TÔN GIÁO [TRONG HÌNH THỨC] NGHỆ THUẬT
b TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT SINH ĐỘNG[1]
GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831) BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải
Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự đồng ý của dịch giả.
§ 720 Quốc gia-dân tộc tiếp cận Thần linh của mình trong việc thờ cúng của tôn giáo-nghệ thuật là quốc gia-dân tộc đã được kiến tạo về mặt trật tự đạo đức xã hội (das sittliche Volk), nhận biết Nhà nước và những hành vi của Nhà nước của mình là ý chí và là sự thực hiện Tự ngã của chính mình. Do đó, Tinh thần này – đối với quốc gia-dân tộc tự giác – không phải là “Thần Ánh Sáng” nữa, bởi “Thần Ánh Sáng”, vốn không có Tự ngã (selbstlos), không chứa đựng bên trong mình sự xác tín của những Tự ngã cá biệt, mà chỉ là Bản chất phổ biến của những Tự ngã ấy; chỉ là quyền lực thống trị, trong đó những Tự ngã cá biệt đều bị tiêu biến đi. Việc thờ cúng cái Bản chất đơn giản, không có hình thái hiện thân như thế [Thần Ánh Sáng] chỉ đơn thuần đền đáp trở lại cho những tín đồ điều chung chung sau đây: họ là “dân” của vị Thần linh của họ. | Vị Thần linh ấy chỉ đơn thuần đảm bảo sự tự tồn vững chắc và bản thể đơn giản của họ nói chung, chứ không phải Tự ngã hiện thực của họ; trái lại, Tự ngã này còn bị vứt bỏ đi. Bởi lẽ, họ tôn thờ Thần linh của họ như cái sâu thẳm trống rỗng chứ không phải như là Tinh thần. Trong khi đó, sự thờ cúng của tôn giáo-nghệ thuật lại không có tính đơn giản trừu tượng này của Bản chất [thần linh], và vì thế, không có “cái sâu thẳm” của Bản chất này. Thế nhưng, Bản chất ấy lại trực tiếp hợp nhất với Tự ngã, là Tinh thần một cách mặc nhiên, “tự-mình” (an sich), là chân lý đang nhận thức, mặc dù chưa phải là chân lý đã được nhận thức [một cách minh nhiên], hay nói cách khác, chưa tự nhận thức về tính sâu thẳm của mình. Như vậy ở đây, vì lẽ Bản chất có một Tự ngã nơi chính mình, nên sự xuất hiện của Bản chất này là thân thiện, dễ gần đối với ý thức; và, trong việc thờ cúng, ý thức này không chỉ nhận được sự biện minh chính đáng cho sự tự tồn của mình nói chung mà cả sự hiện hữu tự giác ở bên trong bản thân sự thờ cúng ấy; cũng như ngược lại, Bản chất không [còn] có một hiện thực thiếu vắng Tự ngã ở trong một quốc gia dân tộc bị vứt bỏ và chỉ duy có bản thể của nó là được thừa nhận, trái lại, ở trong một quốc gia-dân tộc mà Tự ngã của nó được thừa nhận ở ngay trong lòng bản thể của nó.
§ 721 Vậy, từ sự thờ cúng, Tự-ý thức đạt đến sự thỏa mãn [đã tìm thấy sự yên bình, hòa giải] ở trong Bản chất của mình, cũng như Thần linh cũng đã đi vào trong Tự-ý thức như đi vào trong xứ sở (Stätte) của chính mình. Xứ sở này, tự nó, là đêm tối của “bản thể” [đơn thuần], hay là tính cá nhân thuần túy của bản thể ấy[2]; tuy nhiên, đã không còn là tính cá nhân đầy căng bức của nhà nghệ thuật khi chưa hòa giải được với cái Bản chất vốn cũng đang trong tiến trình trở thành đối tượng khách quan [xem lại: §709]; trái lại, là đêm tối [bản thể] đã được thỏa mãn, đã có cái “khát vọng” (Pathos) ở ngay bên trong chính mình và không còn khao khát điều gì nữa, bởi nó đã quay trở về từ trực quan, từ tính đối tượng khách quan [nay] đã được vượt bỏ. Khát vọng (Pathos) này, tự nó, là Bản chất của Mặt trời đang lên [“Thần Ánh Sáng”, hình thái tôn giáo đầu tiên ở Phương Đông], nhưng nay đã “lặn” [tiêu vong] vào bên trong chính mình; và có sự tiêu vong, tức có Tự-ý thức, và do đó, có sự hiện hữu và hiện thực ở ngay nơi chính mình[3]. Ở đây, Bản chất ấy đã trải qua suốt tiến trình hiện thực hóa chính mình. Từ tính bản chất thuần túy của mình, Bản chất đã đi xuống để trở thành một lực lượng khách quan của Tự nhiên với những biểu hiện ra bên ngoài của lực lượng ấy, bấy giờ Bản chất là một sự hiện hữu cho cái khác, tức là cho Tự ngã, bị Tự ngã “tiêu dùng”. Cái bản chất bên trong câm nín của giới Tự nhiên không có tự ngã (selbstlose Natur) khi trở thành hoa trái là đạt đến được cấp độ nơi đó Tự nhiên – tự dọn mình thành bữa ăn và được tiêu hóa – hiến dâng bản thân mình cho sự sống có Tự ngã: giới Tự nhiên đạt đến sự hoàn thiện tối cao của mình là ở trong tính hữu dụng, có thể trở thành đồ ăn và thức uống. | Bởi chính trong việc này [được ăn và uống], nó là khả thể của một sự hiện hữu cao hơn và tiếp xúc tới ranh giới của sự hiện hữu mang tính tinh thần. | Trong sự biến hình (Metamorphose) của mình, Tinh thần của Đất [Tự nhiên] đã phát triển thịnh mậu và một phần trở thành cái bản thể đầy năng lực âm thầm (stillkräftige Substanz); phần khác, thành chất men tinh thần; trong trường hợp trước, nó đạt tới nguyên lý nữ tính của [Bà Mẹ] dinh dưỡng; trong trường hợp sau, là nguyên lý nam tính của Lực đẩy tới của sự hiện hữu tự giác[4].
§ 722 Như vậy, trong sự hưởng thụ [thực phẩm] này, vị “Thần Ánh Sáng” đang mọc lên ở phương đông đã bị tiết lộ bản chất thật của mình: sự hưởng thụ chính là bí nhiệm (das Myste-rium) của Bản chất ấy. Bởi vì cái bí nhiệm (das Mystische) không phải là sự che dấu một bí mật hay sự không hiểu biết về bí mật ấy, trái lại, chính là ở chỗ: Tự ngã nhận biết rằng mình là một với Bản chất; và do đó, Bản chất này đã được khai mở. Chỉ có Tự ngã là được khai mở đối với chính mình; hay nói cách khác, cái gì khai mở là cái đơn thuần ở trong sự xác tín trực tiếp về chính mình. Nhưng, chính nhờ sự thờ cúng mà Bản chất đơn giản ấy đã được đặt vào trong một sự xác tín trực tiếp như thế. | Với tư cách là một sự vật khả dụng, Bản chất ấy không chỉ có sự hiện hữu của cái gì được nhìn, được cảm, được ngửi, được nếm, mà còn là đối tượng của sự ham muốn; và, nhờ sự hưởng thụ hiện thực, Bản chất ấy trở thành một với Tự ngã; và qua đó, hoàn toàn bị tiết lộ và trở thành khai mở cho Tự ngã[5]. Khi ta nói điều gì đấy là được khai mở (offenbar) đối với trái tim và khối óc, thì, trong thực tế, điều ấy vẫn còn là bí mật, bởi nó vẫn còn thiếu sự xác tín hiện thực của sự hiện hữu trực tiếp, [tức thiếu] cả hai: sự xác tín khách quan và sự xác tín của sự hưởng thụ. | Ở trong tôn giáo, sự xác tín về hưởng thụ không chỉ là sự xác tín một cách trực tiếp, vô tư tưởng [không phản tư] mà còn đồng thời là sự xác tín bao hàm cái biết thuần túy về Tự ngã.
§ 723 Vậy, thông qua việc thờ cúng, điều được khai mở cho Tinh thần tự giác ở bên trong chính mình là cái Bản chất đơn giản như là tiến trình vận động, nhờ đó, một mặt, cái Bản chất vượt ra khỏi đêm tối bí nhiệm của mình để vươn đến trình hạn của ý thức và hiện hữu ở đó như là bản thể dinh dưỡng âm thầm; trong khi đó, ở mặt khác, lại như tiến trình đánh mất chính mình một lần nữa ở trong đêm tối dưới mặt đất, ở trong Tự ngã, và lưu lại trên mặt đất chỉ như là nỗi hoài vọng âm thầm đến [Nguyên lý] Mẹ (Muttersehnsucht). Tuy nhiên, động lực vận động dễ nhận biết hơn chính là “Thần Ánh Sáng của Mặt trời [phương đông] đang mọc lên” được mang nhiều tên gọi khác nhau cùng với sinh hoạt thiên đình náo loạn của vị Thần này. | Cũng giống như tiến trình nói trước đây, cuộc sống thiên đình này sau khi từ bỏ sự tồn tại (Sein) trừu tượng của mình, thoạt tiên đón nhận hình thái hiện hữu khách quan của hoa trái của trần gian [như trong bí nhiệm về thần mùa màng Ceres], để rồi đạt đến sự hiện thực hóa thực sự khi tự hiến mình cho Tự-ý thức [trong cái bí nhiệm về Thần Bacchus và Dionysos]; và bây giờ tung hoành ngao du theo kiểu một đám đông các phụ nữ cuồng nhiệt [đoàn cung nga thể nữ – Mänaden – đi theo Thần rượu Dionysos], tức sự náo động không kiềm chế được của Tự nhiên trong một hình thái tự giác.
§ 724 Song, điều được tiết lộ ra ở đây cho ý thức vẫn chỉ mới là Tinh thần-tuyệt đối theo nghĩa của Bản chất đơn giản [trừu tượng] này, chứ chưa phải như là Tinh thần tự-mình (an sich/per se), nói khác đi: mới chỉ đơn thuần là Tinh thần trực tiếp, Tinh thần của Tự nhiên. Vì thế, đời sống tự giác của Tinh thần ấy mới đơn thuần là bí nhiệm về Bánh và Rượu, về thần Ceres và Bacchus, chứ không phải bí nhiệm của những vị thần khác, thực sự cao hơn [những vị thần ngự trên đỉnh Olympus] mà tính cá nhân của họ bao hàm Tự-ý thức, xét như Tự-ý thức, như là yếu tố bản chất. Tinh thần vẫn chưa tự hiến mình cho Tự-ý thức với tư cách là Tinh thần tự giác; và bí nhiệm của Bánh và Rượu chưa phải là bí nhiệm của Thịt và Máu[6].
§ 725 [Bước chuyển từ lễ hội cuồng nhiệt kiểu Dionysos sang lễ hội tỉnh táo kiểu Apollon:] Sự náo loạn quá mức ấy của cuộc sống thần linh phải tự làm dịu đi bằng cách tự biến mình thành đối tượng; và sự cuồng nhiệt vốn chưa đạt tới cấp độ ý thức cũng phải tạo ra cho được một sản phẩm đối lập lại với nó, giống như trước đây pho tượng là tác phẩm nghệ thuật đã hoàn thành đứng đối lập lại với nhiệt tình của nhà nghệ thuật, – một sản phẩm tuy cũng hoàn chỉnh như pho tượng, nhưng không phải là một Tự ngã chết cứng “tự mình” [như pho tượng] nữa mà như là một Tự ngã sống động[7]. Hình thức thờ cúng có được đặc điểm như thế chính là Lễ Hội do con người cử hành để vinh danh chính mình, mặc dù chưa đưa vào trong kiểu thờ cúng ấy ý nghĩa của Bản chất-tuyệt đối, bởi Bản chất mới thoạt đầu khai mở cho con người chứ chưa phải là Tinh thần, chưa phải là cái Bản chất (tuyệt đối) thiết yếu mang hình thái con người[8]. Nhưng, sự thờ cúng này đặt cơ sở cho sự khải thị ấy và thể hiện những yếu tố của sự khải thị này theo kiểu tách rời từng cái một. Như vậy, ta có ở đây yếu tố trừu tượng của tính thân xác sống động của cái Bản chất [Hữu thể tối cao], giống như trước đây, ta đã có sự hợp nhất của cả hai trong trạng thái của sự cuồng nhiệt không có ý thức. Thế chỗ cho pho tượng [trong hình thức tôn giáo trước đây], con người lấy chính bản thân mình như là hình tượng được huấn luyện thuần thục cho sự vận động hoàn toàn tự do, giống như trước đây, pho tượng là trạng thái hoàn toàn tự do của sự yên nghỉ bất động. Cho dù bất kỳ cá nhân riêng lẻ nào [trong lễ hội] ít nhất cũng biết diễn vai của một người cầm đuốc, thì một người trong đám đông ấy nổi bật lên như chính là sự hiện thân của toàn bộ cuộc vận động, là sự thực hiện thuần thục, là sức mạnh trôi chảy của tất cả mọi thành viên. | Cá nhân ấy là một tác phẩm nghệ thuật sống và linh động, kết hợp sức mạnh với vẻ đẹp; và – như một phần thưởng đền đáp cho sức mạnh của mình – cá nhân ấy được hưởng phần trang sức vốn được dùng để tô điểm cho pho tượng [trong hình thức tôn giáo trước đây] và niềm vinh dự được hiện hữu trong lòng quốc gia-dân tộc của mình không phải như vị Thần bằng đá tạc mà như là sự diễn tả tối cao bằng thân xác về cái Bản chất của quốc gia-dân tộc mình.
§ 726 [Cần hợp nhất yếu tố Dionysos với yếu tố Apollo:] Trong cả hai cách diễn tả vừa xuất hiện trên đây[9], sự thống nhất giữa Tự-ý thức với Bản chất tinh thần đã có mặt, nhưng cả hai vẫn còn thiếu sự cân bằng. Trong sự cuồng nhiệt đắm say của thần Rượu Bacchus [khác biệt với sự tôn thờ thần Apollo, tượng trưng cho sự tỉnh táo], Tự ngã ở bên ngoài chính nó; còn trong vẻ đẹp thân xác thì chính Bản chất tinh thần lại ở bên ngoài chính mình. Sự tối tăm của ý thức cùng với cách phát biểu bập bẹ, hoang dại trong trường hợp trước phải được hấp thu vào trong sự hiện hữu sáng sủa của trường hợp sau; và hình thức sáng sủa nhưng không mang tính tinh thần của trường hợp sau phải được hấp thu vào trong tính nội tại đầy phấn khích của trường hợp trước. Môi trường (das Element) hoàn hảo, trong đó tính nội tại đồng thời là tính ngoại tại, và tính ngoại tại đồng thời là tính nội tại, một lần nữa, cũng chính lại là Ngôn ngữ. | Nhưng, ngôn ngữ này không [còn] phải là ngôn ngữ của lời sấm ngôn với tính chất hoàn toàn bất tất và cá biệt về nội dung; cũng không phải là lời tụng ca thuần túy xúc cảm được hát lên để ngợi ca một vị Thần linh cá biệt, và cũng không phải là lời bập bẹ vô nghĩa, không có nội dung của sự loạn cuồng kiểu thần Rượu Bacchus nữa[10]. Trái lại, ngôn ngữ này đã đạt được nội dung vừa sáng sủa vừa phổ biến. | Nội dung của nó là sáng sủa, bởi lẽ nhà nghệ thuật đã đi ra khỏi tình trạng ban đầu của sự cuồng nhiệt hoàn toàn mang tính bản thể và đã đào luyện mình thành một hình thái [rõ rệt]; hình thái này là sự hiện hữu của chính nhà nghệ thuật, được thấm nhuần trong mọi bước vận động của nó bằng “linh hồn” tự giác; và đó cũng là sự hiện hữu [của những người] cùng sống chung trong cộng đồng (mitlebendes Dasein). | Nội dung của nó là phổ biến, bởi trong lễ hội này[11], – một lễ hội tuyên dương con người –, đã mất đi tính phiến diện, một chiều được biểu trưng nơi những pho tượng vốn chỉ chứa đựng một Tinh thần quốc gia-dân tộc, một tính cách đặc thù, nhất định của thần linh [của quốc gia-dân tộc ấy]. Thế nhưng, tuy rằng người vận động viên có thể hình đẹp đẽ [trong lễ hội Olympia] là niềm vinh dự của quốc gia-dân tộc đặc thù ấy, song anh ta là một tính cá biệt [cá nhân] mang tính thân xác, trong đó mọi chi tiết và ý nghĩa chặt chẽ lẫn tính cách nội tại của Tinh thần – vốn chuyên chở đời sống, nguyện vọng, nhu cầu và tập tục đặc thù của quốc gia-dân tộc của mình – đều bị tiêu vong hết. Trong sự xuất nhượng (Entäusserung) này để trở thành tính thân xác hoàn toàn, Tinh thần đã dẹp bỏ lại một bên những ấn tượng đặc thù, những dư âm của Tự nhiên (Natur) mà Tinh thần – với tư cách là Tinh thần hiện thực của quốc gia-dân tộc – vốn đã khép kín mình trong ấy[12]. Vì thế, quốc gia-dân tộc ấy đã không còn có ý thức về tính cách đặc thù của mình ở trong Tinh thần này nữa, trái lại, đúng hơn, đã, một cách có ý thức, dẹp bỏ tính cách đặc thù này lại một bên; và [từ nay] có ý thức về tính phổ biến của sự hiện hữu của mình như là sự hiện hữu của con người [nói chung].
[1] Tác phẩm nghệ thuật sinh động là những “lễ hội”. Chúng là sự “cuồng nhiệt của đám rước thần rượu Bacchus” (tượng trưng cho tinh thần cuồng nhiệt của thần Dionysos) và lễ hội tôn vinh “cơ thể đẹp đẽ” (lễ hội Olympique cổ đại Hy Lạp, tượng trưng cho tinh thần tỉnh táo, duy lý của thần Apollo). Có thể so sánh mục này với nghiên cứu của Nietzsche sau này về nguồn gốc của Bi kịch (Hy Lạp), chủ yếu về sự đối lập và bổ sung lẫn nhau giữa Dionysos và Apollo. Xem: Nietzsche: “Die Geburt der Tragưdie aus dem Geist der Musik”/“Sự ra đời của bi kịch từ tinh thần của âm nhạc” (1871). (Theo Nietzsche, các sức mạnh nguyên thủy – Apollo và Dionysos – của thế giới Hy Lạp đã được hòa trộn và hợp nhất trong bi kịch cổ đại. Sự suy tàn của bi kịch là sự ra đời của triết học duy lý, hiện thân nơi Socrate. Vào thời điểm ấy, Nietzsche còn hy vọng vào sự phục hồi của nền văn hóa hòa hợp này nơi nhân cách và âm nhạc của Richard Wagner (1813-83)). [2] “Tính cá nhân thuần túy của Bản thể: Trong thuật ngữ của Hegel, khi Bản thể được thủ tiêu hay vượt bỏ tính bản thể đơn thuần của nó thì trở thành “tính cá nhân thuần túy” (reine Individualität), hay: nói cách khác, là “đêm tối, trong đó Bản thể tự chuyển hóa thành Chủ thể”. Ở đây, tính cá nhân thuần túy này không còn là hoạt động căng thẳng của nhà nghệ thuật tách rời Tự ngã của mình với tác phẩm (§708) mà là sự quay trở lại của tác phẩm, tức khi trực quan về tác phẩm như về đối tượng xa lạ đã được vượt bỏ, do đó, là “đêm tối đã thỏa mãn ở trong chính mình”. [3] “Mọc” và “lặn” của Bản thể (để thành Chủ thể), xem §687. [4] Lý giải các “bí nhiệm” của cổ Hy Lạp về nữ thần Demeter (tức nữ thần Ceres trong thần thoại La Mã, tượng trưng cho mùa màng thịnh vượng) và thần Dionyses (thần Rượu Nho, mang lại vui tươi, hoan lạc, cuồng nhiệt). [5] Về sự ham muốn, sự hưởng thụ, Tự-ý thức như là Sự sống nói chung, xem lại: §166 và tiếp. [6] So sánh bí nhiệm cổ Hy Lạp với bí nhiệm của tôn giáo khải thị. [7] Phải có một sản phẩm nghệ thuật sống động tương ứng với sự cuồng nhiệt có tính thần linh kia để thay thế cho sản phẩm nghệ thuật trước đây là pho tượng chết cứng: đó là vẻ đẹp sinh động của thân thể con người (Lễ hội thể thao Olympia cổ đại). [8] Sự thể hiện của cái Bản chất hay Hữu thể tuyệt đối “thiết yếu mang hình thái con người” sẽ là sự nhập thể (thành người) theo nghĩa của tôn giáo khải thị. Nhưng, theo quan niệm của Hegel và cả của Hưlderlin, hình thái Lễ hội tôn vinh vẻ đẹp thân thể của con người ở giai đoạn này cũng là bước chuẩn bị cho sự nhập thể vượt ra khỏi khuôn khổ của [tôn giáo] nghệ thuật. [9] tức tính cuồng nhiệt không có ý thức và vẻ đẹp thân thể. [10] Bước chuyển sang hình thái tôn giáo nghệ thuật mang tính tinh thần (§§727-747) được thực hiện bằng ngôn ngữ (văn học) với anh hùng ca, bi kịch và hài kịch. [11] Ám chỉ lễ hội thể thao Olympia ở cổ Hy Lạp. [12] Pho tượng trước đây vẫn còn là Tinh thần đặc thù của một cộng đồng người trong cộng đồng những quốc gia-dân tộc Hy Lạp và thể hiện một hiện hữu nào đó của Tự nhiên. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC