TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT TINH THẦN Ngôn ngữ của Bi kịch
GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831)
Georg Wilhelm Friedrich Hegel, “Tác phẩm nghệ thuật tinh thần” trong Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006, trang 1404-1418. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự đồng ý của dịch giả.
§ 733 [II. Ngôn ngữ của Bi kịch:]
Ngôn ngữ cao hơn [làm được điều này] là ngôn ngữ của bi kịch (Tragödie). | Bi kịch tập hợp lại gần nhau hơn những yếu tố bị phân tán của thế giới bản chất và thế giới hành động. | Bản thể của cái thần linh phân hóa thành những hình thái tương ứng với bản tính tự nhiên của Khái niệm; và sự vận động của bản thể này cũng tương ứng giống như thế với Khái niệm ấy. Về mặt hình thức, ngôn ngữ ở đây [trong bi kịch] không còn là ngôn ngữ kể chuyện nữa mà đã đi sâu vào nội dung, cũng như nội dung cũng không còn đơn thuần là một nội dung được hình dung bằng biểu tượng [bằng tưởng tượng]. Chính bản thân người anh hùng là kẻ phát ngôn; và sự trình diễn giới thiệu trước thính giả – cũng đồng thời là khán giả –, những con người tự giác biết và biết nói ra quyền hạn và mục đích, sức mạnh và ý chí thuộc về tính quy định của mình. Họ là những người nghệ sĩ không diễn đạt đơn thuần khía cạnh ngoại tại của những quyết định và hành động của họ một cách vô-ý thức, ngây thơ và hồn nhiên như trong kiểu ngôn ngữ vốn thường đi kèm theo hành động thường ngày của đời sống hiện thực; trái lại, họ làm bộc lộ cái bản chất bên trong; họ minh chứng sự đúng đắn của hành động của họ; và cái “Pathos” [động lực nội tâm] thúc đẩy họ được họ khẳng định một cách có suy nghĩ và diễn đạt một cách chính xác trong tính cá nhân phổ biến[1] của nó, thoát khỏi mọi sự bất tất của hoàn cảnh và tính đặc thù của những nhân cách khác nhau. Sau cùng, chính những con người hiện thực tạo nên sự hiện hữu của những tính cách này; chính những con người mới là kẻ đóng vai những người anh hùng và diễn tả họ trong lời nói hiện thực, không phải dưới hình thức kể chuyện mà trong lời nói của chính bản thân những người anh hùng. Cũng giống như điều thiết yếu đối với một pho tượng là được bàn tay con người tạo ra, thì diễn viên là thiết yếu đối với chiếc mặt nạ [nhân vật] của mình – không phải như một điều kiện ngoại tại mà về mặt nghệ thuật ta phải trừu tượng hóa [tước bỏ đi]; hay, trong chừng mực nhất định phải trừu tượng hóa, ắt cũng đồng thời thừa nhận rằng nghệ thuật ấy chưa chứa đựng được trong nó cái Tự ngã chân thật và đích thực[2].
§ 734 [a) Những tính cá nhân: đoàn đồng ca, các nhân vật anh hùng, các thần linh:] Mảnh đất chung, – trên đó sự vận động của những hình thái do Khái niệm tạo nên này diễn ra – là ý thức mới được diễn đạt bằng ngôn ngữ biểu tượng và là nơi [chi tiết của] nội dung bị giàn trải một cách rời rạc, lỏng lẻo không có cái Tự ngã hợp nhất lại. [Bây giờ, trong bi kịch] chính quần chúng bình dân nói chung là những người tìm thấy nơi đoàn đồng ca của những người lớn tuổi (Chore des Alters) chỗ phát biểu sự khôn ngoan của mình; đám đông nhận ra người đại biểu của mình ở trong sự bất lực của đoàn đồng ca này, bởi bản thân quần chúng bình dân chỉ đơn thuần tạo nên cái chất liệu vừa tích cực vừa thụ động cho tính cá nhân của chính quyền đứng đối lập lại với họ. Thiếu sức mạnh của cái phủ định, quần chúng không đủ sức để tập hợp và chế ngự sự phong phú, sự đầy ắp nhiều màu sắc của đời sống thần linh; họ đành để cho mỗi yếu tố riêng lẻ tự do tung hoành và, [do đó] ngợi ca từng mỗi yếu tố riêng lẻ như ngợi ca một vị thần độc lập, hết vị này đến vị khác trong những bài tụng ca của họ. Tuy nhiên, nơi đâu họ cảm nhận được sự nghiêm trọng [bi kịch] của Khái niệm khi Khái niệm tiến lên bên trên những hình thái ấy và chà đạp chúng nát vụn; và khi họ nhìn thấy được những vị thần linh mà họ ngợi ca lâm vào tình cảnh tồi tệ khi dám liều lĩnh mạo hiểm vào mảnh đất do Khái niệm cai trị, thì bản thân họ không phải là sức mạnh phủ định can thiệp vào bằng hành động, trái lại, họ tự khép mình trong tư tưởng trừu tượng, không có Tự ngã về sức mạnh ấy, trong ý thức về một định mệnh xa lạ và chỉ biết trấn an bằng ước nguyện trống rỗng và an ủi bằng những lời lẻ yếu ớt. Trong nỗi sợ hãi (Furcht) trước những sức mạnh cao hơn vốn là những công cụ trực tiếp của Bản thể, trước cuộc xung đột giữa chúng với nhau, và trước cái Tự ngã đơn giản của sự Tất yếu đang chà nát chúng lẫn những sinh linh gắn liền với chúng[3]; trong lòng trắc ẩn (Mitleid) đối với những sinh linh này[4], tức với những kẻ mà họ biết ngay là đồng loại với mình, họ [đoàn đồng ca] không có gì khác hơn ngoài nỗi sợ hãi bất động trước toàn bộ diễn trình này và lòng thương xót bất lực, và rút cục, chỉ còn sự yên ổn trống rỗng của việc cam chịu trước sự tất yếu mà kết quả việc làm của nó vừa không được hiểu như là hành động tất yếu của tính cách[5], vừa không được hiểu như là việc làm của Bản chất-tuyệt đối ở bên trong chính mình.
§ 735 Tinh thần không xuất hiện trong tính đa tạp phân tán của mình trước loại ý thức dự khán này (zuschauendes Bewußt-sein) [đoàn đồng ca], tức nơi mảnh đất dửng dưng của sự trình diễn, trái lại, nó xuất hiện trong sự phân đôi (Entzweiung) đơn giản của Khái niệm[6]. Vì thế, Bản thể tinh thần cho thấy mình đơn thuần bị giằng xé ra thành hai thế lực đối cực nhau. Những bản chất phổ biến cơ bản này đồng thời là những tính cá nhân tự giác, – những người anh hùng đặt ý thức của mình chỉ vào một trong những thế lực ấy, có được trong đó tính quy định cho tính cách của mình và kiến tạo nên hành động và hiện thực của thế lực ấy. Sự cá thể hóa phổ biến này – cần nhắc lại – còn hạ thấp xuống thành hiện thực trực tiếp của sự hiện hữu đích thực[7] và tự trình diện trước một đám đông khán giả, những người tìm thấy trong đoàn đồng ca cái đối ảnh của mình, hay nói đúng hơn, tìm thấy chính sự hình dung của riêng mình tự phát biểu ra.
§ 736 Nội dung và sự vận động của Tinh thần – mà ở đây, là đối tượng cho chính nó – đã được nghiên cứu như là bản tính tự nhiên và là sự hiện thực hóa của bản thể [của đời sống] đạo đức [§446 và tiếp]. Trong [hình thức] tôn giáo của nó, Tinh thần đạt đến ý thức về chính mình; hay tự diễn tả cho ý thức của nó trong hình thức thuần túy hơn và trong hình thái đơn giản hơn. Vậy, nếu bản thể đạo đức – do chính Khái niệm [nguyên tắc] và theo nội dung của mình – phân hóa thành hai thế lực đã được xác định như là: luật trời và luật người hay luật của thế giới bên dưới [cõi âm] và luật của thế giới bên trên [cõi dương], tức một bên là gia đình; bên kia là quyền lực nhà nước; một bên mang dấu ấn và tính cách của người nữ, bên kia là của người nam; – thì, cũng cùng một cách như thế, bây giờ, vòng tròn [hay hàng ngũ] những vị thần đa hình thái trước đây với những đặc điểm chao đảo, không ổn định tự khép mình vào những thế lực này; những thế lực – cũng do sự quy định ấy – tiếp cận gần hơn với tính cá nhân đích thực. Vì sự phân tán trước đây của cái toàn bộ thành những thế lực trừu tượng, đa tạp, xuất hiện ra một cách cứng đờ, cố định như những gì được bản thể hóa (substantiiert erscheinen), nên đó là sự giải thể của Chủ thể vốn quan niệm chúng chỉ như là những mô-men (Momente) trong Tự ngã của mình khiến cho tính cá nhân chỉ đơn thuần là hình thức hời hợt bên ngoài của những bản thể này. Ngược lại, một sự phân biệt xa hơn về những tính cách so với sự phân biệt vừa nêu thì được kể như là nhân cách ngẫu nhiên, bất tất và ngoại tại một cách “tự-mình”.
§ 737 [b) Ý nghĩa nhị bội của ý thức về tính cá nhân:][8] Đồng thời, cái Bản chất [trong trường hợp của bản thể đạo đức] cũng tự phân chia về mặt hình thức của nó, tức là về mặt biết hay không biết. Tinh thần khi hành động thì đặt mình – với tư cách là ý thức – đối lập lại với đối tượng mà hành động của nó nhắm vào; và đối tượng ấy, do đó, được xác định như là cái phủ định của người biết, qua đó, người hành động ở trong tình thế đối lập giữa việc biết và không biết. Người hành động lấy mục đích từ trong tính cách của mình và biết mục đích ấy như là tính bản chất đạo đức (sittliche Wesenheit), nhưng do tính quy định đặc thù của tính cách, người ấy chỉ biết Một trong các thế lực của bản thể, còn thế lực kia thì ẩn khuất, dấu kín với họ. Do đó, hiện thực đang có mặt vừa là cái gì khác “tự-mình”, vừa là một cái gì khác “cho ý thức”. | Trong mối quan hệ như thế, luật ở cõi cao hơn và luật ở cõi thấp hơn vừa có ý nghĩa là thế lực biết và tự khai mở cho ý thức, vừa là thế lực tự dấu mình và mai phục ở phía sau. Một bên là phương diện Ánh sáng, là Thần linh của sấm ngôn (der Gott des Orakels), vì xét về phương diện tự nhiên của mình [Ánh sáng], Thần linh ấy bắt nguồn từ Mặt trời soi chiếu tất cả, nên biết và khai mở tất cả, – là Phöbus và Zeus, Cha của Phöbus[9]. Nhưng những mệnh lệnh của vị Thần linh “nói thật” này và những lời công bố của Ngài về cái gì “đang là” thật ra lại là lừa dối. [và sai lầm]. Bởi lẽ, cái biết này, trong chính Khái niệm [nguyên tắc] của mình, trực tiếp là sự không-biết, vì ý thức – khi hành động – mặc nhiên là sự đối lập này. Cho nên, kẻ đã có khả năng giải được câu đố bí hiểm của con Nhân sư (Sphinx)[10] lẫn người đã có lòng tin ngây thơ như con trẻ[11] đều bị đẩy vào thảm họa bởi chính những gì Thần linh đã khai mở ra cho họ. Người nữ thuật sĩ – mà Thần linh lòng lành đã mượn miệng để nói ra sự thật[12] – cũng không khác chút nào so với “mấy chị em định mệnh” đầy ẩn ngữ hàm hồ[13], những người đã bằng những lời hứa hẹn, xui khiến nạn nhân của mình phạm tội ác[14] và cũng là những kẻ, do tính lắt léo, đa nghĩa của những gì họ đoan chắc, đã đánh lừa vị vua [Macbeth] khi ông ta tin vào ý nghĩa minh nhiên của những lời tiên tri của họ[15]. [Song] cũng có một loại ý thức thuần túy hơn [tỉnh táo hơn] loại ý thức vừa kể [Macbeth] vốn tin tưởng [mù quáng] vào các nữ phù thủy, cũng như từ tốn hơn và cặn kẽ hơn loại ý thức đầu tiên vốn đặt trọn lòng tin vào nữ thuật sĩ và Thần linh lòng lành [Ödipus, Orestos]. | Đó là loại ý thức thận trọng trước lời mách bảo của bản thân vong linh người cha liên quan đến tội ác đã ám sát ông[16], nên đã do dự trước việc trả thù và tổ chức việc tìm kiếm thêm các bằng chứng khác nữa với lý do là: hồn ma [người cha] khai mở điều bí mật này vẫn có thể là một ma quỷ [lừa bịp] nào đó đã giả danh[17].
§ 738 Sở dĩ sự nghi ngờ này là có cơ sở, bởi ý thức-đang-biết tự đặt mình ở trong sự đối lập giữa sự xác tín về mình một bên, và bên kia là cái Bản chất khách quan. Lẽ phải của cái đạo đức [xã hội] cho rằng hiện thực – về mặt tự-mình (an sich) – sẽ không là gì cả nếu đối lập với quy luật tuyệt đối, và trải nghiệm rằng cái biết của mình là phiến diện, một chiều và quy luật của mình chỉ là quy luật của tính cách riêng (Charakter) của mình thôi; và rằng cái biết ấy chỉ nắm được một trong các thế lực của Bản thể mà thôi. Bản thân hành động là sự đảo ngược này của cái “đã biết” thành cái đối lập của nó, thành sự tồn tại; là sự chuyển đảo (das Umschlagen) cái lẽ phải [xét theo quan điểm] của tính cách và của cái biết thành cái lẽ phải của chính cái đối lập mà cái trước đã gắn liền ở trong bản chất của bản thể; tức chuyển đảo thành những “Erinnyes” [“những nữ thần báo thù” trong thần thoại Hy Lạp] hiện thân cho thế lực và tính cách khác nay đã được kích động trở thành thù địch. Lẽ phải [của cõi] thấp hơn cùng ngồi trên ngai với thần Zeus và cùng được hưởng uy tín và thể diện ngang hàng với vị thần khai mở và biết[18].
§ 739 Thế giới các thần linh của đoàn đồng ca bị giới hạn ở trong ba cái Bản chất bởi tính cá nhân hành động. Một cái là bản thể, tức thế lực không chỉ làm chủ bếp núc, là Tinh thần của tình nghĩa gia đình mà còn là thế lực phổ biến của Nhà nước và chính quyền. Vì sự phân biệt này thuộc về bản thể, xét như là bản thể, nên, khi được hình dung thành biểu tượng [hình tượng], nó không được cá thể hóa thành hai hình thái khác nhau [của bản thể], trái lại, trong hiện thực, có hai nhân vật (Personen) mang những tính cách của nó. Ngược lại, sự khác biệt giữa biết và không-biết rơi vào bên trong mỗi Tự-ý thức của các Tự-ý thức hiện thực; và chỉ ở trong sự trừu tượng, trong môi trường (Element) của tính phổ biến, nó mới được phân chia thành hai hình thái cá biệt khác nhau[19]. Vì Tự ngã của người anh hùng chỉ có một sự hiện hữu như ý thức toàn bộ nên thiết yếu là cái toàn bộ của sự phân biệt thuộc về hình thức; nhưng bản thể của người anh hùng là được quy định và chỉ có một phương diện của sự phân biệt về nội dung là thuộc về người anh hùng. Do đó, hai phương diện của ý thức – trong hiện thực không có tính cá nhân riêng biệt, tách rời cho mỗi bên –, khi được hình dung bằng biểu tượng, mỗi phương diện nhận được hình thái đặc thù của riêng mình: một bên là hình thái của vị thần khai mở [công khai]; bên kia là hình thái của những vị thần báo thù [Erinnyes] giữ mình ẩn kín. Cả hai, một mặt, được thụ hưởng vinh dự như nhau; mặt khác, hình thái của Bản thể, tức thần Zeus, là sự tất yếu của mối quan hệ của cả hai đối với nhau. Bản thể là mối quan hệ theo đó [a:] cái biết là “cho mình” (für sich), nhưng có sự thật [chân lý] của mình trong cái Đơn giản; [b:] sự dị biệt, qua đó và trong đó ý thức hiện thực hiện hữu, có cơ sở ở nơi cái bản chất bên trong tiêu trừ, phá hủy chính sự dị biệt này; và [c:] sự cam kết rõ ràng cho chính mình về sự xác tín có được sự xác nhận ở trong sự lãng quên[20].
§ 740 [c) Sự suy vong của tính cá nhân [hay của “tính cách”]:] Ý thức đã vạch trần sự đối lập này bằng hành động. | Khi hành động theo cái biết đã được khai mở, ý thức trải nghiệm tính lừa dối của cái biết ấy; và khi – theo nội dung của cái biết – tuân phục theo một [phía] trong những thuộc tính này của Bản thể, nó đã vi phạm thuộc tính kia và qua đó, mang lại cho thuộc tính kia lẽ phải để chống lại bản thân nó. Khi chạy theo vị thần hiểu biết, khai mở, thật ra ý thức cũng đã nắm bắt được cái gì không được khai mở và chịu trừng phạt vì đã đặt lòng tin vào cái biết mà tính cách hàm hồ của nó – bởi đó chính là bản tính tự nhiên của cái biết – lẽ ra ý thức đã phải phát hiện và phải có sự cảnh báo. Sự cuồng loạn của người nữ thuật sĩ, hình thái phi nhân của các nữ phù thủy, những tiếng nói của cây, của chim, của các giấc mộng[21] v.v.. không phải là những phương cách trong đó sự thật xuất hiện ra; chúng đều là những dấu hiệu cảnh báo về sự lừa dối, về sự thiếu óc phán đoán trầm tĩnh, của tính bất tất, cá biệt của cái biết. Hay, cũng đồng nghĩa như thế, thế lực đối lập – mà ý thức đã vi phạm – đang hiện tồn như là quy luật công khai và luật lệ hiện hành, dù đó là luật của gia đình hay luật của nhà nước, trong khi ý thức, ngược lại, đã theo đuổi cái biết riêng của mình và tự che dấu với chính mình những gì đã được khai mở. Tuy nhiên, sự thật của những thế lực xuất hiện đối lập nhau về nội dung [của cái biết] và về ý thức có kết quả là: cả hai đều đúng như nhau; và, do đó, trong sự đối lập của chúng – sự đối lập do hành động tạo ra – đều cùng sai. Diễn trình của hành động minh chứng sự thống nhất của chúng trong việc cùng nhau tiêu vong của cả hai thế lực và của cả hai tính cách tự-giác. Sự hòa giải cho sự đối lập với chính mình – là Lethe [sự lãng quên[22]] của thế giới cõi âm trong hình thức của cái chết, hay là Lethe của thế giới cõi dương trong hình thức của sự xá miễn, không phải xá miễn khỏi tội lỗi (Schuld) – bởi ý thức không thể phủ nhận tội lỗi vì nó đã hành động –, mà là khỏi tội ác (Verbrechen) và trong hình thức của sự bình an tâm hồn đã chuộc tội. Cả hai đều là sự lãng quên, là sự tiêu biến của hiện thực lẫn việc làm của các thế lực của Bản thể, của những tính cá nhân cấu thành của chúng, và của những thế lực của tư tưởng trừu tượng về điều Thiện và điều Ác. | Bởi không có cái nào trong chúng là cái bản chất cho-mình cả, trái lại, bản chất này đúng hơn là sự an nghỉ của cái toàn bộ ở bên trong chính mình, là sự thống nhất bất khả chuyển động của định mệnh, là sự hiện hữu bình lặng, và do đó, là tính không-hành động và không có sức sống của gia đình và của chính quyền, là vinh dự ngang nhau và từ đó, là sự không-hiện thực dửng dưng của thần Apollo [sự sáng sủa của cái biết] lẫn của những thần Erinnyes [thế lực ẩn tàng của Bản thể], và là sự quay trở về của đời sống tinh thần và hành động của những vị thần này vào trong Thần Zeus đơn giản.
§ 741 Định mệnh này hoàn tất việc “giảm hẳn dân số” của cõi Trời – tức của việc trộn lẫn một cách vô-tư tưởng giữa tính cá nhân [“tính cách”] và Bản chất –, một sự trộn lẫn làm cho hoạt động của Bản chất xuất hiện ra như là cái gì không hợp lý, bất tất và bất xứng, bởi tính cá nhân [“tính cách”] – khi gắn liền một cách đơn thuần hời hợt với cái Bản chất – là tính cá nhân không có bản chất (unwesentlich). Như vậy, việc xóa bỏ những loại biểu tượng không có tính bản chất ấy – như những triết gia cổ đại đã đòi hỏi[23] – đã có sự bắt đầu trong bi kịch [Hy Lạp] nói chung, vì trong đó việc phân chia Bản thể là do Khái niệm điều chỉnh, cho nên tính cá nhân [phải] là tính cá nhân có bản chất và những sự quy định [phải] là những tính cách tuyệt đối. Chính vì thế, Tự-ý thức được hình dung [bằng hình tượng] trong bi kịch chỉ biết và thừa nhận Một thế lực tối cao, đó là thần Zeus. | Thần Zeus này chỉ được biết và thừa nhận như là quyền lực của nhà nước hay của gia đình; còn trong sự đối lập thuộc về cái biết thì chỉ đơn thuần như là Cha đẻ của cái biết về cái đặc thù đang thể hiện một cách cụ thể – và như là thần Zeus của lời thề hứa và của những Erinnye [các nữ thần trả thù], tức của cái Phổ biến, của cái Nội tại vẫn còn ẩn kín. Ngược lại, những mô-men khác rút ra từ Khái niệm và rồi bị phân tán trong hình thức của biểu tượng, – tức những yếu tố được đoàn đồng ca lần lượt khẳng định – đều không phải là cái “Pathos” [động lực nội tâm] của người anh hùng [cũng hiểu là của “nhân vật”]; chúng bị hạ thấp xuống cấp độ của “niềm đam mê” (Leidenschaft) ở trong người anh hùng, thành những yếu tố bất tất, không có bản chất. | Những yếu tố này tuy được đoàn đồng ca – không có Tự ngã – xưng tụng nhưng lại không đủ sức để tạo nên tính cách của những người anh hùng [nhân vật], cũng như không diễn đạt và tôn vinh những yếu tố ấy đúng như là bản chất [thực sự] của những người anh hùng.
§ 742 Hơn nữa, ngay cả những “nhân vật” của bản thân Bản chất thần linh lẫn những “tính cách” [khác nhau] của Bản thể [thần linh] đều dồn tụ lại ở trong tính đơn giản của cái gì thiếu vắng ý thức. Trái ngược với Tự-ý thức, sự tất yếu này có tính chất là thế lực phủ định đối với mọi hình thái xuất hiện ra, một thế lực trong đó chúng [những hình thái] không nhận ra chính mình, mà đúng hơn, bị tiêu vong đi. Cái Tự ngã xuất hiện đơn thuần như là bị gắn liền với các tính cách khác nhau, chứ không phải như là yếu tố trung giới của tiến trình vận động. Nhưng, [trong khi đó], Tự-ý thức – tức sự xác tín đơn giản về chính mình – trong thực tế chính là sức mạnh phủ định, là nhất thể của Thần Zeus, là sự thống nhất giữa Bản chất mang tính bản thể (das substantielle Wesen) và sự tất yếu trừu tượng; [nói cách khác], Tự-ý thức là sự thống nhất [nhất thể] mang tính Tinh thần (die geistige Einheit) mà tất cả đều quay trở về lại trong đó. Bởi lẽ [ở đây] Tự-ý thức hiện thực vẫn còn bị phân biệt với Bản thể và Định mệnh, nên một phần, nó là đoàn đồng ca – hay đúng hơn là đám đông khán giả – mà tiến trình vận động này của đời sống thần linh làm tràn ngập nơi họ sự sợ hãi như đứng trước cái gì xa lạ; còn nếu như là cái gì gần gũi thì chỉ tạo nên nơi họ sự xúc động của lòng trắc ẩn thụ động[24]. Phần khác, trong chừng mực ý thức cũng tham gia hành động và thuộc về những tính cách [nhân vật] ấy, thì sự hợp nhất [nhập vai] này – bởi ở đây chưa có sự hợp nhất đúng thực giữa Tự ngã, định mệnh và bản thể – chỉ là một sự hợp nhất bề ngoài, một sự “giả đạo đức” (eine Hypokrisie): người anh hùng [nhân vật], khi xuất hiện trước khán giả, phân đôi thành một bên là chiếc mặt nạ [nhân vật] của mình, bên kia là [bản thân] diễn viên; thành một bên là nhân vật (Person) [được diễn] và bên kia là cái Tự ngã hiện thực [của người diễn]. § 743 Tự-ý thức của những nhân vật [anh hùng] phải đi ra khỏi mặt nạ của mình và phải tự thể hiện như là đang biết chính mình như là định mệnh của những thần linh của đoàn đồng ca lẫn của bản thân những thế lực tuyệt đối; và từ nay, Tự-ý thức không còn bị chia cắt với đoàn đồng ca, với ý thức phổ biến nữa[25].
[1] “Tính cá nhân phổ biến” (allgemeine Individualität): những hình tượng nhân vật có ý nghĩa điển hình và giá trị phổ biến trong bi kịch Hy Lạp, chẳng hạn Antigone hay Oedipe... Có thể nói, đây là những kiểu mẫu gợi hứng cho Hegel viết nên một quyển Hiện tượng học về [các hình thái] của ý thức, trong đó ta thấy những điển hình như: Chủ, Nô, ý thức khắc kỷ, ý thức thượng lưu v.v.. đều là những “tính cá nhân phổ biến” theo một kiểu nào đó. [2] Vì thế, chỉ trong tôn giáo khải thị – tức hình thái tôn giáo đã vượt ra khỏi lãnh vực nghệ thuật – thì cái Tự ngã bi đát [trong hình tượng của đấng Christ] mới là “chân thật và đích thực” (wahr und eigentlich) chứ không còn được hình dung đơn thuần bằng nhân vật tưởng tượng trong Bi kịch cổ đại nữa. [3] Chỉ sự xung đột đầy bi kịch giữa “luật trời” (đời sống trong gia đình) và “luật người” (đới sống cộng đồng trong thành quốc cổ Hy Lạp), xem: §446 và tiếp; §464 và tiếp. [4] Ám chỉ lý luận về bi kịch của Aristote, theo đó nỗi sợ hãi hay kinh sợ (soros) và lòng trắc ẩn (eleos) được xem là các tác động đích thực của bi kịch. (Xem: Aristote: Thi pháp 9, tập 2). Ở đây, Hegel tán thành cách dịch sang tiếng Đức của Lessing: “eleos” (Hy Lạp) là “lòng trắc ẩn” (Mitleid) và “soros” là “nỗi sợ hãi” (Furcht) (trong tiếng Đức, Furcht là sợ hãi trước một nguy cơ nhất định, chẳng hạn trước định mệnh, trước cái chết..., khác với sự “lo sợ” (Angst) bất định). Lessing không đồng ý dịch “soros” là sự khiếp sợ (Schrecken) chỉ diễn tả một trạng thái của tâm thức. (Xem: Lessing: Toàn tập, tiếng Đức (1968), tập 10, tr. 97, 102 và tiếp). (Xem thêm: chú thích cho §194). (dẫn theo bản Meiner). [5] “Tính cách” (Charakter): tính cách tự nhiên của người nam hay người nữ thuộc về “luật người” hay “luật trời”, xem §466. [6] “Sự phân đôi đơn giản của Khái niệm” là sự phân đôi thành “luật trời” và “luật người” trong Khái niệm về trật tự đạo đức (§464 và tiếp). Hegel lý giải toàn bộ bi kịch Hy Lạp cổ đại (chủ yếu ở Eschyle và Sophokle) bằng sự phân đôi và xung đột giữa “gia đình” và “thành quốc”. [7] Tức người diễn viên trong bi kịch. [8] Sự phân đôi về mặt nội dung thành “luật người” và “luật trời” tương ứng với sự phân đôi về mặt hình thức giữa việc “biết” và “không-biết”. Việc “biết” rằng mình chỉ thuộc về một phía và “không biết” rằng như thế là vi phạm phía kia là nguồn gốc tạo ra bi kịch. [9] Lý giải Bi kịch “Eumenide” của Eschyle. [10] Ám chỉ Oedipus. Xem: Sophokles: “Vua Ödipus”. [11] Ám chỉ Orestos. [12] Ám chỉ các lời sấm ngôn ở đền Delphie. [13] Ám chỉ ba nữ phù thủy tự xưng mình là “những chị em định mệnh” đẩy Macbeth vào chỗ giết vua soán ngôi và sau đó, vào chỗ chết. Xem: Shakespeare: kịch Macbeth. [14] Xem: Shakespeare: kịch Macbeth, hồi 1, màn 3. [15] Xem: Shakespeare: kịch Macbeth, hồi 5, màn 7. [16] Ám chỉ Hamlet trong kịch bản cùng tên của Shakespeare, hồi 1, màn 5. [17] Ám chỉ Hamlet trong kịch bản cùng tên của Shakespeare, hồi 2, màn 2. [18] Phần cuối của bi kịch “Eumenide” của Eschyle. [19] Việc phân đôi của Bản thể (thành luật người và luật trời) không mang hình thái của các thần linh khác nhau mà thể hiện nơi hai hình tượng nhân vật anh hùng đối lập nhau (chẳng hạn Antigone và Cleon trong Bi kịch Antigone của Sophockle). Ngược lại, sự đối lập giữa Biết và Không-Biết ở bên trong nội tâm mỗi nhân vật lại mang hình thái của hai loại thần linh khác nhau (đó là thần Apollon của cái Biết sáng sủa, công khai của luật người và các thần Erinnyes của sự Không-Biết của luật trời). Nhưng như Hegel sẽ cho thấy, rút cục chỉ có thần Zeus (thần Dớt) mới là sự thống nhất của Bản thể, thể hiện mối quan hệ giữa các thế lực này. [20] Sự lãng quên: xem chú thích về chữ: “Lethe” tiếp theo. [21] Xem: Shakespeare: kịch Macbeth, hồi 2, màn 3; hồi 3, màn 3 và 5. [22] Lethe: (Thần thoại Hy Lạp): dòng sông ở Âm phủ, nơi người chết uống vào để quên hết cuộc sống dương trần. Sự lãng quên này là hình thái tiền thân của sự hòa giải trong tôn giáo khải thị. Trong bi kịch cổ đại, ta có sự “suy vong của tính cá nhân”, tức sự tiêu biến của “tính cách”, của sự thống nhất trực tiếp giữa Tự nhiên và Tự ngã. Sự phân ly giữa “luật trời” và “luật người” hợp nhất lại trong thần Zeus (thần Dớt) tối cao, báo hiệu sự ra đời của Tự ngã như là cái Tự ngã hiện thực và phổ biến. Sự thống nhất này sẽ là sự “tha thứ cái Ác” (§659 và tiếp) ở trong tôn giáo khải thị. (Trong các tác phẩm thần học thời trẻ, Hegel đã phác họa sự hòa giải này như là sự hợp nhất ý tưởng “định mệnh” của bi kịch cổ đại và ý tưởng về “Tình thương yêu” trong Ki-tô giáo. Xem: Nohl, Sđd, tr. 283). [23] Ám chỉ việc Xenophanes và Platon phê phán các chuyện kể về số lượng đông đảo các vị thần linh của Homer và Hesiod. (dẫn theo bản Meiner). [24] Xem lại quan niệm của Aristote về các tình cảm bi kịch: chú thích cho §734. [25] So với anh hùng ca trước đây, bi kịch đã có bước phát triển đáng kể, đó là đã hình dung một sự “tổ chức” có tính Khái niệm về Bản chất (thần linh). Sự thật của “tổ chức” này là nhất thể của thần Zeus (thần Dớt) dưới nhiều hình thức khác nhau (công khai và ẩn tàng); và nhất thể này của thần Zeus, trong thực tế, lại là nhất thể hay sự thống nhất của Tự ngã, của Tự-ý thức, hấp thu vào trong chính mình cả cái “Bản chất có tính bản thể” lẫn “sự tất yếu trừu tượng” vốn bị phân biệt trước đây. Bây giờ, cái Tự ngã này còn tự nâng mình lên để “đứng lên trên” mọi nội dung bản thể và mọi tính quy định: đó sẽ là ngôn ngữ của hài kịch cổ đại (qua sự lý giải tiếp theo đây của Hegel về hài kịch của Aristophane). |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC