhưng liệu các bạn có chờ đợi các Ý niệm ấy sẽ mang lại các nguyên tắc hay quy luật giúp cho việc giải thích?”. Hãy giả thiết rằng, giới tự nhiên hoàn toàn phơi bày ra trước mắt bạn và không có gì ẩn giấu trước các giác quan và ý thức của bạn; dù vậy, các bạn cũng sẽ chẳng bao giờ có thể nhận thức được đối tượng nào tương ứng với các Ý niệm của các bạn một cách cụ thể (in concreto) trong bất cứ kinh nghiệm nào cả (bởi vì điều kiện các bạn đòi hỏi không chỉ là một trực quan hoàn chỉnh, mà là cả một sự tổng hợp hoàn tất và ý thức về cái toàn thể tuyệt đối ấy, là điều không thể nào có được nếu chỉ nhờ nhận thức thường nghiệm. | Như vậy rõ ràng là vấn đề các bạn nêu ra hoàn toàn không hề là tất yếu cho việc giải thích bất cứ hiện tượng nào, đồng thời cũng không phải do chính một đối tượng nào nêu ra cả. | Một đối tượng không bao giờ có thể được mang lại cho các bạn, bởi nó không thể có trong bất cứ kinh nghiệm khả hữu nào cả. Dù bạn có được một tri giác về điều gì đi nữa, bạn vẫn bị ràng buộc bởi những điều kiện nhất định - trong không gian hay trong thời gian - và bạn không thể tìm được cái gì thực sự vô-điều kiện để đặt nó vào vị trí là cái khởi đầu tuyệt đối của sự tổng hợp hay xem nó là cái toàn thể tuyệt đối của cả chuỗi không có cái khởi đầu. Cái toàn bộ - trong ý nghĩa thường nghiệm của từ này - bao giờ cũng có tính [tương đối], so sánh. Còn cái toàn bộ tuyệt đối về lượng (toàn thể vũ trụ), về sự phân chia [đơn tố], về nguồn gốc phát sinh, về [nguyên nhân và] điều kiện của sự tồn tại nói chung, cùng với tất cả các vấn đề: liệu cái tuyệt đối ấy là do sự tổng hợp hữu tận hay vô tận mang lại -, đều không dính líu gì đến kinh nghiệm khả hữu cả. Bạn cũng không thể giải thích một hiện tượng, chẳng hạn một vật thể, bằng một cách hay hơn hoặc ít ra chỉ bằng một cách khác dù bạn giả định rằng vật thể ấy bao gồm những đơn tố hay toàn là những cái đa hợp, vì lẽ giản dị là bạn không hề tri giác được cái đơn tố hay cái đa hợp đến vô tận.

Những hiện tượng chỉ đòi hỏi được giải thích trong chừng mực các điều kiện để giải thích được mang lại trong tri giác. | Nhưng tổng số tất cả những gì được mang lại trong hiện tượng - được xem là cái toàn bộ tuyệt đối - thì bản thân lại không phải là một tri giác. Nhưng chính cái toàn bộ này lại là cái đòi hỏi phải được giải thích trong các vấn đề siêu nghiệm của lý tính thuần túy.

Tuy nhiên, dù việc giải quyết các vấn đề này không thể đạt được bằng kinh nghiệm, các bạn cũng không được phép nói rằng sự nan giải ấy là do bản thân các đối tượng gây ra. Bởi lẽ đối tượng này chỉ tồn tại trong đầu óc của các bạn chứ không thể có trong kinh nghiệm, vậy vấn đề của các bạn là phải tự lo liệu để tìm sự nhất trí trong chính các bạn, phải biết tránh để đừng rơi vào tính nước đôi (Amphibolie) làm cho Ý niệm của các bạn trở thành một biểu tượng sai lầm về một cái gì được mang lại thường nghiệm và như vậy, trở thành một đối tượng để nhận thức theo các quy luật của kinh nghiệm.

Tóm lại, một giải đáp giáo điều không những không xác tín (ungewiss) mà còn bất khả. Và giải đáp có tính phê phán có thể sẽ là giải đáp hoàn toàn xác tín bởi lẽ nó cũng sẽ không xem xét vấn đề ấy theo kiểu khách quan, trái lại xem xét ngay cơ sở của nhận thức mà vấn đề ấy dựa vào.

 

 


[1] Đối với câu hỏi: “một đối tượng siêu nghiệm có đặc tính gì”, ta không thể trả lời được nó là gì, nhưng ta biết chắc rằng câu hỏi đó không là gì cả [vô nghĩa, không có nội dung] vì không có đối tượng nào tương ứng với nó cả. Vì thế, có thể nói mọi vấn đề của Tâm lý học siêu nghiêm (thuần lý) đều có thể trả lời được cả,- và thực tế đã được ta trả lời - vì chúng bàn đến chủ thể siêu nghiệm của mọi hiện tượng bên trong, song bản thân chủ thể siêu nghiệm này lại không phải là một hiện tượng, nên không xuất hiện như một hiện tượng và do đó không thể áp dụng phạm trù nào để nhận thức được nó. Đây chính là trường hợp người ta thường nói “không trả lời tức là đã trả lời” vì hỏi về những đặc điểm của một cái mà không ai có thể hình dung được thuộc tính nào của nó cả - vì nó hoàn toàn nằm ngoài lãnh vực các đối tượng có thể được mang lại cho ta,- là điều hoàn toàn vô nghĩa và trống rỗng.

* J.H.Lambert (1728-1777): nhà toán học và triết gia. (N.D).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt