Triết học nghệ thuật

Đẹp là gì? (kỳ 2)

Tạp chí Nam Phong, số 7, tháng 1-1918, trang 26-9

ĐẸP LÀ GÌ?

Mấy nhời bàn về mĩ học

PHẠM QUỲNH

(tiếp theo kỳ 1)

 

II

Muốn biết tính chất đẹp thế nào, phải nên biện biệt, không nên lẫn cái đẹp với nhiều cái khá, như sự thích, sự ích lợi, sự thực, sự “lành”. Cái đẹp đối với bấy nhiêu cái có quan hệ một cách rất mật thiết, những không phải là giống với bấy nhiêu cái. Nay ta xét sự quan hệ ấy ra làm sao.

Trước hẵng xét đẹp không giống với thích, cái gì thích không tất nhiên là đẹp. Chắc rằng cái đẹp bao giờ cũng làm cho người ta thích, mà thích hơn cả mọi sự khác, nó khiến cho khoan khoái trong lòng, vui vẻ trong trí, có khi nó làm cho ta say mê được; nhưng không phải là bởi nó làm cho ta thích mà gọi là đẹp, chính là bởi nó có đẹp mới làm được cho ta thích. Vì từ cái thích đến cái đẹp, quãng đường còn xa lắm, mà cái thích về mĩ học lại là một cái thích đặc biệt, không giống với cái thích thường. Cái thích thường nó chỉ cảm đến một bộ phận trong người, nó tiếp xúc ngay đến thân thể, mà không được bình tĩnh trang nghiêm. Như thế thì không gọi là “mĩ tình” được. Bởi thế nên phàm mĩ thuật mà muốn mơn man cái cảm giác xấu của người ta để gây lấy cái thích sằng, thì là sai mục đích của mĩ thuật vậy. Cái thích của mĩ thuật phải là  cái thích cao thượng, vì sự đẹp là biểu cái phần tinh hoa trong tâm trí người ta. Nên các nhà tâm lý học nói rằng cái thích về sự đẹp là một cái cảm tình (sentiment), không phải là một sự cảm xúc (sensation). Cảm tình là cái đã nhập vào tính tình, cảm xúc là cái cảm chỉ động đến thân thể, hai đằng khác nhau xa vậy.

Cái đẹp không giống với sự ích lợi. Ích lợi là gì? Là dùng được việc, là định một cái mục đích cận lợi mà tìm kế cho đến được mục đích ấy. Phàm cái gì dùng dùng đượng thế là ích lợi cả. Cái máy dùng để chế đồ, cái áo dùng để mặc, đều là nhựng vật có ích lợi cả. Nhưng không phải vì ích lợi mà là đẹp. Cái đẹp nó khác và nó cao hơn; tự nó có một mục đích, không cần phải chủ cái mục đích gì ở ngoài nữa. Như cái áo mặc cũng có cái áo đẹp; nhưng tùng sử không đẹp cũng vẫn là có ích; có ích là vì nó dùng để mặc cho ấm người, đẹp là ở cái cách may chế khéo. Như thế thì sự đẹp là một cái thừa, một cái phụ ở ngoài, nhưng là cái thừa, cái phụ tuyệt phẩm; nó không có mục đích, vì mục đíc nó tức là ở nó vậy. Lắm khi cái đẹp không những không có ích lợi gì mà lại thậm là vô ích, nhưng dù thế mà thiên hạ vẫn chuộng là vì nó đẹp.

Cái đẹp không giống với sự thực. Ba Lỗ tiên sinh (Boileau) nói rằng: Không cái gì đẹp bằng sự thực, nghĩa là phàm đẹp phải có sự thực mới được; thực đây nghĩa là trong sự tưởng tượng phải hợp với nhẽ thiên nhiên, trong sự hình dung cái tưởng tượng ấy phải vũ cho không trái phép thường. Song sự thực tuy là một phần trong cái đẹp, nhưng không phải phàm cái gì thực là đẹp cả đâu. Như cái chân lý vô hình thì gọi là đẹp sao được, vì nó chỉ thuần thuộc về phần trí mà không cảm đến phần tình. Sách Thiên văn của ông Lạp Bối Lạp (Laplace) toàn là kể những sự thực cả, nhưng không phải là những sự đẹp, đẹp ấy là khi đêm thanh vắng, ngửng mặt lên xem cái cảnh tượng sao lấp lánh trên bầu giời. Cái bộ xương người ta không phải là đẹp, nhưng cả thân thể người ta, có vận động, có sinh hoạt, thế mới là đẹp. Nên cái câu của ông Ba Lỗ tiên sinh trên kia phải lấy câu sau này của ông Bá Lạp Đồ (Platon) nước Hi-lạp ngày xưa giải thêm vào thì mới thực là trọn nghĩa. Ông Bá Lạp Đồ nói rằng: “Cái đẹp ấy là cái vẻ rực rỡ của sự thực”, nghĩa là nó tô điểm cho sự thực được hùng tráng thêm lên, hoặc sán lạn thêm lên.

Cái đẹp không giống với sự “lành”. Lành tức là điều thiện. Phàm việc làm không trái nhẽ với nhẽ luân thường thế gọi là việc làn. Sự lành là sự cưỡng bách; làm người ai cũng phải có lòng lành, không thì là người dữ người ác. Như sự đẹp thì có thể cưỡng bách được không? Quyết rằng không. Đã gọi là đẹp mà lại nói là có thể bắt đẹp được, thì thực là một nhời nói vô nghĩa vậy. Dù vậy, sự đẹp với sự lành, không phải là không có quan hệ với nhau. Đẹp với lành, là hai tên để chỉ một sự tuyệt phẩm, xét ra hai phương diện khác nhau. Lành là sự tuyệt phẩm trong cách ăn ở, đẹp là sự tuyệt phẩm ở ngoài hình thể.

Như trong nghề văn chương thường xuất hiện ra một cái vấn đề như thế này: là văn chương quan hệ với đạo đức thế nào? Như một bài diễn kịch mà suốt từ đầu đến cuối chỉ thuần là những nhời khuyên răn người ta cả, như một thiên sách Luân lý, thì còn nghe sao được? Trong truyện rặt những người đạo đức cả thì không thành truyện nữa, phải tả cả những kẻ tàn ác, dâm tà, điên đảo, hiểm độc thì mới ra bài diễn kịch. Không những thế, có khi những nhân vật rất hèn mạt xấu xa mà khéo hình dung tả mạc đủ làm ra một truyện rất hay.

Như thế thì sự đẹp khác với sự lành, thực là khác nhau và mĩ thuật với đạo đức không thể lẫn nhau được. Tuy vậy gây ra một nền mĩ tạc cần phải giữ cho không hại đến phong tục trong nước, lương tâm người ta; cái thú của mĩ thuật phải là cái thú chính thực, quảng đại mới được. Người ta ai cũng có cái lòng hiếu nghĩa, nếu đọc quyển sách, xem bức tranh, nghe bài đàn mà không thấy cái gì đủ hưng khởi lòng hiếu nghĩa ấy, thì cái cảm thú tất không hoàn toàn, cái mĩ tình tất không trọn vẹn vậy. Nhưng phải nên nhớ rằng đạo đức không tất nhiên là phải sinh ra mĩ tình. Người con hiếu thảo với cha mẹ, thế gọi là làm trọn đạo lành, không gọi là làm một sự đẹp được. Sự lành mà thành đẹp là khi nào nó xuất hiện ra ngoài, mà cảm động đến cái tưởng tượng người ta, như làm những việc đại tiết nghĩa, đại công danh, đột ngột, hiển hách, khiến cho người đời phải phục.

Ta đã biện biệt những cái gì là không thuộc về sự Đẹp rồi, thì nay ta có thể giải được sự Đẹp là cái gì. Xưa nay các nhà làm sách định nghĩa chữ Đẹp cũng đã nhiều; các bậc đại triết thì tuy mỗi nhà diễn ra một cách, nhưng cái nguyên lý cũng là một. Có nhà thì nói rằng: Đẹp là tổng hợp cái hữu hạn với cái vô hạn, cái tuyệt đích với cái đối đích (Le beau est la synthèse du fini et de l’infini, de l’absolu et du relatif). Có nhà thì nói: Đẹp là cái vẻ rực rỡ của sự thực (Le beau est la splendeur du vrai). Muốn tìn lấy một câu định nghĩa vừa rõ ràng và vừa đều đủ hơn cả thì phải giải sự đẹp là cái gì sáng suốt, trọn vẹn, điều hòa, xuất hiện ra ngoài hình thức, cảm đến giác quan, đến tưởng tượng, đến tâm trí người ta, khiến cho vui sướng, khoan khoái trong người. Câu định nghĩa ấy tuy không được gọn như những câu của các tiền triết, nhưng cai quát được cả cái nghĩa đẹp ở đấy. Phàm đã gọi là đẹp thì phải sáng suốt mà không mập mờ, trọn vẹn mà không khiếm khuyết, điều hòa mà không chênh lệch, lại phải xuất hiện rực rỡ ra ngoài để cảm đến tai mắt người ta, không thể tiềm tàng ở trong tâm giới được. Có kiêm cả bấy nhiêu tính cách thì mới là “chân mĩ”.

Cứ như trên đã giải thì hiểu sở dĩ làm sao mà cái đẹp nó cho người ta một sự khoái lạc hoàn toàn như thế. Kể về đường khoái lạc thì người ta có nhiều cách sướng: xét một cái chân lý vô hình về số học cũng có thể vui mà đến mê người đi được; ăn miếng ngon, ngửi mùi thơm cũng lắm khi vui thích. Nhưng cái khoái lạc về mĩ thuật thì nó khác, tựa hồ như nó gồm cả những cái khoái lạc kia, mà là cái phần tinh hoa nhất trong mọi mối tình cảm của người ta. Nó là cái sướng, cái thú hoàn toàn hơn cả, vì cả tâm hồn thân thể người ta nhờ đó mà được thỏa mãn.

Tiền triết đã có câu rằng: “Người ta là một cái toàn thể y nhiên tự giời sinh ra”, như thế thì thân thể ta, linh hồn ta, tâm thần trí tuệ ta, tính tình ý chí ta, cũng đều là một cả, mà gồm lại thành một cái bản thể thiên nhiên. Sự đẹp cũng vậy mà gồm cả các cái thú cao thượng vào làm một, vẻ rõ rệt ra ngoài thì cảm tai mắt, tính tình người ta, nghĩa ẩn dụ ở trong thì cảm tinh thần trí tuệ người ta. Đối với sự đẹp thì cả toàn thể trong người đều phấn khởi hình như muốn hớn hở tươi tốt hơn lên. Ấy cái ảnh hưởng của sự đẹp sâu xa như vậy.

Các sách bàn về thẩm mĩ học thường nói trong cái đẹp có một phần cốt yếu, không có thì đẹp không được hoàn toàn. Phần ấy tức chữ tây gọi là grâce, mà ta gọi là cái duyên. Đẹp vô duyên thì đẹp cũng như xấu, đẹp có duyên thì thực là đẹp.

Vậy thì duyên là cái gì? Duyên là ở cái giáng điệu uyển chuyển mềm mại, ở sự vận động, sự sinh hoạt điều hòa; như khi là một cái vật bất động như bức tượng thì duyên là ở cái hình thể nhẹ nhàng, tưởng như có khí sinh hoạt thực. Hoặc về âm nhạc thì duyên cũng là ở sự vận động, nhưng cái vận động đây tựa hồ như ở ngay trong người mình nghe tiếng đàn lưu loát mà trong lòng tự nhiên khoan khoái. Lại như trông bông hoa đẹp, thì duyên là ở cái hình nó mĩ miều khả ái, cái sắc mườn mượt mà êm êm, mơn mơm mà man mát.

Muốn hiểu rõ cái “duyên” là thế nào, thì thử xét ngay thế nào gọi là “vô duyên”. “Vô duyên” là sắc thì thô lộ, hình thì cứng cỏi, điệu thì ngửa ngang, không được điều hòa, không được mềm mại, không được nhẹ nhàng.

Nhưng bởi sao mà phàm cái gì mềm mại nhẹ nhàng thì gọi là có duyên mà dễ khiến người ta thích? Là bởi cái tư tưởng, cái tưởng tượng của mình đối với cái hình tròn uyển chuyển thì tựa hồ như nó cứng cỏi khó coi; một đằng thì êm như du, một đằng thì khấp khểnh như sóc. Nhưng cái đó còn có một nhẽ sâu hơn nữa. Là sự mềm mại nhẹ nhàng ngoài giáng điệu nó là biểu hiện của mấy cái đức tính rất hay trong người ta. Người mềm mại nhẹ nhàng là người có bụng tốt, có tình yêu, có lòng tin với mọi người, đối với ai cũng dễ khiến người ta sinh ra cái cảm tốt. Người nào như thế thì gọi là người có duyên, mà có duyên thì hình như có cái hương thơm riêng, đi đến đâu cũng được lòng yêu của chúng. Đó là cái vẻ đẹp, cái phong thú tối cao của con người ta. Cái gì đẹp mà không có duyên với cái gì có duyên mà không đẹp thì người ta thích cái có duyên hơn cái đẹp. Đẹp mà nghiêm quá thì cũng chỉ khiến được người ta thích một nửa mà thôi.

Suy rộng ra trong mĩ thuật, thì phàm gọi là mĩ tác không phải cứ ngang bằng sổ ngay, không sai qui củ mà là đẹp đâu, phải mềm mại, uyển chuyển, có vẻ tự nhiên như cái duyên trong người ta thì mới thực là đẹp.

PH. Q

(Xem tiếp kỳ sau)


Nguồn: Tạp chí Nam Phong, số 7, tháng 1-1918, trang 26-9. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt