Triết học nghệ thuật

Thái độ và nhận xét của Mác và Ăng-ghen về văn học

 

THÁI ĐỘ VÀ NHẬN XÉT CỦA MÁC VÀ ĂNG-GHEN VỀ VĂN HỌC

 

GIĂNG PHƠ-RÊ-VIN

Xuân Tửu, Trần Hữu Thung dịch

 


Giăng Phơ-Rê-Vin. Mác, Ăng-ghen, Lê-Nin và văn học nghệ thuật. Xuân Tửu, Trần Hữu Thung dịch. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1962, tr. 100-106.


 

5. Gớt-tơ

Mác ca ngợi Ét-sy-lơ, Sếch-spia, Gớt-tơ là ba nhà thơ thiên tài vĩ đại nhất của nhân loại. Ông nêu tên ba người rất nhiều lần, nhưng chính cái tên cuối cùng này là thường trở lại nhiều nhất dưới ngòi bút của ông.

Ngay từ năm 1837, ông đã viết bài công kích nhà tân giáo Put-scu-sen, con người hoảng sợ trước « tà giáo » của Gớt-tơ. Suốt tác phẩm của ông, ông đã trích dẫn nhiều câu thơ, nhiều nhận xét, nhiều tư tưởng của thi sĩ, để chỉ rõ quyền lực của đồng tiền, đề nhắc lại rằng tài sản riêng là do xâm đoạt, do tước đoạt, do bạo lực mà có, để phân tích tâm lý người tư bản thế kỷ XIX, bị co kéo giữa hai ý muốn trái ngược.

Người thứ nhất nói: tiêu xài, ấy là « hy sinh sự tích lũy » ; người thứ hai nói: tích lũy ấy là « khước từ » sự hưởng thụ... Rồi thì một cuộc xung đột đã nổi lên trong Phao-stơ giữa khuynh hướng tích lũy và khuynh hướng hưởng thụ.[1]

Ở Gớt-tơ, Mác quý trọng điều đã tạo nên chính cái vốn nhân đạo chủ nghĩa, lòng yêu đời và hành động tức là nguồn gốc của mọi trí thức, sự say sưa đem hết sức mình ra làm việc có ích và mối tin tưởng vào tương lai. Gớt-tơ viết trong Phao-stơ : « Khởi đầu là hành động”. Đối với Mác, hoạt động thực tiễn tạo ra ý thức và tư tưởng; nó giải thích lịch sử. Rũ sạch bụi bậm của giáo điều và lý thuyết suông, Mác đã tìm thấy ở Gớt-tơ sự lưu tâm thường xuyên mà chính Mác cũng có đối với tất cả những gì đang nẩy sinh và phát triển, đối với cái « cây luôn luôn xanh của cuộc sống ».

Nhưng giới hạn của xã hội thời đó đã cản bước Gớt-tơ, người thày của ngôn ngữ, nhà nghệ sĩ phi thường, nhà nhân đạo chủ nghĩa đáng kính. Ăng-ghen đã khám phá ra tấn bi kịch của Gớt-tơ trong sự kiện này: « Sự khốn cùng Đức » đã vấy đến ngay cả người Đức vĩ đại nhất ấy. Nhà thơ này có một tâm hồn phong phú quá nghiêng về những sự vật thực tiễn và nhục thể cho nên không tìm lẽ sống của mình trong lý tưởng của Căng như Sin-le. Gớt-tơ muốn sống trọn vẹn, muốn nếm đủ những hoa quả của trái đất, nhưng cuộc đời đến với ông lại nghèo nàn chật chội và để tiện nhỏ nhen. Ông khinh bỉ cái xã hội đang ve vãn ông, nhưng ông không thể nào thoát ra khỏi được. Tuổi càng cao, nhà thơ với con mắt hăng say, lại càng bị xóa mờ đi đằng sau viên thượng thư Uây-ma khôn ngoan và câu nệ. Đó chính là cái nhục và cái vinh của Gớt-tơ.

Nền văn học Đức vừa mới hình thành với tính cách là một nền văn hóa dân tộc với Lét-sinh, Cơ-lốp-stốc, Uy-ê-lan, Héc-đe, thì Gớt-tơ nổi lên. Sau này, Gớt-tơ nói : « lúc ấy tôi 18 tuổi, và nước Đức cũng 18 tuổi )[2]. Cuộc gặp gỡ năm 1770 giữa cậu thanh niên Gớt-tơ và Héc- đe ở Strát-sbua mở đầu giai đoạn của tư trào Bão táp và đắm say và tư trào chống lại chủ nghĩa duy lý và thể hiện những ước vọng, những mong đợi của một tầng lớp tư sản tiền tiến. Nhưng giai cấp tư sản Đức bị chủ nghĩa vị quốc ngăn trở, chịu bất lực trước những ông hoàng, những nhà quý tộc, trước tầng lớp quan liêu, nên không có truyền thống lịch sử, cũng không có ý thức chính trị, không có ngay cả thủ đô để cho các tư trào có thể gặp nhau và hình thành. Trong khi các nghị viện của cách mạng Pháp đã ghi vào luật pháp tư tưởng của các triết gia, thì nước Đức, nơi mà triết học chỉ chiến thắng trong trừu tượng, không bao giờ biết đến thời kỳ oanh liệt đó của giai cấp tư sản.

Là người phát ngôn của giai cấp đang lên, Gớt-tơ diễn tả trong tác phẩm của ông cuộc nổi dậy của cá nhân con người chống lại một xã hội đang chà đạp lên nó: Nhưng cuộc nổi dậy đó mặc dù táo bạo vẫn không thoát ra ngoài điều kiện của nước Đức, nên đã thất bại. Nhà hiệp sĩ có bàn tay sắt Gơ-đơ-phôn Béc-li-sin-ghen, đứng đầu cuộc nổi loạn của quý tộc chống lại vua chúa, nhưng khi sắp bị nông dân vùng dậy bao vây, thì ông ta lại tách ra : Chỉ sau khi đã chết, ông ta mới nhìn thấy nền tự do mà ông hằng mơ ước. Sau đó, Gớt-tơ lại chọn Pô-rô-mê-tê làm nhân vật của mình. Ty-tăng liều lĩnh muốn rằng loài người thoát khỏi quyền lục của các vị thần trên núi Ô-lanh-pơ. Nhưng chỉ đi đến kết quả là làm tăng thêm số nô lệ của thần Dớt. Rồi tới U-éc-te, tuy trẻ, hăng, có tài nhưng lại bất lực trong hành động và lại say sưa đến nỗi đi đến chỗ tự vẫn. U-éc-te, người đứng đầu của một lớp nhân vật ưu sầu, vật lộn với đời, với những ước lệ xã hội, với ngay bản thân họ và cuối cùng đã sụp ngã... Sau con người chiêm ngưỡng, đến con ngươi hành động: Bá tước Ét-mông là hiện thân của tinh thần can đảm, rộng lượng, tận tụy với quyền lợi chung, hiện thân của tinh thần yêu nước. Nhưng ông ta cũng ngã xuống, dưới bàn tay cường đạo và quần chúng được ông cứu thoát, cũng bỏ ông nốt...

Năm 1775, được quận công Sác-lơ Ô-guýt-stơ mời, Gớt-tơ đến ở thành Uây-ma, một thành phố có 6.000 dân cư. Làm cố vấn thân cận, rồi làm giám đốc cầu cống, làm bộ trưởng giáo dục năm 1790, rồi làm thủ tướng chính phủ từ 1815 đến 1828, Gớt-tơ quản lý rất chu đáo mọi quyền lợi của ông quận công bảo trợ cho mình. Người thanh niên hăng say ở thành Phơ-răng- pho từng thích thú trước cái chết của bọ chuyên quyền, nay đã trở thành một nhà thơ của triều đình và một đại diện cho chế độ chuyên chế sáng suốt...

Trong một phần tác phẩm của ông, cỏ dấu vết của cảnh « cùng khốn » của thành phố Uây-ma, của cảnh nô lệ về tinh thần mà ông đã dứt ra được bằng cách lánh qua trong hai năm, có dấu vết của việc thừa nhận hiện trạng của cuộc đời. Tinh thần kinh trọng và nhẫn nhục đã thay thế những lời nguyền rủa chống thần linh, sự phản kháng chống những « đạo luật sắt vĩnh viễn » xưa kia. Nhà thơ đã vấp phải « giới hạn của nhân tính » và chủ nghĩa cá nhân tham lam của ông đã phải nhường chỗ cho tinh thần ngoan ngoãn, cho sự khước từ :

Vì với thần thánh

Không gì đấu chọi nổi

Thần Pô-rô-mê-tê của tư trào « Bão táp và đắm say » đã quy phục, đã đứng về phía các thiên thần trên núi Ô-lanh-pơ...

Tuy nhiên, ông lại phẫn uất với số phận đã đưa ông đến địa vị công chức cao trong một lầu quận công nhỏ xíu : thì giờ dành cho công việc hành chính và những lễ lượt công đã thay thế thì giờ làm thơ. Ông phàn nàn về cái công việc « làm thày bọn khỉ » mà người ta bắt ông phải đóng vai... Ông trốn vào trong thế giới cổ đại, say đắm với lý tưởng Hy-lạp xưa, dựa vào cái đẹp Hy-lạp để xua tan những mây mù phương bắc, để trừ yểm bọn quỉ ban đêm, để xua đuổi « con ma phương bắc » là « Mê-phit-stô-phê-lét-xơ... » Nhưng cái « bẫy chuột » Uây-ma đã giữ ông lại, nó không thả ông ra nữa.

Nhị nguyên luận của Gớt-tơ mà Ăng-ghen đã nhấn mạnh, bộc lộ rõ trong thái độ của ông đối với cách mạng Pháp. Ông đi theo quận công Bơ-roon-svich lúc ông này xâm chiếm vùng Săm-pa-nhơ và một chiều ở thành Van-my, ngày 20 tháng 9 năm 1792, ông tuyên bố những câu bất hủ sau đây: “Ở đây bắt đầu một giai đoạn mới của lịch sử thế giới ». Trở về Uây-ma, ông ngồi tịt trong nhà để khỏi bị cuộc đời ồn ào kia quấy rầy.

Khi tư tưởng cách mạng tràn sang Đức, Gớt-tơ đã chống lại bằng những bi hài kịch chính trị, những tranh biếm họa không có chất sống như "Người công dân chung », « Bọn phiến loạn », « Đứa con gái hoang ». Ông đòi hỏi sự phục tùng của nhân dân, ông lên án cuộc đấu tranh của các đảng phái, lên án mọi tinh thần phá hoại.

Tôi không thể thích cuộc cách mạng Pháp vì tôi nhìn quá rõ những ghê tởm của nó. Từng ngày từng giờ nó làm tôi bất bình, vì tôi không thấy kết quả tốt lành của nó. Tôi càng không thể làm ngơ trước ý định muốn đem tái diễn một cách giả tạo lại ở Đức, những điều đã xuất hiện từ trong bản thân sự vật ở Pháp.[3]

Trong Những thiên phúng thích về thành Vơ-ni-dơ của ông, ông nghiêm khắc lên án những sự kiện xảy ra ở Pháp, những sự kiện đã làm cho « đám đông trở thành cường đạo của đám đông ». Tập Héc-man và Đô- rô-tê có một số bài thơ hay ca tụng thời kỳ người Pháp "trồng cây tự do" lên khắp nơi và

ở đó những việc tuyệt vời nhất mà con người có thể tưởng tượng được đều như gần lại và tay có thể với tới được...

« Với những người thị dân sợ sệt và khôn sớm trước tuổi của nó, với những người nông dân đang kêu ca và chạy trốn, với sự sợ hãi một cách dị đoan trước đạo quân của bọn khố rách »[4], bản tình ca chất phác tư sản đỏ vẫn là một lời biện hộ cho sự yên tĩnh, cho sự nhàn nhã, cho trật tự nước Đức đứng trước phong trào cách mạng đang dâng.

Ông rất thán phục Na-pô-lê-ông. Cuộc hội kiến giữa ông với hoàng đế ở Éc-phuya năm 1807 đã để lại cho ông một niềm ngưỡng mộ lâu dài. Ông cho Na-pô-lê- ông là « một xuất hiện cao nhất chưa từng có trong lịch sử, trên tột đỉnh của dân tộc cao ấy »[5]. Năm 1813, khi bọn vua chúa liên minh để chống Na-pô-lê-ông, Gớt-tơ kêu lên: « Con người ấy lớn quá đối với các người, các người không bẻ gãy được ông ấy đâu ! ) Bất chấp công luận chê trách ông là người không yêu nước, ông cử chế nhạo không tiếc lời các nhà thơ say máu chiến tranh; ví dụ như ông đã nói trong một bài thơ hài hước: Ác-nơ, con người muốn giết tươi quân Pháp, con người quốc gia hẹp hòi, không thừa nhận « mọi quyền của chúa cha vì chúa đã không tham gia vào đội quân của Lút-dốp ».

Tôi là người chỉ tính đến vấn đề văn minh và dã man, làm sao tôi lại có thể ghét bỏ một dân tộc đứng vào hàng văn minh bậc nhất của thế giới, và nhờ nước đó tôi mới có phần lớn văn hóa của tôi ?[6]

Nhưng nếu như những ông « Đức sùng dân tộc » dèm pha Gởt-tơ, thì các nhà văn của nước Đức trẻ, dưới ngòi bút của Gút-dờ-cu lại trách ông là đã không chiến đấu cho những tư tưởng mới thắng lợi. Và phải xã hội «chân chinh » kết nạp ông... Đúng như Ăng-ghen nhận xét, đó là một trừng phạt hợp lý, đối với những do dự, những yếu đuối, những lần lữa của ông.

Nhà thơ lớn đã thích nghi với những điều kiện tầm thường của cuộc sống Đức và những chăm lo vô bổ của một triều đình nhỏ bé, nhà thơ ấy đã ca tụng cuộc sống sung mãn, ca tụng ước vọng tốt hơn, đẹp hơn, sáng hơn, ca tụng sự chiến thắng của con người đổi với thiên nhiên và thời gian. Chủ nghĩa nhân đạo của Gớt-tơ, nền đạo lý mà ông cổ xúy trong Phao-stơ, lòng hâm muốn hiểu biết, tiến bộ và hạnh phúc của ông. đã không thể thực hiện được trong những điều kiện khách quan của thời đại. Mác và Ăng-ghen trong khi chỉ rõ những hạn chế xã hội của ông, đã nhặt ra phần tinh túy trong di sản mà Gớt-tơ để lại.



[1] Mác: Tư bản, q. I, t. III, Nhà xuất bản xã hội, Pa-ri 1950, tr. 33 34.

[2] Éc-kéc-man: Nói chuyện của Gớt-tơ, 15-2-1824.

[3] Éc-kéc-man: Nói chuyện của Gớt-tơ, 15-2-1824.

[4] Ăng-ghen: Chủ nghĩa xã hội Đức bằng thơ và văn xuôi, Toàn tập,t. VI, tr. 62.

[5] Gớt-tơ: Thư gửi Knê-ben 3-1-1807.

[6] Éc-kéc-man: Nói chuyện của Gớt-tơ 14-3-1830.

 


6. Lát-xan và bi kịch của cách mạng
4. Chủ nghĩa xã hội "chân chính"

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt